Tối hôm qua, lang thang trên mạng, bất ngờ tôi đọc được 2 câu sau đây:
Sơn Hà Linh Khí Tại
Kim Cổ Nhất Hiền Nhân
Tôi bỗng buồn cười, cười cả đêm, cười đến sáng, cười đến trưa (11.30, 2/10/2014), rồi tôi kể chuyện này cho bạn gái tôi nghe, cổ cũng cười ngất, nói chung là cho đến giờ, tôi cười mà không hiểu vì sao tôi cười. Tôi xin kể lại cho các bạn đọc nghe dưới đây nhé.
Tôi sẽ viết bài này...
Tôi cũng có đọc qua vài lần các bài viết:
-'Bàn về việc sử dụng chữ Hán và nguy cơ nô dịch văn hóa', '...Đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai' của của ông Xuân Dương, rồi
-'Cần nhìn nhận về hệ thống tư liệu chữ Hán nước ta như thế nào?' của ông Nguyễn Thanh Phong, rồi
-'Tự ái rởm hay là Giận Tàu, chém chữ Nho', 'Về đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu' của ông Hoàng Tuấn Công..., rồi
-vài chục bài viết trên mạng liên quan đến 'thầy' Vũ Khiêu...
Viết đến đây, hẳn có người sẽ bỉu môi và nói rằng 'xí, cái anh chàng này khoe đọc nhiều!', không, tôi không đọc nhiều, mà tôi chỉ đọc những cái gì khi thấy cần đọc mà thôi...
Tôi đánh giá bài viết của ông Nguyễn Thanh Phong là chín chắn. Tôi thấy thú vị và xin cám ơn ông Hoàng Tuấn Công vì sự phân tích ngữ nghĩa Hán Việt rất chi tiết, vì thế hệ chúng tôi cũng cần biết một ít về tiếng Hán - Việt, mặc dù chúng tôi phải mất nhiều thì giờ hơn để học tiếng Anh và... kiếm sống. Tuy nhiên, không phải vì thế mà (chúng) tôi chê ông Xuân Dương, vì thấy mặc dù ông có cực đoan, nhưng vẫn có ít nhiều yếu tố tích cực. Tôi ủng hộ chính kiến của mỗi cá nhân, và tôi không muốn ai cũng phải mở đầu entry bằng câu: 'tôi biết rằng tôi viết bài này thì sẽ bị ném đá' (!!!), và để tránh câu 'vụ này tui cũng có đọc rồi và cũng có cười nhưng chả dám nói nhiều vì sợ anh Dũng "thấy" bảo tui ba trợn!' (lời bình của blogger saumietvuon), nên tôi sẽ viết bài này, không phải với tư cách của một nhà nghiên cứu, mà dưới cặp mắt của một nhà-uống-cà-phê-học, hihi...
Tôi không biết 'thầy' Vũ Khiêu
(Tôi thường gọi các bậc 'tiền bối' là thầy, còn đôi khi tự gọi mình là 'kẻ hậu học', và tôi cũng không muốn 'phạm thượng' khi đề cập đến các nguyên thủ quốc gia)
Trong mấy chục năm lưu lạc giang hồ, tôi đi công tác gần hết 63 tỉnh thành ở VN, và sinh hoạt nhiều nhất là ở HN, nhưng xin nói thật là 'tôi và rất nhiều người chung quanh tôi, không biết đến tên ông Vũ Khiêu', mà tôi thường nghe người dân nói về Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, rồi Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Nguyễn Hiến Lê, Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Thị Ninh, Ngô Bảo Châu...; cho đến khi, mới đây, tại một bàn nhậu, có một nhậu-gia nói rằng ông ta không thấy hài lòng khi bị 'mời' mua một cái trống đồng (Ngọc Lũ) mà có chữ ký của ông VK!; và cũng tại đó tôi nghe mấy nhậu-gia cằm rằm về việc ông VK mặc áo dài kiểu Tàu (!) tại một đại lễ thượng thọ nào đó; hay cái vụ ông VK 'nhận' ông Vũ Hồn (sinh 804-853, tại Phúc Kiến, quan nhà Đường, chức An Nam đô hộ kinh lược sứ) gì gì đó; rồi tôi sực nhớ lại một vụ sì-căng-đan trên mạng về việc ông VK lăng-xê cho Đỗ Minh Xuân 'bình dân hóa' Truyện Kiều của Nguyễn Du...
Tôi cũng xin nhắc lại là tôi 'miễn bình luận' về các tin đồn nói trên (nhưng chí ít là nó đã không mang lại cho thế hệ 'trẻ' chúng tôi một hình ảnh đẹp!). Nhưng đến vụ 2 câu đối (!) nói trên thì tên của ông VK lọt vào tầm ngắm của chúng tôi.
Khái niệm cơ bản và 'ai là nhất'?
Tôi xin trích ra đây vài dòng của ông Hoàng Tuấn Công: Sau đây là một số cách hiểu:
1. Sơn hà linh khí tại = Khí chất tốt đẹp của GS Vũ Khiêu sẽ còn mãi với núi sông; Kim cổ nhất hiền nhân = GS Vũ Khiêu là hiền nhân đứng đầu trong các bậc hiền nhân từ xưa tới nay (nhất hiền nhân = hiền nhân đứng đầu, đứng nhất).
2. Sơn hà linh khí tại = Khí thiêng của non sông đất Việt chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu (hoặc: Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây - trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân = Từ xưa tới nay, chỉ có một người đáng gọi là hiền nhân, đó là cụ Vũ Khiêu (nhất hiền nhân = chỉ có một người là hiền nhân)
Đối với tôi, nếu ai muốn nói 'linh khí trời đất' tụ vào ai đó, (ví dụ như ngày xưa tôi học, thầy giáo có bảo là linh khí của 99 ngọn núi Hồng Lĩnh tụ vào mà tạo nên ông Nguyễn Công Trứ!), thì không thành vấn đề, mà vấn đề là 'người dân', hay cụ thể là chúng tôi có cho là như vậy hay không mà thôi.
Nhưng chữ 'nhất', đặc biệt là chữ 'kim cổ' ở trên lại tạo thành một 'big problem' (vấn đề lớn), hihi...
Tôi có thể tạm đưa ra một vài ví dụ: Đặng Thu Thảo là người đẹp nhất trong cuộc thi Hoa hậu VN - 2012, nhưng không phải là người đẹp nhất VN, lại càng không phải là người đẹp nhất VN trong mọi thời đại. Đội tuyển Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010, nhưng không phải là đội vô địch từ 'cổ chí kim' trong lịch sử World Cup, vì năm 2014, họ bị thua thê thảm ngay từ vòng loại...
Vì thế, khi muốn xác định 'nhất' thì phải có 'hệ trục tọa độ', vì nếu không có chuẩn hay tiêu chí (criteria - theo một chuyên gia người Anh) thì mạnh ai nấy đều có thể xưng là Tề Thiên Đại Thánh hết sao? Ví dụ, giữa ông Vũ Khiêu và ông Nguyễn Hiến Lê thì ai hơn?, hay so với Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, Hoàng Tụy, Hoàng Xuân Sính, Tôn Nữ Thị Ninh, Ngô Bảo Châu...?
Tóm lại, nói 'nhất' là nhất so với ai?, nhất về cái gì/trong phạm vi nào?, nhất ở đâu?, nhất bao lâu?, và đặc biệt là, 'ai có quyền cho là nhất'? Ngoài ra, không bao giờ và không bao giờ nên nói là 'nhất trong mọi thời đại' (kim cổ), vì chỉ có... tạo hóa/ông trời thì mới nhất trong mọi thời đại mà thôi.
Và lưu ý rằng chỉ một cú nhích nhẹ của lịch sử, thì nhiều chuyện có thể bị 'đàng sau, quay!', tức là nhất có thể trở thành bét, và ngược lại...
Ai là triết gia?
Tôi có đọc 2 câu: 'Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng', nhưng cũng 'miễn bình luận' luôn, các bạn đọc hãy xem các bình luận trên mạng nhé.
Tôi tạm nghĩ triết gia là người cho ra một hệ thống ý niệm mà có tác động đến một bộ phận (khá) lớn của nhân loại (không biên giới) trong một thời gian dài (hoặc có thể chưa có, nhưng sẽ có trong tương lai). Ví dụ như thuyết 'vô vi' của Lão-Trang, 'tam cương, ngũ thường...' của Khổng Tử, 'tinh thần vũ trụ' của Hegel, 'tự do cá nhân tuyệt đối' của Nietzsche, 'phiếm thần' của Spinoza, 'phi lý' của Camus, 'tương đối' của Einstein... Theo cách nhìn nhận này thì không thể xem ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Giáng hay Trần Quốc Thảo là... triết gia, mà nếu có thì chỉ là triết gia trong nước!!!
Còn 'thầy' Vũ Khiêu thì sao? Dưới đây là trích đoạn một số câu của ‘thầy’:
1. Anh Văn ơi. Anh mất đi là một tổn thất lớn của đất nước, là nỗi đau xót của 90 triệu đồng bào toàn quốc và cũng là nỗi tiếc thương của hàng triệu con người hâm mộ Anh trên toàn trái đất… Anh là lãnh tụ của toàn dân, là hồn thiêng của sông núi. Đối với tôi, Anh còn là tài sản vô giá của đời tôi. Tôi khóc Anh mấy ngày hôm nay, đứt từng khúc ruột. Tôi nhìn lên tường, đọc lại những lời Anh viết tặng tôi năm tôi 90 tuổi: “Mừng anh Vũ Khiêu, một nhà triết học cách mạng, một chiến sĩ văn hóa anh hùng, năm nay thọ 90 xuân”. Sinh ra tôi là cha mẹ, hiểu biết tôi lại là Anh. Tấm lòng tri ngộ ấy tôi biết lấy gì báo đáp?... (laodong.com.vn)
2. Hơn bốn ngàn năm, con Lạc, cháu Hồng/Nguyện nối tổ tông nêu cao đạo lý/Sơn hà thịnh trị, nhân nghĩa sáng ngời đã trải bao đời, anh tài dũng kiệt/Toàn dân đoàn kết, mở rộng yêu thương/Bè bạn muôn phương, giao lưu thi thố/Tương lai rực rỡ, truyền thống vẻ vang/Lớp lớp cháu con, tu nhân dưỡng trí. (‘Giáng bút’ văn bia ở cái gọi là 'Đền Bình Đà nơi có mộ của Lạc Long Quân' (!?), của GS Vũ Khiêu, trích lời bình của Hairachgia)
Tùy các bạn, hãy xem thầy viết như vậy có phải là ‘triết gia’ không nhé!!!
Đã là hiền nhân…
Tôi nghe người Tàu có câu: ‘Kẻ thức thời mới là người tuấn kiệt', tôi nghĩ Cựu thủ tướng Singapore - Lý Quang Diệu quả là người ‘tuấn kiệt’ khi phát biểu đại khái như sau: nếu các ông muốn tôi dùng tiếng Tàu làm quốc ngữ, thì hãy bước qua tôi trước đã. 'Tôi' cũng giống ông ta một tí, khi khá dị ứng với những ai ‘sính’ dùng tiếng Tàu (Hán-Việt) trong khi ‘có thể’ dùng ngôn ngữ bình dân một cách dễ dàng, ví dụ: ‘Chúc mừng thầy Nguyễn Văn X thọ… tuổi’, thế là nhẹ nhàng, phải hôn?
Và tôi mới đọc được một lời bình sau (của blogger ‘Vườn Của Đạt’):
-Người già hay lẫn lộn (senile- bắt chước tác giả chêm vô một tiếng Anh cho nó sung) âu cũng là chuyện tự nhiên. Người chưa già viết câu đối để nịnh người già (apple-polish- lại tiếng Anh cho nó sung) cũng là chuyện tự nhiên tuốt. Nhưng mà nịnh quá đà theo kiểu này (lại tiếng ngoại lai- boot licking) thì coi thường thiên hạ cổ kim quá:
Sơn hà sinh dị vật
Kim cổ xuất quái nhân
Tôi có trả lời rằng:
-Đọc lời bình của bạn, ban đầu thấy khó hiểu... tí, sau đó thấy vui vui... tí, rồi thấy có hiểu... tí. Mình nghĩ triết gia không phải 'luôn' là nhà thông thái, nhà thông thái không phải 'luôn' là hiền nhân, mà đã là hiền nhân thì phải không màng danh lợi, vì: ta sẽ là cát bụi, và trên thực tế, ta đang là... cát bụi!
...Cuối cùng, ả Gà Mái mới vừa chu mỏ lên quang quác một câu như sau:
-Muốn "nhất" thì cho "nhất đằng đuôi" nhé!
Ha..ha..ha...
HẾT.
--------
Một số tài liệu có liên quan:
-Cần nhìn nhận về hệ thống tư liệu chữ Hán nước ta như thế nào?, Nguyễn Thanh Phong, xem:
http://giaoduc.net.vn/GDVN/Can-nhin-nhan-ve-he-thong-tu-lieu-chu-Han-o-nuoc-ta-nhu-the-nao-post149625.gd
-Đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai, Xuân Dương, xem:
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Thua-ong-Bo-truong-Van-hoa-dau-la-phan-chim-cua-van-hoa-ngoai-lai-post149359.gd
-Kim Cổ Nhất Hiền Nhân, Hoàng Tuấn Công, xem:
http://tuancongthuphong.blogspot.com/2014/09/ve-oi-cau-oi-thu-tuong-tang-gs-vu-khieu.html