Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

827. NGƯỜI HÙNG OBAMA ĐẾN VIỆT NAM!


Có những chiều xưa, nắng tới sân
Lòng đã thấm ‘không’, mỏi mắt nhìn
Bóng em hư ảo, trào qua gió
Nắng bỗng đi rồi…, nắng lại lên

1. Ba lần khóc

Trong đời tôi đã có ba lần khóc... 'lớn', và ý nghĩa mỗi lần khóc có khác nhau…
Tôi tin vào những nhận định của mình, lý do là tôi đã phải sống rất lâu trong cõi chết. Và vì sao nữa?, vì bạn Doan Huyen có nói rằng: 'Bài viết nào của bạn cũng thấy nụ cười, nhưng sau đó là những giọt nước mắt của sự thật trần trụi như đá vậy', bạn Bình Địa Mộc có nói rằng: ‘Anh viết như đang chơi một thứ chữ có màu đen của tang tóc để mặc niệm cho một mối tình đã chết, có màu xanh của một niềm hi vọng sau hành trình dằng dặc đi tìm bản ngã của con người, có màu vàng của li bôi, sầu ai oán…’, hay bạn Ái Nữ có nói rằng: ‘Anh muốn cái chết sẽ chữa lành những vết thương, những bi kịch mà anh vẫn thường kể trong blog’… Vậy thì tại sao tôi lại phải ngại khi nói lên những rung cảm của mình - là cái gì đó chút chút mà tôi kể lại với một số bạn đọc, dù đời chỉ là hư vô!
Ba lần đó là gì?
-Đó là khoảng trưa ngày 30/4/1975, khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố hạ vũ khí, hai dòng nước mắt của tôi đã chảy ràn rụa. Lưu ý rằng lúc đó tôi chỉ là một cậu bé, nên không hiểu cách mạng cách miết là cái gì đâu, mà tôi - cũng như tất cả các bà con, bạn bè của tôi, và người dân Việt - không còn phải sống trong nỗi phập phồng lo sợ thường trực về cảnh tang thương, ly tán và cái chết vì chiến tranh nữa.
-Lần hai là xem chiếu cảnh đám tang của ông Võ Nguyên Giáp trên ti-vi (13/10/2013), chiều hôm đó ở Quảng Bình trời mưa lất phất, mà khác với người khác, bỏ qua những ‘tiểu tiết’ của lịch sử, tôi không chỉ xem tướng Giáp là một vị làm rạng danh VN, mà quan trọng hơn, tôi đã bị đắm chìm vào cái ‘thân phận’ của ông cũng như cái ‘thân phận’ của người Việt nói chung…, rồi ngày 4/2/2014, tôi có ghé thăm ông:
Nắng chiều hôn đất, rực núi ngàn
Khói chiều ôm gió, hồn mênh mang
Rừng phi lao đứng vững vàng
Núi non trùng điệp, anh hùng ra đi

Và lần này, như được xem một bộ phim hành động hấp dẫn nhất, tôi đã xem đi xem lại rất nhiều lần trên truyền hình - các đoạn thời sự về ‘chuyến thăm VN của ông Obama’, và với cách truyền đạt rất chân tình, không lên lớp, không trịch thượng, không ra vẻ ‘nước lớn’, và không hề có chút mùi ‘đỉnh cao trí tuệ’ nào: tôi đã rơm rớm nước mắt.
Rồi xem mấy chục cái clip về cảnh hàng chục ngàn người Việt -  cùng mang theo cái ‘khát vọng’ bùng nổ mà họ đã tiềm chứa trong 40 năm nay - ùa ra đường đón tiếp ông: Vâng, nếu người ta hay nói là ‘Chảo lửa Ba Đình’ khi xem đội tuyển VN đá bóng, thì trong đời tôi đã tận mắt được chứng kiến cái ‘Chảo lửa khát vọng Việt’ khi xem người dân được ‘gặp’ ông Obama, trực tiếp hay gián tiếp, trong đó, tôi thấy ông được hạnh phúc, và quan trọng hơn cả là, tôi thấy họ thật sự hạnh phúc, vô cùng hạnh phúc!
Và tôi đã khóc...

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

826. Tồng chí Ô-bá-mà sẽ ghé thăm chùa Phước Hải! (Thư giãn)


Phước Hải sáng trời, sương biến đâu
Chàng du khách nhỏ, ngẩn ngơ trời
Rùa vô lượng kiếp, rùa vẫn thế
Ta nghĩ đau đời, ngươi nghĩ sao!


Nói chung là tôi chả biết nhiều về chùa hay nhà thờ…, chỉ trừ vài trường hợp thấy cảnh quan thanh tĩnh mà ghé vào làm vài điếu thuốc để suy nghĩ, trong đó có đi lòng vòng và tranh thủ ngắm nghía một tí.
Bài dưới đây là một số tâm sự của tôi khi ghé thăm chùa Phước Hải - trước ông Obama một bước (cười). Và trộm nghĩ là các cụ Vương Hồng Sển, Bùi Giáng… đã có đến đó rồi, cụ Sển thì chắc chắn (xem dưới); còn cụ Bùi Giáng thì khá chắc, vì sau 1975 đến 1998, ông thường sống loanh quanh khu vực Đa Kao - Chợ Bà Chiểu, cụ thể là sống ở chùa Liên Hoa* (với người cháu) cách chùa Phước Hải khoảng 2km - đi về phía chợ Bà Chiểu, rồi đường Lê Quang Định…

1. Tồng chí Ô-bá-mà…
Vô tình đọc trên mạng, có các bài ‘Tổng thống Obama dự kiến thăm chùa Ngọc Hoàng ở quận I’ (news.zing.vn), ‘Chùa Ngọc Hoàng, nơi Tổng thống Obama sẽ ghé thăm có gì đặc biệt? (baogiaothong.vn), ‘Chùa Ngọc Hoàng, nơi Tổng thống Obama dự kiến ghé thăm'
 (dulich.tuoitre.vn)…, tôi bỗng giật mình, bởi vì: Tôi thường xuyên uống cà phê ở gần đó (đường Trần Khánh Dư, bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và đã đi ngang qua chùa Phước Hải cả ngàn lần, nhưng không để ý!, híc..híc…
À, cái vụ ông Obama sẽ đến thăm chùa Ngọc Hoàng (đường Mai Thị Lựu, quận I, SG) thì không ngờ rất nhiều người, từ thành thị đến nông thôn, đều biết!, quả là ‘năng lượng’ của ông lan truyền đi nhanh rộng thật! Và nhân cơ hội này, tôi phải đến thăm nó trước khi ông Obama đến, để kịp chém gió, hơn nữa, dân SG mà không biết chùa Phước Hải là cái gì thì quả là quê thật!
Tại sao tôi gọi là ‘tồng chí’ Obama nhỉ? Số là trước kia, tôi có biết từ đồng chí là ‘comrade’ trong tiếng Anh (có nghĩa là bạn chiến đấu, tratu.soha.vn), mà nếu không nhầm, nó khá chính thức xuất hiện từ bên Nga! (thời đoạn 1905-1917). Nhưng nay, ý nghĩa của nó ngày càng mờ nhạt, vì nó không còn nghĩa ‘bạn chiến đấu’, mà xưa người ta thường gọi là ‘tình bằng hữu’ (vd, tình bằng hữu giữa Sở Lưu Hương và Tả nhị gia, giữa Lục Tiểu Phụng và Tây Môn Xuy Tuyết, giữa Trương Vô Kỵ và Dương Bất Hối…), còn nay thường gọi đơn giản hơn là ‘tình bạn’ (vd, tình bạn giữa Einstein và Charlie Chaplin, giữa Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng…) - do tính ‘chiến đấu’ (trong chiến tranh, nghe hoài nản quá!) ngày càng trở nên lạc hậu và xa lạ với tính khoa học và tính nghệ thuật mà ngày càng phát triển và chiếm lĩnh trong mọi mặt của đời sống xã hội thời-@.
*
Cách đây 2 đêm, tôi bỗng đọc được bài viết ‘Ấn tượng Obama’*, có đoạn: ‘Barack Obama đã bước lên đỉnh cao nhất của quyền lực chính trị lại không bằng những yếu tố chính trị mà bằng những yếu tố của đời sống tinh thần và lẽ sống. Đó là khát vọng, là sự chia sẻ, là ý chí, là ước mơ chân thành và sự hoà đồng trong sáng… Obama đã bước đến trước những người dân Mỹ đang đợi ông. Ông không đọc một bài diễn văn soạn sẵn đúng văn phạm và đầy rẫy những tính từ an toàn cho cá nhân ông. Ông đến đó để nhìn thẳng vào những đôi mắt của nhân dân ông và cất tiếng. Ông có thể nói sai ngữ pháp một đôi chỗ, có thể nói lắp, có thể vụng về trong một câu nào đó. Nhưng không ai để ý hay bắt bẻ điều đó. Bởi nhân dân ông hiểu rằng ông là một hiện thực và ngôn từ ông đang nói từ trái tim ông là một hiện thực. Đó là hiện thực của một con người dám ước mơ và dám hành động vì ước mơ đó. Ở đó, người dân Mỹ và cả người dân ở nhiều quốc gia khác không tìm thấy bất cứ phép xảo ngôn nào của ông.’, bởi Nguyễn Quang Thiều.
Mà Nguyễn Quang Thiều là ai? Là ‘nhà văn có hạng, được bầu vào Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam khóa 9 vừa rồi’ (Hoàng Kim)…, còn những người dân mà tôi gặp, thấy có 100 người thì đến 100 người ‘tâm phục khẩu phục’ Obama, không có ngoại lệ (trừ một số lời bình ‘chê’ lẻ tẻ trong một số blog cá nhân), vậy dưới góc độ chính trị-khoa học-nhân văn, tôi thấy, một cách tự nhiên, đa số người Việt đã xem ông Obama là ‘tồng chí’, và tôi cũng không nghĩ khác.


