Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

197. Trả lời các blogger về triết…


(LTS: Bài viết đang được chỉnh sửa bổ sung)
‘Hãy để vũ trụ đại ngàn vận hành theo quy luật vốn có của nó’
Chiều nao em hứa ghé nhà!
Trút tình thơ thẩn vào ‘cha’ khù khờ
Dấu chân mềm mại như tơ
Dấu chân hờ hững hẹn bờ… ái ân
Anh nhìn ra cổng đăm đăm
Anh say anh đắm, anh nằm anh mơ
Mơ từ trưa đến tối mờ
Bóng em không thấy, chỉ ngơ ngác hồn
Chờ em cho đến mỏi mòn
Chờ em cho đến tình còn… hư vô

1. Phần mở đầu
Các bạn thân mến, bị mất ngủ, mình xin dành thời giờ để trả lời các câu hỏi của các blogger về triết học/triết lý hoặc có liên quan, chắc còn có nhiều blogger đã hỏi và sẽ hỏi. Chắc có bạn sẽ nói đọc đề tài này ‘nhức đầu’ lắm, nhưng mình thiết nghĩ vấn đề là không thể để cho cuộc ‘mạn đàm’ kéo dài như vậy, nếu các bạn chịu khó đọc một tí thì đọc triết lý chả khác gì đọc thơ vậy! Bài viết này gồm có: Phần mở đầu, Triết lý ‘lạc quan tếu’, Triết lý hư vô, Triết lý tôn giáo, Triết lý ‘cổ điển’ và Phần kết luận.

Vì không phải là một ‘triết gia’ và vì tính tư tưởng, người viết luôn giữ lập trường là: a. Không luận bàn về vấn đề chính trị, không luận bàn về Phật hay Chúa, nếu bài viết vô tình có dính díu đến tôn giáo (hay chính trị) thì chả qua đó là những vấn đề thời sự mà không thể thiếu trong các cuộc mạn đàm ở quán cà phê hay trong thế giới blog, b. Khi đề cập đến Khổng Tử, Trang Tử, Goethe, Heraclitus, Pythagore, Newton/Einstein…, người viết không sa vào chi tiết về mấy cái thuật ngữ, khoa học cơ bản, mấy cái ‘chút chút vụn vặt cãi nhau cả ngàn năm’, mấy cái ‘bàn một tí về ông này ông nọ’… c. Là một blogger và trong phạm vi blog yahoo, người viết chủ yếu ‘lấy ý kiến của các blogger làm nguồn tư liệu’ (mà chưa thể tổng hợp hết), nicklog của các blogger thiết nghĩ không cần phải tiết lộ hoàn toàn, ví dụ ‘Th.Dn’ là chữ viết tắt của nicklog ‘Thanh - Đà Nẵng’, vì sự tôn trọng ý kiến riêng tư của các blogger trong một ‘sân chơi’ bình đẳng và không mang tính đề cao cá nhân hay chính trị, d. Chỉ tham khảo một số blogger có comment trong blog này mà không có tham vọng tổng hợp tất cả các blogger. 

Hãy để vũ trụ đại ngàn vận hành theo quy luật vốn có của nó, mình chỉ đứng nhìn thế giới dưới cặp mắt của ‘nhà gom lá bàng’, và chỉ quan tâm đến tính tư tưởng của các vấn đề do các blogger đặt ra mà thôi. Do cách tiếp cận của mình, mình sẽ không quan tâm đến triết học là gì, triết lý cụ thể hay ‘lý sự chổi cùn’, các vấn đề về tư liệu..., việc này dành cho các vị được gọi là ‘triết gia’. Ngoài ra, mình không thể đọc hết sách trên thế gian này được, nên mỗi ‘vấn đề’ có liên quan dưới đây (ví dụ về Dale Carnegie, Trịnh Công Sơn…), mình chỉ nêu lên 2-3 ví dụ mà mình biết, các nghiên cứu cụ thể cho mỗi vấn đề này dành cho các nhà ‘chuyên môn’. 

Ngày nay, nhất là đối với thế hệ trẻ trên thế giới, người ta không quá nặng về loại triết học gì, mà có xu hướng mạnh là tiến tới một thứ triết học/triết lý ‘nhân bản’ chung cho cả nhân loại mà, thiết nghĩ, không dành riêng cho một trường phái chính trị hay cho riêng cho một tôn giáo nào. Triết học/triết lý ‘nhân bản’ vốn có từ ngàn xưa, đặc biệt là vào thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 14-17) cho đến nay, gồm ít nhiều triết lý từ Balzac, Victor Huygo, Krishnamurti, Hồ Thích, Các Mác/Ăng-ghen/Lê-nin, Hermann Hesse, Jack London, Hemingway, Marquez, Dostoevsky, Lev Tolstoi, Sekhop, Solokhov, Aitmatov, Kim Dung, Cổ Long, Lỗ Tấn, Trương Kiện Bằng, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Thạch Lam, Nam Cao..., đó là những lời kêu gọi hãy hiểu rõ về thân phận con người để nhân loại sẽ đưa ra cách hành xử đúng đắn cho ‘sự tồn tại trong tình yêu’ của mình trong một thế giới đầy hỗn độn, đầy tham vọng, đầy sắc máu và đang đứng bên bờ vực thẳm của sự hủy diệt. 
Thiển nghĩ rằng, nay đất nước ta đã được thống nhất mấy mươi năm rồi, ‘nước VN là một, dân tộc VN là một’, việc dang tay đón nhận những đứa con yêu nước nhập vào một mẹ tổ quốc ‘chung’ là một điều không thể chối cãi, lịch sử là lịch sử, không nên quá chấp nhất về quá khứ cũng như một số khuyết điểm không trọng yếu của mỗi con người, đặc biệt là đối với giới văn nghệ sĩ...

Người viết sẽ dùng từ triết lý hơn là triết học, vì triết học thì phải có hệ thống, còn triết lý (có thể là một hay những tư tưởng ‘vô địch’) nhưng dù sao nó chỉ có tính chất ngẫu hứng hay tản mạn. Các bạn có thể dễ dàng tìm ra sự phân loại triết học trong các sách giáo khoa hay trong Google…, người viết chỉ căn cứ vào ý kiến của các blogger mà phân loại, và lưu ý rằng nhiều entry về sưu tầm, giới thiệu các phong cảnh đẹp, truyện sex/truyện người lớn, hay các entry đả kích hay nói xấu cá nhân/chế độ… thì hầu như không thể được gọi là triết lý. 

Nếu trên đời này không có… em
Bãi biển chiều nay khách vắng tênh
Mực tươi ngọt xớt ai thèm nhậu
Bia buồn mất nắp đứng chênh vênh
Nếu trên đời này không có… em
Chiều rụng, thơ văn nhạt bên thềm
Hoa buồn không bay mùi trinh nữ
Lá sầu khép miệng giấu hương tiên

Phần 2.  Triết lý ‘lạc quan tếu’

Có bạn hiểu nhầm 'lạc quan tếu' là mình tiếu lâm để sống cho lạc quan! Thật ra ẩn nghĩa của nó khác xa. 'Lạc quan tếu’, nói nôm na, là từ thường dùng để chỉ sự lạc quan không có cơ sở, là sự tự huyễn hoặc, là cái mà ta tưởng bở nó sẽ là..., nhưng ở hiện thực hay khi sự việc xảy ra thì nó lại là một trò ‘hề’, ví dụ dễ hiểu là một đội bóng đá trước khi tham dự một cái giải nào đó đã vội huyên hoang tuyên bố là mình sẽ vô địch rồi thất bại ngay từ... vòng loại!
 
"Hãy giẫm lên cái chết để được sống!"

Người ta thường nghĩ sống là phải lạc quan, phải tranh đấu nơi ‘hội chợ phù hoa’, nơi chính trường/thương trường/tình trường..., kể cả nơi thế giới ảo (blog), phải tin vào con người và yêu thương con người, phải ‘tốt’ như thế này thế nọ... Phải thừa  nhận là một trong số những triết lý này đã và đang rất có lợi cho xã hội, đặc biệt đối với học sinh/sinh viên, thanh niên, cán bộ hay các tín đồ… Ví dụ  như ‘Đắc nhân tâm’, ‘Quẳng gánh lo đi và vui sống’ của Dale Carnegie, ‘Cái dũng của thánh nhân’ của Nguyễn Duy Cần, ‘Gương danh nhân’, ‘Gương nghị lực’ của Nguyễn Hiến Lê, ‘Anbe Anhxtanh’ của Nguyễn Hoàng Phương, ‘Cuộc sống và sự nghiệp’ của Nhà xuất bản Kim Đồng, ‘Sao khuê lấp lánh’ của Nguyễn Đức Hiển, ‘Tình yêu cuộc sống’ của Jack London, ‘Chiếc lá cuối cùng’ của O. Henry, ‘Thép đã tôi thế đấy’ của Nicolai Ostrovski, ‘Những tâm hồn cao thượng’ của Hà Mai Anh (dịch)…, ngoài ra, có nhiều triết lý lạc quan mà các bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy trong văn, thơ, truyện, nhạc hay trong blog (như Tố Hữu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Sáng, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Cường…).
Tuy nhiên, bất cứ một sự cường điệu hóa của thứ triết lý ‘lạc quan’ hay nói một cách khác là ‘lạc quan tếu’ thì không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn đến hậu quả từ tai hại đến vô cùng tai hại, nói nôm na là nó nguy hiểm như một người tham gia giao thông mà chạy xe vượt quá xa tốc độ tối đa cho phép vậy.

Liệu rằng một ít triết lý ẩn hiện trong văn, thơ, nhạc của Shakespeare, Goethe, Dostoevsky, Lev Tolstoi, Tagore, Osho, Kim Dung, Nam Cao, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hàn Mặc Tử, Johann Strauss, Enrico Toselli, Chopin, Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Trương Quý Hải… phải đòi hỏi có tính tích cực/lạc quan, hay họ chỉ nói lên cảm xúc và khát vọng của mình với tư cách là một trong vô số thân phận con người!
Ông Nguyễn Du có câu nói nổi tiếng là ‘nợ tình chưa trả cho ai, khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan’, Hàn Mặc Tử với câu ‘trăng nằm sóng soải trên cành liễu, đợi gió xuân về để lã lơi’, T.T.Kh. với câu ‘đưa người ta không đưa qua sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng’, Tagore với câu ‘nếu đời anh là hạt ngọc, anh sẽ đập tan ra hàng trăm mảnh để xâu thành một chuỗi hạt và quàng vào cổ em’, Đoàn Chuẩn - Từ Linh với câu ‘gửi gió cho mây ngàn bay, gửi tiếng tơ đồng tìm duyên, gửi em là thư màu xanh ái ân, về đôi mắt như hồ thu’, Trịnh Công Sơn với câu ‘người đã đến và người sẽ về bên kia núi, từng lời nói là từng cánh buồm giong cuối trời, còn lại tiếng cười khóc giữa đời’, Phạm Duy với câu ‘sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên dòng sông Đa-nuýp’, hay Ngô Thụy Miên với câu 'Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời. Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây.  Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy. Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em'....

Chắc ta cũng biết rằng, mặc dù là các ‘thiên tài!’, triết gia vĩ đại Socrate lại bị vợ xem thường, Nguyễn Du cũng có lúc đi ăn xin!, Nguyễn Trãi cũng bị tru di tam tộc, Mozart, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhược Pháp bị chết sớm, Hàn Mặc Tử bị cùi, Mayakovsky, Hemingway, Khuất Nguyên thì tự tử, Einstein đã 2 lần thi rớt đại học và khi ra đời ‘thuyết tương đối’ thì hầu như.. chả ai tin, Putin lúc xuất thân phải làm nghề ‘nhôm nhựa’, Steve Jobs cũng có 2 lần bị đuổi việc thê thảm và bị bệnh nhiều lần ‘chết đi sống lại’, Pasteur bị liệt một bán cầu đại não, Pierre Curie (chồng bà Marie Curie) bị xe ngựa cán chết, Kenedy, Lincon bị ám sát, Van Gogh, Bùi Giáng bị gọi là ‘điên’, vua Trần Nhân Tông, Kim Dung thì đi tu, Nguyễn Công Trứ (73 tuổi) lấy vợ 18 tuổi…

Vì sao, vì cuộc sống là biến đổi khôn lường, muôn hình muôn vẻ, vô cùng, vô tận và vô thường, đã là con người thì mấy ai thoát khỏi ‘lưới tình’ và mấy ai vượt qua được ‘số phận’!

Ngoài ra, cái được gọi là ‘lạc quan nghiêm cách’ hay ‘lạc quan đơn điệu’ đó chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số các blogger, điều đó rất dễ kiểm nghiệm, các bạn thử đọc 100 blog thì sẽ thấy ít người nói phải lạc quan thế này thế nọ, sống là phải chiến đấu như thế này thế nọ, yêu đời hay yêu người như thế này thế nọ, thiên đàng/niết bàn như thế này thế nọ..., mà đại đa số blogger là nói về buồn nhiều hơn là vui như: vị đắng của tình yêu, đau khổ/thất tình, hay những tâm sự về sự thất bại, khó khăn, bất mãn, uẩn khúc hay bị giày vò trong cuộc sống, nhất là sự cô đơn…

Hàng ngày mình đọc khoảng 10 entry, mình nhận thấy không ít blogger muốn nhìn xa trông rộng và khá… thận trọng, họ không tô ‘hồng’ thế giới như ta vẫn thường tưởng, sau đây là vài ví dụ:
- Ý kiến của bạn Dkt, comt trong entry ‘Chân lý của loài người’
‘Tất cả chúng ta được hình thành từ những chất liệu vô hình để có cái gọi là hữu hình, không có một cá thể nào độc lập để tồn tại. Con người, cỏ cây, đất đá, muông thú... chỉ là tập hợp của rất nhiều điều kiện, cho nên đừng nên chia chẻ, phân tích một vấn đề nào một cách chủ quan anh nhỉ? Vậy thì, anh hãy vui vẻ, bình an, vì như thế những người thân bên anh sẽ được hưởng lây những phúc lạc của anh lan tỏa, trong đó có em nữa, vì những yếu tố đó liên kết nhau như một mắc xích vòng tròn, không có chỗ bắt đầu và không có kết thúc…’
- Ý kiến của bạn Rp, comt trong entry ‘Triết học là gì?’
Theo RP, triết tự thân nó là đúc kết của những trải nghiệm về quy luật của vũ trụ, trong đó có con người, kể cả phần thân xác lẫn tâm linh. RP không được học về triết (ngọai trừ một thứ triết mà đến bây giờ mình thấy nó là… hoang tưởng!), RP chỉ "cảm nhận" triết từ cuộc sống đời thường. Với RP, triết không có gì cao siêu hay trừu tượng, tất cả là đời sống thôi. Chỉ khác một điều, triết nhìn vào cuộc sống không phải ở bề mặt mà là bề sâu, nhìn vào những lớp bên dưới. Và với RP, triết không mang bản chất chính trị (!). Vì triết là một vấn đề tư tưởng nên dễ bị nhập nhằng và trộn lẫn với chính trị mà thôi...’
- Ý kiến của bạn HN, comt trong entry ‘Hạnh phúc’
‘Thật bất ngờ khi đọc bài "hạnh phúc" của anh với những trích dẫn phong phú về khái niệm này. Có lẽ đây là chủ đề khá rộng và là vấn đề mà những ai muốn cân bằng đời sống vật chất với đời sống tinh thần vẫn hoài trăn trở. Lúc còn Yahoo 360 mình cũng có đề cập vấn đề này trong phạm vi hẹp. HN rất đồng ý với cách đặt vấn đề mở đầu của bạn. Với mình thì happy và unhappy là một ("Âm trung hữu dương căn, dương trung hữu âm căn"), xin trích dẫn lại đây vài ý tưởng mình thú vị anh tham khảo cho vui: Alexandre Dumas: "Đồi Calvaire ở đầu đường mà hào quang cũng ở đó!". Raxun Gamzatop, tác giả "Daghextan của tôi", trích dẫn lời Abutalip: "Chuông báo trước niềm vui khi hội hè nhưng cũng gióng lên từng hồi báo động". Nhà văn nữ Túy Hồng trong "Tôi nhìn tôi trên vách" thì bảo "Trong nghiệp chướng oan khiên vẫn nẩy mầm bông hạnh phúc và trong vòm trời hạnh phúc vẫn có mầm mống thiên tai", và Vũ Thành An trong "Bài không tên số 1" (?) phổ thơ Nguyễn Đình Toàn (?) viết rằng: "Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai!". Mình nghĩ hạnh phúc hay khổ đau chỉ là do cách nhìn nhận khi ta đang trong tâm thế lạc quan hay bi quan mà thôi (tại tâm) vì với 1/2 chai rượu/nước trước mặt sẽ có người bảo: "Trời ơi, chỉ còn có nửa chai" trong khi người khác lại nói: "May quá, còn được nửa chai". Vụ này chắc phải nói theo cách xưa: "Xấu đẹp tùy người đối diện!" và cách fast food bây giờ: "hên xui".
- Ý kiến của bạn Th.Dn, comt trong entry 'Tình yêu và Kim Dung'
‘Tiêu Phong ơi! Có phải tiếng thét thống thiết của chàng giữa quần hùng Trung nguyên và muôn vạn quân binh Liêu - Tống là tiếng kêu vang vọng từ ngàn năm của số phận con người tìm về hạnh phúc?, và như là câu trả lời cho giới hạn nhất định rằng chẳng thể có hạnh phúc nào viên mãn trên chốn trần gian?'
...Và cuối cùng, dường như thế giới blog không liên quan nhiều đến triết lý ‘lạc quan tếu’. Phải chăng nhờ cái chết mà ta mới biết giá trị của cuộc sống, phải chăng ta nhận chân được hạnh phúc khi đã từng trải mùi vị của đau khổ, phải chăng cái lạc quan có được từ việc biết nỗ lực vượt qua cái bi quan, phải chăng tình yêu được nuôi dưỡng từ những 'vị đắng' tuyệt vời...

Cô đơn nào giữa cuộc đời
Cô đơn lòng thấy chơi vơi đêm về
Cô đơn chìm giữa cơn mê
Cô đơn than khóc cũng về hư không
Cô đơn nơi chốn biệt phòng
Cô đơn tin nhắn nào mong đến mình
Cô đơn dòng chữ vô tình
Cô đơn thượng đế lặng thinh chẳng nhìn 
Phần 3 - Triết lý hư vô
"tình yêu là liều thuốc thần diệu giúp con người vượt qua nỗi ám ảnh về hai chữ hư vô”

Chúng ta hẳn đã từng xem phim ‘Bến Thượng Hải’, ‘Thần điêu đại hiệp’, ‘Thiên long bát bộ’, ‘Người cá’, ‘Romeo và Juliet’… và khó mà tránh được những dòng nước mắt hay nhiều lần trái tim phải thổn thức vì cảm thấy ‘tội nghiệp’ cho cái tình yêu hay thân phận con người đầy khổ đau. Có thể gọi những triết lý rãi rác trong các loại phim truyện trên là triết lý ‘ngẫu hứng’ - đó là những khúc mía mà không làm mên một cây mía hoàn chỉnh (= triết học hay ‘hệ thống ý niệm’).

Nói chung, mình không có tham vọng phân biệt các thứ triết lý hư vô hay vô thường/vô vi, thiền…, đơn giản là mình thấy cái gì có chữ ‘không’ thì nhập vào cũng một entry mà thôi, dưới đây người viết chỉ có vài dòng cảm nhận ngắn thôi, các bạn có thể dễ dàng tham khảo chi tiết trong Google.

Triết lý hư vô (cùng 'sánh bước' với vô vi hay vô thường, đều là 'vô' cả, nhưng quan điểm không hoàn toàn giống nhau) là phổ biến và ẩn tàng trong rất nhiều tác phẩm hay các triết lý khác trong mấy ngàn năm nay. Về triết lý vô vi, đại biểu xuất sắc của nó là Trang Tử (hay Lão Tử (thuận theo tự nhiên mà sống)) - nói chung cuối cùng cũng xem ‘đời là giấc mộng’ hay ‘đời là vô thường’- đã biến thành ‘đạo giáo’, đã là một bộ phận trong ‘võ đạo’ của phái Toàn Chân, Võ Đang, đã thâm nhập vào tiềm thức người Tàu và nhiều nơi trên thế giới, thậm chí trong Phật và thiền, đặc biệt là vào rất nhiều trí thức/văn nghệ sĩ TQ và VN sau này. Người đọc có thể khai thác nó trong ‘Đạo đức kinh’ của Lão Tử, ‘Nam hoa kinh’ của Trang Tử, trong thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Apollinaire, Bùi Giáng, trong ‘Góp nhặt cát đá’ của thiền sư Muju, trong ‘Tự do đầu tiên và cuối cùng’ của Krisnamurti, trong ‘Vô Kỵ giữa đời tôi’ của Đỗ Long Vân, trong 'Vật lý tiến hóa luận ' của Einstein, trong nhạc Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, trong truyện của Hemingway, Marquez, Aimatov và trong rất nhiều truyện kiếm hiệp của Kim Dung hay Cổ Long…
‘Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau ta có cũng như không'
Có thể dẫn ra đây một vài câu trứ danh:
- ‘Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh’ (‘Đạo mà ta có thể nói đến được, không phải là đạo. Danh mà ta có thể gọi được, không phải là danh', trong ‘Tri bắc du’ - Trang Tử), 
- ‘Thoắt lặng không hình, biến hóa không thường, chết chăng, sống chăng?' (trong ‘Thiên hạ’ - Trang Tử), 
- 'Dư dục vô ngôn, tứ thời hành yên, vạn vật dục yên, thiên hà ngôn tai' (ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu' - Khổng Tử),
- ‘Đốt tàn xác của ta, ngọn lửa thành bốc cháy hồng hồng. Sống đã chi làm sướng, chết không lấy chi làm khổ.. Hí, lạc, bỉ, sầu đều trở về cát bụi. Tội nghiệp thay người đời hoạn nạn quá nhiều’ (trong 'Ỷ thiên đồ long ký' - Kim Dung),
- ‘Lai như lưu thủy hề, thệ như phong. Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung!’ (Đến như nước chảy, đi như gió. không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu!', trong 'Ỷ thiên đồ long ký' - Kim Dung),
- ‘Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cùng không’ (Từ Đạo Hạnh)
- Bồ đề vốn không phải là cây, gương sáng cũng không phải là đài, người chẳng soi ở nước chảy, mà soi ở nước dừng (Huệ Năng)...
Nói thêm, khác với ý niệm 'hư vô' của Đông phương, triết lý hiện sinh từ Nietzsche, Jean Paul Sartre, Heidegger, Kafka, Dostoevsky …, nói nôm na, là một thứ triết lý về ‘thân phận con người’ (nó có liên quan đến ‘thái độ hiện sinh (the existential attitude), hay một tình trạng mất định hướng và bối rối khi đứng trước một thế giới có vẻ như vô nghĩa và phi lý (nguồn: Wikipedia)’. Nói chung, mình không thích lắm 'cái tôi quá hư vô' bằng cách nhìn thấy giới với thái độ quá mất lòng tin, bi quan hay hằn học như vậy, ví dụ, ‘Thượng đế đã chết’ (Nietzsche) hay ‘Lão tặc thiên’ - Tạ Tốn (trong Kim Dung).

Ngoài ra, con người cần phải được sống trong một thế giới ‘thiền’, cần phải có một tâm hồn ‘trong sạch/không tạp niệm’, cần phải ‘thăng hoa’, cần phải ‘thực tại hóa’…, trong đó con người có khả năng tiến đến miền thâm viễn nhất của trí tuệ, tiếp cận tốt nhất về bản chất của thế giới, con người và chính mình.

Có nhiều lần, khoảng 1975-1990, mình nghe nói ‘ý niệm’, nếu có, của Trịnh Công Sơn thuộc trường phái ‘triết học hiện sinh’ (!) mà được miêu tả như là một thứ triết lý hư vô hay triết lý bi quan ru ngủ con người, và do đó xếp nhạc của ông ta thuộc loại ‘nhạc vàng’ (!).

Thực ra, hầu hết các bài hát của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Lam Phương, Trần Trịnh, Thanh Tùng, Trương Qúy Hải, Đỗ Bảo, Bảo Chấn... … đều nói lên cảm xúc rất rõ nét về thân phận con người, nói một cách khác, nó đầy tình nhân bản, tự thân nó đã là một lời kêu gọi chiến đấu cho sự cảm thông với ‘kiếp người’ vốn tồn tại trong  một thế giới đầy hỗn độn, đầy khổ đau và vô thường này.

Những lời bài hát đầy tính siêu thực và nóng bỏng về tình yêu của họ vốn không hàm chứa tính tiêu cực, chẳng hạn như ‘sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên dòng sông Đa-nuýp (Phạm Duy)’, hay ‘hờ hững cõi thiên đàng, thuyền trôi bến sông xa đừng chờ, xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà, nhạc chiều của chúng ta, là câu ân ái muôn đời, bóng đã xế rồi, xin nép trong lòng cõi đời (Phạm Duy)’, hay ‘một sớm mai kia, chợt thấy hư vô trong đời, người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi, chỉ là ... thế thôi (Thanh Tùng)’, hay ‘Sỏi đá rêu phong, sỏi đá chưa quên chân người. Bài hát rêu phong, bài hát viết không nên lời, đã vội ... lãng quên (Thanh Tùng)’, hay ‘Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời. Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời. Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt. Ái ân bây giờ là nước mắt. Cuối hồn một thoáng nhớ mong manh (Trần Trịnh)’, hay ‘Chỉ còn một chiếc lá cuối thu mỏng manh. Chỉ còn một mình anh ... xót xa chờ em (Trương Quý Hải)’, hay ‘Không gian im nghe nhịp đôi tim hẹn ước. Mong sao tương lai đường trăng ta cùng bước. Xiết tay dắt nhau mình lánh xa thế nhân. Lánh xa ưu phiền đắng cay trần gian (Lam Phương)’, hay 'Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa. Mộng trùng lai không có ở trên đời. Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi. Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó (Thơ Appollinaire - Bùi Giáng dịch)'...

Những lời thơ/văn/nhạc nói trên chỉ nêu lên một khát vọng sống hết mình cho tình yêu, cho ‘những giây phút bất tử của tình yêu’ mà các thi/nhạc sĩ khác như Johann Strauss, Enrico Toselli, Chopin, Tagore, Goethe... đã từng làm như vậy.

Như đã nói ở phần 1, mình sẽ không sa vào chi tiết, để thư giãn, các bạn hãy tham khảo sau đây ý kiến của vài blogger:
- Ý kiến của bạn HN, comt trong entry ‘Cái chết’
‘Mình cứ nghĩ đơn giản cho khỏe: chết là hết, "cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Do vậy, trong hành trình làm người, mình vẫn đeo đuổi thực hiện theo một ngạn ngữ (hình như của một người Pháp): "Hãy học hỏi như sống được đời đời và hãy sống như phải chết trong nay mai" (chỉ nhớ vế sau câu tiếng Pháp: "Vivez comme si vous devez mourrir demain")...’
- Ý kiến của bạn Hnl (email)
‘Em… không muốn nói năng gì trên giang hồ nữa: "dư dục vô ngôn, tứ thời hành yên, vạn vật dục yên, thiên hà ngôn tai" (ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu). Từ nay có nói năng gì cũng chỉ mong thủ thỉ cùng các mỹ nhân thôi, hì…Thực sự là chỉ vì em thấy mỏi mệt sau bao năm đua chen bôn tẩu giang hồ, bây giờ sinh ra lười biếng, chỉ muốn nằm im nghe cuộc đời trôi qua mà thôi… Cho nên  rất thích câu hát của Trịnh: “Nhiều khi muốn quay về, nằm im dưới mái nhà…”
- Ý kiến của bạn TSKL, trong bài ‘ông Tiến sĩ kỳ lạ’
‘Em hiểu, nhưng em hiếm khi có cảm hứng (với đàn bà) lắm, em chỉ nghiên cứu suốt ngày thôi, chắc là em đã lầm, cuối cùng ta cũng sẽ tiến về con số không thôi, em sẽ nghĩ lại’
- Ý kiến của bạn Sun, trong entry ‘Phi ngạo và phi triết’
‘Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau ta có cũng như không
Cuộc đời có có không không
Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi’
- Ý kiến của bạn HN, trong entry ‘Chân lý của loài người’
‘HN nhớ một thiền giả nào đó khi trả lời câu hỏi của một thiền sinh: "Thiền là gì?" rẳng: "Thiền là đói ăn, khát uống, buồn ngủ đi ngủ, mắc đái đi tiểu, mắc ị đi cầu..." (Xin lỗi đã trích dẫn ý này) và xin đưa thêm một câu của Deepak Chopra trích dẫn bởi Jack Canfield rằng: "Trong vũ trụ này không có gì là thừa cả. Mỗi người có mặt trên cõi đời này vì họ cần lấp đầy một khoảng trống nào đó, và tất cả những mảnh nhỏ đều phải vừa khít với chỗ của nó trong tấm xếp hình khổng lồ của vũ trụ".
Để kết luận cho nhẹ nhàng, trong bài ‘Phi Kim - Dung và tình yêu’, mình có viết:
‘Phải chăng số phận của con người đến từ sự ngẫu nhiên, con người được sinh ra và phát triển trong một thế giới xa lạ mà không phải do mình tự chọn, và do đó bản chất con người cũng là cô đơn’, và ‘Con người chứ không ai khác đã tự sản sinh ra tình yêu sau khi ăn trái cấm, mà thượng đế chỉ ban tặng cho họ không khác gì là hai xác thịt chứa đầy rẫy những tình dục, cô đơn và đau khổ. Chính tình yêu làm cho con người vượt qua giới hạn của chính - tà, vượt qua nỗi cô đơn, nhẹ đi đau khổ và đặc biệt tình yêu là liều thuốc thần diệu giúp con người vượt qua nỗi ám ảnh về hai chữ hư vô”.

Hoàng hôn không bao giờ dừng lại
Bóng đêm tồn tại chốn trần ai
Mặc bao đau khổ và u tối
Vẫn vô tình cho đến ban mai
Cuối cùng ta cũng phải ra đi
Tất cả rồi sẽ không có gì
May ra chút tình yêu để lại
Khắc khoải trần gian chẳng mấy khi

Phần 4 - Triết lý tôn giáo
 
"Ta là ai? Ta sinh ra để làm gì? Ta sẽ đi về đâu?"

Trong Phần mở đầu, người viết có nói là ‘sẽ không luận bàn về tôn giáo’. Không có tham vọng tổng hợp tư tưởng của các tôn giáo, trong phạm vi hẹp của blog này, người viết chỉ ghi lại một số ‘cảm nhận’ của mình và của một số blogger mà thôi.

Đây là một số đoạn trích trong entry ‘Hắn gặp đức Phật Thích Ca Nâu Ni’:
‘Trong dẫn giải của anh ấy, không có cái gì là lòng thù hận hay chấp nhất. Y đã chỉ ra sự không phân biệt chúng sinh, muôn loài đều là một, thiện cũng là tự nhiên và ác cũng là tự nhiên, thiện ác vốn là tự nhiên và hòa quyện thành một thể mà không có ranh giới rõ ràng và không thể phân chia…
Ta đang đứng đây, xuất hiện trong vòng sinh tử, ta cứ cho là do cha mẹ sinh ra, cứ quán tính cho rằng ta sinh ra ở đây, ta là người thế này thế nọ, thử hỏi nếu không có không khí hay ánh mặt trời, thì làm sao mà có cha mẹ ta mà có ta, vậy thì ta sinh ra từ đâu!
…Hắn nhớ lại Không Kiến thần tăng, người đã đưa thân mình ra chịu đủ 13 quyền (Thất thương quyền) của Tạ Tốn rồi chết, cái chết của ông ta làm Tạ Tốn ân hận khôn nguôi và cuối cùng y đã thành phật với câu nói có thể là bất hủ, đó là ‘Tạ Tốn cũng là cục phân và cục phân cũng là Tạ Tốn’.
Cuộc nói chuyện của anh ấy, có lúc làm hắn liên tưởng đến anh chàng Jean Valjean và giám mục Myriel đầy lòng 'từ bi' - người đã bảo vệ Jean bằng cách nói với cảnh sát rằng những đồ vật quý giá mà anh ấy ăn cắp từ ông ta là do ông ta tặng. Dĩ nhiên, vị giám mục nọ làm nghề cứu rỗi linh hồn, hẳn khác với anh cảnh sát là người thực thi pháp luật. Và chính bởi vì tấm lòng cao cả trên mà làm Jean đã vượt qua bao gian khổ và có ý thức của một con người đầy nhân bản.
Hắn nhớ lại truyện ‘Câu chuyện dòng sông’ của  một nhà văn đoạt giải Nobel là Hermann Hesse, trong đó có anh chàng ‘Tất Đạt’ có gặp đức Phật trong một thời gian ngắn, với lời khuyên hãy đừng đi theo con đường của Ngài, anh ta đã quay về quê và gặp được người lái đò trầm lặng mà hàng ngày vẫn đưa đón anh ta qua sông, tại đấy anh ta đã giác ngộ thành phật.
…Câu chuyện lại dẫn đến chuyện có một người ném một hòn đá xuống nước, nước chạm mặt hồ tạo những vòng tròn lan truyền và lan truyền dần tác động đến các vật khác. Cái mà ta làm hôm nay, có thể tác động một phần nhỏ đến thế giới mai sau, có người định nghĩa đó là sự bất tử đó, chúng ta bất tử trong người khác!
…Người đàn ông này nói chuyện cả ngày mà hắn dường như không thấy cái ‘tôi’ của anh ấy ở đâu, anh ta là gì, y có lòng tham không, y muốn gì, y có đi làm kiếm tiền không, y có phải là người không, …, thực sự hắn không biết, tất cả các câu hỏi đó đã có ánh mặt trời trả lời.
…Và nhờ anh ấy mà hắn đã thốt ra:
Dục vọng là tự nhiên nhiên nhiên, sao ta phải dằn vặt?
Hạnh phúc là tự nhiên nhiên nhiên, há sao ta phải tìm?
Đau khổ là tự nhiên nhiên nhiên, há sao ta phải tránh? 
Hắn chỉ gặp anh ấy có một ngày, một ngày là đủ rồi, phật là phật, phật tại tâm, chứ không phải tại hắn gặp anh ấy ngày hôm đó hay ngày hôm nay’.

Và tiếp theo là một số đoạn ‘cảm nhận’ trong entry ‘Đêm Noel không thể nào quên’:
‘Ông ấy nói nói tâm hồn của con người như một cái bình chứa đầy những tạp niệm. Chúa sẵn sàng đến với con người, nhưng Ngài đến bằng cách nào trong khi con người không cho Ngài đến. Các người hãy đổ những tạp niệm ra, càng nhiều chỗ trống thì Ngài càng đến, cho tới khi cái bình rỗng không thì Ngài ngự hoàn toàn trong trái tim bạn'.
…Nhưng lời nói đó, cứ lẩn quẩn trong đầu óc hắn và thỉnh thoảng nó lại xuất hiện.
Khi ngồi bên cái máy laptop để viết entry, hắn hiểu rất rõ ràng là tại sao người ta nói thượng đế luôn hiển hiện chung quanh ta, trong cái không gian ta đang ở, mà chính hắn cũng cảm nhận một cách rõ ràng như vậy.
Hắn cũng cảm nhận được rằng Chúa sẵn sàng đứng bên cạnh hắn và đưa tay bảo vệ hắn suốt đời mà không phụ thuộc vào số lần mà ai đó đi nhà thờ hay niệm ‘a men’.
Vì sự ảnh hưởng của lời giảng đó, khi hắn ra quán cà phê, để góp ý cho một người biết chỗ đúng sai của mình và để người đó tiếp thu cái đúng, hắn thường lấy ra một ly nước trà đầy và nói:
- ‘Đây là một ly nước trà đầy, ta đỗ ra một ít nước thì trong ly trà lại xuất hiện một khoảng không, ta đỗ ra càng nhiều nước thì khoảng không càng lớn, ta đỗ hết nước trà ra thì ta có một cái ly trà hoàn toàn trống rỗng. Tư tưởng cũng vậy, nếu bỏ bớt tạp niệm hay cái tôi càng nhiều, thì sẽ tiếp nhận càng nhiều chân lý của cuộc sống, lúc đó có thể nói là ta đã trở thành bậc thông thái, nếu ta bỏ cái tôi hay tạp niệm hoàn toàn, khi đó cái tôi hòa nhập với vũ trụ làm một, hay nói cách khác là ta đã trở thành đấng ‘giác ngộ’. 

Sau đây là ý kiến của một số blogger:
- Ý kiến của bạn RP, trong entry ‘Hắn gặp đức Phật Thích Ca Mâu Ni’ và ‘Chân lý của loài người’
‘…Nếu chiêm nghiệm được rằng, cuộc sống này là 'nhân duyên', là 'sự kết nối của những dấu chấm' (Steve Jobs), thì con người sẽ sống một cách an nhiên hơn. Những đau khổ hay ham muốn... đều được chế ngự và sẽ không còn khiến con người cảm thấy bị mất mát hay hụt hẫng nữa...
…Suy cho cùng cái chân lý về sự kết nối giữa các vấn đề, hiện tượng trong cuộc sống chính là quan điểm của Phật Giáo, đó là triết lý về yếu tố duyên nghiệp. Anh có thể nhận ra sự kết nối ấy nhưng không bao giờ lý giải nổi tại sao lại là những yếu tố (con người, không gian, thời gian, sự việc…) ấy kết hợp với nhau mà không là những yếu tố khác. Chính vì điều đó mà anh phải ngửa mặt kêu lên “Oh, my God!”… Phật Giáo lý giải điều ấy bằng 2 chữ “duyên nghiệp”, và đời sống này, thế giới này… là trùng trùng duyên khởi...’
- Ý kiến của bạn MN, trong entry ‘Chân lý của loài người’

‘Đã đọc, nghe những điều này rất nhiều trong Duyên khởi, Nghiệp báo của Phật giáo nhất là qua các sáng tác của Thích Nhất Hạnh, giờ gặp lại trong entry của một người tự nhận chẳng biết gì về các loại giáo lí thấy rất thú vị… "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi" cũng là một nhắn nhủ ân tình của Đức Phật đến mọi người đấy. Ấy thế nhưng thường nhân không làm được việc đó, tuy nhiên biết đi theo ánh sáng của Người thắp đuốc âu cũng là một việc tốt lắm rồi mà...’ 
- Ý kiến của bạn NT, trong entry ‘Đêm Noel không thể nào quên’

‘Mình phải đọc nhiều lần đễ thấy Chúa và Phật sống hòa bình thế nào trong hắn...’ 
- Ý kiến của bạn BH, trong entry ‘Đêm Noel không thể nào quên’
‘Cháu lại rất thích ý này của chú: "Chúa sẵn sàng đứng bên cạnh hắn và đưa tay bảo vệ hắn suốt đời mà không phụ thuộc vào số lần mà ai đó đi nhà thờ hay niệm ‘a men’.

...Ngoài ra, nhiều người còn nói với mình như thế này, ví dụ có một người theo đạo Chúa mà hiểu về đạo Phật thì họ rất ngưỡng mộ, vì đơn giản suy ra là người đó rất hiểu về đạo Chúa, và tương tự đối với người theo đạo Phật, chẳng hạn khi nghe câu 'hãy tìm thì sẽ gặp, hãy đến thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cho', thiền sư Muju có nói rằng 'ai nói điều đó là không xa Phật tính' (trong 'Góp nhặt cát đá'). Và dưới giác độ nhân bản, Phật hay Chúa cũng là con người, các Ngài chưa bao giờ tuyên bố 'ta không phải là con người', Địa Tạng Vương Bồ Tát có nói 'ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục', việc siêu nhiên hóa các 'Đấng' hay việc phân biệt giữa vật-thụ-tạo và vật-không-thụ-tạo, Lá bàng thiết nghĩ, là xa lạ đối với không ít những người bình thường.
Cuối cùng, ‘mọi con đường đều dẫn đến thành La Mã (= chân lý)’. Ngày sẽ qua, tháng sẽ tận, năm sẽ cùng, đời sẽ hết, cuối cùng rồi ta cũng sẽ ra đi. Chẳng thà ta chết ở một địa ngục có tình yêu còn hơn là sống ở một thiên đường đầy huyễn hoặc: 'Mình đã tự quên cái được gọi là ‘sắc sắc - không không’, cái được gọi là ‘vô thường’, cái được gọi là ‘hư vô hay hư không’… , mình chỉ biết có một cái thôi, ĐÓ LÀ TÌNH YÊU’.
Đừng rời anh nhé em ngoan
Trong tim anh có dịu dàng là em
Hồ thu đôi mắt êm đềm
Ngất ngây tình khúc ngọt mềm ai trao
Ngoan nào! hai đứa mình thôi
Chỉ nghe nhịp đập bồi hồi 'một' tim
Chỉ nhìn thấy 'một' thân hình
Chỉ còn lại 'một' khối tình ngất ngây

Phần 5 - Triết lý cổ điển. Kết luận.

Không dễ dàng để mình viết về đề tài này, người viết sẽ không nói về ‘Triết học cổ điển’ mà nói về ‘Triết lý cổ điển’, không có ý nói là triết lý cổ điển là lạc hậu, mà ý nói là không ít người thời ‘hại điện’ đã hơi bị thiếu sáng tạo khi viện dẫn quá nhiều các tư tưởng cổ điển. Có nhiều cách để viết một entry, trong bài viết này, người viết chỉ đơn giản ghi chép lại cuộc ‘đối thoại’ giữa mình và ‘ông Tiến sĩ kỳ lạ’ (xem trong thư mục ‘Thân phận con người’) như là một phương pháp tiếp cận trong việc trình bày ‘cảm nhận’ của mình, ngoài ra, bài viết dưới đây có sự góp ý của một số blogger. Không phủ nhận giá trị vô cùng to lớn của triết lý cổ điển, với việc dùng từ ‘cổ điển’ chứ không phải 'cổ đại', người viết đặc biệt tránh xa việc sa vào lý thuyết, tổng hợp, tư liệu hay chi tiết.

‘Rất tiếc là chúng ta hình như được thế giới thừa nhận là có tài học hỏi những điều tiểu tiết rất nhanh và bắt chước rất giỏi, nói chung là ta có tài lẻ chứ không có tài 'chẵn'. Cứ dở ra trang sách nào ở ta thì cũng thường thấy viết rằng ‘Khổng Tử nói rằng’, ‘Trang Tử nói rằng’, ‘Tổ Huệ Năng dạy rằng’, ‘Lý Bạch/Đỗ Phủ/Bạch Cư Dị có câu’, ‘Shakespeare có câu’, ‘Napoleon/Tôn Tử nói rằng’… Phải chăng xưa nay, chúng ta đã vô hình chung đã phụ thuộc các tư tưởng của họ và vô tình chấp nhận chúng mà không hề hay biết! (Tiến sĩ kỳ lạ - trong entry ‘Kết nối một trăm tư tưởng thành một tư tưởng’)

Thường, để bảo vệ, minh họa, thậm chí là ngụy biện cho ý tưởng của mình, người ta hay nói là ‘Triết gia A nói rằng’, ‘Nhà bác học B nói rằng’, ‘Đại văn hào C nói rằng’… (đa phần là người nước ngoài và sống cách đây... xưa lắm rồi), ví dụ người ta hay nhắc đến những cụm từ quá quen thuộc như ‘nhân, lễ, nghĩa, trí, tín’ hay ‘công, dung, ngôn, hạnh’... Trộm nghĩ rằng, tại sao cho đến nay, ngày 22/04/2012, người ta lại không thể đưa ra là một người đàn ông thời nay phải có những đức tính gì, một phụ nữ thời nay phải có những đức tính gì, mà ta phải dựa vào những câu nói đặc sệt chữ ‘lễ’ của ông Khổng Tử cách đây 2500 năm!, phải chăng những lời cha ông ta nói lại kém tính tư tưởng hay kém hiệu quả hơn những câu phát ngôn của các bậc được gọi là ‘thánh nhân’ thời xưa mà chỉ có giá trị lịch sử mà thôi, hay phải chăng cha ông ta không có được những tư tưởng như vậy!
Xin nói thêm, để có thêm cơ sở cho việc so sánh dưới đây, người viết có đọc một số tư liệu trên Google, trên sách báo (trước và sau giải phóng), trong đó có cuốn ‘Cơ sở văn hóa Việt Nam - TS. Trần Ngọc Thêm’, thiển nghĩ rằng, mặc dù kho tàng văn hóa VN là vô cùng phong phú, tuy nhiên nó cũng vô cùng tản mạn (xem vài ví dụ ca dao/thành ngữ/tục ngữ ở dưới), hầu như là nói về đạo làm người, rất khó hay vô cùng khó để tìm thấy một hệ tư tưởng hay một hệ thống ý niệm nhất quán về vũ trụ, vô cùng lớn và vô cùng bé, quy luật vận động tuyệt đối của vật chất’, về triết lý hư vô/vô vi/vô thường, về ‘thiền’… Ngay cả vua Trần Nhân Tông và Nguyễn Bình Khiêm (và Nguyễn Công Trứ!) được xem là hai nhà triết học của VN (!) thì vua là người có công sáng lập ra Thiền viện Trúc Lâm, nhưng tư tưởng của vua cũng là một sự tiếp thu tư tưởng ‘thiền’ trước đó chứ không phải là sáng tạo nên ‘thiền của VN’ như TQ hay Nhật Bản đã làm!, còn Nguyễn Bình Khiêm có thể hiện một số ý về ‘dịch’ khá độc đáo nhưng cũng là sự tiếp thu tư tưởng đã có trước đó của Tàu hay đạo Phật!

Về thuật xử thế/nghệ thuật sống, nếu Khổng Tử (551-479, TCN) nói ‘Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân’ (điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác), thì ông bà ta có nói ‘lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’, ‘một câu nhịn, chín câu lành’, ‘tránh voi chẳng xấu mặt nào’, ‘ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’, ‘đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy’, 'sông có khúc, người có lúc'...

Về sự vận động không ngừng của vũ trụ vạn vật, nếu ông Heraclitus (535-475, TCN) nói: ‘không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông’ (nước không bao giờ chảy hai lần qua một dòng sông), thì ông bà ta có nói ‘vật hoán tinh di, tang điền thương hải (vật đổi sao dời, biển xanh biến thành ruộng dâu), ‘thế gian biến cải vũng nên đồi (Nguyễn Bình Khiêm, 1491-1585)’, ‘thời giờ ngựa chạy tên bay, đừng nên bỏ phí những ngày còn không’…

Về tính hư vô, vô vi hay vô thường, đối với đời người, nếu cổ nhân có câu ‘người là cát bụi thì sẽ trở về với cát bụi’ (từ nhiều tôn giáo), thì ông bà ta có từ ‘trần ai (=bụi trần)’, có câu ‘đời người là bóng câu qua cửa sổ’, ‘đời là bể khổ’, ‘sinh ký tử quy’ ‘sinh dữ, tử lành’…. đối với vũ trụ vạn vật nói chung, nếu cổ nhân có câu ‘Động mà không động, không động mà động’ hay ‘Không tức thị Có. Có tức thị Không. Có có, Không không. Không không, Có có. Có rồi lại Không. Không rồi lại Có’, thì ông bà ta có câu ‘Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cùng không’ (Trúc Lâm đầu đà!, 1258-1308)...

Về ‘cái biết’ vô cùng bé của con người so với ‘cái chưa biết’ vô cùng lớn, nếu ông Pythagore (580-500, TCN) có nói ‘đừng thấy cái bóng to của mình trên tường mà tưởng mình là vĩ đại’, hay đại thi hào Goethe (1749-1832) có nói ‘lý thuyết thì màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi’, thì ông bà ta có nói ‘đi một ngày đàng, học một sàng khôn’, ‘biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe’, 'chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng Tổng', ‘ếch ngồi đáy giếng’, 'thùng rỗng kêu to'...

Về tính vô cùng (bé) của vũ trụ vạn vật, nếu cổ nhân có câu ‘Trong ly nước này có muôn vạn sinh linh’, thì ngày nay ta biết tới hạt quart (là hạt cơ bản, trong lĩnh vực hạ hạt nhân), vi trùng hay siêu vi rồi như vius HIV, virus cúm H5N1, vi rút viêm não Nhật Bản...

Sau đây, xin mời các bạn tham khảo ý kiến của một số blogger:
- Ý kiến của bạn TN, trong entry ‘Bàn về một số tư tưởng’ của TN
Trong cả những dòng tư tưởng trước nay xuất hiện ở nước ta thì tư tưởng Khổng Mạnh chiếm ưu thế. Đó là một tư tưởng rất chặt chẽ và khó khăn, nhưng theo tôi nó thiếu tính nhân văn. Nó là một dụng cụ đàn áp trên tư tưởng và trói buộc con người theo những lề thói mà không giống thế ắt là sai, là bị lên án, phỉ nhổ. Nhưng những tư tưởng của văn học tiến bộ phương Tây thì không chỉ thế. Họ đề cao những tình cảm, khát vọng sống của con người. Họ trân trọng lá cờ nhân văn, họ đả kích mọi đạo lí nào xâm hại đến quyền sống và được sống tự do của con người.
 - Ý kiến của bạn THD, trong entry ‘Kết nối 100 tư tưởng thành một tư tưởng’
‘Cái anh bạn TS gì đó nói hình như là đúng (xem bài ‘Ông tiến sĩ kỳ lạ’)! Nghe đồn anh ta sau khi đọc qua gần hết sách vở, chán nghe chuyện "Tử viết" (Confucius  said that...), Monsieur A parle, Master B preached... etc, đã về quê, vào chùa, vừa quét lá… đa vừa tập ‘khí công’ luôn thể! Có người hỏi về chuyện này, anh ta đáp (không giống như hồi xưa từng nói trong bài trên): ‘Một trong muôn và muôn trong một (one in all and all in one). Trong giọt nước có cả đại dương, trong hạt cát có cả sông Hằng. Tri thức nhân loại là của chung, nên ai đó có phát mình thì ta cứ xài cho nó tiện… có sao đâu nhỉ! Có người bay vào vũ trụ thì mình ‘quá giang’ lên đó… thì có sao đâu!!...’
- Ý kiến của bạn Ng.N., trong cùng entry
‘Có năm Đức Khổng, có mười Đức Phật, có mớ trăm ngàn vị tiền bối, song còn tồn tại lòng hiềm khích - tư thù - vây cánh, thì ngàn năm sau vẫn thế mà thôi anh ah!’...
- Ý kiến của bạn NTMT, trong entry ‘Kết nối 100 tư tưởng thành 1 tư tưởng’
‘Tôi đi tìm tôi, tôi thấy tôi
Tìm tôi tôi thấy thấy tôi rồi
Thấy rồi tôi thấy tôi tìm mãi
Tìm mãi thấy tôi, tôi thấy rồi’.
…Xem ra để bàn về việc ‘kết nối 100 tư tưởng thành một tư tưởng’ vẫn luôn là điều nan giải anh nhỉ? Em thì đơn giản nghĩ rằng, việc học tập cũng như áp dụng những tinh hoa văn hoá cuả nhân loại cuả mỗi nước thì không chỉ ở VN mình mà ở cả các nước khác cũng đều đáng hoan nghênh đấy chứ. Tất nhiên, sản phẩm mà là con đẻ của mình thì vẫn tốt hơn là con nuôi. Tuy nhiên nhìn ở sự việc nào cũng đều phải xét trên mọi khía cạnh cuả nó. Em nhớ có lần được xem một chương trình nói về một cô gái phương Tây dành cả cuộc đời, công sức cuả mình, sống tại VN để theo đuổi sự nghiệp hát tuồng chèo của VN. Như thế có thể thấy mình cũng có những cái đáng trân trọng, tự hào lắm chứ. Chỉ là một ví dụ nhỏ thôi nhé. Người ta có Shakespeare thì mình có Nam Cao, có Vũ Trọng Phụng... ( !).  Seagames thì mình cũng tự hào vì con số huy chương vàng đạt được đáng nể... (!). Còn trên lĩnh vực kinh tế, đương nhiên nước mình là nước đang phát triển, chứ chưa là nước phát triển như Nhật hay Mỹ... Tương lai ai nói trước... Ví dụ nhé. Cho rằng VN mình là một... nồi lẫu thập cẩm đi. Nồi lẫu thập cẩm phải có đủ loại phụ trợ và gia vị. Nếu không có các loại phụ trợ và gia vị, thì nồi lẫu chỉ là một nồi nước lã. Nhưng nếu không có nồi nước đó thì... sao gọi là lẫu, đúng không anh? He he. Ví với góc độ vui thế thôi để thấy rằng dù xét ở phương diện nào, để có một tư tưởng lớn thì cần phải có rất nhiều ý tưởng nhỏ. VN mình nhỏ bé thế thôi, nhưng không thể thiếu, anh nhỉ?’…
-Ý kiến của bạn ‘ẩn danh’, bình luận riêng trong entry này
'Bài viết triết lý cũng có phần rất thật... VN mình đúng là hay học hỏi nhưng... cũng hay bắt trước người khác... tại mình còn nghèo... nhân tài chưa nhiều... nên chưa làm được gì nhiều cho đất nước… nhưng ngày nay VN cũng tiến bộ nhiều rùi... cũng mong sao ngày càng tốt đẹp…'

6. Phần kết luận
Để kết luận nhẹ nhàng cho Phần 5 này cũng như cho cho toàn bộ entry ‘Trả lời các blogger về triết…’, người viết xin trích một đoạn của ‘Tiến sĩ kỳ lạ’ kể một câu chuyện kiếm hiệp của Cổ Long (truyện ‘Ân thù kiếm lục’) là:
“Có một kiếm sĩ Đông Doanh giỏi kiếm thuật vô cùng. Y đi thuyền bằng đường biển đến Trung Nguyên và thách đấu tay đôi với từng chưởng môn của các môn phái hàng đầu. Tất cả đều bị bại dưới tay y, không có ai đấu nổi với y một chiêu! Sau đó, y tuyên bố rằng:
- Ta rất buồn vì không có ai xứng đáng đấu với ta, 7 năm sau ta sẽ quay lại.
Trong quãng thời gian đó, có một cậu bé mới mười mấy tuổi tên là Phương Bửu Nhi. Cha, mẹ và bác của cậu mặc dù là những nhất đại tông sư tuyệt đỉnh về kiếm thuật lừng danh một thời, nhưng đều cảm thấy rằng không thể thắng nổi tay kiếm sĩ Đông Doanh nọ. Ba người này mới chỉ cho Phương Bửu Nhi 3 chiêu kiếm được gọi là ‘vô địch’ của họ và nói rằng:
- Chỉ khi nào con có thể nhập 3 chiêu kiếm này thành một chiêu thì con mới có thể rời khỏi ‘thủy cung’ này được.
Cậu bé rất thông minh, cậu không chỉ nhập 3 chiêu kiếm thành một, mà thành một chiêu hoàn toàn khác.
Bảy năm sau, tên kiếm sĩ Đông Doanh quay trở lại Trung Nguyên. Quả nhiên các chưởng môn của thế hệ sau cũng không thể địch lại y. Y định nói câu:
- Ta rất buồn vì không có ai xứng đáng đấu với …
Y chưa nói kịp chữ ‘ta’ thì cậu bé xuất hiện và nói:
- Còn có ta nữa.
Thế là cậu bé bước ra, tay cầm kiếm mà như là kẻ chưa biết cầm kiếm, dáng đi thất thơ thất thểu như một kẻ chả có chút nôi lực nào, cặp mắt thì ngơ ngác, khờ khạo và vô hồn như chả quan tâm đến cái gì chung quanh cả, cậu bước một cách uể oải chậm chạp đến gần tay kiếm khách đó, bất thần cậu có vẻ sợ hãi ngã xuống dưới 2 chân của gã, thế là một tia kiếm nhanh như chớp xẹt lên và xuyên thủng hạ bộ của gã này. Gã ngã xuống và vẫn còn kịp nói một cách mãn nguyện:
- Cám ơn cậu bé đã cho ta thấy ‘một chiêu kiếm vô địch thiên hạ'.

Vâng, Khổng tử, Lão/Trang tử, Aristotle, Shakespeare, Newton, thiền… đều những tư tưởng có thể là vô địch, nhưng không phải là vô địch thiên hạ và cũng không thể nào mà vô địch mãi mãi. Người VN ta rất thông mình và rất tự hào dân tộc, có ai cấm ta không được làm như 'chàng trai trẻ' kia!
 
Tóm lại, dường như nói triết lý hay triết học là một điều vô nghĩa và làm các blogger bị… nhức đầu trong lúc cuộc sống trước mắt của họ là ‘cơm áo gạo tiền’, nhưng ngoài những phút giây ‘lạc quan’, trong mỗi chúng ta có thể tồn tại nỗi cô đơn không cùng, có thể tồn tại nỗi đớn đau đoạn trường khi người thân ra đi hay bị ruồng bỏ, có thể tồn tại nỗi tự ti mặc cảm về những khuyết tật tinh thần hay thể xác mà không thể nào bù đắp, có thể tồn tại nỗi đắng cay tuyệt vọng khi thất bại thảm hại trong chính trường, thương trường hay tình trường, có thể tồn tại nỗi dao động dữ dội khi phải sống trong một cuộc đời đầy vô thường với quá nhiều những thăng trầm, có thể tồn tại nỗi ám ảnh ẩn hiện đây đó về hai chữ hư vô…, vì thế, tiếng gọi vô cùng tha thiết của ‘tình yêu’ lại trở nên lôi cuốn hơn bao giờ hết và cuồn cuộn trào dâng trong chúng ta như sóng đại dương không bao giờ ngừng nghỉ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét