Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

138. Đạo đức và thế nào là ‘hệ quy chiếu’


Các bạn thân mến, bài viết này hoàn toàn là nhật ký. Mình sẽ đề cập đến vấn đề ‘đạo đức và thế nào là 'hệ quy chiếu'.

Hôm qua, chiều ngày 25/12/2011, mình ngồi ở trạm chờ của hãng xe Thành Bưởi, buồn tình vói tay đọc được tờ báo Tuổi trẻ và báo CAND có nói đến vụ một ông PGĐ sở tỉnh nọ đánh cờ tướng với một ông GĐ cấp dưới, có lúc đến 5 tỉ/ván cờ.

Rồi mình đi trên xe, ngồi cạnh một ông giảng viên dạy ‘Vật lý cơ bản’ thuộc Bộ giáo dục. Ông có nhắc đến Hệ quy chiếu trong Toán học và Vật lý học.
Hai người mới bàn nhau về chuyện rằng hình như ở ta, thế hệ trẻ chưa có một khái niệm rõ ràng về một ‘hệ quy chiếu’ về đạo đức. Những người lớn bây giờ cũng từ trẻ được giáo dục mà thành, lúc nhỏ các cháu vì được đào tạo chạy theo ‘chỉ tiêu’ và vì có quá nhiều sinh viên trong quá nhiều trường đại học nên chất lượng đào tạo không cao hay không ‘rõ ràng’ (và việc ‘tôn sư trọng đạo’ hình như không còn là một chuẩn mực đạo đức trong xã hội hiện nay).
Một số cháu không có khái niệm và không ý thức được rõ ràng thế nào là những tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu của một con người trong guồng máy vận hành của xã hội. Ngay từ năm thứ nhất, một số cháu đã nghĩ đến cách làm giàu (thậm chí là làm thế nào để lấy tiền từ kho bạc nhà nước một cách tốt nhất), đến năm thứ hai và thứ ba, tiêu chí ‘làm sao có thật nhiều tiền’ hầu như đã trở thành một chuẩn mực đạo đức (!) trong giới sinh viên và các em cho đó như là hiển nhiên. Đồng ý người ta có quyền làm giàu, nhưng làm giàu như thế nào, điều đó chưa được rõ ràng trong đầu óc của một số cháu. Và dường như các bậc phụ huynh phải chấp nhận ‘sống chung với lũ’ liên quan đến ‘tư tưởng’ quá xu thời này.
Mình và ông thầy ấy có nói chuyện về một cháu bé người Nhật, trong vụ động đất và sóng thần, có một chú người VN thấy cháu đói xanh mặt nên đã cho cháu một phần thức ăn, chú ấy tưởng rằng đương nhiên là cháu ấy sẽ vồ ngay và ăn lấy ăn để, nhưng cháu đã đem phần thức ăn đó nộp lại cho ban tổ chức, chú ấy hỏi: 
- Tại sao cháu đang rất đói mà không ăn vậy? 
Cháu đã quay mặt đi, ứa nước mắt và sau đó trả lời rằng: 
- Cháu muốn có sự công bằng, cháu không muốn mình có phần nhiều hơn trong khi những người khác cũng đói như cháu’.  (Nguồn: các bạn có thể đọc chi tiết trong Phạm Doãn blog, …)
Thế ở tỉnh nọ thì sao, làm sao người ta chỉ là một cán bộ nhà nước lương chỉ vài triệu đồng/tháng mà có thể đánh cờ tướng từ 1-5 tỉ/ván hay đánh ăn thua đến 22 tỉ, tiền đó ở đâu ra!
Chiều nay ở cơ quan mình người ta bàn rất lùm xùm:
- Tin giật gân nè, có ông PGĐ sở đánh cờ một ván 5 tỉ nè, thua 22 tỉ nè…

Vâng, người ta đã được giáo dục từ nhỏ hai từ ‘công bằng’, đã được giáo dục về ‘tình đồng loại’, đã được giáo dục là ‘không ăn hơn người khác’. Vâng, nếu có thiên đường thì thiên đường đó phải đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản. Vâng, mình chỉ mong sao cho các cháu hiểu và ý thức được rằng, làm tiền là quý và là động lực phát triển của xã hội, nhưng phải dựa trên cơ sở công bằng, ý thức về tình đồng loại, không tham nhiều hơn cái mà xã hội phân phối tương xứng với khả năng của mình, và đặc biệt là làm sao giáo dục cho các cháu có ý thức triệt để về ‘tiết kiệm’ đồng tiền mồ hôi xương máu mà những người lao động đã vô cùng vất vả để tạo ra nó. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét