Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

265. Vài nhận xét về ‘Chương trình Paris By Night’


Vú sữa đêm khuya nhú dáng tròn
Từng giọt, từng giọt nhỏ rơi ngon
Lóng lánh trên cành hương là lạ
Mắt liếc xa xa, động cả hồn

(Nhìn v
ú sữa-NGLB)
Từ năm 2005, Lá Bàng thường đi công tác hay về quê trên những chiếc xe giường nằm, xe chất lượng cao hay xe ‘Mẹc’ 16 chỗ ngồi... mà trên những chiếc xe đó hầu hết là mở băng Thúy Nga (Paris By Night), nhất là hài Hoài Linh (hay Vân Sơn).
Sáng sớm hôm nay, mình viết vài dòng để giải khuây và bài này được viết theo trình tự cảm xúc, trước tiên, mình xin trích một trả lời cho blogger Ngọc lúc 10h42, ngày 22/20/2012: ‘Anh sống 7 ngày, thường đi trên đường hết... 4 ngày, do đó có rất nhiều mẩu chuyện dân gian để kể, nhưng khi kể ra, anh cũng có... tí e ngại, hì...’.

1. ‘Chương trình Paris By Night’ (Thúy Nga Productions) được thành lập năm 1963 tại Sài Gòn (cùng với các tên tuổi như Thúy Nga, Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Tuyền...), sau đó chuyển sang Paris rồi qua Mỹ, trụ sở chính ở West- minster, California.
Sau nhiều khó khăn, đến nay Chương trình này khá thành công (đa dạng, bình dân, tính giải trí/xã hội hóa cao…), trong đó thành công nhất là hài, cải lương, ca nhạc và các tiểu cảnh dàn dựng khi trình diễn. Chương trình này khá phổ biến trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và trong nước, có lẽ nhờ sự quản lý ‘kiên nhẫn’ của cô Thúy Nga cùng với sự đóng góp của các nghệ sĩ có chất lượng ở ngoài nước cũng như trong nước…
(Các ca sĩ trong Chương trình thường được người xem hâm mộ)

2. Sau đây là một số cảm nhận:

* Nói một tí cho vui, thực ra, một số trong những mẩu chuyện ‘văn học’ mà anh Ngạn kể ra không hẳn là mới, một ví dụ:
‘Anh ơi nông vụ chí kỳ
Em mà không chổng lấy gì anh xơi’,
đây là các câu có trong cuốn ‘Việt Nam thi nhân tiền chiến’ của Hoài Thanh - Hoài Chân (mà mình đọc từ nhỏ, không nhớ nhiều!, bây giờ tìm mua không ra), hay trong các sách khác.
Một công tử đất Hà thành đi du Xuân, sang vùng Bắc Ninh. Khi ghé ngang qua làng Nội-Duệ Cầu Lim, đất quan họ nổi danh, bị mấy cô làm cỏ lúa trong thửa ruộng ven đường cái trêu ghẹo :
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than đôi lời
Đi đâu vội mấy anh ơi?…
Vốn biết hát ví chút ít, chàng trả lời rất khiếm nhã :
Nhà em tội lỗi vì đâu
Cả ngày em chổng phao câu lên trời.
Một cô thôn nữ liền trả miếng ngay :
Này anh ơi!
Bây giờ nông vụ chí kỳ
Em mà không chổng lấy gì anh xơi?
(theo blogger Gái Cầu Lim)
Ngoài ra, kiến thức về Văn học VN thì có nhiều thầy cô dạy văn hay một số blogger cũng biết, chưa kể đến GS Hoàng Như Mai... Tuy nhiên, anh Ngạn khá sáng tạo khi dẫn Văn học VN mà những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, kể chuyện (cười)… từ cũ bỗng trở thành ‘mới’ đối với không ít người lao động, sinh viên/học sinh hiện, kể cả trí thức hiện nay, ví dụ như 2 câu trên, hay:
-‘vắng như chùa bà Đanh’…
-có một bà Việt kiều ở Úc sờ khắp người Lam Phương để xem ổng ‘có phải là người không’ mà sáng tác nhạc hay vậy!
-anh Nguyễn Hưng rất thích bài hát ‘Lỡ lầm’ nên cứ hai tháng anh ấy yêu lầm một lần (cười).
(MC Kỳ Duyên)
Anh Ngạn (cùng với Kỳ Duyên!) đã thu thập được nhiều mẩu chuyện dân gian Việt ở Đông-Tây, nhất là 'chuyện hài', mà nếu in thành sách thì hầu hết những câu chuyện đó có lẽ sẽ có không ít người đọc, lý do: 'lạ' và khá phù hợp với tâm lý người xem...
(Cảnh dàn dựng trong Chương trình khá phù hợp với tâm lý người xem)
Tháng ngày với nỗi nhớ bờ môi
Là vướng trong tim vị đắng rồi
Sóng buồn, sóng xô bờ biển vắng
Mây trôi mờ mịt, mây lẻ loi

Hóng gió ngoài khơi, sóng rì rào
Bia hờn động động sủi lao xao

Cà phê nong nóng chờ ai uống
Bóng hồng thấp thoáng giấc chiêm bao
(Nhớ bờ môi-NGLB)

Câu ‘vắng như chùa bà Đanh’… và ‘nạy ông nạy bà đi qua đi nại' (trong hài Hoài Linh) làm mình tò mò, vì thế trong một chuyến đi công tác phòng chống HIV ở Hà Nam, mình đã ghé thăm chùa bà Đanh ở huyện Kim Bảng.
‘Chùa Bà Đanh là tên gọi Nôm của chùa Châu Lâm. Chùa này được cất lên cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nội… Sau khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội… chùa Châu Lâm phải dời về phía Tây Nam, ở cuối làng và đổi sang tên mới là chùa Phúc Lâm. Dấu tích của chùa Phúc Lâm hiện vẫn còn giữ lại được tấm bia ghi rõ: Bà Đanh tự (chùa Bà Đanh). Theo tục truyền, Bà Đanh là một người đàn bà đã có công dựng lên chùa này, vì thế mà ngôi chùa mang tên bà. Từ khi viện Châu Lâm bị bãi bỏ, số người đến lễ bái chùa này ngày một ít đi. Chính vì thế mà không khí ngôi chùa này ngày càng trở nên vắng vẻ. Trong bài ‘Tụng Tây Hồ phú’ của Nguyễn Huy Lượng có ghi lại cảnh vắng của chùa này:
Dấu bố cái rêu in nền phủ
Cảnh Bà Đanh hóa khép cửa chùa
Cảnh vắng vẻ, thiếu người đến lễ bái của chùa Bà Đanh dần dần đã trở thành một hình ảnh để so sánh với bất cứ một cảnh vắng vẻ nào. ‘Vắng như chùa Bà Đanh’ là một sự vắng vẻ yên tĩnh gợi nên vẻ lạnh lẽo, cô quạnh, thiếu hơi ấm của con người. Ca dao Hà Nội có câu:
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh’
(trích từ blogger khucnhac).
Bây giờ chùa này không có ăn mày nữa, cũng không vắng lắm, trong/quanh khu vực chùa có một vài hộ sinh sống, họ có trồng một số cây ăn trái như ở Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa… nhưng hầu như không có trái (trừ trái bưởi), thiệt, mình là người miền Nam, lúc đó thèm tí mít hay quả ổi/xoài, đi từ đầu xóm đến cuối xóm mà chả tìm ra được miếng nào, híc.. híc…
Trước cổng chùa, có một số phụ nữ hay mấy cháu gái choai choai bán kẹo lạc, bánh đậu xanh (Hải Dương), bánh gai (có cột nơ đỏ ở ngoài), củ đậu (miền Nam gọi là củ sắn dây, để làm miến), kẹo xanh-gum, thuốc lá, vài cuốn ‘Kinh Phật tụng’ mỏng và vài món quà lưu niệm của địa phương...
...Lúc viết bài ‘một số câu chuyện ở vùng Núi Lỡ' (Đại Lộc), mình mới biết Hoài Linh quê gốc ở Đại Lộc. Tại Sài Gòn, mình có hỏi thăm tin tức về Hoài Linh, nghe ‘báo cáo’ lại là ảnh sống rất khép kín, ít giao thiệp!, nhưng có một nguồn tin khác là ở Quy Nhơn hay Phú Yên thì ảnh nhậu bái xái (người kể chuyện với mình nói là có nhậu với Hoài Linh rồi!, anh ta ở Gia Lai, tên là Vọng gì đó)…

Cũng nói thêm, ở VN, mình thích xem Chương trình ‘Gặp nhau cuối tuần’, ‘Hài Xuân Hinh’ (trước đây, bây giờ ít thấy xuất hiện!), hài trong ‘SV 1996-2012’, ‘Gala cười’… mà trong đó có nhiều triết lý sâu sắc, ví dụ như Đức Khuê với câu ‘ngoài đời thì ai cũng thích xưng mình là ‘số một’, nhưng vào tù hỏi ‘ai là số một?’ thì không có ai giơ tay!’…
‘Hài Hoài Linh - Chí Tài’ ở hải ngoại đóng xuất sắc (có thể cho 8-9 điểm!), có lẽ phần nào do đa số kiều bào thích xem văn hóa/văn học Việt (nhất là văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long) hay một bộ phận muốn học tiếng Việt, phần khác do chuyển tải được các chi tiết sống-thực…, vì thế, dường như văn hóa/văn học Việt được đạo diễn đặc biệt xem trọng.
(Một cảnh trong hài Hoài Linh - Chí Tài)
Nhưng ‘Hài Hoài Linh’ (hay Chí Tài) đóng ở trong nước lại có vẻ ‘cù lét’ hơn, triết lý nghèo nàn hơn…, thỉnh thoảng có vài câu nói hơi ‘tục’. Kiều Oanh, Vân Sơn hay Xuân Hinh… cũng vậy, có một số câu nói bóng nói gió đến bộ phận sinh dục hay chuyện 'đực-cái' vốn rất tế nhị và phải tùy nơi, tùy lúc mà nói, chứ không phải ở trên sân khấu, mình nghĩ là đa số người xem không thích như vậy
(Xuân Hinh 'hài' rất xuất sắc)
Còn cô Thúy Nga - mới đây mình thấy xuất hiện trao giải cho chương trình ‘Celebrity Dancing’ (với các giám khảo là Khánh Ly, Nguyễn Hưng, Shanda Sawyer và Đức Huy (có làm giám khảo cho Chương trình ‘Bước nhảy hoàn vũ’ năm ngoái!) - mặc đù đã khoảng 50 tuổi nhưng trông cô còn trẻkhá xinh, hơi mập một tí xíu, đi đứng có phong cách, ăn nói tự nhiên, gọn gàng…
(Đức Huy tham gia làm giám khảo trong chương trình 'Bước nhảy hoàn vũ')
Các phim ngắn lồng trong Chương trình cũng khá thành công, nhất là cặp Ngọc Ngạn - Kỳ Duyên trong các tiểu cảnh ‘đánh bạc ở Las Vegas’ hay ‘Thần đèn cho ông Ngạn trẻ đi 30 tuổi!’ (nhưng không cho ổng cao thêm 10cm, hì.. hì...).
(Anh Ngạn 'rên rỉ' là rất tốn kém cho việc thuê và dàn dựng cảnh sân khấu)

Cũng có vài lúc, Chương trình Paris By Night đã lâm vào hoàn cảnh điêu đứng về tài chính, nhất là nạn ‘băng đĩa lậu’, đến nỗi anh Ngạn phải kêu lên là: ‘Khán giả phụ Thúy Nga, chứ Thúy Nga không phụ lòng khán giả!’. Còn theo báo Người Lao Động ngày 7/6/2010, một số lý do khác gây nên nguy cơ đóng cửa (trước đây) của trung tâm Thúy Nga là khủng hoảng kinh tế, nghèo ý tưởng, thiếu giọng ca mới, thế hệ ca sĩ vàng tàn lụi... (!) (nguồn: ‘Trung tâm Thúy Nga’, Wikipedia).
(Nhiều khi Bảo Chung hài rất hay, và đóng vai Sác-lô rất giống!)
Đến nay, ngoài việc thu hút được các nghệ sĩ trước giải phóng, Chương trình còn thu hút được các ‘danh sĩ’ sau giải phóng tham gia như Trần Thu Hà, Ngọc Anh (Sao Mai điểm hẹn), Bảo Chung, một số danh ca ở Hà Nội/Sài Gòn và các nhạc sĩ như Phú Quang, Hoài An… Vì thế, Chương trình đã thu hút được đông đảo người xem, nhiều nhất là các chàng/nàng ‘hai lúa’, các tiểu thương hay các CNCNV trên đường đi công tác hay ở nhà... Mình có quen một ông tiến sĩ, ổng giới thiệu là nhà ổng có đủ các loại băng Thúy Nga (đĩa nén), mình có mua về một đĩa nhưng xem được có vài tiết mục, vì mình chưa kịp ngồi cho nóng ghế thì đã đứng dậy đi công tác, nên mình đành phải xem băng Thúy Nga trên đường đi vậy, híc.. híc…
(Nay, nhiều 'danh sĩ' quy tụ quanh Chương trình)

3. Cuối cùng, ‘so với các chương trình ca nhạc thì Paris By Night cũng là một trong số ít chương trình được chuẩn bị khá chu đáo. Còn vấn đề thiếu sót thì khó tránh khỏi lắm…’ (blogger Lan Hương).
Xem Paris By Night là xem nghệ thuật chứ không phải xem chuyện ‘chính chị, chính em’ gì gì đó mà chắc không phải là mục tiêu của Chương trình!, và việc nhận xét các vấn đề ‘nhạy cảm’ không nằm trong sự quan tâm của mình...
Viết bài này, mình chủ yếu cảm nhận một tí về mặt ‘nghệ thuật’ rằng, đối với mình, Chương trình Paris By Night là ‘thích’ hay ‘không thích’, trả lời: thích, thế thôi, cho gửi lời chào cô Thúy Nga nhé...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét