Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

755. Những con khủng long thời tiền sử! (Xã hội ‘lễ hội’ - Phần 2)


Cô đơn ngước mắt, trời đêm lạnh
Kiếm chút ngọt ngào, trong bóng đêm
Dáng em phảng phất mờ sương khói
Nhưng bỗng thấy lòng... cơn sóng lên
---------

PHẦN II: Những con khủng long thời tiền sử!

3 (tiếp theo entry trước)
-‘Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử là 3 con khủng long thời tiền sử’ (!)
-Ủa, sao anh nói vậy?
Tôi ngắm nhìn anh ta. Trông anh trạc độ 60 tuổi, khá vạm vỡ, khá đẹp trai…, mà nhìn cách ăn mặc, tôi đoán anh đã từng là lính… Ngồi kế bên anh là 2 phụ nữ, nói chung là có 3 người, trong đó có một nam là sĩ quan (anh ta), hai nữ, một giám đốc, và một nhà đa hệ (trồng cà phê, tiêu, điều, rau, chăn nuôi, buôn bán…).
Anh vừa lấy phít pha một ấm trà Bắc, vừa thủng thẳng nói:
-Tôi nói họ là ‘ba con khủng long thời tiền sử’ là tôn trọng lắm rồi (!)… Thì 3 cái ông ‘Tử’ đó có ăn nhậu gì với đời sống của chúng tôi đâu! Còn Rát Riếc, Nít Niếc, Mác Miếc… (ý nói Socrat, Nietzsche, Marx) cũng vậy... ‘Bán anh em xa, mua láng giềng gần’ (ý nói những người sinh sống quanh rẫy), mấy cái ông thời ‘cổ đại’ hay ‘viện bảo tàng’ đó thì quá xa xôi, viễn vông, chúng tôi không cần ‘nam mô’, mà cần phải sống.
Anh nhấn mạnh chữ ‘sống’ và tôi hiểu ý anh…

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

754. Xã hội Việt Nam là một xã hội ‘lễ hội’! (Phần I)


Sáng ra đã thấy cái đèn cù
Người làm, kẻ bảo, biết ai ngu!
Bóng hồng thượng đế tươi cười ánh
Quên cõi ta bà, ta chớm... yêu
---------

PHẦN I: 'Ham vui' hay 'thích tụ tập bầy đàn'!

Ôi, trong vòng 5 ngày (23-27/10/2015) mà tôi đã tham dự 13 cái ‘lễ hội’, còn các bạn bè 'ham vui' của tôi đã tham dự nhiều hơn - từ 15 đến 25 cái ‘lễ hội’ lớn nhỏ!
Và có một sự thật là trưa Chủ nhật tuần này (ngày 1/11/2015), tôi có… 4 cái đám cưới!, vì hôm nay mới thứ Ba, chứ đến Chủ nhật thì chắc chắn số giấy mời đi dự ‘lễ hội’ phải lớn hơn 4, hu.. hu… Tôi mới ước gì mình là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không, bứt nhúm lông khỉ ra và ‘hô biến’ một cái, thế là có mấy người đi dự hết hơn 4 cái ‘lễ hội’ dân gian này!

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

753. Tôi đã gặp ‘chị Phụng’!


Có một con hạc giấy
Tôi mang mãi theo người
Nàng nay xa xôi mắt
Chú hạc, im, ngậm ngùi
*
Sớm mai, nắng thăm vườn
Đường thênh, ta dạo bước
Nắng rừng sau lưng rượt
Gió lồng, ướt mi sương
---------

Tôi đã xem phim ‘Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng’, và tối nay (24/10), tôi đã gặp… ‘chị Phụng’, theo một nghĩa nào đó. Tôi đã gặp… chị như thế nào?
(Lưu ý rằng ‘chị Phụng’ đã chết vào khoảng tháng 5/2011, còn ở đây là tôi kết nối hình ảnh của ‘chị Phụng tối nay’ với ‘chị Phụng trong phim’ nói trên)
1
Mấy ngày nay ở Phố Núi, cứ mỗi chiều tối, tôi lại nghe tiếng nhạc inh ỏi ‘chách chình chình, chình chách chình chình…’ được khuyếch đại qua một hệ thống loa với cường độ (rất) mạnh, rồi sau 7g tối là những bài hát vang rền cứ lần lượt xuôi theo chiều gió mà bay ào ào vào tai tôi… Dòm qua bên kia đường, qua những gian nhà nhỏ bao quanh một cái rạp hát mới dựng, tôi thấy có những chùm dây dài treo từ đỉnh của một cái trụ rồi tỏa ra tứ phía, chúng được gắn với rất nhiều lá cờ nhỏ màu sặc sỡ bay phất phới theo gió chiều: ‘chắc có một cái đại nhạc hội nào đó!’, tôi nghĩ thầm.
…Đang lúi húi với một khối lượng vật tư (lớn) đang được rầm rập tải vào nhà, bỗng tôi nghe tiếng hát của Đàm Vĩnh Hưng văng vẳng bên tai (mặc dù không rành âm nhạc lắm, nhưng giọng hát của Đàm có nét rất riêng, nên khá dễ nhận biết). ‘Ủa, nếu Đàm Vĩnh Hưng có đến, thì mình cũng nên ra xem một tí, để sau này… chém gió chơi’, nghĩ vậy, nên tôi mới mở cổng bước sang hỏi cô hàng xóm, cô ta nói: ‘Đâu có, Đàm Vĩnh Hưng đời nào mà đến đây hát!’. Một phụ nữ đứng gần đó lại bảo nhỏ vào tai tôi: ‘trong đó có em trai của cô chủ quán đấy, đã bỏ nhà đi mười mấy năm nay rồi!’. Rồi, ‘có thu tiền không?, ‘không, chỉ tổ chức chơi trò chơi cho trẻ con để kiếm tiền thôi, ít lắm, mà phải xin phép chính quyền địa phương nữa đó…’, ‘ừ, tôi biết, tội nghiệp họ lắm, chỉ đủ kiếm sống, bữa đói bữa no, chưa nói đến chuyện bị ‘bề hội đồng’ (bị dân địa phương đánh/quậy phá), bị trộm viếng, cháy nhà, bệnh Sida…’ - đó là lời trao đổi giữa tôi và cô chủ quán.
Rõ ràng là Mr. Đàm đang hát!, nhưng việc này cũng chưa đủ tạo nên động lực để tôi phải cất công bước sang thăm cái ‘đại nhạc hội’ kia… Cô chủ quán lại khẳng định:
-Đó là Chương trình ca nhạc lưu diễn của một nhóm bê-đê (!)

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

752. Thượng đế vi hành...

  Image result for quán cà phê vườn

Vệt nắng cuối trời ai lao khổ
Bóng người lận đận dưới trời cao
Cứu ai, ai cứu, mình cứu trước
Hạnh phúc hư hao, hạnh phúc nào!

1
Thượng đế choàng tỉnh dậy, không biết ngài đã ngủ một giấc ngủ rất ngắn ngủi là bao nhiêu tỉ năm!, mà vũ trụ đã được hình thành như thế này!
Và với tư cách là đấng ‘ý niệm tuyệt đối’ (*), ngài thừa biết rằng mình có thể sáng tạo ra vũ trụ, ngay cả từ những biến động nhỏ trong… bộ óc của mình trong giấc mơ; ngoài ra, ngài cũng thừa biết rằng cái gì ‘không tuân theo quy luật’ và cái gì ‘tương đối’ thì mới hấp dẫn!
Theo cái đồng hồ của vũ trụ, thì ngài đã ngủ mê mệt từ lúc 12g30 trưa đến tận 7g30 tối, thế mà nhoáng một cái đã hơn 13 tỉ năm! Nhưng ngủ vẫn chưa đã, và vẫn còn lơ mơ, thấy ánh đèn vũ trụ phơi màu vàng đỏ trên… đường, tưởng là… trời đã sáng rồi, ngài vội đánh răng rửa mặt, không ngờ lúc này Thiên Hậu (*) mới vừa nấu cơm tối xong! Dù sao thì ngài cũng phải cùng Thiên Hậu măm măm bữa ăn tối. Sau đó, ngài pha tí chè xanh, làm điếu thuốc, rồi khoan thai vuốt râu, mỉm cười một cách thú vị, và nghĩ thầm:
-Tí nữa ta lại đi ngủ tiếp, và biết đâu trong giấc mơ sau, ta lại không hứng thú với cái vũ trụ này nữa thì sao, thì nó sẽ biến mất, khà..khà..khà…

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

751. Vụ nhà thơ Phan Huyền Thư, chán thật!



Đáng lẽ tôi đã đi ngủ rồi, nhưng ngủ không được… Và chuyện xảy ra như sau.
1
Sau bài ‘Những nhà học triết’ (Nước Tàu trong mắt tôi - Chương IV, đăng ngày 12/10) (*), tôi định viết bài ‘Thơ Tàu’ (Chương V), nhưng ‘nười’ quá, xin hẹn một dịp khác vậy.
Cách đây mấy hôm, tôi có xem lướt qua bài phỏng vấn giữa phóng viên Mặc Lâm (rfa) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về ‘Giải Văn học 2015’ của Việt Nam - có liên quan đến cuốn tiểu thuyết ‘Mình và họ’ của Nguyễn Bình Phương và thi phẩm ‘Sẹo độc lập’ của Phan Huyền Thư…, rồi vì bận… nghiên cứu chút chút về ‘Giải Nobel Văn học 2015’ (*) của nữ sĩ Svetlana Alexievich, và vì không quan tâm lắm đến… văn chương, nên tôi… bỏ qua bài phỏng vấn trên.
Rồi nhớ lại chuyện nhà thơ Nguyễn Đăng Thuyết gọi tôi và hỏi ‘Anh vẫn còn chơi blog đấy chứ?’, tôi rất ngạc nhiên, vì ngày nào mà tôi không… chơi blog (trừ khi quá bận hay đang trên đường đi), hơn nữa, bài nào anh ấy vừa mới đăng thì tôi cũng thấy hiện lên ngay bên trái màn hình của blog Tiếng Việt của tôi, có điều là tôi không cho chơi blog là quan trọng, nên ít khi tham gia bình luận (tranh biện) trong các blog khác, thế thôi.
*
Tối nay buồn buồn, phóng qua ‘nhà’ anh Thuyết chơi, tôi bỗng có ấn tượng với bài như sau:
THU HỒI GIẢI THƯỞNG CỦA PHAN HUYỀN THƯ  (*)
Chiều 20/10, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp khẩn cấp, quyết định thu hồi giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 đối với tập thơ ‘Sẹo độc lập’ của Phan Huyền Thư.
Cuộc họp kết thúc lúc 16h30, tham dự có một số ủy viên Ban chấp hành: Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Mỹ, đi đến quyết định thu hồi giải thưởng trên cơ sở những phát hiện mới nhất về việc nghi đạo một số bài thơ của Phan Huyền Thư.
Trước đó, buổi sáng 20/10, Phan Huyền Thư gửi một lá đơn đến Ban chấp hành Hội, nội dung xin trả lại giải thưởng sau khi có dư luận Pham Huyền Thư đạo thơ.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho Tiền Phong biết: Trong lá đơn, Phan Huyền Thư xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan về sự việc xảy ra, xin lỗi độc giả thơ cả nước, các nhà báo, xin lỗi gia đình vì đã làm họ mệt mỏi buồn bã.

Đáng chú ý, theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, trong đơn này Phan Huyền Thư cũng nói về một số kịch bản truyền hình và phim của mình bị dư luận dị nghị. 
Việc thu hồi giải thưởng, được biết không phải do tác giả xin rút, mà là trên cơ sở một số bài thơ của Phan Huyền Thư trong tập ‘Sẹo độc lập’ bị ‘nghi đạo thơ’, và được Hội xác minh, rằng Phan Huyền Thư từng có nhiều thơ in ở nước ngoài từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước nhưng không bài nào có nội dung như bài ‘Bạch lộ’.
Mặc dù xin trả lại giải hiện Phan Huyền Thư vẫn cho rằng bài ‘Bạch lộ’ được chị viết năm 1996 với tên ban đầu là ‘Độc ẩm’, rồi gửi cho một số tạp chí ở Mỹ!
(Theo Nghĩa Trung, Tiền Phong)
*
Tôi mới đi truy tầm trên mạng, và đọc khoảng trên 10 bài viết, và vì không có nhiều thì giờ, nên tôi chỉ trích ra đây vài đoạn về vụ ‘Phan Huyền Thư đạo thơ’ (ngày tháng thì tôi căn cứ vào ngày mà trang web đăng tải), còn các bạn có thể đọc thêm từ một số đường dẫn mà tôi cho bên dưới. Lưu ý rằng việc nàng có đạo thơ hay không, đó là việc của Hội nhà văn Hà Nội, Hội nhà văn VN, hay các bạn!, còn đối với tôi thì không quan trọng lắm, vì bài này chủ yếu là viết về tôi nghĩ gì? Và lưu ý rằng bất cứ khi nào trích dẫn, tôi thường có rút gọn (ghi bằng dấu ‘…’) vì chỉ lấy những gì cần thiết - không lẽ tôi đăng hết mọi thứ lên blog của tôi, để bài viết của tôi trở thành cái ‘vạn lý trường thành’ à!
1. Ngày 17/10: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có trả lời phóng viên Mặc Lâm (*), như sau: ‘Nói đây (‘Mình và họ’) là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới phía Bắc mà do điều kiện đến nay mới được in thì cũng đúng nhưng chưa đủ… Nó còn viết về sự bất lực, sự chống chọi của con người với cái ác. Cái ác trong bản thân mỗi người, cái ác trong xã hội. Có thể nói sau khi đọc quyển sách thì nhiều người thấy là tác phẩm này rất xuất sắc. Người đọc đầu tiên đọc bản thảo là nhà văn Bảo Ninh ông không kìm được mà nói đây là kiệt tác… ‘Sẹo độc lập’ là cái tứ khi tôi rời bụng mẹ ra tôi nối với mẹ bằng một cái sẹo rốn. Con người ai cũng có một cái rốn. Cái rốn đó là sẹo độc lập. Khi anh thoát khỏi bào thai bước ra cõi đời, từ bụng mẹ ra với cõi người thành con người độc lập cũng mang cái sẹo đó là cái sẹo độc lập… Bây giờ tôi khẳng định lại: Tập thơ 'Sẹo độc lập' của Phan Huyền Thư là một tác phẩm có chất lượng và xứng đáng nhận giải của Hội nhà văn Hà Nội và hoàn toàn không có chuyện đạo thơ ở đây...’. 
2. Ngày 18/10: Nhà báo Hà Quang Minh bình (*): ‘Và đúng là Phan Huyền Thư đã ‘quen mà không quen’, ‘lục lọi trí nhớ’ để ‘nốc cạn một tứ thơ’ thực sự. Bài thơ ấy, về giọng điệu, cấu trúc, rất lạ so với tổng thể còn lại của ‘Sẹo độc lập’. Nó cho ta cảm giác nó là Thư mà lại không phải là Thư, như một sự thoát khỏi chính mình vậy. À, dễ hiểu thôi, nó chính là bài 'Buổi sáng', của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (tên thật là Nguyễn Thanh Bình, quê Vĩnh Long, công tác tại báo Văn nghệ TP.HCM). Bài này được Thường Đoan đưa vào tập thơ có tên ‘Đếm cát’, xuất bản năm 2003. Nhưng trước đó, cỡ năm 1999 đến năm 2001, nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc thành ca khúc ‘Buổi sáng ở cafe Catinat’... 
3. Ngày 19/10: Nhạc sĩ Phú Quang xác nhận (*) ông còn nhớ rõ buổi sáng mà nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan ngồi ở quán cà phê Catinat trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) của ông: ‘Sáng ngày 27/6/2000, Thường Đoan ngồi một mình. Khoảng hơn 10 giờ, tôi ra quán… Thường Đoan cho xem bài thơ mới, cảm xúc rất tốt, lại viết ngay tại quán mình nên tôi cũng thích, phổ nhạc ngay. Tôi đổi tên bài thơ ‘Buổi sáng’ của Thường Đoan thành ‘Catinat cà phê sáng’… Nhạc sĩ Phú Quang cho biết ông đã từng phổ nhạc một bài thơ của Phan Huyền Thư, tên là ‘Buổi sáng’ nhưng nội dung hoàn toàn khác của Thường Đoan. Ông không bình luận gì về việc tranh chấp bản quyền giữa hai tác giả, bởi vì thơ của ai thì người đó tự biết, ông bảo ‘thấy phù hợp với tâm trạng và nhạc cảm của mình thì tôi phổ thôi’...
4. Còn, ‘trước khi khoá trang Facebook, Phan Huyền Thư phản hồi trên một vài diễn đàn: ‘Em chỉ in sau chứ không viết sau’ (nld.com.vn), v..v…
2
Mệt quá, mỏi mắt quá, lộn tùm lum tà la…, vì sao?
Số là tôi chúa ghét việc trích dẫn tư liệu (cười), nên chỉ trích dẫn khi cần thiết và rất hạn chế, ngoài ra, tôi vốn không có... năng lượng để tôn sùng Khổng Tử, Socrat Tử, Marx Tử, Nietzsche Tử, Krishnamurti Tử, Einstein tử, ‘Trịnh’ Tử, hay Tùm-Lum-Tử gì đó đâu, mất thì giờ vô ích (cười), chẳng thà tôi tự viết, hay giỡn với con mèo vui hơn!, thế mà có người bảo tôi là ‘đạo văn’ (!), ok, không vấn đề!
Nói chung là cả ngàn năm nay, ở nước ta không thiếu gì việc ít nhiều biến từ ‘Khổng đạo’ thành ‘đạo' Khổng (cười), cụ thể là gần cuối năm 2011, có người bạn thân - mới cái email đầu tiên - đã gửi cho tôi, có đoạn như sau:
Dư dục vô ngôn/Tứ thời hành yên/Vạn vật dục yên/Thiên hà ngôn tai 
(tạm dịch: ‘ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu) 
Lúc đầu, tôi rất ngưỡng mộ anh ấy, vì ảnh biết… Khổng Tử nhiều (hehe…), nhưng sau mấy năm im lặng ngắm dòng sông Sài Gòn, tôi mới thấy là:
-Ủa, vũ trụ, trời đất hàng ngàn năm nay có nói cái quái gì đâu, cây, cỏ, hoa… chung quanh tôi vẫn tự nhiên triển nở, con mèo vẫn nằm trên tấm đanh bằng xi măng và ngủ ngon lành cho tới khi tôi kêu ‘meo meo’ thì nó dậy…: chuyện thường ngày ở… chợ Bà Chiểu, chả có gì là vĩ đại cả!
Nên tôi viết tặng và đồng thời trả lời mail anh ấy là:
Bóng chiều về, lan rung rất nhẹ
Gió la đà, khe khẽ cành cây
Lá bàng thấp thoáng đâu đây
Xôn xao cá động, sóng lay tim người
*
Trước đây, tôi có nghe sicandal về vụ nhạc sĩ Bảo Chấn đạo nhạc, và tôi đã viết như sau (entry ‘Vụ Hoàng Xuân Quế bị cách trí tuệ): ‘LB có nghe vụ nhạc sĩ Bảo Chấn đạo bài ‘Tình thôi xót xa’ của một nhạc sĩ Nhật là Keiko Matsui, nếu có thì rất tiếc, vì 1 phút chọn lựa nhầm lẫn!, và vì Bảo Chấn thừa sức sáng tác ra cả chục bài hay như bài này (nhưng đến nay, đọc trên mạng, LB thấy là sự việc vẫn chưa có kết luận rõ ràng) (*)
…Và trong các trích dẫn trên, tôi rất chú ý đoạn dưới đây, các bạn hãy xét sự giống nhau… như đúc! giữa 2 bài thơ ‘Buổi sáng’ và ‘Bạch lộ’ nhé, còn của ai thì để thiên hạ xử lý, không phải việc của tôi nghen:
Sự giống nhau lạ lùng
(*): Đối chiếu văn bản hai bài thơ, Bạch lộ của Phan Huyền Thư có rất nhiều câu thơ gần giống, hoặc giống hoàn toàn với những câu trong bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan. Hai câu đầu của bài Bạch lộ, đã giống nguyên văn với hai câu thơ đầu của bài Buổi sáng: “Những gương mặt người/Quen mà không quen/Từng giọt sương nén trong veo câm nín/Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh” (Bạch lộ) và: “Những gương mặt người/Quen và không quen/Những giọt cà phê muôn đời đen nhánh/Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh” (Buổi sáng). Buổi sáng viết: “Em ngồi một mình/Khuấy loãng thời gian/Buổi sáng muốn gọi anh/Nắng nói lời mê ngủ” trong Bạch lộ cũng có câu: “Em một mình /Ngồi khuấy loãng thời gian/Buổi sáng muốn ôm anh/Nắng nói lời mê ngủ”… Còn nhiều câu thơ gần giống nhau đến mức… kỳ lạ như: “Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ/Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm” (Buổi sáng) và “Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ/Bản blues jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm” (Bạch lộ). Hay “Người đã vội quên cung bậc cuối/Nụ hôn nửa vời/Trái tim không cửa/Ai hờ hững xéo lên lá cỏ” (Buổi sáng) và “Người thiên di cung bậc cuối cùng/Nụ hôn nửa vời/Trái tim không cửa/Bóng ai hờ hững xéo trên lá cỏ/Điềm tĩnh ngồi chờ gió” (Bạch lộ). Phan Ngọc Thường Đoan không phải nhà thơ đầu tiên tố Phan Huyền Thư đạo. Trước đó, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phát hiện câu mở đầu bài ‘Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn’ sáng tác năm 2008 của Phan Huyền Thư quá giống với câu chủ đạo và là tinh thần của bài thơ ‘Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển’ của nhà thơ Du Tử Lê (sáng tác năm 1977). Nhiều ý kiến cho rằng chỉ giống nhau một câu thơ, rất khó kết luận đạo hay không...
*
‘Em’ Huyền Thư thân mến,  
Huynh có làm mấy câu thơ… lẹt xẹt, như sau:

Anh gửi vào em chút lả lơi
Đôi mắt hồ thu đẹp tuyệt vời
Là người hay tiên trên trời vậy
Em xuống trần gian ‘khuấy động’ đời
'Vắng em thu tàn lối bơ vơ'
Rừng thu xao xác bóng ai chờ
Cây thu hoang lạnh dài vươn cổ
Lá thu hờ hững rơi trong mơ
(Vắng em)
Đó là do khi mới chơi blog và qua ‘nhà’ blogger Bạch Mai (tức Nguyệt Cầm, đầu năm 2012), huynh có cảm hứng với câu ‘Vắng em thu tàn lối bơ vơ' của nàng!, nên mới làm ra mấy câu trên cho vui, với 2 chùm bốn câu như trên (không phải Đường luật), và nàng vẫn còn nhớ kỷ niệm này.

Mãn thu, nước sầu lên mí mắt
Màn tối chung quanh phủ đất trời
Lửa kia những tưởng làm nguôi lệ
Ai ngờ, cây héo, khóc đơn côi
(Mãn thu)
Đó là vì đọc đề bài thơ Đường luật ‘Mãn thu khúc’ của blogger Sáu Miệt Vườn, huynh mới bình ‘đùa’ theo cái đề bài thơ ‘mãn thu’, chứ không họa theo ý thơ.

Chiều đông cánh hạc, ô!, kiều diễm
Tím nhẹ dòng sông, sương khói mềm
Uyên ương đôi lứa, từng canh, nhớ!
Giấc mộng nhòa đêm, ướt nhạc tình
Cái này thì khác, blogger Mưa Rừng Chiều có đăng hình ‘một đôi chim hạc đang bay trong chiều đông tím’, mà huynh bình ‘đùa’ ra mấy câu này, chứ không có nhắc đến nội dung của entry của bạn ấy.

…Tôi ngại,
vì tôi đã từng biết,
cái gì đã được chiếm hữu,
nó không còn mãi đẹp trong ta.

Không có thân hình nào là vĩnh viễn thơm ngon.
nên bỗng chốc
hóa vô thường
(Nàng vô thường)
Cái này là huynh tự làm cho mới mới... tí, chứ không bình ‘đùa’ với ai, hi..hi...
*
Nhưng riêng cái này thôi thì cũng đủ mệt:
Nếu tôi chết, hãy đem tôi ra biển (2008, Phan Huyền Thư), và
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của nhà thơ (1977, Du Tử Lê)
Huynh không biết là… 'em' Huyền Thư có ‘đạo thơ’ hay không, nhưng huynh thấy chuyện gì mà phải khổ vậy? Thì ‘nếu tôi chết, thì hãy đem nắm tro tàn của tôi mà vứt ra ngoài biển, để tôi có thể hòa cùng đại dương’, như tập quán của một bộ phận của nhân loại xưa nay, như ông Engels (triết gia Đức, tác giả cuốn ‘Biện chứng của tự nhiên’), hay nhiều sĩ quan hải quân Mỹ vẫn thường được an táng như vậy (phim HBO), đó là chuyện thường ngày ở… chợ Bà Chiểu, do đó:
-Thiếu gì cách để mô tả, mắc gì mà 'em' Huyền Thư của… huynh phải viết giống Du Tử Lê đến 7 từ trong số 8 từ như vậy!

***
Cuối cùng…
Tôi sẽ đăng một lời bình của một blogger và câu trả lời của tôi, và xem đó là phần kết luận.
-Lý Thị Minh Tâm (Facebook): Chuyện qua nhắc lại làm gì hở anh! Ai cũng có cái sai thui…
-NGLB: À, chuyện này anh mới biết tối hôm qua: đối với anh là chuyện mới.
Anh mến 'nàng', tuy nhiên, anh muốn hỏi nhỏ nàng là có thêm 1 câu hay 1 bài thơ giống người khác thì tập thơ của nàng vẫn không thêm giá trị cơ mà!, tại sao nàng không ý thức được cái giá trị sẵn có của mình! Nay cần phải nhìn vấn đề này thật sự nghiêm túc, nếu ai cũng làm vậy thì còn gì là văn học VN!, và làm sao ta thoát được vùng trũng trí tuệ mà sánh vai với các nền văn học lớn trên thế giới! (giải Nobel chẳng hạn).
Anh biết là không phải lỗi của một mình nàng, nhưng anh muốn đặt câu hỏi là hàng trăm cặp mắt của hàng trăm nhà văn/nhà thơ lại không phát hiện ra!, mà phải chờ sau lúc nàng đạt giải và phải chờ công chúng/internet lên tiếng thì mới kiểm tra và mới biết! Anh đã từng thấy trường hợp ông A nhờ bạn thân và đồng thời là nhà văn X góp ý cho một cuốn sách sắp xuất bản của ông, hơn một tháng sau, nhà văn này trả cuốn sách lại, góp ý lăn tăn hai điều ba chuyện đại khái cho xong, rồi rủ nhau đi nhậu (anh X đến mục đích chính là để chém gió về chính trị), từ đó, anh ta rất mất uy tín với anh, vì anh thừa biết rằng anh ta chả thật tâm đọc sách của người khác, và vì anh nghi rằng: trừ việc suốt đời chém gió chuyện thiên hạ và ‘trau chuốt’ cho bản thân mình, anh ta chả thật tâm và chả làm ra cái gì có chất lượng cho người khác và cho xã hội, anh tin vậy! Thân mến.


Tóm lại, ‘đạo thơ’ thường xảy ra cho người không biết làm thơ, nên... phải lấy thơ của người khác làm thơ của mình. Tuy nhiên, cũng có người biết làm thơ, thậm chí biết tốt, nhưng do khoái... 'nổi', mà, bằng cách nào đó, lấy thơ của những kẻ nổi tiếng đưa vào thơ của mình. Những cách này đều tệ hại, trong đó, cách đầu có thể thông cảm được, nhưng cách sau sẽ làm chết đi tài năng của chính người đó.
Tôi chỉ thấy tiếc cho tài năng của Huyền Thư, hy vọng nàng sẽ lại đứng lên mạnh mẽ.

(HẾT)
--------- 
Chú dẫn:
  1. Giải Nobel Văn học 2015: ‘Bà Svetlana Alexievich được trao giải vì có những tác phẩm văn học ‘mang đầy âm sắc’. Bà được biết đến với những tác phẩm (tạm dịch) như ‘Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ’, ‘Những cậu bé kẽm’… (thethaovanhoa.vn)
  2. Giải Văn học 2015 (của Việt Nam), xem: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/the-2015-literature-awards-ml-10172015082123.html
  3. Nhà báo Hà Quang Minh bình…, xem: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/phan-huyen-thu-va-phan-ngoc-thuong-doan-ai-dao-tho-cua-ai-n20151018221936360.htm
  4. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trả lời phóng viên Mặc Lâm, xem: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/the-2015-literature-awards-ml-10172015082123.html
  5. Nhạc sĩ Phú Quang xác nhận…, xem: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/ns-phu-quang-len-tieng-vu-phan-huyen-thu-bi-nghi-dao-tho-20151019161649776.htm
  6. ‘Những nhà học triết’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/10/747-nhung-nha-hoc-triet-nuoc-tau-trong.html
  7. Sự giống nhau lạ lùng, xem: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/them-mot-nha-tho-to-phan-huyen-thu-dao-tho-20151019113131135.htm
  8. Thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư, xem: http://thodangthuyet.blogtiengviet.net/2015/10/20/thu_h_i_gi_i_th_ng
  9. ‘Vụ Hoàng Xuân Quế bị cách trí tuệ’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/12/493-vu-ong-hoang-xuan-que-bi-cach-tri.html

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

750. Giả sử thượng đế không tồn tại...


Chúng ta chỉ mới biết được một phần tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ… của thế giới này.
Và ‘thượng đế’ là gì?
1
Tôi không cần phải lập lại rằng ‘ta là hạt cát trong sa mạc’, ‘ta là hạt bụi của hạt bụi’, ‘ta là con kiến của con kiến’, hay ‘ta là vô cùng bé, còn vũ trụ là vô cùng lớn’..., nên so với cái thế giới hay cái vũ trụ này, sự hiểu biết của ta là bằng không: nói như thế là xưa rồi!
Trên thực tế thì ta có biết… chút chút về ‘vụ Biển Đông’, về ‘tình hình chính trị hiện nay ở VN’, về ‘sự khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị-kinh tế hiện nay ở bên Tàu’, về ‘tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay ở Nga’, về ‘chuyện Nga oanh tạc các căn cứ của lực lượng Hồi giáo IS’, về ‘chuyện Mỹ sẽ điều các chiến hạm vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo TQ’, về ‘khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu’, về ‘vụ Kim Jong-un vỗ mặt TQ’, về ‘chuyện Lão Tập khôi phục Khổng Tử’, về ‘Những tiên đoán 10 năm tới’ (TQ sẽ bất ổn và bị chia làm 16 nước nhỏ!) (*)về ‘Giải Nobel Văn học 2015’, hay về tác phẩm ‘Kết thúc của con người đỏ’ của Svetlana Alexievitch…, đó là chưa nói đến âm nhạc/nghệ thuật, bóng đá (nghệ thuật thứ bảy), cơ học lượng tử, điện ảnh, ngoại ngữ, thuyết tương đối (hẹp và rộng), triết học, văn hóa thế giới, vật lý hạt nhân nguyên tử, vũ trụ học/thiên văn học…

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

749. Ôi, con người!

Người thăm thì có rượu nhà
Cà phê tự chế, vườn ra trái nhiều
Buổi chiều dạo gót phiêu diêu
Chim bay xoải cánh, gió hiu hiu... sầu!

(LTS: Hôm nay tôi đổi tiêu đề bài viết này từ ‘Chuyện xoay quanh ba chú chó đáng yêu’ (đăng lúc 3h28) thành tiêu đề ‘Ôi, con người!’. Trân trọng.)
---------

Tôi đã về… phố núi.
1
Hôm nọ, tôi đến nhà một người bạn chơi, không báo trước. Nhà anh ta ở trong một cái rẫy rộng. Bước vào nhà, thấy không có chiếc xe máy với màu chiếc mũ bảo hiểm quen thuộc, luôn đậu ở một chỗ cố định, tôi biết rằng anh ta đã đi chém gió ở đâu đó, chắc vậy!
*
Trước khi đến đây, có một chuyện nhỏ là tôi đang bị ‘ném đá’ bởi ai đó trên mạng, mà tôi không hiểu ‘để làm gì?’, nhưng tôi không quan tâm, vì có rất nhiều chuyện ‘chết người’ để quan tâm trong cái cõi ta bà này.
Cách đây ba năm, tôi đã gặp một trường hợp tương tự với một người em họ mà đã chơi thân với tôi đến mấy chục năm, nên trước khi đi, tôi có chuẩn bị tâm lý để đối phó với cuộc ‘tấn công’ của anh bạn nói trên (anh có biết), và tôi thừa biết rằng khi tôi bị ném đá, thì anh không những không có thái độ am hiểu và chia sẻ, mà còn có thái độ ngược lại:
-Tôi có thể đọc được một cách rõ ràng trong bộ óc của anh, trong thái độ của anh, trên khuôn mặt dương dương tự đắc của anh - với tư cách là một con người (!), là bạn thân của tôi - sẽ toát ra một vẻ thỏa mãn âm thầm một cách thú tính khi biết rằng tôi bị người khác ném đá!

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

748. Chùm thơ ‘Trần gian tuyết’

LTS: Đây là các ‘chùm thơ 4 câu' mà tôi đã tặng cho các blogger trong tháng 9 và 10, được tập hợp lại. Thân mến.
Trần gian tuyết
Nhỏ ơi, mưa gió đã đến rồi
Mưa chiều, sấm chớp gọi sau vai
Nhớ em mới gặp đầu buổi sáng
Nay đã cuối chiều, tim vẫn... đau
*
Thao thức làm chi vậy hả em!
Đường cong, trăng ngắm vẫn say mềm
Trăng kia lơi lả bên cành tím
Ai nhớ em kìa!, mơ... suốt đêm
*
Em ngồi soi nước, làn thu mướt
Xanh  mờ, trắng ảo, phớt liêu trai
Sương bay, ngự gần bên gót ngọc
Hạt nước vần xoay, quên nỗi đau!
*
Phố nhỏ mưa ngâu, trần gian tuyết
Ai ẩn trong mờ, ai biết ai!
Dáng cong ai mướt, còn ai rét
Ai nỡ là tiên, cho tuyết say!

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

747. Những nhà học triết… (Nước Tàu trong mắt tôi - Chương IV)


Địa ngục mới đây xuất cửa thành
Lũ người lạc hậu, nói u minh
Vườn thơ lộng gió, cười phương Bắc
Trôi, vẫn dòng sông, đám lục bình
---------

Tôi thường nghĩ… Mỗi triết gia thường xây dựng triết thuyết của mình bằng cách đào sâu một hình tượng nào đó và dần dần xây dựng nó thành một hệ thống ý niệm có liên quan, vì thế mà những ai theo triết gia đó sẽ cả đời, hay rộng hơn là cả ngàn năm, dĩ nhiên là không thể hiểu hết triết thuyết đó, vì họ dùng sự hiểu biết của mình để cố hiểu theo cách hiểu của người khác, nên chả bao giờ thành… triết gia, và cũng vì thế mà tôi gọi những kẻ chạy theo các nhà triết học là những nhà học triết.

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

746. Đạo cao nhất thước thước, ma cao nhất trượng (Nước Tàu trong mắt tôi - Chương III)


Yêu thì yêu mãi dáng cong
Ghét thì ghét mỗi cái 'sân, si' nhiều
Bên tường nắng ẩn cuối chiều
Bé tung tăng hát, quên điều thị phi
---------

Ngày xưa, tôi hay xem phim chưởng hay phim dã sử của Tàu. Cách đây vài năm, khi đi công tác ở các tỉnh, do ngủ ở khách sạn nên tôi lại thường xem phim hành động hơn (Hồng Kông, HBO...). Trong các phim chưởng của Tàu, thường có câu ‘đạo cao nhất thước, ma cao nhất trượng’ - theo Hệ đo lường cổ Trung Hoa, 1 thước = 0,23m!, 1 trượng = 3,33 m (wikipedia), như vậy thì ‘tà’ thường mạnh hơn ‘chính’ rất nhiều!
Điều này có thể được hiểu là: thường thì chính tà lẫn lộn, thay phiên nhau ngự trị xã hội/thế giới, trong đó, bên ‘chính’ chỉ thắng thế trong một thời đoạn nào đó, rồi bên ‘tà’ sẽ nổi lên, nhiều hơn, mạnh hơn và tồn tại lâu hơn... Ta có thể hiểu thêm khi gần đây, bên Phật dùng cụm từ ‘thời kỳ mạt pháp’ để chỉ thời kỳ mà ‘ma đạo’ đang làm mưa làm gió trên thế giới...

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

745. Chủ nghĩa win-win (Nước Tàu trong mắt tôi - Chương II)


CHƯƠNG II: CHỦ NGHĨA WIN-WIN

Đường xa, quanh quẩn, muôn trùng gió
Áo lính mờ xanh, nắng nhuộm màu
Không gian vạn trải, hình đơn nhỏ
Trong chốn còn - không, anh nhớ… ai

Tại sao tôi lại viết mấy câu… thơ này nhỉ?
Đó là vì qua nhà một blogger, thấy có hình một đoàn lính dắt tay nhau vượt qua một con suối sâu và rộng, trong rừng, tôi bỗng nhớ lại thời TNXP của mình, có lúc một mình với ‘một ba lô, tay súng trên vai’, vâng, vác cái ba lô nặng 20kg, lầm lũi đi bộ 30km trong rừng vắng, không biết có gặp Fulro hay thú dữ không!, và không nghĩ là tương lai của mình sẽ đi về đâu!
…À quên, hôm trước tôi có nói với nàng rằng: ‘Anh chỉ cần mỗi bài viết có khoảng 100 lượt view và 3-4 lời bình gì đó là đủ rồi, chơi blog để làm gì!’, nên tôi cứ viết tiếp.

Chủ nghĩa win-win
Nhớ lại tức cười. Một hôm bên bờ sông, tôi có hỏi nàng là:
-Lạ thật nhỉ! Anh thấy có cái gì đó rất bí mật đang diễn ra chung quanh anh, mà suốt đời anh vẫn không hiểu nó là cái gì, nhưng khẳng định là ‘có’… À, em có nghĩ rằng có ma không?
-Nếu anh tin là có thì là có, nếu anh tin là không thì là không (!)
Ha..ha… Lúc đầu tôi chỉ trêu nàng là nói cái gì cũng được, vì nàng là ‘thiên tài ngụy biện’ (mà cái biện nào cũng có cái ngụy trong đó!), nhưng sau này tôi mới biết đó là một dạng của ‘chủ nghĩa win-win’.
Mở rộng ra, hình như xưa nay người Việt ta thường chém gió hay ném đá tùm lum, mà hầu như ai cũng có thể bị ném đá, đặc biệt là người Việt rất miệt mài ném đá người Việt, nhất là ai mới vừa nổi lên (cười)… Bởi vậy mà trong dân gian có chuyện ‘con cua Nhật và con cua Việt’, đại khái là có một đàn cua Nhật bị bắt bỏ trong nồi để chuẩn bị đem đi luộc, có một con trèo lên tới miệng nồi, rồi đưa càng ra kéo từng con khác ra khỏi nồi, và thoát nạn; còn tình hình cũng xảy ra tương tự, nhưng khi mà một con cua Việt trèo lên được tới miệng nồi, thì các con cua khác lại thò càng ra kéo nó xuống, để… cùng bị luộc, ha..ha…
Cụ thể, trong quá khứ, ta có thể dễ dàng kiểm chứng việc ném đá ông Khổng Tử là ‘chó gác đền phong kiến’, ông Copernic hay Galilee là ‘báng bổ’, ông Hegel là ‘biện chứng đi lộn đầu xuống đất’, ông Dostoievski là ‘nổi loạn’, ông Socrat hay Lev Tolstoi là ‘bất hạnh’, ông Marx là ‘điên’, ông Nietzsche là ‘tâm thần’, ông Mao là ‘bạo chúa’…
NHƯNG… Cuối cùng thì đi đến đâu tôi cũng thấy, không người này thì cũng người khác, hết ‘nam mô a di đà… Khổng Tử’ đến ‘nam mô a di đà… Nietzsche’, nói chung là sẵn sàng sùng bái hết ‘tượng đài’ này đến ‘tượng đài’ khác…, đó là chưa kể đến chuyện một người bạn của tôi nói là ‘anh nói cũng đúng, mà tên ném đá anh nói cũng đúng’ (!), hay ‘về chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa, dân TQ nói cũng đúng, mà dân Việt nói cũng đúng’ (!):
-Chán lắm thay cái chủ nghĩa win-win này!
…Phải nói rằng từ nhỏ cho đến trước năm 1979, tôi hầu như không nghe nói gì về ‘vấn đề’ Trung Quốc, ngay cả đến năm 2010 (trước khi sự kiện Biển Đông bắt đầu có tác động mạnh trong dân chúng), ‘vấn đề’ này cũng hiếm khi được tôi… đoái hoài, mãi cho đến khi cái ‘Giàn khoan 981’ lồ lộ hiện ra.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

744. Nước Tàu trong mắt tôi (Tiểu thuyết, Chương I)


Yêu lắm làm chi, tít tận trời
Thương lắm đường cong, chỉ thế thôi
Xa lắm, em còn nơi xứ lạnh
Đau lắm, ngồi đây, giọt đắng rơi
---------
CHƯƠNG I: TUỔI THƠ CỦA TÔI...

Hồi nhỏ, khi nói về TQ, tôi nghe ông bà hay dùng chữ ‘Tàu’ (như truyện Tàu, phim Tàu, nhạc Tàu, người Tàu, thâm như Tàu, quân tử Tàu, đồ Tàu…), còn người dân thì thường gọi là Tàu cái ‘anh chàng to con’, nên tôi thường dùng chữ ‘nước Tàu’ hơn. Lưu ý rằng, ở đây là tôi viết ‘tiểu thuyết’ dưới dạng ‘tùy bút’, vì nó sẽ thuận lợi hơn cho tôi khi muốn cập nhật những vấn đề thế sự nóng hổi xảy ra khi đang viết.
Và dưới đây, là người đi nhiều nhất trên các chuyến xe đường dài hay máy bay (có lúc như vậy, cười), tôi sẽ kể lại các câu chuyện của người dân tâm sự về cái thời đại ‘Bỗng Điên’ (= Biển Đông) này, các bạn hãy theo dõi để biết cái đặc tính ‘không theo Tàu’ của họ nhé.

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

743. 'Triết gia là những thằng... điên'!


Nói với một cụ già bên bờ sông…
Số là tôi định viết tiếp bài ‘Chí Phèo thời nay’ (viết hoài về đề tài này chán quá!), nhưng mới đây lại vô tình lại đọc được một cuốn ‘Lịch sử triết học’ (của Dagobert D. Runes, NXB Văn hóa Thông tin, 2009), tôi mới chợt phát hiện ra ‘Triết gia là những thằng... điên!’, hehe… Và đây là câu mà tôi có nói với một cụ già bên bờ sông, thiệt, nếu các bạn không tin thì hãy hỏi cụ ấy nhé!
Khoảng năm 1983, tôi có đọc cuốn ‘Lịch sử triết học’ của Nguyễn Đăng Thục (chán quá!, vì ông viết khá rời rạc và không sâu). Năm 1984, do làm Luận văn tốt nghiệp mà tôi có đọc một cuốn sách của Phạm Công Thiện viết ‘tóm tắt tư tưởng của 18 triết gia’ (tôi không nhớ tên sách, và nay cũng không thấy trong danh mục sách của ông!), ngoài ra, với ‘Hố thẳm tư tưởng’ hay ‘Ý thức mới trong văn nghệ và triết học’…, thiết nghĩ tư liệu do ông xử lý là khá đáng tin cậy, trừ những câu/từ rất ‘chảnh’ và ‘nổ’ của ông (như ‘Socrat, đó là một tên ngu dại nhất mà ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta’), mà ông hay không ít người biện hộ đó là ngôn ngữ ‘thiền’!...
Cũng vào năm 1984, tôi có đọc được cuốn ‘Từ điển triết học’ của Liên-Xô (NXB Sự Thật!), thấy có đến 70% là xuất thân từ Liên Xô!... Nó cũng giống như việc trước 1975, NXB Tam Kỳ có xuất bản cuốn ‘Từ điển danh nhân thế giới’, trong đó tự tiện đưa một số người Việt khá nổi tiếng trong nước vào hàng ngũ danh nhân thế giới… Lúc đó tôi đã nghi ngờ…
Vâng, nay tình hình vẫn vậy trong cuốn ‘Một số gợi ý đề tài tiểu luận triết học’ (đào tạo cao học) của TS Vũ Ngọc Lanh; cụ thể hơn là trong mấy năm gần đây, TQ có tài liệu về ‘100 thiên tài quân sự trên thế giới’, thì có đến khoảng 80-90% là người TQ, chắc họ uống hết phần ‘bia’ rồi cho thế giới còn lại hưởng xái phần ‘bọt’, hay họ măm măm hết phần thịt rồi cho thế giới còn lại gặm phần ‘xí quách’!...