Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

293. Vui thay cho kẻ không đòi hỏi 'có nghĩa'


CHÚC CÁC BLOGGER NĂM MỚI 
VIẾT VUI, BÌNH VUI VÀ SỐNG VUI!
 
1. Có sự khác biệt rất lớn giữa tri và trí, đặc biệt là giữa giác và ngộ. Sự hiểu biết là giới hạn, còn sự không hiểu biết là vô hạn. Có thể ta có biết một số điều - biết (tri) nhưng chưa chắc đã hiểu (trí), mà nếu hiểu thì may ra hiểu được hiện tượng chứ chưa chắc hiểu được bản chất.
Dù ta có biết, hiểu, thậm chí là trở thành bậc ‘siêu tuệ’ đi nữa thì mới chỉ có ít nhiều 'giác' chứ hoàn toàn chưa ‘ngộ’. Người ‘ngộ’ là người đã vượt qua ngưỡng của sự hiểu biết, không phụ thuộc vào cái được gọi là ‘trí tuệ’, không quan tâm đến cái gì là ‘siêu tuệ’, đó là các bậc ‘trên-thánh’, ví dụ Tề Thiên Đại Thánh dù có 72 phép thần thông thì may lắm chỉ có thể là kẻ siêu tuệ, sau đó y phải suy nghiệm 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn và phải trải qua 9x9 = 81 đại nạn để trở thành bậc ‘ngộ không’.
2. Quay trở về thực tế, trong số rất nhiều ‘thầy’, Lá Bàng rất có ấn tượng với 2 thầy.
- Thầy thứ nhất là một người Nepal. Ban đầu mình rất ngưỡng mộ ông ta, ông có cái tài là rất ít nói/viết, cái gì mà người ta nói hàng trăm hay hàng ngàn câu, ông chỉ rút lại có một câu, ông đã để lại cho mình bài học về ‘giao giới’ hay ‘trung dung’. Vào năm 2001, ông đã giảng bài cho hơn 146 nước trên thế giới, và giảng bài ở VN với thù lao là 20.000 usd/nửa tháng. Nhưng sau đó lòng ngưỡng mộ này bị sụp đổ vì câu cuối cùng trong báo cáo ‘triết học’ của ông là đặc biệt cám ơn cô kế toán!
- Thầy thứ hai là một người Anh mà ông chỉ đơn thuần là một đồng nghiệp của mình. Trước hết ông đã ‘chỉ’ cho mình về ‘lập kế hoạch thụt lùi’, giả sử ta muốn hoàn thành việc gì vào năm 2020, thì hãy lấy mốc 2020 mà vạch ra các hoạt động ‘lùi’ cho đến ngày hôm nay.
Điều quan trọng nhất mà ông thầy thứ hai để lại là có 2 cách tư duy/hành động, đó là tư duy theo kế hoạch (plan) và theo tiến trình/ngẫu nhiên (process), trong đó ông đề cao kiểu tư duy theo tiến trình, nói nôm na là ‘gặp sự việc thì giải quyết sự việc’. Thực ra, hầu như tất cả các khoa học đều dạy người ta làm việc theo kế hoạch, còn làm việc theo kiểu ‘thuận theo tự nhiên’ thì mình rất khó hiểu. Nhưng về triết lý thì khác, dường như mục đích tối hậu của làm việc không phải là để có hai chữ ‘thành công’ mà quan trọng hơn là để ‘enjoy the life’ (ngôn ngữ của ông, nôm na như ta thường hay nói là để ‘sống vui’), nghĩ kỹ thấy đúng, làm lớn hay làm giàu, chơi blog..., thậm chí yêu nhau để làm gì nếu kết quả cuối cùng là không vui!
3. Tối hôm qua, mình vô tình đọc được một entry ‘An hưởng cuộc đời’ trong blog của bạn ‘Sóng biển’, xin được trích ra một đoạn:
…Hàng ngày, chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta tận sức tới mức sao lãng sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên cả những cảnh đẹp thiên nhiên. Ngay cả trong những buổi họp bàn bè với danh nghĩa để giải trí, chúng ta vẫn có tư tưởng là sự giao thiệp sẽ có lợi cho việc tạo thêm tiền tài, danh vọng hay thế lực... Rồi một ngày kia nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy những sự cố gắng đó vô nghĩa lý. Than ôi! lúc đó thì ta không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa, chúng ta đã bỏ mất dịp hưởng an lạc của cuộc đời một cách chân chính... Hãy sống tỉnh thức, để an hưởng cái đẹp của thiên nhiên, để tìm ra lẽ sống của cuộc đời... Cuộc đời rất mong manh, hãy an trú trong hiện tại.
Và dưới đây là câu comment và trả lời:
- À, cuối đời ta nhìn lại "chúng ta sẽ thấy những sự cố gắng đó là vô nghĩa", cho nên vui thay cho những kẻ không đòi hỏi 'có nghĩa' khi tham gia cuộc chơi, tiếc thay chúng ta lại là những người không may mắn (NGLB).
- Thôi thì cứ bằng lòng với cái mình đang có vậy, đó là an hưởng cuộc đời (Sóng biển).

 
4. Chắc mình không phải nói dài, nếu không nhầm, mình rất thích phong cách của Hồng Thất Công (bang chủ Cái Bang, trong truyện ‘Anh hùng xạ điêu’ và ‘Thần điêu đại hiệp’), ông là người ‘gặp đâu vui đấy’, không cần quan tâm cái gì là có nghĩa hay vô nghĩa theo quan niệm của thế tục thường tình. Chính vì vậy mà Lão Đông Tà - một kẻ lập dị và rất khó tính - ngưỡng mộ nhất là Hồng Thất Công.
Ranh giới giữa ‘có nghĩa’ và ‘vô nghĩa’ rất là tương đối, có cái là ‘có nghĩa’ đối với người này nhưng lại là ‘vô nghĩa’ đối với người khác. Một người con (còn bé) nói cha dẫn đi ngắm biển, ông cha cho rằng hành động này là ‘vô nghĩa’, nhưng tới khi đứa con này lớn lên và đến tuổi già, y mới nghiệm ra rằng yêu cầu 'ngắm biển' của đứa bé ngày trước là ‘rất có ý nghĩa’. Một người sống 50-60 năm ở đời mà không hề có vài tiếng đồng hồ để uống cà phê cho thoải mái, để ngồi rạo rực bên cạnh người tình, để đắm hồn trong tiếng nhạc tình, để lặng ngắm biển trời dạt dào sóng vỗ, núi rừng hoang dã bạt ngàn hay ánh chiều tà dần dần buông xuống..., thì có thể người đó đã và đang sống một cuộc đời vô nghĩa, và chính ta cũng không ngoại lệ!... Và cuối cùng, vui thay cho những kẻ không đòi hỏi phải 'có nghĩa' khi tham gia cuộc chơi.

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

292. Ngày tận thế và câu chuyện ở quán cà phê


LTS: Sáng nay LB bỗng dậy sớm, nhân tiện kể lại câu chuyện ở quán cà phê ngày hôm qua. Đây là câu chuyện ở quán cà phê, nên ngày mai sẽ có câu chuyện khác, đó là vì "ô, mà cũng vui".


1. Còn 2 ngày nữa là bước sang năm mới - 2013. Năm mới bắt đầu với rất nhiều kỷ niệm, nhưng đối với Lá Bàng, kỷ niệm gần nhất là chuyện ‘ngày tận thế’. Thuật ngữ ‘ngày tận thế’ vô tình trở thành một trong những từ khôi hài nhất trong lịch sử nhân loại, ngày 21/12/2012, có một blogger hỏi mình về ‘ngày tận thế’, mình mới nghĩ thầm: ‘thế à, có tin đó à’, rồi không bình luận gì vì mình không quan tâm và vì ngày tận thế nếu có cũng là chuyện bình thường.
 
2. Không hiểu một số người nhân danh cái gì hay căn cứ vào cái gì (mà chắc là căn cứ vào một số luận điểm khoa học ‘mù mờ’) để mà trong mấy ngàn năm nay, hết lần này đến lần khác công bố về cái được gọi là ngày tận thế. Khi ngày tận thế không xảy ra thì chả có bất cứ một ai nói lời ‘xin lỗi’ có tính văn hóa tối thiểu. Dường như sự kiện này mang tính xem thường trí tuệ con người hơn là một sự dự báo có tính nhân văn! Các bạn hãy nghĩ xem, nếu có ai đó dự báo là ngày mai, 30/12/2012, sẽ có sóng thần ập vào bờ biển A, B, C nào đó để thiên hạ náo loạn cả lên, rồi chuyện đó không xảy ra, rồi ai đó lẳng lặng không nói một lời xin lỗi nào cả!
 
3. Thế là câu chuyện ‘ngày tận thế’ đã lan ra ngoài quán cà phê. Ở đó, một phụ nữ đã kể rằng, ngày tận thế vừa qua có rất nhiều người đã mua mì tôm!, rất nhiều người (nghèo) đã đi mua đèn cầy (nến) giá khoảng 500.000 đồng/cây, rồi đi xin làm phép để cây đèn cầy này được hiển linh! Người ta đồn rằng ngày tận thế sẽ có động đất, sóng thần, nham thạch tuôn thành dòng lửa khổng lồ đổ ập xuống nhân gian, bóng tối kéo dài 3 ngày 3 đêm, thậm chí đến 3 năm, nên người dân đổ xô đi mua mì tôm và đèn cầy! Có một cậu sinh viên nói đó là ngày mà mặt trời, trái đất và mặt trăng (thực ra là tiểu hành tinh Nirubu) nằm trên một đường thẳng, cậu còn nói rằng ở Sài Gòn có một biểu ngữ (!) khuyên người dân chớ có náo động nếu ngày này có một hiện tượng thiên nhiên bất thường nào đó xảy ra...
 
4. Những cái gì mà người ta không hiểu, không biết và không có khả năng giải quyết được thì người ta thường đổ hết chúng cho một phi-thực thể, đó là thượng đế hay tạo hóa (viết thường), từ ý niệm này mà con người thêu dệt nên vô số loại thiên đường mà trong đó có người hỏi đơn giản là: ‘ở trên ấy có ăn không?’ thì trong mấy ngàn năm nay, không hề có ai trả lời được.
Về con ma, người ta nói dễ nhất là vẽ con ma, lý do là con người không biết rõ con ma như thế nào, đẹp trai hay xấu trai, mỹ nhân hay ‘Chung Vô Diệm’, nên cứ tưởng tượng ra mà vẽ đại, vẽ ra làm sao cũng được, vì thế đa số con ma mà con người ‘vẽ’ ra là mặc áo dài trắng và có thể có cái lưỡi dài ơi là dài!
Về quỷ sa-tăng, nếu 6 tỉ người đều vẽ con sa-tăng (giả sử con nít cũng biết vẽ) thì sẽ có 6 tỉ con sa-tăng khác nhau, vì người ta hoàn toàn không biết con sa-tăng có răng hay không, và nếu có thì răng của nó to cở nào, nhọn ra sao hay dài bao nhiêu cen-ti-mét!
5. Là quy luật của thế giới tự nhiên, cái gì đã có sinh thì phải có tử, quả đất này có sinh ra thì đến một lúc nào nó sẽ tử, thậm chí vũ trụ này cũng phải tử, nó có khả năng (!) bị hút vào một cái ‘lỗ đen’ nào đó, biến thành hạt quart, rồi ngẫu hứng tuồn ra một cái vũ trụ khác, vũ trụ mà còn ‘tử’ huống hồ gì quả đất - một hạt bụi vô cùng bé trong vũ trụ.
Thực ra, Ngọc Hoàng Thượng Đế không hề tuyên bố là ‘ai theo ta thì sẽ tránh được ngày tận thế’, chả lẽ ngài nỡ nhẫn tâm để cho 6 tỉ người trên thế giới này chết hết đi mà chỉ có vài người theo ngài là còn sống! Nếu ngài làm như thế thì quá ích kỷ, vả lại chưa chắc ngài đã thần thông quảng đại đến như thế, một ví dụ là khi Tề Thiên Đại Thánh cầm cây thiết bảng đại náo thiên cung, ngài chả phải chạy dài dài đó sao! Chỉ có một số Nhị Thập Bát Tú, Nam Tào - Bắc Đẩu hay Thái Thượng Lão Quân nào đó công bố ‘ngày tận thế’ bằng cách giả truyền thánh chỉ hay bảo đó là ‘khẩu dụ’ của ngài!, các vị ấy lại ngây thơ cho rằng cứ nhân danh ngài là con người sẽ tin ngay, chưa chắc: ‘Các nhà khoa học NASA đã chứng chứng minh lời “sấm truyền” của người Maya về ngày tận thế 21/12/2012 của trái đất là điều không có thật... Ngoài ra cứ 500.000 năm, từ trường mới làm thay đổi trục quay của trái đất và chưa có bằng chứng nào cho thấy sự kiện này sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 năm nay’ (theo baomoi.com).

Vậy ngày tận thế cũng là một ngày bình thường như ngày hôm qua, ngày hôm nay, ngày mai, là ‘chuyện thường ngày ở huyện’, thậm chí nó quá bình thường so với ngày mồng một Tết âm lịch, ngày Trung Thu, ngày Noel/Phật Đản, hay ngày đám cưới/sinh nhật/đám giỗ của ai đó... Và thực tế nhất, kết quả của ngày tận thế là rất nhiều mì tôm và đèn cầy đã được tiêu thụ!

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

291. Phụ nữ và quy luật bù trừ


1. Trước tiên, mình quan niệm viết không phải là lý luận mà là suy luận, quan trọng hơn cả là ‘suy nghiệm’ bằng cách không đi theo lối mòn mà những người đi trước đã vạch ra, và suy nghiệm từ đâu: từ thực tại... Trong entry ‘Tiểu Long Nữ thời nay 2’, ngoài các bạn ủng hộ, có 1 bạn phản ứng mạnh khi mình thắc mắc rằng trong thế giới Phật/Chúa thì phụ nữ không đóng vai trò số một!... Khoảng 1 năm sau, bạn ấy trực tiếp đến nhà riêng của mình, có lời ‘xin lỗi’ và nói rằng khi bình luận cho entry này, bạn ấy đang xỉn.
2. Nghĩ kỹ, hình như mình không lầm khi có thắc mắc như vậy.
Hãy quay lại thế giới của thần Dớt (Zeus), ta thường thấy xuất hiện 3 nữ thần quan trọng là Thiên hậu (Hera), Athena và Venus. Thiên hậu chỉ đóng vai trò ‘ghen tuông’ trong các cuộc tình vụng trộm của thần Dớt và tham gia vào vài cuộc chiến tranh ở trần thế (trận chiến thành Troia), trong khi đó Athena và Venus lại xuất hiện hầu như trên khắp các 'mặt trận' vì Athena là nữ thần trí tuệ (bảo vệ ‘hòa bình’ cho thành Troia) và quan trọng hơn, Venus là nữ thần ‘tình yêu và sắc đẹp’, nhưng vai trò số một vẫn là đàn ông.
Hãy quay lại thế giới của Ngọc Hoàng Thượng Đế, dĩ nhiên là ngài có vợ, nhưng Thiên hậu chỉ là một cái bóng mờ ảo sau lưng ngài. Nhân vật nữ quan trọng nhất trên Thiên đình là Tây Vương Mẫu nhưng bà ta chỉ xuất hiện khi có ‘Hội nghị bàn đào’, còn bà Nữ Oa chỉ xuất hiện với cái ‘Kính chiếu yêu’ khi có yêu cầu. Ngoài ra, trong truyện ‘Tây du ký’, Phật bà thường xuất hiện nhưng là chấp hành chỉ dụ của Phật tổ... Rõ ràng vai trò số một vẫn là đàn ông.
Hãy quay lại thế giới Hy-La cổ đại, ta thường biết đến các triết gia, khoa học gia hay chính trị gia như Aristote, Platon, Socrat, Democritus, Heraclitus, Euclid, Archimède, Pythagore, Alexandre đại đế, Caesar, Antonious…, hình như người ta chỉ còn nhớ đến nữ hoàng Cleopatra! Rõ ràng vai trò số một vẫn là đàn ông.
Hãy quay lại thế giới Trung Hoa cổ đại, trong vô số đàn ông nắm quyền lực (cả về mặt tư tưởng), chỉ có vài ‘tinh cầu’ như Võ Tắc Thiên hay Từ Hi thái hậu nằm lẻ loi, có Thái Bình công chúa, Hoa Mộc Lan, Mộc Quế Anh, Phàn Lê Huê, Nghiêm Vịnh Xuân… xuất hiện thấp thoáng, có Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Qúy Phi làm ‘nền’ cho sự nổi bật của Câu Tiễn/ Phạm Lãi, Lã Bố, Đường Minh Hoàng…

Hãy quay lại thế giới ‘Phục Hưng’ (và cho đến nay), ta thường nghe Shakepeare, Descartes, Voltaire, Leonardo Da Vinci, Michelangelo, Mozart, Beethoven, Newton, Napoleon, Khang Hi/Càn Long, Hegel, Nietzche, Sartre, Tagore, Krishnamurti, Khalil Gibran, rồi Einstein, Hinbert, Hemingway, Picasso, Obama…, mà chỉ điểm xuyết vài cái bóng của Marie Curie, nữ hoàng Elizabeth, Kovalevskaya (nhà toán học), Shinawatra (nữ Thủ tướng Thái Lan)… Rõ ràng vai trò số một vẫn là đàn ông.

Ngoài ra, trong ‘Thế giới Thập Bát Văn Hào’ do quốc tế bình chọn vào năm 1874 (Trương Vĩnh Ký đứng hàng thứ 17), nghi ngờ rằng không có phụ nữ, mà nếu có thì tỉ lệ phụ nữ rất nhỏ. Mới đây, ngày 11/3/2011, quốc tế (nhà xuất bản Watkins Books tại thủ đô London) đã bình chọn ‘100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh nhất thế giới’ (Thiền sư Thích Nhất Hạnh đứng hàng thứ 4), trong đó tỉ lệ phụ nữ chỉ chiếm có 24%... (theo blog MLD). Lại rõ ràng vai trò số một vẫn là đàn ông!
Còn nhiều nhiều nữa...
3. Tại sao vai trò số một trên mọi mặt trận trong lịch sử là đàn ông - một câu hỏi vô cùng khó giải đáp. Trước mắt, dường như đó là sự ‘phân công’ trong thế giới tự nhiên mà trong đó đàn ông đóng vai trò định hướng - chủ động hơn và phụ nữ đóng vai trò bảo toàn (conservation, preservation) cho định hướng đó - thụ động hơn (!) mà định hướng quan trọng nhất là bảo toàn nòi giống. Người ta không sai khi nói rằng thời nguyên thủy, vì đàn ông là những người đi săn bắn nên có tư duy lý tính/định hướng không gian tốt hơn, còn đàn bà lo việc săn sóc con cái/nội trợ nên có tư duy cảm tính tốt hơn. Nếu quả như vậy thì cũng không có gì đáng thắc mắc lắm, bởi lẽ người ta thường gọi phụ nữ là ‘phái yếu’.
Nhưng thế giới tự nhiên lại có một quy luật rất quan trọng khác, đó là quy luật bù trừ, hiểu nôm na là nếu một tập thể/cá thể bị thiệt thòi về mặt này thì sẽ có mặt khác nổi trội hơn. Trong một truyện kiếm hiệp Tàu (quên tên) đã xây dựng nên 6 nhân vật được gọi là ‘Lục tàn’, trong đó người mù thì tai rất thính, người khó tiếp cận về trí tuệ thường rất khỏe, người bị hạn chế về hoạt động chân tay thường có năng khiếu về sử dụng đồ cơ giới, người yếu đuối thường dùng cơ mưu, người trầm tư thường hay sáng tạo…, ví dụ như nhân vật ‘mù’ Tạ Tốn (trong ‘Ỷ thiên đồ long ký’), nhân vật ‘khỏe’ Hồng Thiên Cân (trong phim ‘Phương Thế Ngọc’) hay Hercules (trong ‘Thần thoại Hy Lạp’), nhân vật ‘cơ mưu’ Tôn Tẫn (trong 'Đông Chu liệt quốc') hay Hàn Tín (trong ‘Hán Sở tranh hùng’), nhân vật ‘cơ học’ Newton (trong ‘Vật lý cổ điển’), nhân vật ‘lập dị’ Einstein (trong ‘Vật lý hiện đại’)…
4. Vậy phụ nữ với tư cách là ‘phái yếu’ được tạo hóa bù trừ cái gì? Đó là ‘đàn ông ngự trị thế giới, nhưng đàn bà lại ngự trị đàn ông’, quá công bằng!
Thần Dớt vì nàng Europe mà hóa thành con bò mộng quỳ xuống bên nàng, Trư Bát Giới vì Hằng Nga mà bị đày xuống trần gian làm con heo, Sơn Tinh và Thủy Tinh vì Mỵ Nương mà đánh nhau mấy ngàn năm, Chu U Vương ‘bán’ giang san để mua nụ cười của Bao Tự, danh tướng Antonious vì Cleopatra mà xung đột với (hoàng đế) Augustus mà kết quả cuối cùng là cả 2 vợ chồng đều bị thất bại và chết thảm, Đường Minh Hoàng vì Dương Quý Phi mà quên cả giang san, Đoàn Dự vì Vương Ngữ Yên mà không màng đến ngôi vị hoàng đế, Trương Vô Kỵ vì Triệu Minh mà từ bỏ chức Giáo chủ ma giáo để về nhà ‘vẽ lông mày’ cho nàng, Lý Thánh Tông vì cô gái hái dâu mà xây dựng cung Ỷ Lan, Chế Mân vì Huyền Trân công chúa mà dâng Châu Ô và Châu Rí cho Đại Việt (thời Trần Nhân Tông), Tú Uyên vì Giáng Kiều mà bỏ cả việc đèn sách công danh, Napoleon vì Josephine mà tự nguyện quỳ xuống dưới chân nàng, Khang Hi yêu Tát Dung Nhi hơn sinh mạng của mình, Bùi Giáng vì Kim Cương mà chung tình đến 40 năm, Kim Dung vì thần tượng một phụ nữ có vóc dáng giống Tiểu Long Nữ mà viết nên truyện 'Thần điêu đại hiệp'…
Với quy luật bù trừ này, đàn ông thường phải nịnh/ga-lăng đàn bà và phụ nữ tha hồ tung hoành trong võ lâm với 2 chiêu thức vô địch thiên hạ là 'nước mắt' và ‘sáng nắng chiều mưa’. Với quy luật bù trừ này, đàn ông thường sợ vợ, đó là nhiều khi phụ nữ quan trọng hơn ông trời, không phải ngẫu nhiên mà người ta có câu ‘ở nhà nhất vợ, nhì trời’. Với quy luật bù trừ này, phụ nữ đôi khi quan trọng bằng giang san hay thậm chí quan trọng hơn giang san, không phải ngẫu nhiên mà người ta đưa lên hai bàn cân với thành ngữ ‘giang san và mỹ nhân’. Với quy luật bù trừ này, nhiều đàn ông mắc bệnh dại gái: ‘bắt thang lên hỏi ông trời, có tiền cho gái có đòi được không?’. Và cũng với quy luật bù trù này, đối với đàn ông thì vũ trụ nằm trong đáy mắt của người đàn bà, đàn ông phải quỳ gối và dâng đóa hoa hồng để bày tỏ tình yêu với mỹ nhân hay suốt đời làm thơ vì mỹ nhân… 

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

290. Trong nỗi cô đơn


"No-el này anh đến với em
Một chút vần thơ, chút ngọt mềm
Nhạc tình vần vũ bao tình cảm
Chỉ có mình ta trong bóng đêm" 
('Híc..híc...'-NGLB)
Ngày hôm qua, Noel, Lá Bàng đã mang về nhà một tâm trạng - đó là một… nỗi buồn khủng khiếp, một nỗi buồn không thể nào quên, đến bây giờ vẫn còn buồn, híc..híc… Nỗi buồn đó làm cho chiếc điện thoai di động của mình ngày càng khiêm tốn và ít vận động!, nỗi buồn đó làm cho cánh cổng nhà mình sẽ ít khi mở ra và dĩ nhiên là chiếc xe máy của mình cũng ít tốn xăng!, nỗi buồn đó làm cho các cuộc đi off trong tương lai sẽ dần vắng bóng mình, đây là một bí mật...
Nhưng sáng hôm nay mình bị bắt buộc phải rờ vào cái điện thoại di động. Số là từ tuổi 25 đến giờ, mình bị mắc một bệnh rất nặng - đó là cái gì mà không hiểu thì mình bao giờ cũng tìm hiểu cho đến nơi đến chốn, tìm hiểu đến hết cuộc đời cho đến khi cái chết làm kìm hãm sự tìm hiểu đó lại.
...Không có nhiều người hiểu cái blogspot này, mình nạp cạc lia lịa, gọi điện hỏi hết người này đến người khác, nói chung câu trả lời thường là ‘tôi/em không biết’, thiệt. Ví dụ mình có hỏi: ‘Tại sao trên Google+, bố nói với con là 'bố đang nghỉ mát ở miền Tây' (gì gì đó) thì câu nói đó lập tức xuất hiện trên G+, mình chả cần đọc cái thông tin cá nhân đó, và theo một lý nào đó, nếu thông tin cá nhân mà mọi người biết thì… vi phạm nhân quyền?’, bạn BĐM mới trả lời rằng: 'công tác bảo mật của G+ còn kém lắm!", có lẽ vì G+ không có phần bình luận riêng!, và nhiều câu hỏi khác nữa... Và mình tốn thêm cả ngày hôm nay nữa, mèo vẫn hoàn mèo, không biết vẫn hoàn không biết.
(Cũng có trường hợp vài blogger tốt bụng như Tam Anh, Chuồn Chuồn Ớt, Ngô Bích Kiều, Robert Nguyễn và Phương Nghi... đã tặng cho mình nhiều loại code để có lời bình bên phải entry này, xin vô cùng cám ơn).
Và chiều hôm nay mình bị bắt buộc phải rờ vào cái điện thoại di động một lần nữa. Mình có một căn bệnh nặng là hứa với ai thì làm cái đó, dù phải tốn cả đời, còn bệnh nặng hơn nữa là đã có cảm tình với ai thì tình cảm đó vẫn ở mãi trong tim… suốt đời, híc..híc… Mình có hứa với một cặp tình nhân là sẽ dẫn họ đi uống cà phê ở Bình Quới (khu Thanh Đa cũ, ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn) và mình đã thực hiện lời hứa đó.
 
Chiều tà rơi xuống êm đềm
Bóng ai rơi đọng bên thềm xót xa
Tiếng ai rơi vọng diết da
Hương ai rơi ngự trong ta suốt đời!
(Chiều tà-NGLB)
Thế là cặp tình nhân đó đi chung một chiếc xe máy, còn riêng mình một chiếc xe máy… Mình nhớ là các cô gái ở Hà Nội và Tây Nguyên đã chọc mình rằng: ‘Chiếc xe của anh Lá Bàng vẫn còn rin’, có nghĩa là chưa có cô gái nào được vinh dự ngồi sau xe mình! Trời, mình đâu có đến nỗi keo kiệt mà không chở một bạn gái nào đó trên một quãng đường, còn chuyện tại sao cả đời hầu như không có cô nào ngồi đàng sau mình thì botay.com… Lại có một bạn gái nói hơi khó chịu, cô ấy đồng nhất chuyện uống cà phê với chuyện lên giường!, hể có blogger nam nào mà mời blogger nữ đi uống cà phê thì cổ kết luận blogger nam đó là người xấu, vậy chả lẽ cả đời nam không được uống cà phê với nữ à, chắc là cô ấy bị sốt nặng lắm rồi!...
Mình đi uống cà phê gần như cả đời, mỗi năm ít nhất 365 lần (vì có ngày uống 2-3 cử). Quả thật, 2 tiếng đồng hồ uống cà phê ở Bình Quới rất là thư giãn (hình như là thư giãn nhất so với vô số lần mình uống cà phê ở Ban Mê Thuột và nhiều tỉnh khác), ở Bình Quới gió sông thổi mát rượi, được ngắm sông Sài Gòn có nhiều chiếc ca nô và tàu chở cát chạy qua chạy lại, ngắm nhiều máy bay nhấp nháy đèn đang hướng về phía Gò Vấp chuẩn bị đáp xuống sân bay, ngắm một cô gái có khuôn mặt đẹp mê hồn đang ngồi với tình nhân ở bàn bên cạnh, ngắm một đám lục bình to 'trà bá' đang theo sóng vỗ nhấp nhô đến chóng mặt…
 
Rồi mình có chạy sang nhà bạn Hồ Điệp, trong entry ‘Những tinh cầu cô độc’ có câu:
-‘Ca ngợi Cô Đơn có nghĩa là ta đang ca ngợi Tình Yêu trong ta đã và đang bùng dậy từ sâu thẳm cuộc sống nhân sinh... Trong sự Cô Độc chính ta, nhờ vậy ta cảm thức được trong ta đã và đang có một Tình Yêu...’, và mình có bình rằng:
- ‘Lá Bàng chưa có nhận thức gì về 'cô đơn có liên quan gì đến tình yêu', có điều là Lá Bàng thường cô đơn và thấy thiếu một cái gì đó vô cùng nghiêm trọng mà không thể mô tả thành lời’.
Sau khi uống cà phê về và sau khi đọc entry của bạn Hồ Điệp, tối mình mới làm 2 câu tặng anh Robert:
"Lục bình mãi nhấp nhô trùng sóng
Một thoáng mơ hoa đọng mắt buồn"
Rồi mình chạy qua nhà bạn MTV (mình đang thích thơ của bạn ấy, hì..hì…), trong nỗi cô đơn, mình mới bình như sau:
"Lá đâu rơi xuống bên thềm
Cô đơn rơi xuống chạm nền hư vô
Mắt nhòa tưởng bóng em vào
Tưởng trăng mềm mại, tưởng sao... rụng rời"

 
…À, dù có quên cái gì thì mình không thể quên tình yêu đối với blog và không thể quên là trong tiếng Anh có 'hai chữ F' được xếp loại là một trong những triết lý cao cả nhất, đó là Forget và Forgive (= quên và tha thứ). Tuy nhiên, mình thấy nỗi cô đơn là không thế cứu vãn nỗi, mình thấy cuộc đời như một chiếc lưới thiên la địa võng càng ngày càng siết chặt lấy mình, mình lại nghĩ đến cái chết của Hemingway, Jack London, Mai-a-cốp-xki... (mình không có làm như vậy), mặc dù mình biết rằng có một số bạn trên thế giới ảo rất quý mình, nhưng khoảng trống mà chiếc lưới này dành cho mình vùng vẫy để đi đến với tình yêu hầu như không còn nữa…

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

289. Chùm thơ ‘chiều tà’


Chùm thơ chiều tà là tập hợp các bài thơ mà Lá Bàng đã tặng cho các blogger sau khi có blogspot, gồm có:
1. Chiều tà
2. Cõi riêng
3. Đông về
4. Gió tình
5. Hương sữa
6. Mổ tình
7. Xộc xệch

Chiều tà
Chiều tà rơi xuống êm đềm
Bóng ai rơi đọng bên thềm xót xa
Tiếng ai rơi vọng diết da
Hương ai rơi ngự trong ta suốt đời!

Cõi riêng
Em bảo là mùa đông giá rét
Anh bảo là không chắc em ơi
Nhức đầu vì chuyện ở đời
Nhức day nhức dứt, nhức rơi cuộc tình 
Dòng thời gian tháng ngày hiu quạnh
Ấm áp nào chỉ khoảnh khắc thôi
Hãy xem đời, giấc chiêm bao
Hãy im hãy lặng hãy vào... cõi riêng


Đông về
Tóc mây em xỏa mượt mà
Dáng thon em thả ai vào lời ru
Rồi ai đã… đắm mùa thu
Vàng xào xạc lá, phiêu du tháng ngày
Đông về giá lạnh tim ai
Nhìn mây, mây chảy, nhìn hai mắt buồn
Đông về chưa thấy dáng xuân
Một mình một bóng, mắt tuôn giọt sầu 

Gió tình
Chờ em chờ ở cuối đường
Chờ lâu không thấy anh vương anh sầu
Chờ hoài không thấy tím đâu
Gió chao, gió đảo, gió hao, gió gầy
Gió nào lay động hồn ai
Gió nào mới đến đã qua xứ nào
Gió nào cứ mãi lao xao
Gió nào đi! đến!, chẳng sa lưới tình

Hương sữa
Dạo đó tôi hay ngắm mắt nàng
Nói cười sao mắt cứ lang thang
Đường cong kín hở sao vần vũ
Ngự mãi hồn tôi bao tháng năm
Tôi lỡ không quên một bóng hình
Lâu ngày sao bỗng nhớ người dưng!
Hương sữa thơm ào vô giấc ngủ
Lạc giấc mơ tiên, lụy mối tình
Bóng ai ảo ảo chân trời ấy
Để động hồn ai dáng ngọt ngào
Người ơi chìm ẩn vào đêm vắng
Chợt thoáng thiên thai, chợt thở dài


Mổ tình
Mắt ai trong vắt hồ thu
Môi ai ân ẩn lời ru ngọt mềm
Có em khoảnh khắc êm đềm 
Có thêm vị đắng, lại thêm khối sầu
Mổ tình mổ ở nơi đâu
Chỗ nào không mổ, mổ vào ngay tim
Tim đau sao mãi im lìm
Tim đau sao mãi không tìm người xoa

Xộc xệch
Điên gì ta đánh em cưng
Ta bồng ta bế lên rừng hái sim
Ai cười miệng rất là xinh
Ai thơm phưng phức, ai tình say say
Xộc xệch, áo hở bờ vai
Ai mê ai mãi, ai hoài theo em
Xộc xệch, da trắng mềm mềm
Ai mê ai mẫn, ai thèm tiếng yêu

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

288. Triết lý ‘tự-nhiên-nhiên-nhiên’ và tình yêu


"Sáng dần lên mặt trời còn lấp ló
Hoa lá buồn than thở điệu rung rung
Cà phê sáng, mấy nàng đều nói 'bận'
Một mình ta an phận chốn vô cùng"
('Hì..hì...' - NGLB)
 
1. Thường thì các bài ‘tâm sự’ của LB là cho các blogger ‘tự do’,  LB không đề cập gì nhiều về thiện-ác, tốt-xấu, mà chỉ muốn nói cho vui là 'tình yêu có phải là một loại dục không?', trong đó LB không đề cập đến vấn đề chính trị hay tôn giáo, tuy nhiên, đã viết bài thì phải có dính chút chút đến các vấn đề ‘xã hội’, mong các bạn đọc thông cảm. 

Tối tối, LB thường xem phim Kim Dung, Cổ Long (đang chiếu phim ‘Sở Lưu Hương’, ‘Phá án’), phim ‘Đề hình quan Đại Tống’, hay phim ‘Thế giới động vật’ (Animal Planet/Discovery)… Phim Thế giới động vật có chiếu những cảnh như:
- Một con sư tử (hay cọp) vồ một con nai vàng ngơ ngác, rồi ăn thịt, máu chảy tùm lum...
- Do hạn hán (mưa đến chậm 2 tháng), một đàn sư tử phải di cư về phương Bắc để tìm nguồn nước. Trên đường đi, do chiến đấu với một đàn trâu rừng mà có một con sư tử con bị bể xương chậu. Sư tử mẹ định bỏ rơi đứa con bị thương vì biết rằng nếu cưu mang nó thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của bầy đàn. Nhưng 2 đứa anh của nó đã đến gần ‘an ủi’ nó. Nó đã cố gắng vô cùng để lết theo bầy bằng 2 chân trước, qua những dốc cao, rồi qua bãi cát mênh mông, rồi cuối cùng nó biết là mình không thể bò đi theo bầy được nữa: nó chấp nhận chết. Con sư tử mẹ đến gần và ‘hôn’ con lần cuối cùng trước khi vĩnh biệt - dấu vết mà nó lết vẫn còn in dài trên bãi cát…

2. Việc con sư tử ăn thịt con nai có là tội ác không? Không, đó là ‘chân-thiện-mỹ’ vì trời sinh ra con sư tử là để ăn thịt con nai, nếu không ăn thịt thì nó sẽ không tồn tại, vả lại trời sinh ra nó tự nhiên như vậy chứ không phải là nó muốn vậy!
Việc con sư tử đực làm ‘chuyện ấy’ với con sư tử cái có vi phạm ‘sắc giới’ không? Không, đó là ‘chân-thiện-mỹ’ vì nếu không làm vậy thì thế giới động vật sẽ không phát triển hay nói cách khác là sẽ bị hủy diệt. Vì vậy, chuyện đàn ông làm chuyện ấy với đàn bà là tự-nhiên-nhiên-nhiên, không phải bàn cãi!
...Việc phụ nữ hay thay đổi bất ngờ/'sáng nắng chiều mưa' có sai không? Không, đó là ‘chân-thiện-mỹ’ vì nếu phụ nữ làm như vậy mới gây sự hấp dẫn giới tính cao độ đối với đàn ông...
 
Suy rộng ra ngoài xã hội, chúng ta có thể gặp kẹt xe/lấn chiếm lòng lề đường, có hàng giả, có nói thách, có trộm cướp, có những tay ‘ngụy quân tử’ hay 'Hòa đại nhân', có kẻ táo bạo hay nhát gan, có kẻ chuyên hãm hại kẻ khác, có ngoại tình, có phản bội, có người ham làm lớn hay ham tiền, có người theo đạo này hay đạo khác, rồi các nước lớn xâm lược hay ăn hiếp các nước bé…, điều đó là quy luật của ‘muôn đời’, mười ngàn năm sau cũng vậy, 'con người chỉ có thể hành thiện nhiều hơn, hạn chế cái ác' thông qua luật pháp nghiêm minh hay các giáo lý tôn giáo, nhưng cái ác không bao giờ bị hủy diệt mà luôn tồn tại!
 
Phải chăng từ khi các tôn giáo ra đời, nếu không nhầm, thì tội ác ngày càng nhiều hơn! Người ta hiện nay không còn hủy diệt nhau như kiểu ‘con sư tử ăn thịt con nai’ nữa, xưa lắm rồi, mà hủy diệt nhau bằng bom nguyên tử (bom A) hay bom khinh khí (bom nhiệt hạch/bom H) mạnh gấp ngàn lần bom nguyên tử mà mỗi cuộc thế chiến nếu xảy ra thì không chỉ hủy diệt vài triệu người mà hủy diệt từ vài chục đến vài trăm triệu người.

3. Tự-nhiên-nhiên-nhiên
Tự-nhiên-nhiên-nhiên là gì? Hiểu đơn giản, đó là ‘thế giới này vốn tự nhiên là như vậy’, hay hiểu nôm na ‘trời sinh ra nó là như thế’. Phải chăng khái niệm thiện-ác, tốt-xấu là do con người đặt ra và ranh giới giữa chúng là vô cùng mỏng manh!, ngoài ra: 'Kẻ chính mà làm điều xấu thì là tà, kẻ tà mà làm điều tốt thì là chính' (Trương Tam Phong). Người ta không nhầm khi nói rằng không có âm thì làm sao có dương, giữa thiện và ác có mối quan hệ hữu cơ, có người nói thiện và ác chỉ là một, thậm chí có người nói cái ác làm sản sinh ra cái thiện, đau khổ làm sản sinh ra hạnh phúc, địa ngục làm sản sinh ra thiên đàng, cái chết làm sản sinh ra sự sống! ('cái chết là sáng tạo tuyệt vời nhất của thượng đế' - Steve Jobs).
- ‘LB có lúc suy nghĩ, có sa-tăng mới có phật, có ác mới có thiện, nếu loại bỏ sa-tăng hay cái ác thì sẽ không xuất hiện cái gì cả, nói một cách khác là thế giới sẽ không tồn tại... Vì thế, sa-tăng mãi mãi tồn tại song hành với phật... Có một blogger nói thế này, phật không hủy diệt Bin La-đen (hay các kẻ sẽ xuất hiện), vì nếu muốn, ngài bảo Tề Thiên Đại Thánh xuống cho Bin La-đen một thiết bảng là xong ngay, để làm gì cho nhân loại phải sống trong thấp thỏm bên bờ vực thẳm!' (trích entry 285. Khái niệm ‘vô minh’ và tình yêu).

Thế giới con người - thuộc về thế giới tự nhiên - là vô bờ bến và trùng trùng duyên khởi và do đó nó là kết quả của sự tác động tương hỗ của rất nhiều yếu tố có liên quan từ quá khứ vô cùng đến hiện tại… xoay quanh câu chuyện có nói đến ai đó bị ho lao đã nhổ một bãi đờm xuống đất, bãi đờm khô, vi trùng bay vào mũi anh chàng nọ, làm anh chàng ấy bị lây bệnh ho lao mà sau đó chết đi, trước khi chết, anh chàng đó đã thổi lên những tiếng sáo não nùng tha thiết mà làm cho một cô gái rung cảm và nhờ đó sau này đã trở thành một nữ sĩ tài hoa. Có ai thấy được sự liên hệ giữa bãi đờm, một chàng trai bị ho lao và một nữ sĩ tài hoa! (trích entry 97. Chân lý của loài người...).

- Có phải thế giới này tự nhiên nhiên nhiên đến nỗi ta không muốn làm anh hùng cũng bị bắt phải làm anh hùng, ta không muốn nghèo vẫn bị bắt phải nghèo, ta không muốn làm vua cũng bị bắt phải làm vua, ta không muốn làm ăn mày cũng bị bắt phải làm ăn mày, ta không muốn có người đẹp thì bắt phải có người đẹp, hay khi mà ta muốn có người đẹp thì chờ đợi mãi chả có bóng hồng nào? (trích entry 248/121. Phi Kim - Dung và tình yêu).

 

4. Tự-nhiên-nhiên-nhiên và tình yêu

Liệu có diệt được dục không? Không bao giờ, vì dục là tự nhiên nhiên nhiên, ví dụ cách đây 3000 năm trước người ta ham làm lớn hay làm giàu thì bây giờ hay 3000 năm sau, người ta vẫn ham làm lớn hay làm giàu, không có cách gì hạn chế được, vì sao, vì đó là tự-nhiên-nhiên-nhiên. Năm ngoái có một cậu bé thình lình phát biểu rằng: ‘ham muốn diệt dục là một loại dục lớn nhất trong tất cả các loại dục’!, sáng hôm qua có một blogger phàn nàn rằng: 'tại sao Tam Tạng thấy phụ nữ thì phải tránh tránh né né trông mất tự nhiên như vậy'!, ngoài ra, mình có một ông bác, trước khi chết, ông có trăn trối rằng: ‘chuyện diệt dục là ảo tưởng nhất vì loài người không thể nào mà diệt dục được’ (!)... vì ta là người chứ không phải là thánh, và vì nếu diệt dục được thì không có con người nên không có... blog và dĩ nhiên là không có các blogger đọc những dòng tâm sự này, hì..hì...

Có một blogger hỏi: ‘Ủa, sao em thấy cái gì anh cũng nói đến tình yêu vậy?’. Lý do thứ nhất là LB tự cảm nhận rằng mình không còn nhìn thấy ánh mặt trời được bao lâu nữa. Thứ hai là LB thấy tình yêu nam nữ vốn là ‘tự-nhiên-nhiên-nhiên’ vì nó không phải là ‘sắc giới’ mà là một thuộc tính vốn có, là bản chất của con người. Việc Đại Luân Minh Vương (Cưu Ma Trí, trong truyện ‘Thiên Long bát bộ’) cho rằng tình yêu nam nữ (hay chuyện cha mẹ yêu con cái, sự hấp dẫn của hình thể phụ nữ...) vốn là một trong những dục vọng nằm trong thế giới vô minh của con người, kiên quyết điều này là không đúng!, và cũng chính 'đại ác ma' Cưu Ma Trí này - trước khi thành phật - đã góp phần tạo duyên cho mối tình giữa Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên.

Cuối cùng, ‘tình yêu’ là nguồn cảm hứng của vũ trụ vạn vật, là sáng tạo vĩ đại nhất của tạo hóa, là tự-nhiên-nhiên-nhiên, là chân-thiện-mỹ, và vì thế 'yêu nhau không bao giờ có lỗi'!