Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

278. ‘Thái hoa đạo tặc’ là gì?



(Kẻ hái hoa thường có phong thái rất hòa hoa phong nhã)

1. Nhiều nhân vật trong truyện Tàu được đặt biệt hiệu rất hay, ví dụ: các vị anh hùng Lương Sơn Bạc như Tống Giang được gọi là Cập thời vũ (mưa cứu hạn), Lý Quỳ được gọi là Hắc toàn phong (gió lốc đen), các nhân vật của Kim Dung như Tạ Tốn được gọi là Kim mao sư vương (chúa sư tử lông vàng), Nhạc Bất Quần được gọi là Ngụy quân tử (giả quân tử)…
Riêng từ ‘Thái hoa đạo tặc’ hay ‘Hái hoa đạo tặc’ thì Kim Dung dùng từ ‘thái hoa’, còn trên mạng đa số là dùng từ ‘hái hoa’. Lá Bàng tạm nghĩ ‘thái’ là từ Hán Việt, còn ‘hái’ là từ phổ thông hiện nay. Từ ‘hoa’ dùng để chỉ phụ nữ. Còn kẻ ăn cắp nhỏ thì được gọi là ‘tiểu tặc’, ăn cắp lớn thì được gọi là ‘đại tặc’. Từ ‘Thái hoa đạo tặc’ này dùng để đặt cho kẻ vừa ăn cướp vừa bắt cóc và hãm hiếp phụ nữ. Những tên ‘Thái hoa đạo tặc’ này thường xuất hiện rất bí mật, vào ban đêm, không biết rõ mặt mũi ra sao. 
‘Tôi có nghe mẹ tôi (là người Việt) nói: ‘Đó là một phép ẩn dụ. (Hái hoa) đạo tặc là chỉ những kẻ dâm tặc, nói chung là kẻ xấu, không phải người tốt. Còn từ ‘hoa’ chính là để nói đến những cô gái nết na, hiền dịu, đẹp như hoa. Động từ ‘hái’ là một hành động.... nói thế nào thì nó hơi người lớn quá. Nhưng từ ‘hái’ nói lên rằng sự trong trắng của những thiếu nữ bị hủy hoại trong tay lũ người xấu. Giống như những kẻ chuyên bắt phụ nữ và trẻ em ở Trung Quốc vậy đó! Chúng ta có thể ví von chúng như đạo tặc, còn người bị bắt là hoa. Bẻ đi bông hoa đẹp như thế thì coi như không thể gắn lại có thể trả lời nguyên dạng ban đầu. Nôm na là vậy’ (theo Jessica, vn.answers.yahoo.com).
('Tàng kiếm gia nhân' Lâm Tiên Nhi)
Trong nhiều truyện dã sử hay võ hiệp của Tàu thường có xuất hiện nhân vật này. Truyện ‘Tiểu Lý phi đao’ của Cổ Long có xuất hiện ‘Mai hoa đạo’ - một tên bại hoại võ lâm, chuyên hãm hiếp con gái nhà lành mà sau này Lý Tòng Hoan (hay Lý Tầm Hoan) bị rơi vào bẩy và bị vu oan, nhưng ai ngờ ‘Mai hoa đạo’ lại là ‘Tàng kiếm giai nhân’ Lâm Tiên Nhi với vẻ đẹp mê hồn khiến đàn ông kinh hồn lạc phách mà làm theo sai khiến của nàng… (sau này Lý Tòng Hoan được Tiểu Phi giải cứu và chàng lần lượt hạ hết các tuyệt đỉnh cao thủ làm tay sai cho nàng). Truyện ‘Bao Thanh Thiên’ cũng có xuất hiện một ‘Thái hoa đạo tặc’ mà Triển Chiêu phải truy tìm vô cùng vất vả…
Truyện ‘Đêm hội Long Trì’ có Đặng Lân, truyện 'Lã Bất Vi' có Lao Ái, truyện ‘Thủy hử’ có Tây Môn Khánh, truyện ‘Anh hùng xạ điêu’ có Âu Dương Khắc, ‘Truyện Kiều’ có Sở Khanh, truyện phương Tây có anh chàng Đông Gioăng nổi tiếng … nhưng họ chỉ là những tay ‘hái hoa’ chứ không phải là ‘đạo tặc’…
Ngoài ra, trong truyện Tàu, có nhiều phụ nữ giả làm ‘Thái hoa đạo tặc’ để ăn cướp của người giàu chia cho người nghèo hay để thực hiện một nhiệm vụ chính trị nào đó, các nhân vật nữ này thường được đặt cho một cái tên đẹp khác là ‘Kim Yến Tử’.

2. Nhân vật hư cấu thành công nhất trong lịch sử văn học thuộc về Kim Dung, đó là Thái hoa đạo tặc Điền Bá Quang (trong truyện ‘Tiếu ngạo giang hồ’).
Điền Bá Quang là một cao thủ võ lâm, rất có tài sử dụng môn ‘khoái đao’ (đánh đao nhanh như chớp), tài năng của y có thể bằng chưởng môn một số phái trong ‘Ngũ nhạc kiếm phái’, ví dụ y có thể đánh ngang ngửa với Chưởng môn phái Thanh Thành là Dư Thương Hải hay một trong 3 đại cao thủ của phái Hằng Sơn là Định Tĩnh…
Y còn là một đệ nhất cao thủ về khinh công, tương tự như nhân vật Thanh dực bức vương Vi Nhất Tiếu (trong truyện ‘Ỷ thiên đồ long ký) hay Thần hành thái bảo Đái Tôn (trong truyện ‘Thủy hử’)…, vì thế y còn gọi là ‘Vạn lý độc hành’ (có thể chạy 10.000 dặm mà không ai theo kịp).
Y còn là một tay đại đạo chuyên cướp của giết người không gớm tay, đi đến đâu hể thấy gái đẹp là chảy nước miếng, bèn bắt cóc về nhà hãm hiếp,  ngoài ra, y còn suốt ngày luẩn quẩn ở các kỹ viện với kỹ nữ (gái điếm), vì thế y được gọi là ‘Thái hoa đạo tặc’.
Kết hợp các yếu tố trên, Điền Bá Quang được giới giang hồ võ lâm phong một cái tên rất ‘kêu’ là Thái hoa dâm tặc Giang dương đại đạo Khoái đao Điền Bá Quang.
Y đã từng có ý đồ hãm hiếp ni cô Nghi Lâm, nhưng cô được Lệnh Hồ Xung nghĩa khí đứng ra cứu. Thực ra, chàng đánh không lại họ Điền, nhưng chàng dùng mẹo ‘ngồi đánh nhau, ai rời cái ghế trước là thua’, kết quả là họ Điền thua, đành phải chịu gọi Nghi Lâm là ‘tiểu sư phụ’ và thề không bao giờ ức hiếp nàng nữa.
(Điền Bá Quang trở thành nhà sư)
Không ai có thể bắt được y, kể cả vợ chồng Nhạc Bất Quần. Một hôm, Bất Giới hòa thượng giả là một cô gái đẹp, ban đêm Điền Bá Quang lò mò đột nhập vào phòng người đẹp định giở trò sàm sỡ thì bị Bất Giới điểm huyệt, sau đó ông cắt cái ‘của quý’ của y, bắt y cạo đầu làm hòa thượng và đặt biệt hiệu mới cho y là ‘Bất khả bất giới’ (tạm hiểu là không có khả năng làm chuyện ấy nữa).
Sau này, Điền Bá Quang cải tà quy chánh, trở thành một người có nghĩa khí và biết giữ chữ tín, đặc biệt là khi Nhậm Ngã Hành xâm lược và định tiêu diệt phái Hoa Sơn, y đã không ngần ngại xả thân hỗ trợ Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh.
  
3. Một số đoạn văn ‘hay’ nói về nhân vật ‘Thái hoa đạo tặc’:
(Hắn tán gái hay đến nỗi gấu đương ngủ đông vội vã tìm đến để yêu nhau)
- Trổ tài tán gái:
‘Bảo cô nương, tuổi vừa đôi mươi, hình dung như hoa như nguyệt, răng trắng môi son, tóc mây da trắng, tiếng nói như cỏ êm, nụ cười như sóng vỗ. Thanh tân thì không rõ, nhưng sắc vóc rất nhu mì.
Trần bang chủ gặp Bảo cô nương lần đầu, đã như say như ngây, đã như thơ như dại, đã như ngu như ngô… Trần bang chủ ngoại tứ tuần, trừ danh vọng ký ức thì có còn gì cho mình đâu ngoại trừ cái chức toàn quyền chọn lựa ca kỹ mà Cát tài chủ đã giao phó.
“Nàng ơi, biết nói làm sao để nàng hiểu. Ta hận một nỗi cao xanh oan nghiệt, cho ta hiện hữu trên cõi đời này sớm trước nàng vài mươi năm”, Trần bang chủ nỉ non.
“Nàng hỡi, phải làm sao để nàng biết. Ta một thân nam tử, đầu có thể rơi, máu có thể đổ nhưng mắt không thể đỏ hoe. Vậy mà trước nàng, ta như đứa bé lần đầu tiên được gia phụ, gia mẫu mua cho thanh kẹo hồ lô”, Trần bang chủ thảm thiết.
“Nàng hỡi, tạo hóa trêu ngươi. Dẫu rằng, gặp được nàng đã là hạnh ngộ. Ta trước mặt nàng, ta không còn làm chủ được ta”, Trần bang chủ dốc lòng.
Trần bang chủ nói đến mức, tuyết tan chảy trên cây, lá đương xanh chuyển vàng, nhạn đương bay trên trời bỗng dưng rơi xuống, gấu đương ngủ đông vội vã tìm đến để yêu nhau…
Đáp lời Trần bang chủ, Bảo cô nương mỉm cười e thẹn: “Trần bang chủ hỡi Trần bang chủ, lời ong tiếng ve thiếp đã nghe đến nhàm tai. Ở nhà gia mẫu dạy, gặp kẻ lắm lời cần phải đề phòng. Nay Trần bang chủ cứ mở miệng là thề thốt, không phải là đang làm khó cho thiếp sao?”.
“Nàng ơi, lời nói như đao làm đau lòng ta. Nàng có thể hồ nghi hết nam nhân trong thiên hạ, nhưng chân tình của ta dành cho nàng, xin hoàng thiên chứng giám, nghìn năm còn vẹn nguyên một màu tươi mới”, Trần bang chủ thở than.
“Thôi thì hữu hội kỳ duyên, ta thán mà làm gì. Có điều, thiếp không tin lời đường mật. Nếu Trần bang chủ cho thiếp được làm đệ nhất ca kỹ trong chốn kinh thành, thiếp sẽ vì Trần bang chủ mà bồi đáp”, Bảo cô nương mặc cả.
Xưa nay có thấy nam nhân nào từ chối nữ nhân vì mình mà bồi đáp bao giờ. Thanh danh bấy lâu nay, Trần bang chủ quẳng hết dưới chân cầu, chỉ miệt mài ngày đêm chơi trò loan phượng’ (theo antgct.cand.com.vn).

- Đứng sau màn nhìn lén người đẹp
(Thân hình mạn diệu như ẩn như hiện)
'Trang Sinh tự nhận mình không tính là tặc. Nhưng mà nghề nghiệp của hắn cũng thuộc một trong các loại tặc, hắn là Thiên Sự Thông - so với Bách Sự Thông hiểu nhiều hơn một chút, so với Vạn Sự Thông biết được ít hơn một chút, cho nên người gi­ang hồ cho hắn một cái tên rất thanh nhã, ‘Thiên Sự Thông’. Bách Sự Thông tốn tiền mua tin tức, Vạn Sự Thông ngoắc ngoắc tự nhiên có người cống hiến tin tức, hắn Thiên Sự Thông lúc không có tiền thì tự mình đi thu thập tin tức, khi có tiền trộm lười mua cái tin tức.
Cho nên, Trang Sinh ở cách màn che bằng sa mỏng rình coi thấy nữ tử kia mảnh khảnh gáy, tóc đen mượt như sa tanh, còn có thân hình mạn diệu như ẩn như hiện dưới làn nước gợn, trong đầu đã muốn bắt đầu tưởng tượng gương mặt kiều diễm mềm mại đáng yêu… Uông Vân Phong ngẩng đầu, vừa lúc nhìn đến một thân ảnh tịnh lệ khoác áo dài mỏng manh, theo tường viện bay lướt mà qua… sợi roi san hô quen thuộc hung hăng đánh vào trên vách tường, đánh bay ra màu trắng bột phấn, bột phấn bay lên, theo nguyệt sắc thiên không tôn thêm dáng người mạnh mẽ kia của Hạ Lệnh Mị. Nàng bay không cao, cách không xa, trong lúc thân mình lướt qua, hắn tựa hồ còn ngửi được mùi thơm ngát quen thuộc kia ở chóp mũi quanh quẩn không đi’ (theo ninoli.wordpress.com).

- Lọt vào khuê phòng đúng lúc tiểu thư đang tắm

(Nước da trắng nõn hơi hơi phiếm hồng)
‘Vào một đêm nọ, hái hoa đạo tặc nổi tiếng trong truyền thuyết cuối cùng cũng xuất hiện trên xà ngang tại một hộ gia đình giàu có nào đó, hắn đã hỏi thăm qua, tiểu thư nhà này là mỹ nhân hạng nhất nhì trong kinh thành, dung mạo vô cùng xinh đẹp, dáng vẻ thướt tha vạn phần… Y phục màu đen ẩn trong màn đêm, hái hoa đạo tặc yên lặng không một tiếng động mà xuyên qua hành lang dài ở đình viện, vọt vào khuê phòng của tiểu thư.
Hái hoa đạo tặc thật may mắn khi vào đúng lúc tiểu thư đang tắm rửa, trong làn hơi nước mờ mịt, dáng người xinh xắn của tiểu thư như ẩn như hiện, mái tóc dài đen mượt tản mạn bồng bềnh trong nước, nước da trắng nõn được hơi nước ấm nóng vây lấy hơi hơi phiếm hồng, đôi mắt sáng ngời nhu tình như nước, ngay cả động tác lau người cũng mềm mại đáng yêu vô cùng… Hái hoa đạo tặc thiếu chút nữa đã kiềm nén không được mà bổ nhào đến…’ (theo wattpad.com).

4. Thái hoa đạo tặc’ chắc là một nhân vật xấu, xứng đáng bị lên án, nhưng không hẳn là hoàn toàn xấu. Điền Bá Quang ban đầu là một người xấu và đã bị trừng phạt đích đáng, việc xử lý của nhà sư Bất Giới có tính nhân bản cao mà từ đó về sau họ Điền có cơ hội để làm điều thiện để chuộc lại tội lỗi mà y đã làm trong quá khứ. 
Kim Dung đã dựng nhân vật này còn có thêm mục đích đả kích kẻ xấu nhưng bên ngoài mang mặt nạ của một người tốt. Mặc dù Điền Bá Quang có cái xấu (dâm), nhưng y tốt hơn rất nhiều so với những kẻ tàn ác nham hiểm, mị dân, giả nhân giả nghĩa... Ngoài ra, xưa nay, người ta thường gọi là ‘sắc hiệp’ để chỉ những kẻ thường hành hiệp trượng nghĩa nhưng ham mê sắc đẹp…
Cuối cùng, thượng đế đã sáng tạo ra ‘âm dương tương hợp’ mà làm cho thế giới này trở nên kỳ ảo và lung linh diễm tuyệt. Trừ thánh nhân ra thì ‘anh hùng nan quá ải mỹ nhân’, Lã Bất Vi mê Triệu Cơ, Khang Hi mê Nghi Phi, Napoleon mê Josephine, Kenedy mê Marilyn Monroe, Nguyễn Huệ mê Ngọc Hân…, nói chung, không lẽ anh hùng lại không thích mỹ nhân, và không lẽ kẻ không thích mỹ nhân mà lại là anh hùng!
Thiện và ác luôn luôn hòa quyện trong một con người, mà giữa thiện và ác chỉ cách nhau có một sát na, nhưng biển khổ vô biên, quay lại sẽ thấy bờ. Kẻ ‘anh hùng’ đang đi lầm lũi trong cuộc đời đầy phong ba bão tố rồi cũng có lúc dừng lại thét lên hãi hùng vì đối diện với bờ vực thẳm của hư vô, lúc đó y vô cùng mong muốn có một bàn tay mềm mại, một giọng nói yêu kiều và một thân hình ấp áp lôi y ra khỏi bờ vực thẳm đó...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét