Đáng lẽ tôi đã đi ngủ rồi, nhưng ngủ không được… Và chuyện xảy ra như sau.
1
Sau bài ‘Những nhà học triết’ (Nước Tàu trong mắt tôi - Chương IV, đăng ngày 12/10) (*), tôi định viết bài ‘Thơ Tàu’ (Chương V), nhưng ‘nười’ quá, xin hẹn một dịp khác vậy.
Cách đây mấy hôm, tôi có xem lướt qua bài phỏng vấn giữa phóng viên Mặc Lâm (rfa) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về ‘Giải Văn học 2015’ của Việt Nam - có liên quan đến cuốn tiểu thuyết ‘Mình và họ’ của Nguyễn Bình Phương và thi phẩm ‘Sẹo độc lập’ của Phan Huyền Thư…, rồi vì bận… nghiên cứu chút chút về ‘Giải Nobel Văn học 2015’ (*) của nữ sĩ Svetlana Alexievich, và vì không quan tâm lắm đến… văn chương, nên tôi… bỏ qua bài phỏng vấn trên.
Rồi nhớ lại chuyện nhà thơ Nguyễn Đăng Thuyết gọi tôi và hỏi ‘Anh vẫn còn chơi blog đấy chứ?’, tôi rất ngạc nhiên, vì ngày nào mà tôi không… chơi blog (trừ khi quá bận hay đang trên đường đi), hơn nữa, bài nào anh ấy vừa mới đăng thì tôi cũng thấy hiện lên ngay bên trái màn hình của blog Tiếng Việt của tôi, có điều là tôi không cho chơi blog là quan trọng, nên ít khi tham gia bình luận (tranh biện) trong các blog khác, thế thôi.
*
Tối nay buồn buồn, phóng qua ‘nhà’ anh Thuyết chơi, tôi bỗng có ấn tượng với bài như sau:
THU HỒI GIẢI THƯỞNG CỦA PHAN HUYỀN THƯ (*)
Chiều 20/10, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp khẩn cấp, quyết định thu hồi giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 đối với tập thơ ‘Sẹo độc lập’ của Phan Huyền Thư.
Cuộc họp kết thúc lúc 16h30, tham dự có một số ủy viên Ban chấp hành: Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Mỹ, đi đến quyết định thu hồi giải thưởng trên cơ sở những phát hiện mới nhất về việc nghi đạo một số bài thơ của Phan Huyền Thư.
Trước đó, buổi sáng 20/10, Phan Huyền Thư gửi một lá đơn đến Ban chấp hành Hội, nội dung xin trả lại giải thưởng sau khi có dư luận Pham Huyền Thư đạo thơ.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho Tiền Phong biết: Trong lá đơn, Phan Huyền Thư xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan về sự việc xảy ra, xin lỗi độc giả thơ cả nước, các nhà báo, xin lỗi gia đình vì đã làm họ mệt mỏi buồn bã.
Đáng chú ý, theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, trong đơn này Phan Huyền Thư cũng nói về một số kịch bản truyền hình và phim của mình bị dư luận dị nghị.
Việc thu hồi giải thưởng, được biết không phải do tác giả xin rút, mà là trên cơ sở một số bài thơ của Phan Huyền Thư trong tập ‘Sẹo độc lập’ bị ‘nghi đạo thơ’, và được Hội xác minh, rằng Phan Huyền Thư từng có nhiều thơ in ở nước ngoài từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước nhưng không bài nào có nội dung như bài ‘Bạch lộ’.
Mặc dù xin trả lại giải hiện Phan Huyền Thư vẫn cho rằng bài ‘Bạch lộ’ được chị viết năm 1996 với tên ban đầu là ‘Độc ẩm’, rồi gửi cho một số tạp chí ở Mỹ! (Theo Nghĩa Trung, Tiền Phong)
*
Tôi mới đi truy tầm trên mạng, và đọc khoảng trên 10 bài viết, và vì không có nhiều thì giờ, nên tôi chỉ trích ra đây vài đoạn về vụ ‘Phan Huyền Thư đạo thơ’ (ngày tháng thì tôi căn cứ vào ngày mà trang web đăng tải), còn các bạn có thể đọc thêm từ một số đường dẫn mà tôi cho bên dưới. Lưu ý rằng việc nàng có đạo thơ hay không, đó là việc của Hội nhà văn Hà Nội, Hội nhà văn VN, hay các bạn!, còn đối với tôi thì không quan trọng lắm, vì bài này chủ yếu là viết về tôi nghĩ gì? Và lưu ý rằng bất cứ khi nào trích dẫn, tôi thường có rút gọn (ghi bằng dấu ‘…’) vì chỉ lấy những gì cần thiết - không lẽ tôi đăng hết mọi thứ lên blog của tôi, để bài viết của tôi trở thành cái ‘vạn lý trường thành’ à!
1. Ngày 17/10: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có trả lời phóng viên Mặc Lâm (*), như sau: ‘Nói đây (‘Mình và họ’) là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới phía Bắc mà do điều kiện đến nay mới được in thì cũng đúng nhưng chưa đủ… Nó còn viết về sự bất lực, sự chống chọi của con người với cái ác. Cái ác trong bản thân mỗi người, cái ác trong xã hội. Có thể nói sau khi đọc quyển sách thì nhiều người thấy là tác phẩm này rất xuất sắc. Người đọc đầu tiên đọc bản thảo là nhà văn Bảo Ninh ông không kìm được mà nói đây là kiệt tác… ‘Sẹo độc lập’ là cái tứ khi tôi rời bụng mẹ ra tôi nối với mẹ bằng một cái sẹo rốn. Con người ai cũng có một cái rốn. Cái rốn đó là sẹo độc lập. Khi anh thoát khỏi bào thai bước ra cõi đời, từ bụng mẹ ra với cõi người thành con người độc lập cũng mang cái sẹo đó là cái sẹo độc lập… Bây giờ tôi khẳng định lại: Tập thơ 'Sẹo độc lập' của Phan Huyền Thư là một tác phẩm có chất lượng và xứng đáng nhận giải của Hội nhà văn Hà Nội và hoàn toàn không có chuyện đạo thơ ở đây...’.
2. Ngày 18/10: Nhà báo Hà Quang Minh bình (*): ‘Và đúng là Phan Huyền Thư đã ‘quen mà không quen’, ‘lục lọi trí nhớ’ để ‘nốc cạn một tứ thơ’ thực sự. Bài thơ ấy, về giọng điệu, cấu trúc, rất lạ so với tổng thể còn lại của ‘Sẹo độc lập’. Nó cho ta cảm giác nó là Thư mà lại không phải là Thư, như một sự thoát khỏi chính mình vậy. À, dễ hiểu thôi, nó chính là bài 'Buổi sáng', của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (tên thật là Nguyễn Thanh Bình, quê Vĩnh Long, công tác tại báo Văn nghệ TP.HCM). Bài này được Thường Đoan đưa vào tập thơ có tên ‘Đếm cát’, xuất bản năm 2003. Nhưng trước đó, cỡ năm 1999 đến năm 2001, nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc thành ca khúc ‘Buổi sáng ở cafe Catinat’...
3. Ngày 19/10: Nhạc sĩ Phú Quang xác nhận (*) ông còn nhớ rõ buổi sáng mà nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan ngồi ở quán cà phê Catinat trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) của ông: ‘Sáng ngày 27/6/2000, Thường Đoan ngồi một mình. Khoảng hơn 10 giờ, tôi ra quán… Thường Đoan cho xem bài thơ mới, cảm xúc rất tốt, lại viết ngay tại quán mình nên tôi cũng thích, phổ nhạc ngay. Tôi đổi tên bài thơ ‘Buổi sáng’ của Thường Đoan thành ‘Catinat cà phê sáng’… Nhạc sĩ Phú Quang cho biết ông đã từng phổ nhạc một bài thơ của Phan Huyền Thư, tên là ‘Buổi sáng’ nhưng nội dung hoàn toàn khác của Thường Đoan. Ông không bình luận gì về việc tranh chấp bản quyền giữa hai tác giả, bởi vì thơ của ai thì người đó tự biết, ông bảo ‘thấy phù hợp với tâm trạng và nhạc cảm của mình thì tôi phổ thôi’...
4. Còn, ‘trước khi khoá trang Facebook, Phan Huyền Thư phản hồi trên một vài diễn đàn: ‘Em chỉ in sau chứ không viết sau’ (nld.com.vn), v..v…
2
Mệt quá, mỏi mắt quá, lộn tùm lum tà la…, vì sao?
Số là tôi chúa ghét việc trích dẫn tư liệu (cười), nên chỉ trích dẫn khi cần thiết và rất hạn chế, ngoài ra, tôi vốn không có... năng lượng để tôn sùng Khổng Tử, Socrat Tử, Marx Tử, Nietzsche Tử, Krishnamurti Tử, Einstein tử, ‘Trịnh’ Tử, hay Tùm-Lum-Tử gì đó đâu, mất thì giờ vô ích (cười), chẳng thà tôi tự viết, hay giỡn với con mèo vui hơn!, thế mà có người bảo tôi là ‘đạo văn’ (!), ok, không vấn đề!
Nói chung là cả ngàn năm nay, ở nước ta không thiếu gì việc ít nhiều biến từ ‘Khổng đạo’ thành ‘đạo' Khổng (cười), cụ thể là gần cuối năm 2011, có người bạn thân - mới cái email đầu tiên - đã gửi cho tôi, có đoạn như sau:
Dư dục vô ngôn/Tứ thời hành yên/Vạn vật dục yên/Thiên hà ngôn tai
(tạm dịch: ‘ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu)
Lúc đầu, tôi rất ngưỡng mộ anh ấy, vì ảnh biết… Khổng Tử nhiều (hehe…), nhưng sau mấy năm im lặng ngắm dòng sông Sài Gòn, tôi mới thấy là:
-Ủa, vũ trụ, trời đất hàng ngàn năm nay có nói cái quái gì đâu, cây, cỏ, hoa… chung quanh tôi vẫn tự nhiên triển nở, con mèo vẫn nằm trên tấm đanh bằng xi măng và ngủ ngon lành cho tới khi tôi kêu ‘meo meo’ thì nó dậy…: chuyện thường ngày ở… chợ Bà Chiểu, chả có gì là vĩ đại cả!
Nên tôi viết tặng và đồng thời trả lời mail anh ấy là:
Bóng chiều về, lan rung rất nhẹ
Gió la đà, khe khẽ cành cây
Lá bàng thấp thoáng đâu đây
Xôn xao cá động, sóng lay tim người
*
Trước đây, tôi có nghe sicandal về vụ nhạc sĩ Bảo Chấn đạo nhạc, và tôi đã viết như sau (entry ‘Vụ Hoàng Xuân Quế bị cách trí tuệ): ‘LB có nghe vụ nhạc sĩ Bảo Chấn đạo bài ‘Tình thôi xót xa’ của một nhạc sĩ Nhật là Keiko Matsui, nếu có thì rất tiếc, vì 1 phút chọn lựa nhầm lẫn!, và vì Bảo Chấn thừa sức sáng tác ra cả chục bài hay như bài này (nhưng đến nay, đọc trên mạng, LB thấy là sự việc vẫn chưa có kết luận rõ ràng) (*)…
…Và trong các trích dẫn trên, tôi rất chú ý đoạn dưới đây, các bạn hãy xét sự giống nhau… như đúc! giữa 2 bài thơ ‘Buổi sáng’ và ‘Bạch lộ’ nhé, còn của ai thì để thiên hạ xử lý, không phải việc của tôi nghen:
Sự giống nhau lạ lùng (*): Đối chiếu văn bản hai bài thơ, Bạch lộ của Phan Huyền Thư có rất nhiều câu thơ gần giống, hoặc giống hoàn toàn với những câu trong bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan. Hai câu đầu của bài Bạch lộ, đã giống nguyên văn với hai câu thơ đầu của bài Buổi sáng: “Những gương mặt người/Quen mà không quen/Từng giọt sương nén trong veo câm nín/Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh” (Bạch lộ) và: “Những gương mặt người/Quen và không quen/Những giọt cà phê muôn đời đen nhánh/Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh” (Buổi sáng). Buổi sáng viết: “Em ngồi một mình/Khuấy loãng thời gian/Buổi sáng muốn gọi anh/Nắng nói lời mê ngủ” trong Bạch lộ cũng có câu: “Em một mình /Ngồi khuấy loãng thời gian/Buổi sáng muốn ôm anh/Nắng nói lời mê ngủ”… Còn nhiều câu thơ gần giống nhau đến mức… kỳ lạ như: “Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ/Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm” (Buổi sáng) và “Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ/Bản blues jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm” (Bạch lộ). Hay “Người đã vội quên cung bậc cuối/Nụ hôn nửa vời/Trái tim không cửa/Ai hờ hững xéo lên lá cỏ” (Buổi sáng) và “Người thiên di cung bậc cuối cùng/Nụ hôn nửa vời/Trái tim không cửa/Bóng ai hờ hững xéo trên lá cỏ/Điềm tĩnh ngồi chờ gió” (Bạch lộ). Phan Ngọc Thường Đoan không phải nhà thơ đầu tiên tố Phan Huyền Thư đạo. Trước đó, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phát hiện câu mở đầu bài ‘Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn’ sáng tác năm 2008 của Phan Huyền Thư quá giống với câu chủ đạo và là tinh thần của bài thơ ‘Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển’ của nhà thơ Du Tử Lê (sáng tác năm 1977). Nhiều ý kiến cho rằng chỉ giống nhau một câu thơ, rất khó kết luận đạo hay không...
*
‘Em’ Huyền Thư thân mến,
Huynh có làm mấy câu thơ… lẹt xẹt, như sau:
Anh gửi vào em chút lả lơi
Đôi mắt hồ thu đẹp tuyệt vời
Là người hay tiên trên trời vậy
Em xuống trần gian ‘khuấy động’ đời
'Vắng em thu tàn lối bơ vơ'
Rừng thu xao xác bóng ai chờ
Cây thu hoang lạnh dài vươn cổ
Lá thu hờ hững rơi trong mơ (Vắng em)
Đó là do khi mới chơi blog và qua ‘nhà’ blogger Bạch Mai (tức Nguyệt Cầm, đầu năm 2012), huynh có cảm hứng với câu ‘Vắng em thu tàn lối bơ vơ' của nàng!, nên mới làm ra mấy câu trên cho vui, với 2 chùm bốn câu như trên (không phải Đường luật), và nàng vẫn còn nhớ kỷ niệm này.
Mãn thu, nước sầu lên mí mắt
Màn tối chung quanh phủ đất trời
Lửa kia những tưởng làm nguôi lệ
Ai ngờ, cây héo, khóc đơn côi (Mãn thu)
Đó là vì đọc đề bài thơ Đường luật ‘Mãn thu khúc’ của blogger Sáu Miệt Vườn, huynh mới bình ‘đùa’ theo cái đề bài thơ ‘mãn thu’, chứ không họa theo ý thơ.
Chiều đông cánh hạc, ô!, kiều diễm
Tím nhẹ dòng sông, sương khói mềm
Uyên ương đôi lứa, từng canh, nhớ!
Giấc mộng nhòa đêm, ướt nhạc tình
Cái này thì khác, blogger Mưa Rừng Chiều có đăng hình ‘một đôi chim hạc đang bay trong chiều đông tím’, mà huynh bình ‘đùa’ ra mấy câu này, chứ không có nhắc đến nội dung của entry của bạn ấy.
…Tôi ngại,
vì tôi đã từng biết,
cái gì đã được chiếm hữu,
nó không còn mãi đẹp trong ta.
Không có thân hình nào là vĩnh viễn thơm ngon.
nên bỗng chốc
hóa vô thường (Nàng vô thường)
Cái này là huynh tự làm cho mới mới... tí, chứ không bình ‘đùa’ với ai, hi..hi...
*
Nhưng riêng cái này thôi thì cũng đủ mệt:
Nếu tôi chết, hãy đem tôi ra biển (2008, Phan Huyền Thư), và
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của nhà thơ (1977, Du Tử Lê)
Huynh không biết là… 'em' Huyền Thư có ‘đạo thơ’ hay không, nhưng huynh thấy chuyện gì mà phải khổ vậy? Thì ‘nếu tôi chết, thì hãy đem nắm tro tàn của tôi mà vứt ra ngoài biển, để tôi có thể hòa cùng đại dương’, như tập quán của một bộ phận của nhân loại xưa nay, như ông Engels (triết gia Đức, tác giả cuốn ‘Biện chứng của tự nhiên’), hay nhiều sĩ quan hải quân Mỹ vẫn thường được an táng như vậy (phim HBO), đó là chuyện thường ngày ở… chợ Bà Chiểu, do đó:
-Thiếu gì cách để mô tả, mắc gì mà 'em' Huyền Thư của… huynh phải viết giống Du Tử Lê đến 7 từ trong số 8 từ như vậy!
***
Cuối cùng…
Tôi sẽ đăng một lời bình của một blogger và câu trả lời của
tôi, và xem đó là phần kết luận.
-Lý Thị Minh Tâm (Facebook): Chuyện qua nhắc lại làm gì
hở anh! Ai cũng có cái sai thui…
-NGLB: À, chuyện này anh mới biết tối hôm qua: đối với anh
là chuyện mới.
Anh mến 'nàng', tuy nhiên, anh muốn hỏi nhỏ nàng là có thêm
1 câu hay 1 bài thơ giống người khác thì tập thơ của nàng vẫn không thêm giá trị cơ mà!, tại sao nàng không ý thức được cái giá trị sẵn có của mình! Nay
cần phải nhìn vấn đề này thật sự nghiêm túc, nếu ai cũng làm vậy thì còn gì là
văn học VN!, và làm sao ta thoát được vùng trũng trí tuệ mà sánh vai với các
nền văn học lớn trên thế giới! (giải Nobel chẳng hạn).
Anh biết là không phải lỗi của một mình nàng, nhưng anh muốn
đặt câu hỏi là hàng trăm cặp mắt của hàng trăm nhà văn/nhà thơ lại không phát
hiện ra!, mà phải chờ sau lúc nàng đạt giải và phải chờ công chúng/internet lên
tiếng thì mới kiểm tra và mới biết! Anh đã từng thấy trường hợp ông A nhờ bạn
thân và đồng thời là nhà văn X góp ý cho một cuốn sách sắp xuất bản của ông,
hơn một tháng sau, nhà văn này trả cuốn sách lại, góp ý lăn tăn hai điều
ba chuyện đại khái cho xong, rồi rủ nhau đi nhậu (anh X đến mục đích chính là
để chém gió về chính trị), từ đó, anh ta rất mất uy tín với anh, vì anh thừa
biết rằng anh ta chả thật tâm đọc sách của người khác, và vì anh nghi rằng: trừ
việc suốt đời chém gió chuyện thiên hạ và ‘trau chuốt’ cho bản thân mình, anh ta chả thật tâm và chả làm ra cái gì có chất lượng cho người khác và cho xã hội,
anh tin vậy! Thân mến.
Tóm lại, ‘đạo thơ’ thường xảy ra cho người không biết làm
thơ, nên... phải lấy thơ của người khác làm thơ của mình. Tuy nhiên, cũng có người biết làm thơ, thậm chí biết tốt,
nhưng do khoái... 'nổi', mà, bằng cách nào đó, lấy thơ của những kẻ nổi tiếng
đưa vào thơ của mình. Những cách này đều tệ hại, trong đó, cách đầu có thể thông
cảm được, nhưng cách sau sẽ làm chết đi tài năng của chính người đó.
Tôi chỉ thấy tiếc cho tài năng của Huyền Thư, hy vọng nàng sẽ
lại đứng lên mạnh mẽ.
(HẾT)
---------
Chú dẫn:
- Giải Nobel Văn học 2015: ‘Bà Svetlana Alexievich được trao giải vì có những tác phẩm văn học ‘mang đầy âm sắc’. Bà được biết đến với những tác phẩm (tạm dịch) như ‘Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ’, ‘Những cậu bé kẽm’… (thethaovanhoa.vn)
- Giải Văn học 2015 (của Việt Nam), xem: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/the-2015-literature-awards-ml-10172015082123.html
- Nhà báo Hà Quang Minh bình…, xem: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/phan-huyen-thu-va-phan-ngoc-thuong-doan-ai-dao-tho-cua-ai-n20151018221936360.htm
- Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trả lời phóng viên Mặc Lâm, xem: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/the-2015-literature-awards-ml-10172015082123.html
- Nhạc sĩ Phú Quang xác nhận…, xem: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/ns-phu-quang-len-tieng-vu-phan-huyen-thu-bi-nghi-dao-tho-20151019161649776.htm
- ‘Những nhà học triết’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/10/747-nhung-nha-hoc-triet-nuoc-tau-trong.html
- Sự giống nhau lạ lùng, xem: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/them-mot-nha-tho-to-phan-huyen-thu-dao-tho-20151019113131135.htm
- Thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư, xem: http://thodangthuyet.blogtiengviet.net/2015/10/20/thu_h_i_gi_i_th_ng
- ‘Vụ Hoàng Xuân Quế bị cách trí tuệ’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/12/493-vu-ong-hoang-xuan-que-bi-cach-tri.html