Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

574. Tôi tự giết… tôi, hihi…

‘Tôi’ là ai, và ‘giết tôi’ là giết cái gì, mình sẽ giải thích ở đoạn cuối nghen.
Nói chung, bài viết nào mình có cười ‘hihi…’, tức là cá nhân mình có thể buồn đau, nhưng mình nhìn cuộc đời này như mây như gió vậy, vì nói gì thì nói, cuối cùng ta cũng…chết, nên hãy ráng… cười cho vui, điên gì mà… khóc!
*
(Ở đây mình kể một câu chuyện có liên quan đến Bùi Giáng, nhưng mình không nói về ông, mà chỉ có tính chất ví dụ, cụ thể là mình có thể dễ dàng chọn một ví dụ khác)
Cách đây mấy năm, đi chơi lang thang bên bờ sông S, mình có gặp một anh bạn già (là hiệu trưởng của một trường đại học, đã về hưu), ông ta mời mình nhậu, trong bữa nhậu bỗng có một chuyện sau đây mà làm mình nhớ hoài.
Số là có một blogger tên là P, có thể là một nhà phê bình văn học ‘tài tử’, chủ yếu là sưu tầm thơ và bình thơ (xưa và nay, đủ loại), anh ta có viết 1 trang về Bùi Giáng. Đọc được bài viết đó, anh bạn già nói:
-Tôi sẽ mắng cho nó một trận… (= cái thằng này láo, nó biết gì, nó là cái quái gì mà dám bình về Bùi Giáng)
Ý ông ta nói rằng anh P không có đủ tư cách để bình về Bùi Giáng. Tại bàn nhậu, mình không nói gì, nhưng khi về nhà, trằn trọc, mình mới tự hỏi:
-Vậy thì ai mới có đủ tư cách bình về Bùi Giáng (hay một ‘tiền bối’ nào đó)?, các thầy ‘nói theo’ ở các trường ư?, các ông ‘tiến sĩ’ ngày nay ư?, hay là chính anh bạn già đó?
-Bùi Giáng là một cái tượng đài bất khả xâm phạm hàng ngàn năm à?, giả sử cậu bé Bùi Giáng mới mở miệng bàn về một ‘vĩ nhân’ nào đó, thì người ta liền bịt mồm cậu lại và cho rằng cậu không đủ tư cách, thế thì làm sao mà sau này ta có ông Bùi Giáng?
-Ta phải học thêm… mấy ngàn năm nữa mới có đủ tư cách bình về ông Bùi Giáng? Ông ta là cái gì ghê gớm vậy, ổng cũng sống mấy chục năm, cũng đọc sách, cũng yêu đương, cũng đau khổ, cũng đi đó đi đây… thì ta cũng vậy, vậy thì tại sao ta không thể nhận thức được cuộc đời bằng ổng, mà người ta bắt buộc ta phải luôn luôn thua kém ổng?...
*
Trước khi nói đến việc ‘không đọc cũng không… chết’ dưới đây, các bạn tham khảo một đoạn cho vui nghen (trong entry ‘Lão Tử thời nay’, NGLB):
Mình nhớ lại, sáng nay đi uống cà phê, vẫn những vườn điều thân thuộc, vẫn những con bướm vàng nhí nhảnh, vẫn những bóng hồng bí ẩn, mình thấy người ta đi lại kiếm sống, mình tự hỏi ‘người ta có biết Lão Tử không nhỉ’, ‘không’, mình tự trả lời. Và để cho chắc chắn, mình quay vào quán cà phê, gặp 3 người: cô bán vé số, cô chủ quán và một nữ sinh, mình mới hỏi:
-À, cho hỏi cái này tí nhé, em/cháu có biết Lão Tử là ai không?
-‘Không’, họ đồng thanh trả lời. Ha.. ha.. ha…
Nói nôm na, ở đời này có vô số quán cà phê, 'tôi' không uống cà phê ở quán này, thì tôi uống cà phê ở quán khác, tôi không bắt buộc phải ca tụng hay sùng bái một quán cà phê nào đó, theo ý của ai đó, hihi…
Rộng hơn, trên đời này thiếu gì sách ‘hay’ để đọc, xưa nay có vô số triết gia (nhà văn/thơ, nhạc sĩ..), nếu 'tôi' không đọc sách của ông X nào đó thì không vì thế mà đời sống của tôi thiếu đi sự phong phú, nói tóm lại là tôi không… chết.
Mới đây, mình có vào ‘nhà’ của một bạn gái, cô ta nói ‘tôi thấy ông Nietzsche rất đáng kính trọng, nhưng cá nhân tôi không cần đến triết học của ông ấy’.
Vâng, mình rất ngưỡng mộ một ‘tiền bối’ nào đấy, mình nên học hỏi ở ông (bà), nhưng nếu mình không đọc sách của ông thì mình đâu có… chết.
*
Viết đến đây,
-mình nhớ lại là mình có nghe một bác sĩ kể một câu chuyện như sau (trích lời bình từ entry ‘Một trong những bộ óc xuất sắc nhất’, NGLB):
Ở bên Nhật, có một đàn cua bị bỏ trong cái nồi và sẽ bị luộc, một con cua đã trèo lên được tới đỉnh nồi, và nó thò tay nâng các con cua khác lên. Còn ở xứ ta, cũng có một đàn cua bị rơi vào tình trạng tương tự, nhưng khi một con cua sắp ngoi lên đến đỉnh nồi, thì bị các con cua khác xúm nhau níu nó xuống!
-mình bất chợt đọc được bài… thơ dưới đây (chiều 28/5):
Đa phần cao lão các ông
Đều cho lớp trẻ là KHÔNG BIẾT GÌ
Cái bọn còn bé tí ti
Mà sao lại dám so bì các ông!!!
Trên đài văn học mênh mông
Chỉ ông đứng nhất chứ không đứng nhì
Trẻ trâu* thì biết cái gì!
Mà sao lại dám so bì các ông???
Ông ơi ông có biết không
Ông như hạt cát ‘bềnh bồng’ mà thôi,
Đừng nên chỉ biết chữ TÔI
Mà ta phải biết chữ ĐỜI thênh thang
Đừng nên giở đục giở ngang
Đừng như ‘cua bấy’ giơ càng dọa ai!
Làng văn không phải võ đài
Không nơi khích tướng không bài xích nhau
Làng văn chẳng kẻ đứng đầu
Chẳng người số một, chẳng đâu anh tài
Tới đây ta đọc, viết bài
Cùng nhau ngẫm luận chớ xài xể nhau.
(TG: Ong Mật, * ‘Trẻ Trâu’ là một blogger trẻ, trích từ blog Ái Nữ)
-rồi mình nhớ tiếp 2 câu thơ lục bát mà một người bạn gái đã gửi cho mình:
Nước ta hình chữ ét sì
So với thế giới cái gì cũng hơn.
Ôi! Đời!
*
Mình xin trích ra dưới đây một số câu mà mình cũng vừa mới đọc được chiều 28/5:
-‘Bằng cách viện dẫn hết tên tuổi này đến tên tuổi nọ, bạn muốn cho mọi người biết rằng trí tuệ của bạn không đáng tin cậy hay sao?’
-‘Tôi thấy thật sự hài hước khi con người cứ loay hoay mắc mớ vào những ngôn từ cao siêu của triết học và tôn giáo’
-‘Trí tuệ của tôi chỉ ngang tầm cây củ cải. Nhưng cây củ cải vẫn sống tươi xanh dưới ánh mặt trời mà không cần biết đến thuyết hiện sinh cũng như các nhà triết học’… (entry ‘Tòa soạn’, phần bình luận, blog Ái Nữ)

…Khi bạn hiểu biết đến một ‘ngưỡng’ X nào đó, thì trên cái trí tuệ sẽ là cái gì? Chả lẽ cứ lải nhải hoài là vĩ nhân A nói rằng, vĩ nhân B nói rằng, vĩ nhân C nói rằng, cho đến khi bạn … chết!
Thiết nghĩ, trí tuệ, hay nói cách khác, mọi lý luận đúng-sai thường dẫn ta đến ngõ cụt, và nếu không nhầm, kẻ mà khẳng định ‘tôi nói là đúng’, thì ngay lập tức, câu khẳng định đó đã tự… sai rồi.
Thiết nghĩ, trí tuệ là những cái gì còn lại sau khi bạn học/đọc, nói chính xác hơn, trí tuệ là những cái gì đã được chuyển hóa thành máu thành thịt của chính bạn, khi đó, bạn sẽ phát biểu mà không cần ‘cái bóng’ của một vĩ nhân nào đó đứng ra ‘che chở’ cho bạn, và theo nghĩa này, trí tuệ là không… trí tuệ, nói một cách khác, bạn chỉ có thể có trí tuệ thực sự nếu bạn từ bỏ trí tuệ ‘ảo’ mà bạn đang có, có nghĩa là bạn sẽ giết ‘trí tuệ’ của bạn, hay nói như trên là:
-Tôi tự giết... tôi.
Hihi…
*
Và tại sao?
Dưới đây, mình sẽ nêu ra một câu hỏi mà không… trả lời, tuy vậy, mình cũng xin có một gợi ý nhỏ:
Đây là một ly nước trà đầy, ta đỗ ra một ít nước thì trong ly trà lại xuất hiện một khoảng không, ta đỗ ra càng nhiều nước thì khoảng không càng lớn, ta đỗ hết nước trà ra thì ta có một cái ly trà hoàn toàn trống rỗng. Tư tưởng cũng vậy, nếu bỏ bớt tạp niệm hay cái tôi càng nhiều, thì sẽ tiếp nhận càng nhiều chân lý của cuộc sống, lúc đó có thể nói là ta đã trở thành bậc thông thái, nếu ta bỏ cái tôi hay tạp niệm hoàn toàn!, khi đó cái tôi hòa nhập với vũ trụ làm một, hay nói cách khác là ta đã trở thành… đấng giác ngộ! (trích từ entry ‘Đêm Noel không thể nào quên’, NGLB).
Và cuối cùng, trí tuệ ở đâu mà có, hay nói một cách khác, triết ở đâu mà có, văn ở đâu mà có, nó ở trong sách/blog à?, không, vì đơn giản, bạn lấy trí tuệ ở đâu để đưa vào sách/blog?, nếu bạn lấy từ các vĩ nhân/tiền bối như ông Lão Tử, ông Thiện, ông Lê, ông Nít, ông Niết… gì gì đó, thì họ lấy ở đâu ra?
Câu hỏi này dành cho các bạn nghen, mình sẽ viết tiếp trong các entry sau, hihi…  

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

573. Lão Tử thời nay…

Chắc có bạn đọc xong tiêu đề này thì nghĩ rằng ‘lại nói chuyện Tàu nữa!’, nhưng đọc dưới đây, các bạn sẽ thấy không Tàu tí nào.
Và vì không phải nhà một nhà ‘Lão học’, nên mình chỉ viết vài dòng cho vui thôi, vì có nhiều điều quan trọng hơn để làm. Ngoài ra, cũng có thể có ai đó vào đọc và chửi mình là ‘ngu’, nhưng thiết nghĩ là mình chơi blog thì được cái gì, vả lại mình cũng không vào đây để tranh luận 2 chữ ‘khôn-ngu’.

Lão Tử (Lão = già, Tử = thầy) là người nước Sở, sống vào thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 4 TCN (cuối thời Xuân Thu). Ông thường để lại cho ta một hình ảnh một lão già, ăn mặc rất đơn giản, sống hòa hợp với thiên thiên và xa lánh danh lợi (triều đình). Ông đã để lại cho hậu thế cuốn ‘Đạo đức kinh’ nổi tiếng, mà khi nghe nói đến các câu 'tự lượng sức mình', ‘thuận theo tự nhiên mà sống’, ‘lưỡi còn vì lưỡi mềm, răng mất vì răng cứng’, ‘đạo khả đạo phi thường đạo’ (đạo mà nói được thì không phải là đạo, mà có người Anh! có dịch là 'those who know do not talk, those who talk do not know = kẻ biết thì không nói, kẻ nói thì không biết)… thì ta liền nghĩ đến ông. 
Người kế thừa và phát triển tư tưởng của ông là Trang Tử (365-290TCN), nên người ta còn gọi tư tưởng này là tư tưởng Lão-Trang, mà có ít nhiều nét tương đồng với triết lý của đạo Phật, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa, và đã thâm nhập vào VN, Nhật Bản, Hàn Quốc… và một số nước phương Tây, mà kể sơ sơ, nó có ảnh hưởng ít nhiều đến những người… nổi tiếng ở bên Tàu như Khưu Xứ Cơ, Trương Tam Phong, Kim Dung/Cổ Long, ở nước ngoài như Muju (thiền sư), Krishmamurti, Osho, Hermann Hesse (giải Nobel), Steve Jobs, ở VN như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Duy Cần, Trịnh Công Sơn, Nhượng Tống…

Nếu hiểu tư tưởng/học thuyết của Lão Tử (Taoism) một cách bài bản theo kiểu 1,2,3, 4, hay a,b,c,d gì đó thì sẽ rất khó (chưa nói đến chuyện Lão giáo/đạo sĩ hay áp dụng học thuyết này vào lĩnh vực chính trị), vì chẳng hạn, để học được một ngoại ngữ thì phải mất vài năm, trong khi đó, ta chỉ thỉnh thoảng nghe nói hay đọc về Lão Tử mà thôi. Vì thế, dưới đây, mình sẽ đi từ chuyện đơn giản (mà có thể các bạn đã biết) rồi rút ra vài nét cơ bản của tư tưởng này, và mình cũng không có tham vọng gì hơn.
Về quân sự, chính trị hay võ thuật, người Tàu có nói là: ‘Lấy nhu chế cương, lấy nhược chế cường, lấy tịnh chế động, lấy bất biến ứng vạn biến’, hay ‘Bốn lạng chống ngàn cân’/‘Thuận thủy thôi chu’ (lợi dụng dòng nước đẩy thuyền đi)…, tạm hiểu: ta không nên đi ngược lại quy luật của tự nhiên, mà hãy biết lợi dụng nó, nương theo nó, dùng mưu chứ không dùng sức… để chuyển mạnh thành yếu, rồi chuyển yếu thành không.
Về y học, Hải Thượng Lãn Ông có câu: ‘Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình’, tạm hiểu: hãy tự lượng sức mình, vì ham muốn của con người là vô hạn, trong khi đó sức lực/khả năng của con người là hữu hạn.
Về quan niệm sống, Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu: ‘Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấm, nhìn xem phú quý tựa chiêm bao’, hay Trịnh Công Sơn có câu ‘Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về’, tạm hiểu: Cuộc đời như là một giấc mộng thoáng qua, vinh hoa phú quý chỉ là phù du, ảo ảnh.
Về thú nhàn, Nguyễn Công Trứ có câu: ‘Chợ ở trước cửa thì huyên náo, nhưng trăng trước cửa thì thanh nhàn’ (Thị tại môn tiền náo, nguyệt lai môn hạ nhàn), tạm hiểu: Tránh nơi huyên náo, thích nơi yên tĩnh, nhàn nhã…
Về con người/vũ trụ, Người Ba Tư (Iran) có câu: ‘Đến như nước chảy, đi như gió. Không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu!’ (Lai như lưu thủy hề, thệ như phong. Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung!, theo ‘Ỷ thiên đồ long ký’), hay người Nhật Bản có bài hát dân ca là: ‘Tính tính tính tình tang tang tang. Cuộc đời mình như chiếc thuyền nan. Trôi nó trôi bềnh bồng. Đi tới Tokyo, mình xách tay chiếc dù, mặc áo Kimono...’, tạm hiểu: Cuộc đời của con người là vô định xứ, nên hãy sống bình thường, gặp đâu thì vui đó...
Nếu hiểu xa hơn nữa, thì người ta còn phải dựa vào các khái niệm như: đạo, trung dung, giao giới, vô vi… Chắc ta không đến nỗi phải hiểu chữ ‘đạo’ rất trừu tượng như ở trong Kinh Dịch (vì người xưa chưa chắc đã hiểu như vậy), mà hãy hiểu nó trong cụm từ ‘hợp với đạo trời’, đạo ở đây là quy luật tự nhiên. Còn ‘trung dung’ hay ‘giao giới’, ý nói là ta hãy đứng ở vị trí chính giữa, không phân tranh (vô vi), để dung hòa các mâu thuẫn mà không nên hành động thái quá để rồi phải rước họa vào thân.
Tóm lại, người ‘theo’ Lão hay không theo Lão thì khác nhau cái gì? Nó vốn không có ranh giới rạch ròi, vì người ta có câu ‘khôn cũng chết, dại cũng chết, biết là sống’, thậm chí ‘biết’ cũng… chết, nên, dù là thời xưa hay thời nay, cái khôn bền vững nhất vẫn là ‘thuận theo tự nhiên mà sống’, mà cụ thể là: việc tôn trọng chữ ‘nhẫn’ là nền tảng của hầu hết các đạo lý trên thế giới, cuộc đời này chỉ là giấc mộng, nên ta hãy xa sự phù phiếm, xa vòng danh lợi, và vì ta là vô cùng nhỏ bé, nên ta hãy bớt tham vọng, không hành động thái quá, để có thể sống lâu, sống nhàn và sống… vui.

Quay trở về thực tại.
Mình nhớ lại, cách đây mấy năm, có 1 blogger (bên FB) vào bình dưới bài viết của mình một lời bình rất thô tục, một năm sau, đi lang thang, mình tình cờ gặp lại blogger này, anh ta vui vẻ mời mình vào nhà uống trà Bắc Thái, nói chuyện một hồi, anh ta nhắc lại ‘vụ việc’ cũ và có nói rằng ‘xin lỗi, hôm đó tôi...’, mình mới trả lời rằng ‘thôi’, rồi chuyển sang nói chuyện khác... 
Mình nhớ lại, có một bạn gái nói rằng ‘ông Nguyễn Duy Cần khuyên: khi trẻ thì nên sống như Khổng Tử, khi già thì nên sống như Lão Tử’, cô ấy bất mãn và nói rằng ‘tại sao khi trẻ ta lại không sống như Lão Tử, sống như Khổng Tử khó hơn’, mình mới cười ‘haha..’ và khen cô ấy là ‘thông minh’, còn đoạn sau như thế nào thì các bạn đọc tưởng tượng thêm nghen, hihi…
Mình nhớ lại, sáng nay đi uống cà phê, vẫn những vườn điều thân thuộc, vẫn những con bướm vàng nhí nhảnh, vẫn những bóng hồng bí ẩn, mình thấy người ta đi lại kiếm sống, mình tự hỏi ‘người ta có biết Lão Tử không nhỉ’, ‘không’, mình tự trả lời. Và để cho chắc chắn, mình quay vào quán cà phê, gặp 3 người: cô bán vé số, cô chủ quán và một nữ sinh, mình mới hỏi:
-À, cho hỏi cái này tí nhé, em/cháu có biết Lão Tử là ai không?
-‘Không’, họ đồng thanh trả lời.
Ha.. ha.. ha…

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

572. Việc dùng tiếng… Tàu

Con người luôn mồm nói đúng - sai,
họ nói mãi như thế cả mấy ngàn năm.
Và để nói là ‘tôi đúng’,
họ mới dùng đủ mọi cách,
thậm chí họ dùng cả bành trướng, xâm lược...,
rồi xuất hiện
những tên Nhậm Ngã Hành thời hiện đại (NGLB)

Trước tiên, xin lưu ý là tôi không phải là một nhà nghiên cứu Hán-Việt hay Hán-Nôm, mà tôi chỉ được học một ít Ngữ pháp tiếng Anh ở trường thôi, hihi...
Nhớ lại hồi nhỏ, tôi mới mở miệng nói loáng thoáng cụm từ ‘… tiếng Hán-Việt’ gì gì đó, thì thình lình bị chú tôi quát ngay cho một câu:
-Không có tiếng Hán-Việt gì hết, chỉ có tiếng Việt thôi.
Tôi... điếng hồn, không biết tại sao, và cũng bởi vì thế mà tôi nhớ mãi đến bây giờ.
Sau này ra đời, tôi quan sát ở quán cà phê, ở bàn nhậu, tại bàn trà, lúc chuyện phiếm…, hễ ai ráng gân cổ lên nói tiếng… Hán-Việt càng nhiều thì đó mới là người càng… hiểu biết!
Ha..ha..ha…
*
Tôi có đọc truyện ‘Lĩnh Nam chích quái’ (chích = trích ra/chọn lọc, quái = quái dị, Lĩnh Nam = một vùng rộng lớn phía nam sông Trường Giang của Trung Quốc hiện nay đến vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã ở miền bắc Việt Nam’ - wikipedia), nói tóm lại, đó là cuốn ‘Thần thoại Việt Nam’. Đồng thời, tôi cũng có nghe rằng, trong 1000 năm đô hô giặc Tàu, việc đánh sập thế giới tâm linh của người Việt là chiến lược số một của bọn phong kiến Tàu, đó là xóa sổ ‘nền văn hóa Văn Lang’, trong đó có việc ỉm đi cuốn ‘Thần thoại Việt Nam’ này (mà mãi cho đến sau khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, thì cuối thời nhà Trần mới khôi phục lại cuốn sách này, ví dụ như của tác giả Trần Thế Pháp - cuối thế kỷ 14).

Cũng đề cập đến việc xóa sổ nền văn hóa Văn Lang, tôi cũng được biết là nhà Minh đã thu cuốn sách ‘Binh thư yếu lược’ của Trần Hưng Đạo và đem về Tàu, nhưng một số nội dung của cuốn sách này vẫn còn được ghi chép lại ít nhiều trong cuốn ‘Việt Nam sử lược’ của Trần Trọng Kim, trong các sách về nghệ thuật quân sự của Nhật Bản, trong cuốn sách của nhà xuất bản Xuân Thu (Sài Gòn) năm 1969, và trong cuốn sách ‘Binh thư yếu lược’ của NXB KHXH năm 1970…
*
Tôi cũng xin nhắc lại một số… tiếng Tàu mà tôi thường nghe ‘mấy người hiểu biết!’ nói, như: Cập thời vũ (Mưa cứu hạn, Tống Giang), Hắc toàn phong (Gió lốc đen, Lý Quỳ), rồi đồng sàng dị mộng, tứ a ca/thập nhị a ca, hoàng ngạc nương/hoàng a mã…, rồi ‘nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong’ (Thôi Hộ), ‘vấn thế gian tình thị hà vật, trực giao sinh tử tương hứa’ (Nguyên Hiếu Vấn), ‘trừu đao đoạn thủy thủy canh lưu , cử bôi tiêu sầu sầu canh sầu’ (Bạch Cư Dị), 'đa tình tự cổ không dư hận, dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ' (Bạch Cư Dị), ‘vân tưởng y thường, hoa tưởng dung, xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng’ (Lý Bạch)…
Tôi cứ nghĩ là dùng các câu:
-Giờ đây, nàng ở phương nào
Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông’ (Vương Thanh dịch)
để thay cho các câu ‘nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong’ của Thôi Hộ,
-Càng trông hoa liễu năm xưa
Càng xui nước mắt như mưa ướt đầm (Tản Đà dịch),
để thay cho các câu ‘vân tưởng y thường, hoa tưởng dung, xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng’ của Lý Bạch,
-Yêu ai bằng yêu người tình
Hận ai bằng hận người mình đã yêu (Khuyết danh)
để thay cho các câu 'đa tình tự cổ không dư hận, dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ' của Bạch Cư Dị…,
có phải là dễ hiểu hơn không?
*
À, trong entry ‘người Tàu và thằng Tàu’, tôi đã có đề nghị:
-Thiết nghĩ rằng sách vở ta không nên dùng từ ‘Trung Quốc’ (= Đại Hán!) nữa, mà dùng từ ‘Tàu’ như dân ta thường dùng là ‘giặc tàu ô’, ‘ba tàu’, ‘tàu khựa’, ‘thương lái tàu’, truyện tàu, phim tàu…
Bây giờ qua cái vụ ‘Nhậm Ngã Hành’ bành trướng bằng cách triển khai giàn khoan 981 ở vùng biển VN, kích động ở trong nước, báo động cấp 3 gì gì đó ở biên giới và, nếu không nhầm, đang có ý đồ xâm lược, tôi mới nghĩ rằng:
-Ngày nay, kẻ mà càng dùng nhiều từ Hán-Việt thì kẻ đó càng… nô lệ.
Tôi nghĩ vậy thôi, hihi…

(Bổ sung: Hehe, phía trên anh có nói 'càng dùng nhiều thì càng... tệ hại', nhưng anh không nói là 'tuyệt đối không dùng'..., trả lời Ái Nữ)
-----------
Các entry tham khảo chính:
-Lĩnh Nam chích quái: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/10/466-linh-nam-chich-quai-va-kinh-thanh.html
-Người Việt hay ở chỗ nào: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/03/322-nguoi-viet-hon-nguoi-tau-o-cho-nao.html
-Nói chuyện với các nhà thơ văn xưa: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/12/499-noi-chuyen-voi-cac-nha-tho-van-xua.html

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

571. Tôi về… Surriento

Không phải tôi dùng tiếng Tây gì đâu,
mà từ này đã nằm trong ký ức của tôi
từ thời còn nhỏ,
nhưng tôi không về… quê.
*
Sáng nay, khi uống cà phê,
tôi thấy người ta đi đường,
mắt không tập trung nhìn về phía trước,
mà thường dáo dác nhìn những chỗ khác,
tôi cũng biết rằng họ đã vô tình
vì họ và ‘quên’ đi những người chung quanh,
mà có người nói là,
người Việt thường làm như mình là… thượng đế!
*
Khi quay lại,
tôi thấy những vạch trắng nằm chi chít trên đường
và những đám máu loang lỗ:
có người đã xuống trình diện Diêm Vương.
Tôi biết rằng họ đã… ‘say’,
nhưng người say đâm vào người tỉnh
thì người tỉnh cũng… chết.
Hay là ta cũng… say!
*
Con người luôn mồm nói đúng - sai,
họ nói mãi như thế cả mấy ngàn năm.
Và để nói là ‘tôi đúng’,
họ mới dùng đủ mọi cách,
hoặc là đứng dưới nick là ‘nặc danh’,
hoặc là công khai xuất hiện
và lấy sự… cãi nhau làm động lực,
họ có thể dùng ‘thần thánh’,
có thể dùng ‘rượu nói chứ tôi không nói’,
thậm chí họ dùng cả bành trướng, xâm lược...,
rồi xuất hiện
những tên Nhậm Ngã Hành thời hiện đại.
*
Có người hỏi là ‘anh đúng hay sai?’,
tôi mới trả lời rằng
‘tôi chỉ là một… con kiến, làm sao mà tôi biết được’.
…Và cũng sáng nay,
tôi vẫn thấy những cây điều màu xanh,
vẫn thấy những con bướm vàng bay lượn,
mặc cho nhân sinh thay đổi,
mặc cho con người đa phần là mang hào quang ảo
và bên trong may mắn có tí nhìn nhận thật…
*
Tôi thấy một bóng hồng lượn qua lượn lại trước mắt.
Tôi cố tình nhìn đi chỗ khác và nghĩ đến chuyện khác,
vì tôi biết rằng bóng hồng là vũ trụ của đàn ông,
nhưng không-là-cái-gì đối với đàn bà.
Nhưng cái vũ trụ thơm phức đó vẫn không tha cho tôi,
và tôi cũng biết rằng đó là quy luật của tạo hóa,
mà là con người,
đàng nào ta cũng phải rơi vào cái lưới thiên la địa võng đó.
*
Tôi lại về… với tôi.
Tôi bỗng nhớ lại có một bạn nữ nói rằng
‘vấn đề tham nhũng còn nghiêm trọng hơn vấn đề Biển Đông’,  
nhớ lại là có hai người bạn thường đến nhà tôi,
và luôn mồm nói là ‘tôi đúng’,
họ nói như vậy cả đời, rồi họ… chết,
nhớ lại là ba tôi đã im lặng ra đi,
sau khi mãi mê bình luận về ‘Tam quốc chí’,
nhớ lại một ông già đã sinh ký, rồi tử quy,
sau khi hát xong bản tình ca bất tử ‘Chiều tà’,  
và nhớ lại một người bạn gái,
tôi có thương nàng không nhỉ, có...
-----
Ghi chú:
‘Torna a Surriento’ (tiếng Pháp) hay ‘Come back to sorrento’ (tiếng Anh) là bản nhạc của nhạc sĩ De Curtis, sau đó nhạc sĩ Mạnh Phát, rồi Phạm Duy dịch là ‘Trở về mái nhà xưa’, mà sau đây là một đoạn (Dịch nguyên bản, Nguyễn Quốc Đông!):
Anh lìa xa tấm lòng này! Anh lìa xa mảnh đất của thương yêu này! Anh có chắc là không cảm thấy rồi sẽ có ngày sẽ quay trở lại nơi đây hay sao anh? Nhưng mà này, đừng bỏ tôi nhé! Đừng làm cho tôi đau buồn như thế nhé! Hãy trở lại Surrento. Cho tôi có cái lẽ để mà sống!... Hãy nhìn ra biển Surrento kìa! với ngần ấy của báu duới đáy sâu. Ngay cả những ai từng chu du khắp địa cầu cũng chưa từng thấy cái gì đẹp đẽ như vầy! Hãy nhìn quanh mà xem những nàng ngư nữ kia! Họ nhìn anh như thể anh đã hớp hồn họ. Họ yêu anh đến thế. Họ ước ao đuợc hôn anh. Ấy thế mà anh đành lòng nói câu: “Tôi đi đây, xin giã từ”! 

