Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

24. Viết cái gì? Nói cái gì?


Hắn chịu thua. Quả thật là khó nói.
Đơn giản là hắn bị một cây kim chích. Hắn bị đau.
Mà “kim” đây không phải là kim thường, “đau” đây không phải là đau thường, mà là “đau khổ”.
Nhưng hắn là một “con”, một con người. Cây kim là một vật “ngoại thân”, hắn lại cảm thấy đau ở “nội thân”. Thế là hắn sinh ra “ý niệm” là hắn bị đau. Chuyện phức tạp bắt đầu từ 2 chữ ý niệm.
Thế mối liên quan giữa con người và mối đau ở nội thân là cái gì? Ai bị đau? Họ phản ứng như thế nào? Có cái gì chung hay đặc trưng của những “cái đau của con người”?

Thế là hắn nghĩ đến mấy “người” như Aristotle, Lão Tử, Trang Tử, tí nữa lại tòi ra cái ông Phật, rồi ông Chúa…
Rồi đến chuyện mấy “người” ở thế giới Hồi giáo, rồi Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, rồi Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông….
Rồi đến Shakepeare, Tagore, rồi Napoleon, Nguyễn Huệ, Khang Hi, Càn Long, rồi đến Newton, Lepnit, Galilei, Copernic, rồi Karl Marx, Lenin, rồi Einstein, Cauchy, Hinbert, …
Lang thang một hồi, hắn thấy, ngay bây giờ đây, nhiều người đang quằn quại trong nỗi đau nội thân, thế là hắn ghé thăm Kim Dung, Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, …

Bạn đừng để ý mấy con người “nổi tiếng” nói trên nhé (hì..hì..). Hắn đã học được từ đời thường gấp ngàn, gấp vạn lần từ trong sách. Mỗi lần trích dẫn cái gì từ sách vở (hắn đã từ bỏ chuyện đọc sách 15 năm nay rồi) , hắn thấy khổ tâm lắm, nhưng hắn nghĩ trích dẫn một cái gì đó từ đời thường hay từ trên mạng, bản chất vấn đề cò gì khác nhau đâu, chuyện trên mạng cũng là chuyện đời thường mà! Một anh chàng hay cô nàng “hai lúa” nào đó mà bạn nhặt được trên đường nhiều khi có thể tâm sự với bạn những ý niệm “thực và có giá trị” không thể nào ngờ được. Vì sao, vì họ là tác phẩm “thực” nhất của tự nhiên.

Tiếp, rồi hắn mới phát hiện ra “con người” vẽ vời nỗi đau của họ bằng nhiều cách. Tùm lum hết. Hắn không những va chạm các con người mà còn tiếp cận cái gắn kết với con người gồm thị dục huyễn ngã, tình dục, tình yêu, cái tự nhiên nhiên nhiên, cái vô chiêu, …Rồi họ tìm mọi cách để vượt tấm lưới thiên la địa võng “đau khổ” đời đời kiếp kiếp trùm lên số phận họ. Rồi đến các tôn giáo hay các các triết gia đã cho họ những bài thuốc huyển hoặc và vô phương chữa trị, kể cả cái thiên đường (mà không bao giờ có thực!).

Hắn cũng thừa cẩn thận. Hắn nói thật, biết thế nào cũng có người chửi, có người thôi, ai cũng lo cho số phận của mình, có thì giờ đâu mà chửi hắn. Hắn không ngại mấy cái ông không tin vào thần thánh (nhưng không hẳn là duy vật). Mấy cái ông duy vật cãi nhau kịch liệt với mấy cái ông duy tâm, có một nghịch lý là nhiều khi mấy cái ông duy vật lại là người duy tâm cực kỳ, tương ứng, mấy cái ông duy tâm, ví dụ đứng trước tiền bạc và danh lợi lại càng khôn đáo để và duy vật gấp rất rất nhiều lần mấy cái ông duy vật, sự giả dối là như vậy, đời là trò hề...

Hắn chỉ hơi bị ngại mấy người tự xưng là mình có khả năng “cảm nhận” được thần thánh. Đó là những đối tượng đặc biệt …, hì hì, là người chả ra người, ma chả ra ma, ma đực không ra ma đực mà ma cái không ra ma cái. Con người tạo ra thần thánh và đã lợi dụng thần thánh quá nhiều, trong khi đó thần thánh chưa bao giờ lợi dụng con người cả.

Ủa, nói một hồi rồi hắm đâm ra phê bình ai đó à? Phê bình làm cái gì, có lợi lộc gì? Đó là hắn nghĩ thế nào nói thế đó.
Nói chuyện ngoài lề một tí, có một hôm hắn gặp một người bình thường theo đạo Thiên chúa. Ông ta nói chuyện rất khách quan và không thiên vị tôn giáo nào. Mọi người rất thán phục. Nhưng có một câu ông ấy nói “gọi “thánh Ala” bên đạo Hồi cũng như là gọi “chúa” bên đạo Thiên chúa vậy”, ai cũng tin là đúng. Sau đó, hắn có suy nghĩ, và xin trích ra đây một đoạn cho rộng đường dư luận:

“Thánh Ala ? !
Khoảng thời gian sau ngày đất nước Việt Nam độc lập hoàn toàn vài năm, mọi người bắt đầu thấy cụm từ “thánh Ala” được dùng, đầu tiên là trong những phim ảnh, tiểu thuyết dịch từ nước Nga (lúc đó còn gọi là Cộng hòa Liên bang Xô Viết), sau đó được sử dụng qua các phương tiện thông tin khác, đến nay đa số mọi người tại Việt Nam đã quen dùng cụm từ này, nhưng riêng những tín đồ Islam dùng ngôn ngữ Việt trong cũng như ngoài nước Việt Nam đều xa lạ, dị ứng và không hề có bất kỳ một tín đồ có ý thức nào đồng ý dùng cụm từ này.
Theo đức tin của tất cả mọi người Muslim: Đấng Thượng Đế ALLAH (SWT) vô cùng vĩ đại, không có bất kỳ một nhân vật nào được so sánh ngang hàng với Ngài, Ngài là Đấng Duy Nhất Sáng Tạo muôn loài vạn vật từ vô hình đến hữu hình, từ siêu vi vật thể đến vũ trụ bao la, từ mầm sống đầu tiên đến sự hủy diệt cuối cùng v.v…tất cả đều tùy thuộc vào Sáng Tạo và quyền Quyết Định của Ngài.
…Trong tôn giáo Islam không hề có ngôi vị nào gọi là thánh cả !
Nhà tiên tri Môhamet ?
Cùng một cách như trên, nhiều người Muslim cứ thắc mắc mãi không biết vì sao mà Rosul Muhammad (SAW) lại được gọi là : Nhà tiên tri ?
…nếu Việt hóa cách gọi Đấng Tạo Hóa chỉ có từ tạm dùng là Thượng Đế ALLAH ; Rosul hoặc Nabi Muhammad tạm thời dùng từ Thiên Sứ Muhammad mà thôi.” (http://www.haidang....thanh-ala...tien-tri-mohamet)

Tiếp, hắn lại nghĩ đến chuyện “mèo lại hoàn mèo”. Thượng đế, nếu có, đã bày đặt ra một cuộc chơi mà không bao giờ có lời giải đáp, mặc cho chúng bây luận lộn tùng phèo. Hình như Thượng đế đang ngồi rung đùi cười khì hay đang nghễnh bụng vỗ bành bạch, hết sức lý thú vì cái lũ người này cho mấy ngàn năm mà cũng chỉ là người mù sờ voi, và không nghĩ ra một cái giải pháp nào cả… Ông Phật đi đường ông Phật, ông Chúa đi đường ông Chúa, ông Muhammad đi đường ông Muhammad, …, chẳng ông nào giống ông nào, đến nỗi cái ông Neitzche gì đó đã phải tuyên bố là “Thượng đế đã chết” (thật là sáng suốt), cái ông Bùi Giáng phải điên lên để hi vọng “phá” được cái bí của mình, cái ông Karl Marx nói “Cái vũ trụ này tự nhiên mà có”!!! (đại loại là như vậy), ông Trang Tử chơi ngay một chiêu “vô vi” luôn, ông Phạm Công Thiện thì nói nặng nói nhẹ, …

Như vậy thì hỡi Thượng đế:

Ta trả lại cho ngài câu hỏi đó,
Không có hạnh phúc,
Không có giải thoát,
Không có Thượng đế,
Ta chuyển về cho ngài một tờ giấy trắng
Ngài ôm nó lấy đi,
Làm gì thì làm,
Tuỳ ngài,
Ta không có bà con gì với ngài hết. 

(Ngày 10/3/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét