Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

241. Lệnh Hồ Xung - tiếu ngạo và phi ngạo


Giá em là nắng ban chiều
Anh bồng, anh chạy, anh liều, anh hôn
Mắt em trông thật thu hồn
Dáng em trông thật tươi giòn dễ thương
Chiều tà thơm lựng mùi hương
Ai ngồi, ai nhớ, ai vương, ai sầu!
Chiều say, mây lướt điệu đà
Nắng vàng e lệ, lan ra nửa chừng.
(Tâm sự của Lệnh Hồ Xung, NGLB)
 
Tiếu ngạo giang hồ’ (tiếng Anh: The Smiling, Proud Wanderer, hoặc State of Divinity) là một bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1967... ‘Tiếu ngạo giang hồ’ còn là tên của một bản nhạc cầm-tiêu hợp tấu được sáng tác bởi Lưu Chính Phong (cao thủ thất huyền cầm, phái Hành Sơn) và Khúc Dương (cao thủ thổi tiêu, Ma giáo) dựa vào khúc Quảng Lăng Tán thời nhà Đường. Sau khi hai cao thủ này chết, Nhậm Doanh Doanh là người duy nhất đánh đàn và thổi tiêu được nhạc phổ ‘Tiếu ngạo giang hồ’, rồi truyền lại cho Lệnh Hồ Xung.

Lệnh Hồ Xung vốn là một kẻ mồ côi, được 2 vợ chồng Nhạc Bất Quần đem về nuôi và truyền thụ võ công. Trong thời gian ‘trổ mã’, đại đệ tử của phái Hoa Sơn là Lệnh Hồ Xung chơi vô cùng thân thiết với con gái của Nhạc Bất Quần là Nhạc Linh San. Do ngày ngày bám riết bên nhau, hai người đã phát sinh tình yêu một cách hồn nhiên, có thể nói đó là một mối tình ‘thanh mai trúc mã’, rồi sau này hai người sẽ lấy nhau nếu… không xuất hiện nhân vật thứ ba là Lâm Bình Chi - vốn xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, con của Lâm Chấn Nam. Vì dòng họ Lâm có để lại bí kiếp ‘Tịch tà kiếm phổ’ vô địch thiên hạ mà bị các phái trong Ngũ nhạc kiếm phái và các bang hội dòm ngó, vợ chồng Lâm Chấn Nam bị Dư Thương Hải bức tử, Lâm Bình Chi may mắn thoát chết, được Nhạc Bất Quần cứu thoát và thu nhận làm đệ tử.
Với mưu đồ thâm hiểm nhằm chiếm đoạt ‘Tịch tà kiếm phổ’, Nhạc Bất Quần dùng Nhạc Linh San làm ‘con mồi’ để ‘nhử ‘Lâm Bình Chi. Vì là con của đại gia suốt ngày chơi bời lêu lổng, vốn không có cơ bản về võ công, nên Lâm Bình Chi học võ không tiến bộ tí nào. Quá bực mình, Nhạc Linh San bèn chỉ cho y học võ. Rồi vì suốt ngày kề cần bên nhau luyện võ, một chàng trai ‘ngờ nghệch’ và một cô gái chuyên ‘nũng nịu’ đã hợp tính nhau. Sau đó, do cảm xúc trước hoàn cảnh vô cùng bi đát của Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San đã chuyển từ ‘lòng thương hại’ sang tình yêu, đặc biệt là trong thời gian Lệnh Hồ Xung bị sư phụ phạt ‘diện bích’ một năm ở trên đỉnh núi Hoa Sơn, cô dần dần xa lánh Lệnh Hồ Xung.
Trong khi bị phạt trên núi, có một lần Lệnh Hồ Xung đánh không lại Điền Bá Quang và họ Điền có những lời sỉ nhục võ công của phái Hoa Sơn. Lúc đó, dù đã quy ẩn giang hồ nhưng Phong Thanh Dương buộc phải xuất hiện và bí mật truyền lại toàn bộ ‘Độc Cô cửu kiếm’ cho Lệnh Hồ Xung. Sau đó, Phong Thanh Dương vĩnh viễn không xuất hiện nữa và Lệnh Hồ Xung trở thành một tuyệt đại cao thủ kiếm thuật hầu như không có đối thủ. 
Có lần Lệnh Hồ Xung đã triển khai thần oai cứu phái Hoa Sơn khỏi đại nạn diệt vong, nhưng chàng bị thương nặng. Đào cốc lục tiên, vì không hiểu về bản chất trị thương, nên đã giúp chàng bằng cách truyền vào người chàng 6 luồng nội lực, sau đó, Bất Giới hòa thượng lại truyền thêm một luồng nội lực nữa, như vậy chàng bị 7 luồng nội lực khác nhau xung kích trong thân thể, dần dần bị kiệt sức đi lại không nỗi và đau đớn vô cùng. Được Sát thủ danh y Bình Nhất Chỉ chịu cứu chữa, nhưng vì bị các thuộc cấp của Thánh cô (tức Nhậm Doanh Doanh) cho uống nhiều thứ thuốc đại bổ vốn không trị được bệnh của chàng mà làm cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn, nên Bình Nhất Chỉ đành bó tay tự sát (y cho rằng không cứu được người thì phải tự giết mình) và Lệnh Hồ Xung chỉ còn có cách là chờ chết.

Nhậm Doanh Doanh, còn được gọi là Thánh cô, là con gái của Giáo chủ Ma giáo Nhậm Ngã Hành, người yêu sau này của Lệnh Hồ Xung, nàng là một tuyệt thế giai nhân, thông minh tuyệt đỉnh, tài hoa, mưu trí và dũng cảm.
...Sau khi bị nội thương trầm trọng, nghĩ chắc chắn là mình sẽ chết, hơn nữa vì thất tình bởi bị Nhạc Linh San bỏ rơi, Lệnh Hồ Xung không hề có bất cứ một tí tham vọng nào hết, chính vì thế mà nét ‘tiếu ngạo’ vốn có sẵn trong chàng đã được thể hiện một cách tột đỉnh: chàng sống hết mình với bạn hữu không phân biệt chính tà, trong đó chàng kết bạn với Doanh Doanh và được Doanh Doanh đem lòng ái mộ, dùng nhạc khúc 'Tiếu ngạo giang hồ để chữa bệnh cho chàng. Trong thời gian hai người lưu lạc, chàng đã... ‘phớt tỉnh’ trước mối tình si của Doanh Doanh - điều này buộc nàng - một Thánh cô của Ma giáo ‘dưới một người, trên vạn người’ phải nói: ‘em yêu anh’ trước!
Bệnh của chàng ngày càng trầm trọng, nàng buộc phải cõng chàng lên núi Thiếu Lâm để cầu xin cho chàng học môn 'Dịch cân kinh', mà nàng phải đánh đổi bằng cuộc đời mình: chịu ở tù (vì nàng là con gái của Giáo chủ Ma giáo). Nhưng chàng không chịu học môn nội công tâm pháp này (do điều kiện phải gia nhập phái Thiếu Lâm), rồi nàng được giải cứu sau một trận đại chiến giữa các đại diện của danh môn chính phái và Ma giáo, mà trận thắng quyết định cuối cùng lại thuộc về chàng. 
Hình như tình yêu là điều kỳ diệu của tạo hóa ban cho, dần dần chàng cũng đem lòng yêu Doanh Doanh, nhưng hình bóng của Nhạc Linh San trong tim chàng không hề phai nhạt, điều này càng làm nàng càng thêm ngưỡng mộ và yêu chàng hơn. Sau này, hai người ngày càng hợp nhau và càng sa... lưới tình. 
Sau đó, Lệnh Hồ Xung, Doanh Doanh hợp tác với Hướng Vân Thiên và Nhậm Ngã Hành đánh bại Đông Phương Bất Bại, họ Nhậm đoạt lại ngôi vị Giáo chủ Ma giáo được một thời gian rồi bị chết do tai biến đột xuất - một hậu quả của việc luyện 'Hấp tinh đại pháp'. Rồi Doanh Doanh được thừa kế chức vụ Giáo chủ Ma giáo, nhưng vì yêu sự ‘tiếu ngạo’, nàng đã nhường ngôi vị này lại cho Hướng Vân Thiên, còn Lệnh Hồ Xung thì từ bỏ chức Chưởng môn phái Hằng Sơn...
Hai người lấy nhau và cùng yêu nhau trong sự ‘tĩnh lặng’ của nhạc khúc ‘Tiếu ngạo giang hồ’ và khúc ‘Tiêu tương dạ vũ’ thảm sầu của Mạc Đại tiên sinh tặng hai người lần cuối cùng vào đêm đám cưới, và thế tục thường tình đã bị hai người bỏ lại sau lưng...

'Có phải ánh trăng lững lờ, mặt hồ man mác, lá rụng mùa thu, mái chèo nhặt khoan, tiếng đàn êm dịu, tiếng sóng vỗ đại ngàn, rừng hoang gió thổi xạc xào lá, những ngọn núi khói sương bàng bạc, những khoảnh khắc tỉnh mộng trong đêm, dõi nhìn những hàng cây trùng trùng điệp điệp, lắng hồn trong khúc ‘phụng cầu kỳ hoàng’, ngồi bên thềm lặng nghe giọt nắng, thảng thốt dưới ánh chiều tà, hay ngồi ở quán bên sông và chìm vào đáy mắt hồ thu của mỹ nhân…, mới đưa tâm hồn ta trở lại sự tĩnh lặng và do đó ta đạt được ngộ tính của tình yêu?' (Phi-Kim Dung và tình yêu).
 
Và... các tín đồ của tửu thần mấy ai mà không mê thần tượng Lệnh Hồ Xung hay các tài nữ mấy ai mà không mê thần tượng Doanh Doanh... Hai người đã có một tình yêu không thể nào đẹp hơn - một tình yêu lấy ‘tiếu ngạo giang hồ’ làm nền tảng và cũng chính nhạc khúc này là nơi mà tình yêu của hai người sẽ hội nhập trong một cuộc sống không màng danh lợi. Cuối cùng:
Gió gửi cho mây một dáng mềm
Thấy thần vệ nữ đến về đêm
Mây sa mưa gió, uyên ương... đắm
Nhân thế sầu đau, mây bỗng quên.

