- ‘Ui, biết Khâm sai đại thần đến mà không ra mời uống cà phê!, thôi, thông cảm, vì ổng làm việc rất nhiệt tình!’
Trước tiên, có lẽ tôi sẽ đi làm, vì bấy lâu nay tôi 'ĐI CHOI' - một người Hà Lan, bạn tôi, hay nói vậy, hi... Trưa nay, tôi đã viết và gởi mail đi về yêu cầu cho một khóa học tiếng Anh*, hehe... Viết xong, mệt quá, tôi nằm nghỉ tí, rồi đi nấu cơm và ăn nhanh... Ăn xong, tôi nghĩ:
- Thôi mà, chịu khó lên Quận I tí đi mà, có tí vậy mà không làm được thì... chít cho rồi!
Thiệt, tôi 'nười' ra ngoài lắm, chỉ trừ trường hợp rất cần thiết.
1
Chuyến đi thăm và kiểm tra Quận I này làm tôi tốn tiền xe đò (từ tỉnh lên-về) là 500.000đ, cà phê, ăn uống, xăng xe là 200.000đ, tiền công... giám sát là 2.000.000đ/ngày (cười), tính khuyến mãi thì có 2,7 triệu thôi; tôi có... hóa đơn đỏ, sẽ mail lên Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào sẽ viết phiếu chi, Thượng đế sẽ duyệt chi, con Bắc Đẩu sẽ ra ngân hàng và chuyển tiền vào thẻ ATM cho tôi, hehe...
Tôi xuất phát từ đường Võ Thị Sáu, rẽ Hai Bà Trưng, đến Nguyễn Đình Chiểu, qua ngã ba Đường Sách TP HCM (thấy vắng tanh!)... là lọt vào Quận I.
*
Đường Hai Bà Trưng xe chật như nêm với đủ thứ người thượng vàng hạ cám, mà đa số là làm nghề 'mánh mung' (một từ của dân chợ trời ở Sài Gòn, ý nói là nghề nghiệp chụp giựt, không ổn định, nay có mai không), tôi định dzọt lên lề đường, vì nó không những là một sách lược, mà còn là một… chiến lựơc để tồn tại ở các đường phố ở SG này, nhưng tôi đã không làm!..., và tôi chợt hồi tưởng lại:
- Singapore hay Seoul (Hàn Quốc) với chủ yếu là du khách, người làm văn phòng... di chuyển trên đường - chiếm thiểu số, còn ở dưới lòng đất toàn là kiến: chiếm đa số, dân đi chợ, đi siêu thị, đi shopping, hay học sinh, sinh viên... thì đi bằng tàu điện ngầm...
Đoạn giáp giới Quận 3 và Quận 1, tức giữa Nguyễn Đình Chiểu và Lê Duẩn thì thấy vẫn như xưa: vẫn các ‘siêu thị quần áo mini’ đem mấy chục bộ quần áo từ bên trong, treo lên giá áo-quần, trải dài ra chiếm gần hết lề đường, với trên đó đầy treo lố nhố đầy những bảng giá ghi chữ đỏ như 100k, 150k, 200k... và cũng không quên kèm theo các cụm từ để dụ người như 'đại hạ giá', 'khuyến mãi 60%'...; vẫn rất nhiều xe ô-tô đậu ngổn ngang ngay trên các lề đường (rộng), mà thiết nghĩ nếu họ không đậu trên lề đường thì đậu đâu!; vẫn một số nơi có những người kê bàn nhựa cộng 4 cái ghế nhựa, ngồi vểnh... dái ra mà uống cà phê đá hay bia, đang chém gió sùi bọt mép, hay nhậu tới tối, khuya; vẫn còn những người sửa xe, vá xe, bơm xe đang mần sát lòng đường, vẫn còn những tủ bán bánh mì thịt, nước mía, nước giải khát... đang đấu tranh mất còn để tiến lên giải phóng… lề đường!, hi...
*
Tôi nhìn qua phía bên kia - đường Lê Duẩn... Ối giời ơi, có mấy chiếc xe ôm màu nhàu nát đang đậu ngay chỗ cây trụ điện ngay ngã tư, một ông xe ôm nằm nghiêng đang ngủ ngon lành trên xe, quay lưng ra ngoài lòng đường, cái quần thì tụt hết một nửa, giơ nửa cái... đít trắng phếu ra trước mặt các... anh hùng võ lâm thiên hạ, làm tôi thầm nghĩ:
- Ước gì đó là cái mờ... ông của Phạm Băng Băng nhỉ!, ha..ha..ha...;
và trên lề đường cũng có rải rác những chỗ bơm xe máy, để máy bơm ra sát lòng đường, những cái tủ kính bán thuốc lá trên lề đường, thậm chí có người trải bạt để bán đồ chơi bằng sứ, gỗ, nhựa, giấy…, có chỗ đang xây nhà với xà bần, cây gỗ, cát đá và tôn nằm ngổn ngang chiếm hết lề đường (có lẽ chưa kịp dọn đi, mà nếu không đổ ngay đó thì đổ đâu!), có chỗ có công trình đang xây dựng với bên ngoài vây bằng những tấm tôn mà lề đường chỉ có... 1m! (tương tự như ở đường Phạm Ngọc Thạch...), có mấy bà gánh đôi gánh bán bún riêu, đậu hũ, xôi chè... sẵn sàng sà.. háng ngồi xuống ngay trên lòng đường để tiến hành các động tác giao dịch... quốc tế, hi... Tiếp đến là đường Lê Thánh Tôn!, cũng vậy, ở góc ngã tư đường là một tiệm hớt tóc, trước tiệm là 3 cái xe đẩy, dài khoảng 2m, rộng 0,8m, có gắn bánh xe nhỏ, bán bánh mì thịt hay các thức ăn khác... Nhưng dù sao, các hàng xe máy đậu (đa số là hai hàng, ở hầu hết các đường) đã được chắn bằng những thanh sắt hay dây thừng lớn - không có vô ra lộn xộn gì hết:
- 'Có tiến bộ!', tôi nghĩ.
*
Tôi vòng vòng qua Đồng Khởi, đến gần cầu Khánh Hội, đảo qua Hàm Nghi..., tình hình buôn bán trên vỉa hè vẫn vậy, nhưng mật độ giảm đi nhiều..., rồi vào Nguyễn Huệ (đường bê tông), chạy qua UBND thành phố:
- Sạch bon như bên Singapore, Dubai hay Seoul!..., tôi có cảm giác là tình hình lề đường ở đây đã tốt hơn nhiều!,
lưu ý rằng rác vẫn còn khá nhiều, vì hệ thống thu gom rác của ta, về nhiều mặt, còn khá mỏng và chưa đủ quy mô so với nước ngoài, chưa kể đến các bảng hiệu quảng cáo, hàng hóa, mái che... của các khách sạn, cửa hàng... đang cố vươn ra thi gan cùng... lề đường!..., và dù sao thì đó cũng là ở trung tâm Quận 1, đường sá ở đây trước đây đã có lề đường rộng rồi, đã khá nề nếp rồi, nên làm nó quang hơn, sạch hơn không phải là một cái gì quá đặc biệt!
Nhưng mới qua khỏi UBND thành phố (từ Nguyễn Huệ rẽ trái, vào đường Lê Thánh Tôn) khoảng 500m thì ối giời ơi!, người ta vẫn kê bàn nhựa và ghế nhựa ra lề đường bán đồ ăn thức uống lung tung, vẫn có một số chỗ trải bạt ra bán đồ đủ thứ, các xe bán nước mía, bánh mì thịt, thuốc lá, chỗ xe ôm, (thợ) sửa xe, làm tôn, nhôm kính và đủ thứ dịch vụ khác... đang nằm thập thò, lố nhố, lung tung trên vỉa hè ở trước các nhà căn nhà mặt tiền...