2. Trước khi ghé thăm chùa, tôi đi bầu...
Xưa nay, tôi vốn chấp hành rất nghiêm chỉnh những yêu cầu của chính quyền địa phương. Tại sao? Nói đơn giản, vì nó rất bình thường, như dọn vệ sinh đường sá, đóng góp cho quỹ phường (từ thiện, nghèo đói/thiên tai, thiếu nhi…), treo cờ, đi bầu…, chả có gì là khó cả (cười); hơn nữa, các cán bộ thôn, xã/phường, quận/thành phố, thậm chí là cấp tỉnh, mỗi sáng vẫn thường ngồi uống cà phê và chém gió với tôi, họ thường giúp đỡ tôi khi gặp nhiều chuyện khó lớn nhỏ trong đời, nên chả có lý gì mà tôi ghét họ cả! Lưu ý rằng tôi chỉ là thường dân - không có nhiều ‘chiền’ cũng như không có địa vị xã hội; còn lý do tại sao có không ít người dân ngày càng bất mãn…?, vấn đề này thuộc một ‘phạm trù’ khác, ngoài phạm vi của bài viết này.
*
Vâng, tôi đã để đồng hồ báo thức, dậy, làm một tách cà phê và một ly trà, và với cái ‘thẻ cử tri’ ghi nhầm ngày sinh (mấy cái trong nhà tôi hầu như đều bị như vậy, thậm chí có một cậu bé bị ghi là sinh năm 1911!), tôi đến điểm bầu cử đúng giờ - đến gần như là sớm nhất!
Trước đó, tôi có đọc sơ qua lý lịch đại biểu ở nhà, nhưng thiếu: cán bộ thôn chỉ đưa cho tôi có 2 cấp à, híc..híc…, rồi có đọc sơ yếu lý lịch của 20 đại biểu - mỗi cấp có 5 đại biểu, lần lượt gọi là đại biểu hội đồng nhân dân (cấp xã đến cấp tỉnh), rồi đến đại biểu quốc hội (cấp quốc gia) - được dán ở trên một bức tường bên ngoài phòng bầu cử…
Nhưng, tôi chả hiểu gì cả về ‘các ông/bà từ trên trời rơi xuống’ này - mà mỗi một con người là cả một ‘kiếp người’, làm sao chỉ đọc mỗi người có một trang giấy mà hiểu nổi!, vả lại, tôi không biết ai cả!; dòm lại chung quanh phòng bầu cử thì thấy hầu hết là hai lúa (xin lỗi), họ cũng đứng nháo nhác như tôi, hình như cũng không hiểu gì cả! (theo quan sát của tôi). Tôi còn nghĩ là bầu một lúc 4 cấp - phường, quận, thành phố và quốc gia - là quá tham vọng (để tiết kiệm kinh phí!), mà nếu có ông Einstein ở đây, với bộ óc vi xử lý thông minh nhất thế giới của ổng, thì ổng cũng không thể nào chọn được, tôi có nghĩ như vậy đó, thiệt!
Thế thì làm sao mà tôi bầu đây: 4 cấp, mỗi cấp có 5 người: ‘chọn 3, bỏ 2’/cấp, trong vòng có mấy phút? Trong ‘phòng kín’, tôi mới nghĩ nhanh ra các tiêu chí sau đây: 1) Phụ nữ thì không gạch, 2) Ai có tên ‘nổ’ như chiến, đấu, thắng, lợi, vĩ, đại… thì gạch, 3) Người nào mà mình có biết trên báo chí hay trên mạng thì ‘tha’ (không gạch, vì dù mình có thích hay không thích ai đó thì cũng chưa chắc gì là chính xác), 4) Người dân tộc thì không gạch, nhưng vẫn chưa gạch được đến 8 người (chọn 12), nên thêm tiêu chí 5) Ai có tên ‘nổi’ thì gạch…, rồi ông khối trưởng hướng dẫn tôi bỏ 4 cái phiếu xanh, đỏ, vàng, trắng vào đúng 4 cái thùng phiếu (màu tùy theo mỗi cấp): xong!
Dù sao thì tôi cũng suy nghĩ hết mấy phút, nhưng trong lúc bước ra, thấy một thanh niên dựng xe máy, bước vào, mà chỉ một phút sau, anh ta đã đi ra!, tôi mới hỏi:
-Ủa, cháu đã bầu chưa?
-Dạ rồi.
-Cho chú hỏi thăm, cháu dựa theo tiêu chí nào mà chọn nhanh dữ vậy?
-Dạ, cháu cứ gạch đại.
Đây là một thông tin có thật… Và dù sao, cuộc bầu cử này cũng làm tôi bồi hồi nhớ lại cuộc bầu cử năm 1976, thời trẻ - khi mà tôi làm tổ trưởng tổ bầu cử! Bốn mươi năm trôi qua, hình như tôi cũng có đi bầu lai rai ở đâu đó (vì hay đi công tác xa), nhưng không còn lại ấn tượng, có lẽ vì xóm lá của tôi (2-3 nhà bà con) thường đưa hết phiếu bầu cho một ông anh nào đó, rồi một mình ổng đi bầu giùm cho cả xóm, thế là xong! Tương tự, ở đây tôi cũng thấy vài người đi bầu giùm:
Khi tôi đang bỏ phiếu vào thùng, thì ông khối trưởng có nói nhỏ:
-Sao anh không bầu giùm cho người nhà luôn thể.
Tôi cười và nói:
-Tí nữa cháu sẽ ra bầu sau.
Nhưng khi đi trên đường (đến chùa Phước Hải), tôi tự bào chữa cho cái lỗi ‘làm mất thì giờ’ này (nhiều người nhà phải đi bầu) là: ‘mỗi người hãy tự trải nghiệm, cái gì có làm hay có nhìn thấy thì mới nói, chứ không nhìn thấy thì đi ra ngoài kể lại cái gì!, chém gió à?'.
…Ra về, tôi cứ nghĩ rằng giá như mà chỉ bầu có một cấp thì dễ cho dân chọn hơn, và giá như cái gì cũng làm như ‘ông Trump và bà Hillary’, cãi nhau tay đôi trên màn hình - công bố là mình sẽ làm cái gì, chịu trách nhiệm ra sao… trong mấy tháng liền, nên tất cả dân Mỹ (dân trên toàn thế giới) đều nghe/thấy rõ mồn một, rồi có thể dễ dàng tìm hiểu trên mạng, hay công khai ‘thảo luận nhóm’ ở trong nhà, cơ quan hay ngoài quán…, nên dân bầu có ‘chất’ hơn rất nhiều!

3. Chùa Phước Hải
Sau đây là một ít thông tin về chùa Phước Hải:
Năm 1982, chùa Ngọc Hoàng gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản chủ trì. Năm 1984, chùa đổi tên thành Phước Hải Tự nhưng người dân vẫn gọi quen là chùa Ngọc Hoàng.
Còn cái tên chùa Đa Kao là do người Pháp xa xưa gọi, giờ ít ai còn nhớ. Năm khởi công xây dựng cũng không có nguồn nào lưu trự, cho nên không thống nhất. Theo Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam (Võ Văn Tường), chùa được tạo dựng năm 1900. Còn theo Sài Gòn năm xưa (Vương Hồng Sển) thì chùa tạo lập lối năm 1905 và hoàn thành năm 1906.
Nhưng cho dù thế nào Ngọc Hoàng luôn là ngôi chùa cổ, có kiến trúc theo kiểu đền chùa Trung Hoa đầu thế kỷ 20 với phong cách rất riêng. Trong chùa còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trong văn hóa tín ngưỡng như tranh, tượng thờ... bằng gỗ, giấy bồi, gốm men sứ... Ngoài các tượng Ngọc Hoàng và thiên binh thiên tướng, các vị thần trong tín ngưỡng người Hoa xưa, chùa còn có một số tượng mang tính đời sống như thần văn chương, thần cúng sao giải hạn, thần dạy nghề cùng những tín ngưỡng dành cho phái nữ như Nữ Oa, 12 bà mụ…
http://dulich.tuoitre.vn/tin/van-hoa/20160521/tuoi-tho-xua-va-chua-ngoc-hoang-nay/1104793.html
*

Thiết nghĩ thông tin như vậy là đủ rồi, vì tôi chỉ cần kiểm tra lại là nó thành lập từ khi nào?, đổi tên từ chùa Ngọc Hoàng sang chùa Phước Hải từ khi nào?, có cái gì lạ hơn so với các chùa khác không?...
Nó có cái gì lạ hơn so với các chùa khác không? Có. Đó là, là ‘một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia’, lễ hội Vía Ngọc Hoàng diễn ra vào ngày mồng 9 tháng Giêng ÂL, với diện tích khoảng 30x75m, tức là cỡ 2300
m2, nó là chùa khá lớn ở các đô thị VN, vì ở thành phố thì không thể có diện tích lớn như chùa Bái Đính hay chùa Bát Nhã…, cổng của nó ghi là ‘Phước Hải Tự’, bên phải sân có một cái ao rùa lúc nhúc, vào sâu bên trong chính điện thì thấy tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, với rất nhiều tượng xúm quanh (có người nói là hai bên Ngài có tượng Bắc Đế và Chuẩn Đế!), bên trái là điện thờ Thần Tài, bên phải là điện thờ Quan Âm; ngoài ra, tôi có nghe loáng thoáng một người đầu bếp nói ‘chiếng Chàu’ (ở chùa có nhiều chữ Tàu quá, tôi và mấy người bạn chả hiểu nó viết cái gì!)còn thấy một cái bình hoa do Chủ tịch nước mới tặng vào ngày lễ Phật Đản 21/5/2016, vô tình cùng dịp mà ‘tồng chí Ô-bá-mà’ định đến thăm chùa, ha..ha… 
*
Đọc ‘Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế
, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng. Có phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa: Thiên Lôi, thần Môn Quan, Thổ Địa, Táo Quân, Hà Bá, Văn Xương, Lã Tổ, Thái Tuế, Lỗ Ban, Nữ Oa Thánh Mẫu, 12 bà mụ, 13 đức thầy, v.v... Ngoài ra, chùa còn thờ Thành Hoàng...’ (wikipedia), tôi thấy:
-nó khác với các thần/thánh trong ‘Tây du ký’, vì chung quanh Ngọc Hoàng thường có Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân, Lý Tịnh, Na Tra, Dương Tiễn, Cự Linh Thần, Tây Vương Mẫu…, nhưng cũng có cái giống, đó là cứ mỗi năm (tức là 360 năm ở trần thế), Ngài có tổ chức ‘Hội Bàn Đào’ với sự tham gia của ‘tam giới’ là Thần, Tiên và Phật, tuy rằng ba giới này tồn tại theo quy luật ‘nước sông không động nước giếng’; nó cũng khác với các thần trong truyện ‘Phong thần’ hay phim ‘Võ lâm phong thần bảng’…
-nó khác với các thần trong ‘Thần thoại Hy Lạp’, vì chỉ có chính thần (God, hay thần Zeus/Jupiter), phụ thần (god, như Athena, Venus, Appolon…) và bán thần (semi-god, như Hercules, Dionysus, Hector…), lưu ý là tôi tạm phân loại…

Và theo wikipedia: ‘Ngôi chùa vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế 
do một người tên Lưu Minh (người Quảng Đông, TQ) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20. Lưu Minh là người ‘ăn chay ròng, giữ đạo Minh Sư, lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền tạo lập chùa vừa để thờ phượng vừa để làm nơi hội kín…’ (Vương Hồng Sển), nên có thể tạm suy luận là:
-cái đạo thờ Ngọc Hoàng này sang VN thì đã khác đi, được biến thiên thành đạo thờ ‘Ngọc Hoàng - Phật’, cụ thể là với cái tên là ‘chùa Phước Hải’!

***
Cuối cùng…
Những cái mà tôi đã kể là chuyện đời thật, nhưng không hẳn là sự thật. Những cái mà chúng ta biết thì không hẳn là biết. Phải chăng kẻ nói mình hiểu biết là không hiểu biết, còn kẻ nói mình không hiểu biết là có hiểu biết, chút chút.
Lòng vòng Sài Gòn, tôi lại nghĩ… Đời là vô thường, tạm hiểu theo nghĩa là cái mà ta tưởng là khó, đôi khi lại vượt qua nó một cái rẹt, cái mà ta tưởng là dễ ẹt, lại bị xảy ra… tai nạn! Rộng hơn, người có luật chơi của người, trời có luật chơi của trời, nhưng mọi thứ đều bị quyết định bởi luật trời - luật vô thường, hay luật ‘không thể biết’.
Dù vậy, tôi cũng tự hỏi:
-Tại sao xứ ta không chọn con đường thênh thang để mà đi, mà lại chọn ngõ hẹp, hỡi ‘tồng chí’ Ô-bá-mà!

(HẾT)
--------- 
Chú dẫn:
1-‘Ấn tượng Obama’, Nguyễn Quang Thiều, xem:
http://dayvahoc.vn102.net/2016/05/20/an_tuong_obama#c3701441
2-Bùi Giáng thường sống ở khu vực chợ Bà Chiểu: ‘Từ Đà Nẵng đi Sài Gòn, đến ga Hòa Hưng vào lúc 10g đêm (năm 1987), tôi liền bắt một chiếc xe ôm và trực chỉ đến nhà ông. Số là ông không có nhà!, mà ở nhà của một người cháu, ở chùa Liên Hoa!, đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp). Khi đến, tôi gõ cửa ‘cốc cốc cốc’ đến 3 lần, thì ông ra hỏi…’, xem thêm:

http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/03/653-bui-giang-va-nhung-cau-chuyen-chua.html
3-Các vị thần trong ‘Thần thoại Hy Lạp’, xem thêm:
http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/06/215-thien-e-va-cac-moi-tinh-vung-trom.html

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

825. Trở về Suriento, à quên, Singapore (Thư giãn)


Chân quê đến thế là... cùng
Sáng cà phê đắng, nhập nhằng khói bay
Tìm dòng sông, kiếm mê say
Ấm trà đậm, đắng, tháng ngày mỏi trôi!

Tôi định lấy tiêu đề bài viết này là ‘Singapore là nước văn minh nhất, nhì thế giới’ (!) - phát biểu của một phụ nữ, mẹ của ‘cô bé’, đang đi dạo đàng sau lưng tôi (ở trên đường North Bridge, Singapore), vì tôi… thích, vì nàng nói… đúng, thậm chí tại xứ sở này, chính bản thân tôi cũng đã nhiều lần thầm cúi đầu thán phục; ngoài ra, vì không những tôi mà nhiều người Việt mà tôi gặp trong 4 ngày qua đều có cùng quan điểm…, nhưng tôi đã đổi tiêu đề thành ‘Trở về Suriento, à quên, Singapore’, vì không ngờ tôi lại được ghé thăm xứ sở này lần thứ hai! Lưu ý là ‘văn minh’ không luôn đồng nghĩa với ‘hiện đại’ hay ‘phát triển’, vì tôi không cho rằng Singapore hiện đại nhất hay phát triển nhất thế giới (chắc là nằm trong top-ten!), nhưng nói về hai chữ ‘văn minh’ thì ai (trong chúng tôi) cũng đều cho là… nhất!, cụ thể hơn là mọi người đều có những phát biểu/cảm nhận về đất nước này với thái độ đầy tâm phục khẩu phục (xem thêm bên dưới).

1
‘Sáu mươi ngày cách biệt một lần bỡ ngỡ’…

Mới sang Sin học thạc sĩ về ngoại thương được 2 tháng, hình như đang ở khu ‘School Zone’ gì đó (tạm gọi là ‘Làng đại học’), cô bé đến Hotel Boss gặp chúng tôi tại một cái bể bơi, rồi kể sơ bộ về đất nước Singapore như sau:
Tại sao gọi Singapore là ‘Đảo quốc sư tử’? Tên Singapore xuất phát từ Singapura trong tiếng Malaysia (hay tiếng Malay), vốn được lấy từ nguồn gốc của chữ Phạn là siMha (sư tử) và pura (thành phố). Từ đó Singapore được biết với cái tên Thành phố Sư Tử. Tên gọi này bắt nguồn từ một vị hoàng tử tên là Sang Nila Utama. Theo truyền thuyết, vị hoàng tử này nhìn thấy một con sư tử là sinh vật sống đầu tiên trên hòn đảo và do đó đặt tên cho hòn đảo là Thành phố Sư Tử - Singapura (vn.answers.yahoo.com).
Singapore có diện tích khoảng 718km
2 (lớn hơn Phú Quốc một tí - khoảng 590km2), dân số khoảng 5 triệu người (Phú Quốc có khoảng 100.000 dân), nếu tính cả lưu lượng ra vào làm ăn/học hành… nữa là 10 triệu người! Có đến 74,2% là người gốc Hoa (nhưng họ rất thường tự hào và tự xưng mình là ‘người Singapore’!), 13,4% là người Malai, 9,2% là người Ấn, và 3,2% là Tây, người Thái, Myanmar, kể cả người Việt... Tôn giáo đông nhất là Phật giáo, rồi đến Thiên Chúa giáo, ‘vô thần’, Hồi giáo, rồi mới đến ‘Khổng/Đạo giáo’ và Ấn Độ giáo... Là thuộc địa của Nhật, rồi Anh, thật sự tách ra khỏi Malaysia năm 1965, đặc biệt là với tuyên bố ‘thoát Trung’ (Lý Quang Diệu), Singapore nhanh chóng trở thành một trong ‘4 con rồng châu Á’ (Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore) vào cuối thế kỷ 20, đặc biệt là đầu thế kỷ 21, dường như Singapore là ‘thiên đường’ của nhiều người và đang đường đường tiến lên ngôi vị ‘con rồng thế giới’ trên nhiều lĩnh vực: ‘GDP bình quân đầu người của đảo quốc nhỏ bé Singapore đứng đầu thế giới (!), trên cả Na Uy, Mỹ, Hồng Kông và Thụy Sỹ - một báo cáo vừa công bố cho thấy… Báo cáo cũng dự báo, Singapore sẽ giữ vị trí nước giàu nhất trên thế giới trên phương diện GDP bình quân trên đầu người cho tới năm 2050 (bài viết năm 2014, quangngai.gov.vn), và nay GDP của họ đã trên 61.567,28 USD/người/năm (số liệu năm 2015, vtv.vn)...
Và dưới đây là các câu chuyện xoay quanh trục cô bé với ‘nàng’ (là mẹ của cô bé), trong đó, tôi là người lắng nghe.
*

Ngày 1/5/1997, tôi có qua Malaysia (rồi Singapore), nhưng lúc đó tôi qua để ‘học’, vả lại đất nước mình hồi đó còn quá ‘bôn-xê-vích’ - ý nói là tự tin thái quá vào ‘chủ nghĩa’ nào đó, mà cho rằng ta sẽ dân chủ hơn Singapore hay Mỹ ‘gấp… triệu lần’ (!).
Nhưng với hồi ức* viết vào ngày 25/3/2013: ‘Mình đi dạo trên đường phố, thấy có rất nhiều chim đậu từng đàn trên các mái nhà hay trong công viên, bỗng nhiên một đàn chim sà cánh đậu trên vai mình, có con ‘cạ cạ’ tỏ vẻ rất tình tứ (có lẽ là con mái, hì…), thậm chí có con còn ‘ị’ trên vai mình nữa, ‘bố náo thật!’, mình mới thì thầm đùa với chúng rằng ‘nếu như chúng mày mà ở quê ông thì ông bắt chúng mày nhậu hết đấy!’, cộng với vụ khủng hoảng về ý chí của ta trong các vụ như ‘Biển Đông’, ‘Giàn khoan 981’, ‘Sông Mekong cạn dòng’, ‘Formosa và cá chết’… mà làm dấy lại trong tôi cái khát vọng là được qua Singapore lần thứ 2 để… kiểm tra! (thậm chí là tôi sẽ đi Mỹ nếu số phận cho phép), nhưng dù sao đó cũng chỉ là ‘khát vọng’, vì tôi phải chết!
*
Vâng, tôi phải chết, vì ít nhất nhiều phụ nữ thường gọi tôi là anh ‘Hai’ (đã nói trong entry trước), với một trong những nghĩa là tôi là người có số phận ‘một đi không trở lại’… Mấy năm nay, có vài cụ ‘dân chủ’ có hỏi tôi đánh giá về cái này, cái nọ, nhưng tôi bảo là: ‘tôi chỉ đánh giá cái gì nếu tôi được ‘sờ’ vào nó, ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, ví dụ, tôi chỉ đánh giá về ông Obama nếu ít nhất tôi được cùng đi dạo chơi với ông ta khoảng 1-2 tiếng, hoặc cùng tham gia với ông trong một sự kiện tương đương nào đó’, nghe vậy, các cụ không phản đối…
Nhưng, tôi vẫn không chết:
-Sau 19 năm, số phận đã đẩy tôi trở lại Singapore, lần thứ hai.
Nhớ lại hồi đó, tôi có nghĩ rằng: ‘chưa chắc 50 năm nữa thì VN sẽ được như vậy’, nhưng nàng lại nói rằng:
-Một ngàn năm nữa cũng không được vì ta đã có những tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức, vào đời sống xã hội… cả ngàn đời rồi (!)
Trong một số bài viết, tôi đã từng dùng những cụm từ như ‘không hy vọng’ hay ‘tuyệt vọng’, có nghĩa là phát biểu của người phụ nữ này hợp với ý tôi, các bạn hãy từ từ xem tiếp các câu chuyện minh họa ‘sống’ và khá tiêu biểu bên dưới nhé, và lưu ý rằng khi ghi chép lại những sự kiện (có chọn lọc) này, ngoài những cảm nhận/phát biểu/hoàn cảnh…, tôi đều lưu lại trong ba-lô của tôi tất cả những mảnh giấy - là các ‘bằng chứng sống’ khi mà mỗi một sự kiện xảy ra ở đây.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

824. ‘Tam đoạn luận phẩy’ (Thư giãn cuối tuần)


Nguồn: Ha Thi Thanh Vi, Facebook

Tím rịm chiều nay, cây trong cây
Lọt bóng tà dương, lụy chốn này
Ngàn cây tung gió, rung chiều tím
Một bóng hồng xinh, ôi ta say!

