Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

811. Sự thật vẫn là sự thật (Thư giãn)

Hằng Bingboong ở Đài Loan (2013)


Tối về vắng bóng người thân
Thế nhân, nhân thế, luần quần nghĩ suy
Ước trong cơn ngủ li bì
Thịnh suy, suy thịnh mặc... đời, lẽ sao!

Xem trên ti-vi, chiều ngày 29/3/2016, tôi có ghi nhật ký như sau: ‘Mới đây có một nước mới vào Liên Hiệp Quốc ở trên... Sao Hỏa, đó là nước có cái tên dài thòng lòng là: Đài Loan Mở Ngoặc Đơn Trung Quốc, ai trông thấy cũng cười ngất, ha..ha..ha...’. Vì thế mà tôi nghĩ thêm và viết ra bài này, định với tiêu đề là ‘Sự phản tác dụng trong truyền thông’, nhưng nay tôi không muốn nhúng tay vào chuyện đời nữa, nên viết dưới cặp mắt không phải của một nhà… trọc hiết gì đó, mà của một nhà-xem-ti-vi-học.
Bài này gồm có: 1) Chữ người ‘Tàu’ từ đâu mà có?, 2) Tại sao Trung Quốc?, và nên gọi là TQ hay Tàu?, 3) ‘Trên đời này chỉ có tiếng Việt’, 4) Phim hay nhất: ‘Trường McFarland Hoa Kỳ’, 5) Bóng đá Việt Nam và vụ ‘Minh Béo’, và 6) Đâu là sự thật!
Mỗi phần tôi chỉ viết ngăn ngắn cỡ nửa trang, và lưu ý rằng tôi chỉ xem ti-vi và cảm nhận thôi, chứ không rành Hán-Nôm hay Hán-Việt, ai ‘háng rộng’ thì cứ xài, nên trong phần bình luận dưới đây thì xin miễn cãi nhau.

1. Chữ người ‘Tàu’ từ đâu mà có?
Hồi trước, đọc trên wikipedia, tôi thấy người ta nói là chữ ‘Tàu’ (trong chữ ‘nước Tàu’) xuất phát từ hai giả thuyết: thứ nhất là vì hồi xưa, người Việt hay qua buôn bán bên nước Tào, ‘Tào’ ở đây tức là Tào Tháo, hay nước Tào Ngụy! (một trong ba nước Ngụy, Thục, Ngô, thời Tam quốc); thứ hai là vì người Trung Hoa xưa, khi đi bị đuổi cùng giết tận (thua trận/mất nước) thì phải chạy trốn sang VN bằng tàu (đường biển), nên dân ta thấy thế mà gọi họ là ‘người Tàu’!
Nhưng… Khi xem bản đồ, tôi thấy lãnh thổ của Tào Ngụy nằm ở tận phía bắc Trung Hoa, nước Thục nằm ở phía Tây (còn gọi là Tây Thục), chỉ có Đông Ngô (năm 222-280 SCN) là có 'giao' với VN - gọi là Giao Châu, bao gồm một phần của Quảng Tây, Quảng Đông và miền bắc VN (xem dưới), nên giả thiết là người Giao Chỉ sang buôn bán với người ‘Tào’ ở trên là không hợp lý lắm! Và ‘nói chung’ là trước năm 938 - khi Ngô Quyền giành được độc lập - thì có thể nói VN vẫn ở trong thời kỳ Bắc thuộc (*), nếu: 1) các ‘thế lực thù địch’ của nhà nước phong kiến Trung Hoa sinh sống kéo dài đến tận Giao Chỉ (đến dãy Hoành Sơn giáp giới với Vương quốc Champa!), ngay cả Triệu Đà (235!-136TCN) khi chống lại nhà Hán (Lã Hậu) thì cũng chống ở ngay tại đất ‘Nam Việt’…, có thể tham khảo thêm vụ Phạm Lãi (Đông Chu liệt quốc), Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh Ký), Viên Thừa Chí (Bích huyết kiếm)… lánh nạn ra các hòn đảo gần bờ biển bắc hoặc đông Trung Hoa..., 2) thời đó, nhiều thương gia nước ngoài (như Ấn, Trung Hoa, Đài Loan, Philippines, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật…) cũng đến VN bằng tàu, mà chỉ đến phía Nam (thương cảng Hội An nổi tiếng của Vương Quốc Champa!, chẳng hạn), thì lý gì mà người Giao Chỉ chỉ gọi riêng người Trung Hoa là người ‘Tàu’!, nên không giả thiết là người Tàu sang VN bằng ‘tàu’ là không có lý lắm.
Và tôi thấy cái ‘thực tế’ này là hơi bị… có lý. Đó là vào năm 2001, khi làm ở Hà Nội, tôi có đi ăn ‘Chả cá Lã Vọng’ (số 14, phố Chả Cá), mà thực ra ở trên đời này chả có thứ cá nào là tên là Lã Vọng hết! Té ra câu chuyện là thế này, người HN kể với tôi là: thời Pháp thuộc, quán chả cá này ở gần một cái chỗ bán tượng ông Lã Vọng (*) ngồi câu cá, vì thế mà khi rủ nhau đi ăn, người ta thường nói ‘ra quán chả cá gần chỗ bán tượng Lã Vọng đấy’, rồi từ đó thành ra ‘chả cá Lã Vọng’… Cũng may, cùng năm, ở Hạ Long, tôi ‘có duyên’ nên được ngồi nhậu với hai người, một người Bỉ và một người Hà Lan, mà khi đang ăn món đậu khuôn thì họ hỏi ‘tiếng Anh là gì?’, tôi chưa kịp nhớ ra thì anh chàng người Hà Lan bỗng vỗ trán một cái 'bốp' và nói rằng: ‘Ah, tofu’, mà tiếng Tàu gọi là ‘tào phớ’ (đậu hũ*). Căn cứ vào cách gọi của người Việt thường là vậy, rất tự nhiên (xem thêm bên dưới), nên tôi lập tức đoán ra rằng:
-Té ra dân ta gọi người Trung Hoa xưa là người ‘Tàu’ vì họ chuyên sản xuất ra món đặc sản là ‘tào phớ’ (!),
chứ không phải do họ là con cháu của ông ‘Tào Tháo’, hay do họ thường đi đến VN bằng ‘tàu’.