2
Tôi đảo qua Phan Bội Châu - gần khu khách sạn New World và quán Phở 2000 hay 'Phở For The Presedent' - nơi Tổng thống Bill Clinton và con gái Chelsea đã từng vào đó măm măm* vào ngày 19/11/2000, và các dịch vụ bán hàng linh tinh vẫn còn quanh đó...; rẽ Lê Lợi!..., tôi đảo sang Trương Định.., thấy có cái chùa hay đền, có lẽ của người Tàu, để hai cái chậu kiểng đường kính 1m, nằm chình ình trên lề đường, ở trước đền, rồi có mấy cái khách sạn hay nhà to đùng (cũng như ở các đường khác)... đang trồng cây trên những khung bằng bê tông hay bằng thép trước hai trụ cổng, cho cây dây leo mọc vào sân thượng trên nhà..., 'chắc phải là nhà của mấy đại gia hay người có thế lực!', tôi đang nghĩ, bỗng tôi đến một cái công viên thật rộng, thật đẹp, với những hàng cây thật cao:
- 'À, mình có đến đó để hẹn bạn, chơi, uống cà phê hay nhậu mấy lần rồi, nay ít đến', tôi nghĩ thầm.
Vâng, đó là Công viên Tao Đàn*... Một anh dừng xe máy bên đường, mặc áo khoác mỏng màu xanh lá cây khá lịch sự, còn trẻ, mặt khá sáng sủa, tay đang săm soi cái smartphone... Sau vài câu xã giao, dò đường (mặc dầu sống ở Sài Gòn khoảng 37 năm, nhưng tôi hay đi công tác xa, lâu lâu mới ghé về một lần, vài ngày, rồi lại đi), tôi hỏi:
- Cái vụ dọn dẹp lề đường của ông Đoàn Ngọc Hải, em thấy làm có được không?
- Khá tốt, rất mạnh bạo...
- Bây giờ ông Hải đang ở đâu?, em có biết không?, để anh chạy đến một tí xem ổng làm như thế nào?
- À, ổng mới dọn dẹp ở Hồ Con Rùa trưa nay, trưa hôm qua ổng bưng mấy chậu hoa và bứng mấy bức tường cũng chỗ đó... Để xem xem ổng đang ở đâu!, à, ổng về rồi..., mỗi lần ổng đi 'dọn dẹp' là có cả đoàn xe đi theo, để có gì thì ổng 'hốt' luôn...
Tôi hơi bị ngạc nhiên vì sao anh ta biết rõ vậy, nên hỏi 'em làm nghề gì?', 'xe ôm Grab'... À, té ra là thế!, vì các anh/chị xe ôm Grab đều có trang bị hệ thống định vị GIS, nên anh ta biết là ông Hải đang ở đâu!
- ‘Ui, biết Khâm sai đại thần đến mà không ra mời uống cà phê!, thôi, thông cảm, vì ổng làm việc rất nhiệt tình!’,
tôi nghĩ thầm, rồi nói 'Cám ơn em', rồi chạy qua Nguyễn Thị Minh Khai và cua vòng về phía Hồ Con Rùa... Lại ối giời ơi!, vì xung quanh hồ, xen lẫn với vài cặp đang ngồi trên ghế đá, có lố nhố bán bắp rang, bánh tráng trộn, khoai lang luộc/nướng, có thể có cả gà rô ti, chim rô ti, cút rô ti..., ôi!, đầy những dòng chữ tùm lum làm tôi hoa mắt, về nhà nhớ không nổi!...
3
Ngắm gần hết Quận 1, tôi thấy nhiều nam nữ Tây đang đi bộ trên lề đường, đang tỉnh bơ bước đi với dáng vẻ của người đi chơi, bình tĩnh, trật tự và im lặng, tôi cũng biết là nét văn hóa này nhìn tuy đơn giản vậy, nhưng họ đã đi trước ta từ 50-100 năm!
…Tôi rẽ qua Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ; rồi Mai Thị Lựu, ngang qua chùa Phước Hải - nơi mà tổng thống Obama đã ghé thăm* vào chiều ngày 24/5/2016, và tôi đã có mấy câu thơ:
Phước Hải sáng trời, sương biến đâu
Chàng du khách nhỏ, ngẩn ngơ trời
Rùa vô lượng kiếp, rùa vẫn thế
Ta nghĩ đau đời, ngươi nghĩ sao!
*
Rồi đến đường Bùi Hữu Nghĩa, lần này tôi không kêu 'ối giời ơi' nữa, tại vì cụm từ này không còn đủ sức mô tả nổi nữa!, vì nếu so sánh với Trung tâm Quận 1, hay Kualar Lumpur, Singapore, Dubai, Abu Dhabi, Seoul... thì, cũng như đa số các đường khác ở SG, đây quả là cái... địa ngục!, đầu này cầu người ta bán nghêu, sò, ốc, hến, tôm cua, hột vịt lộn, chuối chiên và đồ sắt tùm lum, bên kia cầu (phía chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh) là liên hiệp các xí nghiệp 'các hàng quán ăn nhỏ' chủ yếu là bán thịt heo, gà... chết nướng, mùi thơm hay mùi khét lẹt, khói bay ra đầy đường, và liên hiệp các xí nghiệp 'sửa xe Honda và bán phụ tùng' kể cả đồ chợ trời - đồ sắt, đồ cơ điện... (mà có thể là tiêu thụ đồ ăn cắp từ các nơi!), điều đó đã hãi hùng rồi, nhưng hãi hùng hơn nữa là họ ngồi làm dịch vụ hay sửa xe không phải trên lề đường, mà xách nguyên cái… đít ngồi ngay trên lòng đường mà mần, híc...; lúc đó tôi nghĩ:
- Nếu 'Lề đường là dành cho người đi bộ', thì theo 'luật' này, họ đã vô tình là những kẻ... ăn cướp!
Tôi thường nghe nói trên sách vở, báo đài…, nào là 'thực dân', 'đế quốc', 'bành trướng Đại Hán', ‘Đại Bá, ‘Tiểu Bá’... gì gì đó, rồi nghe nói 'thông minh, cần cù, dũng cảm', 'lương tâm của thời đại', 'ngọn hải đăng của nhân loại', 'ông... Trump ở cái nước tư bản giãy chết 'mơ ước sau một đêm thức dậy trở thành người Việt Nam' gì gì đó, mà có lúc tôi hiểu, có lúc không hiểu…, lại mới nghe câu: 'Việt Nam đang nằm ở đáy của chuỗi giá trị toàn cầu', tôi:
- Mặc dù rất hoan nghênh ông Hải, nhưng tôi vẫn dấy lên trong lòng một nỗi đau - xót xa, mơ hồ và thầm kín không thể nào tả nổi!
(HẾT)
---------
Chú dẫn:
- Công viên Tao Đàn: Nguyên khu đất này thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền của Pháp. Năm 1869, …khu vườn chính thức mang tên Jardin de la Ville, nhưng người Việt quen gọi đó là ‘Vườn Ông Thượng’… Sau khi người Pháp rút lui, Dinh Toàn quyền trở thành phủ Tổng thống và tên vườn đổi là ‘Vườn Tao Đàn’… Sau năm 1975, Vườn Tao Đàn đổi tên là ‘Công viên Văn hoá Tao Đàn’… Đường Trương Định chạy giữa công viên, chia công viên làm hai phần. Hiện đang có dự án bãi đậu xe và trung tâm thương mại ngầm bên dưới công viên do một công ty trong nước đầu tư. Năm 1992, Đền tưởng niệm các vua Hùng được xây dựng trong công viên, và được trùng tu vào cuối năm 2011… (wikipedia)
- Quán 'Phở For The Presedent' - nơi Tổng thống Bill Clinton và con gái Chelsea đã từng vào đó: …Ông ta ghé quán phở này vào lúc 12g30 ngày 19/11/2000… Có cô tiếp viên thấy chúng tôi tò mò chỉ chỏ thì cũng bước đến và giải thích thêm là cái bàn mà ông ta ngồi đã được phủ một tấm khăn đỏ mà các bàn khác thì không. Tấm hình Bill Clinton chụp còn có 5 người khác, bên trái là con gái của ổng, khá đẹp, tên là Chelsea, bên phải là một người đàn ông đeo cà-ra-vát đang nói chuyện với ông ta, chắc là chủ quán phở. Phía bên phải của tấm hình chụp còn cho thấy quang cảnh bên ngoài nhìn ra từ cửa kính là bức tượng Trần Hưng Đạo cưỡi ngựa đặt tại Công trường Quách Thị Trang. Ông ấy ngồi ở một cái ghế gần góc tường mà được che chở bởi hai bức tường bê tông (anh thông dịch viên nói đùa là ‘ông ta chọn vị trí đó để khỏi bị bắn tỉa’, hì..hì.., nói xàm)..., xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/11/118-pho-for-president-buc-ma-hay.html
- Tổng thống Obama ghé thăm chùa Phước Hải: …À, cái vụ ông Obama sẽ đến thăm chùa Ngọc Hoàng (đường Mai Thị Lựu, quận I, SG) thì không ngờ rất nhiều người, từ thành thị đến nông thôn, đều biết!, quả là ‘năng lượng’ của ông lan truyền đi nhanh rộng thật! Và nhân cơ hội này, tôi phải đến thăm nó trước khi ông Obama đến, để kịp chém gió, hơn nữa, dân SG mà không biết chùa Phước Hải là cái gì thì quả là quê thật!..., xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2016/05/826-tong-chi-o-ba-ma-se-ghe-tham-chua.html
- Yêu cầu cho một khóa học tiếng Anh: ‘Tôi đề nghị nên gọi lớp học là CLUB (Câu lạc bộ tiếng Anh) vì nó có thể phù hợp với người bắt đầu học cũng như người đã học ít nhiều rồi, kể cả người giỏi hay siêu tiếng Anh, vì đây là nơi giao lưu trao đổi, người này có thể học từ người kia, còn người yếu hơn cũng có thể từ từ tiếp thu một cách tự nhiên… Ngoài ra, nếu lớp học có projector thì quá tốt!, ít nhất là có bảng trắng và bút màu xanh, đỏ, đen (marker), mỗi học viên nên có một cuốn từ điển bỏ túi, loại cỡ 100.000 từ (tôi sẽ giới thiệu), và trong máy tính cá nhân có cài Từ điển Lạc Việt và phần mềm dịch thuật Anh-Việt thì càng tốt. Một trong những nguyên tắc học là học những gì đơn giản và thực tế, có ứng dụng ngay trong hành nghề, cụ thể là biết giao dịch sơ bộ khi có khách nước ngoài đến, biết chát đơn giản với các đối tác nước ngoài, nhất là phải biết từ chuyên môn, và không nên chỉ học từ, mà từ phải nằm trong câu, vd từ ‘EatuHoney’ thì phải nằm trong một câu… Đồng thời, học cơ bản về Bảng mẫu tự A, B, C, cách phiên âm quốc tế, cấu trúc câu, ngữ pháp cần thiết thì cần có… Trong lớp, nên trao đổi nhiều bằng tiếng Anh (chứ không phải tiếng Việt!), và trong một lần học chỉ cỡ 5-7 câu (không ôm đồm quá nhiều!), nhưng yêu cầu là phải học thuộc các câu đã học mới được học câu mới. Bài học là một bản tóm tắt cần thiết những gì đã học trong buổi, từ 1-2 trang nhỏ, được chụp lại bằng smartphone để có thể học lại bất kỳ chỗ nào, sau 6 tháng, học viên có thể có, vd, 2trang*3buổi*4tuần*6tháng = 144 trang! Yêu cầu lớn nhất là học thì phải học từ đầu đến cuối khóa (có thể lâu lâu nghỉ vì nhiều lý do), nhưng đừng bỏ cuộc nửa chừng!, vd khóa học 6 tháng, có thể 7 tháng, vì có những lúc công ty hay giáo viên có việc. Và sau khóa học, yêu cầu cơ bản là học viên có thể lên thuyết trình 5-10’ về tài liệu bướm (brochure) của Công ty và trả lời được 10-15 câu hỏi đơn giản có liên quan!’.