-----------------------------------
1. Tư liệu bổ sung:
Xin giới thiệu tóm tắt một số nhân vật có liên quan (theo thứ tự A, B, C):
-Bất Giới hòa thượng: cha của ni cô Nghi Lâm - người đã yêu đơn phương Lệnh Hồ Xung và có một tình yêu rất thánh thiện và tội nghiệp.
-Bình Nhất Chỉ: đệ nhất danh y thời đó, y có biệt hiệu là ‘Sát thủ danh y’ với nguyên tắc là ‘cứu  một người thì phải giết một người thế mạng’.
-Dư Thương Hải: Chưởng môn phái Thanh Thành, vô cùng nham hiểm, độc ác và đầy tham vọng.
-Đào cốc lục tiên: sáu quái nhân họ Đào, có võ công quái dị, giết người bằng cách xúm nhau xé xác đối thủ, tính ham huyên náo nhưng rất chân thật.
-Điền Bá Quang: còn gọi là ‘Thái hoa đạo tặc’, là một tên ăn chơi trác táng, chuyên bắt cóc gái nhà lành để hãm hiếp, y sở hữu môn võ công là ‘Khoái đao’ với các chiêu thức tấn công cực nhanh.
-Định Nhàn, Định Tĩnh và Định Dật sư thái: là 3 vị lãnh đạo của phái Hằng Sơn, trong đó Định Nhàn là Chưởng môn.
-Đông Phương Bất Bại: là kẻ làm đảo chính và ‘tiếm ngôi’ Giáo chủ Ma giáo của Nhậm Ngã hành, y đã tự thiến mình, trở thành một kẻ bán nam bán nữ, luyện thành công môn võ công ‘Quỳ Hoa Bảo Điển’ và vô địch thủ.
-Hướng Vân Thiên: Phó giáo chủ Ma giáo, sau khi Nhậm Ngã Hành chết, y kế nhiệm ngôi vị của Nhậm Ngã Hành.
-Khúc Dương: Trưởng lão Ma giáo, tác giả của nhạc phổ 'Tiếu ngạo giang hồ' (cùng với Lưu Chính Phong).
-Nhạc Linh San: con gái của 2 vợ chồng Nhạc Bất Quần, người yêu (!) của Lâm Bình Chi, rất xinh đẹp, ngây thơ, hoang dại và tốt bụng.
-Nhậm Ngã Hành: Giáo chủ Ma giáo (Nhật Nguyệt thần giáo), cha của Nhậm Doanh Doanh, là kẻ rất tàn ác, sở hữu môn ‘Hấp tinh đại pháp’ vô cùng tàn độc, tấn công bằng cách hút nội lực của người khác.
-Lâm Bình Chi: con trai của Lâm Chấn Nam, người yêu của Nhạc Linh San, tự thiến mình để luyện ‘Tịch tà kiếm phổ’ và trở thành người xấu.
-Lâm Chấn Nam: Tổng tiêu đầu của Phước Oai tiêu cục (dịch vụ chuyển hàng hóa), là truyền nhân ‘không thành công’ của ‘Tịch tà kiếm phổ’ của dòng họ Lâm.
-Lệnh Hồ Xung: vai chính trong truyện ‘Tiếu ngạo giang hồ’, đại đệ tử phái Hoa Sơn, đại ca của ‘lưu linh phái’ (ham uống rượu), tính tình tự do phóng khoáng, đặc biệt là thông minh tuyệt đỉnh, là truyền nhân của ‘Độc cô cửu kiếm’ và là người yêu của Nhậm Danh Doanh.
-Lưu Chính Phong: sư đệ của Mạc Đại tiên sinh, tác giả của nhạc phổ ‘Tiếu ngạo giang hồ’ (cùng với Khúc Dương).
-Mạc Đại tiên sinh: Chưởng môn phái Hành Sơn, y không thèm làm Chưởng môn mà giả làm ‘ăn mày’ đi lang thang phiêu bạt giang hồ, nổi tiếng với câu: ‘cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm thanh’ (trong đàn giấu kiếm, kiếm phát âm nhạc), y thường đánh khúc ‘Tiêu tương dạ vũ’ vô cùng ảm đạm.
-Mộc Cao Phong: một nhất đẳng tông sư ở vùng quan ngoại, gù lưng, vô cùng nham hiểm và độc ác.
-Nhạc Bất Quần: Chưởng môn phái Hoa Sơn, sở hữu môn ‘Hoa Sơn kiếm pháp’ và ‘Tử hạ thần công’, được mệnh danh là ‘Ngụy quân tử’, vô cùng nham hiểm, độc ác và đầy tham vọng. Y đã đánh cắp ‘Tịch tà kiếm phổ’ của dòng họ Lâm và tự thiến mình để luyện môn võ công này và tranh chức Minh chủ Ngũ nhạc kiếm phái với Tả Lãnh Thiền.
-Phong Thanh Dương: thế ngoại cao nhân, tuyệt đại cao thủ ‘kiếm tông’ của phái Hoa Sơn, sư thúc của Nhạc Bất Quần, người sở hữu môn ‘Độc Cô cửu kiếm’ vô địch thiên hạ.
-Phương Chứng đại sư: Chưởng môn phái Thiếu lâm, người truyền 'Dịch cân kinh' cho Lệnh Hồ Xung.
-Tả Lãnh Thiền: Minh chủ của Ngũ nhạc kiếm phái, bao gồm Tung Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn, Thanh Thành và Thái Sơn, y vô cùng nham hiểm, độc ác và đầy tham vọng, y tiến hành hợp nhất năm phái bằng cách hủy diệt 4 phái còn lại.
2. Các tài liệu tham khảo chính:
-‘Tiếu ngạo giang hồ’ - Kim Dung
-‘Quá nhi…’: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/161779/category/Kim+Dung
-‘Phi Kim Dung và tình yêu’: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/161695/category/Kim+Dung 
(Và các tài liệu khác có liên quan).

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

240. Mối tình tội nghiệp của A Tử




Đừng nỡ rời xa em, anh yêu
Rừng xơ xác lạnh, lá tiêu điều  
Hoàng hôn tím về bâng khuâng lối
Mây xám xa xôi, nuốt nắng chiều
Đêm trắng ngoài kia, trắng ngập trời
Lạc mất anh rồi, tim chơi vơi 
Ôm em chút xíu thôi anh nhé
Nhiều chút xíu thôi, muốn... rụng rời
(Tâm sự của A Tử, NGLB)
*
Không ngần ngại khi nói ‘Thiên Long bát bộ’ là một trong những bộ tiểu thuyết và đồng thời là một trong những bản trường ca giá trị nhất của nhân loại, nó có những tình tiết mà từ nhà bác học đến thứ dân cũng có thể tìm thấy đâu đó hình ảnh của mình trong các câu chuyện.
Người ta hay đọc và bàn về vô số người đẹp, nhưng vô tình người ta đã quên A Tử (vì nàng đóng vai phản diện!), chính ra mối tình si và vô cùng tội nghiệp của A Tử sẽ dần hiện lên một mối cảm thông sâu sắc từ đông đảo các người đọc và luôn đem lại trong ta một nỗi hoài cảm không bao giờ nguôi.
Trong phim ‘Thiên Long bát bộ’ gần đây nhất, người được chọn đóng vai A Tử là nữ diễn viên điện ảnh Trần Hảo - mỹ nhân ‘vạn người mê’ mà năm 2007 được bầu là ‘người đàn bà đẹp nhất Trung Quốc’ từ hơn một triệu người tham gia bình chọn (theo vietbao.vn).
*
A Tử là em của A Châu. Hai chị em là con của người đẹp Nguyễn Tinh Trúc - một trong 6 bà ‘vợ’ quốc sắc thiên hương của Đoàn Chính Thuần (xem entry 226).
Khi ra đời, do Đoàn Chính Thuần ‘vụng trộm’, 2 chị em A Tử không được cha mẹ chăm sóc mà gửi đi chỗ khác nuôi nấng, nên các nàng phải lưu lạc giang hồ từ bé. A Châu thì làm nô tì cho Mộ Dung Phục ở xứ Cô Tô. A Tử thì làm đệ tử cho Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu, ở vùng quan ngoại, một tên đại ma đầu lừa thầy phản bạn, vô cùng độc ác, nham hiểm khét tiếng, háo danh và đầy tham vọng… Vì bị ảnh hưởng của sư phụ, A Tử - một cô bé được sinh ra từ một dòng máu quý tộc đầy hãnh tiến và thông minh, đã trở thành một kẻ vô cùng độc ác, ma mãnh và xảo quyệt.
Trước khi A Tử gặp Tiêu Phong, A Châu đã có duyên gặp chàng - một kẻ anh hùng vô địch thiên hạ, khi khái ngất trời, nàng được chàng cứu, cùng trải qua nhiều sóng gió khủng khiếp, rồi nàng thông cảm với hoàn cảnh khốn nạn của chàng sau khi bị Cái Bang đảo chính và bị đối xử là ‘con chó Khất Đan', hai người đều ‘sa lưới tình’ (xem entry 228).
Sau đó, Tiêu Phong đi tầm thù rửa hận, tại Tiểu Kính Hồ, A Châu và A Tử gặp nhau và biết là hai chị em. Cũng tại đó, A Châu mặc dầu bị Tiêu Phong lỡ tay đánh chết, nhưng nàng được chàng xem như là ‘vợ’, trước khi chết, nàng trăn trối là chàng hãy thay mặt nàng mà chăm sóc và bảo vệ A Tử, vì thế sau này khi gặp bất cứ nguy hiểm nào, A Tử luôn mồm gọi Tiêu Phong là ‘tỉ phu’ (chồng của chị ruột).
Khi đến tuổi trăng tròn, thường mặc y phục màu tím, A Tử đẹp như thần tiên giáng thế, nàng đã ăn cắp Thần Mộc Vương Đỉnh của phái Tinh Tú (một dụng cụ để luyện võ công vô cùng tà độc từ nọc độc của các loài côn trùng rắn rết) để hy vọng luyện được võ công tuyệt thế nhằm thống lĩnh các sư huynh mà lâu nay A Tử không hề nể phục.
Các sư huynh của A Tử đã vâng lệnh sư phụ rượt theo, dĩ nhiên nàng chống cự không lại, may mắn lúc đó có Tiêu Phong đi qua, được chàng dùng nội công thượng thừa hỗ trợ, A Tử lần lượt hạ gục các sư huynh và được chúng đệ tử phái Tinh Tú tôn nàng lên làm ‘đại ca’.
Vì tính cách của Tiêu Phong là vô cùng phóng khoáng, trọng tình trọng nghĩa, quang minh chính đại… mà làm cho một ‘yêu nữ’ độc ác như A Tử dần dần đem lòng ái mộ. Sau đó, vì tính ích kỷ, muốn độc chiếm Tiêu Phong suốt đời bên cạnh mình, A Tử đã phóng một cây trâm độc vào Tiêu Phong, và lập tức ngay sau đó, nàng bị trúng một cú ‘Giáng long thập bát chưởng’ của chàng: thần chết đang đứng bên cạnh nàng chỉ cách có một sát na!
*
Thế là tình yêu của A Tử khởi ‘duyên’ từ đấy:

Giận anh giận đến hai lần
Giận thêm lần nữa, yêu nhân gấp... mười
Giận thì cái mặt xìu xìu 
Yêu thì cái mặt mỹ miều ghét ghê!
Lỡ tay đánh A Tử chỉ còn thoi thóp thở, Tiêu Phong vô cùng ân hận, chàng mang nàng đến núi Trường Bạch để tìm nhân sâm cao cấp cho nàng ăn ngày này qua ngày nọ, kết quả là nàng giả từ thần chết! Tại đấy, 2 người quen Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế nước Đại Liêu, chàng kết nghĩa anh em với y. Rồi với lòng dũng cảm tuyệt vời trong một cuộc chiến đấu vô tiền khoáng hậu với phe nổi loạn, Tiêu Phong được vua Liêu phong làm Nam Viện đại vương và A Tử được phong làm quận chúa.
Trong thời gian sống ở cung đình nước Liêu, A Tử được quen Du Thản Chi - kẻ định ám sát Tiêu Phong sau vụ Tụ Hiền Trang (cha của y bị Tiêu Phong đánh chết). Mới vừa nhìn thấy sắc đẹp mê hồn của A Tử, Du Thản Chi lập tức sa lưới tình, y yêu nàng đến cuồng si và tự nguyện làm một kẻ nô lệ cho sắc đẹp của nàng. Có lần y đã hy sinh cả cặp mắt của mình cho A Tử (bị mù do Đinh Xuân Thu hạ độc), mà đáng lẽ ra, A Tử phải lấy y làm chồng như Tiêu Phong đã khuyên nàng.
Trong lúc đó, vì ‘cảm’ Tiêu Phong, A Tử đã không theo cha theo mẹ, mà luôn bám theo chàng, rồi sáng sáng chiều chiều, đêm này qua đêm nọ, nàng thao thức tưởng nhớ chàng. Dù Tiêu Phong đã rất nhiều lần, khi A Tử gặp nguy hiểm, chỉ cần nàng gọi lên hai tiếng ‘tỉ phu’ là chàng cảm động mà xả thân giúp đỡ, chìu chuộng và chăm sóc nàng, nhưng chàng vẫn không… yêu nàng!, vì chàng luôn nghĩ về A Châu và những điều cao cả vĩ đại mà không hề đoái hoài đến tình yêu của nàng, điều đó khiến cho nàng ngày càng yêu chàng mãnh liệt hơn:
Nhớ gì nhớ ngẩn nhớ ngơ

Nhớ gì đến nỗi mơ mơ màng màng 
Hạ qua, thu đến, đông tàn
Xuân ghen, xuân giận, xuân gần, xuân xa.
Chuyện còn dài. Cho đến một ngày ở Nhạn Môn Quan, vì không muốn chiến tranh xảy ra giữa 2 nước Liêu-Tống làm đau khổ cho muôn dân, Tiêu Phong đã bắt cóc Gia Luật Hồng Cơ và kề dao vào cổ y, Hồng Cơ buộc phải bãi bình và thề suốt đời không xâm lược nước Tống nữa. Tiêu Phong lúc đó ở thế tiến thoái lưỡng nan, một mặt nhà Tống không chấp nhận chàng (họ xem người Liêu là kẻ thù), mặt khác Hồng Cơ xem chàng là kẻ phản bội, chàng buộc phải tự tử để đạt được khát vọng tự do (xem entry 228).
Khi Tiêu Phong ngã xuống, A Tử tự móc mắt và ném trả lại cho Du Thản Chi, nàng lao đến ôm xác Tiêu Phong khóc vô cùng thảm thiết, không cho ai đến gần, rồi nàng cùng với cái xác của chàng lao xuống vực sâu để đạt được… sự bất tử của tình yêu! Ngay sau đó, Du Thản Chi cũng nhảy xuống vực chết theo nàng.
*
-‘Tình yêu của A Tử, cũng như cuộc sống của A Tử, như một cây cột trồng trong vách, chưa có được một ngày hạnh phúc. Đau khổ thay cho nàng khi người duy nhất nàng yêu lại chẳng sá gì đến tình cảm của nàng…. Nên cái chết của Kiều Phong có khi lại là niềm hạnh phúc của A Tử. Vì chỉ lúc đó, ông mới thuộc về nàng, vĩnh viễn chỉ thuộc về nàng. Và dưới Nhạn Môn Quan, cuối cùng A Tử cũng tìm được hạnh phúc cho mình’ (Lam Anh).
-‘Cái bể khổ mà nàng con gái lạc loài trôi vào vừa êm ái, vừa tàn nhẫn... và nàng đã vẫy vùng trong đó để cuối cùng bất lực với yêu thương, chẳng bao giờ với được trái tim người anh hùng Kiều Phong mà chỉ còn có thể cùng chàng chung huyệt lạnh. Có thể, với con tim cuồng si của mình nàng vẫn cho đó là hạnh phúc và nở được một nụ cười duy nhất trong suốt quá trình say đắm người tình trong mộng’ (Hoàng Hôn Rạng Rỡ).
-‘Vâng, tôi thích A Tử, thương A Tử hơn cả A Châu. Bởi, A Châu hạnh phúc hơn A Tử hàng vạn lần! Ta thương nàng lắm, yêu nàng lắm, yêu mối tình si của nàng lắm, A Tử ạ! Ngủ ngon A Tử, ngủ ngon trong giấc mộng cùng Tiêu lang' (Bách Diệp).
*

Nửa này chỉ ở quanh đây 
Nửa kia ảo quá kiếm hoài chẳng ra 
Hát thì thơ thẩn lời ca 
Hát đi hát lại, diết da lòng buồn 
Em người mơ chốn thiên đường 
Anh người có kiểu yêu đương lạ kỳ
Say thì có mấy kiểu say 
Say tình là kiểu rất hay anh à! 
Thực ra, một con người dù tàn ác đến đâu cũng có ít nhiều 'phật tính'. Do số phận, A Tử ngẫu nhiên trở thành kẻ độc ác một cách tự nhiên, vô tư và hoang dại… Tiêu Phong là người đã vạch ra những sai lầm của nàng và trên thực tế, chàng đã chứng minh bằng những hành động vô cùng thông cảm cho cái đau khổ của con người. Ngoài ra, suốt cuộc đời lang thang cô độc, A Tử chưa hề được sưởi ấm một tí tình yêu nào của loài người, trừ Tiêu Phong! Vì vậy, Tiêu Phong là 'tiêu điểm' để A Tử trở về tinh khôi. Nhưng tiếc thay, vì không yêu A Tử nên chàng đã không thực sự cải biến nàng thành một người tốt.
Ngược với A Tử, A Châu đã được chết trong vòng tay người yêu và bóng hình nàng vĩnh viễn ngự trị trong trái tim chàng, còn với A Tử thì không có gì ngoài sự tuyệt vọng: nàng chỉ đạt được con số không từ tình yêu của Tiêu Phong!
Tình yêu của A Tử là một cái thực trong cái ảo, rất ‘người’ và đáng trân trọng. Nếu không có tình yêu thì không có con người, và do đó không có... tất cả mọi chuyện.
Hãy đặt một giả thiết là nếu bỗng nhiên đàn ông không còn thích đàn bà nữa (hay ngược lại) thì sao? Thì trước tiên, ta sẽ ngủ ngon vì không nghe tiếng mèo đực-cái ‘oa oa oa’ ghê sợ vào đêm…, rồi ta đem mấy cuốn truyện/thơ/nhạc/họa của Kim Dung, Shakespeare, Lev Tolstoi, Tagore, Khalil Gibran, Goethe, Mayakovsky, Lý Bạch, Leonardo da Vince, Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Thanh Tùng ra ‘đốt hết’…, rồi ta sẽ không nghe tiếng khóc của trẻ con nữa…, rồi ra đường ta chỉ thấy toàn là hoa dã quỳ (= quỷ già)…, rồi thế giới động vật và nhân loại sẽ không còn nữa, và… ta sẽ không có entry về nàng ‘A Tử đáng thương' trên đây!
Mối tình của A Tử là một mối tình nồng cháy như ánh mặt trời, nếu như truyện ‘Thiên Long bát bộ’ mà không có A Tử thì thế giới của Kim Dung sẽ rơi vào băng giá. Trung thành và nghĩa khí không phải là giá trị tối hậu của cuộc sống, dường như việc ‘phụ lòng’ A Tử làm cho vị anh hùng cái thế Tiêu Phong thiếu đi một 'nét' không kém phần quan trọng, đó là hương vị của cuộc đời.
Nếu mình là Tiêu Phong, mình sẽ... yêu A Tử, thật khó giải thích, nhưng để được A Tử yêu thì khó hơn lên trời... Ôi, ta yêu người thì người lại không yêu ta, nhưng người mà ta không yêu thì lại sẵn sàng vì ta mà... chết!
Và bên tai mình vẫn còn ám ảnh đâu đây tiếng kêu ‘tỉ phu’ đầy tình yêu, não lòng và tuyệt vọng của nàng...
------------------------------------
Các nguồn tham khảo chính:
-
Truyện 'Thiên Long bát bộ' - Kim Dung
-
Entry 226 - Đoàn Chính Thuần: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1012162/index
-
Entry 228 -Tiêu Phong và A Châu: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1014473/index (Và các tài liệu khác có liên quan).

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

239. O. Henry và chiếc lá cuối cùng



(O. Henry (1862-1910) tên thật là William Sydney Porto (sau này ông đã tự đổi tên đệm từ Sydney thành Sidney), là nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Bút danh O. Henry của ông lấy từ tên của một người cai ngục nhân hậu trong thời gian ông phải đi tù vì tội danh biển thủ. Ông là một nhà văn xuất sắc, một cây bút thực thụ về những truyện ngắn mang những thông điệp về tình thương giữa con người với nhau. Các tác phẩm được ưa thích: Sau hai mươi năm, Hoàng tử đồng xanh, Chiếc lá cuối cùng, Món quà của các đạo sĩ, Phán quyết của Geogia, Tên cớm và bản thánh ca, Cánh cửa màu lục, Một cuộc đổi đời, Ngôi giáo đường với cối xay nước, Căn phòng đầy đủ tiện nghi, Giấc mộng... (theo Wikipedia). 'Ai có thể đọc mà không cảm phục một Hamlet, yêu mến một Giangvangiang, hay không nghiêng mình trước mối tình Romeo và Juliet bi thương từng lung lạc cả địa đàng. Và khi đến với văn học Mỹ chúng ta lại tiếp tục được phát hiện và cảm nhận vẻ đẹp của tình thương yêu giữa con người với con người qua truyện ngắn ‘Chiếc lá cuối cùng’ của O.Henry’ (theo www.kilobooks.com).
Bên kia mờ mịt khói sương
Bên kia lá rụng, thiên đường tương tư
Tặng anh miền ký ức xưa
Tặng anh dáng gọn mới vừa thoáng qua
Thu về mây trắng mượt mà
Thu về nắng rụng chiều tà mênh mang
Bâng khuâng một giấc mơ màng
Cà phê một ghế, bàng hoàng chiều nay
(NGLB)
Cách đây vài tháng, có một lần ở quán cà phê, mình đã tâm sự chuyện ‘Chiếc lá cuối cùng’ với một người bạn như sau:

Có hai người bạn thân là nữ họa sĩ trẻ là Sue và Johnsy (Siu và Giôn-xi) với một lão họa sĩ già là Behrman (Bê-men) cùng sống chung trong một khu nhà trọ. Họ đều lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn như nghèo, bệnh tật… Riêng lão họa sĩ đã trên 60 tuổi, xem mình như là ‘đàn anh’ của hai cô họa sĩ trẻ, lão nát rượu và luôn mồm lãi nhãi rằng ông ta sẽ vẽ nhiều tác phẩm lớn, nhưng trong suốt 40 năm, lão chưa bao giờ vẽ nên một kiệt tác nào cả!
Vào một mùa đông lạnh giá, tuyết phủ, gió thổi, mưa rơi, Johnsy bị viêm phổi nặng lâu ngày, cơ hội sống sót là một trên mười. Vì không có chút lòng tin nào là mình sẽ sống sót, cô đã bỏ ăn bỏ uống, nằm bất động trên giường. Với suy nghĩ vô cùng bi quan, cô nằm nhìn qua cửa sổ và thấy một dây nho mà chỉ còn một số chiếc lá vàng hắt hiu trơ trọi đang dần dần rơi rụng, cô đếm từng chiếc lá rơi để chờ định mệnh phán quyết ngày giờ cuối cùng của mình… Chiều tàn dần, đêm đến, chỉ còn có 5 chiếc lá, cô đếm 5, 4, 3, 2 rồi 1: ‘Khi chiếc lá nho cuối cùng rơi xuống thì mình cũng sẽ đi luôn’, cô gái mất lòng tin đó chuẩn bị tâm lý là sẽ vĩnh biệt thế gian này vào sáng hôm sau. 
Ông lão Behrman và Sue biết được tâm sự của cô: ‘Cả hai cùng lo lắng nhìn mấy cọng giây nho bên ngoài cửa sổ’. Vào đêm khuya đầy bão tố, giá lạnh và mưa rơi tầm tã đó, với chiếc đèn lồng trên tay, lão họa sĩ già lặng lẽ lấy một chiếc thang leo lên bức tường gạch giáp cành nho, với một động lực thầm kín và sự xúc động cao độ, ông đầu tư hết tâm huyết của mình để vẽ một chiếc lá lên bức tường đó.
Sáng mai mở mắt dậy, nhìn qua cửa sổ, ồ!, cô ‘vẫn có thể nhìn thấy chiếc lá nho duy nhất còn bám vào cuống giây nổi bật trên bức tường’. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây, và ngày qua ngày, chiếc lá vẫn còn đó, nó vẫn không rụng mặc bao mưa gió phủ phàng, lòng tin tiềm ẩn trong cô đã được khôi phục như một mầm non ‘khát vọng sống’ nhú chồi sau cơn mưa: cô dần dần lành bịnh.
Còn sau đêm hôm đó, lão họa sĩ già đã nhập viện và chết vì bị viêm phổi đột xuất và quá nặng, nhưng ông mỉm cười nhắm mắt rất là mãn nguyện vì ông vẽ nên ‘chiếc lá cuối cùng’ mà đã đem lại sự sống và làm thay đổi tích cực cho cuộc đời của một tài năng trẻ, và nó đúng một ‘kiệt tác’ thực tế nhất và hiệu quả nhất trong đời của ông.
Một ngày nào đó rất gần, khi cặp mắt của bắt đầu lấp lánh, chị Sue sẽ cho cô biết một bí mật: ‘Nhỏ ơi, nó chính là cái tác phẩm lớn của cụ Behrman đó. Cụ đã vẽ nó vào cái đêm chiếc lá nho cuối cùng rơi xuống’... Và sau này, cô sẽ hiến dâng cho đời những tác phẩm được vẽ bằng tâm hồn cô: ‘Mình hy vọng có ngày sẽ vẽ Vịnh Naples’.
Màu tim tím xinh xinh
Rung động một bóng hình
Dáng ai cong cong thế
Anh quên cả lối về
Đừng xa anh em nhé
Nay đã hết mùa hè
Mùa thu vừa trổ nụ
Trong nắng chiều êm ru
(NGLB)
Bản chất của vấn đề là gì? Trước khi bàn, mình xin giới thiệu vắn tắt một số chuyện có liên quan:
-Câu Tiễn bị vua Ngô Phù Sai đối xử một cách vô cùng sỉ nhục, thậm chí y phải nén lòng ném ‘phân’ của Ngô Phù Sai, ‘tự ái’, 20 mươi năm sau, Câu Tiễn đã tiêu diệt được nước Ngô.
-Hán Tín thưở còn hàn vi, phải chịu nhục ‘luồn trôn’ một gã bán thịt heo, vì ‘tự ái’, nhiều năm sau Hàn Tín trở thành một viên Đại tướng của Lưu Bang, thậm chí y còn nhớ ơn gã bán thịt heo đó!
-Trong truyện của Dostoyevsky mà mình đọc từ nhỏ ('Lũ người quỷ ám'!), có kể chuyện về mấy anh em, khi có vụ giết người xảy ra, người ta đều nghi cho những người anh - là những kẻ 'bạo mồm bạo miệng', nhưng cuối cùng, người em út - kẻ mà bị người ta luôn ‘xem thường’ và cho là ‘đồ nhu nhược’ hay ‘đồ vô tích sự’ mới chính là kẻ giết người vì 'tự ái'!
Bây giờ thình lình đọc lại đoạn: ‘xem mình như là ‘đàn anh’ của hai cô họa sĩ trẻ, lão nát rượu và luôn mồm lãi nhãi rằng ông ta sẽ vẽ nhiều tác phẩm lớn, nhưng trong suốt 40 năm, lão chưa bao giờ vẽ nên một kiệt tác nào cả!’, mình bỗng giật mình! Phải chăng lão đã 'tự ái', suốt đời lão là kẻ 'bất tài vô dụng' chả làm được cái tích sự gì cả, lại là ‘tiền bối’ của hai cô họa sĩ trẻ, chả lẽ lão không làm nên một kiệt tác gì để hai cô bạn trẻ nể phục à!
Là một lão già nát rượu và 'chảnh', lão lấy đâu ra tâm hồn cao thượng, các blogger hãy quan sát một người nát rượu thử xem? Chúng ta cũng thừa biết là người Mỹ rất 'thực dụng', nên thường họ suy nghiệm sao thì viết vậy chứ không 'lý tưởng hóa' các câu chuyện mà họ viết ra. Dĩ nhiên, lão là con người thì lão phải có ‘thị dục huyễn ngã’, nhưng cái thị dục huyễn ngã đó được đặt ‘đúng nơi, đúng lúc’ mà đem lại lợi ích cho con người thì đáng trân trọng vô cùng.
Thế giới con người - thuộc về thế giới tự nhiên - là vô bờ bến và trùng trùng duyên khởi và do đó nó là kết quả của sự tác động tương hỗ của rất nhiều yếu tố có liên quan từ quá khứ vô cùng đến hiện tại. Nó là một sự kết nối của các 'dấu chấm' như Steve Jobs đã nói’ (trích entry 121 - ‘Phi Kim Dung và tình yêu’).
‘Xoay quanh câu chuyện có nói đến ai đó bị ho lao đã nhổ một bãi đờm xuống đất, bãi đờm khô, vi trùng bay vào mũi anh chàng nọ, làm anh chàng ấy bị lây bệnh ho lao mà sau đó chết đi, trước khi chết, anh chàng đó đã thổi lên những tiếng sáo não nùng tha thiết mà làm cho một cô gái rung cảm và nhờ đó sau này đã trở thành một nữ sĩ nổi tiếng. Có ai thấy được sự liên hệ giữa bãi đờm, một chàng trai bị ho lao và một nữ sĩ tài hoa!’(trích entry 95 - ‘Hắn gặp đức Phật Thích Ca Mâu Ni’).
Chiếc lá cuối cùng sẽ bất tử cùng với thời gian, mà cho đến nay, cái tâm hồn đẹp đẽ của ông họa sĩ già đó vẫn còn truyền một làn sóng ấm áp vào trong tim của rất nhiều người, trong đó có các blogger của chúng ta.

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

238. Jack London và tình yêu cuộc sống

Lâu ngày không thấy bóng nàng
Hạ buồn, hạ bỏ, phàn nàn với ai
Chờ nàng dưới nắng vàng phai
Chờ nàng hoa mắt, miệt mài tiếng yêu
Chờ khuya, chờ sáng, chờ chiều
Chờ hoài chỉ thấy bóng kiều trong mây
Hình như thu đến rồi đây
Bình minh lấp ló, sương mai ngập ngừng
(NGLB)
Con sói không những đấu tranh sinh tồn trong thế giới động vật, mà nhiều lúc phải đấu tranh sinh tồn với con người, còn con người không những phải đấu tranh 'sinh tồn' trong xã hội, mà có lúc phải đấu tranh sinh tồn với 'sói'. Con sói đó là ai?
Truyện ngắn ‘Tình yêu cuộc sống’ (Love of Life) là của Giắc Lân-đơn (Jack London, 1876-1916), một tiểu thuyết gia người Mỹ. Các bạn có thể đọc tiểu sử của ông ở hình sau:


(Thông tin bổ sung: ‘…Khả năng tài chính của Jack đã khả quan nên anh quyết định lấy vợ với ước vọng có con trai nối dõi. Nhưng Jack lại thất vọng vì nàng Bessie Maddern chỉ sinh hạ hai cô con gái… Năm 1905, Jack London ly hôn với Bessie và cưới người vợ thứ hai Charmian Kittredge. Sự nghiệp sáng tác văn học của ông cũng thay đổi từ đây. Tiếp theo Tiếng gọi nơi hoang dã chỉ có cuốn Nanh trắng (White Fang) là đáng kể… Những vấn đề tài chính cùng với sự xung đột trong gia đình (vợ sau của ông cũng không sinh được một cậu con trai nào cả) đã gây những cú sốc đầu tiên. Jack London tìm quên trong men rượu và tình hình càng tồi tệ hơn. Hiển nhiên những lá thư gửi cho Bernard Shaw cũng như nhiều văn sĩ Anh nổi tiếng khác được Jack London viết trong trạng thái khủng hoảng. Ngày 21.11.1916, ông tự vẫn trong trang trại của mình’ (theo www.trieuthanhweeklymagazine.com)

Một ngày nọ, có một chiếc tàu bị vướng bão tố và bị đắm, có hai người thoát chết và trôi giạt vào một bờ biển tại một vùng đất rộng lớn ở Bắc cực, một người đã rơi rụng, cuối cùng chỉ còn lại một mình ‘gã Bil’. Ở đấy điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, không có gì ăn, đói khủng khiếp, gã cố gắng hết sức lê lết từng mét để đến được nơi có con người: ‘Gã không còn biết mình hạ trại lúc nào và nhổ trại lúc nào. Gã đi ban đêm cũng nhiều bằng gã đi ban ngày’, rồi hoàn toàn kiệt sức, gã bèn phó mặc cho số phận, nằm đó chờ chết.
Cũng trên bãi biển đó, có một son sói già sắp chết, nó kiệt sức không xê dịch nỗi nữa, đã nhiều ngày nó không được miếng nào vào bụng, bao nhiêu lần nó tưởng như sắp vồ dược miếng mồi thì lại bất lực vượt khỏi móng vuốt của nó. Bỗng nó thấy trước mắt một miếng mồi ngon và là miếng mồi cuối cùng, một động lực sinh tồn mãnh liệt xuất hiện làm cho nó có thêm một sức mạnh vô hình, vì không còn khả năng vồ mồi, nó chờ cho con mồi chết để ăn thịt, nó ráng nhích mình từ từ tiến tới chỗ anh chàng, cách gã 5m, 4m, 3m, 2m, rồi 1m...
‘Suốt đêm, gã nghe thấy tiếng ho của con sói ốm, và thỉnh thoảng, tiếng quác quác của bầy tuần lộc non. Xung quanh gã đều có sự sống, sự sống cường tráng, rất sinh động và tốt lành, và gã biết con sói ốm bám theo con người ốm với hy vọng là con người sẽ chết trước. Sáng dậy, mở mắt ra, gã thấy nó đứng lom khom, đuôi cụp giữa hai chân như một con chó khốn khổ, thiểu não. Nó run cầm cập trong làn gió sớm lạnh giá và nhe răng cười buồn nản khi con người nói với nó bằng một giọng không hơn gì một tiếng thì thầm khàn khàn…’
Cả hai đều chỉ có một cơ hội cuối cùng, không có sự chọn lựa nào khác, một là sống, hai là chết, lúc đó, chỉ tồn tại một sự chọn lựa tự nhiên có tính cách sinh tồn của thế giới động vật bao gồm cả con người, đó là ‘phải sống’.
Mặc dầu đã buông mặc cho số phận, nhưng khi thấy thân xác mình sắp lọt vào miệng sói, một động lực vô hình đã trỗi dậy, thúc dục gã đem hết tàn sức trườn tới phía trước, lúc đó gã không còn nghĩ đến cái gì là không-thời gian, cái gì là ‘số phận’ và ‘không số phận’, cái gì là ‘thượng đế’ và ‘không thượng đế’, trong đầu gã chỉ còn có một thứ, đó là, bằng bất cứ mọi giá, gã ‘phải sống’.
Một cuộc rượt đuổi mang tính ‘sinh tồn’ vô cùng nghiệt ngã và ngọan mục giữa hai kẻ đã sức cùng lực kiệt: sói và người, may mắn là kẻ gục ngã trước là con sói, gã đã thoát chết.
Ngay sau đó, một tín hiệu ‘sống’ đã đến, một con tàu đã xuất hiện gần bãi biển, các thủy thủ trên tàu đã nhìn thấy gã, họ đã đổ bộ, anh chàng được bác sĩ cứu sống và cho ăn uống.
Và y tá bất ngờ phát hiện ra dưới chiếc chăn và trong áo quần của gã, có rất nhiều bánh mì được giấu kỹ, ai cũng tức cười: anh chàng vẫn còn bị ‘ám ảnh’ nặng vì cơn đói khủng khiếp vừa trải qua!!!
Có nhiều vấn đề rất đơn giản, nhưng dưới ngòi bút của các nhà văn lớn, chúng trở nên hay và có ý nghĩa đến kỳ lạ. Có thể hiểu nôm na là ai cũng có thể nấu món thịt kỳ đà, nhưng món ‘thịt kỳ đà bảy món’ thì chỉ có những tay đầu bếp ở huyện Easúp (tỉnh Đaklak) nấu là ngon nhất! Tương tự, các hiện tượng nêu ra bởi Marquez, Jack London, Aitmatov hay Kim Dung là các ‘chuyện thường ngày ở huyện’, các blogger cũng có thể nhìn nhận được như vậy, nhưng dường như ta chưa có đủ 'nội lực thượng thừa’ để viết hay như người ta!
Một sinh viên 21 tuổi nhận xét một cách lý thú rằng: Thường thì các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… với kinh nghiệm sống của mình và khi cảm xúc thì họ viết ra, chẳng hạn khi cảm xúc thì Hàn Mặc Tử/Bùi Giáng liền làm một bài thơ, Trịnh Công Sơn liền viết ra một bản nhạc, Jack London viết nên một truyện ngắn..., chứ bản thân họ không nghĩ cái gì xa xôi vĩ đại cả. Nhưng thường thì một số người đọc/nhà phê bình hay lấy suy nghĩ riêng của mình để vẽ nên một bức tranh vĩ đại từ các tác phẩm, mà sự vĩ đại này là xa lạ đối các tác giả.
'Có lẽ ý thức sinh tồn luôn luôn tồn tại trong từng con người và muôn loài, mọi sinh vật, chẳng qua có thể ta không thấy hay cảm nhận được tất cả (blogger Kmile)'...
Con sói ‘xấu’ lắm ư? Chưa chắc. Một lẽ đơn giản là con sói ‘xấu’ thì ta biết ngay, còn người ‘xấu’ thì hầu như ta chả biết tí gì, thậm chí thấy người đó ‘tốt’ ngất trời!
Ai bảo con sói ‘ác’ hơn con người? Con sói không có ‘ác’ như con người nghĩ, vì nó có thể bị con người ‘đoàng đoàng đoàng’ tiêu diệt trong nháy mắt, còn con người thì nhiều khi giả nhân giả nghĩa (ngụy quân tử), ‘lòng lang dạ sói’, hay sói đội lốt người! Truyện Kim Dung có những nhân vật như Thành Khôn, Tiết Công Viễn và Giản Tiệp, Hà Thái Sung và Thục Nhàn (Ỷ thiên đồ long ký), hay Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần (Tiếu ngạo giang hồ), hay Mộ Dung Phục (Thiên long bát bộ)... là những ‘con sói’ như vậy.
Bóng tím nghiêng nghiêng dưới chiều tà
Si tình, ai lại dõi theo sau
Gót hài nhẹ bước buông tình khúc
Thoang thoảng mùi hương, gợi chút sầu
Ai đó chờ ai, chờ đợi ai?
Ngoài kia thinh lặng, nắng đổ dài
Em ơi, thu về anh hay chứ
Nai vàng tư lự đắm chiều phai
(NGLB)
Tình yêu cuộc sống’ không chỉ đơn giản là cuộc đấu tranh giữa người và ‘con sói’ có tên là số phận. Ngoài số phận, con người còn có hai ‘con sói’ khác nữa, đó là:
- Các định kiến ràng buộc của xã hội do con người tạo ra mà vô hình chung tồn tại một cuộc đấu tranh giữa cái định kiến ràng buộc của xã hội đó với chính con người, có không ít người muốn vượt qua ‘con sói’ đó để đạt được khát vọng tự do?
- ‘Kẻ thù nguy hiểm nhất của con người là chính mình’, con người có thể chiến thắng được hàng triệu người nhưng không thể chiến thắng được chính mình! 
‘Tình yêu cuộc sống’ là một câu chuyện đầy tính nhân văn, nó đã mở ra một cánh cửa lạc quan cho con người, nó đã chuyển tới cho chúng ta một thông điệp: hãy tin vào sức mạnh của bản thân mình. Có nhiều blogger đã đọc tác phẩm này hay được học trong nhà trường. Ngoài ra, câu chuyện này đã được bà Krupxkaia, vợ của Lê-nin, đọc cho ông nghe trước khi ông qua đời.
Nhà bác học Mỹ Edison (1847-1931) đã nói, hầu hết, con người chỉ sử dụng được có 1% khả năng của mình trong đời! Rộng hơn, có lúc con người nghĩ là mình đã hoàn toàn kiệt sức, đã tuyệt vọng, nhưng dường như không phải vậy, con người có khát vọng sống, mà khát vọng này làm nên những điều thần kỳ ngoài sức con người.
Ký ức, hình ảnh xinh xinh
Ký ức nào mãi lưu tình trong tim

Yêu mà... ngại gặp chẳng tìm
Thời gian qua mất, trái sim chẳng còn

Chiều nay sắp có mưa buồn
Gió hờn cỏ dại, gió tuồn mây ngơ

Thân hình ai, đẹp thế cơ?
Thu sầu, thu nhớ, thu mơ, thu màng

(NGLB)
Con sói đó là ai? Nói cho cùng, nó là cái mà được gọi là số phận: ‘số phận luôn đeo đuổi con người, còn con người luôn tìm kiếm số phận’ (nhà văn Aitmatov). Nhưng có những người, trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, lại chiến đấu vượt lên trên số phận đã áp đặt cho mình, cái đó thường hình thành những bản trường ca làm cho cuộc sống thêm phần diễm tuyệt.

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

237. Mác-kết và trăm năm cô đơn



Cô đơn nào giữa cuộc đời
Cô đơn lòng thấy chơi vơi đêm về
Cô đơn chìm giữa cơn mê
Cô đơn than khóc cũng về hư không
Cô đơn nơi chốn biệt phòng
Cô đơn tin nhắn nào mong đến mình
Cô đơn dòng chữ vô tình
Cô đơn thượng đế lặng thinh chẳng nhìn
(NGLB) 


Cách đây khoảng 30 năm, có đọc cuốn ‘Trăm năm cô đơn’ của Mác-kết (Marquez), vì còn trẻ và tò mò, mình thấy cũng thích vì các mẩu chuyện nhỏ trong cuốn đó có nhiều chỗ lý thú, ví dụ mình còn nhớ đoạn hai anh em cùng ngủ trên một cái võng…, hai anh em xức đường hết vào hai người…, hai anh em vật lộn trên gường rồi động tình với nhau… Tất nhiên bây giờ mình nhìn nhận khác.
Cách đây khoảng một tháng, mình có nghe một người bạn nói ‘đọc Mác-kết chả thấy hay chỗ nào’! Có lẽ vậy, vì đọc ‘Tình yêu và cuộc sống’, ‘Chiếc lá cuối cùng’, ‘Hàm cá mập’, ‘Đoạn đầu đài’, 'Chiếc chìa khóa'… thì ta có thể hiểu ít nhiều, chứ còn đọc ‘Ngư ông và biển cả’ hay ‘Trăm năm cô đơn’, không ít người chả thấy chúng hay ở chỗ nào, thiệt! Thực ra, cái gì mà người ta đã ‘chấm’ giải Nobel thì cái đó không phải tầm thường (mặc dù không luôn luôn là đúng), nhưng giải Nobel là vô cùng khó, vì nếu dễ thì ta đạt... mấy chục giải Nobel rồi!
Mác-kết có tên đầy đủ là Gabriel Garcia Marquez, người Colombia, sinh ngày 6/3/1928 và được giải Nobel Văn học năm 1982. Ông là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ 20 còn sống và được đánh giá là ‘vĩ đại nhất từ sau Ernest Hemingway’, và là 'một trong hai con sư tử của nền văn học Mỹ Latin' (cùng với Mario Vargas Llosa).
Ông có các tác phẩm như: Trăm năm cô đơn, Ngài đại tá chờ thư, Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của ngài trưởng lão, Tướng quân giữa mê hồn trận, Biển của thời đã mất, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Sống để kể lại...
Ông được đánh giá là người ‘của’ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism): ‘cả chủ nghĩa siêu thực lẫn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đều nảy sinh trên mảnh đất của nó, đều là biểu hiện tính hiện thực của sự tồn tại con người. Khác nhau ở chỗ, chủ nghĩa siêu thực phù hợp với cái vô thức của cá nhân và tư tưởng Freud, còn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thì phù hợp với cái vô thức của tập thể và tư tưởng triết học Jung' (!) (theo nhà nghiên cứu văn học Auor Ocampo, nguồn 1), hay ‘đó cũng là lúc Marquez đam mê những sự việc và nhân vật kỳ lạ, khác thường, coi thực tế như tổng hòa những mẩu chuyện lạ’ (nhà văn Vargas Llosa).
Ông hiện sống ở Mexico và các báo đưa tin là ông đã bị mất trí: ‘Một cơn tiếc nuối bùng lên trong độc giả, được các mạng xã hội nhanh chóng truyền tải. Độc giả buồn, một số thất vọng, nhưng có lẽ phải một thời gian nữa họ mới cảm nhận hết sự thiếu vắng’ (theo tienphong.vn).
Vì sao số phận long đong
Mà ta chẳng được lặng trong cuộc tình
Vì sao chẳng có bình minh
Hoàng hôn lặng lẽ một mình ngắm mây 
Nửa kia ở đẩu ở đâu
Tìm em cả kiếp chịu rầu mà thôi!
Gom hoài chả được em nào
Gom đi gom lại chỉ vào ngu ngơ
(NGLB) 
Trăm năm cô đơn’ (One Hundred Years of Solitude) là tác phẩm nổi tiếng trên thế giới của nhà văn Mác-kết, đầu tiên được xuất bản tại Ác-hen-ti-na (1967), rồi Tây Ban Nha, rồi Cuba… Tác phẩm này đã được Ý, Pháp rồi Mỹ đánh giá là một trong 12 cuốn sách hay nhất trong thập niên 1960 và đã mang lại cho ông giải Nobel Văn học năm 1982.
Câu chuyện kể về một ngôi làng, nhưng dường như một phần lịch sử Colombia được thu gọn vào đây, nhiều sự kiện/nhân vật là có thật, ví dụ như Macondo giống ngôi làng mà Mác-kết sống thời niên thiếu, Đại tá Aureliano Buendía có nhiều nét giống ông ngoại của Mác-kết, nhóm bạn của Aureliano Babilonia cũng là nhóm bạn của Mác-kết khi ông bắt đầu tham gia báo chí, nhân vật Úrsula Iguarán có nhiều nét giống bà ngoại của Mác-kết: ‘Anh đã tìm được giọng điệu rồi! Anh sẽ kể lại câu chuyện này với gương mặt khô cứng như gỗ của bà ngoại khi kể cho anh nghe những câu chuyện lạ, bắt đầu từ cái buổi chiều nọ khi đứa bé được bố đưa đi xem nước đá’…
'Những nhân vật của dòng họ này bao gồm hai loại người: Những Aureliano có trí thông minh tuyệt vời nhưng trầm tư ủ dột lánh đời, và những Hose khỏe mạnh, bạo gan, sống hiện sinh, chan hoà. Vì các nhân vật Buendya càng ngày càng tách ra khỏi cộng đồng xã hội, sống trái tính trái nết… Đặc biệt nhân vật Aureliano Buendya tách ra khỏi cộng đồng. Chỉ có một người hiểu rõ tư chất ích kỉ của anh là mẹ anh - bà Ucsula. Bà nhận ra con cháu bà có đủ mọi phẩm chất tốt duy chỉ thiếu một thứ: tình yêu - trái tim yêu thương' (Nguồn 1).
Thuốc buồn hờ hững bờ râu
Mắt buồn nhấp nháy âu sầu muốn mơ
Thân buồn ra ngẩn vào ngơ
Khói buồn lơ lửng lên bờ hư vô
(NGLB)
Câu chuyện rất dài, các bạn có thể đọc truyện ‘Trăm năm cô đơn’ trên mạng, để tiết kiệm thời giờ, mình xin trích ra đây một tóm tắt:
Tiểu thuyết kể câu chuyện về dòng họ Buendya tồn tại được bảy thế hệ (khoảng 100 năm), người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuôí cùng bị kiến ăn. Đó là một dòng họ tự lưu đày đến cõi cô đơn để chạy trốn tội loạn luân.
Tội loạn luân phát sinh do việc tên cướp biển Francis Dark tấn công vùng Rioacha khiến cho các cụ tổ của bà Ucsula Igoaran phải chuyển đi lập nghiệp ở một làng hẻo lánh. Nơi đây họ gặp gỡ dòng họ Hose Accadio Buendya cũng đến đây sinh sống bằng nghề trồng thuốc lá. Hai dòng họ này kết thân và hôn nhân chồng chéo suốt ba thế kỉ. Cuộc hôn nhân cuối cùng là một thảm hoạ: đẻ ra đứa bé có cái đuôi lợn. Tấm gương khủng khiếp ấy khiến cha mẹ của chàng trai Buendya và cha mẹ của Ucsula tìm cách ngăn cản con trai con gái hai dòng họ lấy nhau. Không có sức mạnh nào ngăn cản nổi hai người đến với nhau. Khi làm đám cưới, Mẹ cô dâu Ucsula tìm cách trì hoãn việc ăn ở của con gái bằng cách may cho cô 'chiếc đai trinh tiết' dặn cô sử dụng để ngăn chặn thảm hoạ. Mới đầu sợ hãi, cô nghe lời mẹ trước khi đi ngủ nhớ mặc ‘chiếc quần trinh tiết’. Sự giữ gìn ấy kéo dài một năm, dân làng ngạc nhiên tò mò và đồn đại anh chồng bị bệnh bất lực. Buendya tyên bố:‘dù có đẻ ra con kỳ nhông anh cũng cóc cần’. Bị một người bạn thua đá gà chế giễu, Buendya nổi nóng giết chết anh ta, rồi phá đai trinh tiết của vợ. Cuộc hôn nhân của họ không còn được thanh thản, từ đây càng thêm lo lắng. Họ rủ rê nhiều cặp trai gái khác bỏ làng ra đi, tìm đến một nơi xa xôi hẻo lánh, lập ra làng Macondo. Họ chấp nhận tự lưu đày ở cái làng cô đơn tách rời quê hương suốt một trăm năm. Nơi đây, những con trai, con gái, cháu trai, cháu gái lần lượt ra đời với nỗi cô đơn, thấp thỏm phạm tội loạn luân.
Bà cụ tổ Ucsula càng già càng cố sống lâu để nhắc nhở, canh chừng, ngăn cản lũ con cháu tránh chung đụng xác thịt, tỉnh táo nhận rõ họ hàng dòng họ, tránh loạn luân để khỏi rơi vào thảm hoạ sinh con có đuôi  lợn. (Một gã đàn ông người làng quê cũ khi bị bà Ucsula từ chối tình yêu đã nguyền rủa độc địa rằng: nếu chúng mày loạn luân thì rồi sẽ lại đẻ đứa con có đuôi lợn và lúc ấy cả dòng họ mày sẽ tuyệt diệt. Từ đó bà lo sợ suốt đời). Nhưng bà không thể sống mãi để ngăn cản cô cháu gái đời thứ 5 là Amaranta kết hôn với đứa cháu trai đời thứ 6. Đôi trai gái này là hai dì cháu nhưng họ không được người lớn cho biết (vì người lớn ngoại tình sinh ra họ nên cố tình giấu giếm). Cụ bà chỉ ra sức ngăn cản nhưng không dám nói sự thật. Hai người yêu nhau mãnh liệt. Khi chàng tìm ra gốc gác của mình thì đã trễ: nàng sinh đứa con trai có đuôi lợn. Con vật huyền thoại này đã kết liễu dòng họ Buendya - Ucsula cùng với cả làng Macondo bị một cơn bão lốc khủng khiếp cuốn đi. Thế là cuộc chạy trốn tội loạn luân của họ đã không thoát khỏi sự trừng phạt. (Nguồn 1)
Không nàng tâm sự với ai
Không tình biết đến khi nào có đây
Không vui hồn lạc cõi mây
Không đi chỉ đứng nơi này thở than
Đa tình chuyện ở nhân gian
Đời người mấy cái mười năm, nỡ nào!
Làm sao cứ ngại với nhau
Làm sao giữ mãi tình đau, hỡi người
(NGLB)
Một số nhận xét về Mác-kết:
-Trung Quốc có những truyện như: Tam quốc chí, Tây du ký, Hán Sở tranh hùng, Đông Chu liệt quốc, Hồng lâu mộng, Liêu trai chí dị, Thủy hử…, những tác phẩm mà thường lấy ‘một gốc tọa độ thời gian’ làm nền tảng, trong khi tác phẩm của Mác-kết lại dịch chuyển và đan chéo nhiều gốc tọa độ thời gian khác nhau.
-‘Toàn bộ sáng tác của Mác-kết xoay quanh trục chủ đề chính: sự cô đơn - mặt trái của tình đoàn kết, lòng thương yêu giữa con người’ (Nguồn 2).
-‘Tư tưởng mĩ học về tình yêu còn được thể hiện ở hai nhân vật Aureliano Babilonia và Amaranta Ucsula. Hai người đã nhận ra những thất bại của dòng họ mình, và họ yêu nhau cuồng say với nguyện vọng sinh ra một Aureliano có thể chiến thắng ba mươi hai cuộc chiến, họ mong muốn tình yêu sẽ cải tạo nòi giống mình tốt hơn giỏi hơn. Tiếc thay cái tình yêu loạn luân diễn ra trong cảnh cô đơn cùng cực ấy chỉ đẩy nhanh thêm dòng họ Buendya đến giờ diệt vong kéo theo sự huỷ diệt của cả cộng đồng Macondo. Như vậy, thông điệp thứ nhất của 'Trăm năm cô đơn' là kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất người - tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Hãy vượt qua định kiến, thành kiến cá nhân và những hố sâu ngăn cách trong cộng đồng để cá nhân hoà hợp với gia đình, cộng đồng và xã hội' (Nguồn 1).
-‘Cuộc sống không chỉ là quãng thời gian ta đã sống, đã tồn tại, mà còn là những gì ta sẽ để lại dấu ấn của mình trong cuộc đời này. Trên chặng đường đó, ta được ước mơ, được trải nghiệm, được vượt qua thử thách, được thể hiện và sống thật với chính mình, cùng những nỗi buồn, hạnh phúc, sai lầm và nỗi đau. Để cuối cuộc đời chúng ta có quyền nhớ lại, hồi tưởng và kể lại những ký ức không quên đó... và chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ những ký ức tuyệt vời đó... Marquez - một tài nǎng vĩ đại với tấm lòng hồn nhiên, bao dung của trẻ thơ. Chúng ta cám ơn Marquez, một tài năng hiếm có của hiện tại và tương lai, một con người đã dám sống để có những điều kể lại. Tự truyện Sống để kể lại đã được viết trong những ngày tháng ông phải chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, giữa sự sống và cái chết… Qua cuốn sách (‘Sống để kể lại’) chúng ta đã hiểu nhiều trải nghiệm, sâu sắc từ những suy nghĩ cũng như từ chính cuộc đời gian truân, thăng trầm đặc biệt và rất thật của ông'. (Fidel Castro, nguồn 3)
Rượu đào hai chén làm say đắm
Bông hồng một chiếc khiến băn khoăn
Mỹ nhân trong trí hoài không đến
Trống vắng lòng ai mộng bẻ bàng
Rung động làm sao thấy bóng nàng
Muốn hôn ngàn phút mãi không tan
Nàng như ảo ảnh chờ không thấy
Mơ bóng hình xinh đến ngỡ ngàng
(NGLB)
Không ai được phép định đoạt số phận của người khác, nơi tình yêu sẽ cho thấy sự chân thành và hạnh phúc là có thể đạt được' (Mác-kết).
...Mình đọc truyện này hồi trẻ, bây giờ mình nghĩ, một cách độc lập, là con người thường khó kiềm chế được khoái lạc trước mắt, mà cái gì cũng có giá của nó, không sớm thì muộn, hậu quả sẽ xuất hiện...


Và mình sực nhớ mang máng là cách đây vài năm, có một ‘nhà uống cà phê học’ nào đó nói: Dòng họ Buendia là một dòng họ không có khả năng kết hợp với dòng họ khác, nên họ phải tự tồn tại và đặc biệt là tự ‘lấy’ nhau, đến nỗi cuối cùng dòng họ đó bị ‘tuyệt chủng’. Suy rộng ra, nếu một người hay một tập thể mà không biết kết hợp tư tưởng, kinh nghiệm sống, văn hóa… từ người khác hay tập thể khác, sống ‘thiếu tình yêu’ do vô cảm với nỗi đau của đồng loại, đặc biệt là lấy ‘cái tôi’ làm chủ đạo, thì không sớm thì muộn, người đó hay tập thể đó cũng sẽ bị… ‘cô đơn’. Với những gì ‘bị chứng kiến’ trên đời, mình tin rằng những lời nhận xét ở quán cà phê đó là… đúng:
‘Con người chứ không ai khác đã tự sản sinh ra tình yêu sau khi ăn trái cấm, mà thượng đế chỉ ban tặng cho họ không khác gì là hai xác thịt chứa đầy rẫy những tình dục, cô đơn và đau khổ. Chính tình yêu làm cho con người vượt qua giới hạn của chính - tà, vượt qua nỗi cô đơn, nhẹ đi đau khổ và đặc biệt tình yêu là liều thuốc thần diệu giúp con người vượt qua nỗi ám ảnh về hai chữ hư vô’.
-----------------------
Các nguồn tham khảo chính:


-Nguồn 4: Entry 'Phi-Kim Dung và tình yêu' - http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/category/Kim+Dung/page/2?detail
(Và các tài liệu khác có liên quan).

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

236. Nhà thơ Tagore - 'thiên thần mặt trời




Cái gì tim tím cũng xinh
Cái gì tim tím cũng sinh nỗi niềm
Em đi sắc tím im lìm
Em đi sắc tím triền miên nhạt nhòa
Em đi sắc tím diết da
Em đi sắc tím hít hà tiếc thương
Lâu ngày không thấy em ‘sương’
Ai ngồi, ai nhớ, ai vương, ai sầu
(NGLB)


Cách đây 5 năm, ở Gia Lai, mình có hỏi một người bạn là:
-Bạn có biết về thơ Tagore không?
Bạn ấy lập tức căng cứng mặt lên và trả lời ngay:
-Có, có chứ, tôi biết nhiều lắm, tôi đọc Tagore từ hồi nhỏ mà… (???)
...Bài viết này không có mục đích ‘phê bình văn học’ mà trên cơ sở những cảm xúc thu lượm dược từ trường ‘đại học bôn ba’ và học hỏi từ các blogger, mình mong sẽ chỉ ra: Có cần thiết lúc nào ta cũng nói ‘tôi thế này’ hay ‘tôi thế nọ’ không? Thế nào là biết thơ Tagore? Và cuối cùng là có phải lúc nào ta cũng đem thơ Tagore ra khoe với người khác không?
Trước tiên, mình xin giới thiệu vài nét về nhà thơ Tagore:
Tagore có nghĩa là ‘Thiên thần mặt trời’. Là nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn, ‘nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại’, nhà văn hóa lớn của Ấn Độ và thế giới, và là người châu Á đầu tiên được giải Nobel, Tagore (1861-1941) có tên đầy đủ là Rabindranath Tagore. Ông sinh tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ, trong một gia đình quý tộc và trí thức truyền thống. Thưở nhỏ, ông vốn thông mình và biết tự học rất tốt, có năng khiếu về văn thơ, nhạc kịch và hôi họa.
Ông được giải Nobel Văn học năm 1913 cho tập thơ 'Thơ dâng'. Năm 1914, Tagore  cho ra đời tiếp tập thơ ‘Người làm vườn’ gồm 85 bài. Những tập thơ nổi tiếng của ông như Thơ dâng, Balaca, Người làm vườn, Mùa hái quả, Ngày sinh, Thơ ngắn...
Ông là ‘ngôi sao sáng của thời Ấn Độ Phục hưng’, là người kết hợp các trào lưu văn hóa Ấn Độ và tư tưởng đông-tây (ông đã từng tới Việt Nam), có lòng nhân đạo sâu sắc, yêu nước và yêu chuộng hòa bình. Gandhi (1869-1948) gọi ông là ‘Gurudev’ tức là Thánh.
Ông đã để lại cho hậu thế khoảng 50 tập thơ, 12 bộ tiểu thuyết và hàng trăm truyện ngắn, 42 vở kịch, hơn 2000 tranh vẽ, và đặc biệt là 2000 bài hát (Rabindra Sangeet) mà được xem là kho tàng văn hóa của Ấn Độ và Bangladesh. (Nguồn 1)

Một số mẫu chuyện về Tagore:

- Cậu bé Tagore bị… ‘nhốt’ và đồng thời làm thơ:
Là con của một gia đình trí thức truyền thống, từ nhỏ cậu bé Tagore đã được gia đình quản lý rất chặt chẽ, cậu thường ở nhà và ít khi rong chơi ở ngoài đường. Tuy nhiên, cũng có lúc cậu lẻn ra ngoài đường đi chơi, quản gia tìm bắt cậu về và phạt bằng vách vẽ một cái vòng tròn, bắt cậu đứng trong vòng tròn hàng giờ, nếu ra khỏi vòng tròn thì sẽ bị ‘đánh đòn’. Tranh thủ thời gian trong lúc bị phạt, cậu đã ngắm cảnh thiên nhiên và nghe các tiếng động chung quanh mình mà làm ra… thơ.

- Những giọt nước mắt hạnh phúc của cậu bé Tagore :
Cậu bé đã làm được nhiều thơ từ năm 8 tuổi. Đến năm 13 tuổi, thơ của cậu (tập ‘Bông hoa rừng’) đã nổi tiếng nên đi đâu cậu cũng được nhà văn Ba-kim Chân-đơ dẫn đi theo dự các buổi bình thơ, diễn thuyết, yến tiệc… Trong buổi đám cưới của nhà sử học Đớt (Dult), Ba-kim Chân-đơ được tặng một vòng hoa danh dự (vòng hoa nhài) nhưng ông đã tặng lại cho Tagore để tỏ lòng trân trọng tài năng của cậu: ‘Tôi xin nhường vòng hoa này cho một tài năng thơ ca đầy triển vọng, đáng khâm phục đó là thi sĩ trẻ tuổi này’. Sau đó, thơ của cậu đã được đọc lên và làm cho cả hôn trường xúc động. Hôm đó là ngày ‘lịch sử’ trong đời mà những giọt nước mắt hạnh phúc của cậu bé Tagore đã chảy ra.
- Tập thơ bị đánh rơi vô tình đem lại giải Nobel:

Năm 1912, ông phải năm điều dưỡng ở bệnh viện. Để tăng cường năng lực tiếng Anh, ông đã chọn một số bài thơ bằng tiếng Bengal của mình, dịch sang tiếng Anh và đặt tên là Gitanjali (Thơ dâng). Rồi ông đi sang Anh, không may, ông đã đánh rơi tập thơ đó tại một ga tàu điện ngầm ở Luân Đôn. Lịch sử đã lặp lại chuyện ‘Tái ông mất ngựa’, cái không may đã biến thành may, trong khi tìm, tập thơ này hết được chuyển đến tay hoạ sĩ William Rotheinstein, rồi nhà thơ Yeats, rồi nhà văn Stuje Moore… Tập thơ được in thành sách, bán rất chạy và phổ biến toàn nước Anh. Sau đó, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã quyết định tặng giải thưởng Nobel về văn chương năm 1913 cho kiệt tác ‘Thơ dâng’ của Tagore.


