Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

257. Phạm Công Thiện, anh là ai?

(tất cả triết gia đều là những kẻ bị ung thư tinh thần, PCT, 12-10-94)
Trước tiên, mình xin nói sở dĩ mình gọi ‘tiền bối’ Phạm Công Thiện là ‘anh’ vì đầu năm 2012 mình có gặp một người ‘bạn’ của Phạm Công Thiện. Anh ấy nói rằng anh đã từng giao tiếp với Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An…, đặc biệt là ở quanh khu vực cầu Trương Minh Giảng (Sài Gòn), gần trường đại học Vạn Hạnh trước đây. Lúc mình gặp, anh bạn này 70 tuổi, nhỏ hơn Phạm Công Thiện 1 tuổi, vì anh ấy là một ‘ẩn sĩ’ nên mình không tiện nhắc tên ra ở đây, và vì mình gọi anh ấy là ‘anh’, nên mình gọi Phạm Công Thiện là ‘anh’ cũng là bình thường.
Thứ hai, mình là kẻ ‘hậu học’ (học sau). Ở ta, các thế hệ sau ‘thường’ nghĩ rằng các bậc 'tiền bối’ nổi tiếng trước đây là tới ‘ngưỡng’, là vĩ đại!..., nên không dám nói gì nhiều. Nếu cứ với cách nghĩ như thế thì thế hệ trẻ cứ bị tụt hậu dài dài! Không có ai cấm hậu bối vượt qua tiền bối, ‘con hơn cha, nhà có phúc’ - điều này là quan trọng, trong đó ‘anh’ là một trong những ví dụ điển hình, nhưng sự khiêm tốn lại càng quan trọng hơn (xem phần kết luận). 
Thứ ba, nhận định về Phạm Công Thiện ngày nay là rất… phức tạp, người thì ca tụng ‘anh’ lên tới mây, người thì chê; bên thì nói triết của anh thế này thế nọ, bên ngược lại thì nói khác. Điều đó làm cho khoảng ba mươi năm nay, mình và các bạn sinh viên rối tung cả lên. Mình viết bài này với một mục tiêu nho nhỏ là giúp các sinh viên (hay ghé vào nhà mình chơi) hiểu một cách tương đối mà thôi.
Phạm Công Thiện (1941-2011) có bút hiệu là Hoàng Thu Uyên (thời trẻ), sau này còn có pháp danh là Thích Nguyên Tánh, quê ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ông được xem là thần đồng khi còn nhỏ (nghe đồn là ông biết khoảng 18 ngoại ngữ!, trong đó có tiếng La-tinh và tiếng Phạn), là ‘thi sĩ triết gia’ khi thành danh, là giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh, rồi là giáo sư của Viện Nghiên cứu Phật học bên Mỹ (College of Buddhist Studies, Los Angeles)... Ông rất nổi tiếng với giới trí thức và sinh viên trong và ngoài nước trước năm 1975: 'Cái tên Phạm Công Thiện chẳng xa lạ gì với một tầng lớp sinh viên học sinh thành thị miền Nam cỡ tuổi tôi' (theo Nguyễn Xuân Hoàng). Và ngay cả sau năm 1975, vẫn còn có rất nhiều trí thức/blogger ngưỡng mộ ông.
(Ngoài các đoạn văn ‘triết’ được trích dưới đây, mình xin trích một đoạn thơ trong bài thơ ‘Ngày sinh của rắn’ của anh mà đã được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc với bài hát tên là ‘Tôi đứng trên đồi mây trổ bông':
'mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông’ (nguồn 1)

Nói đến Phạm Công Thiện là nói đến các ‘chấn động’ sau đây:
- Anh được triết gia Henry Miller (1891-1980) mời qua Mỹ gặp mặt: ‘Năm 1965, tôi được gặp Henry Miller tại Pacific Palisades ở California. Trời đất đã sắp đặt cho tôi gặp Henry Miller tại Huê kỳ để được ông ‘điểm đạo’ (Nguồn 4).
…Trong những năm 1960, ở miền Nam có một cái cầu nối ‘văn hóa’ sang Paris. Lúc đó, Phạm Công Thiện đã nổi tiếng như cồn nên mỗi tác phẩm anh vừa viết thì lập tức được một nhóm trí thức người Việt ở Paris dịch sang tiếng Pháp, rồi tiếng Anh, và được phổ biến khá rộng rãi ở trời Tây. Xin nhắc lại, Henry Miller thời đó được coi là một trong những con chim đầu đàn về triết học/văn học bên Mỹ (!), khi ông ta đang ngồi bên Mỹ, bỗng giật mình là ‘tại sao có một người Việt Nam mà viết về triết của mình hay hơn mình?’, ông bèn viết thư mời Phạm Công Thiện sang Mỹ gặp ông ấy, từ đó có truyền thuyết về chuyện ‘Phạm Công Thiện uống cà phê với Henry Miller dưới trời mưa’.
- Anh nói về các từ ‘chay, cháy, chày, chảy, chạy’: ‘Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử, không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn’ (nguồn 1).
…Lúc còn là sinh viên triết, đọc sách của anh, đến đây chúng mình bỗng thấy tức cười, sao anh lại thấy rằng đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại chỉ nằm vỏn vẹn trong mấy chữ ‘chay, cháy, chày, chảy, chạy’ nhỉ? Các bạn hãy tìm hiểu thêm trong mạng và nghĩ thử xem!
- Anh nói về Hàn Mặc Tử: ‘Tất cả những gì người ta viết và nói về Hàn Mặc Tử trong vòng sáu chục năm nay đều sai lầm hoàn toàn. Vì sao? Người ta viết và nói đến cái mà Hàn Mặc Tử đã vượt qua trọn vẹn trong mỗi lời và trong mỗi chữ mà Hàn Mặc Tử đã bỏ lại dấu vết trên mặt đất’, hay ‘Hàn Mặc Tử vỗ cánh phượng hoàng và bay xuống đậu giữa Thiên Thanh, Rimbaud và Hoelderlin đứng dậy chắp tay, đứng về phía trái; Keats và Leopardi đứng dậy chắp tay, đứng về phía mặt; Hàn Mặc Tử bay xà xuống đậu ngay chính giữa; ngay lúc ấy, lập tức hai Thi Sĩ bên trái và hai Thi Sĩ bên mặt quì xuống lạy ba triệu lạy; khi bốn Thi Sĩ lạy xong và ngước mặt lên thì Hàn Mặc Tử đã vụt biến mất và hoả diệm sơn biến thành một quả trứng phượng hoàng khổng lồ: quả trứng phượng hoàng cô liêu xoay tròn năm vòng và thu hình nhỏ lại thành trái đất; từ ấy, trái đất liên tục xoay tròn giữa vũ trụ vô biên và con người không còn làm thơ nữa’ (nguồn 2).
…Lúc đọc đoạn này, chúng mình cũng tức cười, thơ Hàn Mặc Tử hay là nhờ ‘hàng độc’ do anh bị ức chế mà ra thôi - anh đang ở tuổi xuân phơi phới mà bị bệnh cùi và nhốt trong Lầu Ông Hoàng, trong khi đó tiếng gọi của tình khúc âm-dương vẫn luôn thôi thúc anh… (giống như con trai phải ngậm hạt cát một cách đau đớn mà hình thành cái hạt ngọc trai đẹp lóng lánh vậy), chứ Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng, Xuân Diệu… chả thua gì Hàn Mặc Tử đâu! Làm gì mà đến nỗi trên 60 năm nay mà mọi người đều ‘hoàn toàn sai lầm’ khi nói về Hàn Mặc Tử (chỉ trừ có Phạm Công Thiện là không sai lầm!), và làm gì mà đến nỗi mà các đại thi hào của thế giới như Rimbaud, Hoelderlin, Keats và Leopardi lại phải… quỳ lạy ‘Giáo chủ’ Hàn Mặc Tử đến 3 triệu lạy!
- Anh nói về Hố Thẳm: ‘Chỉ có tư tưởng, tơ tưởng và sử linh tư tưởng là xuất phát từ Hố Thẳm (Tây gọi là Abîme, Tàu gọi là Thâm Uyên, Anh Mỹ gọi là Abyss, Đức gọi là Abgrund; anh bạn ngày xưa ở Việt Nam, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền đã cho rằng tôi lấy chữ Hố Thẳm từ Nietzsche, điều này đúng, nhưng chưa đúng đắn hẳn, chính Eckhart, Kant, Hegel, Schelling, Hölderlin và Jacob Boehme mới là những người đầu tiên đã tặng cho tôi hai chữ Abgrund và Ungrund mà tôi đã nhắc trong quyển Im Lặng Hố Thẳm)... Tư tưởng, Tơ tưởng và Sử linh Tư tưởng trú ngụ nơi Hố Thẳm Không Đáy mới mở ra tất cả chân trời cho Triết Học, Khoa Học, Toán Học và Tôn Giáo… Tất cả nền tảng đều sụp đổ, ngay đến Hố Thẳm Không Đáy cũng sụp đổ, và cả đến Hố Thẳm của Hố Thẳm cũng phải sụp đổ, tất cả mọi sự sụp đổ đều phải sụp đổ ngay lập tức, còn nói chi nữa đến những cái gọi là những kiến trúc ý niệm, những xây dựng lý tưởng, những hệ thống ý thức và những tập đại thành của ý tưởng, tất cả những thứ này chỉ là những trò hý luận của những tên hề tài tử, những tên hề tập sự không còn có khả năng để làm cho nhân loại cười to tiếng hay cười nhỏ tiếng… Một người hề duy nhất thơ mộng làm cho mình mỉm cười sầu mộng mênh mông siêu việt, một người hề đùa giỡn với Hố Thẳm, nhập một với Hố Thẳm, đó là người hề của truyện Smile at the Foot of the Ladder của Henry Miller, nhưng đây là chuyện khác’ (nguồn 2, 3).
…Cái ‘hố thẳm’ mà Eckhart, Kant, Hegel, Schelling, Hölderlin và Jacob 'tặng!' anh, trong đó có Nietzsche tuyên bố ‘thượng đế đã chết’ là xưa lắm rồi, cái ‘mặt trời không bao giờ có thực’, cái ‘địa ngục’ mà từ đó sản sinh ra ‘tinh hoa’ trí tuệ hay cảm thức của con người không còn là mới mẻ gì nữa, còn cái hố thẳm với tư cách là ‘sự tĩnh lặng’ thì xưa nay nhiều blogger biết rồi!
- Anh nói về ‘viết lại toàn bộ lịch sử văn học của nhân loại’: ‘Hãy đốt hết. Chỉ chừa lại những quyển sách của Henry Miller’… ‘Còn lại cái gì? Hölderlin, một nhà thơ đã điên trong ba bốn chục năm còn lại của đời mình, đã tuyên bố lặng lẽ cho toàn thể loài người rằng: Nhà thơ phôi dựng những gì còn lại... Hölderlin là tiêu chuẩn để viết lại toàn thể lịch sử văn học Đức và toàn thể lịch sử văn học Tây phương, cũng như Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử là tiêu chuẩn để viết lại toàn thể lịch sử văn học Việt Nam và toàn thể lịch sử văn học Á Đông’ (nguồn 2).
…Mình không tin là chỉ với Henry Miller mà không cần phải đọc bất cứ một cuốn sách (về tư tưởng) nào nữa, chỉ với Hölderlin mà ta phải viết lại toàn bộ lịch sử văn học phương Tây, hay chỉ với Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử mà ta phải viết lại toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam và Á Đông!
- Anh dùng từ một cách táo bạo: ‘tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng, tôi thủ dâm với thượng đế sinh ra loài người, cho quê hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ, mặt trời có thai! mặt trời có thai!, sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt’ (Ngày sanh của rắn, nguồn 4), hay ‘Ngay đến Heraclite, Parmenide và Empedocle, bây giờ tao còn xem thường, tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện đại, chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta… Nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ’ (anh nói về Goethe, Dante, Sartre, Beauvoir)… Tao đã gửi thiền tông vào một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới. Về dạy học và các văn sĩ cùng thời: thời gian tao học ở Hoa Kỳ, tao đã bỏ học vì tao thấy những trường đại học mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ hơn là họ dạy tao... Bây giờ nếu có Phật Thich Ca hay Chúa Giê Su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa. Tao là học trò của tao và chỉ có tao làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không để ai làm thầy tao. Còn các văn sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lặp đi lặp lại vô ý thức hay có ý thức: trí thức ‘mười lăm xu’, ái quốc nhân đạo ‘ba mươi lăm xu’, triết lý tôn giáo ‘bốn mươi lăm xu’ (nguồn 3).
…Lịch sử nhân loại là lịch sử của ‘mỗi con người’ từ quá khứ cho đến nay và tương lai, của hơn 6 tỉ người trên thế giới này, nếu chỉ có Henry Miller thì chả làm được gì, nếu nói vậy thì hàng vạn blogger trong thế giới blog là cái gì? những Newton, Einstein, Beethoven, Mozart hay Kim Dung... để ở đâu? Và dễ gì coi thường (mà muốn coi thường cũng không được) những ‘bậc’ như Heraclite, Parmenide, Empedocle, Socrate, Goethe, Dante, Sartre, Beauvoir, các thiền tông sư, các giảng viên ở đại học Yale, Columbia, Phật Thích Ca, Chúa Giê Su… Anh nói như thể muốn gây lộn vậy, nếu anh mà gặp các ‘bậc’ nói trên thì chỉ có nước… tạm biệt họ sớm!

