Hồi trẻ, hắn kể chuyện, nhiều nông dân đã
lắng nghe và họ khóc.
Hắn còn nhớ trên thềm của một nhà (có kiến trúc
phong kiến ở nông thôn VN mà ngày xưa thuộc loại nhất nhì ở vùng ấy),
dưới ánh chiều tà, hắn đang kể chuyện. Ban đầu những người bà con đã tụ
tập chung quanh hắn, rồi những người hàng xóm cũng tham dự càng lúc càng
đông - bà già có, đàn ông có, phụ nữ có, học sinh có. Hồi đầu hắn kể
chuyện “Tam Tạng”, hắn định kể qua loa cho vui thôi, không ngờ người ta
rất tập trung nghe hắn kể, nên hắn dần dần kể đến từng chi tiết. Khi kể,
hắn đã tưởng tượng ra những nhân vật trong câu chuyện như đang diễn ra
thật trước mắt hắn, rồi bỗng nhiên hắn nhận ra những dòng lệ nóng hổi
đang lăn tròn trên má của những người phụ nữ. Sau này có một người nói
là hắn có năng khiếu kể chuyện.
Rồi đến ở một nông trường, trong một căn phòng bằng gỗ lợp tôn, cùng với những người nông dân đủ loại, nam có, nữ có, thanh niên xung phong có, cán bộ có, lãnh đạo có. Hắn ban đầu chỉ nói chuyện tầm phào cho vui và cho qua đêm dài, đôi khi hắn dẫn chứng vài mẩu chuyện nhỏ trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, không ngờ dần dần họ rất thích, thế là hắn tiến tới kể chi tiết chuyện “Cô gái đồ long” kèm một ít diễn tả thêm của hắn. Họ đã lắng nghe câu chuyện rất tập trung và thú vị. Từ đó hắn có thêm một nghề mới - đêm đêm hắn kể chuyện.
…Sau 1975, ở miền Nam Việt Nam, hầu như ai cũng phải làm nông, bác sĩ có, kỹ sư có, giáo viên có, cha nhà thờ có, con chiên có, phật tử có, học sinh có, sinh viên có, người “mất” học có, …. Trong một căn nhà mà hắn ở lại qua đêm để học luyện thi đại học, cũng tình cờ hắn lại đi đến câu chuyện “Cô gái đồ long”, những người “nông dân” ở đó rất thích nghe hắn kể câu chuyện đó đến mức mà trong đó có một cậu bé được đặt tên là “Trương Vô Kỵ”.
Hắn viết, hắn thường nhớ đến thời thơ ấu, thời trẻ với những cánh đồng, những dãy núi xa, những ngọn đồi gần, những dòng sông, những rặng tre, khu nghĩa địa, những cái gai bòng, những cái lu nước, những con chó bị làm thịt, cơn lụt dữ dội, một căn nhà 8.000m2 bị tan tành với 7 hố bom có chỗ còn bốc khói và con chó yêu thương đã chết ngắt, trại tị nạn, …, và những những người nông dân, trong đó có có ba hắn. Mỗi một cái hắn nhớ là một câu chuyện bao hàm sự thực và triết lý.
Dòng ấn tượng đôi khi luân lưu trong đầu óc hắn, hắn nhớ và yêu những người nông dân mộc mạc đó. Có lúc hắn nhớ những người nông dân đó, hắn khóc, hắn thông cảm với số phận của họ, hắn dành nước mắt cho họ, và hắn sẽ cùng khóc với họ. Cái hắn viết có hàm chứa những người nông dân thực mà đã kết chặt vào tâm hồn hắn không thể nào quên.
Hắn nhớ ba hắn, tuy không phải là nông dân, nhưng gốc nông dân, hắn cũng vậy thôi. Cái ông thầy giáo nông dân đó, vào một buổi chiều, trên cánh đồng gồm những bắp, đậu phụng, đậu xanh, …, đã gây gỗ vời một “nữ nông dân” và bà ta đã dùng rựa rượt theo đòi giết ông ta – người thân hắn muốn giết nhau. Ông ta đã sợ bỏ chạy về nhà, xuồng bếp nấu một nồi bắp hầm (thời ấy, sau 1975, người dân không có đủ gạo để ăn, thậm chí bữa ăn chính cũng phải ăn bằng bắp già hầm). Về đến nhà, hắn nằm thừ ra đó trên một cái ghế bố, trên đầu hắn, có hàng ngàn, hàng vạn con chim két, có thể nói đến trăm ngàn, đã bay ngang qua và kêu vang động khắp bầu trời. Hắn lại nghe tiếng chim két kêu như là tiếng gào thét não nề, tiếng đe dọa dễ sợ, tiếng rên siết đau khổ tột cùng, …, hắn thầy bầu trời xanh đang ở trên cao bỗng nhiên sà thấp thảm thiết xuống tận mặt đất, …
Ba hắn sống như là một kẻ cô đơn, là một kẻ xa lạ trên cõi đời này, hầu như hoàn toàn không có ai giúp đỡ và thông cảm cho ông ấy, kể cả hắn. Hắn nhớ bà nội hắn chiều chiều tay cầm xâu chuổi hạt, lâm râm niệm Phật, có lúc bà lẩm bẩm “tội nghiệp cho thằng Năm”(thằng Năm là ba hắn, bà có 8 người con). Dù đứa con có lang thang đâu đó trên cuộc đời này và dù hắn không nhớ về mẹ hắn, nhưng bà ta lúc nào cũng nhớ hắn, lòng dạ quặn đau, chảy nước mắt và thông cảm cho đứa con “cô độc” của bà, cầu trời phật phù hộ cho hắn. Sau này, nhớ về ba hắn, hắn đã giật người lên khóc, đối với hắn, ba hắn là môt con người đơn độc tội nghiệp nhất thế gian! Đôi khi, hắn lo sợ cho số phận mình cũng kế thừa cái số phận của ba hắn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó “không” có mẹ hay “bị” phải không thương mẹ, không hiểu mẹ! Không dựa vào “mẹ”, không được cảm nhận sự ấm áp của lòng “mẹ”, người ấy sẽ dễ dàng rơi vào tâm ma, vào thảm cảnh của một “con sói cô độc” lang thang vô định không lối thoát, ...
…Bỗng nhiên hắn nhớ tới câu mà hắn thường dùng trong khi chát là “đùa thôi, hì..hì..”, đâu có ai thông cảm với hắn, cuối cùng hắn phải cười và chỉ có thể cười trong nước mắt.
6g sáng, ngày 20/02/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét