Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

513. Ăn Tết ở Việt Nam 5

LTS: LB đang trên đường đi, không có thì giờ để đánh máy, sau này sẽ có dịp sửa lại, có gì các bạn giúp đỡ để bổ sung nhé, cám ơn.

Mời các bạn theo dõi tiếp nghen. Hồi ký này gồm có:
-Tết xưa và nay, 
-Ăn Tết ở Việt Nam 1 (chuyến xe bắt đầu),
-Ăn Tết ở Việt Nam 2 (chuyện hàng ngày ở quê),
-Ăn Tết ở Việt Nam 3 (tản mạn trong mấy ngày Tết),
-Ăn Tết ở Việt Nam 4 (những câu chuyện trước khi lên đường),
-Ăn Tết ở Việt Nam 5 (những câu chuyện trên đường đi)…

ĂN TẾT XUYÊN VIỆT: NHỮNG CÂU CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG ĐI
Ngày 26-27/1/2014
1. Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây?
Trên đường đi từ Ban Mê Thuột, qua Gia Lai, rồi Kon Tum, đến cửa khẩu Bờ Y, có người hỏi:
-Dãy Trường sơn là như thế nào?
-Tại sao lại gọi là ‘Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây’?
Dãy Trường Sơn dài 1.100km, cao độ trung bình là 2000m, kéo dài từ Nghệ An (giáp Lào) đến tận cao nguyên Nam Trung Bộ. 
‘Dãy Trường Sơn Bắc chạy từ thượng nguồn sông Cả vào đến Quảng Nam, theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, càng về phía Nam, dãy Trường Sơn càng sát bờ biển, có nhiều dãy núi đâm ngang thẳng ra biển như Hoành Sơn (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), và Bạch Mã (giữa Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam)… 
Các đỉnh núi cao trong dãy núi Trường Sơn Nam gồm: Ngọc Linh (2598 m) cao nhất Nam Trường Sơn và hơn mười ngọn khác cao trên 1200 m cùng thuộc khối núi Ngọc Linh, Ngọc Krinh (2025 m), Kon Ka Kinh (1761 m), Vọng Phu (2051 m), Chư Yang Sin (2405 m), Bon Non (1692 m), Chư Braian (1865 m), M'non Lanlen (1623 m), M'non Pantar (1644 m), và nhiều đỉnh khác…’ (wikipedia).
Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có hai loại gió chính: gió mùa mùa hạ (thổi theo hướng Tây Nam hay còn gọi là gió Tây Nam) và gió mùa mùa đông (thổi theo hướng Đông Bắc hay còn gọi là gió Đông Bắc)… Gió Tây Nam mang hơi nước từ Ấn Độ Dương vào nên phải đi qua Thái Lan và Lào đến dãy Trường Sơn thì bị chặn lại ở phía tây Trường Sơn tích tụ lại và gây mưa ở tây Trường Sơn. Còn gió vẫn thổi qua dãy Trường Sơn nhưng phải lên cao mới có thể qua được nên nó sẽ mang hơi nóng của mặt trời xuống phía đông gây khô nóng (còn gọi là hiện tượng fơn). Cho nên mới có câu ‘Trường Sơn đông nắng tây mưa’ (vn.answers.yahoo.com)...
...Ngoài ra, còn có thắc mắc về ‘Ngã 3 Đông Dương’ và 'Cửa khẩu Bờ Y': chúng ta đi đến cuối phía Bắc Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), rẽ trái, về hướng Tây, đường Hồ Chí Minh, chạy (xe) khoảng 20km, ta sẽ thấy biển báo hướng đi cửa khẩu Bờ Y (Ngã 3 Đông Dương)… Rẽ phải, chạy tiếp về hướng Bắc, ta sẽ ngang qua huyện Đắk Glei (nơi có: ‘vụ tai nạn khủng khiếp xảy ra khoảng 8g ngày 21-4-2005 trên đường Hồ Chí Minh, … cách thị trấn huyện Đăk Glei 20km về phía bắc… trong xe có 29 người (cựu chiến binh) chết tại chỗ và 2 người chết sau đó..., theo tuoitre.vn), cuối huyện có một quán cơm bình dân đã tính tiền ‘hai lúa’ với giá 80.000đ/người (mà đã bị khách chửi là ‘chém’, ‘cắt cổ’), rồi ta sẽ đến Khâm Đức (Quảng Nam) với vận tốc là 40km/h khi qua ‘đèo lò xo’ (dài khoảng 40km!)…
2. Qua vùng 'chó ăn đá, gà ăn sỏi'
Qua hầm Hải Vân (Đà Nẵng), xe chạy qua cầu Tràng Tiền (nội thành Huế) mà ở đó, một phụ nữ đã ‘biếu’ CA là 1 triệu đồng. Nói chung là đi đường không mệt lắm, mệt nhất là ‘sợ’ công an, mỗi lái xe phải chuẩn bị 2-4 tờ xanh (loại 500.000đ) để phòng khi bị CA… bắt lỗi.
Từ Huế, ta sẽ qua Quảng Trị…, đến tp Đông Hà thì trời hết lạnh, nhiệt độ buổi sáng dao động từ 19-220C, mừng quá! Rồi ta sẽ đến huyện Vĩnh Linh có Cầu Hiền Lương với cụm từ ‘vĩ tuyến 17 ngày và đêm’ và diễn viên Trà Giang nổi tiếng...
Cầu Hiền Lương (Quảng Trị) bắt qua sông Bến Hải, tại Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh… Trong chiến tranh, nó được chọn làm ranh giới chia cắt đất nước… trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975. Cũng tại nơi đây, đã từng diễn ra những cuộc "chọi loa", "chọi cờ" quyết liệt (vn.answers.yahoo.com).
Dĩ nhiên là ta phải chui qua hầm ở ‘đèo Ngang’ (Quảng Bình) để nhớ lại một ít về thơ của Bà Huyện Thanh Quan… Và ngắm nhìn đất đai ở đây, ta sẽ liên tưởng đến vùng Thanh Nghệ Tĩnh + Bình Trị Thiên mà thường được là vùng ‘chó ăn đá, gà ăn sỏi’, vì đất rất xấu, và đa số dân trước đây phải sống bằng nghề ‘biển’...
Đèo Ngang (Quảng Bình) là ranh giới thời Đại Cồ Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập (939) và trước thời kỳ Nam Tiến của người Việt (1069) thì sông Gianh là ranh giới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786) với xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672)… Đèo Ngang gắn với huyền thoại “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.. Trong cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, quân Trịnh án ngữ ở đèo Ngang, nhưng thực sự ranh giới Bắc Nam là sông Gianh… có một số thành lũy (Lũy Thầy) chắc chắn do Đào Duy Từ tổ chức xây đắp... (wikipedia)
Rồi ta sẽ ngang qua Hà Tĩnh (với món đặc sản là ‘kẹo Cu-đơ’), tại đây, LB nhớ lại kỷ niệm về ‘bãi biển Thiên Cầm’, biển xanh ngắt, sóng tương đối hiền hòa, nước trong vắt (không có phù sa hay rác rưởi): cảnh đẹp như thiên đường và có thể gọi là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Việt Nam...
Đến tp Vinh (Nghệ An), ta sẽ thăm khu di tích 'làng Kim Liên', hay nghe nói về đặc sản cam Xã Đoài/cam Vinh mà có thể không phải là hàng 'thật' vì là cam ở các tỉnh phía Bắc hay cam ‘đẻo’ bên Tàu trộn vào.
Nói chung là từ Huế đến Vinh, đường rất tốt, có nhiều tên địa phương rất lạ như: cầu Rác, cầu Bùi Địch, cầu Ma, cầu Bố, chùa Móc, cầu Vòi… Ngoài ra, LB còn được nghe kể chuyện ‘dân gian’:
-Dũng cảm nhất: Kim Đồng, tai thính nhất: nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí, cây có rễ dài nhất: cây Kơ-nia, người phụ nữ nặng nhất: 'chị Hai 5 tấn' ở Thái Bình…
-Kẹo Cu-đơ: có 'thằng hai' bán kẹo lạc ở gần một trường Pháp, nên được gọi là thằng ‘cu-đơ’, (cu = thằng, đơ = hai), kẹo lạc của anh ta được gọi là kẹo ‘cu-đơ’… 
-Nhà máy cháo (Thái Bình), cầu Tỏm (Hà Nam)...
-Ở Thanh Hóa, ngoài món đặc sản 'canh đắng' và 'cháo lươn' rất... ngon, trước đây còn có nhiều từ/cụm từ nhân gian (nói đùa) như: ‘ăn rau má, phá đường tàu’, cầu Bố (cái cầu con con gọi là cầu bố, vài cây lố nhố gọi là rừng thông…), rồi ‘đường của Bố’: ý nói người dân xem đường giao thông như là đường riêng hay sân nhà của mình, nên tự tiện muốn chạy xe thế nào thì chạy, không sợ ai hết… 
(LB sẽ kể chi tiết sau).
Ngày 28/1/2014
3. Thiên đường đẹp nhất ở Việt Nam!
Sáng sớm hôm nay, LB chạy xe từ Vinh đến Tam Điệp (nơi mà vào năm 1789, Nguyễn Huệ đã ghé vào đây lấy thêm 2-3 vạn quân, rồi tiến đánh quân Thanh ở Hà Hồi, Ngọc Hồi và Thăng Long, tết Kỷ Dậu), rồi từ Quốc lộ 1, rẽ trái, vào quốc lộ 12B, xe sẽ tiến vào Khu du lịch tâm linh/Chùa Bái Đính (bái = thờ cúng, đính = đỉnh, nay thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) do thiền sư Nguyễn Minh Khuông bắt đầu xây dựng từ năm 1096! và mới được đầu tư 'hoành tráng' vào năm 2004... 
(Rồi LB sẽ thăm Tràng An vào ngày mai)
Hơn 1000 năm về trước, tại Ninh Bình đã có ba triều đại Vua nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo; cho nên tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính, trên dãy núi Tràng An..Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống phù hợp với tâm lý hiếu kỳ, tò mò của người Việt Nam thời nay. Chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng. Khu chùa Bái Đính mới được các báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á... Tên gọi chùa Bái Đính mang ý nghĩa là hướng về núi Đính, nơi diễn ra các sự kiện oai hùng trong lịch sử Việt Nam. Núi chùa Bái Đính chính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh...' (wikipedia).
...Xa xa, trước mắt du khách là 99 ngọn núi chập chờn sương khói thiên thai, riêng ngọn núi Bái Đính được gọi là Núi Chủ... Không ngờ chùa Bái Đính lại ‘hoành tráng' như vậy, đây là một quần thể chùa lớn (diện tích 700 ha), bao hàm lịch sử VN từ thời Đinh-Tiền Lê-Lý, có nhiều hiện vật với tầm cở quốc gia/quốc tế (Đại hồng chung bừng đồng nặng 36 tấn, tượng Phật bằng đồng nặng 100 tấn, tượng Quan Âm bằng gỗ lũa cao 10m!, giếng Ngọc có chu vi 97,3m, chùa Tháp có 13 tầng, cao 99m...) và nổi tiếng nhất Đông Nam Á.
Có 2 mẩu chuyện nhỏ:
-Trên đường từ hang 'Thiên đường-Địa ngục' đến giếng Ngọc, đi trên một con đường chạy dọc theo triền núi, mình nhớ lại cảnh thầy trò Đường Tăng gặp con yêu Độc Giác Tỉ (con trâu của Thái Thượng Lão Quân đánh cắp Vòng Thần, xuống trần làm loạn và bắt Đường Tăng để ăn thịt), rồi xảy ra cuộc đại chiến long trời lỡ đất giữa Độc Giác Tỉ với Tôn Ngộ Không, Lý Tịnh, Na Tra, Dương Tiễn, Hỏa thần, Thủy thần....
-Có một khách sạn-nhà hàng cấp xã - vừa mới khai trương ở gần chùa Bái Đính, đã tính tiền thức ăn đắt như 'vàng': cá lóc với giá 500-700.000đ/kg (và trứng gà luộc với giá 15.000đ/cái) mà đã bị khách chửi là 'chém, cắt cổ, không biết làm ăn lâu dài, trước sau cũng bị sập tiệm...', và sau đó đặt tên cho nó với tên là khách sạn 'Cá Lóc Vàng', hihi...
...Quang cảnh chung quanh Khu chùa Bái Đính vô cùng đẹp và trữ tình (được vua Lê Thánh Tông phong tặng là ‘Minh Đỉnh danh lam’), nó sẽ giúp cho bạn tưởng tượng được là Chùa Thiếu Lâm bên Tàu như thế nào; và tdùng để đóng phim ‘kiếm hiệp’ rất tốt, hihi… Nó có thể sánh với khu ‘thiên đường trên trần thế’ là Cửu Trại Câu ở bên Tây Tạng!, riêng LB đánh giá đây là một trong những thiên đường đẹp nhất ở Việt Nam và trên thế giới. 
Ngày 30/1/2014
Bái Đính chiều nay sương tới trời
Lữ khách u buồn, núi chơi vơi
Hãy cho ta với tâm hồn thoáng
Lỡ chốn trần gian, nặng thói đời
*
Trang An nước biếc vào xa đáy
Nước chảy về đâu? đến chỗ nào?
Dáng nàng thơm phức phương trời: khát!
Ướp ngạt hồn ai, rát chiều tà!
(NGLB)
4. Tràng An 'lịch sử'
Thực ra, Tràng An và Bái Đính, có thể nói, cũng là một. Cả 'Khu tâm linh Bái Đính + Khu du lịch sinh thái Tràng An’ này rộng đến 12.000 ha, thuộc địa bàn các huyện Gia Viễn, Nho Quan và tp Ninh Bình.
Thăm khu du lịch sinh thái Tràng An, các cháu thế hệ 9X cho rằng, rất có lợi vì nó sẽ giúp chúng biết thêm chi tiết về 'thuở ban đầu' của lịch sử Việt Nam như: Cố đô Hoa Lư, chuyện Đinh Bộ Lĩnh cở lau tập trận, 12 Sứ quân, 'Giám sát đại tướng quân', 7 vị 'trung thần', các danh tướng như Nguyễn Bặc, Đinh Toàn!, chuyện Trần Thái Tông tu ở Đền Trần!, chuyện 'hậu duệ' của cây thị ngàn năm!...
Những con sông Tràng An ngoằn ngoèo đi thuyền hoài không hết, dẫn vào các hang động bí ẩn (nghe nói, trước kia là những cánh đồng lúa nước, được nạo vét thành những con sông này). 
Trên địa bàn huyện Hoa Lư nơi có nhiều di tích lịch sử văn hoá, danh thắng nổi tiếng. Khối núi đá vôi chiếm gần nửa diện tích phía Tây huyện, tập trung chủ yếu các xã: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải và phần lớn là xã Gia Sinh huyện Gia Viễn. Toàn bộ dải đá vôi có khoảng vài trăm ngọn. Núi phân bố dày đặc, núi nọ xếp liền núi kia, dãy nọ nằm kề dãy kia từ xa xưa đã tồn tại những con đường mòn len lỏi của dân đi rừng, càng về phía Đông núi càng thưa dần tạo nên nhiều thung Karst mà dân địa phương gọi là ‘Thong’ hoặc ‘Áng’ như áng Mương, thong Bái, thung Lang, thung Tối Trong, thung Tối Ngoài, thung Nấu Rượu, thung đền Trần... Trong vùng dự án đã khảo sát và đo vẽ được 31 thung. Dưới chân các núi đá vôi nhiều nơi còn thấy các hàm ếch là dấu tích của biển. Chính vì vậy vùng núi đá vôi Hoa Lư còn được gọi là ‘Hạ Long trên cạn’… Vùng đất ‘linh thiêng’ này được đánh dấu chói lọi những dấu tích để lại như: thời các vua Hùng có đền thờ ‘Quý Minh Đại Vương’ (đền Trần), thờ Cao Sơn Đại Vương (núi chùa Bái Đính), thời Đinh, Lê, Lý (thế kỷ X) hệ thống núi đá, rừng cây, sông hồ, suối đã là ‘quân thành đá’ đã là ‘chiến hào kháng chiến’, đã là ‘trận đồ bát quái’ nào Phủ Đột, Phủ Khống, hang Địa Linh, thung Nấu Rượu, thung đền Trần, thung thuốc, thung Lang, đặc biệt là hai lần chống quân Nguyên đã từng là thủ đô kháng chiến của vua, vương nhà Trần...’ (dulichninhbinh.com.vn) 
Chúng có nước mát lạnh, trong vắt, với các loại rêu chìm trong lòng nước như đuôi chồn, tóc tiên, 'rau răm' (lá giống lá rau răm)..., và các loại động/thực vật trên và hai bên bờ sông như cây si/cây xanh, hoa sen, hoa súng, cây guốt (giống như cây dương xỉ), dê nuôi thả tự do, cá đen (chép!), cá đỏ (nhỏ), cá lòng tong, le le (vịt nước).
Đi thuyền trên sông, người xem thiết nghĩ, ngày xưa, nếu địch tấn công vào đây thì không thể bắt (ai  đó) được vì có vô số hẻm hóc/ngóc ngách bí mật nằm trong các hang động (còn có hầm nấu rượu lậu nữa) mà kéo dài hầu như vô tận, chỉ trừ trường hợp đặc biệt, ví dụ như có nội gián...
...Ở đây có các đặc sản, có thể gọi là 'tứ ngon dê-gà-cá-cơm' (dê núi, gà đồi, canh cá rô, cơm cháy), đặc biệt là món 'cơm cháy Ninh Bình' được chế biến hoàn toàn khác với các địa phương khác và rất... ngon, tuy nhiên, đi bộ cả mấy cây số để tìm một nãi chuối thì... không có. Và ở đây, LB có gom được 2 chuyện:
-Con le le nhỏ như con vịt con, đầu đỏ, bơi nhanh như chớp, lặn rất giỏi và rất khó bắt (suy ra đắt tiền), có lẽ vì thế mà dân gian có câu:
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen
-Ngày xưa có một chàng công tử yêu say đắm một hoa khôi của vùng. Khi chàng đem sính lễ đến cái hang đầu tiên đế cầu hôn nàng thì nàng đã bị đem làm lễ vật triều cống cho nước khác. Vô cùng đau lòng, chàng đến một cái ao để tắm rửa sạch sẽ, rồi đến ở một cái hang khác để khóc 3 ngày 3 đêm. Sau đó, chàng đến cái hang cuối để tự tử...Vì vậy, cái hang mà chàng hỏi cưới được dân gian đặt tên là Hang Sính (sính = sính lễ), cái ao mà chàng tắm là Ao Trai, cái hang mà chàng khóc là Hang Ba Giọt, và cái hang mà chàng tự tử là Hang Si...
Ngày 29-30-31/1/2014
5. Nam Định - ấn tượng sâu sắc
Trên đường từ Ninh Bình (Tràng An), qua Thái Bình (đường 10), rồi Nam Định, về bãi tắm Quất Lâm, LB có đi ngang qua ngôi của Cổ Lễ nổi tiếng: ‘Chùa Cổ Lễ là sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố kiến trúc gô-tích (Gothic) của châu Âu. Đây là một ngôi chùa thờ Phật nhưng lại mang dáng dấp một thánh đường Thiên Chúa giáo (!)… Trước chùa là ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao cao 32m, có 8 mặt, dựng năm 1927. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn... (wikipedia).
Ngoài ra, đứng ở một cánh đồng Giao Thịnh, LB còn thấy ‘Bảo tàng đồng quê’ (thôn Bỉnh Di) mà nghe nói do Thiếu tướng Hoàng Kiền sáng lập. Nhìn từ xa, nó to như một cái cơ quan cấp tỉnh, có 4 tầng, nghe nói được xây dựng với kinh phí trên dưới 10 tỉ đồng, và ‘rồi lòng tốt được nhân lên, mọi người trân trọng tấm lòng thương nhớ quê của vợ chồng Kiền-Khiếu, ai có vật dụng nào của đồng quê, họ gửi cho, biếu, tặng, bán rẻ cho ‘bà đồng nát’ Ngô Thị Khiếu. Kiến đùn lâu cũng nên mà! Đến bây giờ Bảo tàng đồng quê của anh chị đã có hàng vạn hiện vật…’ (Theo Giang Phong, tạp chí Văn nhân Nam Định số 87/2013). LB cũng gom được từ cuốn tạp chí này câu:
Văn vô sơn thủy phi kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài (Khuyết danh)
(Văn chương mà không có cái tầm lớn thì không ai nể phục
Con người phải từng trải mới đáng quý trọng)
Nói chung, ở khu vực huyện Giao Thủy, có một quần thể nhà thờ lớn nhỏ đủ loại từ cấp xứ (nhà thờ xứ) đến cấp thôn/xóm. Lang thang ở đây, hầu như hàng ngày, người ta sẽ trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các cuộc cầu kinh trước bữa ăn, tại đám cưới, đám giỗ, đám tang… ‘Bị’ cầu kinh tại nghĩa địa, đôi khi LB nghĩ hình như tôn giáo là một truyền thống hay tập quán, nhất là đối với thế hệ trẻ, hơn là đức tin…
Ấn tượng mạnh nhất là ở đây, LB có được làm quen với nhà thơ Văn Đuyến (Đinh Đuyến), rồi nhà thơ/nhà soạn nhạc Đinh Lăng (nếu có dịp). Và, LB nhớ lại các kỷ niệm xưa (entry 351):
‘Mô tả về miền Bắc, không thiên về chính trị/tôn giáo, mình vẫn ‘kết’ câu châm ngôn tiếng Anh sau đây: ‘Yesterday is history, tomorrow is mystery and today is present’ (= hôm qua là lịch sử, ngày mai là bí ẩn và hôm nay là món quà) và các câu thơ dân gian sau:
Bể dâu sâu lặng dòng sông thức
Khắc khổ thăng trầm hóa càng cao (Văn Đuyến)
Dường như người miền Bắc có tính cộng đồng ‘nặng’ hơn người miền Nam, trong đó giỗ quảy, lễ hội, đám cưới… là các cơ hội để họp mặt cộng đồng... Có các câu thơ sau đây:
-Đường làng thẳng tắp dọc ngang
Dù quen dù lạ dễ dàng qua nhau, hay:
-Riêng chung gắn với ruộng đồng
Buồn, vui, thiếu, đủ nhờ bông lúa vàng (Văn Đuyến)
-Vườn bao la hương sắc dậy xôn xao
Hoa tìm hoa và lá tìm gặp lá
Hương gặp hương và quả tìm gặp quả
Cả đất trời như rối rít tìm nhau (Khuyết danh)…
…'Có lẽ' một số người có thói quen tư duy chính trị và ứng xử kiểu cung đình khách sáo, ngoài ra, họ phải chiến đấu với các điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt (đặc biệt là năm nào cũng có bão, tường nhà phải xây dày 20cm)… Có các câu thơ sau:
-Trời làm đảo lộn lăng nhăng
Ông hóa ra thằng, thằng lại hóa ông (Ca dao)
-Không biết ngày mai sẽ ra sao
Nhưng dù có sao cũng không sao (Khuyết danh)…
'Có cái khác với Tết miền Nam là ở đây, nhất là đêm giao thừa, có ‘đốt pháo lén’ (kể cả tiếng súng) ầm ầm cả xã, ánh sáng pháo bông Tàu bay đầy trời’ (entry 311) mà ngày mùng một năm nay, mấy người miền Nam ra nói ‘đốt pháo khiếp’ (mặc dù lệnh cấm đốt pháo đã đi đến từng hộ dân), rồi chiều tối ra dạo cánh đồng (dọc theo sông Ngô Đồng/sông Sò xưa), LB nghe người cháu nói đốt pháo nhiều ở các xã Giao Yến, Giao Châu, Giao Phong gì gì đó, và LB thầm nghĩ ‘có lẽ sở thích của người dân đôi khi độc lập với chế độ’, hihi…
À, quên nữa, chương trình 'Gặp nhau cuối năm' hay 'Táo quân về trời' (tối Giao thừa 2014) là đặc biệt hay, có lẽ, hay nhất từ xưa đến nay, ở chỗ phương pháp tiếp cận - có tính triết lý/phản biện cao: Ngọc Hoàng 'giả' xuất hiện, khái niệm và thực tế 'chém gió' ở Thiên đình được thừa nhận, một số ví dụ thực tế được chọn lọc một cách đủ xài, nhưng khái quát hóa được bản chất của các hiện tượng xã hội ngày nay.
...Và ở đây, người dân đang gieo mạ chuẩn bị cho vụ Đông Xuân...
Ngày 3/2/2104
6. Ôi, thời oanh liệt…
Hôm nay, LB khởi hành sớm, đi từ bãi tắm Quất Lâm về hướng Ninh Bình, rồi Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh... Trên đường đi, hầu như không có bóng CAGT. Trên đoạn đường từ Thanh Hóa đến Vinh, có một tai nạn giao thông (không rõ), xe xếp hàng hai đầu dài cả 4-5km, làm xe của LB phải dừng lại/chậm hết 30’…
Tại đường Thăng Long (vào Vinh), LB được một chiếc xe có biển số 'bốn số đuôi giống nhau' đón (hihi...), dẫn đường, rồi đưa về huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ôi, đường từ Vinh/Bến Thủy vào Hà Tĩnh vắng vẻ và cực đẹp, giống y như đường cao tốc ấy, thế mà vẫn thấy mấy đàn bò/con bò qua lại, phân bò/trâu thỉnh thoảng rơi vãi trên đường đi mà xe của LB phải... né tránh, vì vậy, chúng mình gọi nó là ‘đường cao tốc phân bò’, hihi…
Trên đường đi sâu vào vùng quê, LB thấy đền thờ Đặng Dung và Đặng Tất, rồi đền thờ Nguyễn Văn Giai:
Đặng Dung (! - 1414) là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (ngày nay), là con trai cả của Quốc công Đặng Tất…Dưới triều nhà Hồ, ông giúp cha cai quản đất Thuận Hóa. Sau khi quân Minh tiến chiếm nước Việt (khi ấy có quốc hiệu là Đại Ngu), nhà Hồ sụp đổ, Đặng Dung cùng cha tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế)… Tháng 11/1413, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ bắt sống khi đang tìm đường tạm lánh sang Xiêm La để tính kế lâu dài. Vì liên tục lớn tiếng chửi mắng nên Nguyễn Cảnh Dị đã bị Trương Phụ hạ lệnh giết ngay. Còn Đặng Dung cùng Trần Quý Khoáng, Nguyễn Súy và một số tướng lãnh khác bị áp giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Dọc đường, Trần Quý Khoáng nhảy xuống biển tự tử, Đặng Dung cũng lập tức nhảy xuống chết theo (wikipedia).
Nguyễn Văn Giai (1553 - 1628) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, công thần ‘khai quốc’ hời Lê (trung hưng), nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc, ông đồng thời cũng là một nhà thơ (wikipedia).
Chủ chiếc xe này đã chiêu đãi LB một bữa ăn đồng quê rất ngon và một cuộc nói chuyện về các sinh hoạt ở nước ngoài (như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia…) rất thú vị, hihi… Ví dụ như chuyện ông Phạm Nhật Vượng - chủ khu Vinpearl (Hòn Ngọc) và tòa nhà Vincom (mới bán) - tỉ phú đô-la đầu tiên của Việt Nam, anh ta còn làm LB nhớ lại thời còn tổ chức những cuộc Hội thảo ở Khách sạn Bình Minh + bãi biển Thiên Cầm cách đây trên 10 năm, và 
món cháo bồ câu/bồ câu xay - một đặc sản của Hà Tĩnh mà LB không thể nào quên... (Và hôm nay là món chè xanh đậm đặc và món 'khoai lang nướng' tuyệt vời nữa).
...Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!

(còn nữa)
Entry tham khảo:
http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/05/351-tinh-yeu-mien-bac-sac-ep-mien-nam.html

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

512. Ăn Tết ở Việt Nam 4

LTS: Sau ngày ‘cho nghỉ Tết’ của nhà nước, 25/1/2014, vì LB liên tục trên đường đi ra Bắc, nên việc kể chuyện có gián đoạn, các bạn đọc thông cảm nghen.

Mời các bạn theo dõi tiếp nghen. Hồi ký này gồm có: Tết xưa và nay, Ăn Tết ở Việt Nam 1 (chuyến xe bắt đầu), Ăn Tết ở Việt Nam 2 (chuyện hàng ngày ở quê), Ăn Tết ở Việt Nam 3 (tản mạn trong mấy ngày Tết), Ăn Tết ở Việt Nam 4 (những câu chuyện trước khi lên đường)…
Vì sao nàng không biết
Tiên nữ sa bụi trần 
Vì sao nàng lao mãi
Đêm vào chốn thiêu thân
Dâm thần bỗng muốn ái ân
Lỡ chân vấp ngã xuồng tầng Diêm cung 
(NGLB)

ĂN TẾT Ở VIỆT NAM: NHỮNG CÂU CHUYỆN TRƯỚC KHI LÊN ĐƯỜNG
Bài viết này gồm có:
1. Câu chuyện nhà sư
2. Chuyện ‘Thất nhện tinh’
3. Chuyện Tế Điên hòa thượng
4. Ngài hãy… giết ta đi!
5. Sự kỳ lạ của... thượng đế!
Ngày 24/1/2014
1. Câu chuyện nhà sư
LB nói nhà sư, nhưng không phải nhà sư, mà đây chỉ là một nhân vật tượng trưng. Khi nói chuyện với ai, lúc bắt đầu (hay kết thúc), LB thường nói: ‘tôi cứ giả thiết là tôi không biết anh theo đạo nào, hay trường phái chính trị nào, tại vì nếu biết, tôi sẽ bị hạn chế khi nói chuyện, tôi muốn được nói chuyện hoàn toàn… thoải mái’.
…Trên đường đi, LB ghé vào một căn nhà mà: ‘Chuyển mùa, chiều vắng, lạnh căm. Vòng vòng quanh phố, mười năm một lần. Vào ra, chuyện thế trăm năm. Té ra chỉ một chữ tình mà thôi!’ (thơ tặng blogger Nguyễn Xuân Long).
Câu chuyện bắt đầu bằng 4 nhân vật là Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Sa Tăng và Bát Giới, LB đánh giá cao nhất là Trư Bát Giới, LB còn dẫn chứng là, trên thế giới mạng, ở bên Tàu, phụ nữ bình bầu Trư Bát Giới là người đàn ông lý tưởng nhất, tỉ lệ đó là… 90%, hihi…
‘Vì người ta muốn đề cao vai trò của Tôn Ngộ Không nên chỉ xếp Trư Bát Giới như là một vai ‘đệm’ trong 4 thầy trò Đường Tăng và trong các cuộc giao chiến với yêu tinh. Thực ra, với chức vụ là Thiên Bồng nguyên soái, đẹp trai, lãng mạn, đa tình, có 36 phép thần thông, sử dụng một cái cào cỏ 9 răng bằng thép nặng 5048kg, được luyện ở Thiên đình, y chỉ huy một đội quân lớn thiên binh thiên tướng, thậm chí còn giỏi đánh nhau dưới nước, tài năng của lão Trư không kém gì Tôn Ngộ Không…
Trong một cuộc thăm dò trên mạng dành cho các bạn gái với đề tài:
-‘Trong bốn thầy trò Đường Tăng, bạn muốn… lấy ai làm chồng nhất?’. 
Kết quả thật đáng ngạc nhiên: trong 98 người tham gia, không một ai chọn Đường Tăng, số người chọn Tôn Ngộ Không là 10, Sa Tăng là 14 người, còn Trư Bát Giới đứng đầu bảng với số người bầu chọn là 74… 
Vì sao nàng xa quá
Ta như kẻ lãng du
Vì sao nàng thơm quá
Ta bỗng thành gã Trư
Tìm nàng mãi tận cõi hư 
Đêm ta cung thứ khẩy đàn được không
(NGLB)
Trong truyện Tây du ký, chỉ có Trư Bát Giới là thật nhất, ‘người’ nhất, với tư cách là một vị thần ở thiên giới, y đặc biệt có tình yêu của một con người và vô cùng trung thành với bản năng tình yêu vốn có của mình, y xứng đáng với nickname ‘dâm thần’ mà lẽ ra y phải được hậu thế ngưỡng mộ, lý do vô cùng đơn giản - vì trong mỗi chúng ta đều có ít nhiều chất Trư Bát Giới!’ (entry 216 và 217, đường dẫn cho bên dưới).
...Được nghe kể lại chuyện này, 'nhà sư' cười ha hả, rồi nói: 
-Mời anh 2 chén rượu nhé.
Người kể trả lời:
-Đây mới chính là... thiền.
2. Chuyện ‘Thất nhện tinh’
Lại nói về ‘Thất nhện tinh’ - 7 con nhền nhện tinh, đẹp tuyệt vời, mà lão Trư đã sa lưới nhện, chúng là… con người, chúng có bộ phận sinh dục, nên dĩ nhiên là chúng ham muốn tình dục, lão Trư hay chúng ta cũng không… ngoại lệ.
LB mới nói với ‘nhà sư’ rằng:
-Nếu cho tôi, hoặc là ngồi tụng kinh gõ mỏ, hoặc là đi đến với các nàng, thì tôi chọn đến với… các nàng.
LB nói tiếp:
-Tình yêu (hay tình dục) vốn không có tội, ai đã sinh ra nó: ‘thượng đế’, ngài không sáng tạo ra một cái gì đó vô lý cả, rõ ràng rằng ngài sáng tạo ra nó có mục đích, vì chúng ta ‘không thể biết’ ngài, nên chúng ta, có thể, cho nó là xấu, thậm chí cho nó loại dục là nặng nhất trong thất tình lục dục!
Mỗi bước chân em, sen rơi từng đóa
Ta đỡ gót chân, xáo động lòng tà
Hương em rơi xuống, hồn ta rên rỉ
Chẳng biết gì, vội chết cõi thiên thai
(NGLB)
‘Anh hùng nan quá ải mỹ nhân’, tức là anh hùng thì phải ‘chấp hành’ quy luật của tạo hóa, tức là phải ‘sa lưới nhện’, nói rộng hơn là phải ‘sa lưới tình’, nếu không vậy thì không phải là… anh hùng, hihi...Các môn phái nói có vẻ khác nhau, nhưng tựu chung là chữ ‘yêu’, theo mọi nghĩa, có nghĩa là nơi nào có tình yêu, thì nơi đó có sự hiện diện của ‘thượng đế’.
LB mới ra sau vườn, ngắt được 7 cái hoa rau đay, rồi 7 trái ớt, trong chúng hàm chứa những yếu tố ‘âm-dương’, nên những hoa trái này sẽ sản sinh ra những cây rau đay mới, những cây ớt mới, sản sinh ra hoa cỏ mùa xuân:
‘Và mùa xuân biết em, biết em,
đã mang một mối tình.
Wow...wo... biết em, biết em,
thế nên cỏ hoa thật là dễ thương’ (nhạc Bảo Chấn),
...và sản sinh ra (một) cái thế giới cực kỳ diễm ảo, trong đó có chúng ta, đời đời kiếp kiếp…
3. Chuyện Tế Điên hòa thượng
Tế Ðiên Hòa Thượng là một nhân vật có thật và cũng là nhân vật trong tác phẩm văn học dân gian Tàu, kể lại sự tích một vị Thiền sư sống vào đời Tống (khoảng 1150 – 1209)… Cuộc sống của vị Thiền sư này có nhiều điều kỳ bí khác đời và cũng khác với đời sống tu hành của Tăng chúng đương thời. Tính tình ông cuồng phóng, thích rượu, thích thịt chó người đời gọi ông là ‘Tế Ðiên’ (sau này dân gian gọi ông là Tế Công), nhưng ông lại là người rất ‘tỉnh’, từ bi và ưa giúp đời… Tế Điên được mô tả mặc quần áo rách rưới, gầy guộc xương và tay cầm quạt mo. Các thế tượng Tế Điên đều được miêu tả nhân dáng thế này, nhưng thực tế - theo truyền thuyết tay ông còn cầm đùi chó, nhưng trong chùa không tiện thờ những hình dáng thế này. Có khi Tế Điên lại được tạc theo thế tay cầm bình rượu nhưng bị chó cắn gấu quần. Lý giải cho việc tại sao mình ăn thịt chó, theo truyện Tế Điên Hòa Thượng thì ông nói:
Cổ thi Phật Tổ để một phong,
Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng,
Người nay tu miệng, lòng không sửa.
Bần tăng lòng sửa, miệng thì không. (Nguồn: wikipedia)
...Trước năm 1975, chuyện của ông Tế Điên có cụ thể hóa thành truyện bằng tranh cho… con nít xem. Rồi mấy chục năm trôi qua, LB rất ít khi nghe người ta nhắc đến, và đôi khi, LB có xem sơ qua phim ‘Tế Công’ (phim Tàu), nói về một vị La Hán giáng thế, tay cầm quạt, mặt rất hề/luôn luôn cười nghệch ra, thường ra mặt ‘cứu khổ cứu nạn’ cho người dân như Bao Thanh Thiên vậy, nhưng khác ở chỗ là ông có phép thuật và có thể đánh nhau với ma quỷ.
…Tế Điên hòa thượng là Phật mà lại ăn thịt chó. ‘Người kể’ kết luận mới tiếu lâm làm sao:
-Ông Tế Điên ăn thịt chó nhưng không có tâm chó, ngược lại, có nhiều người không ăn thịt chó, nhưng lại có tâm… chó.
Ha.. ha.. ha… Và đây là một câu nói thú vị mà LB nghe được từ ‘nhà sư’ nói trên, chiều hôm qua, 23/1/2014.
Ngày 25/1/2014
4. Ngài hãy… giết ta đi!
Sáng nay, LB đi uống cà phê, bỗng phát hiện ra là Trịnh Công Sơn nói nhiều cái tự nhiên nhưng đúng: ‘Giòng sông trước kia tôi về. Bỗng giờ đây đã khô không ngờ. Lòng tôi có khi mơ hồ. Tưởng mình đang là cơn gió. Về chân núi thăm nấm mồ. Giữa đường trưa có tôi bơ phờ. Chợt tôi thấy thiên thu là một đường không bến bờ’ (Lời thiên thu gọi); rồi LB tình cờ nghe được một khúc nhạc có chữ ‘mùa xuân’ của Ngô Thụy Miên, cũng hay: ‘Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân. Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ. Nhớ tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ. Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ’ (Em còn nhớ mùa xuân)...; rồi có những dòng suy nghĩ như sau:
...Thực ra, không hẳn con người ai cũng muốn… sống như ngài tưởng. Ngài đã tự ý sinh ra con người, cho họ sống một cuộc sống đầy đau khổ và ngắn ngủi, và ‘hứa’ với họ rằng: nếu các người muốn sống nữa thì hãy theo… ta!
Rồi con người, mặc dù nói rằng ngài là đấng ‘không thể biết’, nhưng thông qua phương pháp tiếp cận ‘người mù sờ voi’, chúng liên tục nói rằng chúng… biết về ngài đến 100%, rồi chúng nói như thể là… ngài nói vậy, và xây dựng nên mọi lý thuyết với mọi thứ chân lý mà chúng cho là chính xác như… toán học.
Chúng nói… ‘Biển Đông là của ngài’, nhưng khi cần, chúng sẽ tự biến thành ‘ngài’, hết ngài Đào, ngài Bình, rồi các ngài khác nói rằng ‘Biển Đông là của… tôi’, từ đó, chúng tăng ngân sách quốc phòng, hầm hừ nhau như những con thú dữ với các đôi mắt in hình viên đạn và long lên sòng sọc, chúng đang chuẩn bị tư thế để ăn thịt sống lẫn nhau.
Chúng nói… ‘Syria là của ngài’, nhưng chúng tự biến thành ngài bằng cách xúi giục cho người dân Syria ‘nội chiến’ lẫn nhau để chúng làm… ‘ngư ông đắc lợi’ (cái trò này xưa lắm rồi, vì lịch sử thế giới mấy ngàn năm nay đã chỉ ra rất rõ rồi, cụ thể là mới đây chúng đã xơi tái các ‘ngài’ Saddam Hussein và Gaddafi rồi), và chúng tạo ra cái được gọi là Hội nghị Giơ-ne-vơ, mà đêm trước khi Hội nghị này khai mạc, ngài Ma và ngài Tin đã gọi điện nói chuyện riêng với nhau rồi.
Ngoài ra, chúng xúi giục thiên hạ đánh nhau để chúng… tiêu thụ vũ khí (Mỹ, Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới); chúng rủ nhau ‘khủng bố’ liên miên; chúng tự tạo ra cái thiên đường riêng của chúng (như Bắc Triều Tiên chẳng hạn); chúng tự cho lý thuyết của môn phái của chúng là chính đạo, là đúng; chúng cho rằng chúng biết hết ‘thiền là gì’; chúng không cần biết đến ‘chỉ có vũ trụ là vĩ đại’, mà tự xưng là vĩ đại, thậm chí có người xưng ‘tôi là số một’ hay ‘tôi sống tức là tôi bất tử’; 
chúng đã dựng nên tình yêu của ‘Romeo và Juliet’, ‘Dương Quá và Tiểu Long Nữ’, nhưng chúng lại biến chữ ‘tình’ thành chữ ‘tiền’ hay ‘máu’
...Ngài biết không, nhân loại đã cãi nhau trên 2000 năm mà chả ra cái… chân lý nào, vì toàn là họ nói, chứ có phải là ‘ngài’ nói đâu! Ngài biết không, không phải ai cũng muốn sống, không phải ai cũng muốn bất tử, vì cuộc sống của con người, muôn đời cũng vậy: sinh ra, lớn lên, yêu đương/đau khổ, rồi chết đi, có gì hay ho đâu?
5. Sự kỳ lạ của... thượng đế!
Ngày ấy tôi qua đỉnh vu sơn
Chiều ngát tà dương, ngạt nắng vờn
Thấy em áo trắng tươi cười gió
Bỗng rộn hồn tôi, nắng giận hờn
(NGLB)
LB dùng từ ‘kỳ lạ’, mà không dùng từ ‘kỳ diệu’, ai muốn dùng từ ‘kỳ diệu’ là việc của người ta, phải hôn?
Khoảng 2g chiều nay, LB ghé chợ mua 1 cái áo Đông Xuân. Trước đó, có một cô gái đang mua 1 cái lược tròn (hình trụ, có những cộng chải mềm và xù ra chung quanh như lông nhím, hàng ngoại, giá 40.000đ/cái). LB cũng không để ý lắm, nhưng khi dắt xe ra, LB thấy nàng đang chạy xe đàng trước, cách khoảng 3m, thân hình nàng rất cong (LB không nhìn thấy mặt), nàng mặc một bộ áo quần màu xanh lá cây đậm (áo khoác có màu nhạt hơn), đặc biệt là bên mắt trái có một nốt ruồi nhỏ. Và không hiểu tại sao cả buổi chiều nay, LB cứ nghĩ về nàng-không-biết này và cảm thấy lâng lâng một niềm hạnh phúc nho nhỏ.
Thú thật là LB sống trên đời này có quá nhiều thăng trầm (ups and downs) nên LB không quan tâm đến thượng đế, phật/chúa, chết chóc hay địa ngục gì đó, và thượng đế, nếu có, đối với LB là 'có thể biết'. LB ít chơi với ai, một người đàn ông được LB ngưỡng mộ là: (nếu) anh ta theo đạo Thiên Chúa, nhưng lại không nói đến đạo Thiên Chúa, mà hết lòng ca ngợi cái 'hay' của đạo Phật (hay ngược lại, đối với người theo đạo Phật hay các trường phái triết học khác). 
...‘Nhà sư’ nói trên đã nói:
-Có một chiếc bóng đèn (chân lý), ai cũng muốn đến và có rất nhiều cách để đến với chiếc bóng đèn đó. Có người đi hướng Đông, có người hướng Tây, có người hướng Nam, có người hướng Bắc…, tựu chung là họ đều đi đến cái bóng đèn đó. Do đó, cách tiếp cận chân lý có thể có đến hàng triệu, nhưng chân lý thì chỉ có một.
Và nếu có cả tấn vàng trước mặt thì LB cũng không thèm liếc, liếc làm gì mất thì giờ vô ích, phải hôn? LB cũng vô cùng ‘khó tính’ với phụ nữ, với ý nghĩa là, LB sẽ không bao giờ liếc bất cứ một người phụ nữ nào, chỉ trừ khi người ấy vô cùng cong và có khuôn mặt thật là thanh tú. Nhưng, thú thật nữa là lần này, đối với nàng, LB phải dùng từ ‘tôn trọng’, và hình dung rằng nếu được nói chuyện với nàng thì LB sẽ đối xử với nàng bằng tất cả cái gì tốt đẹp nhất mà mình có thể làm được.
Tất nhiên là LB vĩnh viễn không còn gặp lại nàng nữa…
...Nhưng, chuyện lạ đã xảy ra. Đến khoảng 5g30 chiều, LB mới chạy đi rửa xe, lại có cảm giác thèm ‘chả ram’, nên LB vứt đại chiếc xe vô tiệm rửa xe, rồi lần mò đến quán 'chả ram + bánh xèo'. LB đang ngồi ăn, bỗng có một nàng tiến đến ngồi ở một cái bàn bên cạnh bàn của LB, cách nhau có 20cm, nàng như sau: 
‘mặc một bộ áo quần màu xanh lá cây đậm (áo khoác có màu nhạt hơn), bên mắt trái có một nốt ruồi nhỏ, dáng người vô cùng cong và có khuôn mặt thật là thanh tú’.
Đúng là nàng, đúng 100%. 
LB không nói chuyện với nàng, mà chỉ ngồi im lặng trong 15’, cảm thấy vô cùng hạnh phúc, luôn luôn ngạc nhiên về 2 chữ ‘thượng đế’, và tự hỏi:
-Ta không… khâm phục thượng đế, ta đã muốn… chết, nhưng sao nàng lại đến, ai đưa nàng đến: chính là thượng đế
------------ 
Các entry có liên quan:
http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/06/217-lao-tru-lay-vo.html 
http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/06/216-tru-bat-gioi-si-me-hang-nga.html

(Còn nữa)