Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

50. Vô tình đọc ‘Bài thuyết trình của ĐLNV’


Cuối một buổi chiều nọ, vì chưa rõ ai đã nói ‘nền văn hoá Việt Nam có tính thái âm’, nên hắn đã vào Google và vô tình search ra được ‘Bài thuyết trình của ĐLNV’. Trước hết, hắn không phải là đọc hiểu từng câu, từng chữ hay từng ý của tác giả, hắn lại càng không phải là nhà lý luận hay nhà phê bình văn học, hắn chỉ nói ra sự cảm nhận khi đọc bài phát biểu của tác giả, ghi chép một số ý (bạn đọc có thể đọc toàn bộ bài thuyết trình trên trong Google), không có mục đích tranh luận và chỉ tự đặt câu hỏi với chính mình mà thôi. Mọi sự việc đều có tính chất tương đối, những suy nghĩ dưới đây cũng giống như những gì người ta có thể mạn đàm ở quán cà phê mà không có ý đề cao, đả kích hay phê phán bất kỳ ai. 
Hắn thường xuyên băn khoăn ‘sao ta không có triết học VN?’, ‘sao ta không có rõ ràng một hệ thống ý niệm VN (về nhiều mặt)?’ hay ‘tính duy ngã của người VN!’, … Điều hắn băn khoăn cũng không đến nỗi quá xa lạ.

Đọc ‘Bài thuyết trình của ĐLNV’, hắn có ấn tượng và có một số điểm tâm đắc đối với tác giả. Theo hắn, một cách tổng quát, bài phát biểu hàm chứa chất nghiên cứu, lập luận có lô-gíc, các minh hoạ tương đối có nguồn gốc và bài bản, người phát biểu có phong cách độc lập, và đặc biệt là có một số chính kiến 'đặc dị'.
Điều quan trọng nhất là tác giả đề xuất là phải ‘xây dựng một hệ thống triết lý Việt Nam’ hay ‘có được một hệ thống triết lý cho khát vọng Đại Việt’. Hắn đồng ý với tác giả vì chính hắn cũng không ít khi băn khoăn là, có hay không, một nền triết học VN được xây dựng trên cở sở một hệ thống ý niệm VN thực sự, độc lập, cơ bản và rõ ràng?
Tác giả cũng chỉ ra rằng là ta đã và đang có một nền văn hoá có tính chất ‘thái âm’ do ‘những đặc tính cố hữu của nền văn hoá dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp lúa nước’ cộng thêm ‘những đặc tính văn hoá ngoại lai’, ... Tác giả cũng đề cập đến ‘những rào cản về văn hoá’ gây nên những nghịch lý VN (‘yêu hoà bình nhưng luôn bị chiến tranh’, ‘có điều kiện để phát triển kinh tế đầy đủ nhưng luôn sống trong cảnh khó nghèo và chưa bao giờ thực sự giàu mạnh’) và chỉ ra những nguyên nhân của các nghịch lý đó. Đặc biệt, tác giả rất hay khi đề cập đến việc là VN ‘tiếp thu văn hoá một cách cưỡng ép từ bên ngoài’ như Nho, Lão, Phật giáo đại thừa,…, mà dẫn đến tư tưởng ‘dĩ hoà vi quý’ hay văn hóa Pháp và văn hoá Mỹ trước đây đã ‘mang lại sự chia rẽ sâu sắc trong lòng dân tộc Việt’, …
Hơn nữa, tác giả còn giới thiệu 5 tính cách chính của người VN, đó là tính tổng hợp, tính cộng đồng, tính linh hoạt, tính hài hoà và tính thiên về âm tính, và đã chỉ ra mặt tích cực và tiêu cực của mỗi tính cách (hệ quả và hậu quả), ...
Trong bài thuyết trình có một số lời phát biểu có tính chất đặc dị, xin được trích ra ở đây:
- ‘Chính do chúng ta không ý thức được hoặc ý thức chưa đầy đủ sự cam go và khốc liệt ở những cuộc chiến thời “bình” để rồi cũng chưa có được một tinh thần, một quyết sách giữ nước đúng đắn và lâu bền nên chúng ta luôn luôn phải đổ máu trong những cuộc chiến tranh giữ nước’
- ‘Nếu chúng ta không chiến thắng trong cuộc chiến này (cuộc chiến thời bình) thì bắt buộc chúng ta và con cháu chúng ta sẽ lại phải đổ máu để chiến đấu trong cuộc chiến quân sự’
- ‘Chúng ta nhìn tất cả các vấn đề trên ở mặt tích cực để có thể tận dụng mâu thuẫn giữa các cường quốc mà tạo ra một chỗ đứng, một con đường thích hợp cho chúng ta; chúng ta có thể đứng trên vai những người khổng lồ và từ đó cũng có thể trở thành một người không lồ’  
- ‘Có đặc tính cần phải sửa nhiều như đặc tính thiên về âm tính (xem bài thuyết trình)’
- ‘Chúng ta … tiếp tục cụ thể văn hóa đó thành văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử, thành hoài bão, mục tiêu, thành lý tưởng sống cho giới trẻ’
- ‘Sao cho mỗi người Việt Nam chúng ta khi đứng trước các dân tộc khác trên thế giới đều có thể tự hào mà nói rằng “Tôi là người Việt Nam ”, ...
…Tất nhiên đây chỉ là một số ghi nhận trước mắt của hắn về bài phát biểu này (vào năm 2005), hắn cần phải có nhiều thời gian để suy nghĩ sâu hơn và đây sẽ là một ‘long story’. Hắn tự đặt ra cho mình một số thắc mắc:
- Có phải đây là một đề xuất ‘chỉ với tính cách là đề xuất’, nếu đề xuất thì đề xuất cho ai, đặc biệt là đề xuất này có từ năm 2005, vậy cho đến nay đã thay đổi được gì, tại sao? Liệu rằng một đề xuất như vậy có hiệu lực sớm không hay phải chờ đợi, và nếu chờ đợi thì phải chờ đợi đến khi nào? Một ví dụ, không hàm ý phê phán, là ngày xưa, chúng ta đã có sự kiện Chu Ăn An, Nguyễn Trường Tộ, …, nếu các ông ấy đã đề xuất được thì không còn là sự kiện lịch sử nữa. Vả lại, các giải pháp và việc thực hiện cho các đề xuất có lý nào đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện lịch sử-xã hội mà quá phức tạp, có quá nhiều ràng buộc và vượt xa ngưỡng của ý niệm cá nhân, nếu thực hiện được thì người ta đã làm rồi, nên không phải bất cứ đề xuất nào đúng thì cũng sẽ được giải quyết  trong một thời gian ngắn.
- Tính chất ‘thái âm’ của nền văn hóa VN, theo tác giả, là do quá tự nhiên trình lịch sử mà ra, thật ra là một tính chất cội rễ mang tính truyền thống, liệu rằng việc cải tạo tính chất này có khả thi hay không, hay liệu rằng, vì trong âm có dương, một giải pháp ‘sống chung với lũ’ nhiều khi lại có tính tích cực?
- Nói đến ‘giáo dục và đào tạo’, giả sử, giả sử thôi, nếu tồn tại một nền giáo dục nào đó mang nặng tính hình thức, ‘hàn lâm’ và kém chất lượng/chưa đạt chuẩn quốc tế thì liệu rằng nền giáo dục đó có kham nổi một giải pháp và hành động để vượt qua ‘những điểm yếu (về văn hoá) cần phải cải sửa’ hay ‘các kiến thức về lịch sử và văn hóa dân tộc phải luôn có trong công tác giáo dục’ hay ‘chuyển tải được các tinh hoa của dân tộc kết hợp hài hòa với các tinh hoa của thời đại, của thế giới’ không?
- ‘Dân tộc Việt ngàn đời nay thiếu một khát vọng Đại Việt mạnh mẽ’(!!). Khi nào ‘dân tộc Việt trở nên giàu mạnh và vĩnh viễn thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi nghèo đói’?  
- Tương tự, ‘dân tộc Việt ngàn đời nay thiếu một khát vọng Đại Việt mạnh mẽ’ (!!)
- ‘McNamara đã phải công nhận rằng sở dĩ Hoa Kỳ thua VN là vì thua nền văn hóa dân tộc Việt’ (!!).
Ông ta đã chỉ ra 11 sai lầm cơ bản của Mỹ là: ‘1. Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá sai khi đó (và từ đó đến nay) những chủ đích địa chính trị của các đối thủ... và chúng ta đã phóng đại những mối nguy hại từ hành động của họ đối với nước Mỹ. 2. Chúng ta xem xét nhân dân và lãnh đạo của miền Nam Việt  Nam chỉ bằng trải nghiệm của chúng ta... Chúng ta đánh giá sai hoàn toàn những lực lượng chính trị trong đất nước đó. 3. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ. 4. Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt  Nam , cũng như về nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ. 5. Chúng ta đã thất bại khi đó (và từ đó đến nay)  trong việc nhận ra những hạn chế của khí tài, lực lượng và học thuyết quân sự công nghệ cao, hiện đại... Chúng ta cũng thất bại trong việc điều chỉnh chiến thuật quân sự của chúng ta cho phù hợp với nhiệm vụ thu phục nhân tâm của người dân thuộc một nền văn hoá hoàn toàn khác biệt. 6. Chúng ta đã thất bại trong việc lôi kéo Quốc hội và nhân dân Mỹ vào cuộc thảo luận toàn diện và cởi mở, tranh luận những điều nên và không nên xung quanh việc đưa quân đội tham chiến trên diện rộng... trước khi chúng ta lên kế hoạch hành động. 7. Sau khi sự việc diễn ra và những sự kiện không như dự đoán khiến chúng ta đi chệch đường lối đã hoạch định... thì chúng ta đã không giải thích đầy đủ những điều đang diễn ra và tại sao chúng ta lại phải làm như đã làm. 8. Chúng ta không chịu thừa nhận rằng kể cả nhân dân lẫn lãnh đạo của chúng ta đều không thông suốt mọi sự. Đánh giá của chúng ta về cái gì là lợi ích tốt nhất của  đất nước và dân tộc khác cần phải được đưa ra sát hạch thông qua bàn luận cởi mở tại những diễn đàn quốc tế. Chúng ta không được Thượng đế ban phát quyền nhào nặn mỗi dân tộc theo hình ảnh của chúng ta hay theo cách mà chúng ta lựa chọn. 9. Chúng ta không tuân thủ nguyên tắc về việc hành động quân sự của Mỹ, chỉ nên được thực thi trong sự phối hợp với lực lượng đa quốc gia được cộng đồng quốc tế ủng hộ hoàn toàn (về thực chất, chứ không chỉ nhìn từ bên ngoài). 10. Chúng ta đã không chịu thừa nhận rằng trong các vấn đề quốc tế, cũng như trong các lĩnh vực khác của đời sống, có thể có những vấn đề không tìm được giải pháp tức thời... Đôi khi chúng ta phải sống trong một thế giới không hoàn hảo, không ngăn nắp. 11. Những sai sót căn bản trên khiến chúng ta không tổ chức được bộ máy chóp bu của chính quyền hành pháp trong việc xử lý hữu hiệu tổng thể những vấn đề chính trị và quân sự bất thường. (theo tuyensinh.dantri.com.vn).
 - ‘Chưa bao giờ các cá nhân lại có quyền tự do để phát triển như bây giờ’ (!!)
- ‘Xây dựng một nền văn hóa mới dựa trên khát vọng Đại Việt làm nền tảng cho sự phát triển giàu mạnh và lâu bền cho dân tộc về mọi mặt, đủ làm cho các thế lực khác phải kiêng dè’ (!!)
- Ta thường lây văn hóa Tàu cái chữ ‘đại’, tiền thì gọi là ‘đại tệ’, áo thì gọi là ‘đại cán’, súng ống thì gọi là ‘đại liên’ hay đại bác’, tín thì gọi là ‘đại tín’, cầu thủ bóng đá nổi tiếng thề giới thì gọi là ‘cầu thỉ vĩ đại’, … Thật ra, ‘Đại Việt’ là một quốc hiệu có tính lịch sử và chắc chắn là xứng đáng được nhân dân tôn thờ. (Đại Cồ Việt là quốc hiệu do Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968 và vua Lý Thánh Tông đổi tên là Đại Việt năm 1054 (tồn tại đến 1804, gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ). Tên ‘Việt Nam’ có thể có từ cuối thế kỷ 14. Đến 1804, vua Gia Long đặt tên nước ta là Việt Nam). Nhưng vào thời buổi mà ta đang phấn đấu để có ‘đẳng cấp quốc tế’ hiện nay, thiển nghĩ, thì sử dụng chữ ‘đại’ thái quá thì có khả năng làm cho thế hệ trẻ mơ hồ về ‘tầm cỡ’ của chữ ‘đại’. Thiết nghĩ, câu ‘xây dựng một vền văn hóa VN đậm đà bản sắc dân tộc’ cũng đầy đủ ý nghĩa rồi!

Đã có một nền văn minh ‘Hy Lạp - La Mã’ đầy tinh hoa, đã có một nền văn hóa ‘Nguyên Mông’ suýt thống trị gần hết thế giới, đã có một nền văn hóa ‘Mãn Thanh’ đáng khâm phục, nhưng Vương quốc Hy Lạp đi về đâu, Đế quốc La Mã đi về đâu, Đế quốc Mông Cổ đi về đâu, triều đại Mãn Thanh với ‘Vị hoàng đế cuối cùng’ đi về đâu?, ...  
…Tiêu Phong (trong truyện ‘Thiên long bát bộ), một hình tượng 'cao cả' do Kim Dung xây dựng, một con người ‘bình thường’ và thường xuyên có có khả năng đề ra những giải pháp và hành động thực tế, nhưng khi đứng trước một thế giới đa cực và đầy rẫy những mâu thuẫn, cuối cùng ông ta cũng phải bị bế tắc và tự xử để đạt được ‘khát vọng của tự do’, cách giải quyết vấn đề mang tính lịch sử và cá nhân của Tiêu Phong hiện nay chưa có bút mực nào lột tả hết.
Phải chăng xưa nay, lịch sử có cách giải quyết vấn đề riêng của nó mà không phụ thuộc vào ý thức của con người (xin xem tiếp bài 'Con người và vĩ nhân'), và do đó không giống như những gì mà con người tưởng tượng nó sẽ là!

(9g11, tối ngày 31/8/2011)

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

48. May rủi và cuộc đời


Giả sử hắn có một cuộc phỏng vấn việc làm, hắn sẽ trả lời như dưới đây. Ai mà tin vào sự may rủi, đặc biệt là mấy ông thầy dạy người ta làm thế nào để thành công, đặc biệt hơn nữa là làm sao mà hắn chỉ người ta cách nào để tránh thất bại? Còn ai lại tin thầy bói, nhưng sau này nghiệm lại nếu thầy bói đoán đúng mười mươi thì làm sao nhỉ?
Có người đã phỏng vấn hắn ở một quán cà phê nọ. Hắn nói: ‘Bạn ạ, những điều tôi kể ra đây, chắc bạn không tin, nhưng nó vốn là sự thật’. Rồi hắn lần lượt kể ra như sau:
“Có một lần tôi đã gởi đi 4 cái đơn xin việc chính thức, còn một cái đơn trễ hạn hơn một tháng nên gởi cho vui thôi: để thực tập tiếng Anh. Thế mà 4 cái đơn xin việc chính thức này một đi không trở lại (biệt vô âm tín). Còn cái đơn gởi cho vui với niềm không hy vọng thì bỗng nhiên một thời gian không lâu sau, có điện thoại và hợp đồng được fax tới tận bưu điện, nơi con đường mà tôi đang đi dạo, tôi đã có việc làm!
Không lâu sau đó, tôi ngồi uống cà phê ở Bãi Cháy (Hạ Long), bỗng nhiên có một người bước lại, xin xem tướng không lấy tiền, ông ta là một thầy địa lý người Tàu mà xem phong thuỷ cho việc xây dựng nhiều khách sạn ở Hạ Long. Ông ta chỉ hỏi tôi sanh năm mấy thôi, uống một cốc nước trà, nhìn vào mặt tôi, rồi ông ta nói đại để như sau: ‘Anh đừng bao giờ đi xin việc làm, xin sẽ không được, việc làm sẽ tự đến với anh, và …’!!! Dĩ nhiên là tôi không tin, nhưng những gì xảy ra trong cuộc đời tôi vốn là gần đúng như những gì ông ấy nói.
Sau đó, tôi có đi ăn trưa với một người bạn trai ở Hà Nội. Khi ăn trưa, kế bên bàn của chúng tôi có một cô gái tóc xoăn, là bạn của bạn tôi. Xong bữa ăn, cả 3 đi uống trà, uống trà xong, sắp tạm biệt, bỗng bạn tôi nói thêm một câu: ‘Đây là bạn của anh, sau này có gì em giúp cho nhé’, chấm hết. Thế là, từ một cuộp gặp gỡ ‘vô tình’ cộng thêm một câu nói thêm ‘vô hình’, tôi lại có việc làm nhiều năm tiếp theo.
Tôi không nói thêm những ‘hên xui’ nữa, nói ra bạn sẽ bảo là anh chàng này nói xạo, tôi chỉ trả lời bạn - người phỏng vấn tôi mà thôi. Trong thời gian làm việc, tôi được chế độ đãi ngộ không phải là bằng tiền mà là ‘để làm việc, anh có thể đi bất cứ nơi đâu, dùng bất cứ phương tiện gì và …’.
 Tôi không thể đi tìm và nhận làm một công việc mới mà vi phạm tính ‘kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân’, làm cái mà người ta đang không cần hay không có nhu cầu đối với tôi, vả lại tôi cũng già rồi, điên gì mà vẽ nên chuyện mới phức tạp. Mong bạn hiểu và thông cảm, mọi cái đều thuận theo tự nhiên, hãy làm tốt cái hiện tại, chuyện tương lai để chờ đợi thời cơ thuận lợi và từ từ suy nghĩ kỹ rồi tính”.
Kể đến đây thôi, nhiều lúc hắn nhớ lại là ông Ê-đi-sơn có nói đại khái là ‘Sự thành công của mỗi người thì 99% là do cần cù, còn 1% là do thông minh mà thôi’. Đúng, hắn có cần cù, chắc là hắn có chút ít thông minh, nhưng cái mà hắn ‘có’ được lại không phải là từ 2 yếu tố trên. Hắn cũng không thể giải thích ra làm sao, vì chính hắn cũng không hiểu.
Nói như siêu hình, ai mà tin, những sự kiện trên chỉ là một ngoại lệ, mà rất ngoại lệ nữa. Hắn tạm giải thích một cách ‘duy vật’ cho cái mà hắn ‘có’ được vì hắn áp dụng cái mà ‘luôn bắm chắc vào mục tiêu tổng thể’ sau đây, mà hắn cảm thấy có lý lắm bạn ạ.
Thường con người làm việc thì phải xuất phát từ một yếu tổ tổng quát nhất - mục tiêu tổng thể, từ yếu tố tổng quát đó triển khai ra khoảng 10 yếu tố cụ thể - mục tiêu cụ thể, rồi từ 10 yếu tố cụ thể này triển khai ra khoảng 100 hoạt động cụ thể. Nôm na là thế này: 1 => 10 => 100, cũng không dễ hiểu, bạn hãy lấy bút ra vẽ sơ sơ cái sơ đồ phân rã hạt nhân đấy, nó cũng tương tự như vậy. Thường thì người ta làm việc hay quên tập trung vào yếu tố tổng thể mà loanh quanh ở yếu tố tiểu tiết - hoạt động thứ 100, không hiểu rằng hoạt động thứ 100 này thuộc vào một trong 10 yếu tố cụ thể, mà 10 yếu tố cụ thể này lại thuộc vào 1 yếu tố tổng thể; nếu làm ngược lại, thì cơ may sẽ đến, tưởng như siêu hình nhưng không phải siêu hình.
Khi hắn đang suy nghĩ về việc này, thì có một ông xe ôm tiến lại và liền ngồi xuống tâm sự:  
- ‘Anh ơi, ngày hôm qua có một tai nạn ở ngay đây. Một thằng bạn mượn xe của em, chạy ra đường sáng sớm, gặp một bà già 88 tuổi, đang đi bộ tập thể dục, hắn tông bà ta chấn thương sọ não, đến nổi phải mổ sọ’.
- ‘Trời ơi, thế là tiêu rồi, chắc là không thể sống nổi’.
- ‘Em cũng nghĩ vậy, xui xẻo quá chừng luôn’.
- ‘Anh sợ nhất là trong đường hẽm, lúc đó người ta đi lại chủ quan lắm’, ...
Hắn hơi trầm ngâm suy nghĩ rồi nhảy sang một đề tài khác:
- ‘Ba em cũng già lắm, 100 tuổi rồi mà tai mắt vẫn còn tốt, nhưng 2 chân yếu lắm, đi lại phải có người dìu. Ba em bị đủ thứ bệnh, đó là ‘bệnh già’ anh ạ’, ...
Lại có một ông gần 70 tuổi, đang làm việc, ngồi gần hắn, ông nói:
- ‘Mắt tôi bỗng nhiên thấy mấy cái bóng đen bằng hột đậu phụng, cách mắt chừng mấy cm, chạy qua chạy lại trước mắt tôi’.
- ‘Anh đi khám bác sĩ chưa? Bác sĩ cho rằng anh bị cái gì?’.
- ‘Tôi đã tìm hiểu trên mạng, người ta nói cái đó là bệnh già, nhiều người bị giống như thế lắm’, …
Trời đang vào mùa mưa, mưa đang rơi nặng hạt. Mọi thứ thành công hay may mắn trong đời đều phải trả giá rất đắt, hắn chưa tiện phân tích cái ‘giá phải trả’ này. Và hắn bỗng nghĩ, liệu rằng con người có tin vào yếu tố may mắn hay thời cơ không nhỉ, liệu rằng con người có liên hệ công việc mình đang làm với yếu tố tổng thể không nhỉ, và liệu rằng con người làm việc có liên hệ tới vấn đề tuổi già không nhỉ, nghi ngờ lắm!

9g54, sáng ngày 29/8/2011

47. Trận đánh không có quân


Cũng tức cười ghê, hồi đầu, hắn nghĩ là Trận đánh không quân là chính xác rồi, nhưng như thế người ta lại hiểu lầm, nên phải viết là 'Trận đánh không có quân'. Thế nào là trận đánh không quân, điều này lại được bắt đầu từ cái gọi là sự nói dối.

Thật ra, tất cả những điều hắn nói là thật, thật 100%, nhưng đối với hắn, hắn chưa nói thật. Nhưng không phải là hắn nói dối, mà hắn chưa nói hết sự thật (1), may lắm là hắn mới nói thật 1% thôi. Có nhiều lý do:
Hỏi chứ khi nói chuyện với nhau nơi trà dư tửu lậu, giả sử chỉ có 2 người, thì thế nào đi nữa cũng có ít nhất  một người nghe ta nói chuyện, dù là vô tình hay hữu ý. Bị người khác nghe lén, người ta còn có câu là “tai vách mạch rừng”. Bạn đã từng nghe được chuyện này chuyện nọ từ người khác trong quán cà phê, quán nhậu, trong xe đò? - không thể nói là chưa bao giờ. Chẳng hạn bạn không thể muốn “nói cái gì thì nói” trước công chúng được. Chưa nói đến việc ồn ào cũng làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn. Việc này làm hạn chế tự do khi nói chuyện.
Hỏi chứ khi bạn nói chuyện có nghĩ đến công việc không? Thì người ta uống cà phê hay nhậu nhiều khả năng là để bàn công việc hay dù sao cũng không tránh khỏi nói đến công việc, có ai cấm đâu! Chưa nói đến việc rượu vào lời ra, một bí mật có khả năng cao sẽ bị tiết lộ. Đã muốn nói chuyện “thật lòng” mà còn lo công việc thì làm sao nói hết tâm sự được. Việc này làm hạn chế tự do khi nói chuyện.
Hỏi chứ khi nói chuyện có vấn đề đẳng cấp không? Nghi ngờ nếu bạn nói là không. Trong nói chuyện, có kẻ giàu hơn hoặc giàu hơn rất nhiều so với người khác, người ta nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, thì ít nhất kẻ giàu cũng thường là kẻ mạnh hơn chứ. Trong nói chuyện, có kẻ có chức vụ lớn hơn hoặc lớn hơn rất nhiều so với người khác, người ta có dùng từ “kẻ thấp cổ bé miệng”, thì ít nhất kẻ thảo dân cũng thường là kẻ “bé miệng” hơn chứ. Việc này làm hạn chế tự do khi nói chuyện…
Chỉ cần 3 lý do trên, mà bạn không thể cảm thấy muốn bày tỏ hết tâm sự với người nghe chuyện. Nói đơn giản hơn, khi bạn là người phương Đông và muốn tỏ tình là “anh yêu em” (hay ngược lại) thì bạn nói ở chỗ nào và lúc nào, bạn nghĩ thử xem. Chính vì thế mà bạn không nói hết sự thật, trong cái gọi là triết học thì đó gọi là “sự nói dối” bao gồm: nói dối do không thể nói hết sự thật, nói những lời nói dối vô hại và im lặng cũng là một sự nói dối (theo nghĩa (1), hì..hì..).

Hắn muốn đặt vài câu hỏi nhỏ để bạn tham gia. Vì có tham gia nên bạn hắn hiểu tốt hơn hắn sẽ nói cái gì và như thế hắn đỡ phải “nói dối”. Hắn hỏi rằng:
- Nếu sức khỏe của bạn chỉ còn có 1/10 thì bạn sẽ ra sao? (trả lời tùy)
- Nếu sức khỏe hệ thần kinh của bạn chỉ còn có 1/100 thì bạn sẽ ra sao? (trả lời tùy)
- Nếu “thần” của bạn chỉ còn có 1/1000 thì bạn sẽ ra sao? (trả lời tùy)
Và cuối cùng,
- Nếu sức khỏe thần kinh của một người nào đó chỉ còn có 1/10, sức khỏe hệ thần kinh chỉ còn có 1/100, “thần” chỉ còn có 1/1000 thì người ấy sẽ ra sao? (trả lời tùy)
Hắn đang “nói thật”. Hắn thuộc loại câu hỏi số 4, thật đúng là tồi tệ (hì..hì..). Cũng rất buồn là khi hắn “nói dối” thì người ta tin, còn hắn thực sự muốn nói thật thì làm cho người ta nghi hoặc.
Bạn thử tưởng tượng một người yếu đuối bạc nhược phải chiến đấu với hàng trăm, hàng ngàn người “hùng mạnh” như thế nào? Hắn luôn phải dùng mưu chứ không dùng sức.

Dưới đây, xin nhắc lại là người viết không có ý đi sâu vào tình tiết câu chuyện, mà chỉ ra vài ví dụ về “không có quân”.
Chuyện kể về Khổng Minh và kế không thành. Ông ta dám mở toang cửa thành, ngồi ung dung uống trà và đánh đàn (dĩ nhiên là có người hầu), một đội quân của Tào Tháo kéo đến, thấy thành bỏ không, Tào Tháo vì có tính đa nghi, nghi là Không Minh lập kế lừa mình nên rút quân. Khổng Minh không có quân, không đánh mà đẩy lùi được quân địch. Đây là một ví dụ về trận đánh không quân, thực ra không liên quan lắm đến câu hỏi số 4 nói trên. Khổng Minh rất có “thần”, không phải đơn giản mà danh tiếng ông ấy lừng danh trong lịch sử Tàu. 
Chuyện khác kể rằng Napoléon sau khi vượt ngục khỏi đảo Elba khoảng 1814, một mình tiến đến một doanh trại quân đội có rất nhiều quân với vũ khí trên tay chỉa thẳng vào ông ta. Ông ta hiên ngang tiến thẳng tới, bằng vài lời thuyết phục, đội quân trên đã buông súng (ông ta tiếp tục lên cầm quyền và bị đánh bại trong trận Waterloo vào tháng 06/1815). Y không có quân mà chinh phục được một đội quân. Và y cũng không thuộc loại câu hỏi 4 trên đây. Y không những rất có “thần” mà còn được mệnh danh là có “thần kinh thép” bạn ạ.

Đã lâu rồi không nhớ rõ năm nào, hắn nghe một người bạn nói là “Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”, sau đó thình thoảng hắn nghĩ lại vì thật là thực tế. Nhờ có thần nên người ta mới cúi đầu lạy cây đa, nhờ có cây đa nên mới có chỗ cho thần trú ngụ. Con thỏ yếu đuối mỏng manh mà ngồi trên lưng con cọp mà trở nên hùng mạnh. Newton có những phát kiến vĩ đại là nhờ đứng trên vai những người khổng lồ. Còn ta, thiếu gì cơ hội mà ta đứng bên cạnh bên cạnh cây đa, bên cạnh “con cọp” hay bên cạnh “những người khổng lồ”, …, mà ta không biết chuẩn bị và tận dụng cơ hội đó để đạt được thành công trong công việc. Cũng cần nói rõ là tận dụng cơ hội từ người khác thì hoàn toàn khác với lợi dụng người khác. Cũng cần nói rõ thêm rằng một người không có chuẩn bị tốt thì thời cơ có đến cũng không biết, có biết cũng không tận dụng được và do đó để cho thời cơ qua đi.

Chuyện ngụ ngôn kể về con kiến thành công dưới đây thể hiện một ý để làm được việc lớn, trong hình ảnh một con kiến nhỏ bé mỏng manh.
“Có một con kiến X, bò lên cái thang rất dài. Nó có một bạn thân.
Cứ mỗi lần có chuyện phải “cãi nhau” vì xung đột ý kiến với một con kiến khác, nó liền bỏ qua vì nó không quan tâm đến chuyện cá nhân.
Cứ thế, nó bò vượt qua con kiến 1, rồi con kiến 2, rồi con kiến 3, …, rồi cứ thế và cứ thế nó vượt qua rất nhiều con kiến khác.
Một ngày nọ, nó bỗng nghe các con kiến khác nói là nó đã trèo được lên cao lắm rồi.
Con kiến nhìn xuống dưới thì thấy bạn nó nằm ở bậc thang đầu tiên, đang cãi nhau với một bạn kiến khác.
Nó sực nhớ ra rằng, nó cứ từ từ, túc tắc thế mà đã lên đến gần đỉnh của cái thang. Suy nghĩ một lúc, rồi nó thấy sở dĩ nó thành công được như vậy là vì nó không quan tâm đến cá nhân, ý nói là nó không có thì giờ “cãi nhau” với các con kiến khác.
Còn bạn của nó lại tập trung hết “đầu óc” để cãi nhau với các bạn khác, nên tốn gần hết thời gian, ý chí và năng lượng, đặc biệt là mắt bạn nó bị che khuất mà không biết hướng nào là hướng đi lên, khi muốn bò lên nữa thì sắp hết cuộc đời rồi.
Con kiến bèn khuyên bạn nó nên tập trung hơn nữa trong công việc và nhiều lần nói rằng việc cải thiện bản thân thì không lúc nào là muộn. Bạn nó không hiểu ý, rất giận và đem lòng oán hận X, ý nói là tại sao chê nó là làm ăn dở, chê nó là không thành công.
Rồi sau đó, con kiến X lại quay nhìn xuống, thấy bạn mình vẫn bò quanh quẩn cuối đáy của cái thang. Nó nhìn kỹ, té ra là bạn nó đang “cãi nhau” với một con kiến khác.”
Chuyện kể rằng, ông Newton lúc nhỏ là một người ốm yếu bệnh họan. Vì thế, trong trường, cậu là học sinh nhảy xa kém nhất lớp. Trong một lần thi nhảy xa, biết rõ sở đoản của mình, lợi dụng cơn gió mạnh thổi qua, cậu đã nhảy được rất xa, xa hơn nhiều bạn cùng lớp. Đây chỉ là chuyện kể, dù sao cũng mang tính chất là biết lợi dụng sức mạnh của thiên nhiên kịp thời, kịp lúc

Nói ngăn ngắn vậy thôi, hắn không có đủ thì giờ (hì..hì..). Nếu bạn có hỏi hắn là làm thế nào để thành công, thì hắn không trả lời vì hắn không muốn lụy vào việc xác định đúng-sai bạn ạ. Ngoài ra, bạn nghĩ tức cười không nếu hắn làm việc ngày 24/24 tính từng giây một, mà lúc nào bạn cũng thấy hắn chơi không làm cái gì cả!
Hắn chỉ mời bạn bước vào cánh cổng tạm gọi là mới lạ, khơi lên một ý thức tự-khám-phá nếu bạn thấy mình thành công chưa được như ý, còn vào đó làm cái gì thì tùy bạn.
Bạn hãy hiểu và thông cảm lời tâm sự về “nói thật” này. Nếu thông cảm, bạn hãy trả lời giùm trước khi vội cho kẻ “nói thật” này là tự cao tự đại:
Bạn nghĩ sao, nếu một người hầu như không có hy vọng sống, thiết lập một mục tiêu, vì biết mình vô cùng yếu đuối, đã biết tận dụng thế của người khác và thiên nhiên bằng cách độc lập tự khám phá bản thân, kết quả là cái mà hắn đạt được hơn cái mà hắn muốn, theo bạn thì hắn có thành công hay thất bại? Nhưng có một người nói rất hay là: Cái mà người khác thấy ông A là thành công thì, đối với ông A, ông ấy lại không nghĩ vậy? Cuối cùng, “C'est la vie”, hắn nghe một ông khi bị ốm nói vậy đó! 

11g31, ngày 13/8/2011

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

46. Ba mươi sáu năm sau


Hắn thức dậy sớm, đầu hắn bỗng hiện lên ‘da trời xanh lơ thơ mấy áng mây chiều, mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà nhuộm một màu da cam’, ‘tôi đến một nơi gọi là Từ Liêm, xa xa toàn là núi, ngọn nọ ngọn kia không dứt’, ‘có chiếc lá nhẹ nhàng, khoan khoái, đũa bỡn, múa may dưới làn gió thoảng như bảo rằng sự đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại’. …, là những đọan văn mà hắn học từ lớp 4 hay lớp 5.
Vào một buổi sáng sớm 1965, không hiểu vì sao mẹ hắn kêu cả nhà dậy, vội vã rời nhà, hắn và em hắn chạy lon ton theo mẹ trong khi mẹ hắn gánh 2 đứa em trong 2 cái thúng. Lúc đó, hắn chưa biết sợ là gì, nhưng sau đó hắn biết thế nào là từ ‘bộ đội’, lính’, ‘máy bay F5’, ‘máy bay bà già’, ‘mìn’, ‘tản cư’, … Mấy ngày sau, quay trở lại, hắn nhìn thấy căn nhà đã biến mất, chỉ còn lại nhiều miếng gạch, ngói nằm lung tung đây đó, nhà hắn có 7 sào mà có đến 8 hố bom, có một hố bom còn bốc khói, con chó thân thương đã chết ngắt, cái hầm trú ẩn đã bị mảnh bom làm cho tơi tả, …
Rồi một buổi chiều ngày 9/3/1975, hắn thấy cả bầu trời thị xã dường như im lặng, im lặng kinh khủng đến nổi hắn tưởng như không gian cô đọng lại và cả bầu trời có thể rơi xuống đất. Sáng hôm đó, từng nhóm lính không biết từ đâu rút về ngang qua thị xã, ghé các tiệm cho thuê sách để rút ‘thẻ quân nhân’ mà họ đặt cọc khi thuê sách. Khoảng 3g kém 10, khuya ngày 10/3, bỗng nhiên Cậu hắn gọi cả nhà dậy, vội vã lên ô tô rồi chuyển sang một căn nhà trú ẩn khác. Đến khoảng 4-5 sáng hôm đó, hắn được biết là căn nhà mà cả nhà hắn mới vừa ra khỏi, đã bị quả đạn pháo kích đầu tiên rơi trúng và cháy rụi. Khoảng 7g sáng, mở cửa sắt dòm ra, hắn thấy những con cua bỏ lổm ngổm (xe tăng T54) dọc đường, hắn không biết từ đâu mà chúng xuất hiện nhanh thế. Nằm dưới hầm trú ẩn, hắn đã biết hút điếu thuốc đầu tiên trong đời, đó là thuốc CAPSTAN, lúc đó thân phận con người là quá mong manh, không biết mình sẽ sống hay chết nữa, vài ngày sau hắn cũng biết ăn bữa thịt chó đầu tiên trong đời là do mấy chú bộ đội rủ đi.
Từ đó, cuộc đời hắn đã thay đổi lớn, một cách tính cực mà tác động đến 36 năm sau. Lúc đó, hắn chưa hiểu sự thay đổi này là tích cực đối với người chiến thắng như thế nào và thay đổi tiêu cực đến kẻ chiến bại ra làm sao, đơn giản vì lúc đó hắn chỉ là một học sinh ngây thơ, ngoài việc học ra thì hầu như không biết gì về xã hội bên ngoài.
Hơn một tháng sau đó, hắn trở về thành phố quê hương, nơi đó hắn được tin cậy và được tiến cử làm cán bộ thanh niên. Cùng thời gian này, hắn đã được học Triết học Mác - Lê-nin, người dạy hắn là một cán bộ ‘lớn’, tại nhà riêng của ông ấy, từ đó hắn biết thế nào là triết học và, ngoài ra, biết cách mặc quần ka-ki đáy rộng với một cái áo màu xanh dương nhạt có xẻ ở hai bên hông. Hắn đi học tiếp, đồng thời ăn ngủ trong một số thư viện tỉnh. Hắn cũng biết thế nào là hình tượng ‘Ruồi trâu, ‘Pa-ven’, …, mà một trong những người bạn của hắn được hắn phong là ‘ruồi trâu’…
Rồi, khoảng 1982 hay 1983 gì đó, có một đợt đổi tiền. Trước và sau thời điểm này nhiều năm, có từng nhóm rồi từng nhóm người đi vượt biên. Rất nhiều người đi học tiếng Anh vì công việc/học hành/nghiên cứu hay để phục vụ cho việc vượt biên. Cũng trong thời gian đó, ngoài triết học ‘chính thống’ Mác – Lê-nin, đã sống dậy nhiều dòng triết học (phảng phất) trong các tác phẩm của Kim Dung, Phạm Công Thiện, Gan-đi, Nít-x, Sartre, Heidegger, Krishnamurti, Đốt-tôi-x-ép-x-ki, …. Hình như các sự kiện này có một mối liên quan nào đó thì phải.
Trước 1990, tình hình kinh tế VN có nhiều khó khăn, tiền lương chỉ đủ để ăn sáng, may lắm là có thể mua gạo, đỗ xăng đi làm nếu có xe máy hay sửa xe thôi. Sau 1990, tình hình kinh tế có khởi sắc, tất nhiên là vẫn còn nhiều người nghèo đói nhưng cũng có không ít người làm ăn nên nổi. Lúc đó, nhà nước giảm biên chế và không ít người rời cơ quan để tìm công ăn việc làm riêng cho mình, người ta đổ xô vào tạo thu nhập bằng nhiều hình thức khác nhau, nếu không nhầm, đây cũng là một bước ngoặc không nhỏ về kinh tế-xã hội VN.
Kể từ năm 2000, nền kinh tế VN có thay đổi nhiều, nhiều người giàu lên trông thấy. Người giàu, người thu nhập trung bình kể cả người nghèo dần dần cũng có thể có xe máy, ti vi màu, có cái ‘chít chít’, con cái có điều kiện học đại học, đi xuất khẩu lao đông hay thậm chí đi nước ngoài. Kèm theo đó, sự phân hoá trong xã hội cũng tăng lên, có lẽ do ý thức xã hội chưa cao hay việc quản lý kinh tế chưa đồng bộ, …, mà làm cho mức độ hài lòng của nhiều người có sự chênh lệch lớn và cũng do đó một số lời ra tiếng vào đã phát sinh.
Cũng kèm theo đó, nhiều loại triết học dưới nhiều hình thức khác nhau đã du nhập vào nước ta. Học Anh văn (nôm na là văn bằng tiếng Anh), rồi quản lý kinh tế, các học thuyết về Vật lý, văn học nước ngoài; đọc truyện/xem phim của Kim Dung, Cổ Long, phim Hàn Quốc, phim hình sự/trinh sát từ các kênh HBO, MAX hay Hồng Kông; rồi chuyện nhân quyền, tôn giáo, …, mà không còn nghi ngờ gì nữa, trong đó triết học được lồng ghép và con người có thể tuỳ ý chọn cho mình một hay nhiều triết lý ưa thích, và lúc đó, một số ít người có nghi vấn về có hay chưa, một Triết học hay ý niệm Việt Nam mà ít nhất là phải nhất quán, rõ ràng, có tính thuyết phục và mang bản chất Việt Nam.
Đến nay, con người Việt Nam đa dạng hơn, phức tạp hơn và sống trong một thế giới đa cực hơn và nhiều mâu thuẫn hơn. Dường như việc đề cao đồng tiền đã làm cho sự chọn lựa ‘triết lý’ của mỗi cá nhân là tuỳ ý, nhiều đến nổi không biết thế nào mà lần, tuy nhiên, đây là quyền tự do cá nhân và cũng là vấn đề lịch sử.
Hắn đã có dịp gặp lai ‘Ruồi trâu’, lúc đó y ngồi bên các đại gia và đang cười cười nói nói về các phi vụ làm ăn, hắn không nhìn thấy còn một tí dấu vết ‘ruồi trâu’ nào trong y nữa. Hắn đã có dịp gặp lại “Pa-ven”, y đã trở thành một doanh nhân thành đạt, nhưng khi nói động đến chính trị thì hắn không nghe bất cứ phản hồi nào từ y cả. Hắn đã có dịp gặp lại một ‘Pa-ven’ khác, y đã trở thành một nghệ sĩ khá ‘nổi tiếng’ trên mạng, và hắn cũng thấy y hoàn toàn khác với ‘Pa-ven’ của 1975.
Phải chăng, người VN đã và đang sống rất thực dụng. Trước mắt hắn là cái ti-vi “Sonny”, cái máy điều hoà “Sam Sung’, cái máy laptop ‘Toshiba’, cái điện thoại “Nokia’, xe ‘Wave’, …, còn các thứ khác như giường nằm, ra, gối, đệm, khăn, bàn chải, kem đánh răng, …, mà không dám đoan chắc là không có ‘mác’ tiếng Anh dán/in đâu đó trên các vật kia.
Ngồi trong phòng vắng, nghe tiếng đồng hồ báo thức giục giã, hắn lại phải chuẩn bị đi làm. Đôi khi hắn thấy lòng dạ rối bời, đời người có mấy cái mười năm, không biết khi nào ta lại là ta?

10g40, sáng ngày 26/8/2011

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

45. Ông tiến sĩ kỳ lạ

Hoàng hôn không bao giờ dừng lại
Bóng đêm tồn tại chốn trần ai
Mặc bao đau khổ và u tối
Vẫn vô tình cho đến ban mai

Trước tiên, xin người đọc xem câu chuyện này như là một tâm sự kín và xem nhân vật dưới đây như là một sản phẩm của sự tưởng tượng mà thôi. Thực ra hắn không muốn làm đụng chạm đến người khác dù chỉ là hư cấu. Nhưng làm sao mà hoàn toàn kín được, khi mỗi con người là một tiểu vũ trụ mà người đó có thể đem lại một nét đặc trưng trong cuộc sống này mặc dù y chỉ là một hạt bụi.
Cách đây trên một năm, một hôm ở Hà Nội, hắn đang nằm trong một khách sạn, thì bỗng nhiên có một cú gọi điện thoại của một người cháu:
- “Có chú T muốn đến thăm chú nè!”.
- “Ủa, chú đâu có biết chú T?”.
- “Có, chú T đã gặp chú cách đây 20 năm ở Lai Châu, chú ấy có đến nhà chú rồi, đi với chú S đó”… 
Hỡi trời đất ơi, hắn nhớ lại cách đây 20 năm, quả thật hắn có gặp một người tên khác, khi đó y chỉ là một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Một thời gian lâu sau đó, hắn nghe nói y siêng học lắm, đã thành một tiến sĩ. Bây giờ, y đã trở thành thầy, dạy ở một trường đại học tại Hà Nội và còn đi lang thang giảng dạy ở các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Lào Kay, … Không biết làm sao mà 20 năm sau, y biết hắn ở Sơn La mà tìm!

Câu chuyện tiếp dưới đây không chủ yếu tập trung về T, mà tập trung vào cái đầu của T, một cái đầu kỳ lạ có một không hai. Nói siêu thì không nhất thiết phải là “nhất đẳng”, mặc dù trong lòng hắn thán phục y về trí tuệ, nhưng điều đó không quan trọng. T có vấn đề, y là một người tỉnh táo khi làm thầy hay khi tiếp xúc với người khác vào ban ngày, nhưng là một người ngược lại khi ở một mình hay trong bóng đêm, đó chính mới là điều đáng ghi nhận. Câu chuyện bắt đầu sau đây, hắn chỉ kể tóm tắt thôi.
Tối hôm đó, T bước vào phòng của hắn ở khách sạn. Hắn đã gặp y trong quá khứ nhưng hắn không nhận ra T hiện tại. Sở dĩ hắn nhận ra y là vì được y giới thiệu những ấn tượng xảy ra cách đây 20 năm thôi. Trời đất ơi, hắn thầm nghĩ, y đi từ Hà Nội đến Hòa Bình, Sơn La rồi Điện Biên bằng xe máy mà trên đó có chất cả một gia tài. T sợ đi xe đò vì một lý do riêng. T với khuôn mặt hơi rạng rỡ và háo hức tuôn ra hàng loạt câu :
- “Anh à, em là T nè, anh nhớ không?”.
- ...
- “Em biết sư phụ mà (đùa), ngày xưa em nhìn thấy đống sách kinh khủng của anh là em biết rồi, 20 năm trôi qua chắc anh đã trở thành Giáo chủ rồi”.
- “Trời đất, sao T linh thế, mình là Giáo chủ Ma giáo 31 năm rồi còn gì, hì..hì..”.
- “Em biết anh cái gì cũng đưa vào hệ thống, suy nghĩ và tư tưởng của em cũng không thoát khỏi hệ thống của anh. Vì thế em tìm đến đây để nhờ anh chỉ giáo một số vấn đề mà em không giải nổi. Em cũng biết là anh có thể giúp em, vì anh rất là thông tuệ (đùa)”.
- “Trời đất ơi!”. Hắn thầm nghĩ.
- “Em sẽ kể chuyện em đã cãi nhau với Chúa Jesus, Bác Hồ, Bill Clinton, Mao Trạch Đông, Gan-đi, … , về chuyện vua Thủy Tề, chuyện ăn chay, về luận văn tiến sĩ của em và về tình yêu và tình dục,…”.
Cũng nhắc thêm, là từ T, hắn sau này đã vận dụng một số từ vào quan hệ như “hao tổn nguyên khí”, “cửu ngưỡng, cửu ngưỡng”, “tại hạ, các hạ”, …, lý do là y cũng rất rành về Kim Dung.
Các câu chuyện được lần lượt kể lại dưới đây cộng thêm lời thầm thoại và đối thoại của hắn được viết ngắn gọn, chủ yếu là xem T kỳ lạ như thế nào thôi.
T bắt đầu câu chuyện.
- “Anh à, sau khi tốt nghiệp, em được giữ lại dạy đại học ở Hà Nội. Em ở trong một căn nhà khá đơn sơ. Trong phòng em có rất rất nhiều sách, em đọc suốt ngày, suốt đêm, sách gì em cũng đọc”.
Hắn liền liên tưởng đến hình ảnh chàng sinh viên Các Mác trong một căn phòng đầy sách đang làm luận văn Triết học về Ê-pi-quya, nhưng rất khác T. Hắn đáp lời:
- “Mình hiểu rồi, một người đọc quá nhiều sách, mà sách gì cũng đọc sẽ bị một chứng bệnh hoang tưởng. Nếu bạn  không bỏ ngay thì thế nào cũng sẽ bị sống trong một thế giới cũng có tính người, nhưng rất khác người thường, đối với người khác là bệnh, nhưng đối với chính bạn thì không phải là bệnh. Lời tư vấn của mình là bạn nên bỏ đọc sách vĩnh viễn và thâm nhập vào các hoạt động sống thực trong cuộc sống. ‘Lý thuyết thì màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi’, bạn biết rồi đó”.
- “Thường em bị rơi vào một thế giới, trong đó em, ví dụ, đã cãi nhau với Chúa Jesus cả 2 tiếng đồng hồ luôn, rồi với ông Clinton rất là lâu, …, chỉ trừ một điều là em chưa bao giờ cãi nhau với ông Phật, không biết tại sao ông Phật không bao giờ hiện ra cãi nhau với em”.
- “Cãi nhau được với ông Clinton hay ông Mao,…, thì hẳn là bạn cũng phải có trình độ và trí tuệ uyên bác dù là cãi nhau trong hoang tưởng”.
- “Sau đó, vì biết em có tài, nên vua Thủy Tề bắt em xuống dưới thủy cung làm thư ký. Vì sợ xuống dưới nước, em đã ăn chay mấy năm nay rồi”.
- “Nếu là mình, mình sẽ sẵn sàng ký hợp đồng ngay, đó là một vinh dự vì dễ gì mà được làm thư ký cho vua Thủy Tề. Nếu bạn làm như vậy, thì bạn sẽ không sợ xuống dưới nước nữa và bạn không cần phải ăn chay. ‘Sống đã lấy gì làm vui, chết đã lấy gì làm khổ’, chắc bạn biết rồi”.
Đến đây, hắn thấy T bớt bị kích động, lẳng lặng ngẩm nghĩ, có lẽ y chừng mực nào đó đã chấp nhận chuyện “sắc sắc không không”. Và như vậy thì y phải sợ cái quái gì nữa, cứ xem vua Thủy Tề là bạn đi.   
T tiếp tục câu chuyện thứ hai.
- “Anh à, như đã nói, em đang ăn chay để tránh gặp vua Thủy Tề. Khổ lắm anh ạ, cứ mỗi lần đi dự đám cưới là em phải đem theo một ổ bánh mì”.
- “Ủa, trời ơi bạn đi dự đám cưới mà chỉ ăn một ổ bánh mì, bạn tu khổ hạnh hả?”.
- “Hôm nay em có ý định chuyển sang ăn mặn, anh tư vấn giùm em”
- “Bạn lập tức đi ăn thịt chó đi!”.
- “Ăn thịt chó, tội quá, em đâu có dám thử”.
- “Tế Điên hòa thường là Phật đó, biết không, (biết), ông ta mồm ngậm đùi chó suốt ngày, thế mà ông ta là Phật chính hiệu đó, phật tại tâm chứ không phải tại có ăn thịt chó hay không”.
Nhưng sau đó, hắn không theo dõi T chuyển sang ăn mặn như thế nào, vì y đang làm luận văn tiến sĩ trong mười tháng. Mười tháng đã qua, gần đây hắn có gọi cho y nhưng y nói là vẫn còn tiếp tục làm!
T lại tiếp tục câu chuyện thứ ba.
- “Anh à, số em khổ lắm, em mới là thạc sĩ thôi, lần trước em đã làm xong luận văn tiến sĩ về đề tại A thì bị trục trặc. Suốt đời, bất cứ cái gì em làm được đến 99% thì bị trục trặc, một số phận kỳ lạ đang đeo đuổi em”.
- “Đúng rồi, có một vài người bị số phận “không kiếp”, làm cái gì cũng không được, ta phải tìm một cách khác, bằng “vô chiêu thắng hữu chiêu” hay là làm như “vượt bức tường lửa” đó, thì mới có hy vọng làm được cái mà minh mong muốn và vượt qua được số phận”.
- “Lần này em làm luận văn về đề tài B”.
- “Trời đất, đi cái gì thì đi một cái, làm như thế thì làm sao trở thành nhân tài thực thụ được. Bạn bắt đầu viết luận văn cách đây lâu chưa?”.
- “Mới cách đây mấy tháng, còn mấy tháng nữa”.
- “Đáng lẽ bạn nên bắt đầu viết cách đây mấy năm, bây giờ chỉ cần chỉnh sửa lại và bổ sung những điều sâu sắc hơn và chuẩn bị đối phó với hội đồng phản biện chứ. Như vậy là phương pháp tổ chức công việc của bạn ... , trời đất sinh con người ra sao thì vẫn vậy, tiếc quá, cứ thuận theo tự nhiên mà sống, không biết rồi ai sẽ hạnh phúc hơn ai. Mà bạn làm luận văn tiến sĩ để làm gì, có lợi cho ai, áp dụng được gì vào thực tế? Cái lý thuyết của bạn hình như ít có ứng dụng trong thực tế. Vả lại, bạn thành tiến sĩ để làm gì, thu nhập có tăng bao nhiêu đâu, người đời có tôn trọng thêm bao nhiêu đâu, người ta tôn trọng anh chủ yếu là tôn trọng cái đầu của anh thôi, có một số chuyên gia lâu năm giỏi như tiến sĩ đó. Thôi, bạn đã chọn con đường đi của mình thì hãy cố làm xong cái luận văn, khi thành tiến sĩ rồi thì hãy quên đi, chớ có lụy chữ nghĩa. ‘Ta là cát bụi thì sẽ trở về với cát bụi’ mà”.
- “Thì em phải dành hết thời gian để hoàn thành ước mơ của em, anh à. Còn chuyện gì tính sau”.
T chuyển sang câu chuyện thứ tư.
- “Anh à, em đã gần tuổi tri thiên mệnh mà em không biết yêu là cái gì hết”.
- “Em có còn thích đàn bà không?”.
- “Có, em có ít bạn gái lắm, cho đến nay em có 1-2 mối tình gì đó, người thứ nhất theo đạo Thiên chúa. Em không thích đạo Thiên chúa, vì thế 2 đứa không đến với nhau được”.
- “Tại sao bạn lại không thích đạo Thiên chúa, vấn đề quan trọng là ở tâm con người. Nếu có tâm thiện thì thuộc về đạo, nếu có tâm xấu thì thuộc về ma. Nếu người theo đạo Phật có tâm tốt và người theo đạo Thiên chúa có tâm tốt, thời buổi này thì có thể lấy nhau. Bạn hãy suy nghĩ lại, chắc bạn quá cực đoan rồi đấy”.
- “Anh à, em không muốn lấy vợ”.
- “My God! Em có còn cảm hứng không?”.
- “Có, em không lấy vợ được vì em kỳ lắm, bạn đêm em thường có những giấc mơ ghê lắm và lên cơn mộng du nguy hiểm mà khó kiềm chế được. Sau này em có quen một cô giáo rất đẹp và chưa có chồng. Em và cô ấy thích nhau, nhưng em không có thì giờ để  theo đuổi cô ấy”.
- “Trời đất, không có thì giờ tán gái. Tình dục đực cái là một tuyệt tác của Thượng đế, nếu không có nó thì làm gì có bạn, nó là mẹ của cái luận văn tiến sĩ của bạn đó và vì thế nó quan trọng hơn cái luận văn đó nhiều”.
- “Em hiểu, nhưng em hiếm khi có cảm hứng lắm, em chỉ nghiên cứu suốt ngày thôi, chắc là em đã lầm, cuối cùng ta cũng sẽ tiến về con số không thôi, em sẽ nghĩ lại”.
Một hôm khác, T tìm đến khách sạn khác ở Lai Châu gặp hắn. Trong khách sạn có một cô tiếp tân. T cũng sáng mắt lên vì cô ấy huống gì là hắn - kẻ rất ngưỡng mộ tuyệt tác của tự nhiên. Cô ấy da trắng, người vừa phải, thân hình mẩy, mắt sáng, mặt tươi, môi cười, ăn mặc đủ đẹp, giản dị và gọn gàng, đặc biệt các đường cong làm đàn ông bị thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. T bỗng dưng kêu lên “Ôi! em hạnh phúc quá, thấy đàn bà mà em ham muốn là em vô cùng hạnh phúc, anh giúp em nhé, anh giới thiệu cô ấy cho em nhé”. Hắn thử lò dò giới thiệu, nhưng kết quả ngược lại, một là cô ấy đã có người yêu rồi, hai là làn da mặt cô ấy có cái vẻ gì “đơ đơ” ngược với đôi mắt sáng có vẻ thông minh của cô ấy. Thế rồi mọi chuyện qua đi, cô ấy vẫn còn đó, T vẫn còn đó, nhưng mỗi người một phương trời mà không có phần giao.

Hắn viết nhiều quá rồi, một gã có trí tuệ nhiều, đa dạng và phức tạp, một số phận không-kiếp, một con người tỉnh táo dưới ánh mặt trời và không tỉnh táo trong bóng đêm, một sinh linh đã và đang xuất hiện, y sẽ là một tiến sĩ trong tương lai gần, y sẽ 'tiến về con số không', rồi y sẽ biến mất vào cái vũ trụ vô tình này, một nhân vật kỳ lạ đối với hắn sẽ hết tồn tại và trở về với cát bụi, thế thôi.
Ngày 25/8/2011

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

44. Vui sướng và buồn khổ


Vui sướng và buồn khổ thì ai cũng đã có lần trải qua.
Tuy vui và sướng nhiều khi đứng liền nhau, nhưng chúng có khác nhau, vui thì chưa hẳn là sướng, mà sướng thì chưa hẳn là đã vui. Ví dụ ta uống một ly cà phê ngon thì ta sướng, nhưng chưa chắc đã vui, hay ta nghe ai nói một lời xin lỗi thì vui lòng hả dạ nhưng chưa chắc đã sướng. Chuyện ‘Tái ông mất ngựa’ cũng một phần nào đó phản ánh chuyện này. Đời người rất đa dạng, có người vui nhiều hơn là buồn, có người buồn hoài, có người sướng thái quá, có người đau khổ liên miên không dứt.
Tương tự, buồn khác với khổ. Buồn thì chưa chắc đã khổ, khổ thì hơn buồn nhiều, còn đau khổ thì quả thật là kinh khủng, nói nôm na là bị ‘từ bị thương cho tới chết’. Khi đóng phim, người ta diễn cảm cái vui, sướng, buồn hay khổ, có thể nói là không khó lắm, nhưng để diễn cảm sự đau khổ thì rất rất khó.
Một chiều nọ, hắn bước ra khỏi cửa, gặp một ông lái xe. Ông này, suốt ngày, trừ trong lúc lái xe, thì tập trung vào nghe nhạc hay đọc tin tức trên mạng, đọc đến nổi đam mê luôn, có người đi ngang qua cũng không biết. Ông ta là người sướng bạn ạ, có ước ao cũng khó được.
Lại có một cậu sinh viên, cứ hễ bị người ta la mắng hay phê bình, thì có lúc cậu ấy cũng phản ứng quyết liệt, nhưng khoảng 1-2 giờ sau đó thì cậu ấy quên hết chuyện đã xảy ra. Có một lần hắn hỏi cậu ta:
- ‘Chiều nay, dì cháu mắng, cháu thấy đúng hay sai?’.
- ‘Dạ, cháu cũng không nhớ nữa, thôi đừng nhắc đến nữa’.
Hắn hơi bị giật mình, ước gì ta cũng có được một ‘đức tính’ như vậy. Không biết sau này cậu ấy sẽ giàu hay thành công hay không, nhưng đoan chắc là cậu ấy sẽ không đau khổ.
Có một phụ nữ nọ, hắn thấy lúc nào cũng vui hết, lần nào cũng vậy, ai gọi thì ra gặp, cười nói rất lâu, nét mặt lại lộ vẻ thản nhiên hay hớn hở. Thấy cô ấy lúc nào cũng vui, hắn bèn hỏi:
- ‘Tại sao em làm được vậy?’.
- ‘Lúc nào em cũng vui, buồn làm gì cho mệt, chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, buồn có giải quyết được vấn đề gì đâu’.
Hắn rất ngạc nhiên, cô này không đọc sách của Dale Carnegie mà tự nhiên làm đúng hơn những gì ông ấy đã dạy, sự đời đôi khi cũng thú vị!
Một buổi chiều nọ, có một cô gái, ngồi nghe nhạc Uyên Linh và chuẩn bị tự tử, cô ấy tâm sự với hắn qua nhắn tin, hắn đã cứu cô ấy qua phương pháp ‘ngạo’ sau đây:
- ‘Em có một ly thuốc độc’.
- ‘Một ly ít quá, em phải uống thêm vài ly nữa’.
- ‘Hả, anh không cứu em thì thôi, lại còn xúi dục em mau chết nữa!’.
- ‘Chết càng nhanh càng tốt, người mà biết nghe nhạc và cảm thụ nhạc mà đòi chết thì không đáng sống rồi’.
- ‘Có con ma, nó đến bắt em’.
- ‘Con ma với Diêm Vương ai lớn hơn?’.
- ‘Diêm Vương’.
- ‘Hôm qua Diêm Vương mời anh đi ăn thịt chó, không những từ chối mà anh còn đá đít hắn mấy cái’.
- ‘Anh không sợ Diêm Vương à?’.
 -‘Diêm Vương là cái quái gì mà sợ. đã không sợ chết thì còn sợ gì Diêm Vương’.
- ‘À…’.
Khoảng chiều tối, hắn gọi lại, cô ấy vẫn còn sống, sống dài dài và vui vẻ hơn. Hắn gặp cô ấy, nhưng cô ấy không phải là người đau khổ.
Hắn chưa được gặp một người đau khổ thật sự, đau khổ cùng cực. Làm sao để gặp đựoc một người đau khổ cùng cực để xem ra làm sao nhỉ?
Xin phép nói chuyện riêng một tí, hắn thường buồn khổ nhiều hơn vui. Hắn tổng kết thấy nều hắn buồn khổ cả tuần thì mới có được 30 phút vui mà khi đó hắn mới thấy mình được bình thường như những chung quanh. Cứ vui một thì sau đó hắn lại buồn khổ gấp trăm. Không hiểu vì sao cái đau khổ và cái vui ít ỏi cứ xen kẻ đảo lộn trong đầu của hắn, giống như một con người bị nóng lạnh hoài hoài thì thế nào cũng chết, thế mà hắn cứ sống, sống dai như đĩa, không thể hiểu nổi.
Từ đó, hắn tìm cách thoát ra khỏi đau khổ, thế là đủ loại triết học lao vào đầu hắn, theo hắn, triết nào cũng vậy, cũng dẫn đến bế tắc. Một sự việc luôn có 2 mặt, thôi thì ta sử dụng mặt tích cực của nó vây, hắn dùng triết để cải tạo chính mình, nhưng cải tạo thì được ít, hên xui hắn lại được giảng giải triết cho một số người. Cũng may là có ‘Tiến sĩ kỳ lạ’, sau khi tiếp xúc với hắn 30 phút thì hiểu liền, ngoài ra còn có ít đàn ông và nhiều phụ nữ tiếp xúc với hắn cũng cảm nhận được, nhưng vô tình không ghi nhận.
Chu choa, cái ông Lão Tử với ‘tự lượng sức mình’, ông Trang Tử với ‘vô vi’ hay ‘sống lấy đã gì làm vui, chết đã lấy gì làm khổ’ cũng không giúp hắn hết khổ; cái ông M. với ‘Hạnh phúc là đấu tranh’, rồi Kinh Thánh, Kinh Phật cũng không cứu hắn được; ông Nít-x với ‘Thượng đế đã chết’ cũng không được; ông Phật với ‘con hổ, chùm nho và vực thẳm’ cũng không vận dụng được; ông Chúa với ‘Hãy gõ thì sẽ mở cho’ cũng không xong; các ông gì đó với ‘Câu chuyện dòng sông’, ‘Tình yêu cuộc sống’, ‘Hàm cá mập’, ‘Hội chợ phù hoa’, ‘Đoạn đầu đài’, …, cũng không cung cấp cho hắn một lối thoát; rồi ‘Nam mô a di đà phật, nam mô đại từ đại bi Quan thế âm bồ tát’ hay ‘Lạy Chúa’, rồi cái ông vô danh với ‘Tự nhiên nhiên nhiên’ hiện ra như đức Phật trong rừng thông, rồi Phạm Công Thiện, Dale Carnegie, Kim Dung, Cổ Long, Găn-đi, Krishnamurti, phim ảnh, triết lý Tây Tạng, ….  thì vẫn không được. Nhiều nhiều lắm. Hắn phải đi xuống địa ngục, phải xuống tận tầng thứ 19, mặc dù địa ngục có 18 tầng thôi, chỉ có tầng 19 mới chứa được một người như hắn.
Chỉ có hắn mới cứu được hắn thôi. Vì trên đời này nếu ta không tự cứu ta thì khó hy vọng có ai đó cứu ta, ngay cả ông bà đã mất, bà con, người thân trong gia đình, những bạn thân, …, vì ai cũng theo đuổi suy nghĩ, công việc hay mục tiêu của chính mình. Ai đoái hoài tới ta, Chúa?, Phật?, Thượng đế?, …, không có đâu.
Cái đau khổ của người khác cũng làm hắn rất cảm thông và làm cho hắn đau khổ theo, ‘tội nghiệp thay cho người đời hoạn nạn quá nhiều’: anh em nhà kia nghèo khổ, ‘lụỵ’ khổ hay ‘thất bại’ khổ, đàn bà khổ vì thiếu tiền, mắc nợ, chồng bỏ hay con hư, ‘Thuý Kiều’ khổ, ông bảo vệ khổ, ông xe ôm khổ, ‘xếp’ khổ, ông đại gia khổ, ‘Lệnh Hồ Xung’ khổ, ‘Tạ Tốn’ khổ, ‘Papillon’ khổ, … Vì thế mà không ít người đã tâm sự với hắn về cái khổ của họ, ít đàn ông và nhiều phụ nữ hơn, khi gặp hắn, đã trút nổi niềm tâm sự, vì hắn có thể hiểu và chia xẻ cái  khổ của người khác, mặt khác là nhờ đó mà hắn hiểu được chính mình và làm vơi đi nỗi lòng nặng trĩu.
Hắn chợt phát hịện ra từng con người là một tế bào của cuộc sống và có vô vàn tính cách và cuộc đời khác nhau mà tựu trung phản ánh một bức tranh duy nhất – bức tranh con người. Hắn là một con người, con người của khổ đau, nhưng đó cũng là tự nhiên thôi, cứ cắn răng chấp nhận một mình là hết, đau đớn mấy cũng chấp nhận, cuối cùng thế nào hắn cũng chết, chết là hết, chết ngày mai hay chết vài năm sau có gì lạ đâu, không có gì là không có gì, cứ cười ngạo lên cuộc đời, ta vẫn là ta và trái đất vẫn vô tình quay trong vũ trụ.
Tối ngày 23/8/2011

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

43. Viết lách, nỗi lo ngại và bóng đêm


Hắn không nhớ hắn đã viết bài cho blog này từ ngày nào nữa, thực ra muốn nhớ cũng không khó, chỉ cần xem lại khoảng thời gian hắn nằm dưỡng bệnh gần đây thì biết, hình như khoảng 10 ngày thì phải.
Hôm đó, khi bắt đầu có ý nghĩ đăng bài viết, hắn chẳng có file nào trong tay cả, lục lại email đã gởi cũng không thấy, hắn bèn gọi điện thoại nhờ một người bạn thân tìm lại một cái email mà hắn đã gởi cho y cách đây mấy tháng, may quá, vẫn còn. Khi gọi, hắn nói ‘mình có thể mất bất cứ file nào trong đời cũng được, chỉ trừ file ‘Bút ký ý niệm’ thì không thể mất’. Thế rồi, hắn dò lại các bài đã viết lại cách đây khoảng một năm, nhất là tránh đụng chạm đến chính trị.
Khi đăng ký khoảng 30 bài viết, hắn thấy là mình có thể ra đi khỏi thế giới này vì ước vọng của hắn là mấy chục trang này sẽ không mất đi vì nó đã được nằm trong internet và được con của hắn đọc qua (dù chưa đủ tuổi để hiểu). Mặc khác, hắn cũng cảm thấy có một chút không yên tâm vì căn cứ theo tâm lý của con người mà hắn được biết thì, một cách tổng quát, không ai thèm quan tâm đến bài viết của người khác chỉ trừ khi người này nổi tiếng dù hay hay dở, họ chỉ quan tâm đến sản phẩm của mình làm ra, sau này sự thật quả đúng như thế.
Nói cho cùng, triết học/triết lý là gì không phải là mục tiêu của hắn. Hắn bỗng nghĩ ra một cách viết khác mà trong đó triết học/triết lý, theo hắn, tạm xem là sự soi rọi quan điểm và ý niệm của ta vào cuộc sống và từ cuộc sống giúp ta phản ánh lại quan điểm và ý niệm đó của ta một cách thực nhất. Nói đến đây, hắn cũng ngần ngại, vì hắn không thích nhắc đến 2 từ triết học, vì trước đây hắn đã sản sinh ra ý niệm về triết học - nhưng không triết học.
Thế là hắn bắt đầu dựa vào các sự thật để viết như là ‘Câu chuyện bên bờ sông Sài Gòn’, ‘Kỷ niệm Sóc Trăng’, ‘Kỷ niệm Cái Bè', ‘Kỷ niệm Bình Dương’, ... Sau khi viết xong một trong những bài này, hắn có nhắn tin cho bạn hắn mà đã được viết bài và mong có góp ý.
Với ‘Kỷ niệm Cái Bè’, hắn đã nhận được ‘góp ý’ bằng cách được tặng một cái blog ‘thơ văn’ của bạn được viết, ngoài ra có một lời thơ có ý hư vô của một bạn khác. Bạn hắn có gọi điện thoại nói một lời thơ có xen từ tục, nhưng phải thừa nhận là ý thơ rất có ý nghĩa. Bạn hắn là nhà thơ hay họa sĩ có kinh nghiệm lâu năm, do đó họ là các ‘ma đầu’ này biết cách im lặng, tôn trọng bạn và rất tế nhị, hắn nghĩ vậy.
Với ‘Kỷ niệm Sóc Trăng', bạn được viết nói là đã đọc, không có giải thích gì nhiều, đã tìm gặp hắn và tâm sự thêm các chuyện khác như sự cư xử của cha mẹ với con cái, sự quyết định hơi bồng bột của thế hệ 8x, tìm việc làm và nhiều chuyện linh tinh khác. Nói chung, cuộc trao đổi là bình thường và không có gì nghiêm trọng.
Với ‘Kỷ niệm Bình Dương’, hắn đã nhận được một phản ứng phải nói là dữ dội và theo hắn là tiêu cực. Trong bài viết, hắn đã dùng một phương pháp là ‘từ cái tiêu cực nổi lên cái tích cực’, hàm ý khen và động viên người được viết.
Phản ứng trên làm hắn rất rất lo ngại. Hắn không có lời giải thích nào trừ nhắn tin nói là ‘tôi không quan tâm đến chuyện cá nhân’.
Tuy nhiên, hắn lại rất cám ơn, vì từ đó hắn rút kinh nghiệm là nên tránh động chạm đến cá nhân, và do đó, hắn đã xem lại toàn bộ các bài viết thử có động chạm đến cá nhân nào không và chỉnh sửa lại, cũng từ đó hắn đã có thêm một cái ‘kích’ để viết thêm một số bài viết như ‘Ngụ ngôn về con kiến thành công’ hay ‘Tính tích cực của sự bị phê phán’, …, có lẽ dành cho bài giảng triết học thì tốt hơn. Hắn sửa nhiều lần, đến nổi mà hắn nghi ngờ là Google phải ngạc nhiên.
Với 'Kỷ niệm bên bờ sông Sài Gòn', hắn nhận được một lời nhận xét không thú vị lắm và cho rằng bài viết không công chúng hóa được, ban đầu hắn hơi buồn, hắn không có mục tiêu được công chúng hóa, vả lại, công chúng hóa thì có thể ‘sướng’ và làm ta nổi tiếng, nhưng mặt tiêu cực của nó có thể phức tạp hơn.
Với ‘Ông tiến sĩ  kỳ lạ’, do đã rút kinh nghiệm ở trên, nên hắn hỏi thẳng y là ‘xin phép viết về ông nhé’, hắn được sự trả lời tốt không ngờ là ‘em chỉ là con số không mà, anh muốn viết gì thì viết’. Lưu ý là ‘ông tiến sĩ kỳ lạ’ này cũng là phản ánh thực của bản thân hắn và cũng có thể chính là hắn. Cũng từ đó, hắn nhận được sự ủng hộ và sự đồng cảm của y, có thể nói là tuyệt đối, đối với các bài viết của hắn. Y rất thông minh và hắn đã đánh giá không lầm khi thán phục trí tuệ của người-phản-ánh-mình này.
Có vài ý kiến khác cho là hay, (đối với người đã lớn tuổi, hay các người có trí tuệ hay có tính suy nghĩ sâu), ví dụ ông L. thì cho là thú vị, còn cô L. thì cho rằng nên tránh đả kích, thêm tính hài hước vào bài viết, thêm ‘nước mắt’ vào phần kết luận, …
Khi dò lại tất cả các bài viết để loại bỏ những câu từ hay ý tưởng động chạm đến 2 vấn đề là chính trị và cá nhân, chỉnh sửa lại một số tên bài, và ‘khóa’ một vài bài viết mà hơi có một tí dính líu tới 2 vấn đề nói trên, hắn chỉ đăng tải một số bài cho là ‘cho là hay hơn’ bắng cách chuyển qua ô HTML (hắn chưa hiểu), quả nhiên đã được ‘tải’ một số bài (không biết có đúng như vậy không nữa, hắn sẽ học một khóa về thiết kế blog hay website).
Cũng cần lưu ý là các bài viết phải đạt được quan điểm ‘số không’ và khiêm tốn nhưng hắn cũng lồng vào một tí ‘ngạo’ và ‘ăn nói theo kiểu dân gian’, vì hắn nghĩ là vài mươi năm nữa, nếu có người nào đọc thì sẽ nghĩ là vào những năm 2010, một số người viết hay ăn nói thực như thế nào.
Bài viết mà hắn cho là đại diện nhất là bài ‘Vô chiêu’ và bài có cảm giác hào hứng nhất là bài viết về ‘Tiêu Phong và ‘Trường Sa – Hoàng Sa'’.
Hắn đã sửa đi sửa lại đến trăm lần bài viết về Tiêu Phong, vì rất ngại bị đụng chạm về chính trị, đồng thời hắn có hỏi ý kiến của vài người bạn tin cậy nhất, hắn nhận được sự đồng tình và cho rằng bài viết trên chỉ là ‘cảm xúc cá nhân’ hay ‘nghệ sĩ triết học!’ mà thôi. Hắn có gởi email bài viết này cho số ít bạn bè thân quen có tính cách hơi bị sâu sắc chỉ trừ vài người mà hắn cho là có tính cách ngược lại. Sau khỉ gởi đi, hắn cũng có lúc rất ân hận, vì hắn cần người ta biết để làm gì vì theo tâm lý học đã nói ở trên, ít hy vọng là có phản hồi tích cực.
Thật ra, có nhiều khi suy nghĩ, hắn muốn dừng lại ở đây. Vài chục bài như vậy là đủ rôi, chỉ cần chỉnh sửa lại cho có thêm chiều sâu, chắc là quan niệm này là đúng, không loại trừ là có một vài bài mở rộng có thể được viết thêm. Nhiều vật thường có chỗ khuyết, bề mặt thì thường có vết nứt, con người cũng vậy, người viết có gì sơ sót hay vô tình động chạm, kính mong bạn đọc đại xá.
2g44, khuya ngày 22/8/2011

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

42. Cười, ngạo và tính tích cực của sự bị phê phán


Khoảng 1975-1980, hắn có đọc được một câu chuyện, hắn nhớ đại khái như sau: Có một hôm, có một vị thần bảo một người nọ: ‘Ta cho ngươi được quyền lảm chủ tất cả những khoảnh đất nào mà nhà ngươi bước qua kể từ giờ này đến lúc sập mặt trời’. Người ấy bèn dậy thật sớm, cắm đầu cắm cổ chạy, vì lòng tham vô đáy muốn được càng nhiều đất càng tốt, y chạy mãi, chạy mãi, chạy mãi cho đến khi mặt trời lặn, vì chạy quá sức, y ngã đùng ra mà chết. Cuối cùng y chỉ được có ‘3 thước đất’. (Hắn nhớ hình như là chuyện từ Lép-tôn-x-tôi). Hắn không phân tích câu chuyện ấy, hiểu thế nào tùy người đọc. Hắn muốn nói câu chuyện trên đây xuất phát từ cuốn ‘Cái cười của thánh nhân” của Nguyễn Duy Cần, mà nhờ đó hắn liên hệ đến một chuyện khác.
Cười như thế nào và ngạo như thế nào, khi bị phê phán?
Trong một cuốn sách của John Rau với tựa đề ‘Secrets from the search firm files’ (Nhà xuất bản McGraw-Hill, 1997), tạm dịch ý là ‘Làm thế nào để có việc làm và trở thành CEO?”, ông ta có đoạn viết về Tổng thống Bush vì kém trong kỹ năng ‘làm cho người ta hiểu ý mình’ (communication skills, tạm dịch ý) và đo đó không làm cho người dân Mỹ hiểu và hưởng ứng chính sách chính trị của ông ta nên sau chiến dịch ‘Cáo sa mạc”, ông ta đã bị thất bại (rời khỏi Tòa nhà trắng). … Cuốn sách này đã được giảng cho sinh viên, thạc sĩ/tiến sĩ, giám đốc, CBCNV của các hãng dịch vụ cung cấp người làm, các công ty tuyển người, các người xin việc làm, …, trên rất nhiều quốc gia trên thế giới, và được truyền qua Việt Nam mà do dó tôi biết, bạn biết, ở quán cà phê biết, ...
Vấn đề đặt ra là ông Bush có cãi lại không, thậm chí có thì giờ đọc không?
Theo hắn, chắc là không. Tại sao? Theo bạn là tại sao? Và theo hắn, đơn giản, vì như thế ông ta mới thành tổng thống.
Người ta có nói đến sự phê phán, đến thị dục huyễn ngã, … Chúng có vẻ xa lạ nhưng lại bà con rất mật thiết đấy. Bị phê phán thì thị dục huyển ngã của người ta liền xuất hiện dưới nhiều hình thức, dưới đây nêu sơ bộ khoảng 10 từ liên quan đến chữ ‘tôi’:
- y lên tiếng phản ứng mạnh mẽ,
- bảo vệ cái tôi bằng các h này hay cách khác,
- tôi không sai/tôi đúng,
- người bị phê phán liền dùng kính hiển vi soi từng chữ để biết người ta chê mình cái gì,
- thậm chí, y còn chỉ trích lời khen của người phê phán (đôi khi, người phê phán phải có khen mới chê được)
- y nghĩ thậm tệ người phê phán là cái đồ này đồ nọ,
- tôi không ngờ ông là người như thế mà lại nói như thế,
- ông không hiểu tôi, …
Từ đó, y sinh ra lòng oán hận đối với người phê phán mình và có những động thái cực kỳ thụ động. Một cách tự nhiên mà người bị phê phán vô tình thể hiện đó như là một cách phản ứng hay ho của mình.
Có một cách rất mới lạ, theo hắn, hay hơn và hiệu quả hơn nhiều, đó là:
- Trong sự phê phán của người ta, nếu ta có đầu óc ‘phản chứng’ là biết tìm cái đúng từ cái sai, thì ít nhất từ sự phê phán cũng có vài yếu tố tích cực và nó sẽ cho ta kinh nghiệm phê phán hay chịu đựng phê phán để cải thiện một số ý tưởng hay hành động trong của mình.
- Giẫm lên sự phê phán mà tiến thẳng về phía trước.
Hắn nghĩ, ‘giẫm lên sự phê phán mà tiến thẳng về phía trước’ là một động thái tích cực, chỉ có lợi mà thôi, đó là một chiêu thức vô cùng quan trọng để phần nào vượt qua số phận và đi đến thành công. Hắn đã và đang vận dụng lời khuyên này được chút ít rồi, bạn nghĩ thế nào, bạn có vận dụng không?
9g30 sáng, ngày 20/8/2011

41. Tự cãi nhau với ‘Vô Niệm’ về 'Tiêu Phong và Trường Sa - Hoàng Sa'


Nghe về bài viết của anh, em đặt mấy vấn đề với anh. Em tạm nghĩ là anh sẽ trả lời như sau: Trước hết, chắc anh sẽ nói rằng anh không phải là làm chính trị, o.k., anh không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, o.k., không phải là anh đọc hết mọi tin tức viết về Trường Sa – Hoàng Sa, mà anh chỉ đọc đủ cho anh viết thôi, o.k., chắc anh không phải thuộc từng chữ trong tác phẩm của Kim Dung, o.k., chắc anh không quan tâm phân tích hết về ý kiến của các nhân vật chính trị hay liên quan đến chính trị, o.k., anh chỉ quan tâm đến tổng thể của vấn đề chứ không quan tâm đến ‘dấu chấm hay dấu phẩy’ hay quá chi tiết của vấn đề, o.k…
Em tự hỏi và trả lời theo hiểu biết ít ỏi của em như sau:
- Anh nói Tiêu Phong là người bình thường?
+ Tiêu Phong là người bình thường, y mong làm người bình thường mà không được (mong lấy A Châu, nuôi dê, cưỡi ngựa săn bắn trên thảo nguyên, tự do vui vẻ suốt đời). Trong bài của anh, nói Tiêu Phong là người “bình thường” trong ngoặc kép, tức là bình thường có nhiều cách mà bình thường của Tiêu Phong là rất đặc dị...

- O.k... Em cãi anh, nhưng em kết nhất là câu ‘y bình thường đến nỗi người ta, dù là nam hay nữ, nếu không yêu y thì có lẽ không còn ai để yêu nữa’. Em cũng thích việc anh đưa ra từ ‘môi hở răng lạnh’ để ngụ ý, trong trường hợp này, một vấn đề lịch sử mà không luôn luôn là sự thật, …
Nhưng Tiêu Phong là người Khiết Đan mà, đâu có phải là người Trung Quốc?
+ Trong truyện ‘Thiên long bát bộ’, Tiêu Phong là người Khiết Đan. Trong lịch sử Trung Quốc, có một giai đoạn mà có các triều đại liên tiếp ‘Tống-Nguyên-Minh-Thanh’. Nếu không nhầm thì sau khi Chu Nguyên Chương đánh đuổi quân Mông Cổ trở về xứ thảo nguyên của họ, thì lúc đó, Trung Quốc có biên giới giáp Mông Cổ (!), nay họ đã nhập Tây Tạng; trong các truyện liên quan đến triều Thanh, không nghe nhắc đến Vương triều Đại Liêu nữa; cách đây vài năm, Trung Quốc có phim ‘Vương triều Tây Hạ’, có khả năng các vương triều trên là có thực, nay đã đi vào truyền thuyết (điều này Kim Dung rất rõ, vì tác phẩm trên là của ông, anh không định nghiên cứu về Tiêu Phong và Kim Dung, em biết). Vì thế cho nên Tiêu Phong là người Trung Quốc, đặc biệt là, hình tượng Tiêu Phong - được xây dựng bởi Kim Dung – có một tính cách rất Trung Quốc và, có lẽ, kết hợp với nhiều tính cách của nhiều dân tộc khác nhau, và hình tượng Tiêu Phong tuy bình thường nhưng rất vĩ đại (y không mong sự vĩ đại), cao cả và vượt thời gian và không gian.

- Sao anh chọn Tiêu Phong mà không chọn các nhân vật khác?
+ Anh có thể chọn Dương Quá, nhưng như thế, ‘Gia Luật Hồng Cơ’ có thể dễ dàng nói ‘tôi đâu có quan điểm như Dương Quá’. Trong truyện, ông ấy chỉ thở dài ngạc nhiên là ‘không hiểu tại sao Tiêu Phong lại làm như thế’ rồi rút quân về nước và suốt đời không xâm phạm nước Tống nữa. Tương tự như vậy, nếu anh chọn Trương Vô Kỵ. Anh có thể chọn Quách Tĩnh, đúng là Quách Tĩnh cũng bình thường, cao cả và vĩ đại như Tiêu Phong, nhưng Tiêu Phong là một hình tượng có một không hai, y sống trong một thế giới đa cực hơn và nhiều mâu thuẫn hơn, nên y không thể tìm ra một lối thoát khả đáng mà phải tự xử - một cách tự xử mà nhiều nhà bình luận không thể lột tả hết. Vì thế, không có một nhân vật nào có thể đại diện cho một sự phức hợp mà sự giới hạn hay ngưỡng của y tới đâu là không thể xác định (người ta yêu quý y mà không có thể vươn lên tầm cỡ như y).

- Sao anh không lấy Đoàn Dự để đại diện cho phái A mà lấy Hư Trúc? Hư Trúc là người của phái Thiếu Lâm mà?
+ Đoàn Dự là người nước Đại Lý, Gia Luật Hồng Cơ chưa xâm lược Đại Lý (có thể sau khi chinh phục được nước Tống thì y sẽ nuốt luôn Đại Lý) nên không thể chọn Đoàn Dự được. Còn Hư Trúc là người nước Tống - đối lập với nước Liêu. Có một vấn đề là Hư Trúc là đệ tử của phái Thiếu Lâm. Tuy nhiên, thời ‘Tống” trong Thiên long bát bộ, chỉ có phái Thiếu Lâm, Cái Bang, Tinh Tú, Tiêu Dao là phái lớn, còn các phái khác chỉ là phái nhỏ. Cũng vì thời đó chỉ có phái Thiếu Lâm và Cái Bang là ‘thái sơn bắc đẩu’ mà có thể triệu tập anh hùng võ lâm thiên hạ, nên anh đã chọn Thiếu lâm là phái có thể ‘mạnh’ tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến khu vực trong bài viết. Vì thế, anh phải chọn Hư Trúc và hư cấu là ‘Hư trúc SG’ để Hư Trúc không phải là người Thiếu Lâm mà là người của phái A (phái này cho là phái B xử sai) mặc dù Đoàn Dự kết nghĩa với Tiêu Phong trước và có nhiều kỷ niệm sâu đậm hơn. Chuyện phải chọn ra 2 đường Hoàng Sa và Trường Sa (có thật, nhưng tính ‘thật’ ở đây không quan trọng) chỉ dùng để hư cấu câu chuyện mà thôi.

- Lý Quang Diệu nói ‘Trung Quốc là một cực trong đa cực’. Trung Quốc dựng lên khái niệm ‘Lợi ích cốt lõi’ là vì đâu?
+ Các phát biểu của Lý Quang Diệu và một số bài viết trên mạng là rất có giá trị. Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary có vài cụm từ đã trở thành ‘thành ngữ’. Thường khi người ta muốn làm những sự kiện chính trị lớn, người ta phải dựng lên một cái gọi là thuyết hay luận cứ như thuyết ‘hợp tung’ gì đó của Tôn Tẫn thời Chiến quốc, luận cứ ‘chống khủng bố’ hay ‘liên minh/trục ma quỷ’ của Mỹ, ‘lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc, ... Trung Quốc lấy lập luận này làm cớ để có thể tiến hành các hoạt động ‘mạnh’ của mình và đối phó với các nước trong khu vực và, thậm chí, Mỹ.

- Nếu đọc, người Trung Quốc sẽ nghĩ gì về anh? Người VN sẽ nghĩ gì về anh? Anh là một nghệ sĩ triết học!
+ Người VN thì không sao, em là một CB nhà nước, nhưng em thấy hài lòng, vì anh dù sao cũng lộ ý là thiên về VN, vì là người VN nên anh khó mà thể hiện tính ‘trung dung’ như anh đã nói.
Người dân Trung Quốc, theo em, họ đã biết và hiểu chuyện này (vấn đề lịch sử lâu dài và rất ‘nhạy cảm’ giữa Việt Nam và Trung Quốc). Em còn nghe họ nói là Lỗ Tấn đã cứu dân tộc Trung Quốc bằng cách chỉ ra tham vọng thái quá sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào? Tiêu Phong là một con người bình đẳng, y yêu dân tộc mình cũng như các dân tộc khác, chắc rằng y không có ý đả kích phái nào. Y là người không có phân biệt đẳng cấp, y đối xử tôn trọng với các trưởng lão cấp dưới/đệ tử của Cái Bang, uống rượu với Đoàn Dự và sau đó kết nghĩa anh em, …, mặc dù Đoàn Dự lúc đó cũng có thể nói là vô danh tiểu tốt. Ngoài ra, trong bài viết của anh có đề cập đến ‘quy luật của muôn đời’ không những nói về việc cá lớn nuốt cá bé, mà quan trọng hơn nhiều, là ý nói những người ‘vĩ đại’ xua quân đi xâm chiếm các nước khác để rồi cuối cùng quốc gia của y sẽ ra sao và nói riêng chính y sẽ như thế nào? Nghe nói Trung Quốc bây giờ đã trở thành một Trung Quốc khác, em không muốn bình luận ở đây. ‘Gia Luật Hồng Cơ’ chắc là biết hình tượng ‘Tiêu Phong’, và biết đâu đây là lời cảnh tỉnh đối với y. Vấn đề anh đặt ra là hình tượng Tiêu Phong được Trung Quốc xử lý như thế nào trong lịch sử (đối với Việt Nam) và trong bối cảnh hiện nay? 

Câu hỏi cuối cùng có phải là anh hơi có ý đả kích phái B kg? Em hiểu là không, vì em có biết 2 chữ ‘nếu…thì’ là ‘Bàng thái cách’ trong Ngữ pháp tiếng Anh (điều kiện 2) chỉ ra nếu có một điều kiện nào đó thì một việc có thể xảy ra trong tương lai, nếu người ta đọc ‘nếu có…thì’ rồi ‘nếu không…thì’, thì người ta sẽ thấy đây là một giả thiết 2 chiều.
Anh hư cấu như vậy là đúng, theo em biết, có nhiều đã người hư cấu như vậy. Em nghĩ anh là nghệ sĩ triết học, uống cà phê mà nghĩ ra như vậy thôi, ít nhất cho tới nay, có em rất đồng cảm với những gì anh viết.


Người viết: ‘Tiến sĩ kỳ lạ’ - Sáng ngày 21/8/2011