Chân quê đến thế là... cùng
Sáng cà phê đắng, nhập nhằng khói bay
Tìm dòng sông, kiếm mê say
Ấm trà đậm, đắng, tháng ngày mỏi trôi!
Tôi định lấy tiêu đề bài viết này là ‘Singapore là nước văn minh nhất, nhì thế giới’ (!) - phát biểu của một phụ nữ, mẹ của ‘cô bé’, đang đi dạo đàng sau lưng tôi (ở trên đường North Bridge, Singapore), vì tôi… thích, vì nàng nói… đúng, thậm chí tại xứ sở này, chính bản thân tôi cũng đã nhiều lần thầm cúi đầu thán phục; ngoài ra, vì không những tôi mà nhiều người Việt mà tôi gặp trong 4 ngày qua đều có cùng quan điểm…, nhưng tôi đã đổi tiêu đề thành ‘Trở về Suriento, à quên, Singapore’, vì không ngờ tôi lại được ghé thăm xứ sở này lần thứ hai! Lưu ý là ‘văn minh’ không luôn đồng nghĩa với ‘hiện đại’ hay ‘phát triển’, vì tôi không cho rằng Singapore hiện đại nhất hay phát triển nhất thế giới (chắc là nằm trong top-ten!), nhưng nói về hai chữ ‘văn minh’ thì ai (trong chúng tôi) cũng đều cho là… nhất!, cụ thể hơn là mọi người đều có những phát biểu/cảm nhận về đất nước này với thái độ đầy tâm phục khẩu phục (xem thêm bên dưới).
1
‘Sáu mươi ngày cách biệt một lần bỡ ngỡ’…
Mới sang Sin học thạc sĩ về ngoại thương được 2 tháng, hình như đang ở khu ‘School Zone’ gì đó (tạm gọi là ‘Làng đại học’), cô bé đến Hotel Boss gặp chúng tôi tại một cái bể bơi, rồi kể sơ bộ về đất nước Singapore như sau:
Tại sao gọi Singapore là ‘Đảo quốc sư tử’? Tên Singapore xuất phát từ Singapura trong tiếng Malaysia (hay tiếng Malay), vốn được lấy từ nguồn gốc của chữ Phạn là siMha (sư tử) và pura (thành phố). Từ đó Singapore được biết với cái tên Thành phố Sư Tử. Tên gọi này bắt nguồn từ một vị hoàng tử tên là Sang Nila Utama. Theo truyền thuyết, vị hoàng tử này nhìn thấy một con sư tử là sinh vật sống đầu tiên trên hòn đảo và do đó đặt tên cho hòn đảo là Thành phố Sư Tử - Singapura (vn.answers.yahoo.com).
Singapore có diện tích khoảng 718km2 (lớn hơn Phú Quốc một tí - khoảng 590km2), dân số khoảng 5 triệu người (Phú Quốc có khoảng 100.000 dân), nếu tính cả lưu lượng ra vào làm ăn/học hành… nữa là 10 triệu người! Có đến 74,2% là người gốc Hoa (nhưng họ rất thường tự hào và tự xưng mình là ‘người Singapore’!), 13,4% là người Malai, 9,2% là người Ấn, và 3,2% là Tây, người Thái, Myanmar, kể cả người Việt... Tôn giáo đông nhất là Phật giáo, rồi đến Thiên Chúa giáo, ‘vô thần’, Hồi giáo, rồi mới đến ‘Khổng/Đạo giáo’ và Ấn Độ giáo... Là thuộc địa của Nhật, rồi Anh, thật sự tách ra khỏi Malaysia năm 1965, đặc biệt là với tuyên bố ‘thoát Trung’ (Lý Quang Diệu), Singapore nhanh chóng trở thành một trong ‘4 con rồng châu Á’ (Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore) vào cuối thế kỷ 20, đặc biệt là đầu thế kỷ 21, dường như Singapore là ‘thiên đường’ của nhiều người và đang đường đường tiến lên ngôi vị ‘con rồng thế giới’ trên nhiều lĩnh vực: ‘GDP bình quân đầu người của đảo quốc nhỏ bé Singapore đứng đầu thế giới (!), trên cả Na Uy, Mỹ, Hồng Kông và Thụy Sỹ - một báo cáo vừa công bố cho thấy… Báo cáo cũng dự báo, Singapore sẽ giữ vị trí nước giàu nhất trên thế giới trên phương diện GDP bình quân trên đầu người cho tới năm 2050 (bài viết năm 2014, quangngai.gov.vn), và nay GDP của họ đã trên 61.567,28 USD/người/năm (số liệu năm 2015, vtv.vn)...
Và dưới đây là các câu chuyện xoay quanh trục cô bé với ‘nàng’ (là mẹ của cô bé), trong đó, tôi là người lắng nghe.
*
Ngày 1/5/1997, tôi có qua Malaysia (rồi Singapore), nhưng lúc đó tôi qua để ‘học’, vả lại đất nước mình hồi đó còn quá ‘bôn-xê-vích’ - ý nói là tự tin thái quá vào ‘chủ nghĩa’ nào đó, mà cho rằng ta sẽ dân chủ hơn Singapore hay Mỹ ‘gấp… triệu lần’ (!).
Nhưng với hồi ức* viết vào ngày 25/3/2013: ‘Mình đi dạo trên đường phố, thấy có rất nhiều chim đậu từng đàn trên các mái nhà hay trong công viên, bỗng nhiên một đàn chim sà cánh đậu trên vai mình, có con ‘cạ cạ’ tỏ vẻ rất tình tứ (có lẽ là con mái, hì…), thậm chí có con còn ‘ị’ trên vai mình nữa, ‘bố náo thật!’, mình mới thì thầm đùa với chúng rằng ‘nếu như chúng mày mà ở quê ông thì ông bắt chúng mày nhậu hết đấy!’, cộng với vụ khủng hoảng về ý chí của ta trong các vụ như ‘Biển Đông’, ‘Giàn khoan 981’, ‘Sông Mekong cạn dòng’, ‘Formosa và cá chết’… mà làm dấy lại trong tôi cái khát vọng là được qua Singapore lần thứ 2 để… kiểm tra! (thậm chí là tôi sẽ đi Mỹ nếu số phận cho phép), nhưng dù sao đó cũng chỉ là ‘khát vọng’, vì tôi phải chết!
*
Vâng, tôi phải chết, vì ít nhất nhiều phụ nữ thường gọi tôi là anh ‘Hai’ (đã nói trong entry trước), với một trong những nghĩa là tôi là người có số phận ‘một đi không trở lại’… Mấy năm nay, có vài cụ ‘dân chủ’ có hỏi tôi đánh giá về cái này, cái nọ, nhưng tôi bảo là: ‘tôi chỉ đánh giá cái gì nếu tôi được ‘sờ’ vào nó, ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, ví dụ, tôi chỉ đánh giá về ông Obama nếu ít nhất tôi được cùng đi dạo chơi với ông ta khoảng 1-2 tiếng, hoặc cùng tham gia với ông trong một sự kiện tương đương nào đó’, nghe vậy, các cụ không phản đối…
Nhưng, tôi vẫn không chết:
-Sau 19 năm, số phận đã đẩy tôi trở lại Singapore, lần thứ hai.
Nhớ lại hồi đó, tôi có nghĩ rằng: ‘chưa chắc 50 năm nữa thì VN sẽ được như vậy’, nhưng nàng lại nói rằng:
-Một ngàn năm nữa cũng không được vì ta đã có những tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức, vào đời sống xã hội… cả ngàn đời rồi (!)
Trong một số bài viết, tôi đã từng dùng những cụm từ như ‘không hy vọng’ hay ‘tuyệt vọng’, có nghĩa là phát biểu của người phụ nữ này hợp với ý tôi, các bạn hãy từ từ xem tiếp các câu chuyện minh họa ‘sống’ và khá tiêu biểu bên dưới nhé, và lưu ý rằng khi ghi chép lại những sự kiện (có chọn lọc) này, ngoài những cảm nhận/phát biểu/hoàn cảnh…, tôi đều lưu lại trong ba-lô của tôi tất cả những mảnh giấy - là các ‘bằng chứng sống’ khi mà mỗi một sự kiện xảy ra ở đây.