‘Tôi’ là ai, và ‘giết tôi’ là giết cái gì, mình sẽ giải thích ở đoạn cuối nghen.
Nói chung, bài viết nào mình có cười ‘hihi…’, tức là cá nhân mình có thể buồn đau, nhưng mình nhìn cuộc đời này như mây như gió vậy, vì nói gì thì nói, cuối cùng ta cũng…chết, nên hãy ráng… cười cho vui, điên gì mà… khóc!
*
(Ở đây mình kể một câu chuyện có liên quan đến Bùi Giáng, nhưng mình không nói về ông, mà chỉ có tính chất ví dụ, cụ thể là mình có thể dễ dàng chọn một ví dụ khác)
Cách đây mấy năm, đi chơi lang thang bên bờ sông S, mình có gặp một anh bạn già (là hiệu trưởng của một trường đại học, đã về hưu), ông ta mời mình nhậu, trong bữa nhậu bỗng có một chuyện sau đây mà làm mình nhớ hoài.
Số là có một blogger tên là P, có thể là một nhà phê bình văn học ‘tài tử’, chủ yếu là sưu tầm thơ và bình thơ (xưa và nay, đủ loại), anh ta có viết 1 trang về Bùi Giáng. Đọc được bài viết đó, anh bạn già nói:
-Tôi sẽ mắng cho nó một trận… (= cái thằng này láo, nó biết gì, nó là cái quái gì mà dám bình về Bùi Giáng)
Ý ông ta nói rằng anh P không có đủ tư cách để bình về Bùi Giáng. Tại bàn nhậu, mình không nói gì, nhưng khi về nhà, trằn trọc, mình mới tự hỏi:
-Vậy thì ai mới có đủ tư cách bình về Bùi Giáng (hay một ‘tiền bối’ nào đó)?, các thầy ‘nói theo’ ở các trường ư?, các ông ‘tiến sĩ’ ngày nay ư?, hay là chính anh bạn già đó?
-Bùi Giáng là một cái tượng đài bất khả xâm phạm hàng ngàn năm à?, giả sử cậu bé Bùi Giáng mới mở miệng bàn về một ‘vĩ nhân’ nào đó, thì người ta liền bịt mồm cậu lại và cho rằng cậu không đủ tư cách, thế thì làm sao mà sau này ta có ông Bùi Giáng?
-Ta phải học thêm… mấy ngàn năm nữa mới có đủ tư cách bình về ông Bùi Giáng? Ông ta là cái gì ghê gớm vậy, ổng cũng sống mấy chục năm, cũng đọc sách, cũng yêu đương, cũng đau khổ, cũng đi đó đi đây… thì ta cũng vậy, vậy thì tại sao ta không thể nhận thức được cuộc đời bằng ổng, mà người ta bắt buộc ta phải luôn luôn thua kém ổng?...
*
Trước khi nói đến việc ‘không đọc cũng không… chết’ dưới đây, các bạn tham khảo một đoạn cho vui nghen (trong entry ‘Lão Tử thời nay’, NGLB):
Mình nhớ lại, sáng nay đi uống cà phê, vẫn những vườn điều thân thuộc, vẫn những con bướm vàng nhí nhảnh, vẫn những bóng hồng bí ẩn, mình thấy người ta đi lại kiếm sống, mình tự hỏi ‘người ta có biết Lão Tử không nhỉ’, ‘không’, mình tự trả lời. Và để cho chắc chắn, mình quay vào quán cà phê, gặp 3 người: cô bán vé số, cô chủ quán và một nữ sinh, mình mới hỏi:
-À, cho hỏi cái này tí nhé, em/cháu có biết Lão Tử là ai không?
-‘Không’, họ đồng thanh trả lời. Ha.. ha.. ha…
Nói nôm na, ở đời này có vô số quán cà phê, 'tôi' không uống cà phê ở quán này, thì tôi uống cà phê ở quán khác, tôi không bắt buộc phải ca tụng hay sùng bái một quán cà phê nào đó, theo ý của ai đó, hihi…
Rộng hơn, trên đời này thiếu gì sách ‘hay’ để đọc, xưa nay có vô số triết gia (nhà văn/thơ, nhạc sĩ..), nếu 'tôi' không đọc sách của ông X nào đó thì không vì thế mà đời sống của tôi thiếu đi sự phong phú, nói tóm lại là tôi không… chết.
Mới đây, mình có vào ‘nhà’ của một bạn gái, cô ta nói ‘tôi thấy ông Nietzsche rất đáng kính trọng, nhưng cá nhân tôi không cần đến triết học của ông ấy’.
Vâng, mình rất ngưỡng mộ một ‘tiền bối’ nào đấy, mình nên học hỏi ở ông (bà), nhưng nếu mình không đọc sách của ông thì mình đâu có… chết.
*
Viết đến đây,
-mình nhớ lại là mình có nghe một bác sĩ kể một câu chuyện như sau (trích lời bình từ entry ‘Một trong những bộ óc xuất sắc nhất’, NGLB):
Ở bên Nhật, có một đàn cua bị bỏ trong cái nồi và sẽ bị luộc, một con cua đã trèo lên được tới đỉnh nồi, và nó thò tay nâng các con cua khác lên. Còn ở xứ ta, cũng có một đàn cua bị rơi vào tình trạng tương tự, nhưng khi một con cua sắp ngoi lên đến đỉnh nồi, thì bị các con cua khác xúm nhau níu nó xuống!
-mình bất chợt đọc được bài… thơ dưới đây (chiều 28/5):
Đa phần cao lão các ông
Đều cho lớp trẻ là KHÔNG BIẾT GÌ
Cái bọn còn bé tí ti
Mà sao lại dám so bì các ông!!!
Trên đài văn học mênh mông
Chỉ ông đứng nhất chứ không đứng nhì
Trẻ trâu* thì biết cái gì!
Mà sao lại dám so bì các ông???
Ông ơi ông có biết không
Ông như hạt cát ‘bềnh bồng’ mà thôi,
Đừng nên chỉ biết chữ TÔI
Mà ta phải biết chữ ĐỜI thênh thang
Đừng nên giở đục giở ngang
Đừng như ‘cua bấy’ giơ càng dọa ai!
Làng văn không phải võ đài
Không nơi khích tướng không bài xích nhau
Làng văn chẳng kẻ đứng đầu
Chẳng người số một, chẳng đâu anh tài
Tới đây ta đọc, viết bài
Cùng nhau ngẫm luận chớ xài xể nhau.
(TG: Ong Mật, * ‘Trẻ Trâu’ là một blogger trẻ, trích từ blog Ái Nữ)
-rồi mình nhớ tiếp 2 câu thơ lục bát mà một người bạn gái đã gửi cho mình:
Nước ta hình chữ ét sì
So với thế giới cái gì cũng hơn.
Ôi! Đời!
*
Mình xin trích ra dưới đây một số câu mà mình cũng vừa mới đọc được chiều 28/5:
-‘Bằng cách viện dẫn hết tên tuổi này đến tên tuổi nọ, bạn muốn cho mọi người biết rằng trí tuệ của bạn không đáng tin cậy hay sao?’
-‘Tôi thấy thật sự hài hước khi con người cứ loay hoay mắc mớ vào những ngôn từ cao siêu của triết học và tôn giáo’
-‘Trí tuệ của tôi chỉ ngang tầm cây củ cải. Nhưng cây củ cải vẫn sống tươi xanh dưới ánh mặt trời mà không cần biết đến thuyết hiện sinh cũng như các nhà triết học’… (entry ‘Tòa soạn’, phần bình luận, blog Ái Nữ)
…Khi bạn hiểu biết đến một ‘ngưỡng’ X nào đó, thì trên cái trí tuệ sẽ là cái gì? Chả lẽ cứ lải nhải hoài là vĩ nhân A nói rằng, vĩ nhân B nói rằng, vĩ nhân C nói rằng, cho đến khi bạn … chết!
Thiết nghĩ, trí tuệ, hay nói cách khác, mọi lý luận đúng-sai thường dẫn ta đến ngõ cụt, và nếu không nhầm, kẻ mà khẳng định ‘tôi nói là đúng’, thì ngay lập tức, câu khẳng định đó đã tự… sai rồi.
Thiết nghĩ, trí tuệ là những cái gì còn lại sau khi bạn học/đọc, nói chính xác hơn, trí tuệ là những cái gì đã được chuyển hóa thành máu thành thịt của chính bạn, khi đó, bạn sẽ phát biểu mà không cần ‘cái bóng’ của một vĩ nhân nào đó đứng ra ‘che chở’ cho bạn, và theo nghĩa này, trí tuệ là không… trí tuệ, nói một cách khác, bạn chỉ có thể có trí tuệ thực sự nếu bạn từ bỏ trí tuệ ‘ảo’ mà bạn đang có, có nghĩa là bạn sẽ giết ‘trí tuệ’ của bạn, hay nói như trên là:
-Tôi tự giết... tôi.
Hihi…
*
Và tại sao?
Dưới đây, mình sẽ nêu ra một câu hỏi mà không… trả lời, tuy vậy, mình cũng xin có một gợi ý nhỏ:
Đây là một ly nước trà đầy, ta đỗ ra một ít nước thì trong ly trà lại xuất hiện một khoảng không, ta đỗ ra càng nhiều nước thì khoảng không càng lớn, ta đỗ hết nước trà ra thì ta có một cái ly trà hoàn toàn trống rỗng. Tư tưởng cũng vậy, nếu bỏ bớt tạp niệm hay cái tôi càng nhiều, thì sẽ tiếp nhận càng nhiều chân lý của cuộc sống, lúc đó có thể nói là ta đã trở thành bậc thông thái, nếu ta bỏ cái tôi hay tạp niệm hoàn toàn!, khi đó cái tôi hòa nhập với vũ trụ làm một, hay nói cách khác là ta đã trở thành… đấng giác ngộ! (trích từ entry ‘Đêm Noel không thể nào quên’, NGLB).
Và cuối cùng, trí tuệ ở đâu mà có, hay nói một cách khác, triết ở đâu mà có, văn ở đâu mà có, nó ở trong sách/blog à?, không, vì đơn giản, bạn lấy trí tuệ ở đâu để đưa vào sách/blog?, nếu bạn lấy từ các vĩ nhân/tiền bối như ông Lão Tử, ông Thiện, ông Lê, ông Nít, ông Niết… gì gì đó, thì họ lấy ở đâu ra?
Câu hỏi này dành cho các bạn nghen, mình sẽ viết tiếp trong các entry sau, hihi…