Trước 1975, tôi có đọc sơ qua cuốn Luận lý học (và Siêu hình học, mà nay tôi vẫn còn rất ấn tượng), trong đó có nói về ‘Tam đoạn luận’ của Aristote (384-322TCN), tạm ví dụ như sau:
-Đã là con người thì phải chết. Ông A là con người. Vậy thì ông A sẽ phải chết.
Nhìn thì đơn giản như vậy, nhưng nó là nền tảng của triết Tây, được gọi là ‘Chủ nghĩa duy lý’ - tôi thích dùng cụm từ này hơn là ‘Chủ nghĩa thực dụng’ gì gì đó, vì Lê Bá Kông có cuốn ‘Anh ngữ thực dụng’, mà chữ ‘thực dụng’ này, nếu không nhầm, là ‘thực hành’ hay ‘ứng dụng’ trong cụm từ ‘Application Physics’ (Vật lý ứng dụng)… Sau gần 2500 năm, cái ‘duy lý’ này như đã trở thành một thứ ‘quyền lực mềm’ thống lĩnh thế giới tư tưởng của người phương Tây: ‘đào sâu ý mình, phớt tỉnh chuyện họ’, mà được tiến hóa ngày càng sâu sắc và cụ thể. Nhưng dường như thế giới phương Đông thì không được ‘duy lý’ như vậy, ví dụ, họ luôn nói họ ‘là đầy tớ của trung thành nhân dân’, nhưng rất nhiều lúc họ lại làm ngược lại 180 độ, hi…
‘Khi gặp nguy hiểm mới biết ai là tài giỏi’, đó là câu mà tôi học được từ cuốn ‘Quốc văn giáo khoa thư’ (trước 1975), thậm chí là từ cuốn ‘Cổ học tinh hoa’! Tương tự, ‘Khi gặp nguy hiểm mới biết ai là anh hùng’, có thể suy rộng ra: ‘Khi đất nước gặp nguy biến mới biết ai là anh hùng’, hay thực tế hơn: ‘Khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm mới biết ai là anh hùng’. Thế ‘chủ quyền quốc gia là gì’? Là một cụm từ mà ta thường nghe nói trên ti-vi…
Và trong một số trường hợp, người đã đặt chữ ‘tài’ hay ‘giỏi’ vào không đúng chỗ. Dưới đây là vài ví dụ về những suy lý nghịch với tam đoạn luận, mà tôi sẽ kể từ ‘tài/giỏi/anh hùng’, đến lão… anh hùng Lê Chiêu Thống, đến bài thơ ‘anh hùng nghịch tam đoạn luận’, rồi đến ‘đoạn đầu đài luận’, là hết bài.



Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

823. Suy nghĩ ‘tuyến tính’ và việc không phân biệt được thật, giả (Thư giãn)

Em ngồi trong nắng mơ mơ ảo
Anh biết chiều này, không có em
Thế gian lúc muốn, thời không có!
Thôi, để em ngồi, ông nắng thơm!


Tuyến tính (linear) là một thuật ngữ trong toán học, ví dụ như ‘đại số tuyến tính’.
Thời sinh viên, chúng tôi hay cười nhạo cho cái được gọi là ‘suy nghĩ tuyến tính’ của ai đó: ‘làm như mọi sự vật đều dịch chuyển theo chiều tiến một cách đơn thuần, nhất là không hiểu rằng cái gì được gọi là ‘đỉnh cao’ (cực đại) thì báo hiệu là sẽ xuống dốc một cách nghiêm trọng, có thể xuống đến tận đáy (cực tiểu), hoặc xuống đến vô cùng (âm vô cực); nó có thể được hiểu nôm na là ‘tưởng bở’, là ‘kinh viện’, là ‘một chiều’, hay nói nghịch hơn là ‘lú’, nhưng thiết nghĩ là nên dùng từ ‘tuyến tính’ vì nó mang tính khoa học, để khỏi bị mấy cái đầu óc cũ kỹ... lợi dụng, hơn nữa, vì có một nhận xét là ‘dân ta thiếu tư duy toán học’ (xem thêm các nhận định bên dưới).
Bài viết này sẽ đề cập đến cái suy nghĩ tuyến tính của các ông ‘tương đương Putin’, chuyện ‘tôi mất lòng tự tin’, chuyện một cậu bé có ‘suy nghĩ tuyến tính’, chuyện ‘Tôn Hành Giả thật và Tôn Hành Giả giả’, và cuối cùng là chuyện ‘những con robot’.

1
Tối qua và hôm nay, tôi được xem thời sự - Nga tổ chức duyệt binh ‘kỷ niệm ngày chiến thắng phát-xít’ (9/5/1945).
Nó đập vào mắt tôi cả đống vũ khí hiện đại sát khí đằng đằng, đó là xe tăng, đầu đạn hạt nhân, máy bay chiến đấu, và cả rừng lính-robot…. Cuộc duyệt binh này được tổ chức ở 26 tỉnh của nước Nga, và nghe nói rằng người ta cũng có tổ chức lễ này ở một số nước châu Âu, nhưng trên màn hình, tôi chỉ thấy vài hình ảnh sơ sài về việc một số người Pháp đi đặt vòng hoa ở cái một tượng đài nào đó, và tổng thống Pháp khuyên thế hệ trẻ nên biết những gì đã xảy ra trong quá khứ, thế thôi, còn mấy ‘nhân vật chính’ như Anh, Mỹ thì thấy bặt vô âm tín!..., tôi tự hỏi:

-Sau khi chiến thắng phát-xít Đức, trải qua 71 năm, cái thành tựu mà nước Nga khoe với thế giới là xe tăng, súng đạn, chiến đấu cơ và hàng ngàn quân-robot đi duyệt binh cứng ngắt như cái máy, và chấm hết!
Tôi có cảm tình với ông Putin, ít nhất là trong những năm đầu (đầu những năm 2000), cái thời đọan mà ông đã đưa nước Nga từ chỗ tan rã, khủng hoảng và yếu đuối… trở nên có địa vị kha khá trên trường quốc tế - mà có lần ông được một số tạp chí nổi tiếng trên thế giới (Israel, Mỹ) bình chọn là ‘người của năm 2015’!; hơn nữa, người Nga lại khá được người Việt có cảm tình - do những gì mà họ qua bên xứ sở ‘bạch dương’ học tập/nghiên cứu và được người dân Nga giúp đỡ tận tình, đặc biệt là nền văn hóa Nga có thể nói là khá thân thương đối với nhiều người Việt! Và mặc dù đã xem và có ấn tượng với nhiều phim về Thế chiến thứ hai, như ‘Giải phóng châu Âu’, ‘Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân’ (phim Nga), hay ‘Cuộc chiến của Hart’ (phim Mỹ)…, nhưng, khi xem những gì mà ông Putin trình diễn hôm nay (xem thêm đoạn cuối và chú dẫn):
-Tôi cảm thấy thất vọng, và kết luận rằng ông là người… quân phiệt và hiếu chiến!
*
Tại sao tôi lại có quyền đánh giá ông… Putin? Tôi là cái quái gì?
Tôi không là cái quái gì cả, nhưng việc ‘đánh giá năng lực’ (capacity assessment) là nghề chuyên môn của tôi trong gần 20 năm, sự thật là vậy, ai không tin cũng không sao. Và cái nghề này cho phép tôi đánh giá nhiều... xếp của Anh, Mỹ, Hà Lan, Liên minh châu Âu…, trừ VN, vì Tây thì cần chỉ ra là họ ‘ngu’ ở chỗ nào, còn ta mà cứ léng phéng phê cái này, phê cái nọ… thì coi chừng sẽ bị về vườn sớm mà tưới… cà phê và ngày ngày đi ra đi vào để làm… thơ (cười).
…Có một lần tôi nói ‘mặc dầu tôi không… đẹp, nhưng tôi có thể biết ai là người đẹp’ (như Diễm Hương, Đặng Thu Thảo, Kim Tuyến…), với ý nói rằng mặc dù tôi không làm, nhưng có thể biết ai làm tốt hay ngược lại; câu nói này liền được đa số bạn trong bàn tiệc ủng hộ, họ nói:
-Ừ, đúng rồi, tôi cũng không biết chơi bóng chuyền, nhưng tôi biết ai (nữ) chơi bóng chuyền hay, như Lê Thị Thanh Thúy, Đinh Thị Thúy, Ngọc Hoa…
Và dưới đây, những ai ‘tương đương Putin’ thì tôi sẽ đánh giá tuốt mí, nếu cần, hi...

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

822. Thượng đế đi thăm vụ cá chết... (Thư giãn)


Xứ mình ngộ quá, phải không em
Cá chẳng biết… bơi, nổi lềnh bềnh
Muối kỳ lạ lắm: vào hôn lúa
Rộn cõi thiên thai, lúa rụng liền!
1
Lộn một cái véo từ không gian một chiều đến không gian một tỉ chiều, thượng đế dùng môn khinh công ‘thê vân tung’ của lão đạo Trương Tam Phong mà tà tà hạ xuống một con đường nhựa nhỏ. Trước mắt ngài là một tòa lâu đài nhiều tầng, cao, to; bên cạnh nó lại là một căn nhà cấp bốn lẹp xẹp, nhưng cũng có giá đến vài tỉ đồng!
Ngài còn nhớ là vào cuối năm 1975, khi ghé xứ Rùa X, thì một đồng ở đây có thể mua được 3kg gạo (3,2 hào/kg), mà cách đây mấy năm nghe nói họ đã có người ăn sáng đến cả chục triệu đồng, làm đám cưới đến cả năm chục tỉ (mà nay chắc chắn là con số này là lớn hơn nhiều)…, và chỉ giá trị chứng khoán của xứ này thì đã có đơn vị tính sơ sơ là… ‘triệu tỉ đồng’ - vậy sẽ mua được bao nhiêu kí gạo?, vậy mấy ông Rockefeller hay Bill Gates tồn tại ở chỗ nào?, ‘đỉnh cao trí tuệ’ như ngài mà vắt óc ra cũng không lý giải nỗi, đành phải qua tiệm thuốc Tây bên kia đường mua một vĩ Paracetamol, làm liền 2 viên, mà hổng biết chừng đâu tí phải làm thêm 2 viên nữa! 
Căn nhà cấp bốn này nằm cạnh một cánh đồng hoang: ‘ủa, ta nhớ lúc cùng với Obama nhìn qua cái màn hình FBI của Mỹ theo dõi Bin Laden vào tối 1/5/2011*, thấy cánh đồng này có hoa màu đỏ mừ, hoặc là màu tím của hoa mắc cở hay hoa mắt mèo* nhỉ!, ôi! ta dạo này hơi bị lú lẫn quá, chắc là già rồi!’, ngài thầm than. Nó đang được lợp một mái tôn dài mới, để thay thế cái mái bạt đã bị cơn giông đánh tơi tả vào hôm trước…; dưới mái tôn là một gốc cây mít, có một con chó và một con mèo đang đùa giỡn với nhau, ‘ủa, ganh nhau như chó với mèo’ ngài tự hỏi, còn có một con chó trắng mini đang có bầu, với những chiếc vú căng đầy sữa, sẵn sàng cho con bú, ‘tội nghiệp’, bà chủ bảo.

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

821. Cõi ta bà… (Thư giãn)

Nghe đồn có hai ông ác, thiện
Ông thiện buồn đời say tí bỉ
Ông ác vi vu với khựa già
Cá sầu nổi trắng khóc nhân gian
1
Cuộc đời này đã dần giúp tôi viết được bài này, híc..híc...
Lúc ngồi ở quán cà phê, tôi mới nghĩ lại ‘cõi ta bà’ là cái gì nhỉ, là tiếng Việt, tiếng Tàu hay tiếng Ấn Độ?, vì ta nghe nó nói từ nhỏ (hay gần đây), rồi cứ thế mà xài!
Chắc chắn là tôi sẽ không định nghĩa, vì ‘đạo khả đạo, phi thường đạo’ (cái gì mà cố giải thích thì sẽ làm mất ý nghĩa của nó), và vì có rất nhiều người hiểu hơn tôi.
Vì chữ cõi ‘có dấu ngã’ trong một bài thơ Nôm kinh điển, nên tôi xem nó là tiếng Việt!, mà tôi được biết lần đầu từ cụm từ ‘cõi trần và cõi tiên’, một đoạn lập luận của Giáng Kiều cho Tú Uyên, trong truyện ‘Bích Câu kỳ ngộ’:
Rằng: Coi cho thấu sự đời,
Giam danh khóa lợi, những người thế gian.
Trời thu mây hợp, lại tan,
Ngày xuân hoa nở, hoa tàn mấy năm.
Gẫm trong tám, chín mươi năm,
Bóng câu cửa sổ, dễ cầm mãi ru!
Thịt xương gửi đám diêm phù,
Sinh sinh hóa hóa trong lò hồng quân.
Đố ai vượt khỏi lòng trần,
Sông mê chìm nổi, thế nhân đã đầy.
Anh hùng những mặt xưa nay,
Trăm năm nát vớt cỏ cây cũng là.
Dần dần tháng trọn ngày qua,
Má hồng mấy chốc đã ra bạc đầu.
Thôn hoang mấy nắm cổ khâu,
Ấy nền Đồng Tước, hay lầu Nhạc Dương.
Chưa đầy một cuộc tang thương,
Non đồng cũng lở, núi vàng cũng nghiêng.
Sao bằng ngày tháng cung tiên,
Vui chung tám cõi, xuân riêng bốn mùa... 
(poem.tkaraoke.com)
Tôi nhớ hồi nhỏ bà nội hay ông ngoại tôi, có tụng là ‘nam mô kiết đế ta bà ha’ gì gì đó (hình như trong ‘Đại bi chú’!), mà không phụ thuộc vào các nghiên cứu xưa nay, chữ ‘ta bà’ gốc Ấn này đã trở thành tiếng Việt, và nay được dân gian gọi là ‘cõi ta bà’, tương đương với từ ‘cõi trần’ nói trên.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

820. Đất nước mình sắc sắc không không… (Bút ký)

Lệ Quyên với các bản bolero buồn

Quê ngoại nhà tôi, những cánh đồng
Núi ngàn nhòn nhọn, nhớ như in
Cô đeo kính mát, chiều không viếng
Ta cứ chờ mong, em đến không!
Bút ký này gồm có:
1. Chuyện ‘người cá’ miền Tây và bầy đàn
2. Cái khoảng cách vô hình giữa ‘khoa học’ và ‘xã-hội-VN-đương-đại’
3. 'Tôi là thằng hèn'…
4. Cái cõi trần đầy ưu phiền và cay đắng này!
5. ‘Đất nước mình ngộ quá phải không anh?’

Ôi, đời quả là ‘sắc sắc không không’, muốn thì không được, không muốn thì được: tôi đã tắt điện thoại di động, nhưng mới hớ tay mở ra thì liền bị một ông anh rủ đi ăn mừng ngày 30/4! ‘Đi thì đi’, trên đường đi, tôi nghĩ rằng ‘lễ’ chỉ là cái cớ, mà chắc là họ tận dụng ngày thứ Bảy để tổ chức họp mặt bà con và nhậu nhẹt: quả đúng vậy, quy cho cùng thì bữa tiệc này tự nhiên biến thành một ‘bữa nhạc bolero buồn’... Trước đó một ngày, tôi có ghé nhà bà con chơi, thấy trên ti-vi đang chiếu cảnh dân miền Tây bắt cá…, dường như tôi có hơi đau đớn nghĩ đến hai chữ ‘bầy đàn’… Và chủ yếu cũng từ hai sự kiện này mà có bài viết này.

1. Chuyện ‘người cá’ miền Tây và bầy đàn
(Chuyện ở nhà một người bạn, chiều 29/4)

Cách đây khoảng mười năm về trước, ở các huyện vùng sâu vùng xa ở miền Tây, chẳng hạn ở Cà Mau (Đầm Dơi, U Minh, Trần Văn Thời…) vẫn còn có vô số cá, cá đầy ao/đầm, đến nỗi mà người ta có câu: ‘Cá nổi đầy sông, chó chạy qua không ướt lông’, nhưng nay hết rồi còn đâu: Mekong đã cạn dòng!
Mặc dù họ còn các đặc sản khác là ‘lúa’, ‘trái cây’, ‘sông nước’…, nhưng nhìn cảnh người dân đánh bắt cá, làm khô-cá, nhậu cá, mình đầy mùi cá, nói chung là ‘sống chung với cá’, tôi cứ muốn gọi vùng ĐBSCL là ‘vùng cá’, còn nếu ai đó lấy vợ miền Tây thì, dưới một góc độ nào đó, là lấy ‘người cá’ (cười)… Cũng từ đó, tôi dần hiểu được là tại sao người miền Tây lại thường ca Vọng Cổ, có món đặc sản là lẫu cá hay lẫu mắm, và nhạc của họ thường là ‘nhạc sến’, nói kiểu cách hơn là ‘nhạc vàng’, hay cụ thể hơn là nhạc ‘bolero buồn’… Nhìn cuộc sống ‘tự nhiên’ của họ, tôi nghĩ:
-Cả đời của họ: sinh ra cùng với con cá… con, sống quần tụ bầy đàn với con cá… tươi, và mặc nhiên vui lòng chết với con cá… khô, phải chăng cuộc đời của họ là hạnh phúc!, họ được sinh ra, sống, rồi chết theo cái quy luật tự nhiên vốn có của nó!, cần quái gì bác học, cần quái gì toán, lý, hóa, công nghệ thông tin, cần quái gì Obama hay Tập Lý Tứ!

Ôi, thường dân cũng chết, bác học cũng chết, và hoàng đế Đại Hán cũng chết, mà về bản chất của cuộc sống: họ đã đúng! Nhưng, nghĩ như vậy, tôi có chút đau lòng, phải chăng đây là một thứ ‘dân tộc tính’ của nền văn minh lúa nước (xem thêm bên dưới), chấp nhận mọi thứ (chỉ trừ khi nào bị ai làm động cái ‘nồi cơm’ của họ thì họ mới nổi lên chống lại), chứ không cần lắm là phải ‘ngẩng cao đầu’ như Mỹ, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc, híc!