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

810. Chùm thơ ‘Sóng vỗ đau bờ’

HOAN HÔ ĐỘI TUYỂN BÓNG CHUYỀN NỮ - NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG !
Đây là nguyên văn mà tôi đã viết từ 23-26/3 (entry ‘Chuyện cây vú sữa’*): ‘…Đội Phúc Kiến, Triều Tiên, TTLV Bank, và nhất là Giang Tô, thì có ‘4 em số 8’ trông rất dễ sương… Trong mấy trận đấu vừa rồi, chiều 22/3, đội NH Công Thương trông có vẻ trẻ hơn và nhỏ con hơn (các đội khác), đã chơi trên cả sôi nổi… Tóm lại, về chuyên môn thì vẫn còn đó những hảo thủ như Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh, Kim Huệ… khá phong độ, riêng em (cây vú sữa hư cấu - NGLB) đánh giá Linh Chi, Thanh Thúy, Đinh Thị Thúy (đánh tốt cả hai tuyến trên và dưới)… là vẫn còn thu hút cặp mắt ‘hám ngắm đùi’ của các anh dài dài - trên màn ảnh nhỏ..., nhưng em đặc biệt ấn tượng với Đinh Thị Thúy, số 16, đội Ngân hàng Công Thương, mới có 18t, với đôi mắt luôn nháy, và nước da ngăm ngăm đen - toát lên một nguồn sinh lực mãnh liệt, là một tài năng bất ngờ của giải…’. Không ngờ, nghề làm ‘thầy bói’ của tôi là rất… chính xác (cười), quả nhiên Đội Ngân hàng Công Thương vô địch, Trần Thị Thanh Thúy và Đinh Thị Thúy được bầu là chủ công xuất sắc nhất, Đinh Thị Thúy được bầu là cầu thủ triển vọng nhất, và cầu thủ số 8 của Giang Tô là Wang Yuqi được bầu là Miss Volleyball.
Và dưới đây là một số chùm thơ 4 câu - với nội dung chính là đang hạ dần độ cao để đáp xuống sân bay ‘Rời Khỏi Giang Hồ’ - mà tôi đã tặng các blogger từ ngày 1/3 đến 27/3/2016. Thân mến.

Sóng vỗ đau bờ
Chuyện tình của cát, mát da em
Đường đi cứng đá, bỗng hóa mềm
Trăng soi đôi bóng, ai thèm sống
Sóng vỗ đau bờ, ta đớn thêm
*
Nếu mai ta chết thì vẫn thế
Em vẫn ngày nào, phơi phới môi
Vẫn chùm hoa giấy, lay lay gió
Vẫn đám chim tình, sanh sánh đôi

---------

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

809. Thượng đế và triết gia…

Em đeo kính mát, tưởng thăm chàng xứ đỏ
Nào ngờ, chuông điện thoại mỏi réo: không tăm
Thôi, xứ em, em cứ sống thế cả đời
Nơi xứ người, cứ mãi quặn với dòng sông


Triết học là cái thứ vứt vào… xọt rác (cười), nói như vậy không phải là tôi… khinh nó đâu, mà để khỏi có ai gán chữ triết vào tôi, hay để khỏi có ai lợi dụng cơ hội này để làm nổi cái ‘tôi-triết’ lên, còn ‘thượng đế’ ở đây không viết hoa - tương đương với ‘ông trời’, để tránh đụng hàng với tôn giáo, hay ‘tôi-giáo’, vì thế, mọi sự cãi nhau trong các bình luận dưới đây thì xin miễn.
1
Nói triết trước, nói thượng đế sau.
Triết gia là cái quái gì, vì chắc chắn tôi không phải là triết gia nên tôi không biết, nhưng ai là triết gia hay không phải là triết gia thì tôi có thể biết, nói như vậy không hẳn là vô lý, vì không phải là cầu thủ bóng chuyền, nhưng ai đánh bóng chuyền hay thì tôi có thể biết, không phải là ca sĩ, nhưng ai hát dở thì tôi có thể biết, không phải là chuyên gia nói thật, nhưng ai nói phét thì tôi có thể biết, không chấm thi hoa hậu, nhưng ai đẹp thì tôi có thể biết, không phải là học giả, nhưng ai giả học thì tôi có thể biết…
*
Không phải ai đó nói vài câu gì đó có chút chút chất triết lý (!) như ‘bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn’, ‘Việt Nam hình chữ ét-xì, so với thế giới cái gì cũng hơn’, ‘rằng cao đến thế là cùng, nhưng cao mới đến cái mung con lừa’, ‘cục cứt nào cũng có hai đầu, đầu trên và đầu dưới’, rồi ‘chay, chày, cháy, chảy, chạy’ (*), hay ‘chính quyền đẻ ra từ họng súng’, … thì gọi đó là triết gia; vì triết gia thì hiếm lắm, vô cùng hiếm, ngàn năm mới có vài mạng, chẳng hạn như Phật/Chúa vậy, thử hỏi có bao nhiêu Phật, bao nhiêu… Chúa (Thánh)? Tạm, những 'đại nhân' (great man) sau đây có thể xem là triết gia: Aristote, Camus, Descartes, Engels, Hegel, Kant, Krishnamurti, Lão Tử, Marx, Nietzsche, Platon, Sartre, Trang Tử, Spinoza, Socrat… chứ không phải cứ nổi hứng lên thì xưng ta là ‘triết gia vô đối’, ‘triết gia số một châu Á’, hay ‘triết gia số ba thế giới’ gì gì đó, triết gia như vậy thì bằng bố ‘tra giết’!

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

808. Chuyện cây vú sữa và ‘cao đến thế là cùng’ (Thư giãn)

Tóc mây em xỏa vai... thèm
Chiều về mỏi đợi bóng chuyền, anh xem
Dáng em thoăn thoắt cong, mềm
Anh 'bay' khoảnh khắc, chả cần tử sinh!

Cách đây hai tháng, cây vú sữa nhô ra những cặp... vú non, trắng ngẩn trắng ngần, kèm theo một mùi hương nhẹ, thơm phức phừng phực, và đầy nữ tính… bay đến từ một thế giới ảo nào đó, khiến thi nhân bỗng chép miệng một cái ‘chặp’ và nuốt nước miếng một cái ‘ực’ như Trư Bát Giới…
Nay, những cặp vú của nó đã đầy mọng sữa, lại không giấu mình dưới cái nắng thiêu đốt của cơn sốt El Nino điên dại, mà cứ hơn hớn giữa trời, nên trắng lại càng thêm trắng… Mấy anh chàng thợ hồ ‘háu gái’ vội vói tay đến những cành gần mặt đất, dùng móng tay bấm vào, thấy trái nào mềm mềm thì vội vồ lấy và mút lấy mút để… ‘Anh có thích ăn vú sữa không?, tôi hỏi một anh bộ đội. ‘Thích, nhưng tôi không hay ăn, vì bị dính mũ đầy mồm’, anh ta hơi nhăn mặt trả lời… Xin nói thêm chút chút về kỹ thuật ăn vú sữa, đó là ăn ngay trên cây, lựa trái chín nhất, bóp cho nó mềm nhũn ra, lấy móng tay khoét một cái lỗ nhỏ, rồi thò miệng vào chỗ đó mà mút chùn chụt… Quả thật, tôi có ăn thử… hai trái, ôi, vì nó chưa thật sự chín mọng, nên bị mũ trắng dính đầy răng, tùa ra cả mồm, hi…
Trong số những anh thợ hồ, chỉ có anh Ba Hưng là trèo lên được đến lưng chừng cây (chỗ có cành lớn). Và vốn là một người vui tính, anh vừa cười nói huyên thuyên, vừa ‘đ… mẹ’ liên tục, vừa hí hố tuyên bố trước bàn dân thiên hạ (những người đứng dưới gốc cây) là mình trèo:
-Cao đến thế là cùng!
Anh tổng Tùng (chủ thầu) đứng gần đấy, vừa bật cười lên hăng hắc, vừa xuất khẩu thành thơ là:
-Rằng cao đến thế là cùng
Nhưng cao mới đến cái mung con lừa
Ha..ha..ha…

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

807. Những tay tổ sư nói khoác… (Chuyện hài Hoài Linh phẩy - Phần 7)


Cách đây khoảng một tháng, tôi có đọc được một bài của blogger Meoainu mà có dùng từ ‘tổ sư nói khoác’ và ‘Viện hàn lâm nói khoác’ - không biết là có phải do bạn ấy… sáng tạo ra không!, nhưng tôi rất thích hai cụm từ này. Trước đó, tôi có viết bài ‘Thiên hạ đệ nhất chém gió’, rồi ‘Tuyên bố thành lập Công ty dịch vụ chịu đựng chém gió quốc tế’, sau đó định viết bài ‘Thiên hạ đệ nhất nói khoác’ (*) - nhưng thấy nếu nói vậy thì mình cũng bằng… bố của kẻ nói khoác, nên đổi tên bài này thành ‘Nguyễn Tầm Thường’ (*).
*
Thường, tôi ngồi uống trà hay cà phê, và chém gió để giết thời gian với một cụ già (và đôi khi có vài cụ nữa), mà cụ hay… nói về nào là ‘ngũ uẩn’, nào là ‘lục trần’, chán quá đê!, tôi rất ghét các lý thuyết… xa thực tế, mà chỉ thích ngắm nhìn thực tại:
-Bên cạnh chúng tôi có dòng sông Sài Gòn muôn đời vẫn chảy, có một cái cây mít con con mà muôn đời vẫn là cây mít, có một chú chim sẻ tung tăng nhảy, ‘đẹp ơi là đẹp’, và muôn đời vẫn là chim sẻ…, nói cho cùng thì ‘nó vẫn là nó’ - bất chấp ai chém gió như thế nào:
Nếu mai ta chết thì vẫn thế
Em vẫn ngày nào, phơi phới môi
Vẫn chùm hoa giấy, lay lay gió
Vẫn đám chim tình, sanh sánh đôi

