Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

766. Chuyện ‘tích hợp tích hiếc’ và chiếc lá bằng lăng…


Về nguồn, trưa mộng, nước mắt rơi
Tỉnh mơ, chiều xuống, dạ rối bời
Người bên kia núi, ta còn cảm!
Lịch sử nốt trầm, ta vẫn mơ!

Sáng nay, khi đang ngồi uống cà phê và lại nghe nhạc Ngô Thụy Miên, bỗng nghe một tiếng ‘xẹt’ nhẹ, tôi giật mình, tưởng đâu là con gì bay vào người! Té ra đó là một chiếc lá bằng lăng còn tươi, rơi tỏm xuống ghế, và suýt chui vào túi quần của tôi! Và vì quý tạo vật, nên trong suốt thời gian uống cà phê, tôi để nó nằm yên ở đấy, rồi khi về, tôi bỏ nó vào trong túi áo:
-Bây giờ chiếc lá bằng lăng 'lịch sử' này đang nằm trên giường và… ngủ chung với tôi, hihi…

Vâng, sáng nay trời trở lạnh. Chiều hôm qua trời đã lạnh rồi, với trên trời có đầy những đám mây trắng to, đang lờ lững trôi về hướng tây, rồi tối với từng cơn gió lạnh len lỏi vào những vị khách đang ngồi ở bàn ăn ngoài trời… Trưa nay, gió ngoài sân thổi mạnh, làm tôi cảm thấy lành lạnh, rồi chiều về gió càng mạnh và trời càng lạnh: mùa đông thực sự đã đến, báo hiệu ngày Noel sắp tới, hay một cái Tết lạnh đang chờ đón!
*
Nhớ lại, khoảng năm 1990, tôi đã bắt đầu tìm hiểu về chữ ‘mại’ (commerce) trong ‘Anh ngữ kinh tế thương mại’…, và sáng nay tôi suy nghĩ miên man về nó - mà có liên quan đến vụ ‘tích hợp’ dưới đây.
Sau này còn có vụ ‘mãi’ và ‘mại’, với mãi là mua, mại là bán (*), cho nên có người đề nghị là nên thay cụm từ ‘mãi quốc cầu vinh’ thành ‘mại quốc cầu vinh’! Nhưng nói dài dòng chi cho mệt, nói ‘chiếng Chàu’ chi cho phức tạp, hãy xem tiếng Anh cho nhanh, ‘mãi quốc cầu vinh’ là:
-to sell one's country to seek honours = vì lợi riêng mà chống lại đất nước (tratu.coviet.vn),
*
Cụ thể, những kẻ ‘nghịch’ với tinh thần của Đặng Dung (*), Trần Bình Trọng, hay Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ…, nói ngắn gọn, là những kẻ ‘quên nước, vì mình’. Nhớ lại những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống - những kẻ bị dân đời đời nguyền rủa, mà càng thấy ớn: ‘…thời Trần oanh liệt như vậy song cũng đã có những hoàng thân, quốc thích đang đảm trách những việc lớn vì hèn nhát, sợ giặc nhưng lại nuôi mộng đế vương nên đã mưu toan cúi đầu hàng giặc, phản bội tổ quốc. Những cái tên như Trần Nhật Hiệu, Trần Di Ái, Trần Lộng, Trần Kiện, Trần Ích Tắc đi vào lịch sử bằng những vết nhơ không bao giờ gột sạch. Đại Việt Sử Ký toàn thư dẫn lời bình của Ngô Sĩ Liên “Nhật Hiệu là đại thần cùng họ với vua. Giặc đến, khiếp sợ hèn nhát, không có kế sách chống giữ, lại còn kiếm cách xui vua mình chạy đi ở nhờ nước khác thì còn dùng hắn làm tướng làm gì”, đấy là sử gia bàn về hai chữ “nhập Tống” khi thế giặc mạnh tràn vào mà Hiệu đã “dùng ngón tray chấm nước viết lên mạn thuyền” cho vua xem.’ (‘Tích hợp hay phân rã?’, GS Tương Lai, bongbvt.blogspot.com)

Nhưng, chuyện này nhiều người biết rồi, nên ta đảo sang ‘chuyện Chàu’ đi…
Số là bên Tàu, thời nhà Tống, có các nhân vật… lừng danh ‘vì mình quên nước’ như Tần Cối, Quách Hòe, Bàng Thái Sư…
-Quách Hòe là một nhân vật hư cấu trong phim ‘Bao Thanh Thiên’ (tức Bao Chửng, 999-1062), thời Bắc Tống, là kẻ đứng đầu nhóm hoạn quan trong triều, nổi tiếng… xấu trong vụ án ‘Linh miêu hoán chúa’ và có mối quan hệ ‘hữu hảo với ngọai bang’…, mà bị Bao Thanh Thiên dùng mưu ‘xử án âm phủ’ (tập phim ‘Âm Dương Phán’) mà làm y phải ‘tự thú trước bình minh’; trước khi chết, y còn bô bô mồm, tự hào là được chém đầu bằng ‘long đầu đao’ (vì thuộc hoàng tộc), nhưng sau đó lại có chiếu chỉ của Tống Nhân Tông - cách chức và hạ xuống đẳng cấp thứ dân, nên y bị họ Bao xử chém đầu bằng ‘cẩu đầu đao’, ha..ha..ha… 
-Bàng Thái sư tức Bàng Cát (988-1063), cùng thời với Bao Công. Khá khác với lịch sử, theo truyền thuyết/dã sử thì ‘Bao Công thanh toán Bàng Hồng là Thái sư (thời đoạn 1051-1053), và đồng thời là Quốc cữu, và Bàng phi là sủng phi của vua Nhân Tôn, về tội đã liên kết với Liêu chúa để hãm hại Địch Thanh, một danh tướng đương triều, và hưng binh xâm phạm TQ. Muốn thanh toán Bàng Hồng, Bao Công phải tìm ra bao chứng cớ để buộc tội Bàng Hồng đã dựa vào thế lực của Bàng Quí phi để làm bậy, như tư thông với ngoại quốc, ăn hối lộ của ngoại quốc, để bầy mưu giết Địch Thanh. Vua Nhân Tôn vì quá yêu Bàng Quí phi, nên nhất định che chở cho Bàng Hồng và Bàng Quí phi; nên Bao Công đã phải vận động đến mấy bà Thái Hậu và cả triều thần, mới có thể xử giảo được Bàng Hồng…’ (nhantu.net)
-Tần Cối, sinh 1091, thời Nam Tống, ‘tư thông’ với giặc Kim: ‘Tần Cối… thăm nom lăng tẩm các đời tiên đế, thì thấy người Kim đã phá hoại sơn lăng không còn gì. Trương Đảo về nước tâu lên Cao Tông, lời lẽ đầy thống hận. Tần Cối ghét lắm, bèn giáng (chức) Trương Đảo... Kim chủ (Hoàn Nhan Hợp Lạt) sai Trương Thông, Tiêu Triết làm Giang Nam chiêu dụ sứ… Khi vào Lâm An chúng muốn Cao Tông lấy lễ với tướng mà đãi. Tần Cối thấy trong quốc thư có sắc phong, khuyên Cao Tông quỳ nhận. Cao Tông nói: ‘Trẫm kế thừa cơ nghiệp của Thái Tổ Thái Tông, cớ sao phải quỳ nhận sắc của người Kim…’ (wikipedia), nên dĩ nhiên danh tướng Nhạc Phi là… đối thủ không đội trời chung của Tần Cối (họ Nhạc bị họ Tần ‘giết người diệt khẩu’ trong tù, vào năm 1142), cuối cùng, năm 1155, họ Tần cũng phải trở về với cát bụi - bị bệnh nặng mà chết - với danh hiệu vĩnh viễn là ‘gian thần’.

Quay lại chuyện ‘tích hợp tích hiếc’…
Nếu không nhầm, các khái niệm/triết lý giáo dục (phương Tây) đã bắt đầu thâm nhập vào nước ta, từ khoảng năm 1995 - khi LHQ, rồi các tổ chức phi chính phủ (NGO) khá chính thức hoạt động ở VN, chủ yếu là theo ‘Chương trình xóa đói giảm nghèo’, và cho đến nay - 2015, đã trải qua như sau:
  1. ‘participation/bottom-up’: sự tham gia của người dân, rồi
  2. ‘training of trainers (TOT)’: đào tạo giảng viên, rồi
  3. ‘learner-centered’: lấy học viên làm trung tâm, rồi
  4. ‘facilitation’: sự hỗ trợ/‘trung dung’ (*), rồi
  5. ‘module’: mô-đun/đơn vị bài học độc lập (trong một chương trình đào tạo nghề), ‘inter-college transfer’: liên thông (đại học/cao đẳng), ‘quality management’: quản lý chất lượng trường, rồi
  6. ‘intergrated’: tích hợp…
Các khái niệm trên tưởng chừng như được chuyển giao từng giai đoạn, nhưng về bản chất, chúng chỉ là một, đó là lấy sự tự khám phá (self-discovery) của học viên làm nền tảng, và tránh xa việc giáo dục áp đặt từ trên xuống.
*
Cùng với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia quốc tế như ông Michael Ellis - Chuyên gia đào tạo quốc tế đến từ Kuala Lumpur, rồi ông Dev - Giảng viên TOT đến từ Nepal, ông Jan Van Huis - chuyên gia về phát triển chương trình đào tạo đến từ Hà Lan, ông Larson - Thứ trưởng Bộ giáo dục Philippines, bà Irène - Phó Tổng cục dạy nghề Philippines, rồi ông Teo Dunning - Hiệu trưởng trường đại học Larenstein, Amsterdam… đã lần lượt đến, giúp, và tổ chức đào tạo cho hầu hết các lãnh đạo và ‘thầy cô’ ở các bộ, cục-vụ-viện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp ở VN…
Tích hợp là gì? Tôi không định nghĩa, nhưng thiết nghĩ là bất cứ môn học nào cũng có ít nhiều liên quan với (các) môn khác, ví dụ như giữa môn toán và lý, giữa lý và hóa, giữa hóa và sinh, giữa sử và văn, giữa văn và triết…, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là phải nhập hai (hay nhiều) môn học thành một, hay phải xóa tên một môn.
Chẳng hạn như nay các sinh viên khoa học tự nhiên và kỹ thuật đều học môn ‘Phương trình toán-lý’, thì không phải môn toán hay lý là một, hay phải xóa tên môn toán!!! Tương tự, môn văn và sử tuy có liên quan nhiều với nhau so với các môn khác, nhưng không phải vì thế mà không còn tên ‘lịch sử Việt Nam’!!!!!
Hơn nữa, đã hiểu ‘tích hợp’ thì phải hiểu ‘vi hợp’, như tích phân và vi phân vậy (intergral and/or differential), mặc dù ta có môn ‘Phép tính tích phân và vi phân’, nhưng lớp 12 hay đại học phải học riêng môn ‘tích phân’, và riêng môn ‘hình học vi phân’, có nghĩa là môn tích phân rất có ‘bà con’ với vi phân, nhưng không vì thế mà cuốn Từ điển toán học được ai đó đệ trình lên cấp trên là phải xóa đi từ ‘tích phân’, ha..ha..ha…

Vụ ‘tích hợp’ này có liên quan đến câu chuyện về cụm từ ‘Lịch sử Việt Nam’, trên mạng đã được các đại giáo sư - đa tiến sĩ (cười) nói quá nhiều rồi, nên tôi chỉ tâm sự với ‘chiếc lá bằng lăng’ trong tay như sau:
Em ơi, nay có không ít người Tàu thờ Khổng Tử, Quan Công, Bao Thanh Thiên, Nhạc Phi…
Mấy đêm trước, nằm mơ thấy… cậu bé Khổng Tử, anh có hỏi là:
-Trò có muốn dời nhà sang ở tại cái Văn Miếu ở Vĩnh Phúc không?
-NEVER.
Cậu bé Khổng Tử đáp với thái độ vô cùng kiên quyết, cậu có ‘háng rộng’ quá nên anh chả hiểu là cẩu nói gì, híc…
Rồi đêm khác, mơ thấy Quan Công, anh phỏng vấn:
-Bạn có nguyện vọng đến Sóc Trăng ở và trông coi cái Biển Đông giùm cho dân Việt tí được không?
-Hả!!!, tôi trông coi cái thành Kinh Châu cho Lưu Bị mà chưa xong, bị cái thằng Lục Tốn cho người giả dạng thương lái… Tàu, vào trong thành để rồi dùng kế ‘nội ứng ngoại hợp’, nên tôi bị Tôn Quyền bắt sống và hạ lệnh chém đầu, chết tươi không nhắm mắt, sau đó nhà Thục Hán bị thằng Tư Mã Ý cho tuyệt diệt luôn. Thế anh có muốn tôi lại làm tuyệt diệt nhà Việt không?
‘Bắt chước’ Khổng Tử, anh mới trả lời Quan Công là:
-NEVER!
Nghe vậy, nàng bằng lăng ôm bụng cười ha..ha..ha…
*
Và nhân tiện đang xem Facebook, tôi đọc cho nàng nghe một câu chuyện để thư giãn:
LỖ TAI PHẬT
Nhân dịp đầu năm âm lịch một sếp bự trong bộ tam sên giả dạng thường dân di hành để tìm hiểu dân tình, qua những cung đường xanh đỏ những sắc cờ hoa, lão thấy trong lòng khấp khởi lắm đinh ninh là xã hội do mình lãnh đạo đã cất cánh hoá rắn thành rồng ràu!! Nên sếp vui mừng long nhong ngựa, chợt sếp nhìn thấy bên đường một lão thầy bói mù ngồi ngáp ruồi đến sái quai hàm trong chiếc chiếu cũ kỹ và cái mai rùa mốc meo. Sếp liền ghé lại:
-Chúc mừng năm mới, đầu năm lộc khá không ông?
-‘Ế thấy mẹ nè ông ơi? Nhờ ngài mở hàng giùm lấy hên!’, ông thầy mù ca thán.
Sếp liền sề xuống:
-Dzậy lão xủ tôi một quẻ đầu năm xem?
-Ngài ngồi gần tôi chút nữa?
Đưa tay sờ soạng khắp mặt mũi ông khách, lão thầy bói phán:
-Tốt tướng! tốt tướng! Không nhất phẩm thì cũng nhì, không nhì thì là ba, ngài là một đầy tớ lớn nhất trong những đầy tớ, trước đây cũng như hiện tại và năm này mặc ai đói khổ ngài vẫn TÀI LỘC VÔ CƯƠNG - THÊ THIẾP ĐẦY GIƯỜNG - AN NHÀN THỊNH VƯỢNG, bởi ngài có một đôi dái tai dài thoòng như tai Phật.
Nghe đến đây sếp tươi cười móc túi trả tiền quẻ hậu hĩnh và đứng dậy đi, mọi người du Xuân gần ấy liền bu lại nhao nhao xin được xem bói:
-Ồ! Thầy bói hay quá ông vừa xem chính là lãnh đạo bự tổ chảng đó!
Ra chiều tự đắc, lão thầy mù đưa tay sửa lại chiếc kính đen xì lì mang hai cái tròng tròn to bằng cái miệng bát và nói:
-Tôi biết rõ hắn chứ, vì tôi thường thấy cái bản mặt hắn chém gió trên ti vi quày hà, tôi nói hắn có hai cái tai Phật là cho hắn cái lưỡi câu vào họng đó, vì Phật thì thường tạc bằng đá bằng gỗ, mà lỗ tai đá, lỗ tai gỗ thì đâu có biết nghe! (Mietvuon Sau, Facebook)
Nghe đến đây, nàng tưởng là bị trúng 'Tam tiếu tiêu dao tán' của Tinh tú lão quái Đinh Xuân Thu (truyện 'Thiên long bát bộ'), nên đòi tôi gọi taxi để nàng đi bệnh việc Chợ Rẫy để cấp cứu, tôi lại cười vang ha..ha..ha...
***
Và cuối cùng, thu không còn nữa:
Mãn thu, nước sầu lên mí mắt
Màn tối chung quanh phủ đất trời
Lửa kia những tưởng làm nguôi lệ
Ai ngờ, cây héo, khóc đơn côi
Vâng, tội nghiệp ‘chiếc lá bằng lăng’ của tôi, sáng nay nàng tươi mướt khi bay vào túi tôi, mà sau nghe tôi kể vụ ‘tích hợp’:
-Nàng buồn rười rượi, nằm cuộn lại, và bị héo queo à.

(HẾT)
---------
Chú dẫn:

  1. Cây bằng lăng: Tiếng Pháp là ‘Lilas des Indes’, tiếng Anh thông dụng là ‘Pride of India’, sở dĩ có chữ ‘India’ ở đây là vì Banabá (Bằng lăng nước) là tên gọi theo tiếng Philippines của loài cây đặc thù của Ấn Độ. Loài này có nguồn gốc từ vùng nhiệt đời Nam Á, hiện có nhiều ở Đông Nam Á, Ấn Độ và các vùng nhiệt đới khác. Ở Việt nam cây này được gọi là Bằng lăng nước, đặc biệt là rừng cây gỗ toàn là bằng lăng gần Gia Nghĩa (Dak Nông), EaSup (Daklak)… (wikipedia)
  2. Đào tạo giảng viên (Training of trainers), xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/03/16-trung-dung-trong-ao-tao.html
  3. Đặng Dung (!-1414): ‘Từ khi thua trận ấy rồi, Trần Quý Khoách thế yếu quá không thể chống với quân giặc được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu Trần Quý Khoách, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy đều bị bắt, và phải giải về Yên Kinh cả. Đi đến giữa đường, Quý Khoách nhảy xuống bể tự tử, bọn ông Đặng Dung cũng tử tiết cả. Ông Đặng Dung có làm bài thơ Thuật hoài, mà ngày nay còn có nhiều người vẫn truyền tụng. Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh...’ (Trần Trọng Kim, wikipedia)
  4. ‘Khuyến mãi’ là từ đúng, nghĩa là khuyến khích người ta mua hàng; ‘khuyến mại’ là từ sai, vì có nghĩa là khuyến khích bán hàng. (vnlink.net)
  5. Thương mại: thuật ngữ tiếng Anh gọi là ‘trade’, vừa có ý nghĩa là kinh doanh, vừa có ý nghĩa là trao đổi hàng hoá, dịch vụ. Ngoài ra, tiếng Anh còn dùng một thuật ngữ nữa là ‘business’ hoặc ‘commerce’ với nghĩa là ‘buôn bán hàng hoá, kinh doanh hàng hoá hay là mậu dịch’. (vinabook.com)

12 nhận xét:

  1. saumietvuon [Blogger] Email 26.11.15@19:50
    Tui hiểu chủ đề anh viết, nhưng nghiêm túc ở 1 góc nhìn riêng tui gẫm "TÍCH HỢP" có thể chứa đựng 2 yếu tố hung, kiết bất thường có thể anh hưởng đến tiền đồ Dân Tộc mà 2 từ đó là 1 bước ngoặc. (đây là còm thứ 2 tui mang về nhà, trước đó là còm 1 ở trang anh Tyler, vì tui định viết 1 entry nhỏ về điều này theo 1 góc nhìn riêng.)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, đây là mình mân mê 'chiếc lá bằng lăng' trong tay, và suy nghĩ, nghĩ gì thi ghi lại, nhật ký mừ!, ngày khác sẽ nghĩ chuyện khác, hi...
      Cám ơn bạn Sáu nhé, ngày mới vui!

      Xóa
  2. lhngan [Blogger] Email 26.11.15@20:01
    Em cũng đang mệt mỏi về tích hợp với liên môn huynh ơi! Sắp tới ngày nộp bài dự thi liên môn rồi mà em chưa có tí cảm hứng nào. Em qua thăm huynh và đọc bài viết. Chúc huynh an mạnh thăng hoa. Xin huynh cái tem may mắn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, lhngan là cô giáo văn à (hay sử!), vì thế mà kiến thức văn học... tốt ghê!, viết mấy bài... thít lắm!
      Chúc mừng nghen! Ngày mới ngọt ngào.

      Xóa
  3. vomtroirieng [Blogger] Email 26.11.15@20:17
    Cám ơn nhiều lắm về bài viết này, đại hiệp LB ui. điều lo nhất ở dạy học tích hợp là liệu có nguy cơ 1 số gv thất nghiệp không...
    Sau 1 tiết dạy học tích hợp, hs chẳng hiểu vừa học môn gì, buồn và mệt mỏi quá đi mất
    "Em hiểu gì sau giờ Hoá sáng nay ?
    Một tiết thôi mà bao điều phải học
    Có thấy cô luôn loay hoay khó nhọc
    Để chứng minh tích hợp lắm điều hay !"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui,
      Tích hợp chi lọa rứa
      Làm cư dân mạng... ngứa
      Mần cái gì cũng được
      Đừng động đến lịch sử!

      Cám ơn VTR nghen, ngày mới... ngọt ngào.

      Xóa
  4. Lưu comt La Thụy:

    "Sông núi nước Nam vua Nam ở.
    Rành rành định phận ở sách Trời.
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời." (TTK)

    Mình thích bản dịch này.

    P/s: Dịch mà cũng xét SYLL à, ha..ha..ha..., ngoài ra, mình nghĩ không biết chừng đến năm... 3015 vẫn còn cãi nhau về 4 câu này, và vì thế sẽ có vài trăm cái giải... Nobel!, híc..híc...
    http://lathuy.blogtiengviet.net/2015/11/21/chuy_n_b_n_d_ch_bai_th_nam_qu_c_s_n_ha

    Trả lờiXóa
  5. Lưu tư liệu:
    …Không kể những cuộc xâm lấn nhỏ, đã có 13 lần giặc phương Bắc xua đại quân xâm lấn phương Nam, đặc biệt Việt Nam. Nhưng trong tất cả 13 lần đó, Dân Việt đều đại thắng các đoàn quân Phương Bắc. Đã mười ba lần, Dân Việt đại thắng! Đó là mà một điều mà người Tàu lấy làm “nhột”...
    https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=517795625061278&id=100004925344406

    Trả lờiXóa
  6. Lưu comt Yến nhỏ:

    Đêm ảo mộng ai mơ hồ… thánh nữ
    Thác lạnh về, khúc luân vũ mùa đông
    Sống mê hoang, ôi thiên đàng, mỏi mệt
    Én lượn vòng, chết… một thoáng buồn trông

    Trả lờiXóa
  7. Lưu comt lhngan:

    Trời ơi, em thả dại khờ
    Làm anh tốn mấy vần thơ ngọt ngào
    Bao giờ em thả vì sao
    Anh theo mây gió, lạc vào... hoang mơ

    Trả lờiXóa
  8. TỊNH VÂN [Blogger] Email 27.11.15@17:40
    Hoa bằng lăng mỗi mùa vẫn nở
    Người gặp người một thuở quen nhau
    Bằng lăng nở tím vườn sau
    Nhìn hoa bắt gặp mộng sầu quẩn quanh

    Ta bỗng thấy xuân xanh trở lại
    Một thoáng thôi... tê tái cả lòng
    Con chim lẻ bạn từng không
    Tiếng kêu khắc khoải, chạnh lòng xiết bao

    Nghe có chút nghẹn ngào giăng mắc
    Người nhớ người se thắt người ơi
    Gió rung hoa tím buồn rơi
    Nghe giọt đắng rụng xuống đời... chiều nay!

    Muội sang thăm Huynh, Muội mãi mãi chúc Huynh bình an Hạnh Phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, bài thơ song thất lục bát hay quá!
      Huynh chấm... 10 điểm, hihi...
      Cám ơn muội nghen, tối ngọt ngào.

      Xóa