Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

183. 'Bến Thượng Hải' - Khúc bi tráng của tình yêu

 
Biển sóng dạt dào
Trùng dương lớp lớp trôi đi về chốn nào?
Đời như những cơn sóng đùa
Mà ngàn năm biết nơi đâu là bến bờ.
Cuộc đời vui, cuộc đời buồn
Nào ai hay biết cho đâu là bến mơ
Niềm hạnh phúc, hay nỗi sầu
Dòng đời trôi cuốn ta qua ngàn năm.
[ĐK:] Yêu em gần em, em biết cho chăng
Cho dù tháng năm dài xa cách
Anh luôn chờ mong bão tố phong ba
Cuộc tình này ngàn kiếp vẫn không nhạt phai.
Dù hạnh phúc, dù đau buồn
Dù bao oan trái vẫn luôn đời có nhau
Như dòng nước (mãi) trôi chẳng ngừng
Cuộc tình ta thiết tha hơn ngàn trùng dương 
Là động lực của giới tính, nền tảng của đau khổ và là cơ sở của những hạnh phúc ngắn ngủi theo thời gian, tình yêu nam nữ và sự biệt ly thường là bạn đồng hành trong cõi đời này, thậm chí giữa tình yêu và sự sinh tử đôi khi cách nhau chỉ có một sát na.
1. Cách đây một năm, khi đi trên chiếc xe Phương Trang, mình chợt tỉnh ngủ vì được nghe bài ‘Bến Thượng Hải’ do Lý Hải hát, bài hát đã làm mình tỉnh giấc, cảm động và ứa nước mắt, thế là Lý Hải đã thành công rồi. Chiều nay mình mở bài hát ‘Bến Thượng Hải’ do Nguyễn Hưng và Như Quỳnh diễn xuất, bản nhạc đã làm cho thằng cu của mình tỉnh giấc, chạy xuống mà bảo ‘ai hát mà hay vậy ba’, như vậy là Nguyễn Hưng và Như Quỳnh cũng đã thành công. Bản nhạc này còn do Đàm Vĩnh Hưng diễn xuất cùng với Hoài Linh, ngoài ra còn có nhiều ca sĩ khác như Đan Trường (!), Sơn Ca và Diệp Lê Nghi, Lưu Đức Hoa hay Thanh Nhã (lời Hoa)… Bài hát ‘Bến Thượng Hải’ là nhạc của Cố Gia Huy, lời Hoa của Hoàng Triêm, có vài lời Việt cho bài hát này, nhưng mình chọn lời ở trên, vì đối với mình đó là lời nhạc cảm động nhất.
Thật ra, cách đây 2 năm, mình có xem phim ‘Tân Bến Thượng Hải’, trong đó 2 nhân vật chính là Hứa Văn Cường và Trình Trình. ‘Hứa Văn Cường’ là nhân vật có bộ mặt đẹp trai, khá lạnh lùng và thoáng chút kiêu ngạo, chàng thường đóng trong nhiều phim xã hội đen, phim tình cảm xã hội và nếu không nhầm thì chàng có đóng phim ‘Sở Lưu Hương’ (!), một nhân vật nổi tiếng trong truyện võ hiệp ‘hình sự’ của Cổ Long.
Người Anh tự hào về thiên tình sử ‘Romeo và Juliet’ của họ. Mới đây trên mạng, mình thấy người Trung Quốc cũng tự hào về thiên tình sử ‘Bến Thượng Hải’ của họ, và họ còn đặt một tên nữa cho phim này, đó là ‘Khúc bi tráng của tình yêu’. Đặc biệt, cũng mới đây trên mạng, mình thấy nhiều người cũng rất tự hào về thiên tình sử ‘Chuyện tình Lan và Điệp’ và xem chuyện tình này như là một ‘Romeo và Juliet’ hay một ‘Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài’ của Việt Nam (!), biết như vậy, mình cũng cảm thấy tự hào lây.
2. Phim ‘Bến Thượng Hải (Shanghai Grand)', còn có tên 'Máu nhuộm Bến Thượng Hải', được sản xuất bởi đạo diễn Cao Hy Hy, lần đầu tiên do Châu Nhuận Phát và Triệu Nhã Chi đóng năm 1982, khởi chiếu trên đài truyền hình TVB Hồng Kông, ngoài ra còn được chuyển âm và tiên phong vào thị trường của cộng đồng người Việt hải ngoại vào năm 1984 hay 85 gì đó, năm 1986 phim này được TVB đưa lên màn ảnh nhỏ với cái tên là ‘Loạn thế tình thù’. Năm 2007, đài truyền hình Trung Quốc cho ra mắt khán giả phiên bản mới ‘Tân Bến Thượng Hải’, với vai chính do Huỳnh Hiểu Minh và Tôn Lệ đóng (vai Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình). Sau khi phát sóng, Huỳnh Hiểu Minh được bầu là ‘người đàn ông đẹp trai nhất Trung Quốc năm 2007’ và đoạt luôn giải ‘ngôi sao truyền hình của năm’. Ngày 04/01/2012, phim ‘Tân Bến Thượng Hải’ bắt đầu được phát sóng trên kênh H2 của đài truyền hình Hà Nội.
Bến Thượng Hải là một khu vực dài khoảng 1 dặm, dọc bờ sông Hoàng Phố, thuộc quận Hoàng Phố, Thượng Hải, Trung Quốc, nó nằm ở một phần của đường Trung Sơn bên trong khu Tô giới Thượng Hải trước đây (Nhật xâm chiếm Thượng Hải năm 1937), mà bờ nam sông Tô Châu là ‘Khu định cư quốc tế’ và bờ bắc là ‘Khu tô giới Nhật’.
3. Bối cảnh của truyện ‘Bến Thượng Hải’ diễn ra vào những năm 1930, thời Trung Hoa Dân Quốc, trước Thế chiến thứ hai. Bộ phim nói về một mối tình tay ba giữa Hứa Văn Cường - Trần Lực và Phùng Trình Trình.
Chàng trai Hứa Văn Cường là một sinh viên, vì tham gia phong trào đấu tranh chống thực dân mà đã bị bỏ tù 8 năm. Ra tù, chàng quyết định đến Thượng Hải để lập nghiệp và tìm lại người bạn gái cũ là Phương Diễm Vân (là người tình của Phùng Kính Nghiêu), nàng được gọi là minh tinh số 1 của ‘Paris hoa lệ của châu Á’, tại đây, được sự giới thiệu của nàng, chàng làm bảo kê cho nhiều tổ chức mafia. Dần dần, chàng bộc lộ được là một trang nam tử hán đẹp trai hút hồn, có phong cách đầy lịch lãm, sống có tình có nghĩa, trung thực, dũng cảm và đặc biệt là đa tài, đó là là trùm võ thuật, trùm bắn súng, đa mưu túc kế kèm theo chút ít nét lưu manh và láu lỉnh.
Bước đầu đến Thượng Hải, chàng đã cứu nguy cho Trần Lực mà cũng từ đó trở thành em kết nghĩa ‘thề nguyền sống chết có nhau’ của chàng, sau này Trần Lực là một người rất trung thành với chàng nhưng cũng rất… trung thành với chủ và có tham vọng làm giàu.
Sau đó, chàng đã có cơ hội làm ‘anh hùng cứu mỹ nhân’ và cứu nguy cho Trình Trình, dù là con gái của một ‘ác ma’, nhưng lại là một giai nhân tuyệt sắc, thông minh và thánh thiện, nàng rất nhớ ơn và đã đem lòng thầm yêu chàng, nhưng ban đầu chàng không có ý định ‘yêu’ nàng vì cha của nàng là người xấu, chàng tỏ ra rất lạnh lùng, thậm chí là một ‘chuyên gia thất hứa’ đối với nàng, nhưng do số phận trớ trêu, trong một lần gặp nhau ở nhà thờ, chàng đã đem lòng yêu nàng, mà từ đó đã mở ra trang tình sử mới cho một mối tình đẹp không thua gì mối tình của Dương Quá và Tiểu Long Nữ trong tiểu thuyết võ hiệp tình cảm ‘Thần điêu đại hiệp’ của Kim Dung, đó là mối tình đầy ‘bi kịch’ giữa một chàng trai lịch lãm - đa tài và một cô gái thánh thiện - tuyệt sắc:
Biển sóng dạt dào
Trùng dương lớp lớp trôi đi về chốn nào?

Đời như những cơn sóng đùa
Mà ngàn năm biết nơi đâu là bến bờ

Cha của Trình Trình là Phùng Kính Nghiêu, một tay trùm tư bản đồng thời là trùm ‘mafia’ khét tiếng tàn ác và có thể bán nước cầu vinh. Biết tài năng siêu quần bạt chúng của Hứa Văn Cường cộng với sự tiến cử của Phương Diễm Vân (và sự thuyết phục của Trình Trình và Trần Lực đối với chàng), ông đã chiêu mộ chàng phục vụ dưới trướng của ông, nhưng chàng có một hiệp định là ‘tôi sẽ giúp cho ông, nhưng chỉ làm điều gì mà tôi thấy đúng mà thôi’. Phùng Kính Nghiêu ngày càng tàn ác vì ông muốn là bá chủ giới mafia Thượng Hải bằng cách diệt hết các thế lực thù địch ở đấy.
Mối tình của chàng và nàng càng đẹp bao nhiêu, hai người càng cố hàn gắn những ‘trái ngang’ bao nhiêu thì mối quan hệ của chàng và ‘cha vợ tương lai’ ngày càng rạn nứt. Trước lúc sắp đám cưới, Hứa Văn Cường phát hiện ra Phùng Kình Nghiêu liên kết với người Nhật để vận chuyển một khối lượng lớn ma túy vào Thượng Hải. Chàng không đồng ý và đã nhiều lần (cùng với Tinh võ môn, một võ phái yêu nước thời đấy) phá tan kế hoạch nhập lậu ma túy này. Hôn nhân giữa chàng và Trình Trình vì thế mà tan vỡ:
Cuộc đời vui, cuộc đời buồn
Nào ai hay biết cho đâu là bến mơ

Niềm hạnh phúc, hay nỗi sầu
Dòng đời trôi cuốn ta qua ngàn năm


Sau đó, vì bị trở thành kẻ đối đầu mà chàng bị Phùng Kính Nghiêu và bọn Nhật truy sát, chàng buộc phải từ bỏ tham gia cuộc ‘chém giết’, trước khi chàng mai danh ẩn tích, Trình Trình đã tìm đến chàng và nguyện từ bỏ tất cả ‘cung vàng điện ngọc’ để theo chàng đến cuối đời, nhưng sau đó để chàng khỏi bị cha theo dõi và cũng vì để bảo vệ sinh mạng và bí mật cho chàng, nàng phải đành lòng ở lại với cha. Trước khi ra đi, chàng đã để lại lời nhắn cho nàng: ‘Nếu đươc làm lại từ đầu, anh không cần gì cả, chỉ mong đươc cùng em, đi hết cuộc đời này’. Thế là chàng đã đi xa, con ngựa hoang đã về đến bến ‘thanh bình’ và lấy vợ sinh con. Một lần nữa, Trình Trình lại đến tận nơi tìm chàng, trước hoàn cảnh đó, nàng đã lặng lẽ vuốt nước mắt ra đi, chàng đau khổ nhìn theo:
Yêu em gần em, em biết cho chăng
Cho dù tháng năm dài xa cách

Anh luôn chờ mong bão tố phong ba
Cuộc tình này ngàn kiếp vẫn không nhạt phai

Cuộc tình của 2 người vốn là trái ngang và suốt đời đời không thể nào tái hợp, nhưng số phận đã không ngừng đeo đuổi chàng. Cha của Trình Trình đã truy sát chàng, kẻ mà ông gọi là ‘phản bội’, ông đã cử người đến tận nơi giết chết vợ chàng và đứa con trong bụng trong khi chàng đi vắng, thế là câu chuyện từ ‘cực tình’ đã chuyển sang ‘cực thù’. Chàng buộc phải tái xuất giang hồ tìm Phùng Kính Nghiêu để làm cho ông tán gia bại sản và giết  ông để trả thù rửa hận cho vợ con, nhưng đau khổ thay, trớ trêu thay và oan nghiệt thay, kẻ thù bất cộng đái thiên của chàng lại là cha của người yêu mình.