Các mối tình của Tagore:
Tuổi thơ còn vương vấn
Từng bước đi tần ngần
Từng giọt sương lưu luyến
Từng cuối chiều bâng khuâng
Người dưng sao quá lạ lùng
Người dưng sao bắt tim rung thế này
(NGLB)
‘Năm 24 tuổi, theo quyết định của cha, ông đã lấy vợ là một cô gái 10 tuổi cùng đẳng cấp với ông. Mối tình ấy về sau càng nồng thắm để ông viết những vần thơ tặng nàng: ‘Em ơi thi sĩ của em định tặng em một bản trường ca. Nhưng than ôi, anh đã vô tình để bản trường ca đó đụng phải mắt cá chân em và tai hại nó đã tan thành mảnh thơ rơi dưới chân em’. Khi người vợ thân yêu bé nhỏ qua đời, ông đã viết những vần thơ sầu muộn, nhớ thương…
Năm Tagore 63 tuổi, có một mối tình khác, thật sâu đậm dù ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng đặc biệt trong tim ông. Đó là một nữ văn sĩ người Arghentina, người đã đọc tập 'Thơ dâng' của ông và thần tượng nhà thơ xứ Bengali cho đến khi họ gặp nhau nhân chuyến Tagore đi châu mỹ Latinh. Và trong cái buồn bị ốm đau có niềm vui gặp gỡ với người đàn bà dòng dõi quý tộc đã đem lòng yêu say đắm thi nhân… Victoria Ocampo, 34 tuổi vừa góa chồng, xuất hiện  bất ngờ trong đời ông. Mệnh phụ ấy đã đón tiếp ông nồng hậu và để có tiền thuê một tòa villa làm nơi  ông nghỉ ngơi dưỡng bệnh, bà thậm chí đã bán đi chiếc mũ nạm kim cương của mình... Đó là mối quan hệ lạ thường vừa thuần khiết của một tình yêu thần tượng lại vừa có tính lãng mạn… Cuối cùng, sau một thời gian ngắn, vì nghĩa vụ với Tổ quốc, ông từ biệt nàng để về nước và họ bắt đầu sống cho nhau trong mộng tưởng... ‘Lời nàng ta chẳng hiểu/Chỉ hiểu đôi mắt nàng/Đôi mắt buồn rười rượi/Ẩn hiện trong giấc mơ’: đó là những câu thơ ông viết tặng người yêu xa xôi trước khi từ biệt thế giới vào năm 1941’. (Nguồn 2)

Một trong những bài thơ hay nhất thế giới (Tagore - Bài thơ số 28):

Đôi mắt băn khoăn của em buồn. Đôi mắt em muốn hiểu thấu lòng anh như trăng kia dò chiều sâu biển cả.
Anh để đời mình trần trụi trước mắt em, anh không giấu em điều gì cả. Chính vì thế mà em không hiểu anh.
Nếu đời anh chỉ là một viên ngọc, anh sẽ đập vỡ nó thành trăm mảnh, xâu lại thành một chuỗi để đặt lên cổ em.
Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa, tròn trịa, nhỏ nhắn và thơm tho, anh sẽ ngắt nó để cài lên tóc em.
Nhưng em yêu ơi, đời anh lại là trái tim. Làm sao biết được các bến bờ và chiều sâu của nó?
Dù em là nữ hoàng của vương quốc đó, nhưng em cũng chẳng biết được biên giới của nó đâu.
Nếu trái tim anh chỉ là một khoảnh khắc hân hoan, nó sẽ nở ra thành nụ cười nhẹ nhõm. Em sẽ nhìn vào và hiểu nó ngay. 
Nếu trái tim anh chỉ là nỗi khổ đau, nó sẽ tan thành những giọt nước mắt trong suốt, và lặng im phản chiếu những bí mật thầm kín.
Nhưng trái tim anh lại là tình yêu, em yêu dấu.
Niềm hân hoan và nỗi khổ đau của nó là vô biên, những mong muốn và sự giàu có của nó là vô hạn.
Tình yêu của anh ở gần em như chính đời em vậy, nhưng em sẽ chẳng bao giờ hiểu trọn vẹn nó đâu. (theo bạn Huy, nguồn 3)
(Hình: Einstein và Tagore)
Một số nhận xét về Tagore:
- ‘Vì Tago không chỉ viết bằng tâm thức của nền văn hoá Ấn Độ mà còn tiếp thu được tinh hoa văn hoá phương Tây nên thơ ông không chỉ chinh phục được các bạn đọc Ấn Độ mà còn có khả năng hoà điệu với nhịp đập con tim của bạn đọc nhiều nước trên thế giới… Tình yêu là đề tài vĩnh cửu của thơ ca. Nhà thơ Tago bằng tài năng thiên phú đã thổi vào tình yêu một luồng gió mới mẻ với triết lí về tình yêu gợi sự đồng cảm trong trái tim hàng triệu người đang yêu… Thơ Tago du dương, êm ái, mượt mà nhưng trầm lắng giàu chất trí tuệ, chất suy tư của một tâm hồn đa cảm... Bài thơ số 28 khẳng định: tình yêu là sự đồng điệu, hòa hợp, dâng hiến tâm hồn, tin yêu và hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau. Nhưng trái tim con người, thế giới tâm hồn con người lại mãi là một cõi bí mật lớn lao... Chính vì vậy, việc tìm tới sự đồng điệu chan hòa vào thế giới tâm hồn của người yêu luôn là những khao khát không bao giờ vươn tới nổi, điều đó tạo nên vẻ đẹp và sự hấp dẫn muôn đời của tình yêu' (theo Ngô Thị Trúc Đào, nguồn 4).
- ‘Ở Tagore vừa có sự trầm lặng và xuất thế như của nhà hiền triết Đông phương biết được sự phù du của cuộc đời, vừa có nỗi khao khát vươn tới chiếm đoạt, sở hữu, để có thể tận hưởng từng hương sắc của cuộc sống, nỗi hạnh phúc hay đau khổ của con người để đến khi cuối đời, con người có thể hôn vào đôi môi của Thần chết giống như đang thưởng thức những giọt rượu đậm đặc cuối cùng trong Ly rượu-Cuộc đời. Hai mặt tưởng như đối lập ấy lại hoà hợp lạ lùng trong con người và tác phẩm của ông...’ (theo ‘Những người thích đùa').
Thơ của Tagore rất lãng mạn và trữ tình, có tính ‘thiền’ và ‘thoát’, cùng ‘tám lạng và nửa cân’ với thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng… Hơn nữa, thơ của ông có chỗ đứng đặc biệt của nó, đó là từ tâm hồn ‘tĩnh lặng’ mà phát tiết ra âm hưởng tình yêu, một thứ tình yêu vượt qua mọi thứ tầm thường của thế tục, và dĩ nhiên nó không phải là thứ để đề cao cái ‘tôi là hiểu biết’ và càng không phải là thứ để đem ra ‘khoa trương’ giữa chợ đời...

Nếu như tình yêu quyết định bởi chữ ‘hợp’, hay với em, anh là nô lệ cũng là vua (Doanhuyen)', hay 'tình yêu là sự va chạm kỳ diệu của các vì sao (Walter Benton)', hay ‘chỉ có trái tim mới đến với trái tim (Hoa Điệp Vàng)', thì Tagore nói ‘yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau’. Với ông, tình yêu không chỉ là những giây phút lạc thú: ‘tình yêu thật sự là viên kim cương trong bóng tối, là một nhịp tim mà cả các bác sĩ cũng chưa bao giờ nghe thấy… Nó là điều kì diệu thường thấy nhất, là một chùm những ngôi sao đươc tung lên bầu trời đêm'. Nếu không nhầm, ‘ta tôn thờ tình yêu chứ không tôn thờ người tình’, nên tình yêu cũng cần phải được nuôi dưỡng và làm cho nó thêm ‘giàu có’.
Mùa này sao có ít mưa
Mùa này hoa cỏ lưa thưa muộn phiền
Ước nhìn đôi mắt duyên duyên
Ước ôm dáng đứng dịu hiền hay hay
Ước hôn tóc gió bay bay
Ước vàng thu lá, trải dài lối đi
Ước nghe tiếng ngọt thầm thì
Ước hôn rụng nhẹ trên mi, em cười!
(NGLB)
Và dù có cho tình yêu ‘là mênh mông, là vô biên, là bất tận, là trường cửu’ đi chăng nữa, thì thực tế đã chỉ rõ, tình yêu 'có' vị đắng và hàm chứa sự đau khổ tuyệt vời:

‘Có mấy ai viết mà không có tình yêu trong đó. Ai đã tuyên bố ‘hỡi thế gian tình là gì, mà đôi lứa thề nguyền sống chết’ hay ‘thiên thu vạn tải khổ cũng yêu’, 'yêu' và 'chết vì yêu' có thể đồng nhất hay không đồng nhất đối với từng cá thể, nhưng tình yêu không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là khát vọng sống và khát vọng tự do.
Có phải ánh trăng lửng lờ, mặt hồ man mác, lá rụng mùa thu, mái chèo nhặt khoan, tiếng đàn êm dịu, tiếng sóng vỗ đại ngàn, rừng hoang gió thổi xạc xào lá, những ngọn núi khói sương bàng bạc, những khoảnh khắc tỉnh mộng trong đêm, dõi nhìn những hàng cây trùng trùng điệp điệp, lắng hồn trong khúc ‘phụng cầu kỳ hoàng’, ngồi bên thềm lặng nghe giọt nắng, thảng thốt dưới ánh chiều tà, hay ngồi ở quán bên sông và chìm vào đáy mắt hồ thu của mỹ nhân…, mới đưa tâm hồn ta trở lại sự tĩnh lặng và do đó ta đạt được ngộ tính của tình yêu?'
--------------------------------------
-Nguồn 5: Entry 'Phi-Kim Dung và tình yêu' - http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/category/Kim+Dung/page/2?detail
(Và các tài liệu khác có liên quan).