Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

18. Khoa học về tổ chức


Một buổi sáng thứ Bảy, hắn uống cà phê đến 8g30. Sau đó, hắn phải đi ngân hàng làm một giao dịch, vì chỉ có duy nhất ngân hàng này là làm việc sáng thứ bảy, nếu không thì tuần sau hắn mới có thể làm giao dịch này được (hắn bận làm việc từ thư hai đến thứ sáu). Như vậy, về phong cách làm việc, hắn đã sắp xếp công việc trước một tuần. 
Hắn có một người bạn, lúc bắt đầu ăn cơm, mọi thứ đã sẵn sàng, người bạn hắn cứ nhấp nhổm nói là bận tí việc không ăn cơm. Nhưng khi mọi người ăn cơm và dọn dẹp xong rồi, thì bạn hắn gọi điện về hỏi “ông ăn cơm chưa? tí tôi về ăn cơm nhé”, lúc đó cơm còn đâu nữa mà ăn!
Rất rất rẩt nhiều người nói là "bận" hay "không có thì giờ". Hắn thử hỏi khác đi là:
- "có khi nào bạn có tiền trước khi bạn cần tiền không?" 
- "có chứ"
- "vì sao?"
- "vì tôi đã chuẩn bị tiền trước khi cần tiền"
- "vậy bạn có chuẩn bị thời gian trước khi cần thời gian không?"
- "....." (im lặng hình như không hiểu lắm, bạn thử nghĩ xem nhé)
Từ trẻ, hắn có thói quen là tập có một dáng đi rất ngay thẳng (nhưng chưa chắc đã thẳng). Dần dần, hắn tập được là một người, không phải có dáng đi thẳng, mà là có một phương pháp tổ chức công việc “thẳng”.
Có lúc, đi xe đạp, hắn chở một người bạn bị tàn tật 2 chân (vì bị sốt bại liệt) từ một quận cách nhà ăn 28km, chắc chắn là thời điểm đó, hắn (cả xã hội) chưa có điện thoại di động (1983 gì đó) và hắn thậm chí không có tiền. Nhà ăn ngừng cung cấp cơm lúc 12g trưa, thế mà hắn về đến nơi lúc 11g55 để kịp lãnh 2 suất ăn trưa của sinh viên.
Có một lần khác, cũng cùng đi với người bạn này (cầm trên tay 2 cái vé xe đò; lúc đó người ta còn bán vé xe theo giấy thiệu là cán bộ của cơ quan nhà nước, hiếm khi ninh viên mới mua được vé; mỗi ngày có một chuyến và chỉ bán cho sinh viên có 2 vé!, mà có đến hàng vài chục sinh viên có nhu cầu đi trong ngày), xuất phát từ một huyện miền quê ở cách bến xe 50km, trên tuyến đường huyện thỉnh thoảng mới có một chuyến xe “Lam” chạy qua. Vì ngày Tết có rất đông hành khách, nên chiếc xe nào chạy qua mặt hắn cũng không dừng lại. Thế là hắn cơ động chạy xuống bờ ao, lấy một gánh rau muống của một người nông dân nào đó còn để đấy để ăn cơn trưa, hắn để gánh rau muống chặn giữa đường đi, thế là một chiếc xe Lam buộc phải dừng lại. Hắn đưa người bạn tàn tật vào trong xe trước, còn hắn đứng bám lên đàng sau chiếc xe lam mà vào thị xã. Cũng vậy, hắn đến bến xe 5 phút trước giờ xe chạy.
Hắn nói là đến trước 5 phút, nhưng thực ra mức độ chính xác đến mức 1 phút, với một phương tiện hết sức nghèo nàn như vậy, tiền thì rất ít, không có ĐTDĐ gì hết ráo.
Một lần khác, hắn có một cuộc hẹn vào lúc 8g sáng ngày 9 tháng 3 (năm 1984 thì phải) với thầy của hắn để thi mộn Vật lý. Trước đó vài ngày, hắn ở cách trường Đại học đến 1000km, Vào thời điểm đó, cũng giống như trên, sinh viên rất khó mua được vé tàu lửa, hắn cũng mua không được. Sau đó lang thang trên phố, hắn gặp một nhóm sinh viên có là con cán bộ, hắn đã nhập bọn với nhóm này và cuối cùng hắn cũng hưởng “xái” được một tấm vé.