Trong thời gian chàng bỏ đi ‘vĩnh viễn’ và lấy vợ, em trai kết nghĩa của chàng là Trần Lực đã có lần ‘lấy thân mình đỡ đạn’ cứu tính mạng của Trình Trình, đã yêu nàng và ‘trung thành tuyệt đối’ với nàng, và đặc biệt là đã lấy được lòng tin của Phùng Kính Nghiêm, đứng trước hoàn cảnh này, nàng đành phải chấp nhận ‘cuốn theo chiều gió’ mà lấy Trần Lực, sau đó đám cưới của Trần Lực và Trình Trình đã diễn ra ở nhà thờ. Trong lúc đám cưới, Hứa Văn Cường xuất hiện, chàng dễ dàng hạ sát Phùng Kính Nghiêu bằng một phát súng đơn giản, nhưng dưới ánh mắt sợ hãi, khẩn thiết van xin và tiếng kêu thất thanh ‘anh ơi’ của nàng đã làm chàng quên hết hận thù, đau khổ, mà chỉ còn lại tiếng gọi của tình yêu, chàng đã hạ súng xuống, và… cũng đúng lúc đó, Trần Lực vì bào vệ ông chủ nên đã rút súng ra bắn chàng, trước viên đạn của người em kết nghĩa, chàng đã đứng yên không tránh né, viên đạn xuyên qua tim, chàng đã ngã xuống… cặp mắt vẫn nhìn thiết tha, lưu luyến những tia sáng cuối cùng vĩnh biệt người yêu:
Dù hạnh phúc, dù đau buồn
Dù bao oan trái vẫn luôn đời có nhau
Như dòng nước (mãi) trôi chẳng ngừng

Cuộc tình ta thiết tha hơn ngàn trùng dương
Yêu anh hờn anh
anh biết cho chăng

ân tình đã tan thành mây khói
Em ơi hờn ghen
xóa hết yêu thương
tình còn gì những xót xa mà thôi
Ai mất ai còn
dòng thời gian
vẫn trôi âm thầm người ơi

4. Em yêu ơi, 'anh chỉ mong được bình thản nắm tay em cho đến hết cuộc đời, bây giờ anh còn cơ hội nắm tay em không?’, rồi chàng nhắm mắt, đi vào cõi vô cùng với một mối tình vô vọng và không bao giờ thành hiện thực./.

182. Lạc bước bồng lai


Lạc bước bồng lai, nắng đã đầy
Ngắm nàng kiều nữ, dáng hay hay
Trà tuôn dáng ngọc, bừng thi hứng
Bia trào môi mọng, thấm men say

Gió biển từ đâu, mát cả người
Mơn trớn làn da, cảm hứng khơi
Ngây tình, quyên hót trong vườn hạnh
Ngất lòng, huệ nở trên đôi môi

Hát hò, thỏa chí vơi sầu khổ
Nô đùa, quên mất cả hư vô
Tung mình, say đắm cười nhân thế
Ngã người, rạo rực bế tiên cô

Chia tay, hứng cảm sao còn vướng
Nhìn theo, nhạn lạc chốn vô thường
Đêm về, mê mẫn trong hoan mộng
Mỉm cười, nghe thoảng một mùi hương

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

181. Lời tâm sự của ‘con ma’


(LTS: Số là mình có một bạn gái sợ ma, nên mình viết vài dòng với hy vọng giúp cho bạn ấy bớt sợ ma - bằng cách đóng vai một ‘con ma’, người viết không có ý định đi sâu vào lĩnh vực chính trị, thần học hay triết học, đặc biệt là đạo Phật hay đạo Thiên Chúa…)

1. Từ xưa tới nay, ai cũng nghĩ là ‘tôi’ xuất hiện để hù dọa các người, làm hại các người, là các oan hồn uẩn tử còn phiêu bạt chốn trần gian mà chưa được về địa ngục để hoàn thành nhiệm vụ là đầu thai sang kiếp khác…, cho là ‘tôi’ thường xuất hiện vào ban đêm, hay lay lất trên các ngọn cây/trong bụi rậm, hay lảng vảng trong các am miếu hay lang thang ngoài nghĩa địa, ăn ếch, ăn nhái để mà sống (!), còn có người cho là ‘tôi’ có cái lưỡi dài, ăn mặc áo quần trắng thả lòng thòng, thậm chí còn gán cho ‘tôi’ cái tội là hút máu người nữa…, có phải điều đó là đúng!

Trước khi đề cập đến bản thân, ‘tôi’ xin trộm nghĩ rằng trí thức và nhận thức là hai khái niệm rất khác nhau, và... giác và ngộ là hoàn toàn khác nhau, Có một số người là trí thức, là những người học nhiều, biết nhiều, thậm chí hiểu nhiều, nhưng chưa chắc đã hiểu đúng, hiểu và hiểu đúng không giống nhau, vì quan điểm của họ có thể sai hay còn nhiều ảo tưởng, đặc biệt là chưa nhận thức hay không nhận thức hết được nhiều điều thực tế xảy ra chung quanh mình. Có một điều đáng quan tâm là người hay nói nhiều về trí thức thì chưa chắc đã là trí thức, người hay nói nhiều về ‘tham, sân, si’ thì chưa chắc đã hết ‘tham, sân, si’, người hay nói nhiều về triết hay thiền thì chưa chắc đã hiểu về triết/thiền, người hay nói nhiều về vô thần thì chưa chắc đã không ‘mê tín’, hì..hì…

2. ‘Tôi’ có từ đâu?
Theo quan điểm của các người, ‘tôi’ có nhiều loại lắm.
- Theo ông Mác thì ‘tôi’ không tồn tại, từ việc các người đấu tranh sinh tồn với tự nhiên, trong đó có quá nhiều khó khăn/bi kịch/thảm cảnh ngoài khả năng của các người mà không lý giải nổi, nên các người đã sáng tạo ra ‘thần linh’ để làm chỗ dựa về tinh thần, đặc biệt là về tâm linh. ‘Tôi’ cũng tiện thể nhắc đến ông Đắc Uyn (Darwin, người Anh, 1809-1882), vào năm 1859 đã lập luận rằng các người là do một loài vượn đặc biệt (Australopithecus, gần nhất là loài Homo sapiens sapiens, sống cách đây 40.000 đến 35.000 năm và đã bị diệt chủng), do thích nghi với môi trường hàng triệu năm mà tiến hóa thành con người. Tuy nhiên, ‘tôi’ biết có ít nhất một blogger đã hỏi rằng ‘làm thế nào mà một con vượn cái mà có thể tiến hóa thành một tiên nữ có vẻ đẹp ‘tiên thiên thoát tục, phiêu dật vô song’ như Tây Thi, Marilyn Monroe hay Lưu Diệc Phi!’, hì..hì...
- Theo một số nhà triết học khác thì ‘tôi’ tồn tại, vì khi sinh ra, các người đã rơi vào ‘ngẫu nhiên tính’, khi sống, các người thường trực bị rơi vào ‘cô đơn tính’, và khi sắp chết, các người bị rơi vào ‘vô định tính’, đặc biệt là các người không lý giải được ‘thế nào sự bất tử’, ‘ta là ai’ và ‘cuối cùng con người sẽ đi về đâu’. Tất nhiên, các người đã cảm nhận các khái niệm về kiếp người trong mấy ngàn năm nay rồi. Ông Lão tử/Trang tử thừa biết tính ‘vô thường’ của kiếp người, Chúa thừa biết tính ‘cát bụi’ của kiếp người, Phật thừa biết tính ‘hư vô’, ‘sắc sắc không không’ hay ‘trùng trùng duyên khởi’ của kiếp người, người Hồi giáo cũng không ngoại lệ, ngoài ra, vô số các nhà văn, nhà thơ hay triết gia của các người đã có cảm nhận về kiếp người hay thân phận con người qua nhiều biểu hiện khác nhau trong các tác phẩm của họ. Và theo một số giả thiết khoa học, các người đang sống trong một không gian 3 chiều, nhờ có Einstein mà còn biết được là mình đang sống trong một không - thời gian tương đối 4 chiều (Ox, Oy, Oz và Ot), nhưng rất tiếc, không gian lại có đến… vô hạn chiều. ‘Tôi’ tồn tại ở chiều không gian khác mà các người có thể ‘giao tiếp’ với ‘tôi’ qua chiều không gian này, tạm gọi đó là chiều ‘mộng’ hay chiều ‘thần giao cách cảm’, ví dụ, vì ‘tôi’ cũng xuất thân từ một con người, nên khi thình lình ‘tôi’phải ra đi mà người thân cách cả ngàn dặm (hay cần báo tin gì cho người thân), thì ‘tôi’ phải thông qua chiều không gian này để ‘liên hệ’ với người thân đặc biệt, có nghĩa là không phải ai cũng có thể giao tiếp với ‘tôi’.
- Tất nhiên là ‘tôi’ biết mình tồn tại rất ngắn ngủi trong trường hợp mà sau khi chết và được cầu kinh, ‘tôi’ lập tức được lên Thiên đường hầu chúa Jesus hay bay cái ‘vù’ xuống địa ngục nếu bị thánh Peter xét xử là linh hồn tội lỗi. Và ‘tôi’ cũng biết trong một trường hợp khác, ‘tôi’ là bước quá độ (transit) từ kiếp này sang kiếp khác, là oan hồn uẩn tử nếu ‘tôi’ bị chết oan mà chưa được giải, và nếu là hồn ma tội lỗi, ‘tôi’ sẽ ở 18 tầng địa ngục, thậm chí vạn kiếp không được siêu sinh.
- Nếu ‘tôi’ tồn tại thì cái thế giới ‘tôi’ đang sống, mà các người gọi là thế giới thần linh hay ma quỷ, thì nó cũng là một loại thế giới hỗn độn và phức tạp mà về bản chất chả khác gì thế giới của các người, cũng có ‘tham, sân, si’, cũng có thị dục huyễn ngã, cũng ích kỷ, ghen tương, nịnh bợ, hờn giận, dâm dục, yêu đương, bệnh tật, đau khổ, cô đơn, tuyệt vọng, cũng có chiến tranh, ‘cá lớn nuốt cá bé’, tàn sát lẫn nhau, cũng có mộng làm bá chủ vũ trụ, cũng có quy định ranh giới như tiên ở xứ tiên, phật ở xứ phật, người ở xứ người, ma ở xứ ma, và tuân theo luật lệ ‘nước sông không động nước giếng’…
Trong thế giới có liên quan của ‘chúng tôi’, Tôn Ngộ Không cũng ‘chí chóe’ đại náo thiên cung giành ngôi Thượng đế với Ngọc Hoàng, các loại ma quỷ cũng giành nhau ngôi Ma vương, Trư Bát Giái (Thiên Bồng nguyên soái) cũng tán gái chảy nước miếng, nữ thần Athena, nữ thần Venus và Thiên hậu cũng giành nhau ai là đẹp nhất vũ trụ và thậm chí can thiệp sâu vào trận chiến tranh thành Troia…

3. ‘Tôi’ như thế nào?
- Tôi có có hại à? 
Nếu hồn ma đó là ông bà hay cha mẹ của các người, nếu có gặp thì bạn nên chào hỏi lễ phép, có gì vui thì tâm sự hay có gì khó khăn đau khổ thì nhờ ông bà giúp, cha mẹ hay ông bà thì bao giờ cũng yêu thương con cháu, chả lẽ người ta thường thắp hương trên bàn thờ để vái ông bà cha mẹ phù hộ đấy sao, có gì đâu mà sợ!
Nếu hồn ma đó là một con ma cái hay, tốt hơn nữa, là một ‘thiên thần bé nhỏ’, mà bạn là một blogger nam, thì hãy tâm sự với nó, hỏi nó chỉ cho nghệ thuật yêu đương, họa thơ văn với nó, thậm chí rủ nó đi hát caraoke, hay ngược lại nếu con ma đó là một con ma đực, thì mấy blogger nữ nhờ nó chỉ cho vi tính, cách trang trí blog, tiếng Anh, đánh đàn, nhờ nó chỉ đường đi (nếu chưa rõ) hay nhờ nó chở đi cho một đoạn, có gì đâu mà sợ!
Nếu hồn ma đó là thầy/cô giáo thì bạn nhờ nó chỉ cho ta học, nếu là doanh nhân thì bạn nhờ nó chỉ cho cách làm ăn, nếu là nhà chính trị thì bạn nhờ nó chỉ cho các thủ đoạn chính trị hay là cách trị nước, nếu là nhà thơ hay nhà văn thì bạn nhờ nó chỉ cho cách viết entry, nếu là bác sĩ thì càng tốt, bạn nhờ nó tư vấn đỡ tốn tiền đi bệnh viện, có gì đâu mà sợ!
- ‘Tôi’ thực sự có lợi!
Trong truyện Tây Du Ký (hồi thứ 39), vua nước Ô Kê bị con yêu tinh là Toàn Chơn hãm hại, giết chết và ném xuống giếng, may nhờ hồn ma của vua về báo mộng cho Tam Tạng mà một vụ án giết vua gần mười năm trước đã được giải oan.
Trong phim Bao Thanh Thiên cũng có một chuyện tương tự như vậy, hồn ma đã hiện về báo tin cho ông và nhờ đó ông đã giải oan được cho một phụ nữ.
Trong truyện Thủy Hử, Phan Kim Liên đã thông dâm với Tây Môn Khánh đầu độc chồng mình là Võ Đại Lang, nhờ hồn ma Võ Đại Lang đã hiện về báo mộng cho Võ Tòng để rồi tìm ra được kẻ thù giết anh ruột của mình là Tây Môn Khánh, Vương Bà và Kim Liên.
Cũng trong truyện này, nhờ hồn ma của Tiều Cái đã hiện về báo mộng mà Tống Giang đã đi tìm được thầy thuốc nổi tiếng là An Đạo Toàn chữa bệnh ‘nhọt’ mà thoát chết.
Trong ‘Liêu trai chí dị’, 'chúng tôi' (ma cái) luôn bày tỏ khát vọng được sống như một ‘con người’, nhiều lúc 'chúng tôi' cũng rất có tình nghĩa, yêu thương đến nơi đến chốn, giúp người tình đạt được sở nguyện hay biết hy sinh hết lòng cho người tình mặc cho bao phong ba bão táp, có điều là bạn dám yêu… ‘tôi’ hay là không, hì..hì..
- Cũng nhắc sơ qua vụ ‘ấn đền Trần’, người ta đồn rằng ai xin được ấn này thì sẽ được thăng quan tiến chức, ‘tôi’ mới tức cười nghĩ rằng ‘nếu như thế, ai cũng được làm quan thì lấy ai mà làm dân!’. Làm quan thì phải có tài có đức và phải được rèn luyện cả đời, tài đức đâu có thể mua được từ ‘tôi’ với cái giá chỉ có 500.000 đồng!
- Khi nào ‘tôi’ có hại?
Đó là nếu các người làm điều ác, trái với luân thường đạo lý, buôn gian bán lận, tham nhũng, hiếp đáp dân lành…
Tào Tháo cuối đời thấy bao oan hồn lên đòi mạng, vì y đã giết mấy chục mạng người tham gia mưu sự cùng Đổng Quý phi (dưới thời vua Hán Hiến đế, 181-234). Cũng có vụ đòi mạng ‘nhầm’, như hồn ma Long Vương lên đòi vua Đường Thái Tôn đền mạng (do vua không giữ được Ngụy Trưng, để y xuất hồn đi chém đầu Long Vương), vua phải xuống địa ngục, nhưng đó không phải là lỗi của vua, trời phật chứng giám, sau đó nhờ có Thôi Bút phán quan mà vua sống lại và được làm vua thêm 20 năm nữa!
Còn có truyền thuyết về Ma cà rồng (Dracula), đó là do năm 1776, một nhà văn Pháp có tên là Antoine Augustine Calmet có viết một tuyển tập truyện nói về ‘chúng tôi’, nhưng thật ra là nói về chính ‘các người’ mà bị mắc bệnh ‘porphyria’, luôn ẩn tránh trong bóng tối, bị rối loạn hóc môn mà móng tay móng chân dài ra và quăn lại, lông mọc ra toàn thân, lợi co lại làm cho những chiếc răng thò ra như răng sói, và bị chảy máu ở miệng. Từ chuyện sơ bộ như vậy, rồi ông này bà kia nhân lên, phóng đại hay phóng tác lên thành con ma cà rồng hút máu vô cùng độc ác, nhưng ma cà rồng vốn không có trong thế giới của chúng tôi!
- ‘Chúng tôi’ càng ngày càng nhiều? Không phản đối. Tội ác, chiến tranh, động đất, sóng thần, bệnh tật ngày càng nhiều nên dân số chúng tôi ngày tăng, ngoài ra số oan hồn uẩn tử cũng ngày càng nhiều. Có một hôm ‘tôi’ gặp một nhà sư, ông ta nói nếu kiếp này hành ác thì kiếp sau sẽ bị đầu thai làm súc vật, còn nếu kiếp này hành thiện thì kiếp sau sẽ được đầu thai tiếp tục làm người, nếu tích đức càng nhiều thì kiếp sau sẽ được giàu có, được làm quan (to). Nhưng nghịch lý thay, các người thì ngày càng xấu xa tàn ác, ‘lòng tham/sắc máu’ của các người đã bốc rực ‘đỏ’ trời, nhân loại sắp có nguy cơ bị hủy diệt sớm, bao nhiêu tôn giáo phải lên tiếng khẩn thiết cảnh báo, thế mà thì số người ‘tốt’ đầu thai làm người ngày càng nhiều! (đến hơn 6 tỉ người), vả lại đa phần người giàu không phải là người tốt (trốn thuế, buôn gian bán lận...) và đa số quan trên trần thế là quan tham, không lẽ kiếp này bạn tu tốt để kiếp sau trở thành những kẻ buôn gian bán lận hay quan tham!

4. Tóm lại, ‘tôi’ luôn luôn là bạn tốt và có lợi nếu ở đời bạn không làm điều ác hay điều xấu, chỉ có kẻ xấu mới sợ ‘tôi’, nhưng bạn nên hiểu rằng ‘tôi’ không nguy hiểm bằng con người, vì trong suốt thời gian lịch sử tồn tại song song với loài người, ‘tôi’ chưa bao giờ chửi thề, nói tục hay nói xấu ai, chưa bao giờ xài bằng cấp giả, chưa bao giờ buôn gian bán lận, chưa bao giờ tham nhũng, chưa bao giờ trộm cướp, đặc biệt là ‘tôi’ chưa bao giờ gây nên chiến tranh...

…Cuối cùng, có một điều chắc chắn là thật, tất cả các họa sĩ trên thế gian này đều có thể vẽ được con người, nhưng họ không bao giờ vẽ được ‘tôi’ cả, vì trong mấy ngàn năm nay, họ chưa bao giờ nhìn thấy ‘tôi’./.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

180. Bản ‘Chinh phụ ngâm’ là do phụ nữ dịch!



“Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”


Bản ‘Chinh phụ ngâm’ là do phụ nữ dịch!, mình chỉ tâm sự ở đây dưới cặp mắt ‘nhà gom lá bàng’ mà thôi, vì mình không phải là nhà sử học, không phải là nhà phê bình văn học và lại càng không phải là nhà nghiên cứu Hán Nôm.

1. Trước tiên, mình xin nói một số quan điểm khi viết bài này.
Thứ nhất, số là khi lên 11-12 tuổi, mình đã thuộc lòng 4 câu thơ trên khi học đánh đàn 3 bài ‘Hòn Vọng Phu’ của Lê Thương (đến nỗi mình thuộc lòng từng nốt nhạc), điều này có nghĩa là 4 câu thơ trên đã ăn sâu vào tâm khảm của mình đến nay đã được khoảng 40 năm rồi. Khi học cấp 3, mình có nghe nói về bài thơ ‘Chinh phụ ngâm’ nguyên tác bằng chữ Hán của Tiến sĩ Ðặng Trần Côn (1715?-1745), do Hồng Hà nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) dịch ra chữ Nôm, đồng thời cũng có nỗi ‘lưỡng nghi’ về tác giả của bản dịch trên là của Đoàn Thị Điểm hay của Phan Huy Ích? Có nhiều học giả đã tham gia vào vấn đề này như Nguyễn Hữu Tiến, Hoàng Thúc Trâm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Lộc, Bích Khê, …, và mới gần đây trên mạng có đăng bài của Nguyễn Thế Dũng khẳng định bản dịch ‘Chinh phụ ngâm’ là của Phan Huy Ích! 
Thứ hai là chuyện riêng nhưng có liên quan đến các lập luận trong bài viết này, đó là cách đây 20 năm, trong khi học nhóm Anh văn, một người bạn của mình đã dẫn mình đến gặp một ông thầy thuốc Bắc nổi tiếng ở thị xã, ông ấy khám cho mình, nhưng ông ấy không cho thuốc gì cả mà chỉ bảo là mình bị bệnh ‘ngoại cảm’, không phải là bệnh cảm mạo thông thường, mà nói chung, mình bị rơi vào một thế giới thần giao cách cảm kỳ lạ, không phải là có thể đoán trước những gì sẽ xảy ra, mà là một loại cảm xúc đến sửng sốt khi tiếp xúc thế giới tình yêu và triết lý. Điều này có thể xem như là một khuyết tật bẩm sinh!, nhưng nó lại đem lại cho mình một lợi thế trong sáng tác, vì khi viết, cảm xúc của mình tuôn trào ra rất mãnh liệt, và chính vì thế mà các cảm xúc của mình là thật, thật hơn cả thật, hì..hì…
Thứ ba, là một con người bị căn bệnh ‘thụ cảm’ thế giới bên ngoài, nên mình nhìn thấy thế giới blog này hơi khác lạ một tí.
- Về comment, bất kể là nam hay nữ thì trung bình trong 10 comment, có 9 commnet là chấp nhận được (không nhất thiết là chê hay khen), chiếm tỉ lệ 90%. Đối với nam giới, tất cả 10 comment của họ đều có ‘tính mạnh’, có 9 commnet là chấp nhận được, có 1 comment là thiếu tôn trọng/thiếu lễ phép (không chào hỏi/chúc chiếc gì cả, chả thấy cám ơn hay xin lỗi gì cả, ăn nói xất xược hay sắc máu), thiếu lịch sự hay (khá) ngạo mạn, trong đó thiếu tôn trọng chủ blog là lỗi nặng nhất (rất dễ bị cho vào sổ đen). Tương tự, đối với nữ giới, 90% các comment là nhẹ nhàng, mềm mại, khiêm tốn, còn 10% là cũng bị rơi vào trường hợp như trên là có sự thiếu tôn trọng như không chào hỏi/chúc chiếc gì cả, chả thấy cám ơn hay xin lỗi gì cả, ăn nói có vẻ ‘sùng sùng/bực bực’, chả phân biệt lớn nhỏ, nhưng tính ngạo mạn thì hầu như không có trong nữ giới, nên vẫn dễ phát hiện ra nét ‘nữ tính’ trong các lời comt đó.
- Có lần mình đã viết bài ‘tổng hợp các blog trong yahoo! 360plus’ khi tham khảo khoảng hơn 100 blog, mình nhận thấy bài viết nào của nam, dù cho có ướt át đến đâu, ủy mị đến đâu, sầu thảm đến đâu, cô đơn hay tuyệt vọng đến đâu, cũng đều hàm chứa trong đó nét ‘nam tính’, ngoài ra, nam thường có tính ngạo, ngông hay tính tự tôn/phô trương/vĩ cuồng trong thơ văn của họ, dễ tìm ra ít nhất một từ mô tả tính đó trong văn/thơ của nam giới, có nghĩa là ‘chạy trời không khỏi nắng’, dù có khiêm tốn đến đâu, đàn ông cũng không thể giấu đâu được tính cách trên, có nhiều bài thơ phản phát nét Nguyễn Du, Nguyễn Bính hay Tú Xương...,  dễ thấy trong các blog của Bình Địa Mộc, Lục Bình, Quanghung, Nguyễn Hải, Hoa Anh Túc, dung tran, Hữu Nghiệp, ... Và tương tự đối vớii nữ giới, đặc biệt là hầu hết các bài thơ hầu như có phản phất nét của Bà huyện Thanh Quan, của ‘Chinh phụ ngâm’ hay Hồ Xuân Hương…, dễ thấy trong các blog của Doanhuyen, RP, Vĩ Cầm Trắng, Violet, Sunflower, Trần Huyền, Tài nữ vn, Nuthan, Ng.T, Hoàng Lan, Mai Khanh Trang, QuyenN, Mây tương tư, Ngu ngơ, WomanIL, Nồng nàn phố, ... Xin lưu ý là mình không quan tâm đến ai làm thơ hay hay dở, người tốt hay người xấu, mà mình chỉ đưa một số ví dụ về chất ‘nam tính hay nữ tính’ trong những blogger trên. 
Thứ tư, trong thời gian viết bản thảo bài này (khoảng 120 phút), mình đã có trao đổi trực tiếp hay gián tiếp với 5 blogger, tạm gọi là có uy tín trong thế giới blog, kể cả mình (là một blogger bình thường) nữa là 6 người, thì có đến 5 người nghiêng về phía bản dịch 'Chinh phụ ngâm' là của Đoàn Thị Điểm (83%)! Nó không nói lên được vấn đề, nhưng sự thật là như vậy! Ngoài ra, trong số đó, mình mới vừa hỏi một ‘cao nhân’ về sử học (ẩn danh) và được trả lời là ‘Mình nghiêng về Đoàn Thị Điểm, vì: a) Cho đến nay, chưa ai chứng minh ngược lại một cách thuyết phục (rằng không phải Đoàn Thị Điểm dịch), b) Giọng văn ‘dịch’ tài hoa và… đậm nét nữ tính (không khô khan như bản dịch của Phan Huy Ích như Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Văn Xuân đã đưa ra!)’.

2. Sau đây là một số cảm nghĩ sâu hơn của mình.
Đại thể, người ta nói ‘văn là người’, tức là người viết văn hay viết thơ là để nói lên hay bày tỏ chính kiến, cảm xúc của mình, hơn nữa, nếu dùng ‘kính hiển vi’ soi thơ văn của một người nào đó, ta có thể phát hiện ta ưu nhược điểm, tính tốt hay tính xấu, khiêm tốn hay tự cao, vĩ cuồng hay bình thường của người đó, …, đặc biệt là qua cách hành văn, dùng chữ hay việc diễn tả ý/tâm trạng của người đó, ta có thể nhận biết được y là… nam hay là nữ. Tất nhiên phụ nữ có thể dùng lời lẽ ‘mạnh’, nhưng chỉ cần phát hiện ra trong đó có một câu ‘nữ tính’ thì ta có thể kết luận toàn là bài thơ đó là của ‘nữ’, ngược lại nam giới có thể dùng lời lẽ bạc nhược, khóc than ủy mị hay trung tính, nhưng chỉ cần tìm ra một câu/từ ‘dương tính’ là ta có thể phát hiện ra bài thơ đó là của đàn ông, xin lưu ý rằng cần phải tham khảo trong nhiều bài hay một bài văn/thơ thật dài, chứ không phải căn cứ vào một bài thơ hay đoạn văn chỉ có vài câu. Nam hay nữ viết khác nhau, đúng một phần, tâm trạng nam hay nữ khi viết lại càng khác nhau, đặc biệt là cảm tính nam hay nữ khi viết rất khác nhau, ví dụ khi xem phim, phụ nữ nói 'anh ấy đẹp trai quá' trong khi đàn ông lại nói 'thằng cha đó ẹo ẹo, gớm thấy mồ', v..v... Ví dụ ngay trước mắt, bài viết này dùng đại từ nhân xưng là ‘mình’, là trung tính, có thể là nữ, có thể là nam, giả sử có một bạn đọc nào mới vào đọc bài này của mình, bạn đó có thể dễ dàng phát hiện ra 'mình' là nam hay nữ.
‘Chinh phụ ngâm’ là tác phẩm văn vần bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn, ra đời năm 1741, dưới thời vua Lê Hiển Tông (1717-1786). Có nhiều bản dịch sang chữ Nôm của Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản, Bạch Liên Am Nguyễn và 2 tác giả khuyết danh khác, trong đó bản dịch của Đoàn Thị Điểm (!) là thành công nhất và phổ biến nhất xưa nay, theo thể song thất lục bát, có độ dài 412 câu. Dưới đây là một số đối chiếu giữa phiên âm Hán Việt và dịch thơ Nôm (nguồn wikipedia):
-Thiên địa phong trần = Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
-Hồng nhan đa truân = Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
-Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân? = Xanh kia thăm thẳm tầng trên, Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
-Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt, Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân, Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch, Bán dạ phi hịch truyền tướng quân = Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt, Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây, Chín tầng gươm báu trao tay, Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
-Thanh bình tam bách niên thiên hạ, Tùng thử nhung y thuộc vũ thần = Nước thanh bình ba trăm năm cũ, Áo nhung trao quan vũ từ đây
-Sứ tinh thiên môn thôi hiểu phát, Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt = Sứ trời sớm giục đường mây, Phép công là trọng, niềm tây sá nào
-Cung tiễn hề tại yêu = Ðường giong ruổi lưng đeo cung tiễn
-Thê noa hề biệt khuyết = Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa
-Liệp liệp tinh kỳ hề xuất tái sầu, Huyên huyên tiêu cổ hề từ gia oán, Hữu oán hề phân huề, Hữu sầu hề khế khoát... = Bóng cờ tiếng trống xa xa, Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng...
Cụ thể, khi ‘dạo đi dạo lại’ bài ‘Chinh phụ ngâm’, mình có vài cảm nhận như sau:
- ‘Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt, khói Cam tuyền mờ mịt thức mây': Đang lo lắng, hồi hộp, chờ đợi thì nghe tiếng ‘trống’ từ xa xa, làm tim ‘lung lay’, liền nghĩ tới ‘bóng nguyệt’, rồi nghĩ về những cái mỏng manh, dễ tan vỡ, nho nhỏ xinh xinh, mây khói mịt mờ,  mông lung xa vời, đa phần là thể hiện tâm trạng của phụ nữ. Với tâm trạng tương tự, cái ‘lung lay’ đó, ‘là một thiếu phụ, nhưng chưa bao giờ xuất đầu lộ diện’ (nguồn: Mã Giang Lân, Văn nghệ số 13 tháng 3-90), T.T.Kh. đã mô tả là ‘đưa người ta không đưa qua sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng’ (mình nghiêng về xu thế T.T.Kh. là nữ). Theo thống kê, trong bài 'Chinh phụ ngâm' có 14 lần nhắc đến buổi chiều và ban đêm, trường hợp này thường rơi vào những người có tâm trạng cô đơn, nhớ thương thường trực và đang cực kỳ tha thiết 'muốn yêu và được yêu'.
- ‘Ngồi đầu cầu nước trong như lọc, đường bên cầu cỏ mọc còn non’, hay ‘tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh’: Phụ nữ (chung thủy, đoan trang hay hiền thục) thường thích gam màu trung tính hay nhẹ, thể hiện tính e lẹ, mắc cở hay ‘hương thầm’ mà ẩn giấu bên trong sự trong suốt trong thái độ/cử chỉ, đặc biệt, nếu không nhầm thì trong toàn bộ ‘Chinh phụ ngâm’, mình thấy là sử dụng gam ‘màu nhẹ' như: màu hồng (‘gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao' hay ‘thức mây đòi lúc nhạt hồng'), xanh lá cây (‘cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên’ hay ‘gốc tro tàn đã trải rêu xanh’ hay ‘người đời thấm thoắt qua màu xuân xanh’ hay ‘ngàn dâu xanh ngắt một màu’), ngoài ra còn có các màu như xanh da trời (‘xanh kia thăm thẳm tầng mây’ hay ‘tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh’), màu vàng (‘hoa để vàng bởi tại bóng dương, hoa vàng hoa rụng quanh tường’), …, còn màu đỏ nổi trên nền trắng, dùng để tả đàn ông có 2 câu ('áo chàng đỏ tựa ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in’), nhưng vẫn đậm nét nữ tính.
- ‘Ðưa chàng lòng dặc dặc buồn’, hay ‘ngàn dâu xanh ngắt một màu, lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?, hay ‘tiếng địch trổi nghe chừng đồng vọng, hàng cờ bay trong bóng phất phơ, dấu chàng theo lớp mây đưa, thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà’: Cái buồn trùng trùng điệp điệp tựa ‘ngàn dâu’ hay ‘cầu bao nhiêu nhịp em sầu bấy nhiêu’ là kiểu buồn của đàn bà, hơn nữa phụ nữ thường ‘tị’ với chồng/tình nhân/bạn trai là ai khổ hơn ai, đàn ông không có kiểu so sánh như vậy, cái buồn của nam giới, nếu có, là cái buồn có ‘quyết’ tính cao, và nếu cần, trong khoảnh khắc, người đàn ông có thể quay lưng quất ngựa truy phong để làm sự nghiệp (lớn), nam giới hiếm có cái kiểu buồn dặc dặc níu kéo, yếu đuối, phất phơ trước gió hay ‘sáng nắng, chiều mưa’ như nữ giới.
- ‘Chàng thì đi cõi xa mưa gió, thiếp lại về buồng cũ gối chăn’: Hai câu này thì đích thực là của phụ nữ, ‘lá bàng’ không có ý kiến.
- ‘Ðoái trông theo đã cách ngăn, tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh, vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi, vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề’, hay ‘khói mù nghi ngút ngàn khơi, con chim bạt gió lạc loài kêu thương’ hay ‘lên cao trông thức mây lồng, lòng nào là chẳng động lòng bi thương!’ hay ‘xanh kia thăm thẳm tầng trên, vì ai gây dựng cho nên nỗi này’: Đây cũng là thể hiện của nữ tính, của phái yếu, phụ nữ thường dễ động lòng, hay tủi thân/mau nước mắt, hay bắt bẻ, đỗ lỗi/trách móc, than thở, và thường có ít nhiều tính phụ thuộc vào đàn ông, ít khi đi một mình (thường tự hào khi được chồng chở đi chợ hay đi đám cưới), thường sợ bị cô lập, sợ ma, sợ chó, sợ chuột, sợ côn trùng (con gián, con sâu, con giun), …
- ‘Thiếp xin về kiếp sau này, như chim liền cánh, như cây liền cành’: Khi chia tay như li dị/li hôn hay xa chồng, người phụ nữ thường có xu hướng muốn tái hợp hay 'gương vỡ lại lành' hơn là nam giới, hơn nữa, ở VN, để người phụ nữ có thể chờ đợi và tìm hay một mối tình thay thế là rất khó khăn, vô cùng khó khăn hay có thể nói là vô vọng, trong lúc người đàn ông, do ảnh hưởng ít nhiều tính cạnh tranh để làm chủ bầy đàn của thế giới động vật, mà sau một hay vài chuyến nhậu/phiêu bạt giang hồ là y dễ dàng cặp kè với một ‘con cái’ mới. 
- Và, từ việc đấu tranh sinh tồn (săn bắn) thời tiền sử, đàn ông có xu thế nghiêng về cảm giác không gian hay lý tính, còn người phụ nữ lại nghiêng về cảm giác thời gian hay cảm tính, ta có thể thấy trong 'Chinh phụ ngâm' đặc sệt những cảm giác thời gian đến mức tế vi và đầy cảm tính.

3. Cần nói thêm rằng, có thể nhận ra nữ tính trong:
- Hội họa: Sự chọn lựa gam màu của nam giới và nữ giới thường rất khác nhau.
Nam thường chọn màu đỏ tươi, vàng rực, đen đậm và sự đối lập/mâu thuẫn giữa các màu rất rõ nét, ví dụ lá cờ VN (có màu đỏ tươi, vàng rực), hay các lá cờ ‘nheo’ từ thời Đinh Bộ Lĩnh đến nay, và nhiều lá cờ của các nước khác trên thế giới (do đàn ông chọn), tranh của Van Gogh thường có màu đỏ như máu, tranh của Picasso thường có màu đậm và đối lập rất rõ nét, tranh của Bùi Xuân Phái ‘có mầu đỏ, xanh lơ, tía nhưng sắc điệu bao trùm vẫn là nâu, xám, trắng - xám’ (Bùi Thanh Phương) hay ‘các mảng mầu trong tranh của Phái thường có đường viền đậm nét’ (Wikipedia).
Phụ nữ thường thích gam màu nhẹ, nếu có thích các màu mạnh hay sặc sỡ thì thường thích màu ‘pha’ (màu mận tím, màu gỗ/màu đà, màu xanh lá cây/xanh nước biển đậm, màu đen pha trắng, có sự hòa hợp giữa các gam màu, và ‘độ tế vi’ của màu rất cao (so với nam giới), ta có thể xem lại các họa phẩm bằng cát của Ý Lan để thấy hiện tượng này, ‘sau 2 năm “làm bạn” với cát, Ý Lan phát hiện cát có đến 15 màu, sau 4 năm thì chị “sưu tầm” được 33 màu cát tự nhiên, và bây giờ thì bộ sưu tập cát của chị đã đến… 80 màu!' (Nguyễn Linh Giang).
- Phông blog: Phụ nữ cũng thường trang trí bằng cách chọn màu cho phông blog của mình hay chọn màu trong các avatar, ngoài một số ít có vẻ sặc sỡ, đa số các blogger nữ thích gam màu nhẹ, đặc biệt là màu tím, ví dụ, màu tím nhạt (bạn Violet, Chân Tình, binhnguyen), chữ trắng trên nền màu xanh lá cây đậm (bạn RP), màu xanh tím và xanh xám (bạn Mùa thu buồn), màu cà phê/nâu (bạn TrinhN), màu đen xen trắng và tím (bạn Jesse Tong), xanh da trời và tím (bạn Kim Phụng), xanh lá cây và đen nhạt (bạn Giọt buồn), chữ tím trên nền đen (bạn Chi Lan), chữ xanh mực nhạt trên nền trắng (bạn Woman-in-love, phuonganh), …
- Trong hát Karaoke, có thể nam và nữ có cùng ‘gu’ một số bài hát nào đó trong nhạc tiền chiến, trong 10 ‘bài ca không tên’ của Vũ Thành An, một số bài thuộc loại buồn trong nhạc Trịnh/Ngô Thụy Miên/Phạm Duy, nhạc thời trang/'bài hát Việt', …, nhưng có thể thấy nữ thường vô tình chọn những bài hát biểu lộ sự êm dịu, đau khổ tuyệt vọng, sự chia tay, ân hận, như ‘tình thôi xót xa’, ‘lỗi lầm’, ‘dằm trong tim’, ‘trống vắng’, ‘vì sao mình mất nhau’, 'đã không yêu thì thôi', ‘Hà Nội đêm trở gió’, ‘chiều tà’, ‘biển tình’, 'dấu chân địa đàng', thường thích điệu slow hay boston, và đặc biệt nhiều phụ nữ lớn tuổi thích nhạc Lam Phương..., trong lúc nam thường chọn các bài ‘nhộn’ như ‘lá đỏ’, ‘trên đỉnh Trường Sơn ta hát’, ‘anh Ba Hưng’, ‘tiểu đoàn 307’, 'còn yêu nhau thì về Ban Mê Thuột', thường thích nhiều bài hát có nhịp 'chách chách chách chách chách, chách chin, chách chìn, chách chin' hay các bài trầm/buồn như ‘chiếc khăn gió ấm’, ‘giọt nắng bên thềm’, ‘ai về sông Tương’, ‘bến Thượng Hải’, ‘niệm khúc cuối’, 'kỷ niệm mùa hè', 'khoảnh khắc', …
- Ngoài ra, ông Lê Thương khi sáng tác 3 bài ‘Hòn Vọng Phu’ cũng đã khởi đầu bằng những lời nhạc trầm hùng ‘lệnh vua hành quân trống kêu dồn, quan với quân lên đường, đoàn ngựa xe cuối cùng, vừa đuổi theo lối sông, phía cách quan xa trường, quan với quân lên đường, hàng cờ theo trống dồn, ngoài sườn non cuối thôn, phất phơ ngậm ngùi baỵ’, rồi ‘xang xang xang liêu hò xừ xang, liêu ú hò liêu ú liêu ú xứ xang’ mà một người đệm đàn (không cần siêu lắm) có thể dùng ngay điệu Fox, nam tính là thế...
Con người cũng là một sản phẩm của tự nhiên, nên cảm tính của con người rất là quan trọng trong việc nhận thức và đánh giá thế giới tự nhiên. Một người có thể xác định người yêu của mình tốt hay xấu bắng cách chỉ ra các điều là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10…, nhưng nhiều người khác cũng có thể dùng con tim để xác định được người yêu của mình là tốt hay xấu. Để xác định người dịch ‘Chinh phụ ngâm’ là nam hay nữ, người ta đã tranh luận gần 100 năm nay rồi, nhưng việc xác định chân lý bằng lý tính không phải là một cách tiếp cận duy nhất, tại sao ta không thể xác định nó bằng con tim! Và một người đàn bà có thể cầm súng bắn ‘đùng đùng đùng’, thậm chí có thể bấm nút khai hỏa một trái… bom nguyên tử, nhưng dù sao, phụ nữ vẫn là phụ nữ.
, bản ‘Chinh phụ ngâm’ là do phụ nữ dịch.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

179. “Những hằng nga lúng liếng môi cười”



...Anh có nicklog khá độc đáo "nhà gom lá bàng" nhưng cũng có lúc anh bảo rằng mình là "vô niệm" thôi thì có là "bàng" hay "niệm" chăng nữa thì anh vẫn là con nhện giăng tơ trong những đêm đông căm lạnh, những ngày giêng thắt quắt, những buổi chiều rốc ráo bên li cà phê với bạn bè tao ngộ, không the thua, không kẻ cả, không ôm vài tấm hình ghép người ghép cảnh chạy tung tăng trên mạng. Anh ngồi đó lặng lẽ viết về thuyết không gian 2 chiều của Descartes với trục tung trục hoành làm đau đầu thư sinh; về những chuyện tình bất hủ lưu danh muôn thủa của Romeo và Juliet đến Tiểu Long Nữ và Dương Quá trong Thần Điêu Đại Hiệp. Cận đại hơn là vào năm 1965 nửa triệu quân đồng minh đổ bộ vào Việt Nam, ...
Lắm lúc anh ngồi lại với chính mình, với cây đàn mandoline nhẹ nhàng rung lên bản 'Dạ khúc' một thời lãng mạng với ca từ ngọt đến say lòng mà mấy ai còn nhớ:
chiều buồn nhẹ xuống đời
người tình tìm đến người
thấy run run trong chiều phai
vẻ sầu của đóa cười

tình bền của lứa đôi
thoáng hương trong chiều rơi 

Anh viết như đang chơi một thứ chữ có màu đen của tang tóc để mặc niệm cho một mối tình đã chết, có màu xanh của một niềm hi vọng sau hành trình dằng dặc đi tìm bản ngã của con người, có màu vàng của li bôi, sầu ai oán... anh viết như đang chuyện vãn với bạn bè. Nhẹ nhàng, sâu sắc, dí dỏm, tinh tế từ các bài về đề tài khoa học phổ thông, đến nhân sĩ trí thức, sang lãnh vực triết lí nhân sinh, thi thoảng vài câu thơ lãng mạn, vài đoạn văn sát sướt điểm xuyết như một hiện hữu tất yếu trong con người nghệ sĩ blog đáng trân trọng.

Đặc biệt anh Bàng rất quý bạn bè, sau khi làm quen với ai trên blog xong anh chủ động xin số phone và mời đi uống coffee (!), có ngày anh "off" đến 4 lượt logger thông qua hình thức nầy đấy. Tuy rằng mới mở log nhưng anh có khá nhiều bạn. Hi vọng "nhà gom lá bàng" của chúng ta qua thời gian sẽ chắt chiu sàng lọc, sẽ "gom" về nhà mình nhiều hơn nữa, xinh hơn nữa tiên đồng ngọc nữ, những thảo mi, những hằng nga lúng liếng môi cười để mọi người mỗi khi vào nhà anh vừa chia xẻ ngậm ngùi vừa cười ha hả, kháo nhau rằng "bàng giỏi lắm, bàng ơi!" ...
(Nguồn: Tản mạn cuối tuần - Bình Địa Mộc)

178. ‘Ông Kim Dung’ của tui đi về đâu?


1. Có một hôm hắn đi uống cà phê với một người bạn tên X, ở đường Mã Mây (Hà Nội), tình cờ bạn hắn có nói là:
- ‘Có một anh bạn của mình đang bị ‘bóc lịch’, chắc anh ấy cần một số sách để đọc’
Vì bạn hắn là người rất nhiệt tình giúp đỡ những người ‘sa cơ lỡ bước’, nên hắn bèn hồ hỡi nói:
- ‘Ở nhà tôi còn cả một kho tàng truyện của Kim Dung, để hôm nào tôi đem lên Hà Nội cho, rồi bạn gửi cho anh ấy đọc nhé’
Nói đến đây, hắn hơi chột dạ, không phải là một kho tàng Kim Dung, mà mấy bộ sách ‘còn sót lại’ sau khi đã bị ‘thủ tiêu’ bởi những người ‘không quan tâm’ đến Kim Dung. Nghĩ đến đây, hắn chợt thấy đau lòng, cách đây lâu năm lắm rồi, có một hôm tình cờ hắn đi xuống bếp và thấy ‘ông Kim Dung’ đang bị đốt để nhóm bếp (thời đấy nấu ăn bằng củi), hay vào trong hố xí, thấy ‘ông Kim Dung’ đang bị treo lủng lẳng trên một sợi dây thép hình lưỡi câu, người ta dùng để chùi…

2. Trước tiên, Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh (bộ Tiếu ngạo giang hồ) thì phiêu bạt ở tận nhà ông em của hắn ở tỉnh Hòa Bình. Trong mấy lần uống cà phê, hắn đã có nhiều lần nói về tư tưởng Kim Dung, không chỉ trong Kim Dung mà cả ngoài Kim Dung, về triết lý của con người xưa nay mà trong đó ‘hiện tượng Kim Dung’ chỉ là một ‘dấu ấn’ vào một thời điểm nào đó, đặc biệt, hắn còn nêu lên rất nhiều tư liệu để chứng minh rằng có vài nhà bình luận Kim Dung thời nay là chưa đạt (hì..hì…), ông em hắn rất ngạc nhiên mà nói rằng:
- ‘Không ngờ ảnh biết nhiều tư liệu đến thế, ý tưởng của ảnh rất kỳ lạ, hôm nào ảnh nhớ gom lại những tư tưởng ‘kỳ lạ’ của ảnh về Kim Dung nhé’
Và bị thu hút bởi những ý niệm của hắn, ông em hắn đồng ý sẽ gặp ‘ông Kim Dung’! Thế là hắn về Điện Biên tải ‘Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh’ đi Hòa Bình, nhưng lúc đó hắn chỉ đưa ông em hắn mượn chỉ có một bộ, không phải vì hắn ‘tiếc’ mà vì việc vận chuyển ‘ông Kim Dung’ đi đường dài rất khó, nếu ông em của hắn tiếp tục quan tâm đến Kim Dung thì hắn sẽ vận chuyển thành nhiều đợt.
Hắn cho mượn trước tiên là ‘Lệnh Hồ Xung’ để ông em của hắn biết cái ‘triết lý tiếu ngạo’ của Kim Dung hay của thiên hạ nói chung như thế nào, đặc biệt là:
- 'vô chiêu thắng hữu chiêu' là như thế nào,
- đoạn Lệnh Hồ Xung giả làm tên quan say là 'Ngô Thiên Đức’ không biết chút võ công nào mà cứu được chúng đệ tử phái Hằng Sơn như thế nào,
- lời khen ‘cao thâm khôn lường’ của Định Tĩnh sư thái dành cho Lệnh Hồ Xung được diễn đạt như thế nào,
- phong thái ‘thần long không lộ diện’ của Phong Thanh Dương hay của Mạc Đại tiên sinh như thế nào,
Ngoài ra còn để cho ông em biết:
- Nhậm Ngã Hành khi chiếm lại ngồi Giáo chủ Ma giáo, nghe giáo chúng tung hô ‘thánh giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ’, sướng quá cười ha hả, và rồi ngã ngửa ra chết như thế nào,
- Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh dắt tay nhau hát khúc ‘Tiếu ngạo giang hồ’ bỏ mặc lại đàng sau những phù phiếm của nhân gian như thế nào, …
Nhưng, khi nhận lại ‘Lệnh Hồ Xung’ từ ông em, hắn chợt nhận ra rằng LHX vẫn còn ‘rin’, có nghĩa là trong 3 năm chắc là ổng chả đọc tí nào cả, và do đó chả có biết bạn ‘Lệnh Hồ Xung’ như thế nào cả, ôi, lại buồn thay!
Hắn còn nhớ, có một lần, ‘thiên thần bé nhỏ’ hỏi mượn truyện Kim Dung, hắn hứa, nhưng sau đó hắn cũng chưa cho nàng mượn được, vì khó khăn nhất là việc vận chuyển ‘ông Kim Dung’ cồng kềnh đó trên xe đò hay máy bay (từ Điện Biên đến Hà Nội, rồi từ HN đến tận Thanh Hóa), nhất là trong tay hắn đã có 2 túi hành lý, còn tay đâu mà ôm theo ‘ông Kim Dung’! Nói vậy, chứ trước sau gì hắn cũng có cho nàng, thậm chí hắn có thể mua tặng nàng mấy bộ Kim Dung còn thơm phức mua trực tiếp từ các hiệu sách, nhưng nay dù hắn có muốn làm thế cũng không được, nàng đã nghỉ chơi với hắn rồi (rất khó hiểu), ôi! ‘còn gì nữa đâu mà khóc với sầu’.
Hắn dùng từ ‘cho mượn’, nhưng thực ra hắn có ý định cho luôn, vì nếu hắn không cho đi thì để ở nhà để làm gì, hắn đi vắng cả 3 năm chả có ai quanh nhà hắn, hay bà con hắn, mà thèm để mắt đến Kim Dung, không ngờ một ngày nào đó, ‘ông Kim Dung’ lại bị huy động!

3. Thế là có dịp về Điện Biên, hắn kiểm tra trong tủ đựng áo quần thì, may ra, Dương Quá - Tiểu Long Nữ, Trương Vô Kỵ - Triệu Minh và Đoàn Dự - Vương Ngữ Yên vẫn còn ở lại chơi nhà hắn (đó là ba bộ Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký và Thiên long bát bộ). Hắn bèn kiểm tra lại thì bộ ‘Ỷ thiên đồ long ký’ bị thiếu mất một cuốn, hắn không quan tâm là thiếu cuốn thứ mấy, vì hắn có bao nhiêu sách thì cho bấy nhiêu.
Hắn còn nhớ cách đây ba năm, có một anh chàng bộ đội vào nhà hắn có mượn đọc mấy cuốn ‘Trương Vô Kỵ’, chắc anh ta đọc rồi mà không…  trả lại, ba năm rồi, biết đâu mà truy tìm, nếu có hỏi thì anh chàng ấy cũng chẳng nhớ vì cậu ấy hứng thì hỏi đại sách nào đọc cũng được, chứ có để ý gì đến Kim Dung đâu mà nhớ!
Hắn thầm nghĩ:
- ‘Thôi, bộ Tiếu ngạo giang hồ thì nói ông em mang lên Hà Nội, cộng với ba bộ này nữa là đủ bốn bộ. Người cần nhận đọc được ba bộ trọn vẹn, còn bộ thứ tư là Ỷ thiên đồ long ký thì thiếu một cuốn, để cho y đọc rồi mà vẫn cứ thòm thèm, rồi ta sẽ bổ sung sau, biết đâu lại hay hơn!’
Thế là 2 cha con hắn đi khắp nhà trên nhà dưới, lục lọi, may ra có một cái thùng có thể đựng được ‘ông Kim Dung’ và một số quà mà bà con ở quê gởi cho, hai cha con hắn, một người thì giữ chặt ‘ông Kim Dung’, một người thì lấy băng dán nhiều vòng cho chắc chung quanh ‘ông Kim Dung’, dán toát cả mồ hôi. Chu choa, đến cái công đoạn một tay cầm va ly, một tay bê ‘ông Kim Dung’ ra bến xe, cũng toát mồ hôi trán, hắn đi bằng xe đò từ Điện Biên lên Hà Nội mất 350km chứ có ít gì, rồi tiếp cái công đoạn bê ‘ông Kim Dung’ từ bến xe Mỹ Đình về nhà nữa, thật là hao phí chất xám ghê gớm!
Cũng vậy, tại Hà Nội, tìm một cái thùng nhỏ hơn vừa khít với ‘ông Kim Dung’ để dễ vận chuyển đến điểm giao hàng, hai cha con hắn, người thì tìm kéo, kẻ thì tìm dây nhợ, người giữ, kẻ buộc, rồi đợi một ngày thuận lợi, hắn lấy xe máy đèo ‘ông Kim Dung’ đến cuối đường Quang Trung (giáp Hà Tây cũ), nhưng đến nơi hắn không giao hàng ngay được vì ông bảo vệ không chịu nhận giùm, vì thế hắn phải vào tận bãi để gửi xe máy, khệ nệ bưng xuống, rồi khệ nệ bưng lên, chưa xong, đến thang máy, ông bảo vệ còn hỏi:
- ‘Cái gì trong thùng vậy?’
Hắn hay đùa nên cười to và nói:
- ‘Đây là ‘ông Kim Dung’, tức là sách đấy, hì..hì…’
Hắn lại tiếp tục bê ‘ông Kim Dung’ đi thang máy lên tầng thứ 12, giao tận nơi, thế là hoàn thành nhiệm vụ, my God!

4. Hắn tưởng thế là ổn, tưởng là mình làm được một việc công ích nhỏ, như Trịnh Công Sơn vẫn thường nói ‘mỗi ngày ta chọn một niềm vui’.
Nhưng nửa tháng sau đó, hắn nhận được tin là bộ Ỷ thiên đồ long ký không chỉ thiếu 1 cuốn mà… thiếu 3 cuốn, ủa, không lẽ từ từ nhà hắn lên Hà Nội mà bay mất 2 cuốn nữa, vô lý, ở trong thùng mà, hay là sau khi giao hàng có thể bị thất lạc, thực ra chả ai thèm lấy ‘ông Kim Dung’ làm gì, nếu có lấy họ cũng hỏi một tiếng, có trời mà biết, thôi, không có gì quan trọng, nhưng ông bạn X của hắn nói là sẽ cho người ra chợ trời tìm cho ra 3 cuốn đó, cho phôtô đầy đủ rồi mới cho gửi đi.
Hắn mới phân tích như thế này, cuối cùng, người tặng ‘ông Kim Dung’ được cái gì, có thể may ra hắn nhận được một lời cám ơn nào đó, nhưng hắn đâu có màng tới lời cám ơn. Ông em của hắn mà hắn chỉ cho mượn có một bộ, ‘thiên thần bé nhỏ’ của hắn mà hắn còn chưa cho mượn được bộ nào, thế mà hắn ‘hồ hỡi’ gửi hết những sách mà hắn có cho người bạn X này, chính là vì hắn nể cái anh bạn ‘đại nhân đại nghĩa’ của hắn, anh ấy hay giúp người, nên hắn nhiệt tình giúp lại.
Cho đến khi viết nhật ký này, hắn chưa biết ‘ông Kim Dung’ sẽ đi về đâu, vì cuộc đời có 2 chặng: chặng đầu là giao ‘ông Kim Dung’ an toàn đến nơi nhận, hắn đã hoàn thành nhiệm vụ, chặng thứ hai là ‘ông Kim Dung’ sẽ được chuyển đến tận tay người cần nhận, việc này là ngoài khả năng của hắn./.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

177. Những thiên tình sử của Việt Nam

(LTS: Khái niệm về thế nào là ‘thiên tình sử’ cần phải được xác định, trong phạm vi ‘entry’ này, người viết chỉ ghi lại những cảm nghĩ của mình về một số nhân vật đã đi vào huyền thoại, chắc chắn bài viết không phải là một công trình khoa học. Nếu mình may mắn lắm thì chỉ là 'Mạc Tiểu tiên sinh' (khác với Mạc Đại tiên sinh), chỉ dạo lại khúc 'Tiêu Tương dạ vũ' (Đêm mưa trên bến Tiêu Tương) nhè nhẹ thôi, đâu dám 'gom' hết các thiên tình sử xưa và nay của Việt Namxin lưu ý rằng bài viết này đã được cập nhật ngày 13/11/2012 trên cơ sở entry 'Những thiên tình sử của Việt Nam' đã đăng tải trong trang Web 'Thi nhân Việt Nam đương đại', xem dưới)

1. Có bạn phát hiện trong các bài viết của mình có phản phất nét Kim Dung, mình không phủ nhận, thực ra mình cũng ‘hổng thích’ như vậy, mình có làm việc chung với các cô gái Tàu, Hà Lan, Úc, Anh, Mỹ, In-đô, Thái Lan, Philippine, Nepal, Ấn Độ, ..., nhưng nhìn tổng thể, mình thấy 'nữ' Việt Nam là… đẹp nhất, và mình tin vào nhận xét của mình, hì..hì…
Các bạn thử nghĩ xem, nhắc đến chuyện tình thì người ta nhắc đến nhiều nhất như Romeo và Juliet, cảm động và vang dội như Tiểu Long Nữ và Dương Quá (trong truyện ‘Thần điêu đại hiệp’), đau khổ như là Hứa Văn Cường và Trình Trình (trong phim ‘Bến Thượng Hải’ hay ‘Khúc bi ca của tình yêu’), bi tráng như Tiêu Phong - A Châu/A Tử (trong truyện ‘Thiên Long bát bộ’), vô vọng như Scarlett và Ashley/Rhett (trong truyện ‘Cuốn theo chiều gió), biến động như Cleopatra và Mark Antony, tuyệt vọng như Anna Karenina và Vronsky (trong truyện Anna Karenina), tội nghiệp như Margarit và Duval (trong truyện 'Trà hoa nữ)...
Ngoài ra, còn có các cặp tình nhân như Heathcliff và Catherine (trong truyện ‘Đồi gió hú/Đỉnh gió hú’), Jane Eyre và Róchester (trong truyện ‘Jên Erơ’), Jack và Rose (trong phim ‘Titanic’), Napoleon và Josephine, Juan và Evita Peron, và còn có các thiên tình sử (diễm lệ) của Trung Quốc như Đường Minh Hoàng - Dương Quý Phi, Tây Thi - Phạm Lãi, Chu Du - Tiểu Kiều, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Vương Chiêu Quân, Võ Tắc Thiên, Từ Hi thái hậu, Điêu Thuyền, Mộc Quế Anh, …
Tức thiệt, chả lẽ không có thiên tình sử nào của VN nào bằng bi kịch Romeo và Juliet! Có lẽ các nhà văn/thơ của ta chưa có khả năng viết nên một áng văn bất hủ như của Shakespeare, chưa có đạo diễn tài năng như Trương Nghệ Mưu, chưa có thể đóng những phim hoành tráng như Thần Điêu đại hiệp, Tam quốc chí, Thủy hử, Nữ hoàng Cleopatra, Titanic, Giải phóng châu Âu… Thật ra, ta cũng có một số phim như ‘Chạy án’, ‘Vật chứng mong manh’, ‘Kiều nữ và đại gia’, ‘Chuyện làng Nhô’, 'Cánh đồng bất tận', 'Đất và người', …, nhưng hình như các nhân vật trong các phim trên không gây được ấn tượng lâu dài, ví dụ khi nhắc đến phim ‘chạy án’, người ta thường nói ‘cái anh chàng gì con ông thứ trưởng đó’, khi nhắc đến phim ‘kiều nữ và đại gia’, người ta thường nói ‘cái cô mà đẹp đẹp là hoa hậu hay á hậu gì đó’, hay khi nhắc đến phim 'cánh đồng bất tận', các cháu nói 'nhân vật chính là cái ông gì đó không rõ', nhưng ai cũng nhớ 'Chu Văn Quềnh'!, …
Và tức thiệt, ngay cả những thành ngữ về chuyện tình mà người ta hay sử dụng trong các quán cà phê/bàn nhậu cũng của Tàu luôn, như ‘giang sơn và mỹ nhân’, ‘đa tình tự cổ không như hận, xứ hận miên miên vô tuyệt kỳ (đa tình từ xưa để mối hận, hận này dằng dặc có bao giờ nguôi)’, ‘thiên thu vạn tải khổ cũng yêu’, ‘vẻ đẹp thiên tiên thoát tục, siêu dật vô song’, ‘đẹp liêu trai’, ‘đẹp nghiêng thành đổ nước’, …
Tất nhiên, ta cũng có những thành ngữ chẳng kém gì như 'khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan', 'mây gió trăng hoa tuyết núi sông', 'một tòa thiên nhiên', 'khối tình Trương Chi', 'đôi mắt hồ thu', 'đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy', 'thắt đáy lưng ong', 'đôi gò bồng đảo sương còn ngậm', 'trà Bắc Thái, gái Tuyên Quang', 'dáng đứng Bến Tre', 'không thể kiềm hãm cái sự sung sướng đó lại', 'thiên thần bé nhỏ'...

2. Thực ra, những thiên tình sử của Việt Nam nếu biết khai thác thì giá trị nghệ thuật và nhân văn của nó chả kém gì (thậm chí hơn) các loại hình truyện tình yêu của phương Tây, của Tàu hay của Hàn Quốc. Có thể kể ra vài cái tên như chuyện tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Trọng Thủy - Mỵ Nương, Trương Chi - Mỵ Nương, Lý Công Uẩn - Giáng Bình, Huyền Trân công chúa - Trần Khắc Chung, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Lý Thánh Tôn - Ỷ Lan phu nhân, Nguyễn Huệ - Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Công Trứ - Đào nương, Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ, Dương Vân Nga - Lê Hoàn, Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thái Học - Cô Giang, Lưu Trọng Lư - Điềm Phùng Thị, Vũ Hoàng Chương - Tố Uyển, Lan và Điệp, K’lang và H’biang (thiên tình sử LangBiang), ..., trong bài viết này, mình chỉ có cảm tưởng về một số chuyện tình mà mình hay nghĩ đến mà thôi.
Theo yêu cầu của một bạn đọc, sau đây mình xin trích vài dòng về các triều đại VN và chỉ có tính chất tham khảo: Thời Kinh Dương Vương và các vua Hùng (khoảng thế kỷ thứ 11! đến thứ 3 TCN), thời Bắc thuộc (từ thế kỷ thứ 2 TCN đến năm 938), nhà Ngô (939-967), nhà Đinh (968-980), nhà Tiền Lê (980-1010), nhà Lý (1010-1225), nhà Trần (1225-1427), nhà Hậu Lê (1428-1788), nhà Tây Sơn (1788-1802), nhà Nguyễn (1802-1954), thời Nam-Bắc (1954-1975), thời Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975- nay). Để dễ nhớ, ta có thể dùng cụm từ sau 'Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn'. (Nguồn: ‘Các triều đại Việt Nam - Tâm Nghĩa)


Sau đây là các câu chuyện tình của Mỵ Nương, Dương Vân Nga, Ỷ Lan, Huyền Trân, Nguyễn Thị Lộ và Nam Phương

a- Chuyện tình giữa Mỵ Nương và Sơn Tinh-Thủy Tinh:
Thời vua Hùng Vương thứ 18 có một người con gái là Mỵ Nương, xinh đẹp tuyệt trần: ‘Tóc xanh viền má hây hây đỏ. Miệng nàng bé thắm như san hô. Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ. Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ’ (Nguyễn Nhược Pháp). Nàng được vua hết mực yêu thương, vì thế vua tổ chức kén rể để tìm một chàng trai xứng đáng với con gái mình. Một hôm có 2 chàng trai đến xin cầu hôn công chúa, đó là Sơn Tinh và Thủy Tinh. 
Sơn Tinh hay còn được gọi là Tản Viên Sơn Thánh (là một người có thực, xuất thân là ‘nông dân áo vải’, tên là Nguyễn Tuấn), theo truyền thuyết, chàng là vị thần cai quản núi Ba Vì (trên Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, cao 1281m, còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn), có tài hoán chuyển núi non. Còn Thủy Tinh là thần nước (vùng sông Sông Hồng, sông Đà, sông Thao…), có tài hô phong hoán vũ.
Cả hai đều có tài năng xuất chúng, có sức mạnh phi thường và đều xứng đáng làm con rể của vua Hùng. Để quyết định ai sẽ là rể, nhà vua thách cưới với những lễ vật rất quý hiếm như ‘voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…’.
Điều đó thể hiện vua rất ‘thiên vị’ với Sơn Tinh!, chắc là vua đã có bàn tính và có ý định gả con gái cho Sơn Tinh - là người miền núi (ở gần, dễ thăm viếng!). Và điều này đã tạo điều kiện thuận lợi vô cùng cho Sơn Tinh là người miền núi, lại ở gần, nên chẳng bao lâu sau đó, chàng đã đến trước dâng lễ vật, lấy được công chúa và rước dâu đưa về núi Tản Viên.
Ngược lại, điều này lại gây vô cùng khó khăn cho Thủy Tinh - người vùng sông biển, ở xa, dĩ nhiên là chàng đến trễ. Bị ‘phổng tay trên’ mất người đẹp, nên chàng vô cùng ‘hận tình’, bèn đem binh tôm tướng cá rượt theo, dâng nước lên núi Ba Vì để đánh nhau với Sơn Tinh. Nhưng nước biển dâng cao lên bao nhiêu thì núi dâng cao lên bấy nhiêu. Thủy Tinh thất bại đành phải rút quân về biển, chàng ôm mối hận tình ngày càng tăng, nên hàng năm cứ xua quân lên tấn công Sơn Tinh, và mối hận tình này kéo dài mấy ngàn năm nay!

b- Chuyện tình giữa Dương Vân Nga và Lê Hoàn:
Dương Vân Nga (952-1000) là một trong 5 hoàng hậu của Đinh Bộ Lĩnh, thời đó người ta thường gọi bà là ‘Dương thị’, còn Dương Vân Nga là tên gọi của thời nay, tên ‘Vân Nga’ là từ ghép của hai từ ‘Vân Lung’ và ‘Nga My’ là tên hai thôn của cha mẹ bà, thuộc huyện Gia Viễn và Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ngày nay. 
'Theo các truyền thuyết dân gian, sinh thời Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có khuôn mặt bầu bĩnh rất phúc hậu song vẫn có nét thanh tú, cao sang. Nước da của bà hoàng hậu họ Dương trắng hồng và cặp mắt phượng, mày ngài lúc nào cũng long lanh đầy tình tứ: 'Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn. Mắt kia sao mọc cờn cờn. Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân...'. Chắc hẳn chính vẻ đẹp thanh tú, mỹ miều và uyển chuyển của bà đã khiến cho cả vị chúa động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh và sau này Thập đạo tướng quân Lê Hoàn mê đắm. Đó là lý do bà được làm chính cung ở cả hai triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê…
Khi nghe tin Đinh Tiên Hoàng đã mất, tự quân còn nhỏ, nhà Tống muốn thừa cơ sang cướp ta. Lúc quân Tống sắp kéo sang, các tướng đồng lòng với Phạm Cự Lượng truất phế Đinh Tuệ, suy tôn Lê Hoàn lên ngôi vua. Chính bà đã tự tay lấy Hoàng bào khoác vào vai Lê Hoàn và giúp ông làm nên việc lớn...’ (blogger trantung)
Về chuyện tình của Thái hậu Dương Vân Nga, nghe nói bà là ‘Hoàng hậu 2 triều’, thậm chí là ‘Hoàng hậu 3 triều’ (!)…, mình có cảm giác bà giống như một ‘Cleopatra’ của Việt Nam.

c- Chuyện tình giữa Ỷ Lan và Lý Thánh Tôn:
Ỷ Lan (1044!-1117) có tên thật là Lê Thị Yến hay Lê Thị Khiết, thường được dân gian gọi là ‘Yến cô nương’, cha làm quan nhỏ trong kinh thành (Thăng Long), mẹ mất sớm khi nàng mới 12 tuổi, cha lấy vợ kế rồi ít lâu sau qua đời, nàng sống chung với mẹ kế. Nàng là một thôn nữ nghèo, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm ở làng Sùi (hay làng Thổ Lỗi, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). 
Mùa xuân năm 1063, Vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi nên đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đó là một ngày hội lớn, xa giá vua đi đến đâu thì các quan trên dưới và trăm họ ra nghênh đón đến đấy, chiên trống ầm ỉ, các thanh nam thanh nữ, nhất là trẻ con đều ùa ra xem.
Đi ngang qua hương Thổ Lỗi, vén rèm ra xem quang cảnh thơ mộng của đồng quê, vua bỗng thấy thấp thoáng trong ngàn dâu xanh mướt có bóng một cô thôn nữ mặc áo trắng trắng, dáng cong cong, nàng không quan tâm đến đoàn người 'hoàng gia' ồn ào này, mà cặp mắt lơ đãng đang nhìn lên trời mây non nước xa xôi. Vua lấy làm lạ, bèn cho lính hầu ngừng kiệu, vời người con gái ‘kiêu căng’ đó đến hỏi chuyện.
Tiếp chuyện với vua, nàng đối đáp thông minh, ăn nói dịu dàng, lễ phép: ‘Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm việc đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng mẹ cha, không dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng…’. Càng nhìn kỹ, vua càng thấy rõ là nàng vô cùng xinh đẹp, dáng ngọc thướt tha, cuốn hút làm mê mẫn lòng người, có phong cách ung dung, thần thái, khác hẳn những cô gái mà vua đã từng gặp - ‘một con phụng hoàng trong loài người’ mà chỉ có vua Lý Thánh Tôn có cặp mặt vô cùng tinh ý mới phát hiện ra được. Từ những giây phút đó, nàng đã chinh phục được trái tim nhà vua…  Rồi vua ‘đưa nàng về dinh’ tức là về kinh thành Thăng Long, sau đó vua càng ngày càng yêu quý nàng và phong làm Ỷ Lan cung phi. Ngoài ra, vua còn cử thầy ‘đào tạo’ và xây riêng cho nàng một cung gọi là cung Ỷ Lan để kỷ niệm ngày gặp nàng đang ‘đứng tựa gốc lan’. Từ đó nhân gian quen gọi nàng là ‘Ỷ Lan phu nhân’.

d- Chuyện tình giữa Huyền Trân và Trần Khắc Chung:
Huyền Trân công chúa (1287-1340) là con gái của Trần Nhân Tông. Rất ít tư liệu mô tả về vẻ đẹp của nàng, sau đây là vài dòng mà mình tìm được: ‘Công chúa ngước lên nhìn nhũ mẫu, hai bàn tay ngọc với những ngón thon dài vẫn giữ khư khư trên mặt cuốn sách để ngỏ. Đôi mắt tròn với hàng mi xanh đậm nhướng lên nhìn nhũ mẫu với vẻ nài nỉ 'Xin nhũ mẫu thư cho một chút, tôi đang đọc đến chỗ hay'…Đôi má ửng hồng lên như một trái đào khoe mã, khẽ nhếch cặp môi đỏ mọng như tô son, để lộ ra hai hàm răng nhỏ, trắng muốt như những hạt ngô nếp (theo maxreading.com).
‘Sau một lần tình cờ đến yết kiến Vua Nhân Tông tại cung điện riêng, tướng Trần Khắc Chung (?-1330) vô tình giáp mặt công chúa. Sắc đẹp thầm kín, nhu mì, đoan trang của người đẹp cùng diện mạo tuấn tú, khí phách oai dũng của vị võ tướng đã khiến cả hai lập tức xao xuyến, rung động’ (theo khoahoc. baodatviet.vn).
Năm 1306, vì mối quan hệ ‘triều cống’ giữa hai nước, Huyền Trân công chúa được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu là châu Ô và chấu Rí (từ đèo Hải Vân tới phía bắc Quảng Trị ngày nay).
Năm 1307, Chế Mân mất, Trần Khắc Chung được vua cử sang Chiêm Thành để cứu nàng. Theo truyền thuyết, sau khi cứu công chúa, Trần Khắc Chung đã đi về bằng đường biển (tại Quảng Bình) chứ không về đường bộ, và hai người đã ‘yêu nhau’ trên đường đi...

đ- Chuyện tình giữa Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi:
Nguyễn Thị Lộ, 1398-1442, quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, là một cô là cô gái bán chiếu, Nguyễn Trãi cảm nàng có tài sắc vẹn toàn nên đã vì nàng mà đã làm nhiều bài thơ nổi tiếng và sau đó đã lấy nàng làm vợ thứ:
‘Lúc này, ở ngoài phố vọng lại tiếng rao của hàng quà rong nghe rất động lòng. Nguyễn Trãi nhận ra Nguyễn Thị Lộ. Trong giây khắc, trái tim ông ngừng đập. Con người cũ trong ông chết đi. Giây khắc sau ông sống lại, bắt đầu chuyển thành con người khác. Nguyễn Trãi cau mày. Ông đã gặp người này ở đâu? Từ bao giờ: 'Một đóa đào hoa khéo tốt tươi. Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười. Động phong ắt có tình hay nữa. Kiện tiển mùi hương dễ động người…’ (theo 4phuong.net)
Nàng theo Nguyễn Trãi phò vua Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh, đồng thời dạy học cho con cháu của các thủ lĩnh và các quan lại trong triều. Đến đời vua Lê Thái Tông, nàng được phong chức ‘Lễ nghi học sĩ’ để dạy cho các cung nữ và tư vấn cho nhà vua về việc trị nước, bà đã có công lớn trong sự bền vững của triều Lê.
Có người nói chính vì có sắc và tài, nàng đã vô tình dính líu vào cái chết của vua Lê Thái Tông, mà đã gây ra vụ ‘thảm án Lệ Chi Viên’ (bị tru di tam tộc), theo sử gia Ngô Sĩ Liên, vua là người không đứng đắn, đã ở lại qua đêm với nàng rồi đột ngột qua đời, còn sử gia Phan Huy Chú thì gọi nàng là ‘yêu nữ’!, người ta còn đồn rằng cả vua và Nguyễn Trãi đều chết vì chữ ‘sắc’!
Đây là một nghi án lịch sử mà khoảng hơn 20 năm sau (1442-1464), vua Lê Thánh Tôn đã ban chiếu minh oan cho bà. Một số kết luận có khoa học ngày nay cho rằng đó là do ‘chủ mưu’ của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh vì ghét tính 'cương trực' của Nguyễn Trãi, và/hay muốn giữ bí mật cái 'bào thai' trước đây của bà!.

e- Chuyện tình giữa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ:
Ngọc Hân tên thật là Lê Ngọc Hân, sinh ngày 25/5/1770, là công chúa thứ 21 của vua Lê Hiển Tông, là một trong những 'viên ngọc quý' của nhà Hậu Lê, được nhân dân gọi là 'Bà Chúa Tiên' hay 'Hoàng Hậu Phú Xuân'. Lúc lấy Nguyễn Huệ, nàng mới có 16 tuổi, là người giỏi văn thơ, xinh đẹp, nết na, còn trong trắng và hoang dại - một sự hấp dẫn 'đến mùa' về giới tính đủ làm cho vị anh hùng Nguyễn Huệ ‘sa lưới tình’.
Khi biết tin mình được gả cho Nguyễn Huệ (hôn phối 'chính trị' do Nguyên Hữu Chỉnh sắp đặt), Ngọc Hân rất lấy làm lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Ngày mồng mười Tết, về đến nhà chồng, đêm động phòng hoa chúc, nàng mới thấy chàng hoàn toàn khác với một vị tướng đầy quyền bính trong tay. Chàng đối xử với nàng từ tốn, dịu dàng và nhỏ nhẹ như một người anh trai với một người em gái bé bỏng, thế là bản giao hưởng ‘Nam-Bắc’ đã bắt đầu dạo lên những âm điệu tuyệt kỹ.
Vì Nguyễn Huệ là người sống đầy tình cảm, đầy nhân tính và rất thương ‘thiên thần bé nhỏ’, nên đã chinh phục được trái tim người đẹp. Trưa mồng bảy Tết Kỷ Dậu, khi cưỡi trên lưng voi tiến vào thành Thăng Long, chiến bào còn khét lẹt mùi thuốc súng, được nhân dân đón mừng, rồi các bô lão tiến đến tặng cho Nguyễn Huệ một ‘cành đào Nhật Tân’, vị hoàng đế áo vải đó đã không say men chiến thắng, mà lập tức phái người gửi trực chỉ về Nam cho ‘trái tim’ vô cùng yêu dấu của mình.
Nguyễn Huệ chết sớm khi nàng mới có 22 tuổi, nàng đã khóc, dòng lệ của nàng đã chảy dài theo lịch sử…

f- Chuyện tình giữa Nam Phương và Bảo Đại:
Nam Phương hoàng hậu (1914-1963) là hoàng hậu duy nhất được phong khi còn sống dưới triều Nguyễn (1802-1945), là ‘viên kim cương cuối cùng của triều Nguyễn’ và cũng là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. 
Bà có tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4/12/1914 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang, xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có nhất nhì ở miền Nam thời bấy giờ.
Nam Phương là tên do Bảo Đại đặt: ‘Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là ‘Hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud)’ và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng - màu dành riêng cho Hoàng Đế’ (Bảo Đại - Hồi ký ‘Con rồng An Nam’).
Lúc nhỏ nàng học ở Sài Gòn, năm 12 tuổi đi học ở Pháp (mang quốc tịch Pháp, tên là Marie Thérèse Lan, nhũ danh Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào) và tốt nghiệp ‘tú tài toàn phần’ tại đấy. Nàng còn là người rất xinh đẹp, nghe đồn rằng nàng đã từng 3 năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương (wikipedia), cho đến nay ở Việt Nam chưa có ai đạt kỷ lục này (!).
Các bức hình chụp lúc 18-19 tuổi cho thấy nàng có dáng người thanh lịch, miệng chúm chím như san hô, môi duyên, mũi dọc dừa, cặp mắt thường nhìn về xa xôi và ẩn chứa trong đó một khát vọng nào đó, khuôn mặt hiền, thanh tú và đủ tươi...
Đám cưới của đôi ‘trai tài gái sắc’ này (Bảo Đại và Nam Phương) diễn ra ngày 20/3/1934, khi đó chàng mới 21 tuổi, còn nàng mới 19 tuổi. Là người đàn bà đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn, nàng xuất hiện giữa cung Càn Chánh với một vẻ đẹp lộng lẫy…

3. ...Thực ra chung quanh chúng ta không thiếu gì những mối tình đẹp và có thể là bất tử, có điều là chúng không được may mắn rơi vào 'ống kính' của nhà văn/thơ hay nhà soạn nhạc/kịch lớn, ví dụ ta biết đến Diễm xưa, Mộng Cầm, Hoàng thị, Lan và Điệp, Nàng trinh nữ tên Thi, Châu Pha, Chí Phèo - Thị Nở, Đặng Thùy Trâm..., vì họ có gắn liền với tên tuổi của Trịnh Công Sơn, Hàn Mặc Tử, Phạm.Duy, Nguyễn Công Hoan/Trần Hữu Trang, Hoàng Thi Thơ, Lê Dinh, Nam Cao hay Đặng Thùy Trâm (nhật ký). Ngoài ra, có một số góp ý của bạn đọc như ‘Ủa, còn mối tình bên lò gạch cũ nữa, sao không thấy NGLB nhắc đến... nếu xét theo tiêu chí công chúng hoá?’ hay ‘Quá khứ là như vậy, thế còn hiện tại thì sao (anh Trỗi - chị Quyên...)?’, mình có trả lời là mình không có tham vọng ‘gom’ hết các thiên tình sử của Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

Cuối cùng, mình xin thay lời kết luận bằng một góp ý thực tế của bạn 'Kim Phụng': "Nếu một trong những thiên tình sử trong bài của anh Lá Bàng mà được điện ảnh làm phim thì thế nào em cũng tìm xem, anh ạ! Em coi phim lịch sử nước ngoài nhiều lắm, mà sao lịch sử nước ta lại trốn đi đâu mất tiêu rồi! em tìm hoài hổng thấy! giờ bảo Trương Vô Kỵ, Dương Quá, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, em còn biết, chứ như Huyền Trân công chúa, thì muốn biết em lại phải tra Google, chứ đâu có nói rành rọt như lịch sử nước ngoài được! hic hic! Hôm nay cảm ơn bài viết của anh Lá Bàng nhiều! Nhờ nó mà em biết thêm được một số thiên tình sử của nước ta!".
-------------------------------------
Bài viết 'cũ' đã được đăng trong trang Web 'Thi nhân Việt Nam đương đại':


* Chuyện tình giữa Huyền Trân công chúa và Thượng tướng Trần Khắc Chung, Trần Khắc  Chung, ?-1330, thời vua Trần Nhân Tông, khác với tướng Trần Khát ‘Chân’, 1370-1399, thời vua Trần Nghệ Tông. Huyền Trân công chúa, 1287-1340, là con gái của Trần Nhân Tông, năm 1306, nàng được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu là châu Ô và châu Rí (từ đèo Hải Vân tới phía Bắc Quảng Trị ngày nay). Chuyện tình này đã được in thành truyện bằng tranh trước giải phóng và gây ấn tượng với mình cho đến giờ, mình ấn tượng về đoạn Trần Khắc Chung lao vào hỏa trường để cứu Huyền Trân công chúa (!), ấn tượng nhất là đọan nói sau khi cứu công chúa, Trần Khắc Chung đã đi về bằng đường biển (tại Quảng Bình) chứ không về đường bộ (mất cả năm, có người nói đùa là để cho lâu hơn!). Chuyện ‘2 người’ này vẫn thường được nhắc nơi quán cà phê, tuy nhiên, đã và đang được rất nhiều nhà sử học bàn cãi, có nhiều người không đồng ý là có chuyện đó. Trừ sử gia Ngô Sĩ Liên (và một vài sử gia khác), ông cho rằng chuyện đó là có thật và là 'thông dâm!', nhưng nên lưu ý là 2 người đã có một mối tình 'thanh mai trúc mã' trước đó, vả lại người Tàu không bao giờ đánh giá như vậy qua vụ tương tự của 'Tây Thi - Phạm Lãi'; ông còn cho rằng Trần Khắc Chung có vài động thái 'không đẹp' trong thời đó, nhưng mình thiết nghĩ nếu vậy thì làm sao mà Huyền Trân yêu chàng và vua đã cử chàng đi cứu Huyền Trân! Theo mình, đây là một cuộc hôn phối chính trị, mình nghiêng về giả thiết là VN và Chiêm Thành đã thống nhất giải pháp là để Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân công chúa để giữ tình hòa hiếu giữa 2 nước.

* Về chuyện tình giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, mình không viết nhiều vì các bạn đều biết, và đa số các bạn hẳn đã xem phim này mới được chiếu trên ti vi trong thời gian gần đây.

* Về chuyện tình giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa, Ngọc Hân (1770-1799) là con vua Lê Hiển Tông, được nhân dân gọi là 'Bà Chúa Tiên' hay 'Hoàng Hậu Phú Xuân', theo mình, chính Ngọc Hân đã làm cho Nguyễn Huệ thêm vĩ đại, hơn là những may mắn ông ta đã đem lại cho nàng (có nhiều truyền thuyết về sự đối xử tệ hại của chế độ Nguyễn Ánh đối với mẹ con nàng). Lúc lấy Nguyễn Huệ năm 1786, Ngọc Hân mới có 16 tuổi, giỏi văn thơ, xinh đẹp, nết na, còn trong trắng và hoang dại. Đây là một cuộc hôn phối chính trị do Nguyễn Hữu Chỉnh mai mối, gần như là ‘ép hôn’, mà sau đó một cô gái thuộc dòng dõi vua chúa đã đem lòng yêu thật sự một chàng nông dân áo vải xuất thân ở đèo An Khê (huyện Tây Sơn, Bình Định), đặc biệt là nàng đã tư vấn cho vua Quang Trung về văn hóa và giáo dục. Có phải cuộc tình này bắt đầu vào 'tháng bảy mưa ngâu' không mà nó lại kết thúc sớm vào năm nàng 22 tuổi (kiếp này chưa trọn chữ duyên, ước gì kiếp khác vẹn tuyền lửa hương), khi ông chết, nàng đã làm bài ‘Ai tư vãn’ khóc thương chồng nổi tiếng (có câu ‘dẫu rằng non nước biển đời, nguồn tình chắc chẳng chút vơi đâu là’), và cũng vì Nguyễn Huệ là người sống đầy tình cảm, đầy nhân tính và rất thương ‘thiên thần bé nhỏ’, mà đã chinh phục được trái tim người đẹp (năm 1789, sau khi chinh phục thành Đống Đa, ông đã gửi ngay một 'cành đào Nhật Tân' về tặng nàng). Hình như chưa có ai khai thác hết mối tình tuyệt đẹp trong quả tim của Ngọc Hân.

* Về chuyện tình giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cũng có nhiều truyền thuyết, Nguyễn Thị Lộ, 1398-1442, quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, là một cô là cô gái bán chiếu, Nguyễn Trãi cảm nàng có tài sắc vẹn toàn nên đã vì nàng mà đã làm nhiều bài thơ nổi tiếng và sau đó đã lấy nàng làm vợ thứ. Nàng theo Nguyễn Trãi phò vua Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh, đồng thời dạy học cho con cháu của các thủ lĩnh và các quan lại trong triều. Đến đời vua Lê Thái Tông, nàng được phong chức ‘Lễ nghi học sĩ’ để dạy cho các cung nữ và tư vấn cho nhà vua về việc trị nước, bà đã có công lớn trong sự bền vững của triều Lê. Có người nói chính vì có sắc và tài, nàng đã vô tình dính líu vào cái chết của vua Lê Thái Tông, mà đã gây ra vụ ‘thảm án Lệ Chi Viên’ (bị tru di tam tộc), theo sử gia Ngô Sĩ Liên, vua là người không đứng đắn, đã ở lại qua đêm với nàng rồi đột ngột qua đời, còn sử gia Phan Huy Chú thì gọi nàng là ‘yêu nữ’!, người ta còn đồn rằng cả vua và Nguyễn Trãi đều chết vì chữ ‘sắc’! Đây là một nghi án lịch sử mà khoảng hơn 20 năm sau (1442-1464), vua Lê Thánh Tôn đã ban chiếu minh oan cho bà. Một số kết luận có khoa học ngày nay cho rằng đó là do ‘chủ mưu’ của Hoàng Hậu Nguyễn Thị Anh liên kết với một số quan lại trong triều ghét tính ‘cương trực’ của ông (truyện 'Sao khuê lấp lánh' sau giải phóng của Nguyễn Đức Hiền đã lột tả được tính cách 'tĩnh lặng' đầy triết lý của ông trước sự phù phiếm của thế tục).

* Về chuyện tình của Nguyễn Công Trứ và Đào nương, Nguyễn Công Trứ, 1778-1858, năm 73 tuổi, ông đã yêu một ả đào hay đào nương mới có 18 tuổi, người ta đồn rằng nàng tên là 'thị Sử', còn ông thì giả làm kép đàn để chòng ghẹo nàng. Là một danh tướng triều Nguyễn, đồng thời là Doanh điền sứ (như bộ trưởng nông nghiệp ngày nay), một ‘nhà nho tài tử bậc nhất trong lịch sử trung đại’, có tính ‘ngông’ từ nhỏ, Nguyễn Công Trứ dần có triết lý sống ‘phong nguyệt vô tận’ hay ‘thuyền quyên ứ hự, anh hùng biết chăng’, ... Nhìn dưới giác độ bản thể luận, 'phá tính' của ông đã đem lại đậm nét 'thú nhàn' của người VN, vào chùa mà dám dắt theo một 'thiên thần bé nhỏ', mặc kệ những đàm tiếu của nhân gian (gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì, bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng), khác xa với ý niệm về 'tiêu dao' của người Tàu. Về cuối đời, ông đã say mê tham gia chơi và sáng tác trên 100 bài ca trù hay hát ả đào (một loại hình văn hóa phi vật thể của VN, lúc ấy tại Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và đã lấy một đào nương làm vợ (thiếp), thời đó thuộc loại ‘xướng ca vô loại’ mà đã làm say lòng một danh tướng, một nhà thơ lớn và cũng là một triết gia, thiết nghĩ nàng không thuộc loại tầm thường.

* Về chuyện tình của Thái hậu Dương Vân Nga, 952-1000, nghe nói bà là ‘Hoàng hậu 2 triều’, thậm chí là ‘Hoàng hậu 3 triều’ (!), có 3 đời chồng liên tiếp đều là vua, đó là Ngô Xương Văn (Hậu Ngô vương), Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, mình có cảm giác bà giống như một ‘Cleopatra’ của Việt Nam. Vì quan niệm ‘gái chính chuyên’ thời đó là vô cùng phức tạp, nên các nhà viết sử thời phong kiến cũng phải ngập ngừng khi chấp bút viết những dòng bình luận về bà, nó vẫn còn để lại bao bàn luận cho đến ngày nay. Việc biết khai thác tính đặc dị và uẩn khúc trong mối tình của bà về ‘vai trò lịch sử của bà’ và ‘việc lấy nhiều chồng của bà’, thiết nghĩ là sẽ có kịch tính hay tính bi tráng rất lớn.

* Về chuyện tình của vua Lý Thánh Tôn và Ỷ Lan phu nhân, Ỷ Lan thường được dân gian gọi là ‘Yến cô nương’, 1044?-1117, quê ở Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ai cũng biết, khi vua đi đến đâu cũng có tiền hô hậu ủng, có bao nhiêu quan lại cấp dưới hầu tiếp, xun xoe, rất nhiều người xúm lại quanh vua để lấy ‘danh’, trong khi đó có một người con gái ‘áo tím’ vẫn điềm nhiên tư lự suy nghĩ dưới gốc cây dâu, nàng có phong thái của ‘một con phụng hoàng trong loài người’, mà chỉ có vua Lý Thánh Tôn có cặp mặt vô cùng tinh ý mới phát hiện ra được. Là một thôn nữ xinh đẹp, đoan trang, dịu dàng, thanh nhã, thông minh và ăn nói phân minh, nàng đã chinh phục được trái tim nhà vua, sau này càng được vua yêu quý và phong làm Ỷ Lan phu nhân, và càng về sau, nàng lại rất có thiên tư về nội trị (và kiến trúc) mà đã đóng góp rất lớn cho cơ nghiệp của nhà Lý, nàng không thua gì các vị minh quân trước và sau thời đó, và nàng quả xứng đáng với câu ‘đàng sau sự thành công (vĩ đại) của một người đàn ông, luôn có bóng dáng của một người phụ nữ’.

* Chuyện tình Lan và Điệp là một ‘thiên tình sử’ đạt được mức xã hội hóa và phổ biến nhất ở VN, mà cụ thể bước vào bất kỳ một phòng hát Karaoke nào, ta cũng có thể nghe vang vọng bài hát ‘Chuyện tình Lan và Điệp’ do Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng sáng tác. Chuyện này khởi nguồn từ tác phẩm ‘Tắt lửa lòng’ của Nguyễn Công Hoan xuất bản lần đầu tiên vào năm 1933, nói về mối tình của Điệp vì mắc mưu của một viên quan phủ địa phương mà phải phụ tình vị hôn thê của mình để lấy Thúy Liễu (con gái quan phủ), Lan tuyệt vọng bỏ đi tu, khi Điệp tìm được nàng thì nàng đang trong cơn hấp hối và trút hơi thở cuối cùng. Truyện này sau này đã được rất rất nhiều văn nghệ sĩ tham gia chế tác và diễn xuất thông qua cải lương, chèo, ca kịch và điện ảnh, đặc biệt là soạn giả như Viễn Châu, Trần Hữu Trang, Loan Thảo, ... Người ta ví chuyện tình Lan và Điệp như là một ‘Romeo và Juliet’ hay một ‘Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài’ của Việt Nam.

* Về chuyện tình giữa Mỵ Nương và Sơn tinh/Thủy Tinh thì ai cũng biết, nhưng đặc biệt một trong những người ngưỡng mộ chuyện tình này lại là một nhà thơ ‘bất tử’ trong ‘Việt Nam thi nhân tiền chiến’, đó là Nguyễn Nhược Pháp. Được đọc từ cuối những năm học tiểu học, đến bây giờ mình vẫn còn nhớ:
Tóc xanh viền má hây hây đỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ 
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ
, và
Lầu son nàng ngoái trông lần lữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.
Quỳ lạy cha già, lên kiệu bạc,
Thương người, thương cảnh, xót lòng đau.
Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác,
Nàng kêu: "Phụ Vương ôi! Phong-châu!" ...