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

569. Lỗi của… con ngựa thành Troia

Mình không quan tâm lắm đến… chuyện chính trị, nhưng ‘sự kiện Biển Đông’ lại hàng ngày nhảy vào mắt mình: nó không còn đơn thuần thuộc về lĩnh vực chính trị nữa, mà thuộc về đa lĩnh vực. Trong mấy ngày vừa qua, trên mạng có rất nhiều bài viết (trong và ngoài nước) về vấn đề Biển Đông, có một số bài bình luận/tổng hợp rất sâu sắc, và nói chung là ‘hay’, còn mình không phải là một chuyên gia về Biển Đông nên không thể bình luận gì, mà chỉ viết vài dòng cảm nhận của ‘một người ngồi uống cà phê’ nghĩ về một trong những khía cạnh lịch sử của vấn đề mà thôi.
*
Hồi nhỏ, mình có đọc truyện nói về ‘Các mối tình của Thiên đế’, ngài thường được gọi thần ‘Du Bích Tiên’ (Jupiter, trước 1975) hay thần ‘Dớt’ (Zeus, sau 1975). Tất nhiên cách đọc ‘Thần thoại Hy Lạp’ của mình có khác, tức là mình không thể biết là Nữ thần Venus có bao nhiêu… sợi tóc, mà mình chỉ hình dung bức tranh tổng quát của nó và cách vận dụng nó vào một sự kiện (lịch sử) cụ thể. Bản chất của sự việc cũng tương tự khi người ta có câu chuyện về anh chàng Lệnh Hồ Xung lúc giao đấu, không biết là chàng đã sử dụng kiến thức gì, mà chỉ lập tức thấy ra chỗ sơ hở/‘gót chân Achilles’ của đối thủ mà thôi. Và dưới đây là cách nhìn của mình.
*
Không có chiến tranh thì không có hòa bình, ở trên thiên đình cũng có chiến tranh giữa các vị thần, và cuộc chiến tranh đó đã chuyển xuống trần thế...
Người ta hay nghĩ rằng thành Athens thắng thành Troia là do Athens có chính nghĩa, do Achilles mạnh hơn Hector, do Odysseus có mưu trí…, không phải, mà là do vào từ thế kỷ thứ 9 TCN, ở khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen, các thị quốc (city-state) có xu thế chuyển thành nhà nước (state-nation), mà cuối cùng thì Alexandre Đại đế đã thống nhất chúng thành đế quốc Hy Lạp vào trước năm 323 TCN (năm ông chết), sau đó, Augustus đã thôn tính nó và hình thành đế quốc La Mã vào thế kỷ 1 TCN.
Sự thất bại của thành Troia là do nguyên nhân cội rễ này: quá trình tiến hóa của lịch sử. Nhưng, cụ thể nhất là do cái gì?
Chuyện xuất phát từ việc tranh giành ‘người đẹp Helen’ giữa thành Athens và thành Troia (thành cổ thứ 6 hay thứ 7, ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, theo nhà khảo cổ học Schliemann), mà cái anh chàng Paris (con thứ hai của vua xứ Troia) cứ lo ăn chơi mơ mộng, không có chiến lược chu đáo để phòng chống việc quân đội Athens, mà nhiều năm sau, sẽ xâm lược tiểu quốc của mình. Trong quá trình tranh chấp, chàng đã sơ sót để quân Athens vào ‘ngủ’ trong thành Troia (do Odysseus dùng mưu bỏ ‘điệp viên’ vào trong lòng một con ngựa gỗ khổng lồ, mà dân thành Troia đã vô tình đẩy nó vào trong thành), kết quả là, không cần phải mất đến 10 năm gian khổ, thành Troia bị… sụp đổ trong vòng một đêm. Kinh nghiệm này cho thấy, việc bảo vệ đất nước phải được chuẩn bị từ rất nhiều năm trước khi có hiểm họa ‘xâm lăng’ xảy ra, đặc biệt là không để cho người của ‘bọn xâm lăng’ vào cư trú/làm ăn trong lòng lãnh thổ của mình.
*
Dưới thời chúa Trịnh, sau nhiều biến động chính trị phức tạp, cuối cùng thì binh lính đã phò trợ Trịnh Khải lên ngôi (Trịnh Tông, năm 1782), rồi sau đó bọn công thần này đã sinh ra kiêu căng mà làm loạn (gọi là ‘loạn kiêu binh’, theo Hoàng Lê nhất thống chí), việc này làm giới sĩ phu Bắc kỳ lúc đó rất là bất mãn (cụ thể là Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ vào Nam, theo Nguyễn Huệ). Và chưa đến 4 năm sau, Nguyễn Huệ đã mượn ‘đà’ này mà tiến thẳng ra Bắc để ‘diệt Trịnh’, cuối cùng là Trịnh Tông phải tự vẫn mà chết…
Rồi, thời Tây Sơn, sau khi Nguyễn Huệ mất, con trưởng của ông là Nguyễn Quang Toản lên ngôi (tức là Cảnh Thịnh), nhưng sau đó vì ‘Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền và làm nhiều điều xằng bậy’ mà nhà Tây Sơn bị diệt vong năm 1802. Tóm lại, theo ngôn ngữ của Trần Trọng Kim (mà mình nhớ từ hồi nhỏ) thì nhà ‘Trịnh’/nhà Tây Sơn bị diệt vong là do: 1. chuyên quyền, 2. làm nhiều điều xằng bậy...
*
Các nhà quân sự lỗi lạc luôn có câu ‘kỷ luật là sức mạnh của quân đội’, rộng hơn, là ‘sức mạnh của một triều đại’, trong đó, tham nhũng là điều mà làm sức mạnh của một triều đại bị suy yếu nhanh nhất.
Cụ thể ở Việt Nam như sau: Triều đại nhà Tiền Lê kết thúc: Lê Ngọa Triều ăn chơi sa đọa; Triều đại nhà Lý kết thúc: Lý Cao Tông chơi bời vô độ; Triều đại nhà Trần kết thúc: Trần Dụ Tông ham mê tửu sắc, xây dựng cung điện nguy nga, Chu Văn An về vườn, rồi Trần Hôn Đức Công suốt ngày rong chơi, Trần Nghệ Tông nghe lời nịnh thần; Triều đại nhà Hậu Lê kết thúc: vua Lê Hiển Tông/Lê Chiêu Thống nhu nhược, Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền; Triều đại nhà Nguyễn (Tây Sơn) kết thúc: Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, nạn bè phái; Triều đại nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh) kết thúc: Khải Định thích ăn chơi và tiêu xài hoang phí, Bảo Đại tiêu xài vô độ và trụy lạc...
Và có liên quan, ta đã biết một số chuyện như: Khang Hi đã vô cùng ý thức được điều ‘sống hay chết’ đó, mà đã thực hiện rất nhiều chuyến ‘vi hành’ chống tham nhũng; vụ ‘Thiên hạ đệ nhất tham quan Hòa Thân’ (Hòa đại nhân) bị xử trảm và bêu đầu thị chúng ngay giữa chợ (dưới thời Ung Chính); hay gần đây, nữ tổng thống Arroyo của Philippines có nói đại ý là ‘nạn tham nhũng ở Philippines làm băng hoại ít nhất là 2 thế hệ (= 50 năm)’... 
*
Cái gì đến nó sẽ đến, ‘giáo bất minh, huấn bất nghiêm, thượng bất chính, hạ tất loạn’ (câu này mình mới chép được từ bạn Đóm), nếu một triều đại mà cai trị không 'nghiêm minh', hay nói một cách khác là không ‘tu chí dựng nước’, thì triều đại đó sẽ yếu đi trông thấy (đồng nghĩa với việc vô tình làm cho kẻ thù của nó mạnh lên) và bất ổn trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng, mà theo quy luật tiến hóa của lịch sử, sự bất ổn này sẽ xảy ra một cách… tự nhiên, vì ‘con ngựa thành Troia’ vốn đã sẵn có trong nó rồi.
Và điều này chỉ đúng từ thời Thần Dớt đến thời… Bảo Đại, hihi…
---------
Các nguồn tham khảo chính:
-Khang Hi và tham nhũng: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/03/323-khang-hi-va-khoa-hoc-ve-tham-nhung.html
-Nữ hoàng Cleopatra: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/220-nu-hoang-cleopatra-nguoi-ba-quyen.html
-Thiên đế: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/06/215-thien-e-va-cac-moi-tinh-vung-trom.html
Và nhiều tài liệu khác có liên quan.

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

568. Nhậm Ngã Hành tái xuất giang hồ

Nhậm Ngã Hành… nguyên là Giáo chủ của Địa ngục giáo, mà khi đầu thai chuyển thế thành… một tuyệt đại ác ma, y mới gọi môn phái của y là ‘Ma giáo’.
*
Đầu tiên, y đầu thai làm Trụ Vương (thế kỷ 11-12 TCN). Y vơ vét hết của cải của các dân tộc, đặc biệt là, ở phía nam sông Dương Tử về làm của riêng của mình. Y rất tàn bạo và hoang dâm vô độ, vì vậy trời đã cử Hồ ly tinh Đắc Kỷ đến làm tiêu tan sự nghiệp của cả quốc gia của y. Và cuối cùng, y bị lão bá tánh nổi lên tiêu diệt: Y đã cho xây Lộc Đài để ‘vui vẻ’ với Đắc Kỷ và tổ chức sinh hoạt tình dục tập thể đến nỗi không còn biết trời đất là gì! (theo Tư Mã Thiên - Wikipedia). Việc mất nước của y một phần là do đam mê tửu sắc mà bỏ bê việc triều chính, nhưng phần lớn là do quá ‘tàn bạo’, cuối cùng y bị thất bại bởi Chu Vũ Vương và Khương Tử Nha ở trận ‘Mục Dã’ nên phải tự thiêu ở lầu Trích Tinh mà chết…

Thời Tống-Kim (khoảng trước và sau năm 1227), y đầu thai thành Âu Dương Phong với môn võ công vô cùng tà độc là ‘Hàm mô công’ (hay Cáp mô công). Bởi vì chuyên dùng 'độc', hơn nữa, tính cách lại vô cùng thâm hiểm và tàn ác, nên y bị lão bá tánh đặt cho cái biệt hiệu là Tây Độc. Vì ham đứng đầu trong Võ lâm ngũ bá, y đã ‘đánh cắp’ và luyện môn võ công ‘Cửu âm chân kinh’ mà bị điên. Sau này, y với Hồng Thất Công (Bang chủ Cái Bang) đại chiến mà kết quả là cả hai cùng chết vì bị cạn kiệt tinh lực.

Thời Minh-Thanh (sau thời Chu Nguyên Chương, vào khoảng thế kỷ 14-15), y đầu thai thành Giáo chủ Ma giáo Nhậm Ngã Hành (Ma giáo lúc đó được đổi tên là Nhật Nguyệt thần giáo). Để thỏa mãn mộng ‘bành trướng bá quyền’ và ‘muôn năm trường trị, thống nhất giang hồ’, y đã sáng tạo ra một môn võ công là ‘Hấp tinh đại pháp’ - một môn võ công vô cùng tà độc, nhằm hút hết tinh lực cùa đối thủ. Mộng bành trướng này đầu tiên là nhắm vào phái Hoa Sơn, sau đó là phái Hằng Sơn. Nhưng ông trời đã trừng phạt y, trong lúc tấn công phái Hoa Sơn, y bị chính ‘độc công Hấp tinh đại pháp’ tích tụ lâu ngày, nên bị đột quỵ mà chết ngay tại trận. (Còn việc tấn công phái Hằng Sơn thì do con gái kế thừa của y thực hiện, nhưng vì là ‘một con phụng hoàng trong loài người’, Nhậm Doanh Doanh đã giảng hòa với phái Hằng Sơn, kể cả Thiếu Lâm và Võ Đang: võ lâm được sống trong cảnh sóng yên gió lặng trong mấy chục năm sau).

Thời ‘Cải cách ruộng đất’ ở Trung Quốc (trước và sau 1950), y lại đầu thai làm Giáo chủ Ma giáo, nhưng trước năm 1948, ông Kim Dung còn sống ở trong nước nên không dám mở miệng, mà ông chỉ lẳng lặng đưa ‘tính cách’ của tên lãnh tụ này vào trong nhân vật Nhậm Ngã Hành trong truyện ‘Tiếu ngạo giang hồ’, trong đó, tính cách của tên Đại ác ma này bao hàm 3 tính cách của Nhậm Ngã Hành (tàn ác), Tả Lãnh Thiền (hiểm độc) và Nhạc Bất Quần (‘ngụy quân tử’) cộng lại.

Thời ‘Biển Đông’, y cũng lại đầu thai làm Giáo chủ Ma giáo ‘hiện đại’, nhưng lần này với hình thức rất khác. Nếu ngày xưa, những tên đại ác ma như Âu Dương Phong dùng ‘gậy đầu rắn’, Đông Phương Bất Bại dùng ‘cây kim thêu’, Nhậm Ngã Hành dùng ‘hấp-tinh-đại-pháp-thủ’ (dùng tay), hay dẫn theo ‘Tứ đại hộ pháp vương’, ‘Thập đại trưởng lão’ thì, ban đầu, tên Đại-ác-ma-hiện-đại dùng vũ khí 'lưỡi bò' và dẫn theo một đống ma đầu đủ loại với các tên mới là ‘Kim Hoa’ Tà Thần, ‘Tam Đô’ Ma Vương, ‘Đông An’ Quỷ Vương… đang hùng hổ tiến vào hải phận của phái Tân-Hằng-Sơn…
*
Cũng xin nói thêm rằng, thật ra, lão bá tánh của xứ sở… ‘Ma giáo’ này (hihi…) đã sinh ra những triết gia, anh hùng, nhà văn/nhà thơ… rất đáng ngưỡng mộ, và nhiều bóng hồng rất đáng yêu, mà mình đã từng viết:
Nhân vật Tiểu Long Nữ (trong truyện Thần Điêu đại hiệp của Kim Dung) có một vẻ đẹp ‘sương khói’, thật vậy, nàng quá thánh thiện và trong suốt không gợn nét tình dục, nếu ai có yêu nàng thì 'thường' chỉ đứng ở xa mà nhìn, không dám bày tỏ tình yêu và không sản sinh ra trong đầu những ý nghĩ vẩn đục về nàng. Là một con ‘phụng’ giữa loài người, Tiểu Long Nữ vốn là con người đã thoát ra khỏi vòng sinh tử và khái niệm về ‘hạnh phúc và đau khổ’. Trong thời gian yêu Dương Quá, thực ra nàng không được hưởng trọn vẹn tình yêu như tính cách của nàng, mà bị một quá trình đày đọa đau khổ do những phong tục tập quán truyền thống phi lý của con người tạo nên, cuối cùng chỉ với Dương Quá, cặp rồng-phụng này đã quy ẩn giang hồ bỏ mặc lại đàng sau những phù phiếm của nhân gian.
Mình cũng có viết:
Anh gửi vào em chút lả lơi
Đôi mắt hồ thu đẹp tuyệt vời
Là người hay tiên trên trời vậy
Em xuống trần gian khuấy động đời,
là những câu mở đầu khi mình viết entry ‘Phi - Kim Dung và tình yêu’.
*
Chuyện tình yêu còn dài, nhưng trước mắt, tên Nhậm Ngã Hành hiện đại này đã lãnh một cú thất bại không nhỏ, đó là đa số môn đồ của phái Tân Hằng Sơn, trước đây vốn không thích gì bọn Ma giáo phương Bắc, nay hành động ‘vĩ cuồng’ của chúng đã làm cho tất cả môn đồ của phái này phẫn nộ và căm ghét chúng!
…Và cuối cùng, ‘anh không thích... chính trị, nhưng anh bỗng có cảm hứng viết về tên Đại ma đầu thời hiện đại này’ là câu mà LB tâm sự với một bạn gái khi viết bài này, và nghe xong, cổ cười:
-Ha.. ha… ha…
Hết.

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

567. Mắt mỏi mù sương

Mắt mỏi mù sương
Ánh tà chiều lang thang cánh hạc
Cõi sương mù bàng bạc chốn xa
Cành cây khô, cổ vươn dài
Ai chờ, ai đợi, ai đau, ai buồn?
*
Chàng lỡ... môi thơm một nụ hồng
Ảo tình rạo rực, nhói trong tim
Tưởng đâu vị đắng… êm đềm
Ngờ đâu giọt nhớ lăn trên má chàng
*
Tháng tư em đến, em không đến
Để quán cà phê, đến... một người
Biển trời, một bóng ngồi mơ
Mắt mòn mỏi mắt, thuyền chơ vơ thuyền
*
Chàng mơ tiên, thiên đường diễm ảo
Đêm lại về, mắt mỏi mù sương
Là người trong cõi vô thường
Làm sao thoát khỏi tơ vương bóng hồng!

Các bài thơ khác

Bóng hồng lặng lẽ
Sáng nay tôi đi uống cà phê
Vẫn thấy mấy con bướm vàng như mọi bữa
Nàng đã thay bộ quần áo mới, 
trông dễ thương hơn rất nhiều
Một thoáng rung động lướt qua, 
nhưng ta im lặng, đi về, với... ta
Vườn rau sau nhà, trổ đầy trắng...
*
Ôi, cây hoa lâu ngày không kết quả
Lệnh chủ nhà 'cắt bỏ nó đi'
Tôi chưa ra để biết nó sẽ biến thành gì
Vì đời sẽ hết, và loài hoa khác sẽ nở…
*
Tôi cũng có biết ít nhiều, về 
chuyện tình yêu, lẫn chuyện thiên đường,
chuyện sói bầy lấn biển Đông,
chuyện Nhạc Bất Quần, và cả chuyện Tiêu Phong
Nhưng 'em hỡi, để khi nào anh sẽ kể'...
*
Nàng lại nói với tôi về ‘nhân quả’
Tôi mĩm cười 'anh chả nghĩ đến kiếp sau’
Mong sao cho vui vẻ kiếp này
Nhưng kỳ lạ, đời người sao khó vậy!
*
Tình tôi trắng hay đời tôi trắng
Tôi cả đời lầm lũi bước tư duy
Quá khứ chợt quên, và tương lai chả… biết gì
Chỉ tồn tại một bóng hồng lặng lẽ: bóng cô đơn!

Tim vẫn chưa già
Hôm nao đi uống cà về
Cà trong mấy phút đã phê... cô nàng
Đôi môi em, chốn địa đàng
Con thiên nga trống, thở than đứng nhìn
Thế rồi dằm ở trong tim
Mấy làn khói thuốc bay tìm thiên cung
Ngày xưa có dáng em cùng
Lâu lâu vẫn nhớ, nhưng không thấy người
Nắng chiều vội vã ra đi
Mới cùng nhau đó, nay là khói sương
Cho dù đời có đau thương
Vẫn còn màu tím, nên tim chưa… già

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

566. Uy vũ bất năng khuất...

Chiều đông cánh hạc, ô!, kiều diễm
Tím nhẹ dòng sông, sương khói mềm
Uyên ương đôi lứa, từng canh, nhớ!
Giấc mộng nhòa đêm, ướt nhạc tình

Chiều hôm nọ, trời mưa to, LB có gặp một người một người bạn cũ, tiếp anh ta ở một quán cà phê yên tĩnh (ở ngoại ô quận Gò Vấp, Sài Gòn) và lắng nghe anh tâm sự cả tiếng đồng hồ. Dưới đây là một số tâm sự của anh.

Hồi nhỏ, tôi có đi học võ Vô-vi-nam, được mấy cái vạch vàng gì đó, bây giờ tôi quên sạch võ thuật rồi, nhưng tôi nhớ 'võ đạo' khá tốt, trong đó có câu: 'Uy vũ bất năng khuất, bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm', tạm như vậy đi, có nghĩa là:
-vì... công lý, ta không sợ những ai có quyền lực hay tiền bạc,
-dù có nghèo đi chăng nữa, lòng dạ của ta cũng không hề đổi thay,
-nếu may mắn mà trở thành giàu có, ta cũng không vì thế mà sống sa đọa.
*
Tôi sống trong cuộc đời này, có lúc cũng khá thành công, đến nỗi bạn bè nói tôi là 'có hộ khẩu trên máy bay', nhưng cũng có lúc tôi thất nghiệp, có thể đồng nghĩa với thất bại, lý do chính là người thân hoàn toàn không hiểu tôi, cụ thể là nếu tôi còn... ít tiền, thì họ sẽ lập tức 'vùi tôi xuống bùn đen vạn kiếp'...
Có một người bạn (của tôi) mới đây chợt nói về tôi rằng ‘thì ra cuộc đời của anh là không còn cái gì cả' (!). Ngay tức thì, tôi không thể giải thích được.
*
Tôi mới tự nghĩ là mình có thực sự thất bại hay không?
Các ông mắt xanh mũi lỏ (người nước ngoài) thường rất tôn trọng tôi, vì họ không bao giờ đánh giá theo tiêu chí là tôi có bao nhiêu tiền, hay có mặc áo quần sang trọng không, mà họ hay hỏi tôi là:
-Anh nghĩ rằng chúng tôi làm đúng hay sai ở chỗ nào?
Tôi lập tức chỉ ra 'gót chân Achilles' (= chỗ sai) của họ, được họ tôn trọng và có lúc gọi tôi là 'professor' (= giáo sư), hihi…, ngoài ra, rất nhiều lão bá tánh ở các tỉnh thường gọi tôi như vậy.
Đúng là tôi có... thất bại, nhưng nhờ lão bá tánh, tôi cũng có chút chút thành công, nhưng điều vui nhất của tôi là người dân vẫn còn có truyền thống 'tôn sư trọng đạo'.
*
Chính tôi cũng rất khó để khẳng định rằng mình có phải là người hoàn toàn đau khổ hay không?
Tôi cũng không hề giấu rằng 'tôi không biết tán gái', nhưng cũng không phải vì thế mà tất cả phụ nữ đều xa lánh tôi, và tôi cũng hiểu rằng những bóng hồng mà đã biểu lộ hết tình cảm của họ cho tôi là không ít, ngược lại, có rất nhiều lúc, tôi đã dành vô vàn tình cảm cho các nàng, dù là trong thế giới thực hay thế giới ảo...
Ngoài ra, những cô gái Hà Nội (hay bạn bè/bà con) đã phong cho tôi là 'chuyên gia hát karaoke', tôi không nghĩ rằng mình luôn hát hay, nhưng tôi được tiếp thu một nền học vấn về âm nhạc khá cơ bản, và khi hứng thú lên, tôi thường nói:
-Chưa say, chưa hát được.
Thật vậy, khi say... 99%, tôi thoát ra khỏi sự nhút nhát của 'cái tôi', và tự cảm thấy rằng mình hát rất hay, hihi... Chiều hôm đó (vào năm 1999), có một phụ nữ (là thương binh, làm ở Hội LHPN tỉnh Quảng Trị), sau khi nghe tôi hát bài 'Khoảnh khắc', nàng đã ngồi bất động đến cả phút, và nói:
-Nghe anh hát, em thấy chết lặng cả tâm hồn, cả đời em, chưa lúc nào nghe ai hát mà làm em xúc động đến thế...
Vâng, tôi cũng có chút chút hạnh phúc mà mà các bóng hồng đã dành cho tôi (và lão bá tánh đã dành cho tôi, như đã kể ở trên). 
*
Thường thì một số người chung quanh tôi hay lấy ông B - người có nhiều tỉ - để làm gương cho những người thân và để... ‘hù’ họ, ha.. ha.. ha… Trong cuốn ‘Hội chợ phù hoa’ của nhà văn người Anh là Thackeray (đầu thế kỷ 19) có một câu chuyện đại khái như sau:
Sau khi bà vợ dùng thủ đoạn chuyển hết tài sản của chồng vào tay bà ta (bằng cách đứng tên hết tất cả các tài sản cố định và các bất động sản),  bả mới đi tuyên truyền khắp nơi là:
-Ổng bất tài, chả làm ra đồng nào, không bao giờ đưa cho bả đồng nào, ngoài ra, ổng có đầy các thói hư tật xấu, và là người đàn ông xấu xa và đốn mạt nhất trên thế gian này…
Nói chung là lúc mà chồng của bà ta không còn làm ra tiền nữa, tức là không có giá trị lợi dụng nữa, thì bà ta khinh ổng như một… con chó.
*
Và một số người chung quanh tôi cũng thường nhắc đến một ông A làm lớn, chắc là để thỏa một thứ tâm lý thèm khát bí ẩn nào đó của họ, ha.. ha.. ha...
Trước đây, tôi đi làm xa nhà cả 10 năm, và trong thời gian đó, xếp A đã về hưu. Một hôm, có một bà ở xóm tôi, gặp vợ của ông A, bà ta hỏi:
-Xếp A vẫn khỏe chứ chị?
-‘Ảnh chết lâu rồi chị ạ’, vợ của xếp A trả lời.
À, té ra là khi chữ ký của xếp A còn có hiệu lực về ‘tiền bạc’ thì ngày đêm họ đến thăm, tỏ ra rất tình nghĩa và tặng đủ thứ quà cáp, nhưng khi xếp A về hưu rồi thì ổng chết hồi nào kệ bố ổng, người ta không cần… biết!
*
Tôi không quan tâm đến những người làm lớn, mà chỉ quan tâm là ‘bộ óc’ của họ có lớn hay không mà thôi, tôi cũng không quan tâm đến những người giàu, mà chỉ quan tâm là ‘tâm hồn’ của họ có giàu hay không mà thôi.
Nếu thượng đế có hỏi tôi là:
-Ngươi mơ ước cái gì?,
thì tôi sẽ trả lời là:
-Xin ngài hãy cho tôi được chết ngay lập tức,
đó là mơ ước cao nhất của tôi, và là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi, đây là chuyện riêng tư mà tôi không thể giải thích đầy đủ được, anh ạ.
*
‘Cái chết là sáng tạo vĩ đại nhất của cuộc sống’ (Steve Jobs)

Tôi đã từng nói thầm với chính mình nhiều lần là:
-Xin mọi người hãy cho tôi được có một cái chết yên tĩnh.
Bởi vì tôi… nghĩ rằng:
Chết là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời này.
Chết là chân hạnh phúc, và là điều giá trị nhất trong tất cả các giá trị mà loài người có thể có.
Người ta sợ chết bởi vì họ sợ mất số tài sản/tiền bạc/đất đai hay chức vụ mà họ đang có.
Người ta sợ chết bởi vì họ không muốn xa rời con cái - thượng đế của ‘cái tôi’ của họ, nhưng họ cũng đồng thời nói rằng ‘cha mẹ sinh con, trời sinh tính’ với hàm ý rằng đứa con của họ sẽ phản bội họ khi nó lớn lên, theo nhiều nghĩa.
Người ta sợ chết bởi vì họ sợ mất cái tình yêu nam-nữ mà họ đang tạm sở hữu, nhưng họ cũng đồng thời nói rằng ‘tiền là tiên, là phật, là sức bật của con người, là nụ cười của người ấy, là dây nối của tình yêu’ với hàm ý rằng tình yêu sẽ ra ra đi khi đồng tiền trong túi của họ đã hết, theo nhiều nghĩa.
Tóm lại, người ta sùng bái quyền lực/giàu sang vì họ không có hoặc thiếu trí tuệ, và người ta sợ chết vì họ sợ mất đi tài sản, tiền bạc, chức vụ, con cái, tình yêu… mà là những thứ hư ảo và dễ mất nhất trong cõi đời này.