Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

1477. Nhạc ta, Tây và Tàu (Văn hóa Mỹ, Tàu và Việt - Phần 6)

Đời chạm thế nhân, người hay quỷ
Một đống thị phi lụy mớ đời
Sáng nhìn cây khế hoa mời tím
Chiều vắng đơn côi tội... kiếp người
---
Nói về âm nhạc, tôi đã được nghe và học nhạc từ nhỏ, đại để là lai rai từ 1963-1975 và khá quen thuộc với các bài hát như Biển tình, Cánh hồng Trung Hoa, Dòng sông xanh, Serenade, Serenata, Tristesse, Xuân và tuổi trẻ...
Trước 1975, nhờ sống chung với các anh học thi ‘tú tài IBM’ mà do họ chuyên mở nhạc thời trang nên tôi biết những bản như Beautiful Sunday, Doctor Zhivago, Green Field... Sau 1975, khi vào ĐH thì tôi được giải nhất ‘các trường ĐH ở Thủ Đức’ về đánh đàn Mandoline và hát solo với cây đàn Guitar, đại khái vậy, nhưng sau khi lấy... sư tử thì tôi đã giải nghệ và nay đã QUÊN hết rồi!, híc...
Vào những năm 2010, tức hơn... 30 năm sau, do được tiếp xúc với nhiều sinh viên SG nên tôi cũng học được nhiều bản ‘nhạc mới’ như Betrayal, 10 minutes, Please tell me why... Trước và sau 2020, ...xui xẻo thay, khi tôi gần QUÊN cái thế giới này và thấy cái nghĩa địa ngày càng đậm nét, thì ở xóm tôi dần mọc rộ lên các phòng dạy khiêu vũ, phòng tập Gym, phòng tập Thiền/Yoga, quán cà phê bóng đá, sân bóng chuyền nữ... làm làn sóng nhạc EDM ngày ngày liên tục dội vào tai tôi như Faded, Leave a light on, So far away: Tôi yêu Gym và do đó tôi muốn sống!
Và dưới đây, lấy nhạc Tây làm ‘hệ trục tọa độ’, tôi chỉ chọn những bản nhạc trứ danh có liên quan mà thôi.
*
.Ở Mỹ rất nổi tiếng với bài hát ‘Hotel California’ do ban nhạc Eagles sáng tác vào năm 1977 theo thể nhạc rock... Nếu không nhầm thì người Mỹ thường có tính cách rất năng động, thực tế và ‘thực chiến’ đến nỗi quá thực dụng... vì ‘tiền’, tuy nhiên họ cũng có kèm theo chất rất lãng mạn... Bài hát tả cảnh chiều tối ở đó như cảnh ‘chiều tím’ với những hàng dừa ‘Guantanamera’ và ‘em’ lung linh như một cây đèn cầy đỏ: ...Up ahead in the distance/I saw a shimmering light/My head grew heavy, and my sight grew dim/I had to stop for the night/There she stood in the doorway... Welcome to the Hotel California... Xa xa ngay ở phía trước/Tôi đã thấy ánh sáng lung linh/Đầu tôi thấy nằng nặng và đường xá lờ mờ/Tôi phải dừng lại ở qua đêm/Cô gái kia đã đứng ở ngưỡng cửa... Chào mừng, mời vào Khách sạn California...
-Hotel California - Lời Việt: https://www.youtube.com/watch?v=wnWgwrWCrlU
Tương tự, dễ hiểu hơn câu ‘Đạo khả đạo phi thường đạo’ của Lão Tử Tàu, bài hát ‘More than I can say’ của ca sĩ người Anh Leo Sayer cũng rất thực dụng: 'Bố hỏi con, tại sao con lại dùng chữ ‘yea’ mà không dùng chữ ‘yes’, Leo Sayer trả lời: ‘Vâng, bố nói đúng, ‘yes’ đúng hơn, nhưng ‘yea’ thực dụng hơn bố à!', hahaha..., và nó cũng vô cùng nổi tiếng, nếu không muốn nói là làm cho người chết lại mong muốn được sống lại và... yêu em: Wow wow wow yea yea yea yea yea/I love you more than I can say/I'll love you twice as much tomorrow... Ôi, anh yêu em hơn những gì anh nói/Ngày mai anh sẽ yêu em gấp hai lần hôm nay...
.Trong khi đó, dường như giới tinh hoa Tàu lại thường có tính ‘ẻo lả’ kèm chất ‘khát dục’ như dạng ‘Vũ khúc Nghê Thường’ của Đường Minh Hoàng, như kiểu ‘Tú Uyên và Giáng Kiều’ hay ‘Đường Tăng với Nữ vương xứ Tây Lương’..., rộng hơn, cộng với chuyện liên miên sống trong cảnh ‘nội chiến - nồi da xáo thịt’, trong phức cảnh ‘ai cho ngươi làm người lương thiện’ của hiện thực ‘tranh giành quyền lực’ của bọn Hán gian bao gồm quan Gù, quan Tham, quan Ngại, quan Nâng Bi, quan Lá Chít... làm họ luôn day dứt trong đầu một nỗi sầu nhân thế khôn nguôi: ‘Cuộc đời vui, cuộc đời buồn/Nào ai hay biết cho đâu là bến mơ/Niềm hạnh phúc, hay nỗi sầu/Dòng đời trôi cuốn ta qua ngàn năm’..., rồi tìm cái ‘cứu cánh Lão-Trang’ bằng cách thông qua tình yêu nam nữ như kiểu ‘Dương Quá và Tiểu Long Nữ’, vd như Hứa Văn Cường có nói với Trình Trình trong phim Bến Thượng Hải là: ‘Nếu đươc làm lại từ đầu, anh không cần gì cả, mà chỉ mong đươc cùng em đi hết cuộc đời này’:
-Bến Thượng Hải (TB Nguyễn Hưng - Như Quỳnh): https://www.youtube.com/watch?v=fPKzIAudnT8
.Ở Việt Nam có bài ‘Thành phố buồn’ nói về Đà Lạt của Lam Phương có thể xếp vào loại tuyệt tác của nền âm nhạc Việt Nam..., nó nói lên cái ‘hoài cảm’, ‘mơ màng lãng đãng’ hay ‘tiếc nuối khôn nguôi’ kiểu Cung Tiến, Thanh Tùng, Đoàn Chuẩn - Từ Linh hay Phạm Thiên Thư, cái ‘khoảnh khắc’ 'dịu dàng ẩn ẩn', 'chợt buông chợt níu', 'chợt còn chợt mất', 'chợt sầu chợt khổ' kiểu Trần Trịnh, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An hay Trương Quý Hải, hay cả hai..., nhưng cuối cùng ‘tha nhân’ cũng rời xa hiện thực và đi vào hư ảo - một thứ tình cảm tuy rất dễ thương nhưng cũng hàm chứa sự trốn chạy: phi thực chiến và vô định xứ:
-Thành phố buồn (TB Mr. Đàm): https://www.youtube.com/watch?v=_cYMX4dh7DM
Nhưng cũng từ ‘Thành phố chốn tôi đã được sinh ra’ tức lời bài hát ‘Guantanamera’ của Cuba, hình như bọn trẻ con nghịch ngợm VN có chế ra là... ‘sờ đít sờ mông cấm sờ cu ông’, hahaha: https://www.youtube.com/watch?v=Wg5-m0tNeoY
*
Vân vân, đọc... căng não quá có phải không các bạn!, vậy hãy thư giãn qua một đoạn hồi ký:
SẦU
Sầu, một mối tình đang sống, bỗng nhiên chàng vĩnh viễn không bao giờ gặp được nàng nữa, nàng đã chết hay một mối tình đã chết, có phải đó là điều duy nhất để ta tấu lên khúc nhạc ‘sầu’!, đối với hắn, một khát vọng tình yêu trên thiên đàng bỗng rơi xuống địa ngục một cách thảm thiết, nó lại gây cho hắn ‘sầu’ đau hơn nhiều.
...Một buổi chiều nọ, đang đứng trầm ngâm ở trước hiên của một dãy phòng của ký túc xá ĐH Tổng hợp ở Thủ Đức, nhìn ra con đường đi nối liền từ nhà ăn đến dãy phòng tắm nữ, hắn bỗng thấy một con ‘tử ma lũy’, nàng mặc một bộ đồ ‘hoa’ màu tím pha tí nét xanh, giống như màu hoa cà, dáng người nho nhỏ xinh xinh, bưng thức ăn trong tay, lúc đó nàng thấp thoáng như Dương Quý Phi trong những bài thơ của Lý Bạch, xinh đẹp như cô thiếu nữ trong các bức họa của Leonardo Da Vinci, mỗi bước đi của nàng như bước trên những đóa sen và tỏa ra một mùi hương thơm kỳ lạ bay đến mũi hắn và vào tận lồng ngực của hắn, quả tim hắn chợt thấy khoan khoái như bay ra khỏi chỗ... đó, hoàn toàn trao tặng và mê muội theo bóng nàng, từ đó mỗi đêm, hắn mơ thấy nàng và hắn ôm nhau bơi trong đại dương như trong phim ‘người cá’… Thế rồi mỗi chiều, mỗi tối là tiếng nhạc ‘Chiều tà’, ‘Dạ khúc’, ‘Sầu’, ‘Dòng sông xanh’, ‘Cánh hồng Trung Hoa’... lần lượt tuôn ra từ cây đàn của một chàng trai nghèo đến từ một xứ cà phê đất đỏ xa xôi.
...Một tối thứ bảy nọ, hắn đã can đảm tìm đến nhà nàng. Từ trong một cái building cao ngất với hai cánh cửa sắt đen sì như một ông khổng lồ, giống như cánh cửa mà vua Đường Thái Tôn bước qua địa ngục để gặp ‘Thôi Giác phán quan’, nàng mở cửa ra, cặp mắt nhìn hắn có vẻ ngạc nhiên là tại sao hắn biết nhà nàng, nhưng cặp mắt đó cũng biểu lộ sự hân hoan tiếp đón, phụ nữ mà, người ta thường biết ai có cảm tình với mình và ai yêu mình!
...Tối đó, nàng lấy cây đàn Mandoline, cây đàn Guitar và cái kèn Harmonica ra, những bản nhạc tình của con ‘tử ma lũy’ và hắn lần lượt được tuôn ra, chàng đánh đàn cho nàng nghe và nàng đánh đàn cho chàng nghe… Hắn sẽ tiếp tục học nhạc để trở thành một Chopin nào đó mà cùng với nàng hòa lên tình khúc ‘Tiếu ngạo giang hồ’ suốt đời! Cứ thế, mỗi tối thứ bảy hắn lại đến và hắn như sống trong một thế giới đầy ảo mộng của tình yêu: Vương sầu nơi nao/Ý thắm tàn mau/Chưa nguôi yêu dấu/Mắt đã hoen mầu thương đau/Khóc lúc đêm thâu...
-Sầu Chopin, nhạc Frédéric Chopin, LV Phạm Duy, trình bày Anh Hoan Nguyễn: https://www.youtube.com/watch?v=AsL8cEe8kSQ
…Có một tối thứ bảy nọ, khuya rồi, khi hắn đang tình tự với con ‘tử ma lũy’ thì có bóng một người phụ nữ từ trên cầu thang bước xuống, đó là mẹ nàng, bà hỏi mấy câu về bản thân và gia đình của ‘chàng rể tương lai!’, trong lúc cặp mắt của bà dò xét hắn từ trên xuống dưới, hắn có cảm giác như bà muốn tìm hiểu cặn kẽ về… kiếp ‘NGHÈO’ của hắn...
...Cuối cùng hắn cũng mò đến được cái building nọ, trời lúc đó mưa càng to kêu ầm ầm, người ướt sủng từ trên xuống dưới, hắn kêu cửa khá lâu và vô cùng hồi hộp chờ người ‘yêu’ ra đón, hắn nhìn không rõ, có một bóng đen bước đến gần cánh cửa, bóng đen này không mở cửa mà chỉ đứng đàng sau cánh cửa ‘địa ngục’ đó và nói vọng ra đầy vẻ... chối từ: ‘Em là em của chị Lan đây, chị ấy đi chơi rồi! Nói xong, bóng đen lập tức biến mất.
...Tiếng nhạc lòng của hắn lập tức tắt ngấm một cách vô cùng thảm thương, ông Chopin bỗng kinh hoàng ôm bản ‘Tristesse’ rơi từ thiên đàng xuống địa ngục, một tia chớp khủng khiếp xẹt xuống với tiếng sét kinh hồn đánh cái rầm vào đầu hắn. Với linh cảm của hắn, bản án tử hình tình yêu đã lên tiếng và Thượng đế đã phán ‘Khúc tình đầu, hẹn về sau’, vâng, khúc tình đầu thì có, nhưng hẹn về sau thì không có: Tiếng hát đương tơ/Ta muốn níu em về với dòng châu/Ta hướng hết u sầu đến đời sau/Ta muốn tìm mau tới cõi nào nương náu...
Tiếp câu chuyện và cũng là đoạn kết của bài viết:
…Hắn đã chết lặng trong nhiều năm. Mười hai năm sau, trong một dịp ghé lại cái ‘thành phố buồn’ đó, động tác đầu tiên của hắn là ghé thăm nàng, vào một đêm tối não nùng, có tiếng chuông nhà thờ kính coong và ru hồn đung đưa như trêu ghẹo con người trong cõi sống - chết, một kẻ si tình đã đi bộ và lần mò đến cái building nọ, hắn gõ cửa nhiều lần mà chả có ai lên tiếng, tòa nhà vắng tanh, sau đó hắn hỏi thăm một bà già đang bán hàng ở trước nhà nàng, bà ấy trả lời là cô ấy không còn ở đây nữa, hình như đã đi Mỹ rồi, và một lần nữa, bước chân hắn lại thẫn thờ đi xuống lòng mộ địa…
H...ết.
---
*Xem chuỗi bài trước tại:
1. Văn hoá Mỹ, Tàu và Việt - Phần 1: https://www.facebook.com/nhagom.labang/posts/1721976194660906
2. Văn hoá Mỹ, Tàu và Việt - Phần 2: Số 13 là con số... hên nhất? https://www.facebook.com/nhagom.labang/posts/1723244701200722
3. Văn hoá Mỹ, Tàu và Việt - Phần 3: Núi Rushmore và Bảo tàng Khủng long: https://www.facebook.com/nhagom.labang/posts/1727643664094159
4. Văn hoá Mỹ, Tàu và Việt - Phần 4: Thơ Tàu, Mỹ và Việt: https://www.facebook.com/nhagom.labang/posts/1729161667275692
5. Văn hóa Mỹ, Tàu và Việt - Phần 5: Tàu, Tây, ta nói triết: https://www.facebook.com/nhagom.labang/posts/1729877630537429
*Hình 1: Tinh thần của âm nhạc; Hình 2: ‘Chiều tím’ sau lưng Hotel California; Hình 3: Thành phố buồn Đà Lạt; Hình 4: Sài Gòn 1961 - nơi đụng độ tình yêu của gã... ‘Chopin-vn’ sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét