Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

223. Nam Phương Hoàng hậu - hạnh phúc ngắn ngủi!

Thế là dằm ở trong tim
Thế là chàng giống cánh chim cuối trời
Nét son còn đó ai ơi
Nét son hờ hững, vắng lời nói anh
Tình là mỏng mỏng manh manh
‘Người hay buồn' ấy, băn khoăn đêm ngày
Nhìn ra cửa, biết chờ ai!
Càng nhung, càng nhớ, càng phai nhạt tình
Chàng theo hình bóng lung linh
Để em hiu quạnh, một mình khổ đau. 
(Cảm hoài, NGLB)
Có một blogger nữ nói rằng ‘Nam Phương Hoàng hậu cuối đời bị Bảo Đại bỏ rơi và chết trong cô đơn lặng lẽ, chứ có hạnh phúc gì đâu!’, điều đó làm mình chú ý, tại sao bà là hoàng hậu mà lại không được hạnh phúc? Lưu ý rằng, bài viết này được nhìn dưới giác độ ‘người uống cà phê’, người viết chỉ quan tâm đến vấn đề ‘sa lưới tình’ và có liên quan, chứ không bình luận về vấn đề chính trị hay các tổ chức/cá nhân được nhắc đến. 

Nam Phương Hoàng hậu (1914-1963) là hoàng hậu duy nhất được phong khi còn sống dưới triều Nguyễn (1802-1945), là ‘viên kim cương cuối cùng của triều Nguyễn’ và cũng là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. 
Bà có tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4/12/1914 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang, xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có nhất nhì ở miền Nam thời bấy giờ.
Nam Phương là tên do Bảo Đại đặt: ‘Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là ‘Hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud)’ và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng - màu dành riêng cho Hoàng Đế’ (Bảo Đại - Hồi ký ‘Con rồng An Nam’).
Lúc nhỏ nàng học ở Sài Gòn, năm 12 tuổi đi học ở Pháp (mang quốc tịch Pháp, tên là Marie Thérèse Lan, nhũ danh Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào) và tốt nghiệp ‘tú tài toàn phần’ tại đấy. Nàng còn là người rất xinh đẹp, nghe đồn rằng nàng đã từng 3 năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương (wikipedia), cho đến nay ở Việt Nam chưa có ai đạt kỷ lục này!
Năm trong số các 7 bà 'vợ' của Bảo Đại có nhan sắc hoàn mỹ mà đã được báo Tân Hoa Xã, Trung Quốc vừa đăng tải hình ảnh và dành lời ngợi khen, đó là: Nam Phương, Lê Thị Phi Ánh, Bùi Mộng Điệp, Hoàng Tiểu Lan và Monique Baudot.
Các bức hình chụp lúc 18-19 tuổi cho thấy nàng có dáng người thanh lịch, miệng chúm chím như san hô, môi duyên, mũi dọc dừa, cặp mắt thường nhìn về xa xôi và ẩn chứa trong đó một khát vọng nào đó, khuôn mặt hiền, thanh tú và đủ tươi... Trong các bức hình chụp nhiều năm sau khi làm Hoàng hậu, khuôn mặt 'bà' trở nên nghiêm túc, có chút lạnh nhạt và hơi trầm buồn, mắt thường hơi nhìn xuống, vào hư vô, thiếu ‘thần’ và phản ánh một nét gì đó của sự mất tập trung đối với ngoại giới…, có lẽ đây là dấu hiệu cho thấy bà sẽ có một đọan cuối cuộc đời không được khởi sắc!
Năm 18 tuổi, nàng được sắp xếp để gặp Bảo Đại tại Đà Lạt, nhưng nàng đến dự tiệc chủ yếu là do nể lời cậu (là Lê Phát An), do đó nàng không trang điểm chải chuốt lắm, chỉ mặc một chiếc áo dài bằng vải lụa đen. Cách ăn mặc giản dị đó của nàng đã làm ‘Hoàng đế’ để ý, chàng bị chinh phục từ cái nhìn ban đầu và sau đó mắt hầu như không rời khỏi khuôn mặt của nàng. 
Ngược lại, Bảo Đại cũng nhanh chóng chinh phục được tình cảm của nàng do đẹp trai, phong độ (qua một số hình và trong phim), là một chàng trai phong lưu nổi tiếng: biết đàn hát, khiêu vũ, bắn súng, chơi tennis…, có phong cách nhã nhặn và lịch thiệp của một người đã từng tốt nghiệp trường ‘đào tạo làm vua’ bên Pháp…
Nơi thành phố mộng mơ, chàng luôn được sắp xếp ngồi gần ‘cô Lan’ trong các buổi dạ tiệc hay dạ hội, hai người còn cùng chơi tennis, đi sắn bắn, thưởng ngoạn những phong cảnh thiên nhiên hữu tình (chàng tự lái xe chở nàng đi)… Điều này càng làm cho cảm giác giới tính triển nở, hai người ngày càng gắn bó, và chàng ngày càng say mê nàng. 
Nàng nói: ‘Cuộc hôn nhân giữa tôi với Hoàng thượng là một sự tình cờ. Chúng tôi gặp nhau trong một buổi dạ hội tại Đà Lạt năm 1933. Lúc đó tôi mới 18 tuổi, tôi không để ý gì đến Hoàng đế, nhưng Hoàng đế đã chú ý đến tôi...’ (trả lời phỏng vấn phóng viên của một tờ báo Sài Gòn).  
Còn chàng nói: ‘Sau những cuộc gặp gỡ trên sân quần vợt, những buổi dạ tiệc, dạ vũ tôi có đến thăm M.J. Lan nhiều lần tại ngôi biệt thự sang trọng của gia đình họ Lê ở Đà Lạt. Cô Lan là một cô gái có một vẻ đẹp thuỳ mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê, vì vậy tôi ngỏ ý xin cưới M.J. Lan và được gia đình đồng ý’ (Bảo Đại - Hồi ký ‘Con rồng An Nam'). 
Trời mưa nhớ tiếng vĩ cầm
Mong ngày gặp gỡ thì thầm tai em
Mưa hoài, mưa suốt cả đêm
Ếch kêu 'oạc oạc', bỗng thèm gối chăn
Ước gì được gặp cô ‘Lan’
Cà phê cà pháo mơ màng ngắm trăng
Tình là ánh mắt rung rung
Tình là tim đập phập phùng sắp rơi! 
Tình yêu đến, ngỡ trong mơ
Trái tim đa cảm, ơ thờ được sao! 

Trong việc lấy Nam Phương, Bảo Đại cũng có ít nhều khái tính. Mặc dù khác tôn giáo (Nam Phương là người Công giáo, Bảo Đại theo đạo Phật), nàng lại có quốc tịch Pháp, triều đình và cả hai dòng họ bên trai và bên gái đều lắm dị nghị, phản đối…, nhưng Bảo Đại vẫn bất chấp tất cả và ‘quyết’ cưới nàng: ‘Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình’. Đám cưới của đôi ‘trai tài gái sắc’ này diễn ra ngày 20/3/1934, khi đó chàng mới 21 tuổi, còn nàng mới 19 tuổi.
(hình minh họa)
Với một vẻ đẹp lộng lẫy, nàng là người đàn bà đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn xuất hiện giữa cung Càn Chánh. Cũng trong lễ cưới, Bảo Đại đã thề tôn trọng chế độ 'một vợ một chồng' theo truyền thống Thiên chúa giáo... Sau đó hai vợ chồng về ở điện Kiến Trung thuộc khu vực Tử Cấm Thành.
Ngay sau khi đám cưới, nàng được phong Hoàng hậu, có thể một phần là Bảo Đại ‘đổi mới’ do được hấp thụ văn hoá Phương Tây (dưới triều Nguyễn, các bà vợ vua chỉ được phong Vương phi, khi chết mới được phong Hoàng hậu), nhưng điều chính là xuất phát từ một trong những ‘điều kiện’ của nàng trước khi lấy Bảo Đại... Trong quãng thời gian đầu, hai người sống với nhau rất hạnh phúc, bà đã hạ sinh được 2 hoàng tử và 3 công chúa, đó là: Bảo Long (1936), Bảo Thắng (1937), Phương Mai (1938), Phương Liên (1942) và Phương Dung (1943).
Tự nhiên khổ khổ đau đau 
Tự nhiên sao bỗng lại sa lưới tình
Chiều nay thấy dáng em xinh 
Bỗng tim rực lửa bình minh phừng phừng
Hoa dại làm dại người dưng
Anh thương, anh đến, anh dừng, anh... say
Nỗi lòng biết nói cùng ai
Anh nhớ em nhất khi nào xa em. 

Với tư cách là Hoàng hậu, bà tham gia vào một số công tác ngoại giao, xã hội, giáo dục, y tế, đoàn kết tôn giáo… như tham gia các nghi thức ngoại giao và các buổi lễ tiệc do hoàng gia tổ chức, tham gia công tác từ thiện, quyên góp, đi thăm một số trường… Ngoài việc được đánh giá cao là một hoàng hậu mẫu mực và nhân từ, một người vợ hiền thục (sau khi có con, bà đã dành hầu hết thời gian để chăm sóc con cái), sống không thị phi, không than van trách móc, bà còn là người yêu nước và nhạy cảm với thời cuộc. Bà viết:  ‘Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi’ (Wikipedia).Sau Cách mạng tháng Tám, Bảo Đại thoái vị, năm 1946, ông tham gia một phái đoàn ngoại giao của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sang thăm Trung Hoa, rồi tự ý ở lại (sau đó quay lại Việt Nam và làm Quốc Trưởng (tháng 7/1949), rồi đến sau tháng 10/1955 thì lưu vong dài hạn bên Pháp). Năm 33 tuổi (1947), Nam Phương và các con rời Việt Nam sang định cư tại Pháp... Kể từ đó cho đến cuối đời, trong một mảnh đất rộng 150 mẫu với rừng bao quanh, nhà là một biệt thự xây bằng đá cẩm thạch có 32 phòng…, Bảo Đại hiếm khi ghé thăm, con cái ở xa ít về, bà sống âm thầm, lặng lẽ tại một làng cổ (làng Perche, thuộc tỉnh Corrèze, Pháp), bắt đầu chuỗi ngày tháng được gọi là ‘cô đơn và lặng lẽ’ của bà. Ngày 16/9/1963, bà qua đời do viêm phổi nặng đột xuất, thọ 49 tuổi. 
Còn Bảo Đại thì liên tục ‘sa lưới tình’, ông hết lấy bà Bùi Mộng Điệp, rồi lấy Lý Lệ Hà, rồi Hoàng Tiểu Lan, rồi Lê Thị Phi Ánh… Anh Bảo Đại ơi, anh đã hứa:
Mãi một tình yêu mới hôm qua
Mãi một tình yêu buổi sáng này
Mãi một tình yêu khi mai tới
Mãi một tình yêu, mãi... mãi... hoài! 
Nhưng:
Hấp hé đào non mát cực kì
Quân tử nhìn xong chẳng muốn đi
Bỗng nhiên sao lòng lưu luyến vậy
Vị đắng trần gian không... mấy khi! 

Kiếp người, cái chết và hạnh phúc!
Nhìn dưới giác độ ‘sa lưới tình’, có thể chia cuộc đời 'bà' Nam Phương ra làm 2 giai đoạn:
- giai đoạn hạnh phúc (!): 12 năm, từ 1934 đến 1946, và 
- giai đoạn ‘bất hạnh’: 16 năm, từ 1947 đến 1963.
Thường hồng nhan thì đa truân: ‘Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (Nguyễn Du)’, trước và trong giai đoạn 'bất hạnh' này, Bảo Đại dần lún sâu và đam mê các ‘bóng hồng’ mà không ngó ngàng gì tới bà. Bà sống lặng lẽ, dù đang ở trong cương vị chính thức là Hoàng hậu hay không, trước cảnh ‘ngoài vợ ngoài chồng’, không riêng gì Nam Phương mà bất cứ người phụ nữ nào cũng không tránh khỏi cảnh tủi phận, xót xa và đau khổ!
Thường thì phụ nữ thọ hơn nam giới cỡ chừng 20 năm, nghĩa là bây giờ có nhiều bà vẫn còn sống, trong khi mấy ông chồng của các bà đã chết cách đây 20-30 năm rồi! Ngược lại đối với Nam Phương, là một hoàng hậu có tính cách xứng đáng là bậc ‘mẫu nghi thiên hạ’, là một bà mẹ/người vợ hiền thục, chăm chỉ, yêu nước, thương con, tính tình thì trầm tĩnh và không màng thị phi... mà lại chết trong cô đơn lạnh lẽo, lúc mới có 49 tuổi. Trong khi đó, Bảo Đại ăn chơi khét tiếng mọi miền Nam Bắc kể cả bên Pháp…, mà lại là vị vua thọ nhất triều Nguyễn, thọ 84 tuổi, thọ hơn bà đến 35 năm! 
‘Người giàu cũng khóc’, làm hoàng hậu chưa hẳn là đã hạnh phúc, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho phụ nữ khi muốn lấy ‘hoàng đế' - kẻ không thuộc về riêng bất cứ một người đàn bà nào. Và dù là hoàng hậu hay hoàng đế thì cuối cùng cũng phải 'tiến về con số không', đó là cái… chết, và dường như cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu đã chỉ cho hậu thế rằng: 'hạnh phúc trên cõi đời này quả thật là ngắn ngủi, hay nói chính xác hơn, là hư ảo'!
Hình: “Ici, repose l'impéreatrice d'Annam née Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào”
(Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam nhũ danh Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào) 

Người ta đồn rằng Nam Phương là một người cực giàu nhưng sống thiếu hạnh phúc. Trong hơn 16 năm cuối đời - hơn nửa đời còn lại của người đàn bà, trong một tòa nhà rộng lớn đầy vắng vẻ âm u ở một ngôi làng xa xôi hiu quạnh, bà hầu như phải sống trong cô đơn và lặng lẽ, trong khi Bảo Đại liên tục có những người tình mới và hiếm khi về, con cái thì ở xa và ít khi gặp nhau (trừ 2 người giúp việc)…
Ngày bà lên ngôi càng kiêu sa lộng lẫy bao nhiêu thì ngày bà vĩnh viễn ra đi càng cô quạnh bấy nhiêu, đám tang của bà được tổ chức 'thưa thớt, vắng vẻ, không tiếng khóc than, không lời ai điếu..., nấm mộ đơn sơ đặt trong nghĩa trang của nhà thờ ngay tại Chabrigna', đúng như tính cách ‘lặng lẽ’ của bà, và chìm vào sự tĩnh lặng vô cùng của vũ trụ đại ngàn:
Cuộc đời là như vậy, phải không anh?
Như chiếc thuyền nan, tan vỡ chòng chành 
Gió thôi nhẹ tênh, em lòng giông bão
Nhìn xuống đáy sông, còn chỉ bóng mình
Bơ vơ lạc lỏng, trong chốn tục trần
Cuộc đời tan nát, lạc cõi phù vân  
Rả rích khuya mưa, ứa tràn dòng lệ 
Tình chết trong mê, về đến mộ phần. 

--------------------------------------
Entry có liên quan:
-Bảo Đại đi về đâu? http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/07/224-bao-ai-i-ve-au.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét