CHÚC CÁC BLOGGER
NĂM MỚI
VIẾT VUI, BÌNH VUI VÀ SỐNG VUI!
1. Có sự khác
biệt rất lớn giữa tri và trí, đặc biệt là giữa giác và ngộ. Sự hiểu
biết là giới hạn, còn sự không hiểu biết là vô hạn. Có thể ta
có biết một số điều - biết (tri) nhưng chưa chắc đã hiểu (trí), mà nếu hiểu thì may ra hiểu
được hiện tượng chứ chưa chắc hiểu được bản chất.
Dù ta có
biết, hiểu, thậm chí là trở thành bậc ‘siêu tuệ’ đi nữa thì mới chỉ có ít nhiều 'giác' chứ hoàn toàn chưa ‘ngộ’.
Người ‘ngộ’ là người đã vượt qua ngưỡng của sự hiểu biết, không phụ thuộc
vào cái được gọi là ‘trí tuệ’, không quan tâm đến cái gì là ‘siêu tuệ’, đó là
các bậc ‘trên-thánh’, ví dụ Tề Thiên Đại Thánh dù có 72 phép thần thông thì may lắm chỉ có thể là kẻ siêu tuệ, sau đó y phải suy nghiệm 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn và
phải trải qua 9x9 = 81 đại nạn để trở thành bậc ‘ngộ không’.
2. Quay trở
về thực tế, trong số rất nhiều ‘thầy’, Lá Bàng rất có ấn tượng với 2 thầy.
- Thầy thứ
nhất là một người Nepal .
Ban đầu mình rất ngưỡng mộ ông ta, ông có cái tài là rất ít nói/viết, cái gì mà
người ta nói hàng trăm hay hàng ngàn câu, ông chỉ rút lại có một câu, ông đã để
lại cho mình bài học về ‘giao giới’ hay ‘trung dung’. Vào năm 2001, ông đã
giảng bài cho hơn 146 nước trên thế giới, và giảng bài ở VN với thù lao là 20.000 usd/nửa tháng. Nhưng sau đó lòng ngưỡng mộ này bị sụp đổ vì câu cuối cùng trong
báo cáo ‘triết học’ của ông là đặc biệt cám ơn cô kế toán!
- Thầy thứ
hai là một người Anh mà ông chỉ đơn thuần là một đồng nghiệp của mình. Trước
hết ông đã ‘chỉ’ cho mình về ‘lập kế hoạch thụt lùi’, giả sử ta muốn hoàn thành
việc gì vào năm 2020, thì hãy lấy mốc 2020 mà vạch ra các hoạt động ‘lùi’ cho
đến ngày hôm nay.
Điều quan
trọng nhất mà ông thầy thứ hai để lại là có 2 cách tư duy/hành động, đó là tư
duy theo kế hoạch (plan) và theo tiến trình/ngẫu nhiên (process), trong đó ông
đề cao kiểu tư duy theo tiến trình, nói nôm na là ‘gặp sự việc thì giải quyết
sự việc’. Thực ra, hầu như tất cả các khoa học đều dạy người ta làm việc theo
kế hoạch, còn làm việc theo kiểu ‘thuận theo tự nhiên’ thì mình rất khó hiểu.
Nhưng về triết lý thì khác, dường như mục đích tối hậu của làm việc không phải
là để có hai chữ ‘thành công’ mà quan trọng hơn là để ‘enjoy the life’ (ngôn
ngữ của ông, nôm na như ta thường hay nói là để ‘sống vui’), nghĩ kỹ thấy đúng,
làm lớn hay làm giàu, chơi blog..., thậm chí yêu nhau để làm gì nếu kết quả cuối cùng là không
vui!
3. Tối hôm
qua, mình vô tình đọc được một entry ‘An hưởng cuộc đời’ trong blog của bạn ‘Sóng
biển’, xin được trích ra một đoạn:
…Hàng ngày,
chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng
ta tận sức tới mức sao lãng sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình,
quên cả những cảnh đẹp thiên nhiên. Ngay cả trong những buổi họp bàn bè với
danh nghĩa để giải trí, chúng ta vẫn có tư tưởng là sự giao thiệp sẽ có lợi cho
việc tạo thêm tiền tài, danh vọng hay thế lực... Rồi một
ngày kia nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy những sự cố gắng đó vô nghĩa lý. Than ôi!
lúc đó thì ta không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa, chúng ta đã bỏ mất dịp
hưởng an lạc của cuộc đời một cách chân chính... Hãy sống
tỉnh thức, để an hưởng cái đẹp của thiên nhiên, để tìm ra lẽ sống của cuộc đời... Cuộc đời
rất mong manh, hãy an trú trong hiện tại.
Và dưới đây là
câu comment và trả lời:
- À, cuối đời ta
nhìn lại "chúng ta sẽ thấy những sự cố gắng đó là vô nghĩa", cho nên
vui thay cho những kẻ không đòi hỏi 'có nghĩa' khi tham gia cuộc chơi, tiếc
thay chúng ta lại là những người không may mắn (NGLB).
- Thôi thì cứ bằng lòng với cái mình đang có vậy, đó là an hưởng cuộc đời (Sóng
biển).
4. Chắc mình
không phải nói dài, nếu không nhầm, mình rất thích phong cách của Hồng Thất
Công (bang chủ Cái Bang, trong truyện ‘Anh hùng xạ điêu’ và ‘Thần điêu đại
hiệp’), ông là người ‘gặp đâu vui đấy’, không cần quan tâm cái gì là có nghĩa
hay vô nghĩa theo quan niệm của thế tục thường tình. Chính vì vậy mà Lão Đông
Tà - một kẻ lập dị và rất khó tính - ngưỡng mộ nhất là Hồng Thất Công.
Ranh giới giữa
‘có nghĩa’ và ‘vô nghĩa’ rất là tương đối, có cái là ‘có nghĩa’ đối với người
này nhưng lại là ‘vô nghĩa’ đối với người khác. Một người con (còn bé) nói cha
dẫn đi ngắm biển, ông cha cho rằng hành động này là ‘vô nghĩa’, nhưng tới khi đứa con này lớn lên và đến tuổi già, y mới nghiệm ra rằng yêu cầu 'ngắm biển' của đứa bé ngày trước là ‘rất có
ý nghĩa’. Một người sống 50-60 năm ở đời mà không hề có vài tiếng đồng hồ để uống cà phê cho thoải mái, để ngồi rạo rực bên cạnh người tình, để đắm hồn trong tiếng nhạc tình, để lặng ngắm biển trời dạt dào sóng vỗ, núi rừng hoang dã bạt ngàn hay ánh chiều tà dần dần buông xuống..., thì có thể người đó đã và đang sống một cuộc đời vô nghĩa, và chính ta cũng không ngoại lệ!... Và cuối cùng, vui
thay cho những kẻ không đòi hỏi phải 'có nghĩa' khi tham gia cuộc chơi.