Tất nhiên mình không phải là một nhà nghiên cứu về Henry Miller, Phạm Công Thiện hay Hàn Mặc Tử, mình có mục tiêu của mình, mình quan niệm sự hiểu biết là tất cả những cái gì có giá trị ở thực tế!
Theo mình biết, 'triết' của Henry Miller, Heidegger, Nietzsche, Albert Camus, Franz Kafka, Macquez, Jean Paul Sartre… gì gì đó thì sau 1975 được gọi là… ‘triết học hiện sinh’. Nó ảnh hưởng đậm/ít nhiều đến Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn… và hàng loạt trí thức và sinh viên thời đó. Trong thực tế, việc dùng từ chuyên ngành ‘triết học hiện sinh’ ngày nay đã và đang làm cho rất nhiều người khó hiểu, muốn hiểu thì phải tra từ điển! Theo một số nhà phê bình lớn ở Mỹ La-tinh hay phương Tây thì đó là triết học về ‘thân phận con người’, một phần của nó là thứ chủ nghĩa ‘hiện thực huyền ảo’, một phần là ‘siêu thực’, một phần là 'hư vô', thậm chí một phần biến thành chủ nghĩa ‘bi quan cực đoan cá nhân’... mà Hemingway, Jack London, Macquez, O. Henry… đã từng đưa (phần nào) vào trong các tác phẩm của họ.
Phải thừa nhận là anh viết tóm lược tư tưởng rất hay, có thể nói là ‘bậc nhất’, hồi còn sinh viên mình có đọc một cuốn sách của anh (nói về Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử, Krishnamurti và một số triết gia, đại thi hào/văn hào… đã kể ở trên), bây giờ mình vẫn còn thán phục, đó là điều rất đáng học hỏi.
Phải thừa nhận là anh có kiến thức rất uyên bác, biết gần hết tư tưởng/văn học Đông-Tây kim cổ (cũng như Bùi Giáng, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Văn Trung, Cao Xuân Hạo, Hoài Thanh - Hoài Chân…), những tư liệu mà anh viết cũng rất đáng học hỏi: 'Những tác phẩm của anh đã góp một phần nhỏ cho văn hóa Việt' (theo Kính Tâm, nguồn 6).
Tuy nhiên, theo mình, bằng cái tôi cực đoan của mình, anh đã không mở cho thế hệ trẻ một cánh cửa ‘thoáng’ và đơn giản, đặc biệt là anh đã không quan tâm đến âm nhạc hay tình yêu - hai món quà vô cùng ấm áp của tạo hóa mà có khả năng khử được 'hư vô'!… Hình như anh đọc quá nhiều sách mà bị 'tẩu hỏa nhập ma', từ đó, anh là một sự phức hợp của sự rối loạn các ngôn từ về triết và là một sự dồn nén các tư tưởng theo hướng của riêng anh. Ngoài ra, mặc dù anh có biện hộ là mình dùng 'ngôn ngữ thiền tông', nhưng mình thiết nghĩ đó không phải là tinh túy của Phật học, anh đã hưng phấn thái quá khi sử dụng những từ như ‘mày, tao’, ‘xem thường’, ‘ngu dại’, ‘thằng hề', 'ngu xuẩn’, 'chửi vào mặt', 'ba mươi lăm xu', ‘tao có thể dạy họ hơn là họ dạy tao’..
Mình có bình trong blog của bạn Trần Hồ Dũng như sau: ‘Tiền bối PCT tưởng là mình hiểu biết tất cả, nhưng nghịch lý thay, ông lại... không hiểu chính mình'. Sự hiểu biết của ta là hữu hạn, thậm chí là số không đối với thế giới vô cùng vô tận này, người biết triết thì thường không nói nhiều về triết, còn hầu hết những người hay nói nhiều về triết thì thường hiểu triết không đến nơi đến chốn, chắc 'anh' cũng không ngoại lệ!, triết càng hay thì càng gần với thực tế: thế giới này vốn tự-nhiên-nhiên-nhiên như lá bàng rơi rụng, vừa vô cùng phiêu diêu, vừa vô cùng kỳ diệu, nhưng dường như cũng vừa vô cùng... bình thường!
-------------------
Các nguồn tham khảo chính:
2-Phạm Công Thiện - một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử: http://blog.yahoo.com/tranhodung/articles/1019015#comment-item-1560509
3-Hố thăm của tư tưởng (Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay - Thể và tính): http://sachhiem.net/VANHOC/PHAMCT/PhamCongThien02.php
4-Thi sĩ triết gia Phạm Công Thiện đã qua đời: http://t-van.net/?p=581 
(Và các tài liệu khác có liên quan).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét