Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

124. Thuyết “Xã Hội Bất Hủ” - Hồ Thích


 (Các bạn thân mến, hắn xin dán vào đây bài viết của Hồ Thích, nhà triết học Trung Quốc. Lý do đơn giản là hắn có lần uống cà phê, có nghe nói rằng Nguyễn Hiến Lê có đề cập đến ông này, nên hắn tò mò, thế thôi. Nguồn tư liệu này chắc là ở ‘chợ trời’ ở Đà Nẵng: ‘…đã vào Google tìm khắp Internet không thấy, phải nhờ anh bạn ở Đà nẵng ra tiệm sách cũ sưu tầm, scan gửi vào, rồi đánh máy lại cho anh dễ sử dụng vào blog nếu anh thích…’.  Xin các bạn đọc đừng quan tâm đến tính chất ‘chính trị’ trong bài này - nó hoàn toàn không dính líu gì đến chính trị - mà hãy quan tâm đến tính tư tưởng của nó, và có thể, các bạn sẽ hiểu tại sao ông ta là nhà triết học. Theo thiển ý của ‘nhà gom lá bàng’, bài này là không dễ hiểu tí nào. Nếu các bạn không chê ‘hắn’ thì xin hãy vui lòng bỏ ít thời giờ đọc bài Chân lý của loài người và những suy nghĩ kỳ quặc của hắn’ và bài ‘Phi Kim-Dung và tình yêu’ trong blog này, trong đó hắn có lồng tư tưởng của ông ta (và nhiều triết lý khác), may ra… Cuối cùng, mong các bạn hãy lấy vui là chính, vì triết là gì?, hắn không biết, hắn chỉ biết phi-triết mà thôi. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ. Trân trọng).                                                                                                                       

(...) Sinh mệnh của xã hội, vô luận là xét về chiều ngang, chiều dọc, đều giống như một cái máy tổ chức. Xét về chiều dọc thì lịch sử của xã hội không dứt. Người trước ảnh hưởng đến người sau, người sau lại ảnh hưởng đến người sau nữa. Không có tổ tiên ta và vô số cổ nhân thì làm sao có bạn và có tôi ngày nay? Không có bạn có tôi ngày nay thì làm sao có người đời sau? Không có những cá nhân vô lượng số đó thì không có lịch sử, nhưng không có lịch sử thì vô số cá nhân đó cũng không có hình dáng đó. Xét về chiều ngang thì sự sinh hoạt của xã hội ảnh hưởng lẫn nhau. Cá nhân tạo thành xã hội, xã hội tạo thành cá nhân. Sự sinh hoạt của xã hội toàn là nhờ sự sinh hoạt của các cá nhân chia công việc mà hợp tác, những sự sinh hoạt của các cá nhân vô luận khác nhau ra sao, đều không thoát khỏi ảnh hưởng của xã hội. Nếu không có xã hội như thế thì quyết không có bạn và có tôi. Nếu không có vô số bạn và tôi thì xã hội quyết không như thế.
Thế giới này là một khối đặc lớn trong đó nhât thiết các vật chất đều liên tiếp với nhau. Nếu có một điểm biến động thì vật chất của toàn bộ bị ảnh hưởng… Một cá nhân chẳng những tiếp tục chiu ảnh hưởng của người thân ngay bên cạnh mình mà còn gián tiếp chịu ảnh hưởng của người rất xa. Cho nên ở trong thế gian, vô luận là cách xa nhau hay gần, ta đều chịu ảnh hưởng lẫn nhau cả. Cho nên mỗi một người trên thế giới đều chịu ảnh hưởng của hết thảy những động tác của toàn thế giới. Như quả người đó có cái trí tuệ biết khắp được vạn vật thì người đó có thể xem thấy nhất thiết các hành động của thế gian trong thân của mỗi người. Vô luận là quá khứ hay vị lai, đều nhìn thấy được; ở trong hiện tai có cái ảnh vô cùng thời gian và không gian.
Do sự thế giới quan và xã hội quan ảnh hưởng lẫn nhau đó mới sinh ra thuyết mà tôi gọi là thuyết “xã hội bất hủ”. Đại ý của thuyết “xã hội bất hủ” đó là cái “tôi nhỏ" này của cái tôi không phải là độc lập tồn tại mà quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp cái “tôi nhỏ” khác, có cái quan hệ lẫn nhau ảnh hưởng đến toàn thể xã hội, toàn thể thế giới, có cái quan hệ nhân quả với quá khứ và vị lai của xã hội và thế giới. Những cái nhân từ trước tới nay, những cái nhân mà vô số cái “tôi nhỏ” hiện tại với vô số thế lực khác sinh ra, đều tạo thành một bộ phận nhỏ là cái “tôi nhỏ” này của tôi. Cái “tôi nhỏ” này của tôi, thêm vào những cái nhân của hiện tại, truyền lần lần xuống, tạo thành vô số cái “tôi nhỏ” của tương lai. Những cái “tôi nhỏ” quá khứ kia, với những cái “tôi nhỏ” của hiện tại, với những cái “tôi nhỏ” vô cùng tương lai kia, một đời lại truyền một đời, một điểm lại thêm một điểm, một dây kéo dài, liên miên không đứt, một dòng chảy xuôi, bao la bất tuyệt; đó là cái “tôi lớn”. Cái “tôi nhỏ” thì chết, cái “tôi lớn” thì vĩnh viễn không chết. Cái “tôi nhỏ” tuy nhiên là chết, nhưng nhất thiết hành vi của cái “tôi” nhỏ, nhất thiết những công đức, tội ác, nhất thiết những lời nói, công việc, vô luận lớn nhỏ, vô luận phải trái, vô luận thiện ác, nhất thiết đều vĩnh viễn còn lại ở trong cái “tôi lớn”. Cái “tôi lớn” đó là cái bia ghi công của nhất thiết những cái “tôi nhỏ” từ xưa đến nay, là tòa đền phô những điều thiện, là cuốn sách phán những tội trạng… Cái “tôi lớn” đó là vĩnh viễn bất hủ, cho nên nhất thiết sự nghiệp, nhân cách của những cái “tôi nhỏ” nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất tiếu, một quan niệm, một công lao, một tội lỗi đều vĩnh viễn bất hủ. Đó là cái bất hủ của xã hội, cái bất hủ của cái “tôi lớn”.
Một “bức tường đất thấp” che một người gảy cây đàn ba dây. Tiếng đàn làm nổi lên vô số những đợt sóng ở trong không gian, những chất điểm bị xúc động của không khí đó, trực tiếp hay gián tiếp xúc động vô số những chất điểm bên cạnh; những đợt sóng đó từ gần đến tương lai, từ phút này đến những phút vô lượng, đến thời gian vô cùng: đó đã là bất diệt bất hủ rồi.
Trong thời gian ấy, một thi nhân ở ngoài “bức tường đất thấp” đó, nghe âm thanh của cây đàn ba dây đó, đột nhiên nổi lên một ý niệm, do ý niệm đó thành một bài thơ hay, bài thơ hay đó truyền tụng rất rộng, những người đọc nó đều nổi lên những ý niệm, ra vô số các động tác, đến vô cùng. Nhưng người gảy đàn ba dây ở sau “bức tường đất thấp” kia, làm sao biết được những ảnh hưởng mình phát sinh ra?
Một người bị bệnh lao ngẫu nhiên khạc ra một cục đờm ở ngoài đường, cục đờm đó nắng làm khô, hóa ra bụi nhỏ, bị gió  thôỉ ở trong không trung, phiêu tán đi khắp nơi, càng thổi càng xa, đến thời gian vô cùng. Ngẫu nhiên một người ốm yếu, có một bộ phận bịnh, hô hấp bụi đó vào, sinh ra lao, do một người thân đó truyền sang một nhà, lại do một nhà truyền sang vô số nhà. Truyền nhiễm quanh quẩn như vậy, đến không gian vô cùng, đến thời gian vô cùng. Nhưng người khạc đờm ra, xương đã thối nát rồi, làm sao biết được những ác quả ấy?
Một ngàn sáu trăm năm trước, có một người tên là Phạm Thận, nói mấy câu rằng: “Thần đối với hình, ví như sự sắc bén đối với con dao; chưa nghe nói dao mất mà sự sắc bén còn, há hình mất mà thần còn được?”. Mấy câu đó ở đương thời bị vô số người công kích. Đến đời Tống có người tên là Tư Mã Quang đem mấy câu đó chép vào cuốn “Tự vị thông giám” của ông. Một ngàn năm sáu trăm năm sau, có một đứa trẻ 11 tuổi – là tôi – đọc tập thông giám đến mấy câu đó, trong lòng rất cảm động, sau câu đó lại ảnh hưởng đến tư tưởng và hành vi trong nửa đời của nó. Nhưng người nói mấy câu đó là Phạm Thận đã sớm chết một ngàn sáu trăm năm trước rồi.
Hai ngàn sáu bảy trăm năm trước, ở Ấn Độ có một người cùng dân chết vì bệnh, không ai chôn cho, cái sọ phơi trên đường đã thối nát. Một chiếc xe đi ngang ở bên, trên xe có một vị Thái Tử ngồi thấy cái thây người thối nát đó mà bỏ cả phú quý, bỏ cả cha mẹ, vợ con, một mình tự đi tìm phương pháp giải thoát cảnh sanh, lão, bệnh, tử. Sau vị vương tử đó trở thành một giáo chủ, sáng lập ra một tôn giáo triết học, cảm hóa vô số người. Thế lực ảnh hưởng của người đó, đến nay vẫn còn, vĩnh viễn còn lại, cho đến vô cùng. Sự đó, người chết ở bên đường mà thây thôi nát kia, có thể tưởng đến được không?
… Theo ý riêng của tôi thi quan niệm “xã hôi bất hủ” đó có thể làm là tôn giáo cho ta được. Giáo chỉ của tôn giáo chúng ta là:
Cái “tôi nhỏ” hiện tại này của chúng ta, đối với cái “tôi lớn” vô cùng qúa khứ, vĩnh viễn bất hủ kia, phải gánh một trách nhiệm trọng đại, đối với cái “tôi lớn” vô cùng vị lai, vĩnh viễn bất hủ kia, cũng phải gánh một trách nhiệm trọng đại. Ta phải thường nghĩ gắng sức lợi dụng cái “tôi nhỏ” ra làm sao, mới không phụ cái “tôi lớn” vô cùng quá khứ kia, không di hại cho cái “tôi lớn” vô cùng vị lai kia.
Nguồn: Hồ Thích (*)    

(*) HỒ THÍCH: Hu Shi; tên thật: Hồng Tân; tên chữ: Thích Chi; 1891 - 1962), nhà văn, nhà triết học Trung Quốc thời cận - hiện đại, người An Huy (Anhui). Năm 18 tuổi, sang Mỹ du học, bảo vệ luận án về triết học cổ đại Trung Quốc ở Đại học Columbia (1915). Năm 1917, về nước, đề xướng cách mạng văn học, kêu gọi dùng bạch thoại thay văn ngôn. Dạy triết học ở Bắc Kinh. Những năm 1928 - 30, hiệu trưởng Trường Đại học Ngô Tùng, Thượng Hải. Năm 1938, làm đại sứ Trung Hoa dân quốc tại Mỹ. Hồ Thích là người truyền bá  chủ nghĩa thực dụng ở Trung Quốc, cho rằng thực tại chỉ là các mối quan hệ về cảm giác giữa con người, ông theo thuyết duy tâm chủ quan, tuyên truyền tư tưởng tự do cá nhân, dân chủ và khoa học. Các tác phẩm chính: "Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc" (1919), "Lịch sử văn học bạch thoại" (1928), "Lịch sử triết học thế giới 30 năm nay" (1925), "Hồ Thích văn tồn" (3 tập, 1930).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét