Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

256. Một số câu chuyện ở vùng Núi Lở



Một vẻ mặt lạnh lùng
Một trái tim ấm cúng
Một môi rung nhè nhẹ
Một tình yêu linh lung
Anh đi tìm ‘tình anh’
Thuyền trôi nước chòng chành
Tìm đâu bờ bến đổ
Tình ai ôi mong manh
(Tình anh - NGLB)

(Linh Sơn tự, ngôi chùa xưa, dưới chân Núi Lở)


Mình viết entry này cho những blogger thân quen mà đang sống (hay đã từng) ở Quảng Nam, Đà Nẵng, những ai đã từng biết những nhân vật có liên quan như ‘Ngũ Phụng Tề Phi’, 'Tứ Kiệt', Bà Chợ Được, Bùi Giáng, Nguyên Ngọc, Lê Trọng Nguyễn, Phan Huỳnh Điểu, Trần Quảng Nam, Thu Bồn, Vũ Hạnh, Vũ Đức Sao Biển, Hạ Đình Quốc Huy, 'Ông Ba Gan', Trương Khả, Trương Chưởng, Hồ Cưu, Hoài Linh, Ánh Tuyết, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Thuận Yến/Thanh Lam, Hạ Ngọc Anh/Hạ Ngọc Cấp/Hạ Ngọc Lăng…, và những ai đã thăm hay sẽ ghé qua vùng đất đó.
Số là khoảng năm 2008, mình đi chơi theo đường Hồ Chí Minh, từ Kom Tum đến Ngã ba gần cửa khẩu Bờ Y, rồi rẽ phải đi qua thị trấn Khâm Đức, đến huyện Hiên, huyện Giằng cũ, rồi đến Ngã ba Ái Nghĩa. Nghe nói Núi Lở là vùng đất ‘địa linh nhân kiệt!’, nên mình rẽ trái và đi ngược lên thăm Núi Lở khoảng 2 tiếng, tại đây mình có gặp một số người lớn tuổi và nghe họ kể nhiều chuyện ‘hay’ về các người nổi tiếng dưới đây.

1. Núi Lở:
Trong ký ức tôi, Núi Lở là một hòn núi thấp, một ngọn đồi lớn, nhìn xa như một hòn núi bị lở đã lâu, vẫn còn màu đá sỏi đỏ pha trắng loang lỗ, nằm nổi lên trên nền dãy núi Trường Sơn xa xa xanh ngắt, nhô nhấp trùng trùng điệp điệp và thường sáng chiều mây trắng bao phủ.
('Tôi yêu làng quê...')

Trước năm 1975, Núi Lở là nơi chuyên về trồng cây nông nghiệp, sản xuất tơ tằm, thuốc lá, bánh tráng và... bánh ít, nơi có truyền thống hiếu học mà ít có chàng trai nào chấp nhận ‘dưới đại học’, nơi có quán 'mì Quảng' của bà Thủ Sự, có món ‘mít trộn’, ‘cá rầm’, ‘cà dĩa khía chiên trộn tôm rằn' hay 'dưa gan muối xắt lát trộn tôm rằn’ làm chảy nước miếng người nhìn… Ngoài ra đây còn là vùng tranh chấp, ban ngày thì thuộc bên ‘quốc gia’, ban đêm thì thuộc bên ‘cách mạng’, nhiều cuộc giao chiến ác liệt đã xảy ra, chắc là từ năm 1965, Núi Lở có một đơn vị đồn trú của lính Mỹ và lính miền Nam, nó chạy dài và nối liền với ‘đồn Ái Nghĩa’, ở đấy, sáng chiều người dân vẫn nghe tiếng ‘ì ầm’ của đại bác bên ‘quốc gia’ câu qua bên kia sông Vu Gia, và khoảng 5g chiều, thỉnh thoảng người dân có thể nghe tiếng ‘tắc cù’ từ một cây súng trường Nga của một chú du kích bắn tỉa vào một anh chàng ‘lính’ đang lang thang nào đó…
(mì Quảng)
Dưới chân Núi Lở, có một ngôi làng, đến nay vẫn gọi là làng Đại Phú (xã Lộc Mỹ (cũ), Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Tiền thân của Đại Phú là Phố Lam, do ông thủy tổ Hạ Đình Công đặt tên. Ngôi làng này kế bên sông Vu Gia (hợp lưu với sông Thu Bồn tại Đại Lộc) vẫn ngày ngày chảy lơ đãng, có lúc cạn xịt đến nỗi trẻ con có thể dễ dàng bơi qua bên kia sông, có lúc dâng vô cùng cao (gây nạn lụt lịch sử năm Giáp Thìn, 1964):
'...Đồng lúa, vườn cây nước xóa nhanh
Nước xô nhà ngói, cuốn nhà tranh
Nước ngâm cỏ chết, trâu bò đói
Bốn hướng trời không chút nắng hanh...' (Tường Linh)


Đầu làng, đi về phía Cầu Chìm, có chiếc cầu Tây và Gò Quan Âm. Cuối làng, có cái ‘bùng’ hay cái ‘nà’ (nếu không nhầm, ‘bùng’ là tiếng địa phương để chỉ vùng đất bồi ven sông, thường dùng để trồng cây thuốc lá mà vẫn sống ngay cả khi bị ngập lụt, còn ‘nà’ cũng là vùng đất bồi kế ven sông, nhưng cao hơn bùng, dùng để trồng dưa hấu, bắp, lúa, đậu...), đi qua cái nà ở cuối làng là giếng Thị Liên, nghe đồn là ngày xưa có một cô gái bị chửa hoang tự tử ở đó!

2. Một số nhân vật ‘nổi tiếng’ quanh vùng Núi Lở:
Quanh vùng Núi Lở thuộc huyện Đại Lộc là quê hương của 'Bà Phường Chào' (Bà Chợ Được Nguyễn Thị Của), nhà hoạt động cách mạng Trương Tân (Khu ủy Khu 5), nhà thơ Trương Đình (em ông Trương Ninh, ở EaKao, Ban Mê Thuột), nhà thơ Nguyễn Đông Phương, nhà báo Vu Gia, là quê gốc của danh hài Hoài Linh…

(Hoài Linh quê gốc ở Đại Lộc)

Rồi đi qua chợ Hòa Mỹ, ta sẽ có nhà thơ trẻ nổi tiếng Nguyễn Lộc An (hay Trương Văn Toán, mất năm 18 tuổi), võ sư nổi tiếng Trương Khả: ‘Nói đến nội công ở Quảng Nam, không thể quên được ông Trương Khả. Năm 1973, khi thầy Sửu đã qua đời thì thầy Khả còn nằm ngửa, ‘chịu’ chiếc cối đá lớn đặt trên bụng cho hai người lực lưỡng đi quanh trên miệng cối nhiều vòng, cho đến khi thầy hát hết một bài hát dài. Trong nhiều năm về trước, thầy Khả còn chịu đựng cho hai người lực lưỡng cầm chày giã nát hết một thúng gạo’ (theo vi-vn. facebook.com)...
(Đàm Vĩnh Hưng quê gốc ở Điện Bàn)
Qua bên kia sông Vu Gia là huyện Duy Xuyên, nơi đã sản sinh ra triết gia!/nhà thơ Bùi Giáng, nhạc sĩ Thuận Yến (hay Đoàn Hữu Công, em của ông Đoàn Văn A, ở phường Thanh Bình, Đà Nẵng)...
(Bùi Giáng quê ở Duy Xuyên)
Tiếp tục tiến về Ái Nghĩa, rẽ trái, ta sẽ đến huyện Hòa Vang, nơi đã sản sinh ra các danh nhân như Ông Ích Khiêm, Mãnh trai Trần Hy Tăng (Trần Nhật Tinh), Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh (thời Tự Đức)…
Nếu qua cầu Ái Nghĩa và đi thẳng, ta sẽ đến huyện Điện Bàn, nơi đã sản sinh ra các danh nhân như Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân…,  3 trong số Ngũ Phụng Tề Phi là Phạm Liệu, Phạm Tuấn và Dương Hiển Tiến (‘5 con chim phượng hoàng cùng bay’: họ cùng đỗ ‘đại khoa’ ở Huế năm 1898), nhà thơ Thu Bồn, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, Phan Huỳnh Điểu, rồi là quê gốc của của nhà chính trị Nguyễn Thị Bình, của ca sĩ Mỹ Tâm/Đàm Vĩnh Hưng…
Nhắn tin ốc nhỏ mỏi mòn
Ốc càng nũng nịu, anh càng nhớ thêm 
Mùa thu này không có em
Làm sao có dáng ngọt mềm ai trao
Có khi nhớ, thấy gần nhau
Có khi nhớ, thấy chìm vào cô đơn
Vắng em vắng cả giận hờn
Trời thương, trời cảm, trời vờn mây đen
Mưa buồn như thể mưa ghen
Mắt mòn, mắt mỏi, mắt lăn giọt buồn
(Giận hờn - NGLB)

(Mỹ Tâm quê gốc ở Điện Bàn)

3. Một số nhân vật ‘nổi tiếng’ tại vùng Núi Lở:
Vùng đất Núi Lỡ, đã sản sinh ra các nhân vật nổi tiếng cấp tỉnh, quốc gia đến quốc tế như sau (lưu ý rằng những thông tin dưới đây chỉ có tính chất tham khảo):

- Chưởng môn Hạ Đình Quốc Huy:

(Hạ Đình Quốc Huy, bên phải)
Được mệnh danh là con ‘Phụng Hoàng võ học’ của đất Quảng, anh sinh năm 1947, anh là con của ‘ông giáo Ký’ (theo gia phả tộc Hạ), nhà anh ở cuối làng, nơi có rất nhiều lũy tre xanh và kế bên dòng sông Vu Gia. Anh tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1968.
Năm 1977, anh sang định cư tại California và ngay sau đó, bức họa của anh mới vẽ đã được đài BBC đánh giá là 1 trong 10 bức họa (top-ten) nổi tiếng thế giới vào năm 1978.
Năm 1980, anh sáng lập ra Quyền đạo Việt Nam và được gọi là Sư Trưởng Chưởng Môn.
Anh mang đẳng cấp ‘Đệ cửu đẳng huyền đai Karatedo thế giới’ từ 1995. Con trai của anh là Hạ Quốc Triều Chung đã liên tiếp 4 lần vô địch giải 'International Karate' tại Mỹ vào các năm 1992, 1993, 1994 và 1995. Ngoài ra, các đệ tử của anh như Bích Châu, Nguyễn Thủy Trang, Nam Phan… đã đạt nhiều chức vô địch quốc tế khác mà đã đem lại vinh dự cho cộng đồng người Việt.

- Ông Ba Gan:

(Hình chỉ minh họa: Ông Ba Gan đại chiến võ sĩ Tàu)
Ông tên thật là Hạ Văn Gan, chắc là anh ba trong gia đình nên gọi là Ba Gan! Anh con ông Hương Hinh (anh em với ‘ông Giáo Bốn’, theo gia phả tộc Hạ). Các tin tức sau đây chỉ là truyền thuyết (theo lời kể của ông Hạ Ngọc Anh):
Khi còn ở làng Đại Phú, nghe tin đồn là ông Trương Khả (ở làng Phiếm Ái) đã 10 năm đấu võ đài bên Pháp, ông Ba Gan đã chỉ cho một đệ tử một tuyệt chiêu võ thuật mà sau này anh ta hạ võ sư Trương Khả trong vòng 1 chiêu!
Sau đó, ông Ba Gan vào Sài Gòn, sống ở Chợ Lớn (thời Ngô Đình Diệm), lúc đó người Tàu thường tổ chức múa lân vào dịp Tết Trung Thu, ông đã một tay một gậy đánh bạt hết các tay võ sĩ tầm cở người Tàu, rồi ông đoạt lấy giải.
Sau đó, các tay anh chị người Tàu đã đến tôn ông lên làm ‘đại ca’ mà ông ‘chỉ có việc nằm chơi và 'em út’, rồi vì ăn chơi quá trớn, ông đã bị bệnh tiêm-la.
Rồi chắc có vụ việc gì đó, ông bỏ trốn sang Campuchia, rồi phải ẩn nấp trong rừng. Hôm đó, ông đang ngủ thì bị một nhóm đông người Campuchia bắt trói. Họ nói:
-‘Trước khi chết, chúng tôi cho ông một ân huệ cuối cùng, ông muốn gì?’
Ông nói:
-‘Tôi chỉ xin đươc cởi trói và hút một điếu thuốc’
Nhóm người Campuchia bèn cởi trói cho ông vả lấy một khúc củi to để cho ông mồi điếu thuốc. Giật khúc củi trong tay họ, ông đã đánh nhóm người Campuchia chạy tan tác. Vì nhóm người này biết là không thể dùng vũ lực để tiêu diệt ông, nên nhân lúc ông treo mình ngủ trên cành cây, họ đã dùng mũi tên có tẩm độc để bắn chết ông.
(Truyền thuyết này có phần nào sự thật, tuy nhiên mình vào mạng đọc gần hết lịch sử Chợ Lớn từ xưa tới nay, tiếc thay không có bài viết nào nhắc đến Ông Ba Gan hay ‘Đại ca vùng Chợ Lớn’ thời đó!).

- ‘Triết gia’ Hạ Đình Nguyên:

(Hạ Đình Nguyên, bên phải)
Anh sinh năm 1943, tốt nghiệp Đại học tổng hợp Triết, hiện nay nhà anh ở bên quốc lộ 13, bên bờ sông Sài Gòn (nên có người gọi anh là ‘ẩn sĩ bên bờ sông Sài Gòn’). Trước năm 1975, anh có tham gia cách mạng cùng với các anh Nguyễn Thái Bình, Huỳnh Tấn Mẫm… và là ‘Tổng hội trưởng Sinh Viên Miền Nam’.
Tin tức về anh có nhiều trên mạng nên mình không nhắc nhiều trong entry này, các bạn có thể tìm hiểu thêm về anh trong Google.

- Nhà thơ Hạ Đình Thao:

(Hạ Đình Thao, người mang kính)
Anh sinh năm 1945, nhà anh xưa ở đầu làng, nơi cũng có rất nhiều lũy tre xen lẫn với nhiều cây ‘trảy’ và các ‘nà’ trồng dưa hấu. Hiện anh đang sống ở Phương Lâm, Đồng Nai.
Anh là nhà thơ nổi tiếng trước năm 1975, nhiều bài thơ của anh đã được đăng trên tạp chí ‘Văn’, báo Bách Khoa…, trong đó có bài thơ ‘Thư về Đại Lộc’ mà đã được đăng tải nhiều trên mạng.
Sau đây là một bài thơ tiêu biểu của anh:
'Em từ lục bát bước ra
Vẫn ta xuôi ngược bôn ba đường trần
Mộng nào chẳng mộng phù vân
Yêu em ta đã một lần ngu si'
(trong tập thơ ‘Em Từ Lục Bát Bước Ra’, nguồn: www.saigonocean.com)

- Ba anh em nhà họ Hạ:

('Non nước Quảng Nam')

Trước năm 1975, ông Hạ Ngọc Anh có viết cuốn ‘Non nước Quảng Nam’ dày khoảng 100 trang, nói về lịch sử tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là tổng hợp thơ ca của xứ này, mặc dù thời đó chưa được người ta chú trọng lắm, nhưng hiện nay tác phẩm này là một tư liệu rất cần thiết. Hai người em của ông là Hạ Ngọc Cấp và Hạ Ngọc Lăng là các nhà giáo có tâm huyết mà vẫn được một số học trò ở trong nước và bên California thường nhắc đến, và hiện nay có một số blogger của yahoo là học trò của hai ông. Hai ông có sáng tác thơ lục bát về địa lý Việt Nam, lịch sử Việt Nam…, việc làm thơ về lịch sử rất là khó, hy vọng là các bài thơ về lịch sử của hai ông vẫn còn được các học sinh cũ lưu giữ đâu đó tại Đà Nẵng.

4. Và cuối cùng, ta có thể leo lên Núi Lở với một người bạn khác giới nào đó, xoài người ngồi trên một tảng đá với nhiều bụi cỏ may kế bên, để lắng nghe dòng tâm sự của một chàng trai nào đó đã từng sống bên bờ sông Vu Gia:

(cảnh sông Vu Gia)


‘…Y được sinh ra ở một nơi mà bao quanh với một khu vườn rộng đầy hoa trái, với những cánh đồng lúa, với những ngọn đồi ‘bạn bè’ nỗi lên trên nền những dãy núi xanh biếc từ xa xa cộng với dòng sông cung cấp cho y món cá ‘rầm’ và những cơn lụt; lớn lên một tí, cha chú của y đã dạy cho y đánh đàn và hát các bài hát như ‘Cánh hồng Trung quốc’, ‘Chiều tà’, ‘Dòng sông xanh’, ‘Gửi gió cho mây ngàn bay’…, mà những tình yêu đôi lứa và tình yêu thiên nhiên lồng ghép trong đó đã thấm sâu vào máu thịt của y, và do đó, y trở thành là một con người đa sầu đa cảm’.

Và hãy lắng nghe tình khúc âm-dương vọng từ Núi Lở: Hoa cỏ may, trên đồi lộng gió. Bám khắp người, gỡ khó mà ra. Hương lạ kỳ, vương vương vấn vấn. Em lạ kỳ, mê mẫn hồn ai... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét