Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

742. Chí Phèo thời nay



Xưa nay thiên hạ nghĩ... lùi
Thăng Long hoài cổ, ngậm ngùi Thanh Quan
Nghĩ ra, đúng!, cũng bàng hoàng
Nhưng tương lai - chẳng bạc bàng biển xa!
---------

Tại sao tôi lại viết: ‘Nhưng tương lai - chẳng bạc bàng biển xa!’?
Người Tây có nói đến ‘Tư duy hậu phân tích’, là gì?, là phân tích sau cái hiện tại (vượt qua cái ngưỡng của quá trình tự đánh giá), tức là phân tích cái tương lai, chính vì thế mà họ ‘trung thành với tương lai’, bởi vậy mà họ đã sáng tạo ra máy tính Apple, phi thuyền Apollo hay tàu vũ trụ Curio (sity)…
Người ta thường mần ‘Tư duy tiền phân tích’ (cười), là gì?, là phân tích trước cái hiện tại, tức là phân tích cái quá khứ, chính vì thế mà họ ‘trung thành với quá khứ’, bởi vậy mà họ đã… ‘tối tạo’ ra rau càng cua, cá ba sa và tiệm sửa xe Honda…
Trong khi ‘Chúng ta nên truyền cảm hứng cho nhiều đứa trẻ khác đam mê khoa học như cháu (Ahmed Mohamed). Đó là điều khiến nước Mỹ vĩ đại’ (Obama, khoahocthuvi.net, xem dưới), cái đó đã sản sinh ra ông Obama, người đã mời cậu bé 14t - kẻ sáng tạo ra chiếc đồng hồ điện tử - đến thăm Nhà Trắng…, thì ‘Người Việt sợ hãi cho cho sự bất an của xã hội, nên trút giận vào những gì mà họ có thể chà đạp được…’ (Tuấn Khanh, Người đô thị số 41, tr. 35), cái đó đã sản sinh ra ông ‘Chí Phèo’ hay AQ, người chả sáng tạo ra cái gì đáng kể cả, và hầu như suốt đời chỉ được mời đến để ‘chém gió’ tại các quán nhậu!
Tôi cho rằng anh Tuấn Khanh đã nói câu… đúng nhất (cười) mà tôi có thể trích được, nhưng tôi nghĩ cụ thể rằng:
-Hầu hết chúng ta (kể cả tôi), ai cũng muốn lôi người khác vào cuộc ‘ta bà’ của mình, mà có thể là việc tung hê hay hạ bệ người khác, bản chất của vấn đề là ở sự yếu đuối, mà nếu không được tụ tập thành ‘bầy đàn’ để chém gió, hoặc nếu không được cà khịa hay làm hại ai đó, thì y sẽ sống không được hạnh phúc!
Ví dụ, nếu ông Tập nào đó qua Mỹ mà không dùng cụm từ ‘TQ đã có chủ quyền với các đảo ở Biển Đông từ thời cổ đại’ (dantri.com.vn) (!), hay từ ‘nước lớn’ thì ổng sẽ buồn mà chết! Cụ thể hơn, tối hôm nọ, lúc 9g, tôi qua phòng bên cạnh để hỏi một người bạn chỉ có một từ tiếng Anh (trả lời là biết hay không, dưới 1... giây), nào ngờ đến 3 giờ rưỡi sáng, tức là hết 6 tiếng rưỡi đồng hồ, tôi mới trở về phòng được, ha..ha..ha… Vâng, khác với Tây, người Việt vốn yếu đuối, và do đó, không chịu nổi sự cô đơn, điều này sẽ dẫn đến tính thụ động/mất sáng tạo, cụ thể là sẽ hình thành (những) Chí Phèo ‘sống gửi’ như sẽ kể dưới đây. Lưu ý rằng đây chỉ là một trường hợp đặc biệt, một giấc mơ hay một hư cấu, và cũng có nghĩa là người đọc ‘không thể vơ đũa cả nắm’.

1
Tôi vẫn còn có chút cảm tình với anh Chí Phèo của tôi, một thứ cảm tình là lạ không xác định được khi anh còn sống, một thứ thương hại đối với một con người sống từng giây từng phút vì tiền mà không biết anh có được hạnh phúc hay không: anh đã gọi tôi về, mừng rỡ, rồi một thời gian ngắn sau đó, tôi nghe tin anh chết!
Vâng, tôi đang nằm mơ trên đỉnh mù sương, một giấc mơ xa mà không còn nhiều trong ký ức: Tôi đã gặp Chí Phèo trên đỉnh đèo Pha Đin (*), cách đây khoảng 20 năm.
Là một người có hai cái bằng cử nhân và là một ông lớn, mà nếu anh ta không chết… sớm khi đang thăng tiến trên quan trường, thì nay anh có thể có bằng giáo sư hay tiến sĩ, có thể lên đến chức vụ thứ trưởng, bộ trưởng, hay cao hơn. Và trong 2 năm cùng đi với anh trong một... giấc mơ, tôi mới dần dần phát hiện ra rằng anh không thể đọc được con số hàng triệu, không biết làm toán cộng, trừ, nhân, chia, thậm chí là không ‘biếc đọc, biếc viếc’ (*)
Quan trọng hơn, với chức vụ lớn và luôn hỏi cấp dưới (khi đến quan hệ với anh) là ‘ông có đem tiền theo không?’, anh đã ‘hôi’ tiền của nhà nước, của thiên hạ, bất kể lớn nhỏ, từ vài chục ngàn đồng, đến vài chục triệu đồng (hoặc hơn), và trong khoảng hơn 20 năm, anh đã gom góp được một số tiền khổng lồ, có thể nói là cả vài chục hay cả trăm tỉ! (giá trị cách đây mười năm), đó là chưa kể mấy căn nhà mặt tiền và sản vật của thiên hạ được anh gom góp về đó. Nhưng anh lại chỉ thu vào cho gia đình vào mà hoàn toàn không chi ra bất cứ đồng nào cho thiên hạ!, cho nên lúc anh chết (10 năm sau khi tôi gặp anh), tôi tự hỏi là có phải anh đúc vàng và chôn giấu ở dưới nền nhà hay trong vách tường, mà chỉ có người thân của anh mới biết!
*
Tôi thường đi Lai Châu (Điện Biên Phủ), đi một mình hay với anh Chí Phèo (có lái xe và có thể có các cán bộ khác), bằng hai hướng, hướng từ Hà Nội qua Vĩnh Phúc, lên Lào Cai, rồi đến Lai Châu, hay hướng từ Hà Nội, qua Hòa Bình, lên Sơn La, rồi đến Lai Châu. Nói chung là dù đi từ hướng nào thì tôi cũng đi ngang qua đỉnh đèo Pha Đin hay đỉnh Fansipan, vì chúng tôi đi hướng này và về hướng khác.
Vào đầu những năm 2000, chạy xe từ Hà Nội đến Lai Châu, chạy liên tục, thì mất khoảng 14 tiếng (vì là đường đèo, dốc, nhỏ và xấu), cụ thể là nếu xuất phát từ Hà Nội vào lúc 5-6g sáng, thì đến 9-10g tối mới đến Lai Châu. Và để chạy liên tục, chúng tôi phải mua 1-2kg chả lụa, rồi bảo người bán hàng cắt ra thành từng miếng nhỏ bằng ngón tay, bỏ vào bịch ni-lông, kèm theo ít muối tiêu, và khi đi đường, thỉnh thoảng chúng tôi thò tay vào bịch, bốc vài miếng, và cứ thế, vừa chạy vừa ăn.
Khi đến đỉnh đỉnh Fansipan, chúng tôi dừng lại khoảng nửa tiếng để ngắm cảnh tiên giới ở đây: tôi đang đứng giữa những đám mây như Tôn Ngộ Không, trước mắt tôi là khói thuốc lá bay quờ quạng, và xa hơn là những sa mạc hơi nước đầy trắng ơi là trắng!
*
Tôi làm việc với ‘ông’ Chí Phèo cách đây đã lâu, khi anh là một lãnh đạo tỉnh...
Vào gần trước và sau năm 2000, trong khi ở các tỉnh còn xài phổ biến là xe U-oát (Uaz), sang hơn là loại Mitsubishi 7 chỗ ngồi (dành cho CT/PCT tỉnh), thì văn phòng các dự án quốc tế thường được cấp xe Land Cruiser (màu trắng hay màu xám), xe Pajero V6 3000 (2 cầu), hay xe Fiat (của Ý)...
Hôm đó, tôi đi Lai Châu bằng xe Pajero, và có đi chung với ông… Vào buổi trưa, trên đường đi, qua khỏi đèo Pha Đin, khi chúng tôi vừa mới ‘mần’ xong mấy tô phở ở nhà một anh cán bộ huyện, đang ngồi xỉa răng và uống nước trà, thì bỗng anh tài xế hớt hơ hớt hải chạy vào nói:
-Xe quên khóa cửa, mất đồ hết trơn rồi!
Chúng tôi vội chạy ra thì chỉ có ông Chí Phèo bị mất đồ (vì tôi chỉ đem theo một bộ quần áo để thay), đó là cái xanh-tô-nai (*), mất mấy thứ lặt vặt không quan trọng, mà quan trọng là mất hai cái bằng cử nhân.
Sau đó, ông đi báo công an..., rồi về Hà Nội…, rồi nhận được điện thoại từ anh cán bộ huyện:
-Có cái xanh-tô-nai rồi, thằng trộm mở ra thấy không có cái gì để lấy, nên ban đêm nó đem vứt trước cổng nhà tôi…
(Ghi chú: Ông đi công tác không bao giờ mang theo tiền, mà tất cả chi phí là do cấp dưới phải trả)
Chuyện đã xong… Và hồi đó tôi hơi có ngưỡng mộ… ông Chí Phèo này một tí:
-Ổng có những hai cái bằng cử nhân: cử nhân kinh tế và cử nhân chính trị!
2
TUY NHIÊN, CHUYỆN ĐÃ LỘ DẦN RA…
Đó là vào một hôm, có một ông Tây đến thăm cơ quan. Lưu ý là ông Chí Phèo đã thuê thầy đến dạy Anh văn trong phòng riêng của ông khoảng 2 năm!, và cơ quan trả lương cho thầy giáo đều đều… Thấy ổng, ông Tây nói:
-Good morning, how are you? (Chào ông, ông có khỏe không?)
Luýnh quýnh, ấp úng, với cái miệng bư bứ không biết trả lời làm sao, ổng liền bảo:
-Mr. Bàng, ông Tây này nói cái gì đó, trả lời giùm tôi coi!
Ha..ha..ha…
Nhưng ngạc nhiên nhất là vào một hôm khác, khi tôi đang ngồi một mình trong văn phòng, bỗng có một cái công văn chuyển đến. Mở ra, tôi thấy giấy triệu tập ông Chí Phèo đi học lại… lớp 9. Tôi tự hỏi:
-Ủa, ổng có hai cái bằng cử nhân rồi sao mà lại đi học lại lớp 9?
Nhưng sự thật vẫn là sự thật, ổng báo cáo cơ quan xin nghỉ (không liên tục), rồi đi học chỉ hai môn văn và sử. Vào cuối ngày, ổng thường về cơ quan với bộ mặt đỏ gay, và chả thấy xem lại bài vở gì cả! Và thầy cũng tài mà trò cũng tài - đó là ổng học luôn một lúc 3 lớp liên tiếp (10, 11 và 12), nhưng không… hiểu gì cả! (lưu ý là chỉ riêng chương trình văn lớp 10 thôi cũng rất là rộng), thế mà chỉ trong vòng có… một năm:
-Ổng đã có một cái bằng tốt nghiệp cấp ba thơm phức!
Và với kinh nghiệm của tôi, tôi còn nghi rằng ông chưa có bằng tiểu học!, và biết đâu đó, ông chưa học đến lớp 3! Tôi kiểm tra!
*
Tôi nhớ lại hôm đó, anh cán bộ huyện lên…
Anh ta qua phòng tôi chào, rồi gõ cửa phòng ông Chí Phèo. Anh vừa ló chưa hết nửa cái mặt vào, thì ông ta liền hỏi (phòng tôi kế bên nên tôi nghe rất rõ):
-Ông có mang tiền theo không?
Đại khái là bất cứ cấp dưới nào đến quan hệ làm ăn với cơ quan, đều phải mang tiền theo ‘nộp’ ông ta trước, lớn nhỏ tùy theo giá trị của hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền và bỏ vào cái hộc bàn, ông sẽ không tạm ứng tiền để triển khai, mà tiếp tục ngâm cái hợp đồng này cả 6 tháng, cả năm, hoặc lâu hơn, để vòi vĩnh thêm tiền, hay để cảm thấy hả dạ khi được ‘hành hạ’ (*) cấp dưới lúc nào cũng phải khúm núm, lạy lục, năn nỉ, van xin ông!
Và cấp dưới chờ mãi…, chờ mãi…, chờ mãi…, cuối cùng thì cũng phải có một cái hợp đồng nào đó được triển khai chứ! (đó là do ông ta bị cấp trên mắng)…
*
Tại một cái hội trường ở huyện… Gần đó, tôi đi lòng vòng quanh một bản làng của người Thái (hay Mường), thấy rải rác có vài nơi trồng lúa nước, bắp, đậu cô-ve, bồ công anh, thuốc lá, nuôi trâu, bò, cá… Và ở đây công tác (không liên tục) trong 2 năm, chưa tính buổi trưa hay buổi chiều, thường sáng nào vừa mở mắt dậy thì tôi cũng bị ‘chào buổi sáng’ (uống rượu bằng bát) liên tục: sợ tới bây giờ luôn!
À, quên… Trước kia, các hợp đồng đào tạo đều do các giảng viên chuyên môn ở các trường đại học thực hiện, như trường đại học Nông Nghiệp 1, Thái Nguyên, Xuân Mai… Thấy cái hợp đồng nước ngoài có nhiều tiền - có thể khóa 5 ngày được trả đến 7 triệu đồng (gần 2 cây vàng!), nên ông Chí Phèo giành giảng để lấy tiền một mình (mặc dù ông chả biết gì về kỹ thuật nông nghiệp hay lâm nghiệp), và để làm được vậy, ông nhờ một cán bộ nào đó ở huyện ký giùm, rồi lãnh tiền đưa lại cho ông, rồi không những ông chả chi cho họ đồng nào, mà còn đến nhà họ nhậu ‘chùa’ liên tục, thậm chí còn tiện tay ‘hôi’ cái này cái nọ của họ bỏ lên xe và đem về nhà…
Và học viên đã đến… Ông Chí Phèo viết trên bảng, ông không viết được thẳng hàng, dòng thì quẹo lên, dòng thì cong xuống, chữ thì nhỏ xíu như con kiến, mà không người nào có thể đọc được!; còn giảng thì ông nói linh tinh lang tang, thỉnh thoảng lại ‘hự.. hự.. hự…’ có vẻ là ông lớn, mà chả ai hiểu là ông giảng cái gì!
Và rồi cái gì đến cũng phải đến… Có một bài toán:
-Một bao phân u-rê giá 150.000đ, vậy thì ba bao giá bao nhiêu?
Ông giảng viên Chí Phèo nghĩ không ra (để hướng dẫn thực hành cho người dân), bèn vội gọi:
-Mr. Bàng, đưa cái máy tính cho tôi coi!
(Ghi chú: Đó là cái máy tính tay (Calculator), nhỏ bằng cái bàn tay, giá hồi đó khoảng 30.000đ/cái)
Ông dùng hai ngón tay chọt… chọt… chọt… rất là chậm, rồi nói tỏ vẻ rất kinh ngạc:
-Ủa, sao 150.000 nhân cho 3 mà ra 6 tỉ???
Vâng, 15 nhân cho 3 bằng bao nhiêu mà ông ta cũng không biết, lại dùng máy của… Mỹ, mà tính ra là 6 tỉ:
-Chí Phèo ơi là Chí Phèo! Ông trở thành Bá Kiến rồi thì ông có làm được cái gì không?

(HẾT)
---------
Chú giải:
1.    ‘biếc đọc, biếc viếc’: từ dùng trong bản báo cáo về giáo dục của ông Chí Phèo.
2.    Câu chuyện cậu bé Ahmed Mohamed và tổng thống Obama: Ahmed Mohamed, 14 tuổi, là học sinh trường trung học MacArthur ở thành phố Irving, bang Texas. Cậu đam mê công nghệ và chế tạo một chiếc đồng hồ để đem khoe với giáo viên trong những ngày đầu tới trường… Khi nghe tiếng bíp trong lúc giảng bài, cô giáo tiếng Anh của Ahmed đã yêu cầu học sinh lôi thứ đang giấu trong cặp ra. "Cô ấy phản ứng giống như đó là một quả bom"... Ahmed bị bắt và bị còng tay dẫn giải khỏi trường hôm 14/9… "Chiếc đồng hồ rất thú vị Ahmed ạ. Cháu có muốn mang nó tới Nhà Trắng không? Chúng ta nên truyền cảm hứng cho nhiều đứa trẻ khác đam mê khoa học như cháu. Đó là điều khiến nước Mỹ vĩ đại", ông Obama viết trên Twitter lúc 11.58PM, ngày 16/9/2015. (Hiện, Ahmed đã được thả. Cậu bé sẽ được tới Nhà Trắng vào Đêm tháng Mười, một sự kiện hàng năm với sự tham gia của các phi hành gia, các nhà khoa học và chuyên gia các lĩnh vực - vntinnhanh.vn). Xem thêm: http://www.khoahocthuvi.net/ahmed-mohamed-la-ai-d7913.html
3.   ‘chào buổi sáng’: uống rượu bằng bát khi ăn sáng (thường là tiết canh long lợn), gần như là một phong tục của đồng bào vùng Tây Bắc!
4.   Đèo Pha Đin: Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất", hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Điểm đầu cách TP Sơn La 66 km, còn điểm cuối cách TP Điện Biên 84 km, nó có độ dài 32 km, điểm cao nhất là 1.648 mét... (wikipedia)
5.   Đỉnh Fansipan: là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" (3.143m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là "Hủa Xi Pan" và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. (wikipedia)
6.   ‘hành hạ’: với ý nghĩa là ông rất keo kiệt, mà cảm thấy đứt ruột đứt gan khi chi tiền cho người khác, dù đó là tiền của nhà nước.
7.   xanh-tô-nai: từ miền Bắc!, tức là cái va-li cứng, hình chữ nhật, mà cán bộ lớn thời đó hay dùng để đi công tác!

16 nhận xét:

  1. vomtroirieng [Bạn đọc] Email · http://vomtroirieng.blogtiengviet.net 28.09.15@16:55
    Đọc bài viết trong 1 chiều saigon hơi man mát (k phải man mác, vì vừa mưa xong)và tâm trạng tuơng đối nhẹ thở nên VTR cũng chẳng bức xúc gì ông Chí của huynh. Nếu như ông Chí trong bài viết "chọt" máy tính mà ra kết quả 6 tỉ thì có 1 ông Chí ngoài đời thật đó huynh, ông buồn cười lắm.
    Thế này, ông cũng phải đi học lấy bằng, nhưng ông còn bao nhiêu việc quốc gia đại sự nên ông cử đệ tử đi thay, đến ngày thi, ông phải đi thi cho hợp lệ, cũng có đệ tử giải bài đưa vào cho ông chép, hôm ấy thi toán.
    Hết giờ thi, ông ra cổng, đệ tử đã chờ sẵn để đưa về, đệ tử hỏi
    -Sếp chép kịp hết bài giải ko?
    Ông cáu lên
    -Sư mày, viết sai tùm lum, có số 8 mà cũng viết nằm ngang làm tao phải vừa chép vừa sửa.
    - Ôi, chết mất sếp ơi, k phải số 8 nằm ngang mà là ký hiệu vô cực đó sếp à.
    He he, Chí nào cũng có những cú khó đỡ huynh hén.
    Chiều ngọt ngào...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, hôm nay học thêm từ mới: man mát, hehe...
      Uh, có lẽ ông Chí của LB nhờ người học hộ chăng!, rồi thi hộ chăng!..., chứ ổng kg biết cộng trừ nhân chia, kg 'biếc đọc biếc viếc' thì làm sao mà có 2 cái bằng cử nhân được!!!, híc.. híc... đoán khó quá!!!
      Cám ơn nhé, tối... ngọt ngào.

      Xóa
  2. hoamai1 [Blogger] Email 28.09.15@19:30
    Mụ già này hồi mới giải phóng đã được Ty GD 1 tỉnh miền Tây giao cho nhiệm vụ phải dạy bổ túc cho quan đầu tỉnh và các sếp đầu ngành 2 năm 3 lớp !!! Ke ke..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, lời bình của chị làm cho tôi nhớ lại vụ 'Bổ túc văn hóa', quả nhiên 'hầu hết' bằng cấp của ta là 'thuộc loại này', hèn chi họ không sáng tạo mà chỉ biết vâng lời!
      Còn ở chỗ tôi, họ học 1 năm, nhưng thực chất chỉ có 6 tháng, được 3 lớp (10, 11, 12), quả là các học viên thiên tài, ông Obama cũng phải gọi họ bằng... thái sư phụ, hehe...
      Cám ơn chị HM, chúc tối vui.

      Xóa
  3. Lưu tư liệu

    ...tiến sĩ giấy hằng ngày có mặt khắp nơi..., thiếu chi thân giáp bảng, mặt văn khôi nhưng cũng chẳng hơn gì loại tiến sĩ giấy, lớp trước sợ giặc, hèn nhát đầu hàng, lớp sau dựa vào lí lẽ xuất xử tùy thời, chấp nhận ra làm quan với triều đình bù nhìn, ngoan ngoãn chịu kiếp làm tay sai...
    http://hoamai1.blogtiengviet.net/2015/09/28/p5795989#more5795989

    Đoạn này có vẻ 'hiện thực cụ thể sinh động' lắm HM à, LB rinh về nhà nhé, cám ơn.

    Trả lờiXóa
  4. Lưu comt Kiều Thiện

    Có một cô yếm thắm
    Ra đường gặp... lang băm
    -"Ơ nè!, lên xe máy
    Anh chở đi ngắm... rừng"
    *
    Lang băm về bị bệnh
    Chả biết là bệnh gì
    Cô gửi cho tin nhắn
    Khỏe liền, anh lại đi...

    Trả lờiXóa
  5. haduyenp [Blogger] Email 29.09.15@12:43
    Nhạc Linh San tiểu muội lâu rồi mới thăm Ca Ca, luôn mạnh giỏi Ca hén!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Úi dà dà, huynh đang luyện... Tịch tà kiếm phổ, nhớ mang nhìu nhìu rượu lên núi cho huynh nghen, hihi...

      Xóa
    2. Úi dà dà, huynh đang luyện... Tịch tà kiếm phổ, nhớ mang nhìu nhìu rượu lên núi cho huynh nghen, hihi...

      Xóa
  6. Hihih thăm anh chiều an lành thanh thản!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, bận... xây nhà, bây giờ mới mở máy, cám ơn bạn, cuối tuần vui nhé.

      Xóa
  7. Người Hà Nội [Bạn đọc] 02.10.15@18:50
    Tôi vừa (hoặc còn đang) tranh luận với một bác trai tuổi 48-49, gốc VN, sống ở Tây gần 25 năm. Câu cuối cùng của bác ấy: "Ong co biet Chi Pheo la ai khong? Toi la bo no". Thế đấy đã là Chí Phèo thì ở đâu cũng là Chí Phèo, con cái sinh nơi đất lạ cũng Chí Phèo.
    Cuộc trao đổi trên Viber, lúc nào có thời gian tôi sẽ chép vào đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn, lâu ngày quá,
      mình đang bận... xây nhà từ sáng sớm đến tối mịt, mất vài ngày, nên ít khi mở máy ra, mình sẽ theo dõi câu chuyện của bạn!
      Chúc (bên ấy) ngủ ngon!

      Xóa
    2. Ái Nữ [Blogger] Email 03.10.15@18:22
      Chép cho tôi nữa nhé Người Hà Nội!

      Xóa
    3. @ Ái Nữ
      Úi dà, hôm nay mèo mới... rảnh tí hả?, tối vui nhé.

      Xóa
    4. Ái Nữ [Blogger] Email 03.10.15@21:39
      Mèo lúc nào mà chả rảnh! Cùng lắm là bận... ngủ thôi.

      Xóa