Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

16. Trung dung trong đào tạo


1. Trong Đào tạo giảng viên (TOT = Training Of Trainers), phương pháp “đào tạo người lớn tuổi (adult training)” có thể được xem là một phương pháp tiên tiến, mới được hình thành cách đây khoảng 60 năm ở các nước phát triển.
Phương pháp tiếp cận này có cùng bản chất là “tham gia” với Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân (Participatory Rapid Appraisal = PRA) hoặc Phương pháp tiếp cận từ dưới lên (Bottom-up).
Phương pháp này dần dần trở thành một khoa học độc lập, mặc dù đã được phổ biến trên khắp thế giới thông qua các dự án phát triển, nhưng đại đa số các giáo viên lại chưa được tiếp cận với phương pháp này vì các khóa học này rất ít được tổ chức, vì chưa được tham gia các dự án ODA/dự án phát triển hay là có học rồi nhưng chưa hiểu hết hoặc chưa vận dụng được.
Phương pháp này có tiếp cận giống nhau cơ bản với Phương pháp sư phạm là lấy học viên làm trung tâm nhưng có những khác nhau đặc trưng (xem dưới). Phương pháp đào tạo người lớn tuổi là một phương pháp tiếp cận chủ yếu trong TOT, trong đó các khái niệm dưới đây được đặc biệt coi trọng (xem chi tiết ở các phần sau):
·        Khái niệm trung dung/Sự hỗ trợ,
·        Sự tham gia,
·        Tự khám phá,
·        Sử dụng công cụ trực quan
·        Lấy thực hành làm cơ sở, ...

2. Phương pháp đào tạo truyền thống hoặc phương pháp sư phạm đang áp dụng xưa nay trong các nhà trường, chủ yếu là dành cho sinh viên và học sinh. Mặc dù phương pháp này vẫn lấy học viên làm trung tâm nhưng “thầy” giáo thường đóng vai trò truyền đạt kiến thức và học sinh tiếp thu một cách thụ động.
Phương pháp đào tạo của các dự án ODA (quốc tế), phổ biến là trong TOT, về bản chất không khác phương pháp đào tạo truyền thống. Tuy nhiên trong phương pháp này, “đào tạo viên” rất chú trọng sự tham gia, sự tự khám phá/sáng tạo, thảo luận nhóm, …, để tạo sự chủ động của học viên thông qua nhiều công cụ trực quan sinh động khác nhau để có chất lượng đào tạo cao hơn.
Phương pháp đào tạo truyền thống không mâu thuẫn với phương pháp đào tạo trong các dự án ODA. Cần phải kế thừa và tiếp thu những kinh nghiệm quý báu từ phương pháp đào tạo truyền thống này.
Nói chung, kiến thức, kỹ năng và thái độ là “hành trang” cơ bản của một đào tạo viên (xem giải thích trong phần “trung dung” bên dưới). Sự khác nhau đặc trưng giữa phương pháp đào tạo người lớn tuổi trong TOT và các phương pháp đào tạo khác chỉ có liên quan đến một số khái niệm, phương pháp/kỹ thuật đào tạo và các kỹ năng sử dụng công cụ trực quan (visual tools) và sự khác nhau này chỉ có tính chất tương đối.

3. Bất cứ một phương pháp tiếp cận đào tạo nào hay kỹ thuật/kỹ năng đào tạo nào cũng nhắm tới việc khuyến khích học viên động não để học viên có thể thể hiện tối đa tiềm năng hiện có của mình.
Phương pháp tiếp cận trong đào tạo thường nói các cách tiếp cận tổng quát và có chất vĩ mô. Ví dụ: đào tạo lấy học viên làm trung tâm, đào tạo có sự tham gia, đào tạo người lớn tuổi, ... Nói chung, các phương pháp tiếp cận trong đào tạo đều có các phương pháp/kỹ thuật đào tạo và các kỹ năng đào tạo.
Phương pháp đào tạo khác với phương pháp tiếp cận đào tạo. Người ta thường hiểu phương pháp đào tạo (training methods) là kỹ thuật đào tạo (training techniques). Một kỹ thuật đào tạo thể hiện cách thực hành có tính chất chung, được phổ biến và được chấp nhận (có thể biên soạn thành một “mô đun” trong đào tạo) Ví dụ: kỹ thuật hỏi và đáp, kỹ thuật thảo luận toàn hội trường, kỹ thuật thảo luận nhóm, kỹ thuật trình giảng, ...
Trong khi đó kỹ năng đào tạo lại thể hiện những cách vận  dụng/thực hành chuyên môn hoặc sử dụng các công cụ đào tạo ở quy mô nhỏ hơn và chi tiết hơn trong một thời điểm nhất định nào đó. Ví dụ: kỹ năng dùng phiếu chuẩn bị, kỹ năng dùng bảng trắng, kỹ năng dùng giấy A0,… Ở quy mô nhỏ hơn nũa, người ta thường dùng chữ kỹ xảo, tiểu xảo để chỉ những kỹ năng tế nhị hơn.

4. Có nhiều tiêu chí để đánh giá khóa học, tuy nhiên trong các dự án ODA, sự tham gia là tiêu chí quan trọng nhất. 
Sự tham gia có thể được xem như là nền tảng triết học của đào tạo, với bất cứ phương pháp luận/kỹ thuật đào tạo nào. Sự tham gia được đánh giá cao nhất trong việc đánh giá thành công của một khóa học. Có nghĩa là một khóa học thiếu sự tham gia không thể được xem như là thành công.
Phương pháp đào tạo truyền thống thường hoặc vô tình hạn chế sự tham gia của học viên, còn phương pháp đào tạo của dự án ODA lại rất chú trọng sự tham gia để đạt được hiệu quả và chất lượng đào tạo cao hơn.
Muốn có sự tham gia của học viên, phải biết áp dụng nhiều kỹ thuật/kỹ năng đào tạo khác nhau, trong đó việc sử dụng các công cụ trực quan mang lại hiệu quả cao hơn.

5. Khái niệm tự khám phá (self-discovery) được đặc biệt đề cập trong khi đào tạo. Khái niệm tự khám phá đồng nghĩa với khái niệm sáng tạo. Sáng tạo là quy luật của muôn đời, đặc biệt là đối với các tổ chức/tập thể. Sáng tạo là tiến hóa, là quy luật để phát triển một tập thể (ví dụ như công ty, trường học, …) dù là trong thế kỷ này hay các thế kỷ khác trong tương lai.
Trong một số nghiên cứu về đào tạo, có rút ra ý kiến như sau:
·        Nếu chỉ nghe một cách thụ động thì chỉ nhớ được 10-20% (3 ngày sau khóa học),
·        Nếu có nghe và nhìn thì nhớ 30-40%,
·        Nếu nghe + nhìn + công cụ trực quan thì nhớ 50%-60%,
·        Nếu có nghe + nhìn + thực hành thì nhớ 70-90%,
·        Nếu học viên tự khám phá bản thân mình thì nhớ 90% (và hơn nữa).

5. Trung dung, dưới một giác độ nào đó, là cốt lõi trong triết học Lão Trang, là giao giới của âm dương trong Kinh Dịch, là “vô” trong triết lý Phật giáo ở Ấn độ, Nepal, … (Ở đây không hàm ý là đào tạo viên theo trường phái triết học nào).
Có thể hiểu một cách đơn giản là trung dung là đứng giữa và dung hòa các chính kiến với một thái độ khách quan (không thiên vị). Trong đào tạo, khái niệm này được thể hiện bằng cách xem đào tạo viên như là một người hòa giải, là một “trọng tài” không thiên vị.
Đào tạo viên là người biết lắng nghe, động viên và tôn trọng chính kiến hoặc tín ngưỡng của các cá nhân. Không có tình cảm thiên vị hay thành kiến cá nhân trong đào tạo. Cũng không có một ý kiến nào bị loại trừ. Cụ thể là không có chuyện thương học viên này, ghét học viên kia hoặc ý kiến này là đúng, ý kiến kia là sai. Để quyết định được đúng sai, cần biết sử dụng một số kỹ thuật đào tạo được hướng dẫn dưới đây.
Căn cứ vào khái niệm tự khám phá nói trên, học viên mới chính là người quyết định và đồng thuận cái nào là kết luận cuối cùng, trong đó đào tạo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ và tư vấn vì đã có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn trong một chuyên môn cụ thể. Vì vậy người ta thường gọi đào tạo viên là hỗ trợ viên (facilitator).
Một người thầy hay là một đào tạo viên, thì cơ bản phải có một “hành trang” gồm 3 yếu tổ, đó là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Kiến thức là khả năng hiểu biết sâu và rộng về một môn học hoặc một chuyên đề nào đó. Còn kỹ năng là kinh nghiệm thực hiện những kiến thức đó vào thực tế. Và thái độ bao gồm quan niệm/nhận thức và những hành vi ứng xử, đặc biệt là đối với đối tượng đào tạo của mình. Biển học là vô bờ, kinh nghiệm thì không bao giờ là đủ, nên kiến thức, kỹ năng và thái độ cần luôn luôn được bổ sung, đổi mới và hoàn thiện. Cần phải học từ những đồng nghiệp khác và từ cuộc sống.

6. Người lớn tuổi là những người (giảng viên, thầy, kỹ sư, nhà thầu, chuyên gia, lãnh đạo, chuyên viên, CBCNV, …, đến từ các BQLDA/Sở ban ngành, Bộ/Cục/Vụ/Viện, trường Đại học/Cao đẳng/Trung cấp,  …) đã có nhiều hoặc ít kiến thức, đã trải qua nhiều kinh nghiệm, đa phần đủ khả năng để quyết định một vấn đề là đúng hay sai. Tuyệt đối không nên có suy nghĩ chủ quan là người lớn tuổi/học viên là “không biết gì”.
Khác với học sinh/sinh viên là những người mới vào học (một môn hoặc một chuyên đề nào đó) và cần “nạp” kiến thức của thầy càng nhiều càng tốt. Vì trong nhà trường, có tồn tại đẳng cấp, nên mới goi là “thầy” và “trò”. Trong khi đó, trong các dự án ODA, vì học viên là người lớn tuổi, nên không tồn tại đẳng cấp dù dùng danh xưng gì đi nữa. Vì vậy đúng hơn nên gọi đào tạo viên là “hỗ trợ viên đào tạo” và học viên là “người tham dự”. 
Người viết có thể giới thiệu một số kỹ thuật và kỹ năng đào tạo cho người lớn tuổi (nếu cần). Cũng cần nhắc là có 2 loại hình đào tạo là đào tạo chính quy “formal training” và đào tạo tại chỗ/nơi làm việc “on-the-job training (OJT)”. Đào tạo chính quy là các khóa đào tạo tập trung tại hội trường hay lớp học. Trong khi đó đào tạo tại chỗ là đào tạo cầm tay chỉ việc, hoặc dễ hiểu hơn, là đào tạo để học viên có thể làm tốt hơn công việc chuyên môn của mình tại nơi làm việc của họ./. 
(Ngày 4/3/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét