Trước tiên, Lá Bàng xin vừa viết vừa đùa một tí.
Thường, khi có khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, người ta
rất thích hài, chẳng hạn vua hề Charlie Chaplin xuất hiện sau khủng hoảng kinh
tế toàn cầu năm 1929, đó cũng là quy luật bù trừ thôi.
Có một rapper (tạm gọi là người nhảy hip-hop) người Hàn
Quốc, tên là Park Jae Sung, có nói rằng: ‘…kinh tế đã ảm đạm như vậy, tôi chỉ muốn
viết một bài hát có thể khuấy động lòng người’. Y nổi tiếng khắp thế giới với
điệu nhảy ngựa (clip ‘Jangnam Style’, youtube.com, đã có
đến 1,6 tỉ lượt truy cập!) mà từ ông già 70t đến em bé cũng lắc lư muốn nhảy và
rất rất nhiều trẻ con thuộc lòng bài hát 'Anh có phong cách sống kiểu Jangnam' (= kiểu quê mùa học làm sang).
*
Do mình sống và quan hệ với nhiều cộng đồng Bắc-Trung-Nam
nên cũng ‘gom’ được nhiều thứ.
Lúc đầu nghe người miền Bắc nói đùa là ‘nâng cần’, mình ngớ
người ra không hiểu, hỏi ra mới biết từ này nghĩa là ‘nịnh bợ’.
Khoảng năm 1987, mình có đi với một người Sài Gòn, qua khỏi
ngã ba Cát Lái thì gặp mưa, chúng mình dừng lại làm 2 tô ‘phở béo’, lúc đó mình
có nghe bạn ấy dùng từ ‘nâng bi’.
Thực ra, từ này không hề ‘tục’, mặc dù nó ám chỉ cái ấy của
đàn ông, nhưng có nghĩa là khi xếp đang ‘tè’ thì có ai đó tiến đến nâng ‘cần’ để cho
xếp tè thoải mái hơn! Ngoài ra trước đây còn có từ ‘điếu đóm’, hiểu nôm na là khi xếp
hút thuốc lào thì có ai đó xun xoe lấy một que tre mỏng mồi lửa cho xếp.
*
Ở đời ta thấy không thiếu gì chuyện như vậy:
Khi xếp hút thuốc thì có ai đó bật hộp quẹt ga cho xếp.
Khi xếp bước lên xe ô-tô thì có kẻ lăng xăng xách va-li và mở cửa cho
xếp (mặc dù xếp không hề bị cụt tay!).
Khi xếp đang đứng ngoài trời gọi điện thoại (mặc dù trời chỉ
có vài hạt mưa bụi) thì có ai đó cầm dù che cho xếp.
Khi xếp nhậu hay hát Karaoke thì lính mang tiền ra trả cho xếp, thậm chí trả luôn 'tâng 3'.
Khi xếp cần thì 12g khuya có ‘bò’ hay ‘lết’ cũng ra gặp xếp
cho kỳ được.
Khi xếp sĩ nhục thì khúm núm như kẻ nô tài và cụp tai im lặng như
con ‘cẩu’ Tây Tạng.
Khi khai mạc hội nghị thì MC phải nói ‘xin trân trọng giới
thiệu, tiến sĩ Trần văn Giấy, Trưởng cơ quan X…, lên phát biểu ý kiến’, nếu thiếu
chữ tiến sĩ thì 'chít' với ổng...
*
Thiên hạ đệ nhất cao thủ về 'nâng cần'
Một trong những ‘tuyệt đại cao thủ về nâng cần’ trong lịch
sử thế giới là người Tàu, được dân gian gọi là ‘Đệ nhất tham quan Hòa đại nhân’.
‘Hòa đại nhân’ hay Hòa Thân (1750-1799) xuất thân từ một gia
đình nhà võ, không giàu có lắm. Tuy không có bằng cấp nổi trội, nhưng thuở nhỏ
ông là một cậu bé có thiên tư, có một nền học vấn rất cơ bản, lớn lên lại rất
chịu khó tự học, vì thế có lúc làm đến chức Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc….,
đặc biệt là ông rất có tài về ‘nâng cần’. Ông là ‘sủng thần’ của vua
Càn Long, đã từng tư vấn nhiều ‘giải pháp’ trị nước cho vua và được đề bạt
thăng chức đến 47 lần (mà được xem là ‘vị vua thứ hai’ vào thời đó). Tuy nhiên,
ông yêu ‘tiền’ hơn dân mà đã đem hết trí lực và sức lực trong đời ra để vơ vét
càng nhiều càng tốt, ông đã từng tuyên bố: ‘thứ gì mà Hoàng Thượng có, ta cũng
có, thứ gì Hoàng Thượng không có, ta cũng phải có’, và ngày nay Cung Vương Phủ
vẫn còn đó: ‘Tổng diện tích 60 nghìn m2, trong đó phủ đệ chiếm 32 nghìn m2, hoa
viên chiếm 28 nghìn m2’, và 'Hoa viên còn được gọi là Tụy Cẩm Viên. Bố cục tổng
thể 3 mặt giáp giả sơn, với hơn 50 Cảnh Điểm phân bố 3 trục Đông, Tây, Trung.
Vương Phủ theo vòng quay của thời gian, hàm chứa hết những tinh túy, cao quý
của văn hóa Vương phủ đời Thanh’ (theo ttvnol.com). Và vì thế, ông được nhân
dân phong tặng danh hiệu ‘Đệ nhất tham quan’. Sau khi vua Càn Long chết, do
những tác động hữu hiệu của Kỷ Hiểu Lam và Lưu Dung, Hòa Thân bị vua Gia Khánh
hạ lệnh thắt cổ tự tử giữa chợ, thế là Đệ nhất tham quan cũng đành phải ‘tủi
nhục’ về với cát bụi’ (entry 324).
*
Đó là chuyện ngày xưa, còn ngày nay có một chuyện như sau. Có
một nhà thầu đến gặp riêng lãnh đạo X và nói:
-Xếp đã giúp em duyệt một công trình, em không có gì nhiều,
chỉ xin tặng xếp một món quà nhỏ là một chiếc ô-tô thôi’.
-‘À, không được, ta là ‘thanh quan’, hơn nữa cơ quan đang
phát động phong trào ‘không nhận quà’, nếu ta nhận, người ta xầm xì mang tiếng lắm!’, xếp nói.
-Vậy, để xếp khỏi mang tiếng là ‘tham quan’, em bán cho xếp
một chiếc xe với giá cực mềm là 50.000 đồng nhé.
Suy nghĩ một hồi, xếp nói:
-À, nếu như vậy thì bán cho ta 2 chiếc.
Với cách sống ‘thanh bạch’ như vậy, xếp có vài lô đất mặt tiền,
nhưng khi về hưu thì lương (bảo hiểm xã hội) của xếp chỉ có trên dưới 3 triệu
đồng/tháng!
*
Trước đây, ông Dale Carnegie, trong cuốn ‘Đắc nhân tâm’, có
nghiên cứu rất kỹ về tính ‘thị dục huyễn ngã’ của con người (tạm gọi là tính ‘nghiện đề
cao cái tôi’) mà đã toát lên 80-90% của vấn đề (nội
tại), nhưng theo ý của một cậu sinh viên thì 10-20% vấn đề còn lại (ngoại tại) là
tuyệt đại đa số con người muốn được người khác ‘nâng cần’.
Cậu sinh viên nói: ‘Con không thích kẻ giỏi mà không biết
nâng cần, chẳng thà dùng kẻ dở hơn một tí nhưng biết nâng cần, ai mà không muốn
được người ta tôn trọng như là vua!’.
Với nguyên tắc ‘tặng cái mà người ta thích, chứ không tặng
cái mà mình có’, kẻ nâng cần biết xếp thích cá thì tặng cá, thích hoa thì tặng
hoa, thích mèo/chó thì tặng mèo/chó, thích chim thì tặng chim, thích rượu thì
tặng rượu, thích bon-sai thì tặng bon-sai, thích phong bì thì tặng phong bì, thậm
chí thích ‘cẳng dài’ thì tặng cẳng dài…
Ở các vùng mà càng tham nhũng thì nghệ thuật nâng cần càng
phát triển, nhưng chưa có ai khái quát hóa nó thành ‘Khoa học về nâng cần’ hay
‘Nâng cần học’, vì nâng cần là một nghệ thuật vô cùng khó mà đòi hỏi các cao thủ 'nâng
cần' phải có năng khiếu/thiên tư, bởi vậy, ta chưa hề có giải Nobel hay tiến sĩ nào
về nâng cần…
----------------------------------
Một số tài liệu tham khảo: