Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

171. Những thái cực


‘Lý thuyết thì màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi (Goethe)’
Có những chuyện đối với mình lại thuộc chuyện ngày xửa ngày xưa. Số là khi còn trẻ, mình bị những biến động tâm lý mà những điều mình học được ở trường bị biến mất hầu như hoàn toàn. Vì vậy, mình hay nói là mình nhớ lại thế này, mình nhớ lại thế kia, đó không phải là trí nhớ, hì..hì…, mà đó là các ấn tượng mà có thể thuộc một loại trí nhớ khác, không giống như trí nhớ thông thường, chắc chỉ có các nhà tâm lý học mới biết, chính mình cũng không biết.
Chiều hôm đó là một buổi chiều rất phức tạp trong tâm trí của mình, nhưng lại là một buổi chiều hạnh phúc nhất kể từ khi mình mở cái blog này, một giấc mơ hoàn toàn có thật chứ không ảo – đó là lần đầu tiên ‘thiên thần bé nhỏ’ chịu xuất hiện, nàng nói với mình rằng nick của nàng là ‘bí ẩn’, thì dĩ nhiên mình phải tuân ‘lệnh thiên thần bé nhỏ’, vâng, em là bí ẩn. Chỉ biết là nàng ủng hộ mình ‘hết mình’, mình nói thật chứ không phải là tự cao, chả lẽ vì sợ người ta bảo mình là tự cao nên mình phải nói dối!
… Mình nhớ lại cái không gian 2 chiều của Descartes, nó có trục tung, trục hoành, chính giữa là con số 0, và… hai đầu của nó kéo dài tới vô tận (âm vô cực và dương vô cực). Điều đó làm có lúc mình nghĩ nếu định lượng cho ‘lý thuyết’ là ‘1’ thì ‘ngoài lý thuyết’ là vô cùng vô tận, và giữa ‘lý thuyết’ và ‘ngoài lý thuyết’ là bất khả so sánh, đồng thời mình lại cảm thấy xấu hổ cho sự hiểu biết nông cạn của mình.
Nhưng không gian 2 chiều, theo người ta nói, là không gian của một ‘con kiến’, con kiến chỉ biết chiều ngang và chiều dọc chứ không biết chiều cao, nên nó không bao giờ nhảy thẳng từ trên mặt bàn xuống đất, mà phải tìm mọi cách bò vòng vòng cho đến khi xuống được mặt đất mà thôi.
Không gian 3 chiều cũng tương tự, khác với không gian 2 chiều là nó có thêm chiều cao, mà các trục được gọi là Ox, Oy và Oz. Nhưng không chỉ có thế, còn có thêm một chiều nữa, đó là chiều của thời gian, gọi là trục là Ot, tạo nên không - thời gian 4 chiều, và cũng từ đó, thuyết tương đối ra đời.
Nhưng không dừng lại ở đó, ta có không gian ‘n’ chiều hay không gian vô hạn chiều, đặc biệt là được dùng trong thế giới lượng tử. Còn nhiều nữa…, điều này dành cho các nhà toán học, mình chỉ suy nghĩ về các thái cực chứ không phải là về toán học.
…Chúng ta hãy quay về một ‘hệ trục tọa độ’ rất đời thường, đó là hệ thống chấm điểm từ 0 -> 10. Trong khi chấm thi đại học, chẳng hạn, người ta chỉ cho các giáo viên chấm chênh lệch tối đa là 2 điểm, trong một bài văn nào đó, ví dụ giáo viên A chấm 4 điểm, giáo viên B chấm 6 điểm, tuy nhiên sự chênh lệch đó cũng đã là quá khủng khiếp rồi.
Đặc biệt là dạo trong thế giới blog, có lần mình xem một entry (hình như một blogger ở Tiền Giang, không thuộc loại yahoo.360) và các bình luận bên dưới của entry đó. Mình thấy có người bình là ‘trên cả tuyệt vời’, các bạn biết không, tuyệt vời là nhất rồi, nên lời bình này tương đương với việc cho 10 điểm. Nhưng lại có một lời bình tương đối thiếu lịch sự, đại ý nói là ‘mầy học ở đâu mà ăn nói ngu như vậy’, lời bình này tương đương với việc cho 0 điểm, dĩ nhiên là bloger Tiền Giang đó vẫn tỉnh bơ như không, y còn nói ‘tôi chỉ là kẻ sống dưới gốc lúa, tôi đã là con số 0 rồi, nếu có ai đó cho tôi 0 điểm thì tôi chả mất cái gì cả’, rất hay! Đặc biệt, người nhận lời bình đó là một tay rất ‘chịu chơi’, y trả lời xoáy - xoay chả kém gì GS Cù Trọng Xoay, chửi mấy y cũng chịu đựng được và có cách trả lời khéo léo.
Tuy nhiên, lúc đó mình có một suy nghĩ là với ‘hệ trục tọa độ’ nào hay các tiêu chí cơ sở nào mà một entry có thể là 10 điểm và đồng thời có thể là 0 điểm, độ chênh lệch đó không phải là 2 điểm mà là 'vô cùng', quả thật là vô cùng nghịch lý, giả sử rằng chỉ có 2 người bình thôi thì rõ ràng trong 2 người đó phải có một người bình sai. Mình suy nghĩ cả mấy tháng trời, thì té ra là người cho 0 điểm đó là y nhìn 1 chiều, đó là thành kiến/chính kiến, do entry đó viết trái với ý của y, nên y cho 0 điểm, hì..hì… Còn cái gì nữa không, còn, giả sử y tên là Nguyễn Văn X, y đọc entry đó, y tưởng là người ta nói về y, trong lúc blogger Tiền Giang nọ lại hoàn toàn tập trung nói về nhà văn Trần Văn Y cách đây 2 thế kỷ, có nghĩa là khi viết entry đó, blogger này đang tư duy ở một 'chiều không gian khác', hoàn toàn độc lập với ông X và hoàn toàn không nghĩ gì đến ông X cả.
Quay lại vấn đề ‘hệ trục tọa độ’, mình chợt nghĩ là chả lẽ người ta đánh giá cái gì đó, mà lấy cái 'tôi' của mình để thay thế khoa học, chả lẽ người ta lấy lý thuyết mình đã học để thay thế thực tiễn hay lấy cái ‘lý thuyết’ để so (!) với cái ‘ngoài lý thuyết’, …, chả lẽ và chả lẽ, mình có nhớ trong một vở kịch trên GALA cười, diễn viên hài Đức Khuê có nói một câu ‘như thế thì biết thế nào mà lần’, …
…Tuy nhiên, quả thật là mình thiếu bạn hữu nên được gặp ‘thiên thần bé nhỏ’ mình rất mừng, mình kể lại câu chuyện ở Tiền Giang và hỏi ý kiến của nàng ra sao, nàng trả lời rất là tức cười: ‘blog này là blog của tui, tui có thể thêm, tui có thể bớt, thậm chí tui có thể xóa blog của tui, tui viết tâm sự cho vui, tui không ám chỉ ai, thì ai đó cũng xin miễn ám chỉ tui, vui thì đọc, không vui thì thôi, vui thì vào, không vui thì thôi, cớ gì lại nói xấu tui!’, đại khái là như vậy.
Cũng chiều hôm đó, trên đường đi về nhà, mình cứ cười thầm về cái chữ ‘tui’, mình nhớ mang máng là hình như trong đời mình cũng có xài chữ ‘tui’ ở đâu đó, nói thiệt, nghe chữ ‘tui’ mình hơi khó chịu một tí, hổng thích, nhưng nay lại được nghe thiên thần nhỏ bé nói chữ ‘tui’, mình lại thấy hay hay, và… tự nhiên mình thích chữ ‘tui’, hì..hì...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét