Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

190. "Không gian một chiều"

'Sóng buồn sóng vỗ vu vơ
Mây buồn mây nổi vật vờ không trung
Gió buồn gió thổi mông lung
Em buồn em khóc rung rung vai gầy'
(LTS: Người ta có nói ‘tiên trách kỷ, hậu trách nhân’, mình viết bài này chủ yếu là để tự cảnh tỉnh mình là chính, rất vui nếu may mắn nó đem lại cho các bạn chút thú vị.)

1. Xưa nay, người ta thường nói ‘lấy nhu thắng cương, lấy nhược thắng cường, lấy vô chiêu thắng hữu chiêu, lấy tịnh chế động, lấy bất biến ứng vạn biến’.
Người Tàu có câu ‘thuận thủy thôi chu (= lợi dụng dòng nước đẩy thuyền đi), ý nói nếu ta biết quan sát và tận dụng thế giới tự nhiên thì có thể làm được việc, hay làm việc có hiệu quả hơn nhiều lần. Trong các truyện võ hiệp, để diễn tả ý ‘lấy nhu thắng cương’, họ còn có các câu ‘bốn lạng chống nghìn cân’, được diễn đạt qua các môn võ công như ‘Càn khôn đại na di’ của Trương Vô Kỵ (truyện Ỷ thiên đồ long ký - Kim Dung) hay ‘Đẩu chuyển tinh dời’ của Mộ Dung Cô Tô (truyện Thiên long bát bộ - Kim Dung) hay ‘Di hoa tiếp mộc’ của Di Hoa cung chủ (truyện Song hùng kỳ hiệp - Cổ Long) hay ‘Thái cực quyền’ của Trương Tam Phong (truyện Ỷ thiên đồ long ký - Kim Dung)…
2. Mình không có tham vọng làm ‘lớn’ chuyện, chi ngẫu hứng giải thích các câu trên thông qua các ví dụ nôm na và có thật ở đời thường, rồi khái quát hóa chúng thành ‘lý sự’ để cho các bạn đọc thư giãn một tí.
- Một người nấu nước pha trà cho đến khi ra trà uống được thì mất 30 phút, người ấy ăn cơm hết 30 phút, giả sử người ấy ăn cơm xong rồi mới đứng dậy pha trà thì người ấy mất 30 phút. Nếu trước khi ăn, người ấy pha trà trước, ăn xong đứng dậy là có trà uống ngay, khỏi phải mất phút nào, nói nôm na là có hiệu quả gấp nhiều lần.
- Một người có chùm chìa khóa xe (hay cái điện thoại di động), về đến nhà, lúc thì vứt chìa khóa ở trên bàn trà, lúc thì bỏ trong túi quần, lúc thì bỏ trong túi xách tay, lúc thì bỏ dưới bếp, lúc thì bỏ trong phòng tắm, lúc thì bỏ trên giường, lúc thì bỏ trên lầu…, đến khi cần chìa khóa thì kêu réo ‘ba ơ’, ‘mẹ ơi’, ‘cu ơi’… ầm ỉ cả nhà, mất hết trên 5-15 phút (thậm chí mất chìa khóa luôn), tại sao ta không treo chìa khóa vào một chỗ cố định và khi cần thì có thể lấy nó trong vòng một nốt nhạc, giả sử hết một phút, làm như vậy thì hiệu quả gấp trên 5 lần.
- Có người vừa chạy xe máy vừa nghe điện thoại (hay vừa nói chuyện với người ngồi sau lưng), lỡ bị tai nạn giao thông thì tốn vài triệu đồng và có thể tốn thời gian cả tháng để chữa bệnh (chưa nói đến chuyện mất mạng), người ta thường nói ‘nhanh một phút, chậm cả đời’ => lợi một phút thì hại gấp vô số lần, người ấy muốn tranh thủ nghe điện thoại 5 phút để rồi tốn 1 tháng chữa bệnh, thử lấy một tháng chia cho 5 phút thì hậu quả đó là 8460 lần (các bạn tính thử xem), nếu người ấy làm ngược lại thì hiệu quả vô hình gấp 8460 lần!
- Có người lúc thức ăn còn nóng, vội ăn nên phỏng cả mồm (pha cà phê phin thì cần phải có thời gian), đừng ‘ăn non’, đừng nóng vội, hiệu quả kém!
- Có người đi chợ, không ghi các thứ cần mua vào một tờ giấy, không quy hoạch ghé chỗ nào trước, chỗ nào sau, hứng chỗ nào thì ghé chỗ đó, gặp ai cũng ‘tám’, mất cả 2 tiếng đồng hồ, về đến nhà thì sực nhớ còn thiếu 1 món (hay nhiều món), lại quay ra chợ lần thứ 2, tốn thời gian gấp 2 đến 4 lần, nếu người ấy làm ngược lại thì hiệu quả gấp 2 đến 4 lần.
- Nếu ta mua thức ăn về nhà nấu thì hiệu quả hơn là mua đồ ăn nấu sẵn ở các nhà hàng VIP; nếu ta chạy xe ‘số’ thì ít tốn xăng hơn xe tay ga...
- Nếu ta yêu lầm người lợi dụng mình thì ‘có tiền cho gái biết đòi được không’ (hay ngược lại là ‘nuôi trai’), hiệu quả ngược là từ khổ cho tới lỗ!
- Có người bán cà phê mà ngồi ở cuối nhà, mắt dán vào cái ti vi, mở nhạc thật to, khách vào gọi 3-4 lần khản cả cổ, rồi người ấy mới ‘ra’ hỏi uống cái gì, rồi ‘vào’ pha cà phê, rồi bưng cà phê ‘ra’, rồi quay ‘vào’, tí nữa lại ‘ra’ lấy tiền, rồi ‘vào’ nhà lấy tiền thối, rồi ‘ra’ thối tiền, tổng cộng ít nhất có 7 lần đi lại!, nếu người ấy đặt cái bàn pha cà phê ở gần chỗ khách ngồi thì có thể tiết kiệm được 2-3 lần đi lại, tức là hiệu quả gấp 2-3 lần.
- Có người thình lình ghé nhà bạn chơi, không có alô trước, vì bạn không có chuẩn bị nên bị ép buộc phải nghe người ấy nói chuyện (chưa nói nói là bạn cảm thấy khó chịu), nên kết quả cuộc nói chuyện chỉ dưới 5 điểm, nếu người ấy làm ngược lại (gọi điện thoại trước, hẹn giờ, chuẩn bị ý tưởng/tư liệu cho cuộc nói chuyện…) thì hiệu quá gấp ít nhất là 2 lần.
- Có người rửa chén hết 30 phút, nếu người ấy có cách, thì thực ra có thể rửa chén trong 15 phút (bạn tự nghĩ thử xem), hiệu quả gấp 2 lần.
- Có người nấu ăn hết một giờ, nếu người ấy có cách, thì thực ra có thể nấu ăn trong 30 phút (bạn tự nghĩ thử xem), hiệu quả gấp 2 lần.
- Có người mới nghe người ta kể chuyện câu đầu tiên thì đã có ý kiến, rồi nói xa trọng tâm (người ta nói là nói chuyện ngoài ‘chính sử’), cứ người ta nói được một tí lại có ý kiến, rồi lại có ý kiến, rồi lại có ý kiến…, không bao giờ chịu ngồi yên lắng nghe thử bạn mình ý nói cái gì, thành ra đáng lẽ câu chuyện có thể kể trong vòng 10 phút thì lại bị mất cả tiếng đồng hồ, có khi vì bị người ấy đánh lạc mất trọng tâm mà người kể quên kể tiếp câu chuyện đó, thậm chí cả đời người đó chả biết câu chuyện đó là như thế nào => hiệu quả từ rất thấp đến bằng không.
- Có người đi xe máy qua một chỗ khuất tầm nhìn (ngã ba hay ngã tư), cứ phóng nhanh, để tông nhau, nếu người đó biết giảm tốc, quan sát, bấm còi, thì so với việc không tông nhau, hiệu quả gấp bao nhiêu lần?
- Có người đi xe máy qua đường (hay rẻ phải/trái) mà mắt cứ nhìn thẳng, không quan sát 4 phía (trước, sau, trên, dưới), cứ thế mà qua, phóng nhanh, để tông nhau, nếu người đó làm ngược lại thì so với việc không tông nhau, hiệu quả gấp bao nhiêu lần?
- Có người đậu xe máy, cứ dừng chỗ nào là đá chân chống xuống, đậu xe ngay chỗ ấy, không nhìn trước nhìn sau xem thử đậu xe ở chỗ đó có làm vướng ai không, có một cậu bé nói ‘bởi vậy ổng mới làm nghề xe ôm!’.
- Có người muốn lấy một vật gì đó, cứ nhìn thẳng phía trước mà đi tới, không nhìn dưới chân, không nhìn trên đầu, nên đá bể một cái gì ở dưới đất (cái ly, chai bia, chén bát đựng thức ăn, con dao…) hay đụng đầu vào một cái gì đó mà chảy máu đầu, người ấy có ‘không gian một chiều’, nếu người chịu khó quan sát thì hiệu quả gấp bao nhiêu lần?
- Có người phải tốn một tuần hay nửa tháng mới viết được một entry, vì người ấy: 1. không chọn lúc cảm hứng nhất để viết, 2. thiếu tư liệu để viết (ví dụ không biết sử dụng tư liệu từ google hay từ bạn bè một cách tốt nhất), 3. không chuẩn bị trước ý tưởng để viết…, hoặc một trong các trường hợp trên.
- Haiz... đời là như vậy!, thấy một vụ tai nạn giao thông, không chỉ 2 bên va chạm giao thông dừng lại cãi nhau, đánh nhau, mà còn bao nhiêu người qua lại dừng lại xem nên tắt đường, ngẫm trong cuộc sống bao nhiêu chuyện như vậy nhỉ! (bạn Quỳnh Trang). Bạn ấy đã đưa ra một ví dụ rất phù hợp, cái tính đó được gọi nôm na là tính ‘văn hóa ao làng’ hay ‘văn hóa thái ấp’, khái quát hơn là tính ‘duy ngã’, tức là không tự cải thiện bản thân mình mà thích dòm ngó bình phẩm chuyện của người.
- Có một gia đình nọ ở miền miền Trung, có 2000m2 đất trong thành phố với 2 mặt tiền dài đến 80m. Cách đây khoảng 30 năm trước, họ đã nghĩ đến làm ăn kinh doanh nên đã bán vội lô đất đó và đầu tư vào nào là trồng lúa, bắp, đậu phụng, đậu xanh, bí bầu, mía, nào là bán cà phê, mì quảng, bún bò giò heo, … Làm ăn mãi 30 năm, họ còn lại 3m đất trong một xó xỉnh nào đó và sống cuộc đời nghèo khổ với thu nhập có thể nói là bằng không. Hãy ngước mặt lên hỏi thượng đế, nếu họ nằm ngủ 30 năm thì bây giờ họ giàu gần bằng thượng đế rồi đó. Họ không có tầm nhìn, chưa chắc lỗi do họ, mà do xã hội đấy, làm gì mà giá đất cao khủng khiếp đến thế kia, họ đã ‘đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt’, họ đã không hiểu tinh túy của câu chuyện ‘ngàn lẻ một đêm’ và họ đã vô tình tự bỏ tù mình! (từ entry ‘chuyện đời thường nhưng phổ biến’)…
3. Có người gọi các trường hợp trên là ‘không gian một chiều’, nghĩa là chỉ biết nhìn cái gì trước mắt. Ông trời đã cho ta cặp mắt để nhìn 4 phía (trước, sau, trên, dưới), tại sao ta chỉ nhìn có phía trước, rồi khi bị thất bại lại đổ lỗi cho ông trời? Còn ‘không gian 2 chiều, theo người ta nói, là không gian của một ‘con kiến’, con kiến chỉ biết chiều ngang và chiều dọc chứ không biết chiều cao, nên nó không bao giờ nhảy thẳng từ trên mặt bàn xuống đất, mà phải tìm mọi cách bò vòng vòng cho đến khi xuống được mặt đất mà thôi’ (từ entry ‘những thái cực).
Người VN ta có câu ‘làm ăn không tính, ở lính suốt đời’ là hàm chưa ý này, qua các ví dụ ở trên, nếu ta làm việc có phương pháp, thì hiệu quả gấp từ 2 lần trở lên. Có người nghe đến đây giẩy nẩy lên, nói ‘có nhiều người cứ làm ào ào mà giàu quá trời, làm lớn quá trời’. Đúng là có, nhưng đó chỉ là trường hợp đặc biệt, vì nếu ai cũng làm việc không có phương pháp mà thành công thì mấy cuốn sách nói về quản lý kinh tế sẽ khỏi cần xuất bản nữa, mấy trường đại học kinh tế sẽ đóng cửa hết, và nước Mỹ hay nước Nhật…  cũng sẽ khỏi cần nhắc đến.
Ở đây không có ý so sánh giữa người có nhiều tiền và người có ít tiền, mà so sánh ông X với chính ông X, làm thế nào để cải thiện chính ông X, ví dụ ổng làm một ngày 8g mới xong việc, nếu ổng làm việc có phương pháp, thì ổng chỉ làm trong 4g là xong (bạn thử kiểm tra mà xem), hay ổng đi đường, nếu ổng biết chọn lộ trình hợp lý nhất thì thay vì 2 tiếng, ổng chỉ mất có một tiếng đồng hồ thôi…, có phải là ổng đã tiết kiệm được một nửa thời gian, mở rộng ra, giả sử ổng có thể làm ra 100 triệu thì nếu ổng có phương pháp làm việc tốt, ổng sẽ làm ra hơn 200 triệu!
Có lần mình nói ‘người mà lúc nào cũng cãi nhau’ thì suốt đời chả làm được sự nghiệp gì cả’, vì người đó đã dùng hết năng lượng thần kinh để cãi nhau, còn năng lượng đâu nữa mà sáng tạo ra cái mới! Các bạn à, mình suy nghĩ 15’, khó tìm một ví dụ tổng thể nhất về ‘cãi nhau’ => chậm cả cuộc đời. Thôi tạm lấy một ví dụ, trong số các blogger, cứ 10 người thì có 1 người không thích bạn, tại sao ta chỉ tập trung vào người đó, vả lại cái ta cần quan tâm là ‘làm sao mình viết tốt hơn’ chứ không quan tâm đến việc cãi nhau với một blogger nào đó, mình nói vậy có đúng không ạ! Cái quan điểm này là duy lý = làm sao để cải thiện bản thân mình, khác với duy ngã = làm sao để đề cao cái tôi của mình. Nói tóm lại, người ta thường ‘ít’ suy ngẫm lại về chính mình mà ‘nhiều’ dòm ngó về kẻ khác, đó là khuyết tật ‘duy ngã’.
Trong toán học hay trong khoa học về tổ chức, quản lý…, người ta có dạy lý thuyết ‘Vận trù học’ hay cách đề ra ‘phương án tối ưu’ để xử lý công việc một cách hiệu quả nhất, chuyện này dài dòng lắm... Ví dụ nôm na là không có người nào cho đáp số của một bài toán là 150/300, mà cho kết quả tối giản là ½, tiếc thay có một số người, do quán tính nên thường vô tình chọn một phương án phức tạp nhất và kém hiệu quả nhất!
Ông trời đã cho chúng ta một không gian 3 chiều là chiều dài, chiều rộng và chiều cao, kể cả chiều thời gian nữa là 4 chiều, thậm chí ngài còn cho chúng ta trí tuệ để quan sát, phân tích và tổng hộp sự kiện bằng ‘cặp mắt’ đa chiều hay ‘n’ chiều, thế sao mà ta chỉ sử dụng có 1 chiều! 
Hoạt động của một cá nhân hay tập thể có 3 xu thế: 1. theo kế hoạch (plan) 2. theo tiến trình (process) 3. linh động (flexibility), trong đó ‘gặp cái gì xử cái đó’ gọi là theo tiến trình, nó thường làm cho người ta sáng tạo hơn, nhưng đồng thời cũng là ‘công cụ để bào chữa’ cho những kẻ lề mề làm hỏng đại sự. Mình có 3 người bạn thân, họ đều tốt nghiệp đại học và trên đại học, cách đây khoảng 30 năm, họ bắt đầu bằng con số 0, bây giờ họ đang… ở ‘vạch xuất phát’, không có tiền xài (sr), mình rất thông cảm, nhưng khuyên hoài cũng không được. Nói nôm na, ‘vô chiêu thắng hữu chiêu’ là ‘biết tìm ra cách làm việc có hiệu quả nhất mà tốn công sức ít nhất', ví dụ dùng phương pháp ‘đòn bẩy’ với một lực nhỏ mà có thể ‘bẩy’ được một vật rất nặng, ngược lại, nếu làm việc kiểu ‘du kích’ thì sẽ loay hoay suốt đời. Khái quát ra cho khắp đời người cũng vậy, nếu người nào đó, không loại trừ ta, tư duy theo kiểu ‘không gian một chiều’ thì có thể một ngày nào đó, y sẽ 'băn khoăn dưới bóng chiều tà, vì sao số phận mờ xa ngút ngàn' như cô gái ở trên, các bạn thấy bức hình đẹp không, hì..hì...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét