Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

219. Giáng Kiều - tiên nữ sa lưới tình

Trước tiên, tại sao mình không nói Tú Uyên sa lưới tình mà nói Giáng Kiều? Vì Tú Uyên là người phàm, nên chuyện sa lưới tình là hiển nhiên, còn Giáng Kiều là tiên mà sa lưới tình mới là chuyên đáng bàn. 
Yêu em, anh mãi âm thầm
Yêu em, anh nén tình câm trong lòng
Em ơi đừng nói chữ không
Để anh lo lắng mà hồn mẫn mê
Ngồi chờ em uống cà phê
Chờ em chả thấy, thấy tê tái buồn
Mùa hè lại ngỡ mùa đông
Mùa thu sắp đến, bóng hồng ở đâu?
Xuân về vò cánh mai sầu
Bóng em ẩn hiện như sao trên trời
Đừng chê anh nhé, em ơi
Không em, anh thấy chơi vơi, em à!
(NGLB) 

1. ‘Bích Câu kỳ ngộ’ là truyện (tiểu thuyết) có nguyên bản bằng chữ Hán trong tập ‘Truyền kỳ tân phả’ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đó là một câu chuyện truyền kỳ xảy ra dưới thời vua Lê Thánh Tôn (có người cho tác giả là Đặng Trần Côn!, có người nói chuyện xảy ra dưới thời nhà Trần!). Bích Câu có nghĩa là ‘suối biếc’ hay ‘ngòi biếc’, người ta có thói quen gọi là suối Bích Câu (!), trước thuộc làng Yên Trạch, tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Hiện nay, ở phố Cát Linh, gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có tòa ‘Bích Câu đạo quán’ mà người ta đồn rằng được dựng từ ngôi nhà cũ của Tú Uyên!
 

Truyện thơ này có nội dung thuần túy Việt Nam, được dịch ra chữ Nôm vào khoảng năm 1850, dưới thể thơ lục bát, gồm 678 câu. Có nhiều giả thiết về dịch giả của bài thơ này, có người cho là ‘Khuyết danh’, có người cho là của Tú tài Vũ Quốc Trân (sống giữa thế kỷ 19, không rõ năm sinh và năm mất, quê ở Hải Dương, nhưng trước đây sống ở phố Hàng Đào, Hà Nội ngày nay)…

Số là từ nhỏ, mình có được học Cổ văn (thơ văn xưa...), trong đó có truyện thơ ‘Bích Câu kỳ ngộ’, đến bây giờ, mình ít nhiều vẫn còn nhớ mấy đoạn thơ sau:

Thành Tây có cảnh Bích Câu,
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao.
Đua chen thu cúc, xuân đào,
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông.
Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông,
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều.
Một vùng non nước quỳnh giao,
Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa.

(Cảnh Bích Câu - Bích Câu kỳ ngộ)

Mỉa chiều nét ngọc làn hoa.
Cá chìm mặt nước, nhạn sa lưng trời.
Gần xem vẻ mặt thêm tươi,
Mùi hương thoang thoảng thơm rơi ít nhiều.
Làn thu lóng lánh đưa theo,
Não người nhăn chút lông nheo cũng tình.
Vốn mang cái bệnh Trương-sinh,
Gặp người nghiêng nước nghiêng thành biết sao?
Đưa tình một nét sóng đào,
Dẫu lòng sắt đá cũng xiêu, lọ người.

(Sắc đẹp của Giáng Kiều - Bích Câu kỳ ngộ).

Có khi mượn chén rượu đào,
Tiệc mồi chưa cạn, ngọc dao đã đầy.
Hơi men chưa nhấp đã say,
Như xông mùi nhớ, như gây giọng tình.
Có khi ngồi suốt năm canh,
Mõ quyên điểm nguyệt, chuông kềnh nện sương.
Ỏi tai những tiếng đoạn trường,
Lửa tình dễ nguội, sông Tương khôn hàn.
Có đêm ngắm bóng trăng tàn,
Tiếng quyên hót sóm, trận nhàn bay khuya.
Ngổn ngang cảnh nọ tình kia,
Nỗi riêng, riêng biết, dãi dề với ai!
Vui xuân chung cảnh một trời,
Sầu xuân riêng nặng một người tương tư. 
(Tú Uyên tương tư Giáng Kiều - Bích Câu kỳ ngộ)

2. Truyện thơ này có nội dung tóm tắt như sau:
 
Tú Uyên tên là Trần Tú Uyên, là một thư sinh nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, chàng thông minh, học giỏi, có tài làm thơ, tướng mạo thanh cao, thích du sơn ngoạn thủy, vì thấy Bích Câu có phong cảnh đẹp nên dựng lều tranh ở đó để học hành thi cử.

Một hôm, nhân tiết xuân trời đẹp, chàng đi vãn cảnh ở thành Tây. Lúc đó ở chùa Ngọc Hồ (tức chùa bà Ngô ở phố Sinh từ, Hà Nội) có lễ hội lớn (hội Vô-già), rất nhiều nam thanh nữ tú đến viếng chùa, vốn có tính khá phong lưu, chàng không bỏ lỡ cơ hội để ‘ngắm’ người đẹp.

Lang thang ở Bích Câu, lãng vãng ngoài sân chùa, khoan khoái dưới làn gió mát, rạo rực ngắm nhìn trăm hoa đua nở chào đón vũ trụ vạn vật bừng sống trong một ngày mới, bỗng có một một chiếc khăn tay (‘lá hồng’) theo gió lượn lờ bay đến rồi rơi xuống dưới chân, chàng nhặt lên xem thì thấy bên trong có một bài thơ có ý trêu ghẹo chàng. Định làm thơ đối lại thì chàng chợt thấy có một người con gái chừng 18 tuổi, xinh đẹp tuyệt trần, từ cửa tam quan đi ra. Mới nhìn thấy nàng, ‘tiếng sét ái tình’ đã lên tiếng - thần Eros đã bắn một mũi tên xuyên qua trái tim chàng, một sát-na sau đó, tim chàng đã rung động từng hồi. Thấy nàng liếc mắt đưa tình, chàng bèn dõi bước đi theo để làm quen và tán tỉnh nàng, không ngờ đến đình Quảng Văn (nay là chợ Cửa Nam, Hà Nội) thì nàng bỗng nhiên biến mất.


Tiếp tục cầm chiếc khăn thơm phức trên tay, chàng nâng niu hôn hít mà lòng vẫn còn bàng hoàng bởi sắc đẹp diễm kiều và ngất ngây bởi mùi hương lạ… Về nhà, càng ngày chàng càng nhớ thương người đẹp, suốt ngày cứ ngẩn ngơ âu sầu, đến nỗi bị ốm tương tư, bỏ cả ăn uống, bỏ cả đèn sách học hành…

Một hôm chàng chàng đến đền Bạch Mã (nay ở phố Hàng Buồm) xem bói thẻ, rồi tối nằm mơ thấy một vị thần báo mộng bảo chàng ngày mai hãy ra đợi ở Cầu Đông (nay ở phố Hàng Đường) thì sẽ gặp nhân duyên. Chàng nghe lời ra đó đợi đến chiều tối thì thấy có một ông lão bán tranh tố nữ mà người trong tranh giống y đúc nàng thiếu nữ mà chàng đã gặp ở chùa Ngọc Hồ, chàng bèn mua về treo ở thư phòng. Hàng ngày, cứ đến bữa ăn, chàng dọn hai cái chén, hai đôi đũa, mời nàng trong tranh cùng ăn, cùng trò chuyện, đối đãi với nhau như 2 vợ chồng!

Vườn xưa có bóng em xinh
Chẳng hay em có biết tình anh không
Vói tay sờ đóa hoa hồng
Hương thơm thơm ngát, chạnh lòng nhớ em
Nhớ em nhớ dáng cong mềm
Nhớ đôi môi ấy êm đềm chất say
Nhớ màu áo trắng chửa phai
Nhớ đôi chân ấy, gót hài nhẹ buông
(NGLB)

Rồi từ đó lại bắt đầu một chuyện tình, hay nói cách khác, Giáng Kiều đã ‘sa lưới tình’ vô tình giăng bởi Tú Uyên! Lòng thành và mối tình si trong mấy tháng liền của chàng đã làm nàng trên cõi tiên cảm động. Một ngày nọ, về nhà, Tú Uyên bỗng thấy nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, có cơm nóng canh ngọt đã dọn sẵn trên bàn, chàng rất ngạc nhiên không hiểu vì đâu! Chuyện xảy ra trùng hợp nhiều ngày như vậy, chàng sinh nghi bèn giả vờ đi khỏi nhà rồi quay lại, nấp vào một chỗ kín, chàng thấy người đẹp từ trong bức tranh bước ra, trang điểm, dọn cửa dọn nhà, rồi xuống bếp nấu ăn. 

Với tính cách thông minh lanh lẹ sẵn có, lợi dụng lúc nàng đang nấu ăn, chàng bèn lẻn vào nhà, chạy vội đến vồ lấy bức tranh rồi xé nát để nàng không thể biến mất vào bức tranh được nữa! Chàng chào hỏi thì được biết nàng tên là Hà Giáng Kiều, vì có tiền duyên với chàng nên kiếp này nàng vâng lệnh Ngọc Hoàng thượng đế và theo lời thần Bạch Mã, xuống trần cùng chàng kết duyên vợ chồng. Từ đó, Giáng Kiều ở lại làm vợ của chàng.
Thương người thương đến mười mươi
Thương người, người ở phương trời có hay
Dáng nàng tóc xỏa bay bay
Hai vầng trăng khuyết nhô tà áo em
Bỗng đâu hương tỏa êm đềm
Khiến ai mộng được kề bên ngắm trời
Ôm vào khuôn mặt tuyệt vời
Ôm vào hình dáng gọi mời thiên thai
Ôm vào không bỏ em ra
Ôm vào mây tụ, mưa sa địa đàng
(NGLB)

Sau khi lấy được nàng, Tú Uyên được sống những chuỗi ngày hạnh phúc vô biên. Nhưng vì nàng là tiên, nên có điều kiện kinh tế dồi dào, chàng được sống trong nhà cửa sang trọng, có người hầu kẻ hạ… Một thời gian sau, sau khi biết ‘vị đắng đào nguyên’, được ‘cơm no, bò cưỡi’ chán chê, rồi ‘nhàn cư vi bất thiện’…, cái quán tính của đàn ông lại xuất hiện, chàng bỏ bê việc đèn sách học hành và sa vào cờ bạc rượu chè (trai gái), thậm chí về nhà còn chửi mắng đánh đập vợ nữa. Khuyên can mãi không được, Giáng Kiều quá giận bèn bỏ về cõi tiên.
Em ơi, em ỡi, em ời
Em đi đâu mất để trời mây đen
Mưa tình quằn quại cơn ghen
Cỏ may bám áo, mùi quen bám người
Đêm ngày hồn cứ chơi vơi
Tháng năm hồn cứ tơi bời vì yêu
Nhìn mây, mây lướt phiêu diêu
Nhìn trời, trời ngã bóng chiều lã lơi
Tìm em ngày mộng đêm mơ
Một khuya rạo rực... lịm bờ môi em
(NGLB)

Cả tháng trời trôi qua, không thấy bóng nàng, Tú Uyên vô cùng hối hận và sau đó vì tuyệt vọng nên chàng treo cổ tự tử, đúng lúc đó thì nàng lại xuất hiện. Chàng khóc lóc, năn nỉ ỉ ôi, xin lỗi vợ, nàng động lòng tha thứ cho chàng, hai người lại sống với nhau đằm thắm hơn xưa và khoảng một năm sau thì sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Chân Nhi.

Chàng lại tu tỉnh dồi mài kinh sử và mong một ngày kia có tên trên bảng vàng, nhưng sau đó nghe lời nàng, chàng học phép tu tiên. Rồi một hôm, có một đôi hạt đến trước sân, đón hai người về cõi tiên. Giáng Kiều nói với con trai: ‘Con ơi, mẹ vốn là tiên nữ, ba và mẹ có duyên số với nhau, nay đã đến lúc ba mẹ phải về với cõi tiên, con ở lại trần gian cố gắng học hành cho giỏi để nối nghiệp cha ông, rồi một ngày nào ba mẹ sẽ xuống đón con lên cõi tiên đoàn tụ’...



3. Giáng Kiều đã khuyên chàng như sau: 


“Vẫn biết danh vọng ở đời là đáng kể, thói tục cõi trần không nên coi khinh, nhưng con người ta chỉ sống theo sự phối hợp của ngũ hành, thủy, hỏa, mộc, kim, thổ. Cuộc đời sống chết chẳng khác nào bọt đầu ngọn sóng, sương trên ngọn cỏ, có thể tiêu tan trong khoảnh khắc. Với trí thông minh, tài giỏi hơn người, anh cũng chỉ sống trong khoảng năm, sáu mươi năm, hay nhiều lắm thì cũng đến bảy, tám mươi tuổi là cùng. Đời sống con người, dù đến trăm năm phước lộc, giàu sang, cũng chỉ bằng một buổi sáng nhàn hạ ở cõi tiên. Thử hỏi anh hùng, danh tướng người xưa giờ đây đâu tá? Mà lạc thú, khổ đau, xum họp, biệt ly chỉ là những lối thường tình của người đời. Cả quãng đời niên thiếu của anh há chẳng đã dẫm bước vào đấy ư? Vậy tốt hơn là từ hôm nay anh nên xóa bỏ thất tình, rửa sạch dục trần mà ngao du đó đây, buổi sáng trong ba dãy núi, buổi chiều trên chín tầng trời, bạn cùng trăng gió … Phải chăng bổn phận thiêng liêng của người đàn ông là săn sóc cha mẹ? Song thân của anh đều đã khuất núi. Về phần em, em không thiết giàu sang với danh vọng. Sao anh lại định chôn chặt thân mình trong cõi đời khổ ải để giữ lấy một mảnh hình hài diệt vong?" (theo boykute1997qb). 

Sinh ly tử biệt vốn là chuyện ở đời, cuối cùng Tú Uyên theo Giáng Kiều cưỡi hạc lên cõi tiên, còn đứa con trai của hai người ở lại cõi trần, một hậu quả sản sinh ra từ chuyện ‘sa lưới tình’ của Giáng Kiều, và có phải nàng là một tiên nữ biết thưởng thức sự tuyệt vời của điệp khúc ái ân trần thế!

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

218. Thủy Tinh - thiên thu tình hận

Ngàn năm vẫn đợi mỏi mòn
Trăm năm đã thấy chẳng còn bao nhiêu
Mơ hoài không thấy người... yêu
Mộng hoài chỉ thấy bóng kiều trong sương! 
Vô thường thì mặc vô thường
Thì ta cứ chọn tình trường mà đi
Yêu nhau ta có sợ gì
Cứ chờ, cứ đợi, cứ si, cứ tình.
(Tâm sự của Thủy Tinh, NGLB)
Truyền thuyết về Sơn Tinh và Thủy Tinh (còn được gọi là ‘Sự tích Thánh Tản’ hoặc ‘Tản Viên Sơn Thần’) nằm trong hệ thống truyện thần thoại Việt Nam. Có nhiều chuyện kể về Sơn Tinh và Thủy Tinh trên mạng, nói chung có nội dung giống nhau, nhưng hiếm có truyện nào phản ánh hết được tính triết lý và ‘khát vọng’ mà người Việt cổ đã gửi gắm trong câu chuyện này.
Thời đại Hùng Vương, giả thiết, kéo dài từ thế kỷ 11 TCN - 258 TCN, trong đó, vị vua cuối cùng (!) là vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ) có một người con gái là Mỵ Nương, xinh đẹp tuyệt trần: 
Tóc xanh viền má hây hây đỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ (Nguyễn Nhược Pháp)
Nàng được vua hết mực yêu thương, vì thế vua tổ chức kén rể để tìm một chàng trai xứng đáng với con gái mình. Một hôm có 2 chàng trai đến xin cầu hôn công chúa, đó là Sơn Tinh và Thủy Tinh. 

Sơn Tinh hay còn được gọi là Tản Viên Sơn Thánh (núi Ba Vì...) có tài hoán chuyển núi non. Còn Thủy Tinh là thần nước (vùng sông Sông Hồng, sông Đà, sông Thao…), có tài hô phong hoán vũ.
Nói chung, cả hai đều có tài năng xuất chúng, có sức mạnh phi thường và đều xứng đáng làm con rể của vua Hùng. Để quyết định ai sẽ là rể, nhà vua thách cưới với những lễ vật rất quý hiếm như ‘voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…’.
Điều đó thể hiện vua rất ‘thiên vị’ với Sơn Tinh!, chắc là vua đã có bàn tính và có ý định gả con gái cho Sơn Tinh - là người miền núi (ở gần, dễ thăm viếng!). Và điều này đã tạo điều kiện thuận lợi vô cùng cho Sơn Tinh là người miền núi, lại ở gần, nên chẳng bao lâu sau đó, chàng đã đến trước dâng lễ vật, lấy được công chúa và rước dâu đưa về núi Tản Viên. Ngược lại, điều này lại gây vô cùng khó khăn cho Thủy Tinh - người vùng sông biển, ở xa, dĩ nhiên là chàng đến trễ. Bị ‘phổng tay trên’ mất người đẹp, nên chàng vô cùng ‘hận tình’, bèn đem binh tôm tướng cá rượt theo, dâng nước lên núi Ba Vì để đánh nhau với Sơn Tinh. Nhưng nước biển dâng cao lên bao nhiêu thì núi dâng cao lên bấy nhiêu. Thủy Tinh thất bại đành phải rút quân về biển, chàng ôm mối hận tình ngày càng tăng, nên hàng năm cứ xua quân lên tấn công Sơn Tinh, và mối hận tình này kéo dài mấy ngàn năm nay!
Mỵ Nương đẹp đến nỗi, cuộc chiến tranh thảm khốc đến nỗi, và khát vọng hòa bình đến nỗi, mà trước 1975, có một nhạc sĩ (Phan Quang Định, sáng tác nhạc cho thiếu nhi), đã cảm hứng viết nên bài hát ‘Ca cảnh Sơn Tinh Thủy Tinh', với lời hát như sau:
Sử vàng ghi chép, ngày trước Hùng Vương, có nàng công chúa, mắt xanh trời hờn. Chim đồn vang đến mây huyền: đây đấng anh hùng công chúa xe duyên...
Trời vừa ửng sáng. Đã thấy thần non. Rỡ ràng nhung gấm. Tiến vô cung đình. Sau chàng quân lính theo hầu. Thỏ trắng, nai vàng. Vai vác, vai khiêng. Vua Hùng sai lính. Mời đón vào cung. Cho cùng công chúa. Kết duyên tơ hồng. Tưng bừng dân chúng reo mừng. Đưa trước Sơn thần. Công chúa lên non.
Thủy thần theo sóng. Nhẹ lướt vào cung. Bỗng chàng đau xót. Tuốt gươm tuyên thề. Ta nguyền ghi mối căm thù. Dâng nước  thủy triều. Quyết thắng Sơn Tinh. Tiếng chàng vừa dứt. Là sấm gầm vang. Gió gào mưa thét. Nước tuôn sóng trào. Tôm hùm cua cá reo hò. Vung kiếm ào ào. Vây đánh Sơn Tinh.
Chẳng hề nao núng. Thần núi ngày đêm. Hô hào dân chúng. Đắp lũy xây thành. Sông càng dâng nước trập trùng. Vung búa Sơn thần. Đưa núi lên cao...
Thủy thần thua trí. Đành rút về xuôi. Tôm hùm nhốn nháo. Cá cua chạy dài. Nắng vàng lại sáng chân trời. Dân chúng gieo trồng. Thôn xóm yên vui.

Người đẹp với 'miệng bé thắm như san hô’, ‘tay ngà trắng nõn’, ‘hai chân nhỏ’, ‘ thắt đáy lưng ong’, ‘đường cong tuyệt mỹ’… đã khiến bao nhiên văn nhân/thi nhân viết lời ca tụng: người đẹp có thể biến đàn ông thành kẻ khù khờ, người đẹp có thể làm đảo điên thiên hạ, người đẹp có thể làm đàn ông quên cả vũ trụ này! Đàn ông khoái được chinh phục phụ nữ, nó tạo nên một thứ ‘men say’, say nhất trong tất cả các loại say! Vì vậy phụ nữ hay ‘ẹo ẹo’, ‘sáng nắng chiều mưa’, ‘nhỏng nhẽo, nũng nịu’, ‘lửng lơ con cá vàng’… mà tạo ra men say để kích thích đàn ông, do đó phụ nữ có thể chinh phục và lưu giữ đàn ông lâu hơn:
Anh đâu có nợ tình em
Sao em cứ để một bên chờ hoài! 
Chờ em dưới bóng chiều tà
Chờ em đến nỗi mắt nhòa trong mê 
Chờ em hẹn uống cà phê
Chờ khờ, chờ dại, chờ tê cả người.

Người đẹp chỉ có trên dưới 50kg mà vô tình làm đảo điên thiên hạ, nhiều khi dấy nên cuộc chiến tranh giữa 2 nước, 2 dân tộc, 2 xứ sở… Người ta lại rất hay dùng ‘mỹ nhân kế’ chứ không dùng ‘mỹ nam kế’… Điều đó chứng tỏ vai trò của các tuyệt đại mỹ nhân trong lịch sử, đôi khi người đẹp tương đương với sự nghiệp của một quốc gia/xứ sở, hay người ta thường ví ‘giang sơn = mỹ nhân’ mà người ta có thể chọn một trong hai, giang san hay mỹ nhân: Dương Quá sau khi ‘dùng đá’ giết chết vua Mông Cổ, chàng đã cùng Tiểu Long Nữ quy ẩn giang hồ: giữa giang sơn và mỹ nhân, chàng đã chọn mỹ nhân! (Thần điêu đại hiệp), hay Trương Vô Kỵ sau khi đoàn kết được võ lâm quần hùng thiên hạ đánh thắng quân Mông Cổ, đáng lẽ chàng sẽ trở thành Hoàng đế đầu tiên của nhà Minh chứ không phải là Chu Nguyên Chương, nhưng chàng cũng đã cùng Triệu Minh quy ẩn giang hồ: giữa giang sơn và mỹ nhân, chàng đã chọn mỹ nhân! (Ỷ thiên đồ long ký):
Ngoan nào! hai đứa mình thôi 
Chỉ nghe nhịp đập bồi hồi 'một' tim
Chỉ nhìn thấy 'một' thân hình
Chỉ còn lại 'một' khối tình ngất ngây.

Người đẹp có thể là nguyên nhân gây nên những sự cố thê thảm hay thậm chí ‘mất nước’ như Marilyn Monroe và 2 anh em nhà Kenedy - vì lỡ miệng hỏi thăm chuyện ‘bom nguyên tử’ với Tổng thống Kenedy mà một ngày sau biến mất khỏi thế gian!; Phan Kim Liên ngoại tình với Tây Môn Khánh, giết chồng, sau này cả hai (kể cả Vương Bà - mai mối) đều bị Võ Tòng giết chết (Thủy hử);  An Dương Vương Thục Phán vì muốn xâm chiếm Lạc Việt, đã cử Trọng Thủy sang lấy Mỵ Châu (Mỵ Nương), đồng thời làm điệp viên và đánh cắp ‘nỏ thần’, triều đại Hùng Vương kết thúc; Câu Tiễn nghe lời Phạm Lãi, cử Tây Thi sang làm ‘mỹ nhân kế’ và lấy vua Ngô Phù Sai, 20 năm sau đó, nước Ngô bị Câu Tiễn tiêu diệt (Đông Chu liệt quốc)...
Hận tình của đàn ông có thể gây nên những thảm cảnh: vì nàng Hellen là tuyệt thế mỹ nhân mà là một trong những nguyên nhân gây nên cuộc chiến tranh giữa chúa tể thành Athens và chúa tể thành Troia; trong cuộc tình tay ba Điêu Thuyền - Đổng Trác - Lữ Bố, viên Tư đồ Vương Chung đã lợi dụng chuyện này gây mâu thuẫn giữa Lữ Bố và Đổng Trác, cuối cùng Lữ Bố giết Đổng Trác (Tam Quốc chí); vợ của Dương Hùng là Phan Xảo Vân ngoại tình với một nhà sư, Thạch Tú vì giúp bạn đã giết chết nhà sư, Dương Hùng vì hận tình đã kết hợp với Thạch Tú để giết Xảo Vân, và sau đó cả hai đầu quân cho Lương Sơn Bạc (Thủy hử)…
Chắc chúng ta đã biết câu ‘Đa tình tự cổ nan di hận. Dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ' (Bạch Cư Dị), tạm dịch ‘Đa tình từ xưa để mối hận. Hận này dằng dặc có bao giờ nguôi’. Có người giải thích nôm na là ‘Thà là mình cứ yêu thật nhiều mặc dù tình yêu nó có đem lại khổ đau cho mình một cách ghê gớm thì cũng không sợ hãi, không nao núng và không ân hận gì cả! Mình lại thích cách dịch ‘ngạo’ như sau:
Yêu ai bằng yêu người tình
Hận ai bằng hận người mình đã yêu.

Và hận tình có thể gây đảo điên trong lịch sử: hận vì mất người đẹp thì ít, nhưng hận vì bị ‘phổng tay trên’ thì nhiều. Vì tính làm chủ bầy đàn nên tính tự ái của đàn ông vô cùng cao. Khái niệm hận tình này có thể hiểu theo 2 nghĩa: hận người tình hay hận kẻ cướp mất người tình. Người ta có thể giết chết người tình để độc chiếm bóng hình nàng trong tâm trí mình.
Theo thần thoại này, Sơn Tinh lấy được vợ, vui vẻ, nên không có nhiều chuyện để quan tâm, còn Thủy Tinh ‘hận tình’ mới có nhiều vấn đề để bàn. Khi lấy chồng, Mỵ Nương rất đau lòng lưu luyến rời Phong Châu và dường như với cảm tính của phụ nữ, nàng thấy sẽ có một cuộc chiến tranh thảm khốc sẽ xảy ra:
Lầu son nàng ngoái trông lần lữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.
Quỳ lạy cha già, lên kiệu bạc,
Thương người, thương cảnh, xót lòng đau.
Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác,
Nàng kêu: "Phụ Vương ôi! Phong-châu!" (Nguyễn Nhược Pháp)

Người ta nói cứ phụ nữ là phải ghen: ‘Ớt nào mà ớt chẳng cay. Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng’, người ta còn có thành ngữ ‘ghen như Hoạn Thư’, tuy nhiên đàn ông cũng ghen không kém, có khi ghen hơn, nhưng với cách khác hơn, chuyện Thủy Tinh là một ví dụ. Thần thoại Hy Lạp còn thiếu một vị thần, đó là thần ‘ghen’, nếu có, không thể khẳng định là nam hay nữ!
Người ta dựng hình tượng Sơn Tinh có 'thiên vị' để ý nói là mình có thể vượt qua thiên tai, nhưng thực ra Thủy Tinh đâu có phải là kẻ xấu, vai trò của Sơn Tinh và Thủy Tinh là bình đẳng mà! Cuối cùng là Thủy Tinh, kẻ hận tình, mà là tình hận thiên thu, mối hận tình của thần đã được truyền tụng trong dân gian.
Và rồi chàng Thủy Tinh si tình đã khóc... khóc... khóc ngày khóc đêm vì hận tình, nước mắt Thủy Tinh tuôn trào thành dòng chảy lênh láng, cứ nhìn dòng nước lũ cuồn cuộn mới hiểu rằng tình yêu mà chàng Thủy Tinh dành cho Mỵ Nương là nhiều biết bao nhiêu'...

-----
Ghi chú: 
*Sơn Tinh cỏ thể là một người có thật, xuất thân là ‘nông dân áo vải’, tên là Nguyễn Tuấn.
*Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, cao 1281m, còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn.
*Tuần trước, mình có ngồi nói chuyện với một ông bạn già 73 tuổi, theo ông, có một từ tạm gọi là ‘triết học thần thoại’ (sẽ đúng hơn nếu gọi là ‘triết lý thần thoại’). Người Hy Lạp đã xây dựng cho mình một hệ thống truyện thần thoại rất hoàn chỉnh mà có nhiều ‘tư tưởng’ lồng ghép trong các truyện này, phần lớn đã phổ biến trong đời sống và các hiện tượng xã hội xưa và nay trên toàn thế giới, và một phần đã tạo ra chất ‘men say’ tư duy cho nhiều chàng trai (hay cô gái) có những hoài bão cao đẹp và vĩ đại và do đó làm nên những sự nghiệp vĩ đại. Trước giải phóng, có một số ‘học giả’ đã có nghiên cứu về ‘triết học thần thoại’ của Việt Nam, tiếc thay các công trình đó chưa đến đích vì nhiều lý do. Sau giải phóng, có nhiều tay bút cự phách nghiên cứu về ‘Thần thoại Hy Lạp’. Rất tiếc, theo ông, nền ‘triết học thần thoại’ của VN hình như bị lãng quên...

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

217. Lão Trư lấy vợ

Về đây mà uống cà phê
Về đây anh sẽ đê mê hồn người
Về đây 'em' mặt cười tươi
Về đây em tặng nụ cười ấy cho
Về đây em rủ hát hò
Về đây em rủ qua đò ngắm trăng
Về đây em ngón búp măng
Về đây em bớt giá băng cho chàng
Về đây anh khỏi lang thang
Về đây sưởi ấm đông tàn qua xuân
Về đây tình khúc tuyệt luân...
(Tâm sự của Cao tiểu thư, NGLB)
Nói chung, trong lĩnh vực tình yêu, hình như thượng đế ghen tị con người sau khi ăn trái cấm đã sáng tạo (!) ra một thứ tình yêu diễm tuyệt mà ngài không thể nào tưởng tượng nỗi, nên ngài bày ra những điều hết sức nghiệt ngã để ‘gây khó khăn’ cho tình yêu của họ, chuyện ‘Trư Bát Giới si mê Hằng Nga’ là một ví dụ, chính vì thế mà lão Trư phải chấp nhận xuống trần gian chịu đày đọa để được nếm vị đắng tuyệt vời ở chốn địa đàng.
Hoa cỏ may, trên đồi lộng gió
Bám khắp người, gỡ khó mà ra
Hương lạ kỳ, vương vương vấn vấn
Em lạ kỳ, mê mẫn hồn ai!
Rồi lỡ lang thang, một chuyến đò
Lúc trồi, lúc sụt, lúc quanh co 
Lạc chốn địa đàng, sa lưới nhện
Vị cõi đào nguyên, đắng tuyệt vời.

Cao tiểu thư tên thật Cao Thúy Lan. Còn Cao gia trang, một địa danh có thật, là một trang trại nằm trong một thôn làng ở dưới chân núi Bảo Sơn, huyện Thuận Xương, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Trên núi Bảo Sơn, nay vẫn còn một ngôi miếu được xây dựng từ cuối đời nhà Nguyên (đầu thế kỷ 17), bên trong có bài vị thờ Tề Thiên đại thánh và Thông Thiên đại thánh. Núi Bảo Sơn có tầm nhìn bao quát tứ phía, phong cảnh hữu tình, thường, sáng sương mù, trưa chiều nắng vàng hòa với mây trắng trôi bàng bạc, hoàng hôn gợi nhớ nhung, và tối khuya… gợi tình. 
Như đã biết (trong entry trước), trong mấy kiếp, Trư Bát Giới luôn chứa một mối tình si và ghi tâm khắc cốt với Hằng Nga - chúa tể Cung Quảng Hằng, nhưng vợ của lão Trư ở trần thế là một tiểu thư xinh đẹp, phơi phới và đầy nét gợi tình sống ở Cao gia trang. 
Anh gửi vào em chút lã lơi
Đôi mắt hồ thu đẹp tuyệt vời
Là người hay tiên trên trời vậy
Em xuống trần gian khuấy động đời. 

Có một buổi hoàng hôn nọ, trên bước đường đi thỉnh kinh, hai thầy trò Đường tăng là Tam Tạng và Tôn Ngộ Không ghé vào tá túc tại Cao gia trang. Tại đây, hai người nghe vợ chồng Cao lão kể là nhà ông có một cô con gái đẹp, gọi là Cao tiểu thư, bị một anh chàng đẹp trai, không biết ở phương nao, thường đi mây về gió, rồi tối về tán tỉnh con gái ông, thỉnh thoảng nó cũng giúp ông làm công việc đồng áng, nó rất khỏe, ăn như hùm và làm việc rất giỏi vì nó có một cái cào cỏ ‘thần’, nhưng có một lần nhậu nhẹt say sưa, nó hiện nguyên hình là một con yêu tinh mình người đầu heo (tức là lão Trư), ông và người trong vùng không kháng cự gì được, nên nó đã ăn nằm với con gái ông, sau đó, nó còn có lời cầu hôn lấy con gái ông làm vợ…, cuối cùng ông gán tội cho nó là bắt cóc và cưỡng hiếp con gái của ông!
Nghe câu chuyện, Tam Tạng động lòng trắc ẩn, bèn bảo Tôn Ngộ Không tìm cách bắt con yêu quái và trả lại tự do cho người con gái nọ. Tôn Ngộ Không bèn dùng quỷ kế, giả biến thành Cao tiểu thư, tắt đèn, nằm trên giường, trùm mền, quay mông lại... Tối lão Trư hóa gió bay về nhà, tiến đến định ‘tón tén tòn ten’ với nàng thì lão Tôn hiện nguyên hình, rút thiết bảng ra đập lão Trư.
Lão Trư có lẽ vì quá đam mê tửu sắc, sức khỏe bị suy giảm nhiều, cự không lại, nên bị bắt và phải hiện nguyên hình, đặc biệt khi biết Tam Tạng là Đường tăng đi thỉnh kinh (do Phật bà đã bảo từ trước), y đã từ một 'con lợn rừng hoang dã dữ tợn' trở thành 'một con lợn nhà hiền lành dễ bảo'. 
Có một điều mà thầy trò Đường tăng và vợ chồng Cao lão không ngờ, đó là khi Ngộ Không trói Bát Giới dẫn đến gặp Cao tiểu thư, nàng bỗng ứa nước mắt và thú nhận là mình ‘yêu’ lão Trư thật lòng và tự nguyện chứ không bị bắt buộc gì cả, lý do là lão Trư đối xử với nàng hết sức lịch sự, chìu chuộng nàng đủ điều, y rất thích tính nũng nịu và nhỏng nhẽo của nàng, xem nàng như thiên thần bé nhỏ, cưng nàng như trứng mỏng, ngoan ngoãn với nàng như một ‘con cừu’, thường bồng bế và cõng nàng đi chơi…, nói chung, hàng đêm nàng vẫn mong ngóng chàng về để được nâng niu chìu chuộng và hưởng lạc thú ái ân trần thế.
Nhưng vì Trư Bát Giới đã lỡ hứa với Phật bà, là theo bảo hộ Đường tăng đi thỉnh kinh, nên chàng đành hết sức đau lòng gạt nước mắt chia tay người tình, cũng từ đó chàng được Tam Tạng đặt tên là Trư Bát Giới. Khi chàng ra khỏi nhà, đến cuối cổng làng, nàng còn nấp đàng sau một bụi hoa, dõi mắt lưu luyến nhìn theo, khóc sướt mướt và nói với theo rằng:
- Đi thỉnh kinh xong, anh nhớ về với em nhé!
Chính vì câu nói này của nàng mà mỗi lần gặp khó khăn khi đánh nhau với yêu tinh hay bất hòa với Tôn Ngộ Không thì lão Trư lại đòi về với vợ!

Tiếc thay, đời là bể khổ vô biên, Phật pháp là ‘tứ đại giai không’, sau khi giúp Tam Tạng đi thỉnh kinh thành công, lão Trư đã giác ngộ đời là vô thường, lão sẽ quay lại nhưng quay lại với bến bờ ‘vô ngã’ chứ không quay lại với nàng nữa, ôi! tội nghiệp thay cho nàng:
Em cứ đứng âu sầu nghe sóng biển 
Gió lạnh về gợi nhớ chuyện đôi ta
Chuyện mình sao lại xót xa
Chuyện mình sao lại chỉ là đớn đau 
Em cứ tưởng gần anh thêm chút nữa
Để lòng được sưởi ấm lửa tình anh
Ngờ đâu tình lại mong manh
Ngờ đâu tình lại chòng chành trong... em.

----------------------- 
Bổ sung tư liệu: Trư Bát Giới là người chồng lý tưởng của các cô gái.
Trong một cuộc thăm dò trên mạng dành cho các bạn gái với đề tài “Trong bốn thầy trò Đường tăng, bạn muốn… lấy ai làm chồng nhất?”. 
Kết quả thật đáng ngạc nhiên: trong 98 người tham gia, không một ai chọn Đường Tăng, số người chọn Tôn Ngộ Không là 10, Sa Tăng là 14 người, còn Trư Bát Giới đứng đầu bảng với số người bầu chọn là 74. Một Trư Bát Giới lười biếng, xí trai lại trở thành người chồng lý tưởng của các cô gái, chuyện thật khó hiểu? Tất nhiên, các bạn gái có cách nghĩ của mình.
Trên đường đi thỉnh kinh, dù là con gái nhà lành, hay nữ yêu quái đều không ai đếm xỉa tới Trư Bát Giới, nhưng phụ nữ trong thời đại hiện nay lại xem Trư Bát Giới là người tình lý tưởng. Vì sao mà lão Trư lại được yêu mến như thế? “Trư Bát Giới tuy lười biếng, ích kỷ, tham ăn, háo sắc, nhưng lại vui tính, có tình nghĩa, lương thiện, biết dịu dàng với phụ nữ, kể ra cũng là người đàn ông đáng yêu chứ?” – cư dân mạng đã nhận xét về lão Trư như thế, họ còn phân tích và cảm thông với lão nhiều điều…
Có thể nói, Trư Bát Giới là mẫu người đàn ông có nhiều ưu điểm, điển hình là có đến 70% phụ nữ nhìn thấy thế mạnh của anh ta. Đây được xem là một khám phá thú vị mà trước giờ ít người để ý đến.
http://www.tctl.net/tieu-pham/tru-bat-gioi-la-mot-nguoi-dan-ong-ly-tuong/

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

216. Trư Bát Giới si mê Hằng Nga


Vì sao nàng xa quá
Ta như kẻ lãng du
Vì sao nàng thơm quá
Ta bỗng thành gã Trư
Tìm nàng mãi tận cõi hư 
Đêm ta cô lữ, khẩy đàn được không!

Trư Bát Giới là Thiên Bồng nguyên soái ở Thiên đình, đây là một chức rất lớn, y chỉ huy 8 vạn Thủy binh, ngang hàng với Lý Tịnh (Thác Tháp thiên vương), trên cả Nhị Thập bát tú, vượt xa đẳng cấp của tướng tiên phong là Cự Linh Thần. Y còn có tên là Trư Ngộ Năng, nghĩa là con lợn tái sinh nhận ra được khả năng của mình, do Quan Thế Âm Bồ Tát đặt để y tham gia bảo vệ Đường tăng trong chuyến đi thỉnh kinh đến Tây Thiên. Sau này, y còn được Tam Tạng gọi là Trư Bát Giới, nghĩa là y phải tránh 8 sắc giới của Phật gồm sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói bậy, uống rượu, trang điểm, dùng đồ đạc quá sang trọng, và ăn mặn.  
Y có đầy đủ ‘hỉ nộ ái ố dục’ biểu hiện qua thói lười biếng, háu ăn, nịnh nọt, ghen tị (với Tôn Ngộ Không), thích gái đẹp, nói phét…, chính vì những ‘đức tính’ này mà sau khi thành công trong việc thỉnh kinh, y không được thành Phật hay La Hán, mà chỉ được giữ chức Tịnh Đàn sứ giả, là chức lau dọn bàn thờ, được ăn uống hoa quả nhiều ở Niết Bàn, đức Như Lai nói: 'Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà  ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt?' (Wikipedia).   Vì người ta muốn đề cao vai trò của Tôn Ngộ Không nên chỉ xếp Trư Bát Giới như là một vai ‘đệm’ trong 4 thầy trò Đường tăng và trong các cuộc giao chiến với yêu tinh. Thực ra, với chức vụ là Thiên Bồng nguyên soái, đẹp trai, lãng mạn, đa tình, có 36 phép thần thông, sử dụng một cái cào cỏ 9 răng bằng thép nặng 5048kg, được luyện ở Thiên đình, y chỉ huy một đội quân lớn thiên binh thiên tướng, thậm chí còn giỏi đánh nhau dưới nước, tài năng của lão Trư không kém gì Tôn Ngộ Không, ‘kẻ tám lạng, người nửa cân’, nếu không vì thế thì Quan Thế Âm Bồ Tát đâu có bỏ công mà chiêu mộ y về bảo vệ Đường tăng trong sự nghiệp thỉnh kinh để cứu nhân độ thế.
Trong các cuộc chiêu đãi do Ngọc Hoàng thượng đế tổ chức, Hằng Nga thường có mặt để... nhậu lai rai và ăn vài quả đào tiên để… mịn nước da và… trẻ mãi không già. Lão Trư lần đầu nhìn thấy Hằng Nga thì bỗng rúng động thần hồn, thèm muốn tình dục đến nỗi nước dãi chảy ra lòng thòng. Từ đó y ôm mối tình si:
Vì sao nàng không đến
Ta cuồng dại tái tê
Vì sao nàng không nói
Ta lạc vào cung mê
Tìm nàng trong cõi nhiêu khê
Đêm ta vướng vít lệ trào đớn tim.

Thế rồi cứ mỗi đêm về, y thao thức, thất tình, đau khổ, vươn dài cổ, mỏi mắt nhìn lên Cung Quảng Hằng (mặt trăng, nơi Hằng Nga ngự trị) và trong mồm luôn lẩm bẩm câu:
Đa tình tự cổ nan di hận.
Dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ. 
(Đa tình tự ngàn xưa chỉ còn lưu lại mối hận. Nỗi hận này dài dằng dặc biết bao giờ nguôi - Bạch Cư Dị)
Có câu dịch thoát này nghe hay mà dễ hiểu:
Yêu ai bằng yêu người tình
Hận ai bằng hận người mình đã yêu.

Có một đêm nọ, do bị say và do tâm tình rạo rực không kìm chế được, y bay vào Cung Quảng Hằng gặp Hằng Nga, tại đấy y bày tỏ tình yêu si mê của y đối với nàng và lợi dụng men say, y có đủ can đảm để… nhào vô định ôm hôn nàng. Hằng Nga vốn là người ‘ngọc khiết băng thanh’, đồng thời là một vị tiên nữ với số phận độc thân suốt đời, nàng không những từ chối mối tình say đắm của y mà còn cho y một bạt tai (!), và lên lời cảnh cáo thái độ của y mà nàng cho là vô lễ. Không những thế, ngày sau, nàng còn đem câu chuyện dê này ‘méc’ với Thượng đế, ngài nổi trận lôi đình bèn khép y tội khi quân, ra lệnh xử trảm, may nhờ có Tây Vương Mẫu can ngăn, cuối cùng ngài cách chức Thiên Bồng nguyên soái của y và đuổi y xuống hạ giới đầu thai làm người phàm:
Vì sao nàng không biết
Tiên nữ sa bụi trần 
Vì sao nàng lao mãi
Đêm vào chốn thiêu thân
Dâm thần bỗng muốn ái ân
Lỡ chân vấp ngã xuồng tầng Diêm cung.

Khi bị ném xuống trần gian, do đầu óc còn bối rối, y đầu thai nhầm vào bụng một con heo nái và ra đời với hình thù xấu xí, đó là một kẻ có mình người đầu heo. Tuy thế, Trư Bát Giới cũng không bao giờ từ bỏ mối tình ghi tâm khắc cốt với Hằng Nga. Trong một dịp con Ngọc Thố của Hằng Nga xuống trần biến thành yêu quái làm loạn, định bắt Tam Tạng ăn thịt để được trường sinh bất lão, Tôn Ngộ Không đã đánh Thỏ tinh thua bỏ chạy lên Cung Quảng Hằng. Trong lúc lão Tôn định đánh chết Thỏ tinh thì Hằng Nga xuất hiện can thiệp. Nhân cơ hội này, Trư Bát Giới tiến đến tiếp tục bày tỏ niềm nhớ mong mà y vẫn giữ nguyên trong mấy kiếp đối với Hằng Nga. Tại đây, một lần nữa, Hằng Nga nghiêm khắc từ chối và còn cảnh cáo sẽ ‘méc‘ với Ngọc Hoàng, lão Trư sợ quá đành đau đớn nén lại khối tình trong tim: 
Vì sao nàng như thánh
Ta đưa vào thiên đàng
Vì sao nàng hay hát 
Ta rung khổ dưới trần 
Dáng nàng ẩn khuất phù vân
Hương nàng phảng phất đêm dần chẳng phai.  

Tóm lại, trong truyện Tây du ký, trong số 4 thầy trò Đường tăng, chỉ có Trư Bát Giới là thật nhất, ‘người’ nhất, với tư cách là một vị thần ở thiên giới, y đặc biệt có tình yêu của một con người và vô cùng trung thành với bản năng tình yêu vốn có của mình, mà lẽ ra y phải được hậu thế ngưỡng mộ, lý do vô cùng đơn giản - vì trong mỗi chúng ta đều có ít nhiều chất Trư Bát Giới!

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

215. Thiên đế và các mối tình vụng trộm


Các bạn thân mến, hôm nay mình viết một entry là ‘Ai sa lưới tình?’. Liên quan đến từ ‘lưới tình’, ta có: sa lưới tình, sa lưới nhện, lạc vào ma trận tình ái, lạc vào mê khúc… Sa lưới tình như thế nào, mình sẽ kể lan man từ trên xuống dưới gồm: thượng đế/thiên đế, các bậc thần tiên, các vua chúa, các 'cao thủ'…, rồi đến các kẻ phàm phu tục tử như chúng ta! Một số nguồn từ Google được ghi trong ngoặc kép. Entry này đang được chỉnh sửa và sẽ đăng tải làm nhiều lần.
Trước hết, mình xin nói về ‘Thiên đế và các mối tình vụng trộm’.


Một bóng thiền quyên trước cảnh tiên
Mắt mới nhìn qua thấy động liền
Dáng cong cong ấy sao cong thế
Dẫu đấng thần tiên cũng đảo điên

Cứ gửi cho anh một dáng tròn
Anh bồng anh bế buổi hoàng hôn
Sao anh thấy lòng rung động mãi
Có phải mùi hương rụng cả hồn!

(Bóng thiền quyên - NGLB)


Thiên đế hay thần Zeus (thần Dớt, trong truyện Thần thoại Hy Lạp), còn gọi là thần Jupiter (trước giải phóng gọi là thần ‘Du Bích Tiên’, trong truyện Thần thoại La Mã).

1. Đảo Crete (nơi xuất thân của Zeus!) là hòn đảo lớn nhất Hy Lạp có nền văn minh rực rỡ từ thế kỷ 25 - 17 TCN, nền văn minh này đã ảnh hưởng đến tận thành bang Misen có nền văn minh từ thế kỷ 20 đến 11 TCN, hai nền văn minh Crete-Misen đã kết hợp thành nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Câu chuyện về 'Thiên đế' xảy ra từ thời mông muội, rồi công xã nguyên thủy với chế độ quần hôn, tạp hôn, hôn nhân tập đoàn... rồi chuyển qua thời chiếm hữu nô lệ, với sự tan rã của xã hội thị tộc, từ các thị quốc (city-state) ban đầu như Athenai, Sparte, Troia, Crete…, nhà nước Hy Lạp (state-nation) được hình thành, nhà nước Sparta vào thế kỷ 9 TCN và nhà nước Athène vào thế kỷ 7 - 6 TCN... Nền văn minh Hy Lạp cổ đại (bao gồm toàn bộ khu vực Địa Trung Hải và biển Đen) kéo dài khoảng 1.000 năm (!), từ thảm họa của Mycenae (do sự xâm lược của người Dorian hay các thảm họa tự nhiên và sự thay đổi khí hậu) từ 1250 TCN đến thời điểm Alexandros Đại Đế chết vào năm 323 TCN. Sau đó Hy Lạp bị thôn tính và trở thành một vùng đất của đế quốc La Mã vào thế kỷ 1 TCN.

“Vào thời điểm nước Hy Lạp đang hùng mạnh, ngôi đền kiểu Doric quá tầm thường đơn giản nên cần có các sửa đổi lớn. Giải pháp là đặt một bức tượng khổng lồ trong đền. Điêu khắc gia Athens được giao nhiệm vụ ‘thiêng liêng’ này. Bức tượng Zeus kỳ vĩ do kiến trúc sư Libon thiết kế và được xây dựng vào năm 450 TCN. Điêu khắc gia Pheidias bắt đầu xây dựng bức tượng, cao 12m, vào năm 440 TCN. Bước sang thế kỷ 2 TCN, bức tượng được tu sửa chút ít rồi đến thế kỷ 1 SCN, hoàng đế La Mã Caligula tìm cách đưa bức tượng về Rome, nhưng giàn giáo do các nhân công của Caligula xây dựng bị đổ sụp... bức tượng đã được những người Hy Lạp giàu có chuyển đến Constantinople và tượng đứng vững tại đây cho đến khi nó bị lửa làm thiệt hại nặng vào năm 462 SCN, nay bức tượng không còn lại gì ở ngôi đền cũ, trừ đá và vụn cát cùng nền và những chiếc cột bị gãy của ngôi đền. Hiện nay có bức tượng mới cuả thần Zeus, cao 13m, đặt tại thành phố cổ Olympia, nằm ở bờ biển phía tây Hy Lạp, cách thủ đô Athens khoảng 150 km”.


2. Khởi nguyên vũ trụ là hệ thần Chaos (nghĩa là hỗn mang) sáng tạo ra vũ trụ, rồi hệ thần Uranos cai quản vũ trụ, rồi hệ thần Cronos là các vị thần cai trị bầu trời, và cuối cùng là hệ thần Zeus là chúa tể thần linh.

Đầu tiên, thần Chaos sinh ra các thế hệ con cháu, họ đã đấu đá và tàn sát lẫn nhau, cuối cùng sau nhiều ‘cuộc đảo chính’ ngoạn mục, thần Zeus là người chiến thắng và trở thành chúa tể, lãnh đạo tất cả các vị thần trên thiên giới (đỉnh Olimpus (sau trận chiến với các Titan, Zeus cai trị bầu trời, Poseidon cai trị dưới nước và Hades cai trị âm phủ)), ngài tồn tại đến ngày nay và còn được gọi là ‘bá chủ thế giới’ .

“Có 12 vị thần cùng cai quản thế giới thần linh, đó là: 1. Zeus (còn gọi Jupiter) - thần Sấm sét, chúa tể  thần linh, 2. Hera - vợ Zeus, cai quản hôn nhân, bảo vệ bà mẹ trẻ em, 3. Hadex - cai quản âm phủ, 4. Pozeidon (Neptune) - cai quản biển khơi, 5. Demeter - nữ thần cai quản chăn nuôi và trồng trọt, 6. Herchia - nữ thần cai quản bếp lửa gia đình, đoàn tụ gia đình, 7. Athena (Minerve) - nữ thần trí tuệ, công lí, chiến trận, nghề thủ công và nghệ thuật, con gái riêng của Zeus tự sinh từ bộ não, độc thân suốt đời, 8. Aphrodite (Venus, hay thần Vệ Nữ) - nữ thần sắc đẹp và tình yêu, vợ của thần chiến tranh Arex, 9. Hephaistot - thần Lửa, thợ rèn chân thọt, tổ nghề thủ công đồ sắt, con trai Zeus và Hera, chồng cũ của Venus, 10. Apollon (Heliot) con của Zeus và nữ thần ánh sáng Leto, thần mặt trời, xạ thủ, nghệ thuật, âm nhạc và chân lí, 11. Arthemis (Diane) - em gái Apollon, nữ xạ thủ có cây cung bạc, độc thân vĩnh viễn, 12. Arex (Mars) - thần Chiến tranh, con của Zeus, chồng sau của Venus".


Theo truyền thuyết, các vị thần đã lấy vàng nặn ra những người đầu tiên trên trái đất, Titan Promethe là một vị phúc thần đã đánh cắp lửa của Trời để giúp cho loài người và do đó phải chết để chịu tội thay cho con người, sau đó vì loài người quá kiêu ngạo và có quá nhiều tham vọng nên thần Zues đã ra lệnh cho ‘thần Mưa bão’ hủy diệt trái đất, may mắn còn sót chỉ có 2 vợ chồng, đó là con của Titan Promethe, từ đó sản sinh ra loài người (xuất xứ từ Hy Lạp).
Tôi về nơi bãi biển đê mê
Bóng tím xa xa vẫn hiện về
Chân trời lấp lánh hình hài đó
Bỗng dậy lòng ai bao tái tê

Tôi gõ tìm tôi bóng quyên xưa
Tình khúc du dương hẹn hứa lời
Quán cà phê ấy mơ màng hát
Nhìn thấy dáng quen bỗng rụng rời!

(Bóng quyên xưa - NGLB)


3. Thiên đế là kẻ đa tình và có rất nhiều người tình, ngoài vợ chính thức là Hera, còn được gọi là Thiên hậu, ngài có ‘tòn ten tón tén’ với các nữ thần như Demeter, Latona, Dione, Maia… và các ‘nàng’ ở trần gian như Semele, Io, Europa và Leda…, suy ra ngài có nhiều con, cở 36 người con (với 12 nữ thần) và 39 con (với 25 người phàm) chứ mấy. Việc ‘vụng trộm’ của ngài với người trần sinh ra các con được gọi là ‘bán thần’, ngoài các dũng sĩ, còn có các nam và nữ thần nghệ thuật, chẳng hạn:
-dũng sĩ Perce: anh hùng diệt quỉ dữ cứu người,
-dũng sĩ Heracles (còn gọi Herculles): lập nên 12 kì công, tham dự cuộc chiến tranh thành Troia,
-anh hùng Thesee: xây dựng đô thành Athens (mang tên của nữ thần Athena),
-thần Dionisote (còn gọi Bacchus): thần rượu nho,
-thần Apollon: con của Zeus và Leto, vị thần đa năng có sứ mệnh bảo vệ chân lí, truyền bá âm nhạc và thơ ca, được sinh đôi cùng nữ thần Arthemis,
-nữ thần Athena: thần sáng tạo ra nghề dệt và là nữ thần trí tuệ và bảo vệ hòa bình,
-dũng tướng Hector: người đã đứng ra bảo vệ thành Troia!, do thần Zeus đối mặt với cuộc nổi loạn trên đỉnh Olympus, do Hera ghen và đánh lừa ngài bằng nhan sắc và một đêm hoan lạc (!), thành Troia thất thủ (1184 TCN), Hector bị giết bởi Achille (con của nữ thần biển cả Thetis),
-nữ thần Venus: thần tình yêu và sắc đẹp, theo Homère (người viết 2 bản trường ca Illiade và Odysse) thì nàng là con gái của thần Zeus và Dione, còn sử thi cho rằng nàng được sinh ra từ bọt biển, có dị bản cho rằng nàng do dương vật của thần Uranos khi bị Kronos chém rớt xuống biển mà thành...

* Bổ sung thêm một tí về Nữ thần Venus:


Chắc hẳn có nhiều bạn đã biết câu chuyện về nữ thần Venus, chắc không ít bạn ở trong nhà có tranh hay bức tượng nữ thần Venus bằng thạch cao, bằng sứ, gỗ, thủy tinh hay bằng đồng.
Ngày xửa ngày xưa, trên Thiên đình có 3 nữ thần đẹp nhất, đó là: Thiên hậu (hay Hera), nữ thần Athena và nữ thần Venus (hay Aphrodite). Thiên hậu là vợ của Thiên đế (hay thần Jeus), Athena là nữ thần trí tuệ (và bảo vệ hòa bình cho thành Troa sau này) và là con của Thiên đế, và Venus là nữ thần tình yêu. Trong một bữa tiệc chiêu đãi do Thiên đế tổ chức, có sự tham dự của cả 3 nữ thần, ngoài ra còn có một vị nữ thần là thần ‘Bất hòa’ (vợ của thần Chiến tranh Arex), bà ta đã ném vào trong bữa tiệc một quả táo vàng và nói rằng:
- 'Ai đẹp nhất trong số ba nữ thần sẽ được thưởng quả táo này'.
Thế là cuộc tranh chấp ai là người đẹp nhất Thiên đình xảy ra. Vì trên Thiên đình, không có ai có đủ bản lĩnh để chấm sắc đẹp của các nữ thần, quần thần bèn xuống trần gian để tìm anh chàng Paris (con thứ hai của vua xứ Troie) mà có thiên tư về chấm sắc đẹp một cách vô tư, công bằng và có đầu óc trong sạch (không bị nhiễu loạn vì quyền lực) để phân xử.
Nữ thần Athena hứa với Paris rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người làm bá chủ khu vực (quanh Hy Lạp)’, Thiên hậu hứa với chàng rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người làm bá chủ châu Á’, còn nữ thần Venus hứa với chàng rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người được lấy người đẹp nhất thế gian'. Người đẹp nhất thế gian lúc đó chính là hoàng hậu Helen - vợ vua Hi Lạp (thành Athens)
Sau đó, Paris đã trân trọng trao tặng quả táo vàng cho nữ thần Venus. Và cũng vì chuyện này mà xảy ra cuộc chiến tranh ở thành Troia sau này, trong đó phe ủng hộ thành Troia gồm Thần chiến tranh Arex, Nữ thần tình yêu và sắc đẹp Venus, và Thần ánh sáng Apollo…, phe kia gồm Nữ thần bảo vệ hòa bình và trí tuệ Athena (người ủng hộ nhiệt thành cho Odysseus) và Thiên hậu Hera..., sau đó Nữ thần Venus được lệnh của Thiên đế không tham gia cuộc chiến để phụ trách chuyện tình yêu và hôn nhân của thế gian.
Từ đó Venus là nữ thần đẹp nhất trong vũ trụ. Và cũng từ đó, ta có nữ thần Venus là nữ thần của tình yêu và sắc đẹp, hay là nữ thần tình dục.

4. Là vị thần có quyền lực nhất trên thế giới, nhưng khi tán gái, Zeus không bao giờ dùng sức mạnh, mà dùng mưu mẹo mềm dẻo và uyển chuyển của một người đàn ông tán gái bản lĩnh để chinh phục trái tim của một người đàn bà, có lẽ điều đó làm cho ngài (và tất cả những người đàn ông khác) có một nguồn cảm hứng cao độ. Trong các cuộc tình vụng trộm của Zeus, có lẽ hấp dẫn nhất là chuyện ngài biến thành con bò hiền lành, đẹp, thơm phức và dễ thương, nhẹ nhàng tiến đến tiếp cận nàng Europe, liếm tay của nàng, quỳ xuống dưới chân nàng, cạ cạ vào người nàng… Thấy con bò ‘ngoan’ quá, nàng không đề phòng, leo lên lưng con bò ngồi, nó chở nàng từ từ dạo trên đồng cỏ mượt mà, gió mát hây hây..., rồi bất thần nó vùng lên, chạy liên tục, chạy ra biển, bơi trên mặt biển, bơi liên tục, vượt đại dương cho đến khi đến một vùng đất khác đầy hương vị ái ân và trữ tình. Đến nơi, thần Dớt hiện nguyên hình là một chàng trai uy mãnh, thần thái ngút trời, ngài dùng lời ngon ngọt tỏ tình với nàng, chính sức hấp dẫn của một chàng trai đầy lòng tự tin và cặp mắt tinh tường biết chọn đàn bà, mà đã giúp Zeus có được nhiều mối tình lãng mạn, nếm được đầy đủ vị đắng đào nguyên và sản sinh ra được những đứa con tài hoa…
Sau đây là một số cuộc tình vụng trộm của thần Zeus:

- Zeus hóa làm một cơn mưa, chui lọt xuống hầm sâu và vụng trộm với nàng Danae:

Mưa về em thoáng ở bên song
Đôi mắt tròn xoe ấm cõi lòng
Tóc đen nhấp nháy mềm như lụa
Không gặp mà sao bỗng nhớ mong!

Hỡi gió cuốn đi chạm tóc huyền
Hỡi nàng thục nữ dáng nghiêng nghiêng
Buồn tình bỗng nhiên bừng tỉnh lại
Ai nét hay hay đượm chất thiền

(Dáng huyền - NGLB)


“Vua Acrisios hiếm hoi chỉ sinh được một con gái tên Danae. Cô bé lớn lên ngày càng xinh đẹp. 
Vua thường mong có con trai nối dõi, đến cầu xin thần Apollon ở đền thờ Denph. Thần phán truyền: vua sẽ không có con trai. Nhưng cô Danae sẽ sinh con trai, và đứa cháu ngoại sẽ giết ông cướp ngôi vua. Vua hoảng sợ, tìm cách ngăn chặn hậu họa. Không nỡ giết hại con gái, ông cho xây căn hầm sâu trong lòng đất, đưa Danae xuống nhốt trong căn buồng bốn vách tường đồng vững chắc nhằm ngăn cách nàng với những kẻ đàn ông…
Trải bao tháng ngày sống dười hầm sâu, Danae tội nghiệp chỉ ngắm nhìn bầu trời qua một ô cửa nhỏ. Thần tối cao Zeus đã nhìn thấy nàng công chúa xinh đẹp đáng thương. Zeus hóa làm một cơn mưa, chui lọt xuống hầm sâu và ăn ở với Danae. Nàng thụ thai, sinh một con trai là người anh hùng Perce lừng lẫy, ông tổ bốn đời của dũng sĩ Heracles”.

- Zeus hóa thành hoàng tử ‘Amphitryon’, vụng trộm với vợ của hoàng tử là Ankmen:

Đã yêu thì phải bướm bay
Đã yêu thì phải yêu ngày yêu đêm
Yêu cho đến lúc đã thèm
Vẫn còn yêu nữa, say mềm chửa phai
Nhớ ai bên biển chiều tà
Bước mềm in gót ngọc vào cát yêu
Nhớ ai tình ngập thủy triều
Mây bay trăng trắng mỹ miều dáng em

Nhớ ai ru tiếng êm đềm
Giọt buồn lai láng, bỗng thèm nụ hôn

(Gót ngọc - NGLB)


“Vua Perce lập gia đình, sinh con trai tên Electrion. Vua Electrion lại sinh được chín trai một gái. Con gái đặt tên là Ankmen, về sau gả cho hoàng tử nước láng giềng là Amphitryon.
Hoàng tử Amphitryon thường đi chiến trận vắng nhà. Thần Zeus chú ý, liền hóa thành hoàng tử ‘Amphitryon’ về gặp Ankmen. Hai người ân ái ba ngày đêm liên tục, thần Zeus ra lệnh cho thần Mặt trời Apollon không được mọc suốt ba ngày ấy.
Nàng Ankmen sinh đôi hai đứa con trai - một của chồng, một của thần Zeus. Thần Zeus ẵm đứa con của mình về, lừa lúc nữ thần Hera ngủ say, cho thằng bé bú trộm sữa thần bất tử của Hera. Hera đang ngủ chợt thấy động, tỉnh dậy, hất đứa bé ra. Nó đã bú gần no, rời miệng khỏi vú. Một dòng sữa trắng lớn vọt ngang trời thành dải sao rộng lớn, gọi là Milky Galaxy (chòm sao sữa), phương Đông gọi là sông Ngân Hà. Thần Zeus ẵm bé bỏ chạy, trả cho mẹ nó, rồi đặt tên nó là Heracles (vinh quang của Hera).
Nữ thần Hera vẫn ghen tức, tìm mọi cách truy đuổi giết thằng bé Heracles. Bà ta cho hai con rắn độc chui vào buồng ngủ của hai bé trong cung điện của Ankmen. Chú bé Heracles 10 tháng tuổi ngồi trong nôi hai tay bóp chết hai con rắn...
Sau mười hai chiến công, dũng sĩ Heracles cưới công chúa Dedaniar. Vô tình phạm tội giết người, chàng lại bị đày đi làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale ở xứ Libi ba năm. Heracles lại tham gia cuộc chiến thành Troia 10 năm. Tại đấy, chàng yêu một thiếu nữ khác, vợ chàng - Dedaniar ghen tuông mà mắc lừa con nhân mã, vô tình hại chồng bằng tấm áo thấm máu con nhân mã mà nàng tưởng nhầm là chiếc áo bảo vệ lòng chung thuỷ. Heracles trúng thuốc độc, chàng đau đớn không chịu nổi nên đành tự thiêu. Zeus tối cao đón chàng về đỉnh núi Olympe trở thành vị thần bất tử”.

- Zeus hóa thành con bò mộng lông vàng óng để dụ dỗ và vụng trộm với nàng Europe:

Nghiêng nghiêng ấy, có đôi mắt thu hồn
Chờ đến một đêm nào, trăng sẽ ngon
Cong cong ấy, ẩn chứa một thân hình
Nguội lạnh cuộc tình, mơ ấm mùa đông

(Ngon! - NGLB)

“Vua Agienor thành Sidon là con trai của thần Pozeidon và tiên nữ Okenaid xứ Libie. Vua sinh ra bốn con trai là Cadmos, Phenicie, Kilice và Phinee và một gái tên là Europe. Nàng xinh đẹp như ánh sáng.
Một đêm nàng nằm mơ thấy hai mảnh đất khổng lồ cách nhau một quãng biển rộng, một mảnh gọi là Asie, còn mảnh kia chưa biết gọi là gì. Hai mảnh đất hoá thành hai người phụ nữ tranh nhau dữ dội giành bắt lấy nàng Europe. Cuối cùng người phụ nữ tên Asie đành thua cuộc. Người kia nuôi dưỡng chăm sóc Europe đến khi trưởng thành… Tỉnh giấc mơ cô kể lại với vua cha. Điềm chẳng lành?
Một ngày kia thần Zeus quyến rũ nàng, thần hoá làm một con bò mộng lông vàng óng, đôi sừng cong như vầng trăng, vầng trán toả ánh sáng bạc lấp lánh. Con bò đến gần nàng Europe, dụi đầu vào cánh tay, thè lưỡi liếm bàn tay nàng, quì xuống bên nàng. Hơi thở của nó cũng toả hương thơm ngát. Nàng vuốt ve nó rồi ngồi lên lưng. Bất chợt nó vùng chạy, lao xuống nước biển, nàng gào thét kêu cứu. Con bò bơi trên biển như cá. Những nàng tiên nữ biển cả Nereid lội hai bên rẽ nước hộ tống, Europe vẫn khô ráo khi con bò cập bờ một hòn đảo đô thành tên là Cret. Thần Zeus hiện nguyên hình uy nghiêm đẹp đẽ, tỏ tình với nàng. Sau đó Europe sinh hạ ba người con trai là: Minos, Radamante và Sarpedon. Những người dân xứ đảo này lấy tên nàng đặt tên cho toàn bộ vùng đất phía Tây là Europe nghĩa là châu Âu".
- Zues giả làm kẻ chăn cừu, hứa hẹn và tán tỉnh nàng Semele:


"Thần rượu nho Dionisote (Bacchus) là con của thần Zeus với một người phụ nữ Hi Lạp tên là Semele, cậu bé Dionisote sống với mẹ như một đứa con rơi, con hoang. Cuộc tình của mẹ chàng thật là bi thảm. Zeus lẩn tránh Hera, hóa thành chàng trai đến gặp nàng Semele, tỏ tình và khoe khoang. Ông ta hứa sẽ làm bất cứ điều gì nàng muốn.
Nữ thần Hera nghe biết hết, liền tìm cách phá hai người. Bà xúi giục Semele nghi ngờ Zeus không phải là vị thần tối cao mà chỉ là kẻ chăn cừu bình thường. Rồi Semele khăng khăng đòi Zeus hiện nguyên hình để chứng minh nguồn gốc. Zeus ra sức chối từ, ngăn cản nàng. Nước mắt và sự cương quyết của người phụ nữ đã thắng. Zeus buộc lòng phải hiện nguyên hình. Một tiếng sét nổ xé tai, rung chuyển trời đất. Thành Thebes bốc cháy. Zeus nhanh tay cứu kịp đứa bé con trong bụng người tình. Đứa bé thiếu ba tháng. Zeus rạch đùi đặt đứa bé vào, nuôi tiếp. Từ đùi cha, câu bé Dionisote được sinh ra đời lần thứ hai. Zeus đem con đi gởi các tiên nữ Nymphe trong thung lũng nuôi giúp. Hera còn tiếp tục theo dõi đánh ghen khiến cậu bé phải chịu bao khổ cực, trôi dạt từ xứ này qua xứ khác. Có khi thần Zeus phải biến cậu thành con dê để che mắt Hera.
Lớn lên, Dionisote đi lang thang khắp nơi, dạy dân trồng cây nho, ép rượu. Rượu nho mang lại sự vui tươi, hoan lạc có khi tới độ cuồng nhiệt… Dân chúng Hi Lạp học được nghề trồng nho và nấu rượu nho, trở nên khá giả. Họ biết ơn vị thần Dionisote, lập đền thờ chàng"...


Tiếng sóng lòng động rung, đâu đó bóng người tình
Tin nhắn nào gửi đi, đang nghĩ đến bóng hình
Ai nói lời nói yêu, ta liu xiu tháng ngày
Em bây giờ đã xa, tim ta nhói từng giây

(Tim nhói - NGLB)

5.
Đã yêu thì phải bướm bay
Đã yêu thì phải yêu ngày yêu đêm
Yêu cho đến lúc đã thèm
Vẫn còn yêu nữa, say mềm chửa thôi

hay
'Thiên thu vạn cổ yêu là khổ,
Vạn cổ thiên thu khổ cũng yêu'
,
thần Zeus này có nhiều chuyện ‘vụng trộm’ lắm, chúng ta không phải là ngài, nhưng vì là con cháu của ngài, nên đâu đó vẫn lảng vảng trong ta tính vụng trộm của ‘cha’ mình, ‘con hơn cha, nhà có phúc’, đôi khi ta còn lãng mạn hơn nhiều, biết đâu đấy!, nhưng tốt hơn hết là đừng nên bắt chước...

Cuối cùng, điều nầy cho thấy sự hấp dẫn của giới tính đến nỗi… Thiên đế mà cũng 'không thể kìm hãm cái sự sung sướng ấy lại', huống gì là ta - kẻ phàm phu tục tử:
'Tình nào thì cũng chắt chiu,
Người trần mắt thịt cũng yêu như... thần!
'.

-----------------------
Nguồn tham khảo chính:
- http://giangnamlangtu.wordpress.com/2011/07/13/van-h%E1%BB%8Dc-ph%C6%B0%C6%A1ng-tay-1/
- '3 mối tình của thần Du Bích Tiên' (trước giải phóng)

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

214. Vị đắng đào nguyên


Em nhớ anh



Ngược dòng tìm sắc ti-gôn tím
Bỗng rộn lòng em một dáng hình
Thời gian trôi mãi, ôi hờ hững
Vắng lặng không gian, chỉ bóng mình

Em mắt xa xôi, đứng tần ngần

Giông bão trườn qua đỉnh phù vân
Tim em xao xuyến về bên ấy
Trong chốn mờ sương, em... thấy anh

Sao em nỡ


Cố tình để hết đơn côi
Cố yêu để được chung môi với 'người'
Mỗi ngày làm một bài thơ
Hoàng hôn dần khuất mộng mơ lấp đầy
Trăng vàng ẩn nấp đâu đây
Trăng chìm trong gió trong mây, nhập nhòa
Sao người nỡ lãng quên ta
Người xinh xinh ấy, đậm đà dáng cong
Tình như nước chảy dòng sông
Duyên như gió lộng cánh đồng hoang vu
Sa vào giấc mộng cõi hư
Sa vào bể ái, ngất ngư thuyền tình

Tình đã chết


Em đến với mối tình
Khuôn mặt em xinh xinh
Tiếng cười em trong trẻo
Em tặng cả dáng hình

Rồi cuộc tình mong manh
Men tình ôi chóng vánh
Vị tình nhạt đôi môi
Thuyền tình trôi dĩ vãng

Những chiếc lá vàng bay
Để mùa thu ở lại
Hoàng hôn say say rơi 
Mộ địa cuối chân trời

Vị đắng đào nguyên


Nhớ em, nhắn mãi cũng chưa vừa
Nắng chiều qua cổng, gió đưa đưa
Lan sầu chết ngất không trổ nụ
Sân vắng nằm im, thiếu bóng người

Hoa cỏ may, trên đồi lộng gió
Bám khắp người, gỡ khó mà ra
Hương lạ kỳ, vương vương vấn vấn
Em lạ kỳ, mê mẫn hồn ai!

Rồi lỡ lang thang, một chuyến đò
Lúc trồi, lúc sụt, lúc quanh co
Lạc chốn địa đàng, sa lưới nhện
Vị cõi đào nguyên, đắng tuyệt vời.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

213. Các hiện tượng nghịch lý với khát vọng của chúng ta

LTS: Mình không nhớ rõ nữa, chắc là hai tuần trước, ở quán cà phê, có một cậu sinh viên ngẫu nhiên nhắc đến cụm từ ‘sánh vai với các cường quốc năm châu?’, chắc là cậu cũng có không ít băn khoăn khi nhắc đến cụm từ này. Nhân cơ hội này, mình 'ghi lại' một số cảm nhận của cậu, có tham khảo ý kiến của một số blogger như Nam Phương, Mùa Thu Buồn, Tiến sĩ kỳ lạ, Hương Mùa Thu, Melody-Tran, Giọt Buồn, Clover..., xin chân thành cám ơn các bạn. Entry 213 - ‘Các hiện tượng nghịch lý với khát vọng của chúng ta’, gồm: 


213a. Ăn mặc hở hang và nghệ thuật khỏa thân,
213b. Nét văn hóa 'hương thầm', và
213c. Rất tiếc chúng ta không phải là người nước ngoài.
Bài viết này 'chỉ hạn chế trong thế giới yahoo.blog', đăng làm nhiều kỳ và đang được chỉnh sửa, khi có ý kiến của các blogger, mình sẽ bổ sung. Trân trọng.


“Chân lý không hẳn là vô giới hạn, 
nhưng sự mù quáng làm cho nó vĩnh hằng. 
Cái bình thường không hẳn là đặc trưng của vạn vật, 
nhưng nó luôn bao hàm cái vĩ đại
Vàng thật để lâu năm, nó sẽ có màu xỉn xỉn, 
nhưng vì nó là vàng thật, nên nó luôn luôn là hiện đại
Vàng giả mới trông có màu vàng 'chóe', 
nhưng vì nó là vàng giả, nên nó sẽ rất sớm trở thành cổ điển"


213a. Ăn mặc hở hang và nghệ thuật khỏa thân

Lạc bước bồng lai, nắng đã đầy
Ngắm nàng kiều nữ, dáng hay hay
Trà tuôn dáng ngọc, bừng thi hứng
Bia trào môi mọng, thấm men say

Gió biển từ đâu, mát cả người
Mơn trớn làn da, cảm hứng khơi
Ngây tình, quyên hót trong vườn hạnh
Ngất lòng, huệ nở trên đôi môi
(Lạc bước bồng lai-NGLB)


Cậu sinh viên mở đầu, việc ăn mặc hở hang trên sân khấu hay nơi công cộng, đối với các ca sĩ, người mẫu, diễn viên… ở nước ta, dường như là một ‘hiện tượng’ bắt chước trào lưu nước ngoài, trong đó các ‘người đẹp’ nước ta nghĩ là phô trương da thịt mình hay lộ 'hàng' càng nhiều là càng hay!

Ở nhiều nơi như ở Mỹ/Châu Mỹ, Châu Âu, Thái Lan, thậm chí ở Nhật/Hàn Quốc…, làm như vậy là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng ở nước ta, trong một chừng mực nào đó, lại là chuyện ‘lố lăng’. Có người hỏi tại sao, cậu sinh viên chỉ nói đơn giản, chúng ta là người Việt Nam, có ‘cách’ của người Việt Nam, không mắc gì phải ‘học’ cái thứ văn hóa (có dấu hiệu) ‘lai căng’ (!) đó từ nước ngoài, lại có người hỏi tại sao là lai căng thì cậu ấy nhắc lại là việc ăn mặc hở hang đó đã có từ trong các quán bar hay sàn nhảy ở miền Nam trước 1975 - cách đây khoảng nửa thế kỷ rồi! Từ đấy, theo cậu, việc ăn mặc hở hang của các người đẹp trên sân khấu hay trên màn ảnh nhỏ, hay mới đây, trong dịp Euro Cup 2012, có nhiều em phơi da thịt trắng nõn với quả bóng đá..., để có thể tạo scandal hay để làm cho mình nổi tiếng, là ‘cổ điển’ chứ không phải là mốt ‘thời trang’ mới mẻ gì đâu… Cái ''gu'' thẩm mỹ của mỗi người mỗi khác nhau, chúng ta không thể áp đặt, bó buộc, cũng không thể ''đào xới'' lên án, cũng không vì thế mà dễ dãi với mọi kiểu lố lăng, phản cảm hay là chiều theo mọi thị hiếu để cái đẹp trở thành lố bịch' (Nam Phương).
Cũng theo cậu, dường như các nghệ sĩ của ta đang 'phát triển!' cái được gọi là tranh/ảnh 'nghệ thuật khỏa thân’ (nude nghệ thuật) đủ các loại, không phản đối. Thật ra trường phái ‘cổ điển’ này đã có tuốt từ thời Phục Hưng lận (ví dụ họa sĩ Goya, 1746-1828). Và theo cậu, dường như công chúng Việt Nam rất ít quan tâm đến tranh khỏa thân vì thiếu gì cách để mô tả cái đẹp của thân hình phụ nữ VN, đâu nhất thiết phải 'khỏa thân' hay 'phô bày!' các đường cong gợi cảm như phụ nữ phương Tây mới là cái đẹp!, ''Cái đáng lên án là không ý thức được mình mặc cái gì nó có phù hợp với văn hóa nơi mình đến không, hay là cái tinh tế, cơi sắc, chấm phá sẽ biến cái thô thành cái đặc sắc làm cho người ta bị cuốn hút vào cái đẹp mê hồn mà không có ý tà dâm' (Nam Phương).

Ngoài ra, nhiều bức hình hay tranh khỏa thân đã được đưa vào entry của một số blog, mà cậu thiết nghĩ là các blogger chỉ vào xem cho vui thôi, chứ các hình khỏa thân này không có tác dụng gì về mặt nghệ thuật đối với họ. Cậu nói tiếp, nước ngoài khác, ta khác. Ở nước ngoài, người ta có hiện tượng này là ‘tự nhiên nhiên nhiên’ do lịch sử phát triển của nước họ, do đó, đối với họ là bình thường. Có nhiều người nước ngoài về nông thôn VN, thấy những cô thôn nữ ăn mặc kín đáo nhưng vẫn rất hấp dẫn đến nỗi họ cầm máy ảnh chụp lia lịa để làm tư liệu hay sau đó mang về nước làm kỷ niệm. Không có những cái hình nghệ thuật 'khỏa thân' đó của các người đẹp VN thì thế giới tinh thần của chúng ta cũng không vì thế mà bị nghèo đi, vì 'nó không phải là khát vọng hay nhu cầu tinh thần của người VN qua bao thế kỷ nay'.

Và thực ra, muốn xem hình người đẹp như tiên da thịt trắng nõn thì thiếu gì cách, chẳng hạn vào Google ‘search’ là có ngay trong vòng một nốt nhạc! Nhưng cái đẹp của phụ nữ VN chủ yếu là ở nét kín đáo và ở 'tấm lòng':


‘Chỉ mùi hương đầm ấm, thanh tao.
Không giấu được cứ bay dịu nhẹ.
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thầm nói hộ tình yêu.
Anh vô tình, anh chẳng biết điều!
Tôi đã đến với anh rồi đấy…’
(Trần Thị Thanh Nhàn)

Anh thích con gái VN, đồng ý. NP thích cái đẹp nửa kín nửa hở của các cô gái VN, vừa mộc mạc, vừa Tây, dễ yêu, hay vừa đơn giản như là Thị Nở mà nấu cho Chí Phèo tô cháo hành giải cảm vậy, chỉ có vậy thôi mà đã đánh thức trong Chí Phèo từ lâu không biết thế nào là mùi vị của tình yêu. Người con gái không cần đẹp nhưng cần tấm lòng... và như thế có thể cột chân các chàng rùi (Nam Phương).

Nhu cầu thẩm mỹ và gu thẩm mỹ rất là quan trọng, nhưng nó phải phục vụ đúng đối tượng và ở không gian nào và vào thời gian nào, ví dụ không thể trưng bày hay biểu diễn cái được gọi là 'hở hang' nơi có trẻ em hay nơi công cộng..., khi đó việc này không những không làm tôn thêm giá trị của nghệ thuật, mà còn đem lại cho khán giả sự 'phản cảm':

- 'Người ta đến sân khấu để xem nghệ thuật chứ không phải để xem người hay xem ‘hàng’, đặc biệt là dưới sân khấu hay trên màn ảnh nhỏ còn có rất nhiều trẻ em ('Tiến sĩ kỳ lạ')',
- 'Tình dục là điều rất tự nhiên với đôi lứa yêu nhau, đó là điều thiêng liêng hạnh phúc nữa kia, tiếc thay ở ta, nó trở thành món hàng…', và 'riêng chủ đề hở hay kín thì em luôn thích nét đẹp nửa kín nửa hở, nó sexy theo cách nhìn nhận của người châu Á, ai nói kín thì không đẹp hay không thu hút?' (Melody-Tran),
- 'Trong thời buổi kinh tế thị trường này, cái đẹp của người con gái VN hái ra tiền, chính lẽ đó họ đã kinh doanh cái vốn sẵn có của họ mà không hề nghĩ đến hậu quả, cũng không hề cảm nhận được công chúng đón nhận họ như thế nào, có khi tự tạo scandal... miễn là nổi tiếng và có nhiều tiền là được' (Nam Phương).
- 'Chuyện kín với hở... thì quan điểm của em vẫn giữ nguyên như từ thời... 'blog cũ', mình là người Á đông và hãy nên nhớ như vậy... ta nên học hỏi cái hay chứ đừng nên bắt chước để rồi không biết mình là ai..." (Giọt Buồn)
Bạn Hương Mùa Thu còn đùa rằng:
- ‘Cứ như thời bao cấp, khoai không có mà ăn, da thì đen thui, có cởi trần truồng ra chụp cũng chả ai xem bác nhỉ. Bây giờ nó phơi ra cho mà xem miễn phí..., ngu gì không xem!’...


Xưa nay, ông bà ta vẫn giao lưu học hỏi văn hóa từ các nước khác, nhưng vẫn lấy văn hóa của ta làm gốc. Có một điều nên lưu ý là ăn mặc kín đào kiểu 'hương thầm' của phụ nữ VN vẫn mãi mãi là hiện đại, ‘đừng quá đua đòi theo phong cách thời nay hay của nước ngoài, ăn mặc chẳng giống ai, cứ phơi bày và lộ hàng chẳng ra làm sao cả, em cũng là phụ nữ nhưng thật tình khi thấy những người ăn mặc hở hang như thế, em không thích, chỉ thêm nguy hiểm cho mình thôi, vì mấy ông được mệnh danh là những người có máu 34+1 mà’ (Mùa Thu Buồn - California).

C
uối cùng, không nhất thiết 'mì ống Spaghetti' mới là ngon, mà mì Quảng, phở Hà Nội, bún bò Huế, bánh canh Trảng Bàng, hủ tiếu Mỹ Tho... cũng ngon không kém, 'có khi lại ngon hơn đấy chứ' (Clover), đúng không các bạn!


213b. Nét văn hóa 'hương thầm'


LTS: Các bạn thân mến, tiếp theo entry 213a - ‘Ăn mặc hở hang và nghệ thuật khỏa thân’, nay mình viết chủ đề ‘nét văn hóa hương thầm’, bài viết còn có thêm các tư liệu từ các bạn Tiến sĩ kỳ lạ, Giọt Buồn, Phuong, Trần Thị Thanh Nhàn, Mùa Thu Buồn, Hồ lô, Mưa Buồn, Nam Phương. Hoa Lưu Ly... Xin cám ơn các blogger, trân trọng.
Hãy gặp người có khuôn mặt mủm mĩm đó
Hãy suy tư sao cho trái tim rung nhè nhẹ
Hãy gửi người những bài tình ca khe khẽ
Hãy yêu sao cho thượng đế phải ghen hờn

Giữ lại nhé em, miệng cười răng rất đẹp
Giữ lại nhé em, mặt cười, chả muốn quên
Giữ lại nhé em, mắt nhìn, ai vướng đọng
Giữ lại nhé em, dáng mềm, tơ êm êm

1. Trước tiên, xin mời các bạn xem 2 tấm hình sau đây:

Hình 1:
Chèo thuyền trên một dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long, dáng hình nàng thể hiện đầy thi tính và khộng kém phần lãng mạn…, đó là hình ảnh ‘hương thầm’ của người con gái VN. Nổi lên trên nền trời màu thiên thanh - nền trời Việt Nam - có những đám mây trắng…, dáng hình của nàng lại thể hiện một người phụ nữ hòa mình với thiên nhiên với một trái tim đằm thắm và đầy nhân ái. Với nụ cười và đôi mắt trong veo nhìn lên như đang thấy một đóa hoa hướng dương trên bầu trời, nàng thể hiện sự lạc quan, khát vọng hay ‘lý tưởng sống’. Mặc áo màu tím - màu của tình yêu, nàng có vẻ ‘mộc mạc’ nhưng vẫn thể hiện sự hấp dẫn về giới tính, vẫn thể hiện đây đó những đường cong tuyệt mỹ: thắt đáy lưng ong, ngực nổi lên trên nền áo tím và toát lên cái khát vọng âm thầm nhưng mãnh liệt về tình yêu và tình dục như là quy luật của muôn đời. Nói chung, nàng đủ sức hấp dẫn bất cứ một người đàn ông nào:

Áo tím trong chiều áo tím ơi
Mái chèo khua nhẹ chiếc thuyền lơi
Bà ba.. câu hát theo cho lòng nhớ
Tựa tím bằng lăng... một góc trời 
(thơ tặng của bạn GB), hay

Nhớ em, nhắn mãi cũng chưa vừa
Nắng chiều qua cổng, gió đưa đưa
Lan sầu chết ngất không trổ nụ
Sân vắng nằm im, thiếu bóng người
 (NGLB)

Hình 2:

2. Vẻ đẹp của phụ nữ VN không nhất thiết phải phô bày làn da trắng nõn, không nhất phải phô bày những 'bộ phận' gợi tình mà có thể đưa người xem vào những tưởng tượng hay khám phá xa hơn về một thế giới thể xác đầy hương vị!: "Hình ảnh người con gái Việt đang bị giới showbiz Việt làm hoen ố... có những cái đẹp thật thùy mị đoan trang, không cần khoe da, thịt..." (Hoa Lưu Ly). Nàng ở trên thể hiện khát vọng? lý tưởng sống? tình yêu mãnh liệt? lòng nhân ái? tính 'kín đáo' hay nét ‘hương thầm’, tình yêu quê hương... của phụ nữ VN?:

- "Chúng ta đang sống trong hòa bình, thời đại của công nghệ thông tin, chỉ một cái click là anh có thể nhận được những dòng chữ này, nhưng có lẽ anh sẽ không bao giờ nhận được, và nếu anh có đọc được thì đó cũng như một bài viết vô tình anh đọc được trên mạng mà thôi, bởi anh không bao giờ biết lá thư này là em viết cho  anh…" (MB)hay:

- 'Trong chuyện tình “Ai về nhắn với bạn nguồn, mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên", tình yêu mộc mạc chân chất quê hương Việt Nam ấy lại chứa đựng sự bền bỉ lẫn sự mong chờ da diết của mối tình vượt cả chiều dài con sông, từ tận miền nguồn núi cao vòi vọi cuộn chảy quanh co dài dằng dặc qua bao thác ghềnh để rồi đổ xuôi về biển cả mênh mông của tình yêu vượt giới hạn khoảng cách không gian với sự nhắn gởi lời tâm sự, nỗi nhớ nhung khát khao thắm quyện trong niềm yêu thương thiết tha vô bờ bến..."
 (Blog 'Phuong')

Hình 3:

Nếu không nhầm, người phụ nữ VN như thế này thì tất cả các nước trên thế giới đều ngưỡng mộ: ‘Hình ảnh những cô gái mặc áo bà ba đội nón lá đẹp mắt quá anh à, thích thật đó’ (MTB - California), 'Kiểu 'hương thầm' là kiểu tình yêu kín đáo, không bày tỏ ra bên ngoài, nhưng có duyên ngầm bên trong mà ta có thể nhận biết được' (Trả lời MTB), và sau đây là câu chuyện của nàng 'Tiểu nữ' tâm sự với chính mình:

"Cứ vào ngày này Tiểu nữ thường vào rừng tự tay hái tặng mình loài hoa mình yêu thích. Tiểu nữ chưa hề biết ngày sinh thật của mình, ngày bố mẹ mất cô còn quá nhỏ để biết rằng mình đã được sinh vào mùa xuân hay mùa hạ, chỉ thấy mọi người nói là mùa ấy rất nóng. Thế rồi cô cũng cần phải có cho mình những giấy tờ cần thiết chứng minh mình là một Tiểu nữ và cô đã chọn cho mình cái ngày hôm nay là ngày sinh nhật mình. Nàng nói, nhưng ánh mắt nàng không toát lên vẻ gì buồn, dù sinh nhật nàng chỉ có nàng và người khách vô tình này, có lẽ nàng đã quen như vậy, bởi đây là cái ngày mà nàng tự đặt ra cho mình.
- Bạn thích màu tím?
Không... nhưng... nếu về màu thì Tiểu nữ thích màu xanh, còn về hoa thì Tiểu nữ thích hoa sen nhất... (Chuyện nàng 'Tiểu nữ' - GB)


"Hương thầm - mùi hương kín đáo, bí ẩn nhưng lãng mạn và kiêu sa" (Nam Phương) - nét văn hóa đặc dị mà chỉ riêng VN mới có thôi. Phụ nữ VN, nếu một chàng trai hỏi ‘em có yêu anh không’ thì mắc cỡ, đỏ mặt, tay vân vê tà áo hay đóa hoa trên tay, im lặng cúi đầu, mà im lặng là thể hiện sự đồng ý. Nếu người phụ nữ đó lập tức trả lời ‘yes’ hay ôm hôn ‘công khai’ chàng trai nọ trước đám đông như phụ nữ phương Tây thì dường như đó không phải là biểu hiện của người phụ nữ VN:

Nào ai đã một lần dám nói. 
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối. 
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ. 
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu ... 
(Hương thầm - Trần Thị Thanh Nhàn), hay:

Vì em anh tặng thơ tình
Vì anh đơn lẻ một mình em thương
Vì ta xa cách dặm trường
Mới thành nỗi nhớ niềm thương dạt dào
... 
(thơ tặng của bạn 'Hồ lô') ... 


3. …Ta không giống Tây hay Tàu, nền triết lý VN mãi mãi là độc nhất vô nhị trên thế giới này, có thể gọi đó là ‘nền triết lý ‘hương thầm’’ - không phô bày lộ liễu mà hàm chứa chất nhu bí ẩn bên trong, nhưng khi cần, nó sẽ thể hiện ra bên ngoài vô cùng mãnh liệt mà không có một sức mạnh nào có thể khống chế nổi, có phải điều đó làm ta đứng dậy sau ‘một ngàn năm đô hộ giặc Tàu’!


Cuối cùng, chúng ta chắc không phải mơ màng về một Tiểu Long Nữ 'thiên tiên thoát tục' của Tàu, mà nàng 'Tiểu nữ' của chúng ta cũng đẹp phi thường. Và nói chung, ‘Tiểu nữ' của VN cũng... bình thường thôi, nhưng cái bình thường luôn bao hàm cái vĩ đại.


213c. Rất tiếc chúng ta không phải là người nước ngoài

 
Vì sao nàng không biết
Tiên nữ sa bụi trần 
Vì sao nàng lao mãi
Đêm vào chốn thiêu thân
Dâm thần bỗng muốn ái ân
Lỡ chân vấp ngã xuồng tầng Diêm cung



Mình xin tiếp tục câu chuyện của cậu sinh viên tâm sự ở quán cà phê cách đây khoảng 2 tuần, các bạn vui lòng xem entry 213 - ‘Các  hiện tượng nghịch lý với khát vọng của chúng ta'.

Cũng như mọi sinh viên khác, trong vài năm trở lại đây, cậu thường thấy từ ‘Showbiz’ xuất hiện trên mạng, trên báo đài…, mình hỏi cậu, nhưng cậu chưa thể giải thích rõ cho mình rằng nó là cái gì. Ngẫu nhiên hôm qua, ngày 14/06/2012, lại có một blogger nhắc đến từ ‘Showbiz’, mình bèn hỏi cụ Gúc (= Google), cụ mới trả lời sơ sơ rằng Showbiz = Show business, có nghĩa là kinh doanh giải trí, là một từ ‘mới’ trong tiếng Anh, (tương tự như từ ‘Blog’ = Web-log), không có trong tự điển tiếng Anh, mà chỉ có từ ‘entertainment = giải trí’. Thế giới hoạt động của Showbiz được giới báo đài gọi là ‘làng giải trí’ mà chúng ta (kể cả trẻ em) thường xem như là ‘thi hoa hậu’, ‘live show’, ‘ca nhạc phòng trà’, ‘Sao Mai điểm hẹn’, hát Karaoke, thậm chí ‘Chiếc nón kỳ diệu’, ‘Đấu trường 100’…. Chúng là các món ăn tinh thần mà đã đem lại cho khán giả rất nhiều kiến thức, tính cộng đồng, cảm hứng và thư giãn…

Khi mình vào nhà cụ Gúc, ối chà, không phải bản chất mà là ‘hiện tượng’ của Showbiz nhảy ra tùm lum: Nào là chuyện một hoa hậu ĐBSCL nào đó đã kinh doanh thể xác và có dính líu đến đường dây mại dâm người đẹp… Nào là chuyện nữ ca sĩ HTh, chuyện chồng con như thế này, chuyện ‘yêu’ đại gia như thế kia, chuyện để lộ hàng như thế nọ… Nào là chuyện lộ hàng của BbP, HA, MH, LNK, HTh… Nào là chuyện ăn mặc hở hang của các diễn viên, người mẫu, ca sĩ như ThM, MH, HTh, ĐTr, ThT… Nào là chuyện scandal LTT bị Sida (chuyện lâu rồi). Nào là chuyện CTS bị rất nhiều scandal, nào là lừa tình!, nào là ‘yêu bạn đồng giới’…, trong đó bạn S có trả lời là có buồn nhưng không quan tâm…, ngoài ra, bạn ấy không đồng ý việc tham gia thái quá vào chuyện riêng tư từ thế giới mạng, đại khái là như vậy. Nhức đầu quá. nhiều quá, đọc mà hoa cả mắt luôn.


Phải chăng chúng ta tham gia vào làng giải trí là để cảm thụ nghệ thuật và mở mang tầm nhìn, chứ không phải là để ‘cải thiện mắt’ - xem ăn mặc hở hang hay xem ‘hàng’, không phải là để biết quá nhiều các vụ scandal, mà đôi khi vô tình chúng ta làm cho những kẻ ‘hở hang’ đó càng thêm ‘nổi tiếng’ và vô tình phục vụ cho ‘cái tôi’ của họ!

Phải chăng, "cái mà ngươi ta quan tâm bây giờ là sự nổi tiếng và kiếm nhiều tiền để vung vít cho cuộc sống anh à, NP yêu cái đẹp, NP thích cái đep, NP chuyên sâu vào cái gì đó nó ''khúc khuỷu'' một chút, nó tư duy một chút…" (Nam Phương), lâu nay người ta dần dần ngày càng lao vào cái được gọi là ‘nổi tiếng’ như những con thiêu thân, xem ‘tiền’ là trên hết đến nỗi vô tình không còn biết đến ‘con sông, bến nước’ hay ‘cây đa, mái đình’ mà đã hình thành tình yêu quê hương: "hôm qua nay nhìn mấy nhóc nhỏ thả diều em đang định viết về những kỷ niệm QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ TÔI, tuổi thơ - những ngày ngắn ngủi nơi em sinh ra... hiii... những ý định viết về quê hương con sông cây đa bến nước sao mà nó trùng với ý của anh vậy..." (blogger GB)

-Tôi yêu quê tôi yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi trên má cô hàng đẹp xinh
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây đang dựng mùa hoa
Tôi yêu đơn sơ qua mái tranh nghèo mẹ quê
Yêu duyên nên thơ trong tiếng khoan hò ước thề
Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng xưa
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây anh chờ em về… 
(Lối về xóm nhỏ - Trịnh Hưng)

-Làng tôi bên sông, nước trôi triền miên
Làng tôi bên sông, thuyền lên bến mỗi chiều
Nhưng đêm mờ trăng, thuyền đỗ cạnh bờ đá
Mái chèo nhặt khoan, nhịp khúc hát mơ hồ 
(Làng tôi - Chưa biết)

Bài hát này phổ nhạc từ bài thơ:

-Làng tôi bên sông, nước trôi triền miên.
Làng tôi bên sông, thuyền lên bến mỗi chiều.
Cầu mây cong cong liễu buông thần tiên.
Diều xa vi vu lắng trong gió đìu hiu..
Mỗi khi trời êm, chài lưới được nhiều cá,
khắp trên giòng sông lừng vang tiếng khoan hò.


-Ai vô Nam ngơ ngẩn vì muôn câu hò
Những tiếng đó khơi nguồn nơi sống ấm no
“Trăng phương Nam” sáng tỏa khắp bờ Cửu - Long,
nước chảy con thuyền xuôi giòng
vọng tiếng khoan hò ấm lòng …
. (Trăng phương Nam - Anh Hoa)

-Người từ (là) từ phương Bắc đã qua giòng sông, sông dài
tìm đến phương này, một nhà thân ái
Ơi ... tình Bắc duyên Nam là duyên
tình chung muôn đời ta đắp xây
Gặp nàng, nàng là thôn nữ mắt duyên cười say, môi hồng,
tình thắm đôi lòng, mộng vàng chung bóng  
(Khúc hát ân tình - Xuân Tiên)

(Xin lưu ý là lời các bài hát trên trước đây đã được nhiều người yêu thích và chỉ có tính chất tham khảo)

Rộng hơn,

- phải chăng càng này ta càng có nhiều ‘tiến sĩ giấy’, ‘số lượng tiến sĩ của ta nhiều gấp 5 lần của Nhật’, còn chất lượng thì rất mơ hồ! (blogger ‘Trương Văn Khoa’);
- phải chăng ta có nhiều dấu hiệu đạo nhạc, đạo văn, đạo ‘triết’…;
- phải chăng ta đang ăn mặc theo vô số mốt, mốt Mỹ hay Châu Âu, mốt Malaysia, Singapore hay Thái Lan, mốt Nga, Tàu, Hàn Quốc, Nhật Bản… (ví dụ quần short - áo pull và tay luôn cầm chai nước lọc, quần áo rằn ri, sặc sỡ, áo khoát dài của sĩ quan Nga ở xứ lạnh, áo đại cán, áo nam xẻ tà, mũ cối, váy ngắn, complê, áo Kimono Nhật Bản…);
- phải chăng ta đã ‘học hỏi văn hóa nước ngoài 'thái quá’ mà quên rằng áo bà ba ở miền Tây, bộ áo quần ‘quan họ’, áo nâu sòng của các cô thôn nữ, áo dài truyền thống… là vô cùng đẹp và vẫn luôn hiện đại mà được tất cả các nước trên thế giới ngưỡng mộ!

Tôi nghĩ đó là sự sexy mà gợi cảm chứ chẳng có gì đáng gọi là phản cảm! Những ca sĩ nước ngoài còn mặc cả bikini, đồ lót trên sân khấu cũng có sao đâu. Nghệ sĩ Việt đang dần học hỏi những cái hay, cái tốt của showbiz thế giới chứ không học nét xấu" (CTS), nhưng nữ ca sĩ ‘Sao mai điểm hẹn’ mong muốn khán giả đánh giá mình bằng giọng hát chứ không phải ngoại hình, Minh Chuyên thẳng thắn nói: “Tôi đồng tình việc treo diễn những nghệ sĩ ăn mặc hở hang”, và NSƯT Thế Hiển, tác giả của ca khúc ‘Nhánh lan rừng’ có mặt trong buổi giao ban lại gay gắt chỉ trích các nghệ sĩ mặc hớ hênh: "Chỉ có những ca sĩ yếu kém về nhận thức và trình độ mới để xảy ra sự cố như vậy. Những 'con sâu' như vậy đã 'rầu nồi canh", v..v... (Nguồn: Google)

Những ca sĩ nước ngoài còn mặc cả bikini, đồ lót trên sân khấu cũng có sao đâu, vâng, dĩ nhiên không có sao, rất tiếc chúng ta là không phải là ca sĩ nước ngoài: “Hình ảnh người con gái Việt đang bị giới showbiz Việt làm hoen ố... có những cái đẹp thật thùy mị đoan trang, không cần khoe da, thịt..." (blogger Hoa Lưu Ly), hay ‘Đừng quá đua đòi theo phong cách thời nay hay của nước ngoài, ăn mặc chẳng giống ai, cứ phơi bày và lộ hàng chẳng ra làm sao cả, em cũng là phụ nữ nhưng thật tình khi thấy những người ăn mặc hở hang như thế, em không thích...’ (blogger Tina Nguyen Huynh - California), hay 'Chuyện kín với hở... thì quan điểm của em vẫn giữ nguyên như từ thời... 'blog cũ', mình là người Á đông và hãy nên nhớ như vậy... ta nên học hỏi cái hay chứ đừng nên bắt chước để rồi không biết mình là ai..." (blogger Giọt Buồn)...

Nghệ sĩ Việt đang dần học hỏi những cái hay, cái tốt của showbiz thế giới chứ không học nét xấu, vâng, không phản đối, vậy những cái hay và cái tốt của ta đâu?:
- “Không nhất thiết 'mì ống Spaghetti' mới là ngon, mà mì Quảng, phở Hà Nội, bún bò Huế, bánh canh Trảng Bàng, hủ tiếu Mỹ Tho... cũng ngon không kém, 'có khi lại ngon hơn đấy chứ”. (Entry 213a), hay:
- “Chúng ta chắc không phải mơ màng về một Tiểu Long Nữ 'thiên tiên thoát tục' của Tàu, mà nàng 'Tiểu nữ' của chúng ta cũng đẹp phi thường. Và nói chung, ‘Tiểu nữ' của VN cũng... bình thường thôi, nhưng cái bình thường luôn bao hàm cái vĩ đại” (Entry 213b)

Cậu sinh viên nhắc lại rằng cậu không nói nhiều, hay nói cách khác là không quan tâm đến chuyện này, cái mà cậu quan tâm là cái gì đã dẫn đến như vậy? Khi lắng nghe cậu tâm sự, mình sực nhớ Socrates, một triết gia thời Hy Lạp cổ đại (470-399 TCN) nói đại để như thế này ‘Nếu một người thợ giày sản xuất ra một đôi giày tồi thì sẽ có một người nào đó mang một đôi giày tồi, nhưng nếu một dân tộc sản xuất ra một nền giáo dục tồi thì sẽ có một dân tộc tồi’, câu này ổng nói cách đây khoảng 2500 năm rồi, mấy ai mà không biết, phải chăng nếu nền giáo dục ở một nước nào đó mà chỉ quan tâm đến ‘hoa lá cành’, thì nói cho cùng sẽ làm cho nền đạo đức của nước đó có nguy cơ bị mất gốc!’: 'Giữ được nét thuần phong mĩ tục của dân tộc mới là gốc rễ bền lâu của nhan sắc người con gái Việt, "Hữu xạ tự nhiên hương" (blogger Nữ thần mặt trời)

Cụ thể hơn, 'các nàng' rất xinh và vô cùng đáng yêu, phải chăng việc ăn mặc cứ phơi bày và lộ hàng đó không hẳn là lỗi của các nàng, mà là lỗi của người xem hay công chúng, nếu người xem phản ứng bằng cách phản đối với ban tổ chức, bỏ ra ngoài không xem nữa… thì có ai dám tiếp tục nữa, ngược lại, "báo chí góp phần cho các nàng ấy hở thêm, phơi bày thêm cho mãn nhãn thiên hạ mà" (blogger Lan Nguyen), có nhiều người xem vỗ tay rầm rầm, thậm chí còn đăng tải và phát tán các hình ăn mặc hở hang lên trên mạng, như khuyến khích các nàng trên sân khấu cứ thế mà ‘liên tục phát triển như khẩu hiệu của dầu nhớt BP Super V’ vậy!
 



Như đã nói ở trên, “ta không giống Tây hay Tàu, nền triết lý VN mãi mãi là độc nhất vô nhị trên thế giới này, có thể gọi đó là ‘nền triết lý ‘hương thầm’’ - không phô bày lộ liễu mà hàm chứa chất nhu bí ẩn bên trong, nhưng khi cần, nó sẽ thể hiện ra bên ngoài vô cùng mãnh liệt mà không có một sức mạnh nào có thể khống chế nổi, có phải điều đó làm ta đứng dậy sau ‘một ngàn năm đô hộ giặc Tàu’! Phải chăng các hiện tượng bên lề Showbiz, hiện tượng ăn mặc hở hang, hiện tượng tranh/ảnh khỏa thân thái quá, hiện tượng ‘tiến sĩ giấy’, hiện tượng ‘đạo nhạc, đạo văn, đạo triết’, hiện tượng xem tiền là trên hết… là nghịch lý với khát vọng ‘phát triển bền vững’ của chúng ta!