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

806. NGÀY TẬN THẾ KHÔNG HUYỀN BÍ (Chuyện hài Hoài Linh phẩy - Phần 6)

Ở đời kiếm một chút vui
Quên đau trước mắt, quên sầu sau lưng
Ngoài kia hoa nở tưng bừng
Một cơn gió thoảng, bỗng dưng thở dài!
1
TRONG KHI…
Vô số người đều rầm rầm xưng ‘tôi là tài, là giỏi’… mà thực ra thì họ chả biết được đến một phần tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ của cái thế giới vô cùng lớn và vô cùng bé ngay trước mắt - trong cái ‘tam thiên thế giới’ (ba ngàn thế giới) này; rất nhiều người nói ‘tôi biết thuyết Phật nhất’, ‘tôi biết thuyết Chúa nhất’, ‘tôi biết thuyết Ala nhất’, ‘tôi tương tác với thượng đế… nhất’, thì cũng rất nhiều người nói ‘tôi duy vật nhất’ - trong đó có nhiều người khua môi múa mép cho mình là ‘sư phụ’ trên vô tuyến truyền hình, thậm chí có ai đó tự xưng tôi là triết gia vô đối ở Việt Nam, triết gia số một châu Á, và là triết gia thứ ba thế giới!;
Rất nhiều người mang triết, tư tưởng, thơ, văn… của nước ngoài về thải ra đầy ở nước mình; nhiều người đang kiếm/chạy cái bằng tiến sĩ, cố gắng đại giáo sư - đa tiến sĩ, mơ màng viện sĩ, mơ hoang Nobel… để được giới thiệu trên ti-vi, hay đưa vào cái ‘name-card’ của mình với cả tràng chức danh dài dằng dặc và đầy sĩ diện;
Rất nhiều người hàng năm uống hàng tỉ lít rượu/bia, gặp con gì cũng nhậu tuốt tuồn tuột… mà làm cho nhiều loài trong thế giới động vật bị tuyệt chủng, hay đang có nguy cơ bị tuyệt chủng; rất nhiều người chen lấn, hối lộ thần thánh, thậm chí đặt… đít lên đầu người khác để kiếm cái bùa, cái lộc, cái ‘phết’… để hòng thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc hay để ‘giải hạn’; rất nhiều người là ‘Chí Phèo’ trong nước và là ‘Thúy Kiều’ ở nước ngoài; nhiều người đua nhau vào hội nhà văn, nhà thơ, và tranh nhau mấy cái giải hữu nghị hào nhoáng; 
có một số người tu nhưng uống rượu, ăn thịt chó và chơi bời ‘em út’ thoải mái!; đó là chưa kể đến lâm tặc, ‘ăn mặc hở hang tặc’, tùm lum tặc...;

Nhiều người được gọi là lề phải, lề trái gì gì đó, người thì hò ‘vạn tuế’, kẻ thì hét ‘dân chủ’, rồi ném đá nhau tơi tả, làm dân thấy bát nháo nhào nhào!; có người chửi người khác là dỏm… để chứng minh rằng mình là xịn!; hay gặp ai cũng chửi là ‘đồ ngu xuẩn, hạ đẳng, súc vật’ để tỏ ra rằng trên thế giới này, chỉ có một mình y là thông minh, thượng đẳng và là siêu… người!;
Một số người đang tranh cãi, nói rằng người Tàu mới có cách đây 15.000 năm, là con cháu của người Việt có cách đây 40.000-100.000 năm
(*), nên người Tàu phải gọi người Việt là ‘ông tổ’!, trong khi đó, một số người thấy của ai đó thì gọi là ‘của lạ’, một số người thì đòi ‘tích hợp’ môn lịch sử của dân tộc mình vào cái Tôn Ngộ… Không!;

Rất nhiều người đang trong cơn ‘sụp đổ thị trường chứng khoán’ và nền kinh tế của họ có nguy cơ rất cao là sẽ bị ‘hạ cánh cứng' (*) sớm; nhiều người chuyên sản xuất hóa chất độc hại; nhiều người hứa hẹn là đầu tư xây dựng ở xứ người ta, nhưng cứ lần lữa không chịu thi công, hay có một số trường hợp xù - không chịu nôn tiền ra!; một số người nói bô bô rằng cái Bỗng Điên là họ có từ đời ông cố tổ của họ!
Ngoài ra, có một người đang hát là: Ta không cần cuộc đời/Toàn những chê bai và ganh ghét/Ta không cần cuộc đời/Toàn những khoe khoang và thấp hèn…/Ta không thèm làm người/Thà làm chim trên rừng hoang vắng/Ta không thèm làm người/Thà làm mây bay khắp phương trời. (Evis Phương, nhạc: Lê Hựu Hà)
THÌ...
Một trận động đất mở màn ở Trung Đông, rồi đất lở trời long, trái đất bị đổi trục/quỹ đạo - thay vì quay chung quanh trục (*) từ hướng tây sang đông thì quay ngược lại!, các vùng lãnh thổ bị hoán chuyển vị trí một cách vô cùng hỗn độn, nhiều biển biến mất, vô số núi non rung chuyển, rồi núi lửa trào lên với những tảng đá lửa khổng lồ bay tung tóe lên trời cao và rơi ào ào xuống mặt đất, rồi có những đám mây bụi che cả bầu trời kèm với dung nham cực nóng đang bắt đầu phi thân vào nước Mỹ, rồi rượt đuổi con người với vận tốc 6-700km/h (*) và nhanh chóng len lỏi đến tận Ý, Tây Tạng, Nga… kèm theo những cơn sóng thần có khi cao đến 1.500-2.500m! đang ào ạt tiến vào bờ biển Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc…

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

805. Những con lừa của nhân loại... (Chuyện hài Hoài Linh phẩy - Phần 5)

Trăm năm đã ngỡ rất dài
Nửa đời lại chuyển qua sầu thế nhân
Yêu đương mấy cuộc xa gần
Ngờ đâu đã thấy mộ phần vẫy tay


Đây là một câu chuyện có thật, xảy ra ở quán cà phê, có năm người: ba cụ già, một phụ nữ khoảng 36-37 tuổi, và tôi - lắng nghe… Tiêu đề là do người phụ nữ chọn.
…Nghe người ta triết lý, tôi thầm nghĩ là ai đó đang lừa nhân loại và lừa chính bản thân mình. Hơn nữa, ai đó chính là những con lừa, đang nặng nhọc thồ những tư tưởng nước ngoài và đem thải vào xứ rùa X nào đó - mà có người đã gọi là ‘hố rác tư tưởng của nhân loại’!
Bài này định có nhan đề là ‘Triết học Việt Nam có hình ô-van’ (phát biểu của một cụ già, sẽ kể ngay bên dưới) mà tôi định viết từ chiều nay (9/3), nhưng không phải lúc nào cũng có hứng viết - tôi kiểm tra lại thì cảm hứng viết chỉ có 50-50, hơn nữa, do ảnh hưởng ‘nhật thực’ ở Sài Gòn (*) nên ánh sáng có kém đi chăng!, mà mắt tôi lại bị mỏi...
Trước đó, cụ thể là mấy ngày hôm nay, tôi mãi suy nghĩ làm sao nối hai chiếc cầu ‘số một’ và ‘số hai’ dưới đây, nhưng quả thật là một nhiệm vụ vĩ mô và quá nặng nề… Và nghĩ đến những chú lừa, khuya, tôi thức dậy và viết…
*
Cách đây khoảng 4 ngày, có một cụ già kể rằng:
Ở bên Ấn Độ, bất kể giàu nghèo, cứ 10 nhà thì đến 9 nhà có phòng riêng để ‘thiền’, vì dân tộc Ấn Độ nghĩ rằng mặc dầu họ ủng hộ việc làm giàu, vì có làm giàu thì đất nước mới phát triển, và do đó người nghèo được hưởng lợi, tuy nhiên, ‘làm giàu’ hay nói rộng hơn là các thỏa mãn về vật chất (nhà cao cửa rộng, tiện nghi sinh hoạt/đời sống, học vị, quyền lực…) chỉ là thứ hai, còn ‘sự bình an’ trong tâm hồn mới là số một.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

804. Kẻ nhu nhược được làm sư phụ! (Chuyện hài Hoài Linh phẩy - Phần 4)


Tối về vắng bóng người thân
Thế nhân, nhân thế, luần quần nghĩ suy
Ước trong cơn ngủ li bì
Thịnh suy, suy thịnh mặc... đời, lẽ sao!

Nhớ lại, cách đây khoảng mười năm, có hai vợ chồng nọ đang… cá độ nhau, đúng lúc tôi đến. Họ bèn mời ngồi, pha trà, rồi ông chồng mở màn trước:
-Xin hỏi anh, trong bốn nhân vật của thầy trò Đường tăng, ai là buồn cười nhất?
Lúc đó tôi cũng hơi… cảnh giác ‘nếu chuyện bình thường như mọi người suy nghĩ theo ‘lối mòn’ cách đây gần 500 năm
(*) thì xưa rồi, chắc phải có cái gì đó thì họ mới hỏi!’, mà phải trả lời ngay, nên chỉ trong một sát na, tôi chợt ngộ ra vấn đề, và trả lời là: 'Trong bốn thầy trò Đường tăng, Tam Tạng là nhân vật buồn cười nhất'. Anh chồng thích chí quá, bật cười lên ha hả, vì chính anh đã cho Tam Tạng là kẻ buồn cười nhất, còn vợ anh thì chọn Trư Bát Giới: anh đã thắng!

…Vài năm sau (2010), khi ra quán cà phê, gặp một số người chém gió là hiểu biết về cuốn ‘Tây du ký’, tôi mới hỏi là ‘Truyện Tây du ký chủ yếu muốn nói lên cái gì?’, mọi người đều ú ớ, tôi mới nói là ‘ngộ không’, mà Tề Thiên Đại Thánh là một ví dụ, tức là những điều mà y làm, tưởng là rúng động cả trời đất, nhưng rốt cuộc là làm ‘nghịch với đạo trời’ …
Trước đó, nhiều người cho rằng bốn thầy trò Đường tăng đại diện cho ‘bốn tính cách của con người’, đại khái là: mọt sách, sáng tạo, lười và đần (tôi không thích dùng những từ trong kinh sách!), tương ứng với Tam Tạng, Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng. Trong bốn cái này, ‘Tam Tạng’ chiếm hết ba cái, trừ sáng tạo, đó là:
-Mọt sách, lười và đần. Mọt sách hay giáo điều là… hiển nhiên rồi, lười là lười suy nghĩ/tìm hiểu thực tế, còn đần là không phân biệt được sự khác biệt giữa thật và giả, tốt và xấu, nói chung là giữa tiến hóa và phản tiến hóa!
Việc chỉ ra ‘bốn loại người’ nói trên cũng là ‘good idea’! (ý hay), tuy nhiên, trải qua mấy trăm năm, nó đã trở thành một thứ ý ‘vũ như cẩn’, mà thế hệ sau cứ thế mà nhai lại!: quả nhiên, sáng nay, trước khi viết bài này, tôi làm một thí nghiệm bằng cách hỏi một cụ già, ông trả lời y như vậy!, có điều là ông dùng làu làu các ‘từ’ Hán-Việt hay trong kinh sách!, ha..ha…
Tối qua (6/3/2016), tình cờ tôi đọc được một bài 'sưu tầm' trên blog của Sáu Miệt Vườn, mà thiết nghĩ, để khỏi mất tính… sáng tạo, tôi sẽ trích dẫn vào cuối bài.
Đọc 'Tây du ký' đã lâu rồi, nhưng tôi cũng còn nhớ…

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

803. Những tên Cái Bang tinh thần

Lâu ngày viếng khúc thi tình
En-try dang dở, một mình nghĩ suy
Đàn kiến loạn, đáng thương thay
Quẩn quanh... chân lý!, kẻ đi, người còn

Đang luẩn quẩn ở trên bàn, và chỉ nhỏ như cái sợi chỉ, chú kiến đen cũng đủ cho mắt người - với độ phân giải bình thường - nhìn thấy hai cái râu nhỏ tí tẹo của chú, đó là cái ‘antenna’ mà có khả năng đánh hơi hơn cả chó (xem dưới). Bên cạnh chú còn có con kiến vàng (thực ra là có màu đỏ mận nhẹ), loại có nọc độc nhẹ, thường sống trên cây và ít tấn công người, trừ khi nó cảm thấy bị tấn công. Và nọc độc mạnh nhất có lẽ là loại kiến lửa!…

1
…Ngày xưa, Trang Chu (Trang Tử) thường hay nằm mơ thấy mình là con bướm (‘Trang Chu mộng hồ điệp’) và ông có nói rằng không biết mình là bướm hay bướm là mình!... Sau này, nhà phân tâm học Freud nói cụ thể hơn, là giấc mơ cũng là biểu hiện của hiện thực!
Ngày nay, có một cụ già và một cậu bé nằm mơ cùng hóa thành con kiến…
Cụ kiến già có vẻ khá thông thái và thường hay nói… triết, nhưng điều quan trọng để đánh giá cụ có thông thái hay không, là cụ phải ‘thật sự’ khách quan, hay cụ thể hơn là phải nhận thức được và nghiêm túc cải thiện ‘cái tôi thú tính’ của mình càng nhiều càng tốt.
Còn chú kiến trẻ thì rất hay nghi ngờ cái mà thường được các đồng loại nhí nhố phong là ‘thông thái’, nên cái gì chú cũng muốn cảm nhận được, tức là phải quan sát, kiểm chứng, hay nói cách khác là phải ‘lắng nghe’ bằng cái tâm.
*
Vào một buổi chiều đẹp trời nọ, vì ngồi một mình, cụ mới buồn buồn mà… bắt 4 con kiến vàng khác, bỏ lên một ‘cái nhang đuổi muỗi’ - hình tròn, xoắn ốc, nằm ngang... Rồi cụ kể lại rằng: chờ cả buổi mà nó cứ luần quần trên cái mặt phẳng nằm ngang, không biết… nhảy xuống, mặc dù cách mặt bàn chỉ có 2cm! (nó dài cả 0,5cm, tính cả râu-chân); rồi có 2 con đu nhau mà ‘thoát’ được!, còn lại 2 con thì đến sáng mai thì thấy biến đi đâu mất!
Nghe câu chuyện có vẻ không tầm thường và có tính… triết lý như vậy!, và nói rằng ‘loài kiến chỉ biết ‘tư duy’ hai chiều, chiều dài và chiều rộng, mà không biết chiều cao’, chú kiến đen mới nằng nặc đòi làm lại thí nghiệm trên. Quả nhiên:
-Các con kiến chỉ biết bò luẩn quẩn lòng vòng quanh cái đường đi cũ trên ‘cái nhang muỗi’, đôi khi chúng lại hội ý bằng cách ngửi râu nhau, rồi cũng có một con thoát được - do níu vào con kia, rồi ngẫu nhiên bị tụt… tay mà rơi xuống mặt bàn, nhưng về nguyên lý là chúng cũng không thể nào mà tìm được ‘lối thoát’, mặc dù chân lý nằm ngay ở cái trụ nằm giữa của ‘cái nhang muỗi’ - nối liền với mặt bàn!
Tại sao các con kiến chỉ biết bò luẩn quẩn lòng vòng quanh cái đường đi cũ?

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

802. Chùm thơ 'Chiều'

LTS: Đây là một số bài… thơ ngắn (có kết nối) mà tôi đã tặng các blogger từ ngày 12/2/2016 đến nay. Thân mến.

Chiều
Nàng là cơn nắng chiều lên
Nàng đưa tôi đến mông mênh bầu trời
Nàng là sương khói chiều rơi
Nàng đưa tôi đến hoang mơ bến tình
Nàng là sông nước chiều dâng
Nàng đưa tôi đến lâng lâng thiên đường
Nàng là tia nắng chiều vương
Nàng đưa tôi đến vô thường chốn đau
Nàng là tia nắng chiều tà
Nàng đưa tôi đến phôi pha tiếng cười
Nàng là câu hát chiều ru
Nàng đưa tôi đến mịt mù cõi thơ...