Thêm nữa, thời ấy và nhiều rất nhiều năm sau đó, tàu thì gọi là tàu chợ, xe thì gọi là xe dù. Xe dù tạm hiểu là xe (cả nhà nước lẫn tư nhân) chạy xuất phát không đúng giờ, mà đến nơi lại càng không đúng giờ; nhà xe bằng mọi thủ đoạn để thu được càng nhiều tiền càng tốt; trên đường đi, xe dù bất cứ lúc nào thích chạy thì chạy, thích dừng thì dừng, hành khách không được tôn trọng; hành khách thì chính thức cũng có, phi chính thức cũng có, ngồi trên ghế xe cũng có, ngồi ghế “xúp” cũng có, nằm trên sàn xe cũng có, thậm chí nằm trên mui xe hay nằm dưới xe nơi có thùng để hành lý cũng có (người ta nói là nằm như “cá nục”); trên xe chất càng nhiều hành khách càng tốt, vượt quá số lượng hành khách cho phép/xe, có những thời điểm đặc biệt, thậm chí số lượng khách trên có thể vượt rất xa số lượng cho phép (bằng cách đút lót cho người “làm luật”, đồng thời hình thành những “đường tránh công an", ...). Hiện tượng này đến nay, phần nào, vẫn còn xảy ra.
Tiếp, hắn không nhớ rõ là hắn đi hết 3 hay 4 ngày nữa, đại khái là hắn phải tính nên khởi hành vào lúc nào để trừ hao những yếu tố rủi ro. Cuối cùng, vào lúc 7g59 phút ngày 9/3, khi hắn thò đầu lên từ cầu thang bên phải thì và thầy hắn đi lên từ cầu thang bên trái. Vào 8g không phút không giây, hai người đã gặp nhau trong phòng thi!!! Thầy hắn, vì nhà ở gần cầu thang, nên đến đúng giờ là chuyện dĩ nhiên, còn hắn đi lại trong một điều kiện mà xã hội còn khó khăn rối rắm như thế, với khoảng cách như thế, với hiện tượng tàu xe “dù” và khả năng kinh tế vô cùng hạn hẹp như thế, mà hắn đến đúng giờ thì đó quả là một sự nỗ lực về tổ chức hết hết sức là chặt chẽ. Hắn đã thi đậu xuất sắc, không phải vì hắn nhớ và hiểu bài, nhưng vì hắn trình bày bài có kèm theo những phân tích triết học tốt và một phần là vì hắn đã tổ chức công việc tốt!
…Và như thế, hắn có thành công cơ bản trên đường đời và có được một số bạn thân, vì cách thức tổ chức công việc của hắn.
Nhưng khổ thay…. hắn có năng khiếu tổ chức khi 18-19t và có khả năng huy động một nguồn nhân lực cở vài ngàn người như vậy, thế mà khi 24-25t, hắn đã bị những cơn chấn động tâm lý (xem bài “giấc mơ kỳ lạ, …) tích tụ lại làm hắn không có khả năng điểu khiển một nhóm người, thậm chí 2 người.
Nhưng số phận luôn theo đuổỉ hắn, hắn không làm tổ chức, nhưng nghệ thuật tổ chức lại càng ngày càng sâu đậm, càng có chất và càng tinh vi tế nhị hơn trong đầu hắn. Hắn còn nhớ hắn có đọc một câu chuyện kiếm hiệp nói về “Lục tàn” nào đó (6 người bị tàn tật”, ví dụ có người bị tàn tật về chân tay thì cái đầu hắn sáng tạo hơn người thường rất nhiều (và phát minh ra các công cụ cơ học rất tốt). Hắn bị rơi vào một căn bệnh như vậy, càng không làm tổ chức, thì cách suy nghĩ về khoa học tổ chức của hắn càng ngày càng hoàn hảo.
Hắn đã cười thầm khi nghe đài BBC nói một đội quân viễn chinh khổng lồ của Mỹ (đi đánh Irắc) phải dừng lại trong sa mạc mấy ngày vì bị trở ngại trong việc tiếp nhận lương thực. Hắn không nghĩ vị tuớng nào đó của Mỹ tổ chức sự kiện này là người có tài về tổ chức.
Hắn lại hơi ngạc nhiên, khi người Nhật lại bị một tai nạn dữ dội như cơn sóng thần, động đất và vụ nổ nhà máy điện hạt nhân vào giữa tháng 3/2011 (ở đây, chưa bàn về số phận con người liên quan đến thiên tai hay chiến tranh). Nên nhớ nuớc Nhật là nước đứng đầu thế giới về cảnh báo động đất hay sóng thần. Từ sự kiện này, người Nhật cảnh báo về việc mặt trái có hại của việc sử dụng nhà máy điện hạt nhân! Và “Đàng sau sự đau thương, mất mát đó, là cả một hậu quả mà do chính con người chúng ta tạo ra, thiên nhiên đang dóng những hồi chuông cảnh tỉnh lên trái đất ...” (http://vn.news.yahoo.com/nỗi-đau-của-người-sống-sau-sóng-thần).
Theo hắn, người Nhật và Người Mỹ, v..v…, rất rất coi trong khoa học về Quản lý (kinh tế), và hầu như cái gì người ta cũng quy về Quản lý, ngay cả về tổ chức.
Khoảng 2004, hắn có hỏi một chuyên gia về đào tạo lãnh đạo (học bên Mỹ về) là:
- Nguyễn Huệ là nhà quản lý? Yes hay No?
Ông ta không thể trả lời. Vì nếu trả lời là “đúng” thì ông ta sai, vì Nguyễn Huệ không phải là nhà quản lý; mà bảo là “sai” thì ông ta không đúng, vì không có tài quản lý sao mà có thành công vĩ đại được???
Thậm chí khi hắn hỏi ông ta “quản lý là gì?” thì có thể hình dung ông ta sẽ trả lời thao thao bất tuyệt như thế nào, còn nếu hỏi “tổ chức là gì?” thì có thể mường tượng là ông ta nói 'lạc đề' như thế nào.
Vì Nguyễn Huệ là người từ xa ngàn dặm, đã vận động quân lính đi bộ ra Hà Nội mà đánh tan 20 vạn quân Thanh trong vòng mấy ngày, người ta rất dễ dàng kết luận là Nguyễn Huệ chắc chắn có tài về quản lý! Cho rằng NH là thiên tài về quân sự thì cũng không thể từ chối đó là tài năng tổ chức (quân sự) của ông ta.
Tình hình tương tự đối với Khổng Minh/Napoléon. Không thể cho rằng - chuyện Khổng Minh tổ chức trận đồ bát quái vây khổn Lục Tốn sau khi ông ta chết - là nghệ thuật quản lý được. Không thể cho rằng - “điều Napoleon lo sợ nhất đã đến, đó chính là đội quân Phổ do Bá tước Von Blücher chỉ huy đến hội quân với Wellington” (trận chiến Waterloo, 23-24/6/1815) và chuyện ông ta đã bố trí một đội quân dự phòng, nhưng khi Napoleon bị tan rã hết quân đội thì đội quân của vị tướng kia không xuất hiện vì lạc đường! - là không có sơ hở về phương diện tổ chức được.
Và hắn có hỏi một người khá có kinh nghiệm và nghệ thuật tổ chức công việc thuộc về khoa học nào? Người bạn này ngần ngừ rồi trả lời là nó thuộc về khoa học quản lý! Mặc dù hắn không tranh luận, nhưng hắn không nghĩ vậy.
Trước đây, McNamara nghĩ rằng có thể ổn định tình hình VN trong vòng vài năm (1967-1970) gì đó). Nghe đồn rằng Mac là một người rất rành về công nghệ thông tin (“Theo nhận định của BBC, McNamara là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thâm niên lâu nhất từ trước tới nay và được coi là "kiến trúc sư trưởng" của chiến tranh Việt Nam, ông đã thực hiện một cuộc "cách mạng trong quản lý" (dùng máy tính điện tử và đưa vào toàn bộ kiến thức về công nghệ, thống kê, vũ khí và tổ chức vào cuộc chiến), tuy nhiên "cách tiếp cận kỹ thuật của McNamara đối với các vấn đề quân sự có thể phù hợp trong cuộc đối đầu với Liên Xô, nhưng lại dẫn đến các sai lầm khủng khiếp tại Việt Nam" (http://vi.wikipedia.org/wiki/Robert_McNamara)). Nhưng những người “chống Mỹ” lại có một sự tổ chức chuẩn bị từ khoảng năm 1954 và trong 20 năm, họ đã chuẩn bị một nên móng tổ chức hết sức có bài bản để tổng hợp các yếu tố sức mạnh nội lực trong nước và ngoại lực “quốc tế” để chống Mỹ. Vì thế cái gọi là khoa học quản lý thời McNamara, thậm chí qua 5 đời Tổng thống Mỹ cũng không thắng nổi cái khoa học tổ chức nói trên. Nói như vậy là một bằng chứng rất cụ thể là, khoa học về tổ chức quyết không phải là một bộ phận của khoa học về quản lý. 
Theo kinh nghiệm của hắn, khoa học về tổ chức là một khoa học là độc lập (dưới giác độ phân loại khoa học) như là toán học vậy. Không thể đồng nhất khoa học tổ chức với khoa học quản lý (kinh tế). Mà nghệ thuật tổ chức quân sự cũng thuộc khoa học về tổ chức. Nguyễn Huệ là một ví dụ điển hình, và trên thế gian này có vô số thí dụ như vậy (nhiều người không có học vấn cao, thậm chí không biết đọc biết viết, mà làm việc (kinh tế, mafia, chiến tranh du kích, khủng bố,…) đôi khi lại tổ chức công việc có hiệu quả và thành công hơn một nhóm các tiến sĩ hay các nhà khoa học, ...
…Nhưng cuối cùng, khoa học tổ chức để làm gì, có liên quan đến triết học không. Xin thưa, vì không có liên quan đến triết học nên mới được triết học đề cập đến. Triết học không phải chỉ tìm cái gì sâu xa bí ẩn và có liên quan tới nó! Hạnh phúc, giải thoát không phụ thuộc vào cách bạn quản lý công việc như thế nào và cũng không phụ thuộc vào việc bạn tổ chức sự kiện tốt ra làm sao? 
Một người nông dân có thể hạnh phúc hơn rất nhiều so với một hoàng đế. 
(Ngày 6/3/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét