Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

317. Hồi ức về 2 cuộc chiến tranh

1. Trong đời, khủng khiếp nhất là chiến tranh mà ai đã từng trải qua chiến tranh mới biết nó khủng khiếp đến dường nào, vâng, tất cả sẽ ra đi trong chớp nhoáng đến nỗi khái niệm ‘vô thường’ cũng phải tôn chiến tranh làm ‘sư tổ’.
Lá Bàng mãi nhớ về 2 cuộc chiến tranh: nhỏ và lớn. Trong bài này mình có kể lại một số sự thật và có dùng một số từ trong quá khứ, mong các blogger thông cảm.
 
2. Năm 1965, mẹ mình và 4 con sống tại vùng Núi L (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), còn ba mình thì đi dạy ở các huyện ‘kháng chiến’, khoảng 3 tháng mới về nhà một lần.
Một buổi sáng nọ, bỗng nhiên mẹ gọi các con dậy sớm vì có tiếng của bác Chín từ nhà bên vọng sang:
-Cô Sáu ơi, Việt Cộng đang đào hầm ở đầy đàng sau vườn nhà cô đó.
Thế là mẹ mình lật đật thu dọn đồ đạc, dẫn 2 anh em trai mình đi tản cư, còn 2 đứa em gái còn nhỏ, bà bỏ vào 2 cái thúng mà gánh đi, con chó nhỏ chạy theo kêu ‘ái ái ái’ rồi quay về giữ nhà. Đi ngang qua nhà bà Chín, mẹ mình sực nhớ là bỏ quên cái gì đó, bèn bảo em mình chạy về nhà lấy. Khi quay ra, đến ngã ba, lộn đường quẹo phải, nó đã gặp một chú bộ đội (mặc quần ka-ki, cởi trần) đang đào hầm, chú bảo:
-Cháu hãy chạy theo hướng kia kìa.
Để tránh đạn, mẹ mình chạy đường tắt qua Bùng (một khu thung lũng dọc bờ sông Vu Gia, đất bồi, để trồng thuốc lá…), cuối cùng mẹ mình lọt ra một đường lớn đầu làng Phiếm Ái. Ở đấy có một hàng rào công sự, có mấy tên lính tay cầm súng lăm lăm, trong đó có một thằng gọi là ‘thằng Sắc’, mấy phút trước đó, y đã đã bắn chết một phụ nữ dẫn đầu đoàn biểu tình từ bên Quảng Đợi sang (theo lời kể của mẹ). Y chỉa súng vào mẹ mình, sau khi nghe lời năn nỉ, y cho mẹ con mình đi, và cuối cùng chúng mình đến được nhà ông ngoại.
Cũng ngày hôm đó, mình có một người anh, đang học lớp 3, gọi là anh Bốn, anh ấy đang đi học về hướng Ái Nghĩa, vấp phải dây gài lựu đạn, lựu đạn nổ, anh ấy chết, bà Cửu khóc rống to:
-Tối hôm qua tôi nằm mơ thấy đau răng, quả nhiên là ngày hôm nay có tai họa. Sao trời không cho tôi chết đi mà nỡ hại cháu tôi, trời đất ơi là trời đất ơi!...
Thời ấy, có loại máy bay do thám gọi là ‘bà già’, bộ đội địa phương nấp dưới những bụi bình tinh/chuối nước cao ngất của nhà mình mà bắn lên, còn máy bay bà già thả trái khói xuống làm ‘tiêu điểm’, sau đó máy bay trực thăng đến nã đạn, rồi máy bay F5 đến rãi bom xuống khu vườn nhà mình. Vài ngày sau đó, mẹ và mình có ‘trở về mái nhà xưa’, ôi, tất cả đều trở thành bình địa với đủ các loại ‘xà bần’ rãi rác quanh nền nhà cũ, miếng đất 8 sào đã bị thả ít nhất 7 quả bom, một hố bom vẫn còn bốc khói!, căn hầm trú ẩn đã bị vô số mảnh bom/đạn, con chó nằm chết thẳng cẳng, ôi, tội nghiệp thay cho người bạn nhỏ của mình!
Rồi mẹ mình dẫn chúng mình chạy xuống Ái Nghĩa ở nhà bà cô. Ngày sau, trên đồn Ái Nghĩa có tiếng máy bay trực thăng ‘bịch bịch bịch’, không hiểu bàn bạc cái gì với cô chú mà mẹ mình liều lĩnh dẫn các con lên trực thăng, nó bay lên cao mà cánh cửa vẫn mở, lúc đó mình không biết sợ là gì!
Thế là chúng mình lọt vào một khu ‘trại tị nạn’. Ba tháng sau, ba mình mới tìm được vợ con. Ở đấy mình được tiếp tục đi học lại và thỉnh thoảng ban ngày học lai rai tiếng Anh từ một thằng Mỹ còn non choẹt (như ‘Hello, How are you?, Fine, thank you…’), ban đêm đi học hát từ Đoàn thanh niên chí nguyện (như ‘tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ố mấy bông mà nên bông…’).
Nay, có lúc mình đã viết: ‘Năm 1965, nửa triệu quân đồng minh đổ bộ vào VN… thế là có những cuộc sống đang thanh bình bỗng dưng trở nên không thanh bình. Cuộc chiến đã đuổi gia đình cậu bé đến một nơi, trớ trêu thay, tên nơi đó là ‘biển Thanh Bình’ (entry 154).
 
3. Buổi chiều năm nọ (9/3/1975), một buổi chiều vô cùng kỳ lạ. Bầu trời bỗng im ắng như sắp sụp xuống, báo hiệu một biến cố lịch sử khủng khiếp mà chỉ có kẻ thần giao cách cảm mới biết được.
Sáng hôm đó, không hiểu vì lý do gì, từng toán lính chạy vội về thị xã, ghé qua các hiệu cho thuê sách và rút ‘Thẻ quân nhân’, trong khi người dân vẫn làm ăn buôn bán bình thường, họ hoàn toàn không biết gì hết… Khi đó, cậu bé mới có 18 tuổi và cô bé mới có 16 tuổi, hai người mới thầm 'yêu' nhau và trao đổi thư từ qua lại được vài tháng.
Gần 3 giờ khuya hôm đó, khi cậu bé đang ngủ thì nghe tiếng gọi:
- Dậy mau, dậy mau, chạy mau, chạy mau, bộ đội đã đánh vào thị xã rồi.
Thế là cả nhà vội vàng, không kịp mang theo cái gì cả, nhảy lên chiếc xe ‘Thuận Thành’ và chạy qua một căn nhà khác được xem là an toàn hơn (vì, có lẽ, ông cậu của cậu bé là một ‘cán bộ nằm vùng’, nên ông đã biết trước diễn biến!).
3 giờ kém 10, một tiếng ‘chíu’, ‘ùm’, rồi cách đó khoảng 1km, bầu trời chợt lóe sáng lên, và ‘chíu’, ‘ùm’, đó là đợt pháo kích đầu tiên tấn công vào thị xã, tiếng pháo câu vòng cung bắt đầu từ trung tâm thị xã rồi tiến dần ra sân bay, rồi có tiếng trực thăng ‘bịch.. bịch.. bịch…’, viên tướng vùng đã bỏ chạy.
5 giờ sáng, ông cậu leo lên sân thượng và chạy xuống báo tin:
-Căn nhà của mình đã bị trúng quả pháo kích và bị thiêu rụi hoàn toàn.
6 giờ sáng, gia đình cậu mở cách cửa sắt ra, nhìn xéo xéo qua góc bên phải, trước cái ‘băng-ga-lô’, nhiều toán lính đứng túm tụm lo lắng nhìn ra ngoài, mấy phút sau đó, ‘ối trời ơi’, cua bò lỏm ngỏm khắp thị xã, đó là những chiếc T54, to, chạy lù lù trên đường, trông giống như những con cua khổng lồ. Mấy người lính kia lập tức rút sâu vào băng-ga-lô, một số bỏ chạy xuống suối, vứt cả súng ống, vứt cả áo quần, chỉ còn một cái quần đùi (hay với áo may-dô), áo quần lính bị vứt rãi rác khắp 2 bên lề của đường đi xuống suối’ (entry 175).
…Nhờ cuộc chiến tranh này mà mình biết hút thuốc lá và ăn thịt chó, híc... Vì không nghĩ là mình sẽ còn sống nữa nên trong hầm trú ẩn, mình đã tập hút điếu thuốc Capstan đầu tiên. Mình có nhớ, một buổi trưa nọ, khi cả nhà đang ăn cơm, có một anh lính vào nhà mình với khẩu súng lăm lăm chỉa thẳng về phía trước, mợ mình bước ra nói đại ý là:
-Mấy cháu còn đi học, không có làm gì hết anh à.
Anh ta hỏi thầm vào tai mợ mình:
-Nhà này có đồng hồ ‘Long-gin nữ’ không?
Sau khi thấy không hỏi được gì, anh ta đi ra. Mấy ngày sau, mình vô tình quen với một nhóm bộ đội trẻ và được họ rủ đi ăn thịt chó lần đầu tiên trong đời…
Khoảng 10 ngày sau đó, máy bay F5 đã lén đi theo đường biển, rà sát mặt đất, rồi bất thần xuất hiện trên bầu trời, thả bom trúng ngay vào chợ Ban Mê Thuột lúc mọi người đang đi chợ, có hơn 200 người chết một cách thê thảm… Đài BBC đã thông báo ‘ẩu’ là mọi người ở Ban Mê Thuột đã chết hết!, thế là mình phải chạy xe Hon-đa ‘đam’ về Đà Nẵng để báo tin cho bà con là những người thân ở BMT vẫn còn sống, trên đường đi qua ngã ba Phú Bổn/đèo An Khê, xác lính chết không được ai chôn, trương phình lên, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc… Và trên đường qua đèo Rù Rì (Bình Định), mình vừa chạy xe máy vừa hét vang lên:
-Thùy Dung ơi, em đang ở đâu?
Về đến Đà Nẵng, bà nội và bà cô mình chạy ào ra khóc nức nở vì mừng rỡ, còn ba mình nói:
-Nghe đài BBC nói là mọi người đều chết, ba định sau này vào Ban Mê Thuột thắp cho con mấy cây hương.
...Sau đó mình mới biết nàng Thùy Dung đã chết vì khi cả gia đình nàng chạy lánh nạn và đang ăn cơm trưa, đột nhiên một toán lính xuất hiện và ném một trái lựu đạn vào bữa ăn làm họ bị chết hết.... 
 
4. Chiến tranh, anh Bốn - người bạn thân nhất của mình - đã chết vì một quả lựu đạn và kết thúc thời thơ ấu của mình. Chiến tranh, nàng Thùy Dung - mối tình đầu của mình - đã chết vì một quả lựu đạn và kết thúc thời niên thiếu của mình. Nhưng chiến tranh rồi sẽ kết thúc - việc thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 đã làm mình mừng rỡ trào nước mắt, tình yêu vẫn sinh sôi nảy nở, mình sa chân vào trường đại học bôn ba, rồi bước sang một chiến trường mới là thương trường - tuy không có cảnh đầu rơi máu chảy nhưng không kém phần khốc liệt, rồi nhận thấy không có năng khiếu ‘cạnh tranh với đời’, mình lặng lẽ bước chân vào Cổ Mộ...
------------
Các entry có liên quan:
Entry 154: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/da-khuc-noi-niem-cua-cau-be.html 
Entry 175: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/sau-chopin-ke-bi-choi-tu_6.html

318. Chuyện ngụ ngôn về con rùa 2000 năm


Ngày xửa ngày xưa, có một đàn rùa rất đông, sống rãi rác trong ngôi làng nguyên sinh X, dưới những tảng đá to nhìn xuống một dòng sông khá hùng vĩ và đầy thơ mộng.
Trong số những con rùa này, có một số biết làm thơ văn và phê bình thơ văn. Chúng làm thơ văn không đến nỗi tồi, thậm chí có lúc rất hay nữa, nhưng chúng lại 'hầu như' không để tâm là bản thân mình làm dở ở chỗ nào, làm gì để cho văn chương hay hơn, hay làm thế nào để văn chương ở làng mình có thể bằng các làng rùa khác trên thế giới. Quan trọng hơn, chúng có một đặc tính cố hữu là rùa A chê rùa B, rùa B chê rùa C, rùa C chê rùa D, rùa D chê rùa E… mà chúng cho đó là 'sự thông thái', rộng hơn là ‘tính cộng đồng’, và chuyện đó mãi kéo dài đến 2000 năm.
Gần đây, có một chú rùa trẻ thường hay ngồi suy nghĩ dưới gốc cây, nó cũng thường hay ngắm trăng, trước đó, nó cứ ngỡ là trên mặt trăng có chú Cuội và chị Hằng Nga. Ngày 16/7/1969, nó bỗng bất ngờ phát hiện ra có một vật gì bay vòng vòng trên mặt trăng, hỏi kỹ ra, nó mới biết đó là chiếc phi thuyền Apollo 11 của làng rùa M đang đáp xuống mặt trăng.
Thế là nó nằm mơ. Nó mơ thấy các ngài như Shakepeare, Hugo, Balzac, Dostoievski, Lev Tolstoi, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Tagore, Khalil Gibran, Kim Dung… ngồi họp với nhau và họ rất ngạc nhiên khi thấy các cụ ở làng rùa X vẫn ở vùng trũng văn chương của thế giới, chưa biết giải Nobel văn chương là hình vuông hay hình tròn, sau đó nhờ thảo luận rất lâu về thực chất của cái được gọi là tính cộng đồng 'duy ngã' (= đề cao cái tôi), các ngài mới vỡ lẽ ra.
Gần đây hơn nữa, có cụ rùa M lại đi ghi chép và moi móc chuyện riêng tư của các cụ rùa làm thơ văn khác như N, O, P, Q…, chú rùa trẻ mới thấy buồn lòng và nghĩ thầm là: vấn đề là xử lý thông tin như thế nào? điều đó có lợi gì cho bản thân cụ? cho làng X? cho xã hội? cho dân tộc? cho loài rùa?, và chắc cụ cũng thừa biết là những người phương Tây duy lý luôn luôn nói là 'tôi không thích những vấn đề có tính chất cá nhân' (= I don't like personal questions)...  Rồi 20-30 năm sau, thế hệ con cháu rùa mới ngồi lại với nhau và hỏi ‘ý cụ muốn nói cái gì nhỉ?’, nó thiết nghĩ là các cháu không có câu trả lời. Hết.
---------- 
Entry có liên quan:
http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/chuyen-ngu-ngon-ve-con-kien-thanh-cong.html

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

316. Joel Brinkley và tính hung hăng!



1. Dưới giác độ blog, nếu ta nói ai là người ‘hung hăng’ thì đôi khi ta lại là người… hung hăng, nhưng tiếc thay Joel Brinkley là người quá hung hăng đến nỗi không nói không được. Lưu ý là trong blog này, khi mình viết dấu ‘!’ là ngạc nhiên/nói nghịch, không hẳn là ‘thể xác định’ hay bạn đọc cần tìm hiểu thêm.
Joel Brinkley là giáo sư hiện giảng dạy báo chí tại Đại học Stanford (Mỹ). Trong bài ‘Ai về Cổ Mộ?’ (entry 313), mình có viết: ‘trước đây, mình sùng bái thằng bạn của mình như là thần tượng (idol), nó… là giáo sư-tiến sĩ, quan hệ rộng, nghe một số bạn đồn là nó sống có tình nghĩa!, không ngờ càng học, tính cách của nó không tăng mà thụt lùi lại thành ‘x' học’. Và không ngờ điều này lại ứng đúng vào tên Joel Brinkley, y hung hăng ở chỗ nào?
2. Joel Brinkley đã từng tâm sự là y có đến Việt Nam 4-5 lần gì gì đó, lần gần đây nhất là chuyến tour ‘ba-lô’ 10 ngày (cuối 2012 và đầu 2013) và phần đông là tiếp xúc các ‘hai lúa’ mà y cũng không nhớ rõ là bao nhiêu người, y nói: ‘Tôi đi từ TP.HCM ra Hà Nội trong chuyến du lịch vào tháng trước và đã nói chuyện với nhiều người, phần lớn là dân thường. Tôi không đếm số người tôi đã gặp gỡ’ (theo vietnam.net).
Về nước, vào cuối tháng 1/2013, y đã viết một bài nghiên cứu! là ‘Dù ngày càng thịnh vượng, thú ẩm thực ở VN vẫn khác thường’ (Despite increasing prosperity, Vietnam’s appetites remain unique) mà nói rằng vì người Việt Nam ăn nhiều thịt nên có tính hung hăng!, y còn xem 17 lần mà dân ta tự vệ chống các cuộc xâm lược từ phương Bắc (và những lần va chạm với các nước láng giềng khác) như là các minh họa cho tính hung hăng đó!!!
'Anh hùng áo vải' Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa
Ở Việt Nam, có khoảng 9 triệu tín đồ theo đạo Phật (kể cả 1,5 triệu theo đạo Hòa Hảo và 800 ngàn theo đạo Cao Đài), khoảng 6,2 triệu tín đồ theo đạo Chúa (kể cả 735 ngàn theo Tin Lành) và khoảng 130 ngàn tín đồ theo các đạo khác (Hồi giáo, Bà-la-môn…), như vậy còn khoảng 75 triệu người theo đạo ‘thờ cúng ông bà’ (đạo 'Lương'). Joel Brinkley đã hoàn toàn sai khi cho rằng các tín đồ chủ yếu là ăn thịt, đặc biệt là y không biết rằng người Đồng bằng sông Cửu Long thường có nhiều ngày ăn chay trong tháng...
Thực ra, ở nông thôn ta có ăn thịt gia súc, gia cầm và thú rừng, nhưng thịt chỉ là thức ăn thứ yếu mà chính ngũ cốc và rau quả mới là thức ăn chủ yếu như cơm, bún/phở, miến, mì tôm, bánh canh, xôi, bánh tét/bánh chưng, bánh tráng (bánh đa), bánh mì, sắn (khoai mì), khoai lang, bắp, đậu phụng/mè, đậu phụ/chao, xì dầu, rau muống, rạu dền, rau đay, rau má, mùng tơi, cải, tần ô, xà lách, đậu cô-ve, đậu đũa, mít non, bí/bầu, dưa leo, cà, giá, củ kiệu, các loại rau thơm…, ví dụ như trong món lẩu mắm ở miền Tây, người ta hầu như ăn rất nhiều rau thay vì cơm…
 
3. Đây là một đoạn mình đã viết (mong rằng Joel Brinkley sẽ sang lại Việt Nam để học hỏi thêm): 
a. ‘Tết xưa và nay’ (entry 312):
...Vào những năm 1960, ngoài các thức ăn chủ yếu như thịt gà, thịt heo, cá nục hấp, mắm cái, dưa chua hay củ kiệu (một loại kim chi làm bằng củ hành)…, Tết ở Quảng Nam (Hội An, Đà Nẵng) thường có bánh tráng/bún, bánh tét, bánh chưng (loại nhỏ 10x10cm), bánh ít, bánh tổ (làm bằng bột gạo + đường mía), bánh in, bánh nổ (làm bằng nếp), kẹo 'hột sen'! (làm bằng bột đậu xanh, viên tròn to hơn viên bi một tí, gói trong giấy kính hay giấy màu thủ công)…
b. 'Kim Thánh Thán và không khoái sao được (entry 311):
-Bạn đã từng chế biến món cá kho với khế hay chuối chát chưa? (cá rô, chép, tràu, ngừ…)  Có một lần mình uống cà phê ở dưới một cây khế, đây là loại khế chua, trái đầy cành, chín vàng. Mình xin mấy trái về bỏ vào nồi cá kho, ăn vào thấm lưỡi, ôi ngon tuyệt, không khoái sao được!
-Hồi hộp khi câu cá đục (ví dụ ở biển Thanh Bình/Nam Ô, Đà Nẵng), ta buông cần câu, lưỡi câu biến vào lòng nước biển (sông, ao hồ…), giật lên, lúc được lúc không, rồi ‘ồ, được con cá to quá’, câu cả ngày được một giỏ cá, đem về, chính tay mình làm: bằm vụn, bỏ gia vị vào, chiên giòn làm món chả cá thơm phức - thành quả của một ngày dãi dầu nắng gió, hì…, không khoái sao được!
-Lúc ở Hải Phòng, vào một buổi sáng nọ, trời rất lạnh, mình được chiêu đãi một bữa cơm gạo tám muối vừng (mè), ngon vô cùng, mình vẫn nhớ mãi; đặc biệt, khoảng 10 năm nay, ở bến xe Gia Lâm (Hà Nội), có mấy người bán dạo mời chào món cơm nắm muối vừng (hay muối lạc), ăn rất ngon, không khoái sao được!
-Ta lội ruộng bì bụp, chộp nguyên bàn tay xuống bùn, toát mồ hôi, dần dần bắt được một rổ cua đồng, về chiên giòn hay làm bún riêu (thêm giò/xương heo vào), có tóp mở, mắm tôm, ăn với một rổ rau sống thái nhỏ (kể cả lá dấp cá), không khoái sao được!
-Ta mua thịt heo nạc về, đổ nước mắm xịn và bột ngọt vào, kho cho cạn, rồi lấy chày cối ra, giả nát, ta sẽ có món dăm-bông (ngoài Bắc gọi là 'rút', và được món mắm kho quẹt miền Tây), ăn ngon tê lưỡi, ngoài ra, mỗi buổi sáng hay khuya đói bụng, ta có thể làm được đến 3 chén cơm nhờ món dăm-bông này, không khoái sao được!
-Khoai lang hay sắn mới đào lên, đem ném vào đống than hồng đỏ rực, ngồi tán phét một tí, khi có mùi thơm thì lấy que khèo ra, bóc vỏ, bỏ vào mồm, ngon sản hồn luôn, vua Càn Long mà cũng bái phục và gọi ‘khoai lang nướng là món ăn ngon nhất thế gian’, không khoái sao được!
-Chắc bạn đã từng từ Đà Nẵng qua đầu bên kia hầm Hải Vân (hay ở Xuân Thiều, Lăng Cô), ghé lại kêu món mực tươi hấp mà người ta vớt trực tiếp từ biển lên, để nguyên con không xử lý, rồi chấm với mắm gừng, không khoái sao được!
-Bạn lấy vài trái xoài chua còn xanh (tương tự với món da heo/tai heo, mít non luộc Quảng Nam), thái dài, mỏng và nhỏ, giả tôm khô, bỏ đường, nước mắm, tỏi, tiêu, ớt, đậu phụng rang, hành tây/rau răm… rồi trộn đều, để 30 phút, ta sẽ có món xoài trộn (gỏi xoài) để ngồi cụng ly với các chiến hữu, không khoái sao được!
-Dùng nồi áp suất, bạn có thể làm món giò heo/xương heo hầm với khoai môn (khoai sọ) rồi bỏ lá rau ngổ vào, hay hầm một con gà ta với đầy đủ gia vị, 15 phút sau, bạn nghe tiếng nồi áp suất báo ‘chít, chit, chít’, thế là ta đã có món gà/xương hầm để măm măm rồi, không khoái sao được!...
c. 'Ngồi viết blog ở Ban Mê Thuột' (entry 68):
...Ánh sáng đang choàng qua cửa sổ, nước chảy róc rách suốt đêm, những bụi trúc đang thẳng mình chờ đón ánh sáng ban mai, cây ngũ da bì đang lắc lư trước gió, cây dừa thì trầm lặng không nói gì, cây cọ màu xanh lơ đang ưởn mình kêu gọi nắng mai, một cây chuối trẻ đang im lặng lắng nghe lời tình tự của 'Chí Phèo và Thị Nở', nữ thần Venus vẫn âm thầm thu hút người xem, ...
Xa hơn là những bụi tre, tre vàng có, tre xanh có, mấy cây chè xanh đứng thẳng vô tư lự, cây sung nhỏ đang ẩn mình chờ lớn, cây chanh con đang sản sinh ra những quả nhỏ xíu đầu tiên, cây ớt lú nhú mấy quả xanh chờ người sành điệu, ...
Xa hơn nữa, một bụi sắn vươn mình qua khỏi bức tường cũ như dang tay chào đón ai, cây keo cao rũ những quả già chín khô đầy cành, nhiều bụi chuối sứ to lén lúc người ta đi xa mà lớn như thổi, một cây cà ri đang đứng khiêm tốn dưới mấy tàu lá chuối, ... Sắp có bão, bầu trời Ban Mê Thuột nhìn lên toàn một màu hơi xám nhưng ánh sáng thò qua cửa sổ vẫn làm chói mắt người, vẫn có tiếng ơi ới gọi nhau đi uống cà phê sáng...
 
4. Joel Brinkley chả biết tí xíu nào về ‘phép biện chứng’, đó là người ăn thịt nhiều chưa chắc là người hung hăng và người ăn rau nhiều chưa chắc là người không hung hăng.
-Trong truyện ‘Thiên long bát bộ’ (của Kim Dung) có một nhà sư là Đại luân minh vương Cưu Ma Trí suốt đời ăn chay nhưng là kẻ vô cùng hung hăng.
-Trong truyện ‘Ỷ thiên đồ long ký’ (của Kim Dung) có một nhân vật tên gốc là Thành Khôn, sau khi hãm hiếp vợ Tạ Tốn và giết cả gia đình Tạ Tốn là 13 người, y đã gia nhập phái Thiếu Lâm làm đệ tử của Không Kiến thần tăng với pháp danh là Viên Chân, nhưng y là kẻ vô cùng hung hăng.
-Trong truyện ‘Tiếu ngạo giang hồ’ (của Kim Dung) có một nhân vật là Ngụy quân tử Nhạc Bất Quần - Chưởng môn phái Hoa Sơn (một môn phái của Đạo gia), suốt đời tu và ăn chay đến nỗi đến 60 tuổi mà trông còn trẻ như 30-40 tuổi, nhưng y là kẻ vô cùng hung hăng.
-Ai đã gây nên Đại chiến thế giới lần thứ 2 (1939-1945) làm cho 62 triệu người chết? Chính hắn - Hitler, kẻ hung hăng nhất thế giới (không biết Joel Brinkley có nghiên cứu là Hitler có ăn nhiều thịt hay không mà hung hăng khủng khiếp như vậy!).
-Nếu không nhầm, (những) người Mỹ đã hạ lệnh thả 2 trái bom nguyên tử xuống 2 đảo HiroshimaNagasaki của Nhật Bản vào ngày 6 và 9/8/1945 làm chết hơn 214.000 người và gây hậu quả nhiễm phóng xạ cho người Nhật cho đến ngày nay, là kẻ vô cùng hung hăng! (ngược lại, những kẻ đã hạ lệnh ném bom xuống Trân Châu Cảng của Mỹ ngày 7/12/1941 làm 2.402 người chết và 1.282 người bị thương cũng không kém phần hung hăng!).
-Nếu không nhầm, Bin La-đen! đã tổ chức đánh sập Trung tâm thương mại thế giới (WTC) vào ngày 11/9/2011 làm chết 2.974 người, là kẻ vô cùng hung hăng!...
5. Chả lẽ các anh hùng Lương Sơn Bạc hay kêu ‘cho ta vài cân rượu và vài cân thịt bò’, dân Hàn Quốc ăn thịt chó, dân Mỹ/Anh ăn thịt gà tây (vào ngày Noel), người châu Phi và Nam Mỹ chủ yếu là ăn thịt thú rừng, người Bắc cực (ét-ki-mô) ăn thịt hải cẩu, gấu và cá voi, người Hồi giáo có ăn thịt cừu, gà, bò hay nai (chứ không ăn thịt heo), người Mông Cổ ăn thịt ngựa hay cừu, người Úc ăn thịt Kan-gu-ru, người Nhật ăn cá sống, thịt cá nóc, thịt bò kô-bê, quân đội Mỹ ở Việt Nam thường ăn thịt hộp, người Pháp xem ốc sên là món ăn VIP, người Malaysia/Thái Lan còn ăn cả thịt giun, rết, bò cạp và bọ xít… lại là những kẻ hung hăng!...
Joel Brinkley viết: ‘Ở Việt Nam, bạn dễ dàng nhận thấy những điều bất thường. Bạn không nghe tiếng chim hót, không thấy sóc leo cây hay chuột lục lọi trong những đống rác. Thậm chí, cũng chẳng có con chó nào chạy rông’ (theo vietnam.net). Nhưng khi ngồi viết blog, mình thấy sóc kêu 'chít chít' và chuyền rất nhanh từ cành này qua cành nọ trên một cây cổ thụ sau vườn và 2 chú chó nhỏ đang đùa nghịch làm mình cười quá trời...
Có lẽ Joel Brinkley bị mù, không phải là mù hữu hình mà là mù vô hình, đó là hiểu quá ít về văn hóa, đời sống, phong cảnh thiên nhiên và lịch sử Việt Nam, thiếu nhạy cảm trong việc hòa nhập với con người, tín ngưỡng và tâm linh, và với sự kết luận võ đoán nói trên, y đã tự chứng tỏ là y có tính hung hăng, chắc là vì đã ăn nhiều ‘thịt’!
---------------------------
Tài liệu tham khảo:
-http://www.baomoi.com/Noi-nguoi-Viet-hung-hang-do-an-nhieu-thitGS-My-xin-loi/119/10400021.epi   
-http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109340/giao-su-my-xin-loi-ve-bai-viet-sai-sot-ve-viet-nam.html 
-http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/02/311-kim-thanh-than-va-khong-khoai-sao.html 
-http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/02/311-kim-thanh-than-va-khong-khoai-sao.html 
-http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/02/313-ai-vao-co-mo-chinh-ta-hic-hic.html  
-http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/10/68-ngoi-viet-blog-o-ban-me-thuot.html 
-và các tài liệu khác có liên quan.