Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

501. Hồi ký: 'Tư tưởng Kim Dung'

CHÚC CÁC BLOGGER NĂM MỚI VUI, KHỎE VÀ AN BÌNH

Ngược dòng tìm sắc ti-gôn tím
Bỗng rộn lòng em một dáng hình
Thời gian trôi mãi, ôi hờ hững
Vắng lặng không gian, chỉ bóng mình
*
Em mắt xa xôi, đứng tần ngần
Giông bão trườn qua đỉnh phù vân
Tim em xao xuyến về bên ấy
Trong chốn mờ sương, em... thấy anh
(NGLB)
Bài này được viết theo trình tự ấn tượng từ xưa đến nay, có thật, gồm:
1. Chuyện hồi nhỏ
2. Ông ta không hiểu tư tưởng Kim Dung...
3. Cuối cùng ta cũng sẽ tiến về con số không
4. Người đã vượt qua 'ngưỡng' trí tuệ... 
5. Ta không là ai cả
6. Khao khát làm một con người bình thường
7. Đổi không-bất-tử để lấy đau khổ tuyệt vời
8. ‘Mắt anh mơ mộng, tím sa cuối trời’
9. Phi - Kim Dung
10. Ta sống ở đời này làm gì nếu không có tình yêu?

1. Chuyện hồi nhỏ
Hắn đã được đọc một số truyện của Kim Dung khi còn 5 tuổi, lý do là ba hắn mua sách bỏ ngay trong tủ trước mặt hắn. Đến nay, mỗi truyện này hắn đọc hàng chục đến hàng trăm lần, còn xem phim chưởng Kim Dung thì bao nhiêu lần không kể xiết. Nhưng khi viết bài này, hắn đã quên gần hết rồi, ông trời đã phạt hay thưởng hắn thì không rõ, đó là hắn bị mất trí nhớ, do đó hắn chỉ hiểu ý chứ không nhớ lời.
...Hồi trẻ, hắn nghe chú hắn nói rằng, trong thời gian sáng tác, Kim Dung ở một khách sạn ở Hồng Kông, có các phóng viên đăng ký ở các khách sạn quanh đó, hễ mà ông sáng tác được bài nào, dù là nửa trang, bài viết đó lập tức được dịch và đăng tải trên đài BBC, đài VOA và nhiều tờ báo trên thế giới. Chú hắn còn khẳng định ‘Kim Dung là nhân vật có một không hai trong lịch sử văn học Trung Quốc và nhân loại, đó là người duy nhất viết tiểu thuyết mà từ trẻ con, anh xe ôm, kẻ trí thức đến nhà bác học đều có thể đọc được và hiểu hay cảm nhận theo cách của mình’ (entry 248).

2. Ông ta không hiểu tư tưởng Kim Dung...
Đó là một thầy giáo. Ổng bị nặng tai, bên phải hay bên trái?, lâu rồi, hắn không nhớ rõ. Ổng học Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, rồi Thần học, rồi năm 1975, ổng nhập đời, rồi không rõ nữa, khi hắn gặp ổng, cách đây khoảng 12 năm, ổng đang là một gia sư, dạy từ lớp 1 đến lớp 12, dạy tất cả các môn, kể cả môn Anh văn, thậm chí ổng còn giúp sinh viên Văn khoa  - cuối năm thứ tư - làm luận văn tốt nghiệp đại học nữa.
Hắn gặp vợ chồng ông ấy vào gần một buổi trưa hôm nọ... Ổng giới thiệu cuốn 'Kim Dung giữa đời tôi' (của Vũ Đức Sao Biển) cho hắn xem. Hắn mới lật nhanh một số trang, đọc lướt qua vài nội dung của cuốn sách, thấy các tiêu đề như: Võ công trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, rồi, Rượu, Âm nhạc, Y học, Hoa, Tình yêu, Tình dục, Chất hài, Chất thơ trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung... Hắn bèn gấp cuốn sách lại, trả cho ổng, ý hắn muốn nói là:
-Ông ta không hiểu tư tưởng Kim Dung...
Rồi anh ấy lại quay sang hỏi:
-Theo ý anh, trong truyện 'Tây du ký', nhân vật nào là buồn cười nhất?
Hắn định đoán ý của anh ta, hay bối cảnh nào mà anh lại hỏi như vậy, nhưng suy nghĩ một chút, hắn thành thực trả lời: 'Đó là Tam Tạng'.
Hắn quan sát thấy mặt của anh bạn nở ra chút thỏa mãn, té ra là hai vợ chồng của ổng vừa có tí cãi nhau, bà vợ thì cho 'Tam Tạng là nhất', còn ông chồng thì cho 'Tam Tạng là dở nhất', ha.. ha.. ha...

Không ai khẳng định là Kim Dung biết võ, mà nếu ông biết võ thuật thì ở đẳng cấp nào, nghi ngờ lắm… Ngoài ra, không nên gán ‘đạo’ hay nghệ thuật gì cho truyện của Kim Dung như trà đạo, ‘tửu’ đạo, ‘nhạc’ đạo, ‘thi’ đạo, nghệ thuật trồng hoa, nghệ thuật đánh bài hay võ thuật…, rõ ràng rằng không có ai đọc Kim Dung để học võ hay nghệ thuật uống trà... Một cách đơn giản, ông chỉ nhìn thế giới tự nhiên này vận động và đứng ở một góc nào đó mà mô tả bằng chính cảm nhận của trái tim mình.
('Phi - Kim Dung và tình yêu', NGLB)

3. Cuối cùng ta cũng sẽ tiến về con số không
Rồi cách đây khoảng 5 năm, hắn đã gặp 'ông tiến sĩ kỳ lạ'. Mới gặp, ổng đã dùng các từ như 'cửu ngưỡng, cửu ngưỡng' (= ngưỡng mộ chín lần), 'hao tổn nguyên khí', 'tại hạ, các hạ' tùm lum, rồi đề cập đến các Giáo chủ ma giáo như Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Dương Phá Thiên, rồi Mao Trạch Đông gì gì đó...
Hắn tiếp cận với ổng và hỏi: Tại sao ông không thích đạo Thiên Chúa? Tại sao ông sợ vua Thủy Tể? Ông tốt nghiệp đại học, rồi lên thạc sĩ, rồi lên tiến sĩ, tiến sĩ để làm gì, để lên lương à, người ta có tôn trọng ông hơn không? Ông lấy vợ, sinh con, làm ăn, rồi... chết, cũng giống như mọi người, có gì hay đâu?
...Vào cuối buổi tâm sự, anh ta kết luận: 
-Chắc là em đã lầm, cuối cùng ta cũng sẽ tiến về con số không mà thôi.
Và hắn cũng kết luận: 'Một gã có trí tuệ nhiều, đa dạng và phức tạp, một số phận không-kiếp, một con người tỉnh táo dưới ánh mặt trời và không tỉnh táo trong bóng đêm, một sinh linh đã và đang xuất hiện, y sẽ là một tiến sĩ trong tương lai gần, y sẽ 'tiến về con số không', rồi y sẽ biến mất vào cái vũ trụ vô tình này, một nhân vật kỳ lạ đối với hắn sẽ hết tồn tại và trở về với cát bụi, thế thôi'.

Hỡi thế nhân, Phong Thanh Dương đã đi về đâu? Tạ Tốn đã đi về đâu? Hồng Thất Công - Âu Dương Phong đã đi về đâu? hay Dương Quá - Tiểu Long Nữ đã đi về đâu?... Có phải cuộc đời này giống như một thế cờ 'Trân Lung' mà bất cứ một kỳ thủ tuyệt đỉnh nào cũng không giải được? Có phải cuộc đời sẽ dẫn đến cái vô định tính, với câu hỏi cuối cùng: ta là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu?
('Phi - Kim Dung và tình yêu', NGLB)

4. Người đã vượt qua 'ngưỡng' trí tuệ... 
Bốn năm trước, có một người (là KTS) đến gặp hắn, ngồi mạn đàm ở một quán cà phê ở khu vực chợ Bà Chiểu, anh ta hỏi:
-Có cuốn 'Kim Dung giữa đời tôi', ảnh nhận xét thế nào?
Sực nhớ là hắn có cho anh ta mượn bộ 'Tiếu ngạo giang hồ', để giải thích ngắn gọn, hắn bèn nói: 
-Lệnh Hồ Xung được Định Tĩnh sư thái khen là 'cao thâm khôn lường' vì anh ta dùng 'vô chiêu thắng hữu chiêu', có nghĩa là tự nhiên muốn đánh chiêu nào cũng được, và trông anh ta có vẻ khờ khạo, ngu ngơ: người mà đã vượt qua 'ngưỡng' trí tuệ thì không phát tiết trí tuệ và ngược lại. Điều này tương tự như Trương Vô Kỵ học Thái cực kiếm mà chỉ nhớ 'kiếm ý' chứ không nhớ kiếm chiêu... Cuối cùng, Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh chọn cái gì? đi về đâu?: họ đã chọn tình khúc 'Tiếu ngạo giang hồ' và 'Tiêu tương dạ vũ', có thể tạm hiểu là 'tính tính tính tình tang tang tang, cuộc đời mình như chiếc thuyền nan, trôi nó trôi bồng bềnh', nói chung là họ chọn 'tình khúc âm dương' và nói 'không' với sự phù phiếm của thế tục... Và... ông nội của anh đã chết, cha của anh đã chết, rồi đến lượt anh cũng sẽ... chết, có phải anh ngẫu nhiên xuất hiện trong cuộc đời này không?, ai sinh ra anh?, anh có quyết định được cuộc đời của anh không?, những điều anh đã và đang làm, anh có muốn không?, anh muốn gì, có được không?, anh có bị rơi vào cô đơn/tuyệt vọng không?, tình yêu của anh như thế nào?, và khi xuống 'Cổ Mộ', anh sẽ còn lại cái gì?... 
Rồi hắn kết luận: 
-Có người bình Kim Dung đã đi theo hướng 'hữu chiêu', điều này không phải là 'tư tưởng Kim Dung', nên anh đọc cuốn sách đó mất thì giờ vô ích... 
Người bạn bèn nói:
-À, đến hôm nay tôi mới biết...

Thế giới này cuối cùng vốn là bất khả tư nghị, là nghi vấn, là bí mật vĩnh viễn và là cái mà làm cho con người đi từ sửng sốt này đến sửng sốt khác, dù cho đến mãi 10.000 năm sau hay mãi mãi nếu loài người còn tồn tại. Thế giới này sẽ mãi mãi đặt ra cho chúng ta câu hỏi ‘ta là ai’ mà không bao giờ có lời giải đáp hoàn hảo, bất chấp bạn có là thiên tài xuất chúng đến đâu chăng nữa.
(‘Phi - Kim Dung và tình yêu’, NGLB)
5. Ta không là ai cả
Cầu Cần Thơ ơi, nhờ ngươi mà ta biết thế nào là Đồng bằng sông Cửu Long, biết viết tắt là ĐBSCL, biết 'Miền Tây', biết cụm từ 'Châu thổ sông Cửu Long', 'Mekong Delta'...
Trước khi có cầu Cần Thơ, hắn đã qua lại phà Cần Thơ với số lần nhiều không kể xiết. Hôm đó, trong tay hắn có 20 trang, được in chữ Font 10, với tiêu đề 'Vô Kỵ giữa chúng ta' (của Đỗ Long Vân). Hắn tranh thủ đọc cho đến Sài Gòn. Xin giới thiệu một đoạn của ông: 'Trong sự xung đột giữa con người và thế giới, sự thắng trận sau cùng trong Kim Dung bao giờ cũng thuộc về thế giới. Thế giới sẽ thường xuyên vượt khỏi vòng tay ôm của con người. Con người Kim Dung đã biết tất cả những cám dỗ: của đạo lý nghiêm khắc, của ý chí thống trị, của tinh thần cứu rỗi. Tiếng gọi lớn nhất tuy nhiên sẽ là tiếng gọi của cuộc đời xuất thế nghĩa là của sự trở về… Ông đã lấy cái mênh mông của thế giới để thoái chí anh hùng, lấy một nhân loại đa sắc ra làm đảo lộn những ý nghĩa đạo lý, lấy cảm động làm ý thức suy vong, lấy ngây ngô chống lại tài mưu trí, nói tóm lại lấy tự nhiên chống lại cái nhân văn, và kết quả là sự thất bại của người anh hùng trước cuộc đời như thế' (Đỗ Long Vân)... Sau này, khi hắn kể lại cho ông KTS và 'ông tiến sĩ kỳ lạ' về tư tưởng của Đỗ Long Vân, cả 2 người đều tâm phục khẩu phục, riêng hắn, hắn đánh giá ông ta là người có trí tuệ nhất VN trước 1975, thậm chí còn hơn nhiều. 
Về đến nhà, suy nghĩ một hồi, hắn 'xé' 20 trang đó đi và vứt vào ... thùng rác, khó mà giải thích cho người nghe về tâm trạng của hắn lúc đó, tóm lại là hắn không muốn tư tưởng của hắn bị ảnh hưởng bởi người đi trước, hiểu ý của Đỗ Long Vân như thế là đủ rồi, hắn cần phải đi con đường riêng của hắn.
Nhớ lại, trên đường đi, thường là trời mưa, có lúc cặp mắt hướng vào những đám mây đen xa vời vợi ở tận cuối chân trời: 'Hắn chợt nghĩ, một đám mây đen nhỏ bé kia là từ đâu mà có, có phải nó có là từ vô số kiếp xa xôi, có phải nó có là do sự tác động tương hỗ của vô số yếu tố trong quá khứ và hiện tại, nó chỉ xuất hiện trong thời gian là 0 đối với vũ trụ, trong tương lai rất rất gần, nó không còn là nó, nó thuộc về tất cả, vì vũ trụ với nó là một... Hắn chợt biết ta xuất hiện từ vô lượng kiếp và tồn tại vô cùng ngắn ngủi. Ta là một cá thể không biết đâu là nguồn gốc xuất xứ và không biết đâu là bến bờ. Hắn chạnh lòng nghĩ, ta là ai? Và hắn chợt bàng hoàng biết rằng ta không là ai cả… (entry 373).
Con người đến từ sự ngẫu nhiên, bị sinh ra và phát triển trong một thế giới xa lạ mà không phải do mình tự chọn, và do đó, dường như bản chất con người là cô đơn...Thế giới con người - thuộc về thế giới tự nhiên - là vô bờ bến và trùng trùng duyên khởi, và do đó nó là kết quả của sự tác động tương hỗ của rất rất nhiều yếu tố có liên quan từ quá khứ vô cùng đến hiện tại. Nó là sự kết nối của các 'dấu chấm' như Steve Jobs đã nói. 
('Phi - Kim Dung' và tình yêu', NGLB)

6. Khao khát làm một con người bình thường
Vâng, hắn đã thề là không nói chuyện về chính trị và tôn giáo, ngoài ra, hắn cũng luôn xóa bớt những đoạn/câu mà quá đề cập đến một cá nhân cụ thể nào đó, nhưng đã là 'chuyện ở quán cà phê' mà, nên dù hắn có chuyên nói về đề tài tình yêu đi chăng nữa, thì nó cũng có ít nhiều liên quan đến những vấn đề trên, và việc này là ngoài ý muốn của hắn.
Cách đây khoảng ba năm, hắn ngồi uống cà phê bên cạnh một gốc cây bàng - nơi mà 'ông tiến sĩ kỳ lạ' đã phong cho hắn là 'nghệ sĩ triết học', hihi... Tại đây, hắn chợt suy nghĩ về vụ 'Trường Sa-Hoàng Sa', rồi về SG, hắn đi dự đám cưới và ngang qua đường Trường Sa và Hoàng Sa (quanh khu vực cầu Thị Nghè), rồi ông chú hắn hỏi 'cháu có quan tâm đến vụ đó không?'... Ngày qua ngày, hắn cảm thấy càng ấm ức, nhất là khi nghe tin ngư dân ta bị 'ăn hiếp'. Hắn tự nghĩ: 'trên đời này vẫn còn chuyện 'cá lớn nuốt cá bé' sao?, vẫn còn 'mạnh hiếp yếu' sao?, vậy thì nhân loại càng tiến lên thì càng... lạc hậu sao?, vậy thì tư tưởng của ông Bao Thanh Thiên đã bị mục nát rồi sao?, còn Hoàng Phi Hồng, Lý Tiểu Long?...'.
Và vậy thì hình tượng Tiêu Phong đã bị chôn vùi vào Cổ Mộ rồi sao?, hắn mới viết
'Y khao khát làm một con người bình thường.Y nghĩ mình học nghệ tinh thông ‘Đả cẩu bổng pháp’ và ‘Giáng Long thập bát chưởng’ là để cứu người chứ không phải để làm ngược lại. Nếu được như vậy, Tiêu Phong sẽ rất tự hào khi được Hư Trúc, Đoàn Dự và giới giang hồ võ lâm đồng đạo gọi y là người Trung Quốc một cách xứng đáng với các hình tượng nói trên (entry 40)Nếu không được như vậy, đồng bào của Hư Trúc sẽ nghĩ gì về y? Nếu không được như vậy, Tiêu Phong không còn là một hình tượng đáng tự hào của phái B (Tàu). Và nếu không được như vậy, y sẽ thấy buồn, cắn rứt, và do đó, y thiết nghĩ là phái B không nên đề cao tác phẩm 'Thiên long bát bộ' và những hình tượng trên đây đối với thế giới nữa'.
Nghĩ về mối tình giữa Tiêu Phong và A Châu, hắn viết tiếp (entry 228)
'...Tiêu Phong nản lòng thật sự, y thở dài bảo:
- A Châu ơi, hai đứa mình ‘đi lạc’ rồi, thôi, về lại Trung Quốc muội nhé, đừng đi thăm Trường Sa và Hoàng Sa nữa muội à, Mộ Dung Phục thâm lắm, huynh không thích hành vi của y, huynh mất hứng rồi.
...Tiêu Phong vốn là người quang minh chính đại, nghĩa khí ngút trời xanh, yêu hòa bình, ghét bành trướng xâm lược, luôn hành hiệp trượng nghĩa, bênh vực kẻ yếu…, được giới anh hùng võ lâm thiên hạ ở Trung Quốc xem như là thần tượng, không ngờ y lại phát hiện ra Mộ Dung Phục chơi một chiêu thức ‘tà mị’ rất khó chịu, điều này hoàn toàn không hợp với bản chất của y - một vị anh hùng được mệnh danh là ‘Bắc Kiều Phong’... 

Thế giới mà ta đang sống là một thế giới đa cực và đầy mâu thuẫn, thiên hạ chia năm xẻ bảy, có vô số thế lực giành giật hay tranh chấp quyền lợi lẫn nhau mà mọi giá trị của con người có thể bị đảo lộn và thậm chí bị thủ tiêu… Qua mỗi thời kỳ đó, con người vô tình trở thành nạn nhân, bị lợi dụng và do đó bị dày xéo trong các cuộc tranh chấp tương tàn đó, và do đó chuyện ‘thân phận con người’ vẫn là quy luật của muôn đời…Con người sao mà dám tham vọng vượt quyền tạo hóa, sao mà dám tham vọng làm ‘Tề Thiên Đại Thánh’, sự trả giá cho tham vọng đó làm con người bị tẩu hỏa nhập ma, cô đơn, tự mình bỏ tù mình mà không có ngày mãn hạn, hay tự lấy núi ‘Ngũ Hành’ mà đè lên xác thịt và tâm hồn của mình. 
(‘Phi - Kim Dung và tình yêu’, NGLB)
7. Đổi không-bất-tử để lấy đau khổ tuyệt vời
Đã hết rồi mùa xuân
Hè đã vươn ngoài ngõ
Nắng đã vào trong sân
Sao em còn thấy lạnh?
*
Hãy để cho nuối tiếc 
Theo ngày tháng qua mau
Tình là khúc ly biệt
Sao em mãi âu sầu?
(NGLB)
Ôi, cách đây gần hai năm, có blogger ‘Hoàng hôn rạng rỡ’ nhắc đến nàng A Tử, mà làm hắn tốn hết một entry, híc…
Nếu nói về một hình tượng phụ nữ đau khổ nhất vì tình yêu, trong truyện Kim Dung, thì chắc là A Tử hay Lý Mạc Sầu, nhưng người mà được đa số bạn đọc cảm thông nhất lại là A Tử: ‘Vâng, tôi thích A Tử, thương A Tử hơn cả A Châu. Bởi, A Châu hạnh phúc hơn A Tử hàng vạn lần! Ta thương nàng lắm, yêu nàng lắm, yêu mối tình si của nàng lắm, A Tử ạ! Ngủ ngon A Tử, ngủ ngon trong giấc mộng cùng Tiêu lang' (blogger Bách Diệp).
Hôm đó, cha con hắn xem phim ‘Thiên long bát bộ’ (nhân vật A Tử do Trần Hảo đóng, mà được bình chọn là người phụ nữ đẹp nhất Trung Quốc năm 2007), đều đồng ý rằng A Tử rất đẹp, vô cùng đẹp: ‘Tóc xanh viền má hây hây đỏ. Miệng nàng bé thắm như san hô. Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ. Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ (Nguyễn Nhược Pháp). Và nàng có khả năng khiến cho những gã đàn ông si tình muốn tự nguyện tô đậm bức tranh ‘Rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh. Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm’ (Lý Bạch), nhưng họ sẽ không dám, vì ‘do số phận, A Tử ngẫu nhiên trở thành kẻ độc ác một cách tự nhiên, vô tư và hoang dại’, chỉ trừ việc cống hiến trọn vẹn quả tim của nàng cho Tiêu Phong - vì vĩnh viễn ôm trong tim bóng hình của A Châu, mà đã không đáp lại tình yêu của A Tử.
Người ta thường nói ‘bất tử’ là được lên thiên đường (hay niết bàn), nhưng tuyệt đại đa số các đôi lứa thì không làm như vậy, giữa thượng đế và người tình, họ chọn ai?
-Chọn người tình, vì họ sẵn sàng đổi sự không-bất-tử để lấy sự đau khổ tuyệt vời.
Mọi người đều được yêu, dù đó có thể là vị đắng trần gian, như Trình Trình, Trương Quỳnh Như, Lan (Hứa Văn Cường và Trình Trình, Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, Lan và Điệp)…, chỉ trừ một người - của Kim Dung - yêu mà không được yêu, đó là A Tử. Nàng đã vì một tình yêu đơn phương mà mãi hoài đớn đau, câm lặng, chịu chết, và không thốt lên được một chữ nào, cuối cùng, đứng trước ngưỡng sinh tử của thượng đế, nàng đã chọn Tiêu Phong và ôm xác chàng nhảy xuống vực thẳm: nàng đã được bất tử trong tình yêu.
Vì nàng, hắn đã viết (entry 240):
Tình yêu của A Tử là một cái thực trong cái ảo, rất ‘người’ và đáng trân trọng. Nếu không có tình yêu thì không có con người, và do đó không có... tất cả mọi chuyện.
Hãy đặt một giả thiết là nếu bỗng nhiên đàn ông không còn thích đàn bà nữa (hay ngược lại) thì sao? Thì trước tiên, ta sẽ ngủ ngon vì không nghe tiếng mèo đực-cái ‘oa oa oa’ ghê sợ vào đêm…, rồi ta đem mấy cuốn truyện/thơ/nhạc/họa của Kim Dung, Shakespeare, Lev Tolstoi, Tagore, Khalil Gibran, Goethe, Mayakovsky, Lý Bạch, Leonardo da Vince, Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Thanh Tùng ra ‘đốt hết’…, rồi ta sẽ không nghe tiếng khóc của trẻ con nữa…, rồi ra đường ta chỉ thấy toàn là hoa dã quỳ (=quỷ già)…, rồi thế giới động vật và nhân loại sẽ không còn nữa, và… ta sẽ không có chuyện về nàng ‘A Tử đáng thương' ở đây…

Tại sao con người sinh ra thường phải chịu số phận bị ruồng bỏ, sĩ nhục, chà đạp, chèn ép, hiểu lầm, buộc tội, oan sai, mồ côi, mặc cảm, tha hóa, cô đơn, tuyệt vọng, hãi hùng, đau khổ, bệnh tật nan y, tăm tối hay lưu vong, đâu là bến bờ tự do của con người, khi nào ta có được tâm hồn như trẻ thơ vui đùa bên những dòng suối nhỏ, phải chăng tất cả các khát vọng đều là ảo ảnh?
(‘Phi - Kim Dung và tình yêu’, NGLB)
8. ‘Mắt anh mơ mộng, tím sa cuối trời’
Cách đây không lâu, nhờ một cuộc nhậu mà về nhà, hắn… nhớ lại như sau (entry 475):
1.Hắn hỏi một người:
-Thầy nghĩ gì về ‘chuyện tình của Dương Quá và Tiểu Long Nữ’ với câu ‘Thần điêu hiệp lữ, tuyệt tích giang hồ'?
Không ngờ ổng do vô tình hay cố ý, chắc là cố ý, giải thích sâu vào chữ ‘tuyệt tích giang hồ’. Ổng nói Tiểu Long Nữ và Dương Quá sau này có cử cháu là Hoàng Y Nữ (Hoàng Sam nữ tử) đến cứu Cái Bang, họ đâu có tuyệt tích giang hồ: ‘chết rồi nhưng vẫn sống lại’!
Hắn hiểu, ‘chết rồi nhưng vẫn sống lại’, híc.. híc… Bỗng nhiên thầy bảo là nói gì thì nói, vô thường cũng được, vô vi cũng được, hư vô cũng được, Phật cũng được, Lão cũng được, vũ trụ cũng được…,
-Nhưng cuối cùng là có thưởng phạt, ok?
…Cuối cùng, theo ổng, nói cái gì cũng được (= ‘nói tào lao’), còn nói ‘có thưởng phạt’ mới là chân lý, bởi vậy mà ‘chân lý phải chết’.
2.Hắn hỏi một người khác:
-Chú nghĩ gì về ‘chuyện tình của Dương Quá và Tiểu Long Nữ'?
Không ngờ do vô tình hay cố ý, chắc là cố ý, ổng giải thích sâu vào chữ Cổ Mộ. Ổng nói là Kim Dung dùng từ rất đúng, rất sâu sắc, Cổ là xưa, Cổ Mộ là cái mộ xưa (ai mà không biết, híc.. híc…). Rồi ông ta giải thích có vẻ thần bí rằng: con người bao giờ cũng có quán tính quay lại chỗ ‘khởi nguyên’ của mình (ý nói là lúc ‘ngài’ sáng tạo ra con người!). Ông hỏi:
-Tại sao không vào hang động? Hay một chỗ khác? Mà chỉ vào Cổ Mộ?
…Và cách ổng cố tình diễn đạt sai ý của Kim Dung (theo đạo Phật) và cách dùng sức mạnh ý chí để dẫn người nghe đến lập luận thần bí của ổng làm cho ‘chân lý phải chết’.
…Dương Quá và Tiểu Long Nữ chết rồi mà vẫn sống lại ư! Ôi, người ta tin vào ‘thượng đế trần gian’ là quyền của người ta, hà cớ sao mà bắt ông Kim Dung phải theo thượng đế của họ… Ôi, ông Nietzsche nói gì là quyền của ổng, hà cớ sao người ta bắt chúng ta phải ‘quy về vĩnh cửu’ (tạm hiểu, trở về trạng thái trẻ thơ/'tổ tông' của mình)… Ôi, xin kính thưa các ngài ‘ta là hiểu biết’ hay ‘thiên hạ đệ nhất chém gió’, tại hạ chỉ biết rằng:
Anh đi về phía dòng sông
Nước cong in dáng ngại ngùng bước đi
Anh đi về phía mây bay
Nắng vàng cuối gió lung lay lá buồn
Anh đi về phía hoàng hôn
Chiều tà rụng tím ngập hồn núi xa
Anh đi về phía chiêm bao
Mắt anh mơ mộng, tím sa cuối trời
(NGLB)

Có phải ánh trăng lững lờ, mặt hồ man mác, lá rụng mùa thu, mái chèo nhặt khoan, tiếng đàn êm dịu, tiếng sóng vỗ đại ngàn, rừng hoang gió thổi xạc xào lá, những ngọn núi khói sương bàng bạc, những khoảnh khắc tỉnh mộng trong đêm, dõi nhìn những hàng cây trùng trùng điệp điệp, lắng hồn trong khúc ‘phụng cầu kỳ hoàng’, ngồi bên thềm lặng nghe giọt nắng, thảng thốt dưới ánh chiều tà, hay ngồi ở quán bên sông và chìm vào đáy mắt hồ thu của mỹ nhân…, mới đưa tâm hồn ta trở lại sự tĩnh lặng và do đó ta đạt được ngộ tính của tình yêu?
(‘Phi - Kim Dung và tình yêu’, NGLB)


9. Phi - Kim Dung
Và gần đây, hắn lần lượt gặp được khá đầy đủ các fan của Kim Dung mà đã kể ở trên như: 'ông tiến sĩ kỳ lạ', ông KTS, cậu sinh viên 'kinh dị', cô bé 'triết gia', ông 'tổng giám đốc'... Không quan tâm cụ thể họ là ai, hắn xin ghi nhận thêm một số điều sau đây:
-Có người biết nhiều về Kim Dung, thì lại ít khi nói ra. Hôm trước, hắn nói 'Kim Dung không những là nhân vật văn học của thế kỷ 20, mà còn là của mọi thế kỷ', anh ta đã lắng nghe một cách chăm chú. 
-Có người được tưởng là 'trùm' về Kim Dung, vì anh ấy luôn nói 'tôi biết, tôi biết, tôi biết', nhưng khi hỏi lại thì ảnh lại chả biết gì hết, hỏi kỹ nữa ảnh nói 'hồi xưa, tôi có đọc sơ sơ' (!); có người chả biết gì về Kim Dung, mà phê ngay một câu 'chả thấy lo làm ăn gì mà suốt ngày đánh đấm nhau'; có một blogger tố giác với hắn là có một ông tiến sĩ nói rằng 'truyện của Kim Dung là mì ăn liền', ha.. ha...
-Có ai đó thấy môn võ Thái cực quyền của Trương Tam Phong với chiêu đầu là 'Lam tước vĩ', thì vội hạ bút viết ngay một chương 'Võ thuật trong Kim Dung', híc.. híc..., thế mà bài viết của người ấy được lan truyền đầy trên mạng, thậm chí là Wikipedia cũng không tiếc lời 'advertising' (= quảng cáo), hu.. hu...
Nên nhớ rằng, truyện tức là đời, mà đời tức là truyện, vì tựu trung, chúng là sự phản ánh thế giới thông qua cảm giác của con người. Nếu ngày xưa, có ma giáo, danh môn chính phái, các bang hội 'trung lập'/tự phát, triều đình, các thế lực ẩn danh..., thì ngày nay, nói một cách đau đớn, có cường quốc kinh tế, cường quốc quân sự, cường quốc bành trướng, cường quốc HIV, cường quốc bóng đá, cường quốc tham nhũng... gì gì đó, hihi... 
Đọc entry/đọc sách là đọc cái gì? Chớ xem phần mở đầu hay vài phần đầu mà vội có nhận xét, chắc là ta phải đặc biệt quan tâm đến phần kết luận: không quan trọng về các nội dung ở trong sách, mà quan trọng là cái gì nằm ở đàng sau cuốn sách. Và chớ dùng Kim Dung để giải thích thế giới, mà hãy dùng thế giới để giải thích con người, trong đó có Kim Dung... 

Sao hắn lại nói là phi - Kim Dung? Tại sao ta phải xem ông ấy như là một cái gì ghê gớm lắm, trong khi ông ấy đã nói ‘Tạ Tốn cũng là cục phân, cục phân cũng là Tạ Tốn’. Kim Dung cũng có suy nghĩ, tình cảm và tình yêu bình thường như chúng ta, nếu được gặp ông ấy và nói ông là ‘thiên tài’ thì chắc ông ngơ ngác không hiểu; Einstein cũng vậy thôi… Hãy đừng đánh thức ông ấy dậy, hãy để ông ấy ở chốn yên bình của sự tĩnh mịch vô biên.
(‘Phi - Kim Dung và tình yêu’, NGLB)

10. Ta sống ở đời này làm gì nếu không có tình yêu?
Anh gửi vào em chút lả lơi
Đôi mắt hồ thu đẹp tuyệt vời
Là người hay tiên trên trời vậy
Em xuống trần gian khuấy động đời…
(NGLB)
Trong truyện Kim Dung, tất cả các biến động của võ lâm đều được xoay quanh các trục ‘tình yêu’. Thật vậy, xin hỏi vài ví dụ: khi Tiêu Phong chết thì ai đã ôm xác chàng lao xuống vực thẳm?, khi Vương Ngữ Yên nhảy xuống giếng tự tử thì ai nhảy xuống giếng chết theo nàng?, khi Hoàng Dung bị trúng độc chưởng của Cừu Thiên Nhẫn thì ai không màng sống chết để cứu nàng?, khi Tiểu Long Nữ nhảy xuống Tuyệt Tình Cốc thì, 16 năm sau, ai tự nguyện nhảy xuống vực để cùng chết với nàng?, khi Trương Vô Kỵ bị độc thủ của 3 sứ giả Ba Tư thì ai cầm Ỷ Thiên kiếm liều chết lao vào cứu chàng?, khi Lệnh Hồ Xung bị các luồng nội lực dị biệt xung kích đến hấp hối thì ai tự nguyện ở tù tại chùa Thiếu Lâm để cứu chàng?, còn Vi Tiểu Bảo từ biệt Khang Hi, rồi hưởng ‘tình khúc âm dương’ trên một hoang đảo với với 7 đại mỹ nhân nào?...
Trong Kim Dung, ta biết các câu/từ ‘Hỡi thế gian tình là gì? Mà đôi lứa thề nguyền sống chết’, ‘Thần điêu hiệp lữ, tuyệt tích giang hồ’, ‘Từ nay trở đi, Vô Kỵ này, ngày ngày sẽ vẽ lông mày cho ái thê’?, ngoài ra, ta còn biết các câu/từ ‘Vũ trụ nằm trong đáy mắt của người đàn bà’, ‘Được chết dưới đóa phù dung là hạnh phúc của đàn ông’, ‘Người nằm xuống, nghe tiếng ru, cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ’… Điều đó có nghĩa là, dù cho bạn có là Trụ Vương, Hạng Vũ, Đường Minh Hoàng, Nguyễn Huệ, Napoleon, Hitler, Kenedy…, thì bạn cũng (muốn) sống vì một ‘bóng hồng’, phải chăng vì vậy mà thương đế mới sinh ra âm dương, phải chăng nơi nào có tình yêu thì nơi đó có thượng đế, và phải chăng là ngài đã cử một ‘tình yêu’ đến cho ta, dù có, dù không, dù hạnh phúc, dù đau khổ, dù thực, dù ảo?
Và cuối cùng, tại sao ‘ngày ấy tôi qua đỉnh vu sơn, chiều ngát tà dương, ngạt nắng vờn, thấy em áo trắng tươi cười gió, bỗng rộn hồn tôi, nắng giận hờn’, tạo sao ‘chiều tà rơi xuống êm đềm, bóng ai rơi đọng bên thềm xót xa, tiếng ai rơi vọng diết da, hương ai rơi ngự trong ta suốt đời?, tại sao ‘tối nằm mê mẫn hồn mơ tiên, thượng đế trao anh một dáng huyền, dáng em mềm mại bình minh nhú, vũ trụ theo anh, vũ trụ hiền’, tại sao ‘vắng em thu tàn lối bơ vơ, rừng thu xao xác bóng ai chờ, cây thu hoang lạnh dài vươn cổ, lá thu hờ hững rơi trong mơ’? Ta sẽ chết trong cô đơn, hay ta sẽ sống trong tình khúc âm dương mà quên đi sinh tử?

…Hắn không biết, nhưng hắn có viết:
Ta sống ở đời này làm gì nếu không có tình yêu… Chính tình yêu làm cho con người vượt qua giới hạn của chính - tà, vượt qua nỗi cô đơn, nhẹ đi đau khổ và đặc biệt tình yêu là liều thuốc thần diệu giúp con người vượt qua nỗi ám ảnh về hai chữ hư vô.

Mỗi bước chân em, sen rơi từng đóa
Ta đỡ gót chân, xáo động lòng tà
Hương em rơi xuống, hồn ta rên rỉ
Chẳng biết gì, vội chết cõi thiên thai...


HẾT.
------------------
Nguồn tham khảo chính:

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

500. Triết học và học triết!

Ai yêu mãi tôn thờ 
Ai hồn mãi trong mơ
Anh là ai, là ai
Mãi mãi kẻ dại khờ!
(NGLB)

LB xin bắt đầu kể chuyện cho các bạn nghe nhé…
À, khi LB viết bài này, các bạn có thể hỏi LB là ‘nhà… gì’ mà lại đề cập đến 'triết', xin trả lời: là Nhà gom lá bàng, hihi…

1. Mở đầu
Năm thứ nhất, lớp của LB có học triết của một ông thầy mà học từ bên Nga về (Liên Xô cũ). Vì trước đó, do 'số phận' mà LB đã được học về triết, nên không… dự giờ của ông ta. Một hôm, sau khi uống cà phê ‘cóc’, LB bị mấy đứa bạn lôi vào giảng đường, thì thình lình nghe ông thầy nói: ‘Đức Phật sinh ra từ cái hông, nên triết lý Phật giáo là… nói tào lao’, ha.. ha.. ha…, nên việc LB không dự giờ của ông là… đúng.
Chỉ với 1 ví dụ nhỏ, LB nêu ra vụ ‘triết học và học triết’, ông thầy có học triết nhưng không có triết học, vì:
  1. Ông không có năng khiếu về triết.
  2. Ông được chế độ ‘cho’ đi học, về làm thầy, cuối tháng lãnh lương, thế thôi.
  3. Ông học mà không hiểu.
  4. Ông đứng chỗ này rồi phê phán chỗ kia, mà không có đầu óc 'tổng quát' (mà LB hay gọi đó là ‘không gian n chiều’).
  5. Ông có sẵn 'định kiến' rằng duy vật là chân lý, nên ông không cần biết, hễ bất cứ cái gì liên quan đến duy tâm thì ông cho là sai! (LB hay gọi đó là ‘không gian 1 chiều’).
  6. Ông cho mình là có học triết (7 năm) nên hiểu biết, còn bọn sinh viên/lão bá tánh là chả biết gì!
  7. Ông, không bao giờ, cho rằng ‘định kiến’ của mình là có gì sai và cần phải cải thiện.
  8. Ông yên tâm với ‘sự hiểu biết’ của mình suốt đời, híc.. híc…
2. Triết học khác với phê phán triết học
Trên đời này có 3 việc:
-việc của bản thân
-việc của người khác
-việc của ông trời
Chúng ta thường buồn phiền là do:
-quên mất việc của bản thân
-thích xen vào việc của người khác
-lo lắng về việc của ông trời
Muốn vui vẻ rất đơn giản, chỉ cần:
-làm tốt việc của bản thân
-đừng xen vào việc của người khác
-đừng nghĩ về việc của ông trời.
(Khuyết danh)
Trước tiên, cần phân biệt giữa triết gia và nhà nghiên cứu/phê phán triết, sử gia và nhà nghiên cứu sử, nhà toán học khác với các thầy dạy toán, nhạc sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà văn/thơ và nhà phê bình văn học..., mặc dù có người kiêm luôn cả '2 chức', nhưng về mặt lý thuyết thì chúng khác nhau. 
Ví dụ, sử gia/nhà sử học Tư Mã Thiên khác với nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Lan hay Dương Trung Quốc, nhà văn Lev Tolstoi khác với nhà phê bình văn học Hoài Thanh-Hoài Chân hay Đặng Thái Mai, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khác với nhà phê bình âm nhạc Trần Đăng Khoa hay Frank Gerke, nhà toán học Ngô Bảo Châu khác với giáo sư Đặng Đình Án hay Nguyễn Hữu Anh, nhà bác học/vật lý học Einstein khác với thầy Nguyễn Hoàng Phương hay Dương Văn Phi, và triết gia thì hiển nhiên là khác với các nhà nghiên cứu hay thầy dạy triết...
Hãy xét đến vấn đề Phạm Công Thiện, dường như ông phê phán, đúng hơn là 'đả kích', triết/ý tưởng của người khác hơn là có triết lý riêng (chẳng hạn, ông đả kích Nguyên Sa, luận văn tiến sĩ của Nguyễn Văn Trung..., xem trên mạng). Thật vậy, LB đi suốt đời, chỉ thấy người ta trích của Trang Tử/Khổng Tử, Socrates, Voltaire... chứ chả thấy ai trích câu 'triết lý' nào của ông vào 'từ điển danh ngôn' (blog) của mình. Hãy xem: 
‘Ngay đến Heraclite, Parmenide và Empedocle, bây giờ tao còn xem thường, tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện đại, chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta’.
‘Nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ’ (anh nói về Goethe, Dante, Sartre, Beauvoir).
‘Tao đã gửi thiền tông vào một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới. Về dạy học và các văn sĩ cùng thời: thời gian tao học ở Hoa Kỳ, tao đã bỏ học vì tao thấy những trường đại học mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ hơn là họ dạy tao... Bây giờ nếu có Phật Thich Ca hay Chúa Giê Su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa. Tao là học trò của tao và chỉ có tao làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không để ai làm thầy tao. Còn các văn sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lặp đi lặp lại vô ý thức hay có ý thức: trí thức ‘mười lăm xu’, ái quốc nhân đạo ‘ba mươi lăm xu’, triết lý tôn giáo ‘bốn mươi lăm xu’.
Cái này là triết học hay phê phán/đả kích triết học? Các bạn tự trả lời nghen. Riêng LB thì cho rằng Phạm Công Thiện không phải là nhà sáng tạo ra (một phần của) triết học, mà là nhà phê phán triết học
Tóm lại, các bạn hãy kiểm tra một số 'Từ điển danh nhân thế giới' hay 'Từ điển triết học' (nước ngoài) thử xem, 'quốc tế' nói là triết gia Nietzsche, Jean Paul Sartre, Krishnamurti, Spinoza, Hegel... chứ không có nói là triết gia Trần Nhân Tông, Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Bùi Giáng hay Phạm Công Thiện, phải hôn?

3. Triết/triết học là cái gì nhỉ?
“Sự thật chỉ và chỉ có một, sự không thật thì vô cùng”
(Trích blog ‘cuoc song’)
Ta sẽ không định nghĩa 'triết học' như trong từ điển Oxford, vì nếu như vậy thì các nhà viết từ điển sẽ thất nghiệp và chúng ta có khả năng sẽ bị... kiện ra tòa án quốc tế, hihi...
Thôi, không nhất thiết phải giở từ điển Hán Việt, từ điển Anh-Anh, hay từ điển bách khoa gì gì đó..., ta hãy nhờ 'trường đại học bôn ba' định nghĩa giùm vậy.
Hồi xưa, đứng trước các sinh viên, LB có hỏi 'triết là gì?', 'kinh tế là gì?': không gian vắng lặng như tờ!
Tối hôm qua, có một anh KTS ghé nhà LB, anh ta nói rằng: 
-'Hễ cái gì mà ta suy nghiệm về thế giới tự nhiên, bằng một trái tim rung cảm thật sự, rồi khái quát hóa lên đến mức cao nhất, thì gọi là triết'. 
Triết bao gồm triết lý và triết học. 
Triết lý khác với triết học, lý sự khác với lý luận, nói nôm na, triết lý là một/các 'đoạn' suy nghiệm (tệ hơn, có người còn dùng các từ là 'lý sự', 'triết lý vụn' hay 'triết lý chổi cùn' mà hàng ngày ta thường thấy trong các cuộc 'nói xấu nhau' trên thế giới mạng). Còn triết học là một hệ ý niệm (= hệ kín và liên tục của các suy nghiệm). 
Nguyễn Bỉnh Khiêm có triết lý, Trịnh Công Sơn có triết lý, Bùi Giáng có triết lý, nhưng không hẳn đó là triết học. 
Và với 'định nghĩa' như thế thì trong toán, lý, hóa, sinh, văn, thơ, nhạc... đều có triết, chẳng hạn, các nhà văn/nhà khoa học như Shakepeare, Kim Dung, Dostoievski, Aitmatov, Newton, Descartes, Einstein... có thể gọi là các triết gia vì trong sách của họ có cả một hệ thống triết (tương đối) hoàn chỉnh. 
Và nói như thế có nghĩa là VN không có... triết gia, thiệt, hihi...
Tóm lại, ta hãy yêu thế giới tự nhiên bằng cả trái tim mình, tự nó sẽ cung cấp cho ta triết, mà ta không nhất thiết phải chúi đầu vào sách hay phải viện dẫn đến sách vở, mà 'có thể' điều đó sẽ vô tình dẫn đến một thái độ phản triết.

4. Triết học/triết gia có tội không?
"Kẻ nào mà tham nhũng 1 xu thì kẻ đó không đáng 1 xu"
(Bao Thanh Thiên)
Người ta có thể gọi một quốc gia/vùng dưới nhiều dạng như: xứ sở triệu voi, đất nước chùa Tháp, đảo quốc sư tử, đảo quốc sương mù, xứ sở đêm trắng, đế quốc bá chủ thế giới, đất nước mặt trời không bao giờ lặn..., có thể gọi một chế độ dưới nhiều dạng như: chế độ phong kiến thối nát, chế độ độc tài-gia đình trị, chế độ tham nhũng (= chế độ ung-thư-giai-đoạn-3)... Điều đó đúng, nhưng chỉ có tính chất tương đối, ví dụ như: đế quốc bá chủ thế giới - bây giờ đã rút về vùng đại mạc rồi (Mông Cổ), đất nước mặt trời không bao giờ lặn - bây giờ đã có mặt trời lặn rồi (nước Anh)...
Người ta nói chế độ phong kiến là lạc hậu, đúng, nhưng cũng có chế độ sau phong kiến lại lạc hậu hơn. Vì ít nhất, chế độ phong kiến đã cống hiến cho nhân loại triết lý về 'lão bá tánh', mà, nếu không nhầm, đã có xuất phát điểm tương đối hoàn chỉnh từ thời Bao Chửng (999-1062), rồi hoàn chỉnh vào thời Khang Hi (1654-1722), bằng chứng là người dân đã dùng từ 'Thanh Thiên' để phong cho Bao Chửng, và truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ khác câu chuyện 'Khang Hi vi hành' cảm động lòng người, đặc biệt là Kim Dung đã làm rõ triết lý này trong truyện 'Bích huyết kiếm'. Lý thuyết này đã khẳng định: 'Chế độ nào mà phản bội lão bá tánh thì chế độ đó hết thời'. (Các bạn xem thêm entry 343 nhé).
http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/04/343-lao-ba-tanh-va-su-cao-chung-cua.html
Sấm Vương phản bội lão bá tánh
Giả sử các 'chiết gia' trong blogspot này như Lộc Vừng, Giáo Làng, Võ Đan Thùy, Trần Minh Châu... mà trở thành triết gia thiệt (hihi...), thì họ có xa rời chủ nghĩa nhân đạo không? Chắc chắc là không.
Nói như vậy có nghĩa là không có triết học/triết lý nào là có tội, không có triết gia nào là có tội, mà chỉ có triết lý/triết học nào đó bị lợi dụng, bị không hiểu, ví dụ như Hitler đã lợi dụng triết lý 'lỡ lời' của Nietzsche về việc khinh thường 'lão bá tánh' mà y đã muốn tận diệt nhân loại, trừ dân tộc thượng đẳng Đức. 
Và, các bạn hãy kiểm tra xem, triết gia thì được cái gì? Tuyệt đại đa số các triết gia là những kẻ tội nghiệp khi mà họ hầu như không được hưởng vinh hoa phú quý, vợ đẹp, con khôn, mà thậm chí còn bị rất nhiều người đời 'ném đá' nữa.
5. Nói gì đây
Viết bài này, đáng lẽ LB định phân tích về sự phê phán của anh A đối với một nền triết học cụ thể nào đó, nhưng tối nằm suy nghĩ lại, LB thấy rằng:
-Nếu LB nói anh A là không... đúng, thì anh ta sẽ... 'chửi' hay ném đá LB. Và quan trọng hơn là anh ta lúc nào cũng nghĩ rằng anh ta là đúng, và cái việc 'tưởng ta là đúng' đó đã hình thành một thế giới hư ảo mà con người suốt đời luôn theo đuổi!
-Ngược lại, về phía LB, nếu anh A chửi LB thì LB sẽ im lặng không nói gì. LB nói có luôn đúng không?, chưa chắc, và vì chưa chắc nên LB mới căn cứ vào 'thế giới tự nhiên' để cho chân lý tự nhiên xuất hiện, nhưng như vậy thì chắc gì thiên hạ đã chấp nhận, mà hậu quả trước mắt là họ sẽ 'nghỉ chơi' với LB.
Vậy LB nói về anh A để làm gì?, trong khi đó, khi xem ti vi, ra quán cà phê, hay đi chợ, hễ mỗi lần nhìn thấy một bóng hồng là LB thấy thượng đế là... vô cùng kỳ diệu, và cụ thể là thấy... tim hơi nhói đau, và điều đó mãi mãi cũng chỉ là một hoài vọng:
Càng về đêm càng mơ
Mắt anh rướm lệ nhòa
Càng về đêm càng xa
Chắc ta… không thấy em.

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

499. Nói chuyện với các nhà thơ-văn xưa

Chiều đông cánh hạc, ô!, kiều diễm
Tím nhẹ dòng sông, sương khói mềm
Uyên ương đôi lứa, từng canh, nhớ!
Giấc mộng nhòa đêm, ướt nhạc tình
(NGLB)

Thế là Noel sắp qua, LB còn lưu lại ấn tượng với lời bình 'HN đang lạnh lắm, và thiên hạ vẫn nô nức đổ về Nhà Thờ lớn!' (Chu Ngọc)... 
Tại sao LB lại nói chuyện với các nhà thơ văn 'xưa', mà không phải 'nay', tại vì LB nói chuyện với các nhà thơ văn xưa.
1. Việt Nam 'hay' chả kém
LB có một người bạn, chắc là anh ta đang bất mãn, vì LB có nhắc đến 1 ví dụ có liên quan đến anh, nhưng tiếc thay, LB không quan tâm đến vấn đề cá nhân mà viết ở tầm vĩ mô... Người mà cái gì cũng 'hay' hết, thì: một là đang ở trên thiên đường, hai là điên, nhưng giả thiết thứ hai thực tế hơn...
Người ta thường hay nhắc đến Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tagore, Khalil Gibran..., và cho là 'hay', như: 'Rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh. Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm' (Lý Bạch), 'Đa tình tự cổ không dư hận. Dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ' (Bạch Cư Dị), 'Hỡi thế gian tình là gì, mà đôi lứa thề nguyền sống chết' (Nguyên Hiếu Vấn), 'Nếu đời anh chỉ là một viên ngọc, anh sẽ đập vỡ nó thành trăm mảnh, xâu lại thành một chuỗi để đặt lên cổ em' (Tagore), hay 'Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương' (Khalil Gibran)...
Nhưng ta cũng có 'Én đầu xuân tuyết đầu đông. Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa' (Bùi Giáng/Thân Thị Ngọc Quế!), 'Người nằm xuống nghe tiếng ru, cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ’, hay ‘Người đã đến và người sẽ về bên kia núi. Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời. Còn lại tiếng cười khóc giữa đời' (Trịnh Công Sơn), 'Sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên bờ sông Danube' (Phạm Duy), 'Trăng nằm sóng soải trên cành liễu. Đợi gió đông về để lả lơi' (Hàn Mặc Tử), ‘Anh về giữa một giòng sông trắng. Là áo sương mù hay áo em?' (Ngô Thụy Miên/Nguyên Sa), 'Một sớm mai kia. Chợt thấy hư vô trong đời. Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi. Chỉ là... thế thôi...' (Thanh Tùng), 'Chỉ còn đêm nay hãy đến bên anh. Nếu ngày mai bước chân anh về. Một xác lá rơi bên hè... Mùa đông tái tê' (Trương Quý Hải) ..., 'hay' chả kém!
Vậy cớ sao ta phải 'ca tụng' thơ/văn của người nước ngoài? Nếu, đa số người Việt, ai cũng có tự hào Việt, ai cũng trích thơ/văn Việt và dịch nó ra tiếng nước ngoài, phải chăng, không sớm thì muộn, thế giới sẽ biết đến ta!

2. Nhưng anh ta cũng có ưu điểm
Nhưng anh ta cũng có ưu điểm, đó là, mặc dù không phải là người ngâm thơ chuyên nghiệp, nhưng nhờ thích ngâm thơ từ nhỏ, nên anh ngâm thơ rất có hồn và nghe mê ly rụng rún 'nuôn', hi.. hi...
LB biết anh thích bài nào, bài nào nhất, nhưng LB chỉ trích vài bài mà anh hay lên xuống cầu thang và ngâm. (À, lưu ý rằng LB thường làm thơ 4 câu, rồi tùy theo ngữ cảnh mà ráp lại, nhưng về bản chất vẫn là thơ 4 câu).
Mấy đoạn thơ mà anh thích nhất:
-Vắng em thu tàn lối bơ vơ'. Rừng thu xao xác bóng ai chờ. Cây thu hoang lạnh dài vươn cổ. Lá thu hờ hững rơi trong mơ.
-Em mắt xa xôi, đứng tần ngần. Giông bão trườn qua đỉnh phù vân. Tim em xao xuyến về bên ấy. Trong chốn mờ sương, em... thấy anh.
-Ta hát cho chiều tiếng vĩ cầm xưa vọng lại. Ta gửi cho chiều những khắc khoải chờ mong. Ta tặng cho chiều mối tình còn lắng đọng. Ta viết cho chiều nắng ấm rụng trong tim.
-Ngày ấy tôi qua đỉnh vu sơn. Chiều ngát tà dương, ngạt nắng vờn. Thấy em áo trắng tươi cười gió. Bỗng rộn hồn tôi, nắng giận hờn.
-Rêu phong nào, nước chảy dồn. Không nơi nào tụ, lại vòng mắt em. Rêu phong nào, đá đã mềm. Không yên lòng chết, lại thèm môi ai...
Bài thơ mà anh ngâm hay nhất:
Em cứ đứng âu sầu nghe sóng biển 
Gió lạnh về gợi nhớ chuyện đôi ta
Chuyện mình sao lại xót xa
Chuyện mình sao lại chỉ là đớn đau
Em cứ tưởng gần anh thêm chút nữa
Để lòng được sưởi ấm lửa tình anh
Ngờ đâu tình lại mong manh
Ngờ đâu tình lại chòng chành trong em (Ngờ đâu)
Ngoài ra, anh hay đi làm xa và sắp từ biệt giang hồ rồi, có thể suốt đời không xuất hiện nữa. Nhưng anh có nói rằng, nếu các blogger muốn nghe anh ngâm thơ, thì hãy tổ chức ở chỗ nào đó ở SG, anh sẽ đến và ngâm thơ cho các bạn nghe, các bạn có chịu hôn?

Lưu ý: Mấy đoạn dưới đây chỉ là suy nghĩ cá nhân, vì nếu nói giống như sách vở thì LB không làm được, có gì mong người đọc bỏ quá cho.
3. Sai lầm của ông Nguyễn Du!
Đa số người, từ xưa tới nay, đều cho Nguyễn Du là đại thi hào, là nhà thơ tài tử... nhất VN, LB cũng nghĩ vậy mà không quan tâm tới một vài người 'chém gió' cho rằng nội dung thơ của ông là không ra gì!
* Nhưng LB đã suy nghĩ mất nhiều năm, và, với tư cách cá nhân, LB cho rằng ông đã sai lầm khi đã sáng tác ra thi phẩm 'Truyện Kiều' (Đoạn trường tân thanh) từ một tác phẩm Tàu là 'Kim Vân Kiều truyện' của một tác giả Tàu là 'Thanh Tâm Tài Nhân' (theo wikipedia). Nhiều nhà văn/thơ cho rằng ông đã... đúng, vì người ta có thể mượn truyện của nước ngoài rồi... chế biến thành truyện với nội dung của... nước ta. Nhưng, một con người 'tài tử nhất Việt Nam' thì không thể làm chuyện như vậy được. LB xin thử hỏi ông Nguyễn Du:
-Nước Việt Nam ta hết truyện hay rồi à? Hay chuyện 'đời' ở VN lại thua chuyện 'đời' ở bên Tàu?
-Nếu người dân nghe những từ như 'Từ Hải', 'Hồ Tôn Hiến', 'Hoạn Thư'... thì họ sẽ nghĩ đến người Tàu hay người Việt? Và LB xin hỏi các blogger rằng Thúy Kiều là người nước nào?
-Khi Thi Nại Am, Ngô Thừa Ân, La Quán Trung, Hemingway, Dostoievski, Marquez, Kim Dung/Cổ Long, Mạc Ngôn... viết truyện thì họ có mượn truyện của nước ngoài để chế biến thành truyện của nước họ không? Và Đặng Trần Côn/Đoàn Thị Điểm, Phạm Thái, Nguyễn Đình Chiểu, Hải Thượng Lãn Ông, Ngô gia văn phái, Tô Hoài, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... có vậy không? Tại sao ông phải làm khác họ? 
-Và cuối cùng, cái tự hào Việt của ông để ở đâu?
LB cảm thấy không tâm phục khẩu phục!
* Ngoài ra, ở tỉnh Thái Bình, có đền thờ Vương Chiêu Quân. Các blogger có thể xem chi tiết về chuyện 'Vương Chiêu Quân là người Việt Nam', đường dẫn:
http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/vuong-chieu-quan-la-nguoi-viet-nam.html
Vợ của Nguyễn Du là người tỉnh Thái Bình (huyện Quỳnh Côi) mà ông thường xuyên về thăm quê vợ. Có một blogger ở Thái Bình nói là 'hồi đó, ông đã không để tâm', có lẽ vì ông cho rằng 'tinh thần của Tứ thư ngũ kinh' của Tàu... là đúng rồi! (Tuy nhiên, đó không phải là lỗi của ông).
Đối với sự kiện này, nhà nghiên cứu sử là Lê Văn Lan cho rằng:
-Nếu Vương Chiêu Quân của Việt Nam là một trong 'Tứ đại mỹ nhân' của Tàu, thì các sử gia phong kiến đã nhắc đến rồi (!).
Xin hỏi, các sử gia phong kiến đã lấy gì làm đúng?, và họ có lệ thuộc vào 'tinh thần của Tứ thư ngũ kinh' của Tàu không? Còn các sử gia ngày nay thì... dựa vào các sử gia phong kiến à? hay các sử gia Tàu?, xin các ngài hãy trả lại 'sự công bằng' cho thảo dân Vương Chiêu Quân. 

4. Một ít ấn tượng về nhóm 'Tự lực văn đoàn'
Ban đầu (từ 1932), bút nhóm chỉ có 6 thành viên, gồm: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thjach Lam, Tú Mỡ. Về sau, kết nạp thêm Xuân Diệu. Bên cạnh đó còn có những cộng sự viên khác, gồm các nhà văn, nhà thơ: Huy Cận, Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Phạm Cao Cùng, Nguyễn Khắc Hiếu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Đình Hùng, Nguyễn Công Hoan, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tường Bách…, các họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Lê Minh Đức… Văn đoàn (1937-1939) cũng đã mở rộng cửa ra hơn, để đón nhận thêm nhiều văn nghệ sĩ có tài khác như: Vi Huyền Đắc!, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Xuân Diệu, Huy Cận
(Nguồn: wikipedia)
Hôm trước, LB có đọc (trên mạng) vài bài viết phản ứng mạnh với nội dung phê bình văn học 'quá thành kiến' của những nhà phê bình văn học hiện nay. Vì không rành về phê bình văn học, nên LB không nhúng tay vào lĩnh vực này, các blogger có thể xem trên mạng. Dưới đây chỉ là các ấn tượng.
Hồi học lớp 6, lớp 7, thầy có bảo LB về đọc một số sách của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Nhật Tiến, Trần Tiêu, Bùi Hiển..., chép một số câu hay vào trong một cuốn sổ tay, rồi cố gắng học thuộc.
Nay LB chỉ còn lại ký ức về 'Loan cầm cái kéo, Thân xông vào đánh, ngã vấp vào cái kéo, rồi chết' (Đoạn tuyệt), 'hai chúng ta (Lan và Ngọc) yêu nhau dưới bóng Phật đài' (Hồn bướm mơ tiên), 'đoạn văn nói về những chiếc lá rụng' (Khái Hưng), 'thằng Bò, cái Nhớn' (Anh phải sống), 'chuyện tìm truy tìm kho báu' (Vàng và máu), nhất là bài thơ 'Nhớ rừng': 
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu? 
v.. v... 

Mấy mươi năm trôi qua, LB không nhớ nhiều, chắc LB có ấn tượng với Thế Lữ nhiều hơn, bởi ông có tài về cả văn lẫn thơ, đặc biệt là những truyện trinh thám có nét 'Sherlock Holmes' của ông...
Lớn lên, LB có nhiều dịp xem phim 'Bao Thanh Thiên' (và đang xem), thấy rằng người ta khái quát hóa các vấn đề hình sự/kiếp người, xoay quanh: tham vọng/tội ác -> thiên lý -> chữ tình, mà trong đó, tội ác không thể nào tránh được khỏi sự trừng phạt của 'thiên lý', nhưng nhiều khi 'thiên lý' đành nương tay/tha thứ cho những mối tình làm cảm động đất trời: tình yêu vượt qua ngưỡng 'thiên lý'... Rồi LB có đọc truyện 'Tội ác và trừng phạt', 'Anh em nhà Karamazov', thấy người ta người ta khái quát hóa rằng tội ác không (chỉ) bị trừng phạt bởi thiên lý, mà bị trừng phạt bởi chính 'cái tôi' của kẻ phạm tội, hay con người luôn 'muốn' giữ quyền lực tối thượng đang hiện hữu mà 'không muốn' sự hiện hữu khả tri của Chúa, suy cho cùng, dường như 'cái tôi' có tính quyết định thế giới (cảm tính). LB có đọc cuốn 'Ngư ông và biển cả', thấy người ta đã khái quát hóa được chuyện đứng trước thượng đế: con người luôn quyết tâm đến cùng để đạt được khát vọng của mình, mặc dù cuối cùng món quà tặng của thương đế chỉ là 'con số không'. Rồi truyện 'Phong nhũ phì đồn' của nhà văn Mạc Ngôn, mà đã lột tả được khát vọng sinh sôi nẩy nở của bà mẹ Trung Quốc mà kết quả cuối cùng là 'một cái xác chết nổi dập dềnh trên dòng nước'... 
Nói như thế có nghĩa là các nhà văn xưa của ta đã không đạt được mức độ khái quát hóa cao nhất...

5. Một chút về văn-thơ sau này
Xưa nay, LB thường lang thang khắp nơi, có ghé vào nhà các học sinh/sinh viên, thấy có các cuốn sách như 'X30 phá lưới' (Đăng Thanh), 'Ván bài lật ngửa' (Nguyễn Trương Thiên Lý), 'Chiếc lược ngà' (Nguyễn Quang Sáng), 'Một thời xa vắng' (Lê Lựu), 'Người không mang họ' (Xuân Đức), 'Đằng sau một số phận' (Lê Hoàng Hoa!), 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm'..., và gần đây 'Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh' (trên mạng), 'Thơ Nguyễn Phong Việt', 'Thơ thần thiền', rồi 'Xách ba lô lên vai và đi' (Huyền Chip)... 
LB cũng rất khó để khẳng định giá trị của các cuốn sách trên, ba của LB thì thích cuốn 'Chiếc lược ngà', học sinh của LB thì thích cuốn 'Một thời xa vắng'... LB cùng với 2 người bạn khác có đọc sơ qua 'Thơ Nguyễn Phong Việt', thấy có 'ý tứ', nhưng lại không thấy có 'nhạc tính'. Rồi vụ 'thơ thần thiền' thì quá lùm xùm... Ngoài ra, ông Nguyễn Lân Dũng thì thích cuốn 'Xách ba lô lên vai và đi' nhưng người khác thì cho rằng cuốn này có tính 'man trá'...
Tóm lại, trên mạng lùm xùm quá, thang điểm đánh giá các tác phẩm văn học biến động cực lớn, thậm chí có một số người thì chấm điểm +10, rồi lại có một số người thì chấm điểm -10...

Ôi, biết thế nào mà lần!
Ôi, sầu nhân thế! 
LB xin kết luận bằng mấy câu thơ cho vui vậy:
Em tím rừng cây hoa lá lay
Bí ẩn rêu phong nhọc tháng ngày
Trắng cong, đôi mắt lần theo áo
Mắt hút hồ thu ai nhói đau.