Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

21. Tự khổ và tự sướng


Kiếp người vốn thế ai ơi
Sao
ta cứ giữ trong lòng mà chi
Sao bằng thỏa cánh chim phi
Sao bằng mây gió, sao bì trăng khuya
Tự khổ là người ta tự làm khổ mình. Hình như rất rất rất nhiều người nghĩ thế giới này sẽ vận hành theo cái mà mình muốn, rồi ảo tuởng là đúng như vậy, rồi suốt đời chạy theo cái ý muốn đó, cho đến khi vũ trụ này nói “không” bằng một cú “giáng” kinh hồn, hoặc chí ít cũng cho người ấy thấy thế nào là nỗi thất vọng đắng cay, hoặc kẻ ấy không đủ nhận thức hay không tồn tại đủ thời gian để biết sự khước từ của vũ trụ. Vũ trụ này vận động theo kiểu của nó, và ác thay, nó chẳng cần bạn nghĩ hay muốn cái gì.
Có một người hỏi rất có lý rằng “khi bạn lên mặt trăng, thì mặt trăng cung cấp ôxy cho bạn hay là bạn phải mang ôxy lên mặt trăng?”, ý nói là bạn theo vũ trụ thì bạn sẽ tồn tại, tiếc thay là con người hầu như nghiện cãi lại nó. Người yêu của bạn có chắc là niềm hạnh phúc thật sự của bạn? Tình mẫu tử có chắc là niềm hạnh phúc thật sự của bạn? Con của bạn có chắc là “tình yêu” của bạn? …
Nếu bạn muốn hiểu như thế nào là “thuận theo tự nhiên mà sống” thì hãy suy nghĩ câu nói tiếp sau đây. Nói tổng quát, con người thường áp đặt cái ý muốn của mình lên vũ trụ, lúc vũ trụ chuẩn bị mọi cái cho mình thì mình không nhận, lúc vũ trụ đóng cửa thì mình đòi hỏi vũ trụ phải phục vụ cho mình! Có người, đa phần, bằng nhiều cách làm cho mình tự khổ, nhưng suốt đời hắn không biết, cứ đỗ cho là tại ông trời làm cho hắn khổ thế này khổ thế kia - không phải, chính hắn làm hắn khổ!
Có một hôm hắn đi mua một món quà lưu niệm, hắn đã găp một ông bán sách. Đây là hiệu sách của một tín đồ Thiên chúa giáo. Hình như ông chủ hiệu sách làm một thành viên của một tổ chức liên lạc Giáo hội quốc tế gì đó. Qua một thời gian lựa chọn món quà lưu niệm với vài lời đùa “thiền” qua lại, có lẻ ông chủ tưởng rằng hắn là một người giàu (mà cũng có thể không phải là như vậy), ông ấy nói:
- Làm ra tiền để làm gì, làm ra tiền là để hưởng thụ đúng không, có nhiều người có tiền, để dành tiền để khi đến già để hưởng, nhưng chắc gì đã được sống đến già, mà sống đến già chắc gì đã được hưởng thụ.
Hắn hỏi lại:
- Ý rất hay. Ý này có trong Kinh Thánh không? (Trả lời “không”).
Nhưng đây hắn cũng ngầm tự khen ông già, có thể ông ấy đã theo Kinh thánh suốt đời, nhưng những luận cứ trên là do ông ấy nghĩ ra. Vấn đề ở đây là: tại sao con người không tự sướng mà phải tự khổ làm gì?
Có người tuyên bố rằng “Thượng đế đã chết”. Đúng, bản chất con người là cô đơn, dù cho bạn có vùng vẫy như thế nào, cái mạng lướì vô hình của cô đơn cứ siết chặt lấy bạn không buông tha, cho dù bạn không tìm, không đến và không gõ thì cánh cửa dẫn vào sự cô đơn (và đau khổ) cũng cứ mở và hút bạn vào đó. Bạn phải tự giải quyết mối trăn trở quằn quại, trầy trụa và đau khổ của chính mình, không ai giúp bạn đâu, cầu cứu thần thánh làm gì vô ích, các bạn nghĩ xem có đúng không, dường như thiên đường là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người!
Triết học hay triết lý dài dòng làm cái quái gì, cơ bản là bạn có tìm được con đường tự sướng hay không thôi, vì có rất nhiều lúc chính bạn tìm đường lao đầu vào cái khổ đấy bạn ạ. Bạn có thể từ bỏ mọi cái gì là phong tục tập quán lễ hội và dám không áy náy để đi theo con dường mà bạn đã lựa chọn phù hợp với cách tồn tại của bạn không!
 À, bạn có thể thay đổi tư duy để tăng thêm “một thành công lực” được không? Tại sao bạn phải tự khổ? Bạn có cách nào để tự sướng không? Có vợ cũng có thể là một nỗi khổ: “vợ là món nợ, tình là dây oan!”. Bạn có nghe nói về hay áp dụng tốt vận trù học không? Bạn hãy nghiên cứu thay đổi một số cách hành động quen thụộc, lệ thuộc và không chủ động, một số lộ trình mà bạn đã mạch định, không ép buộc người khác phải theo ý bạn, không áp đặt lên cái vũ trụ này bằng cái ham muốn cá nhân của bạn để:
- uống một ly cà phê thật sự thoải mái,
- nói chuyện thật sự tự do,
- thả hồn bất tận trong chuyến du ngắm vũ trụ,
- suy nghĩ độc lập,
- làm một việc do mình yêu thích,
- không phải song song lo lắng các việc khác, hay
- “thiền” với một người khác phái…
Bạn làm như thế nào? 
(Ngày 8/3/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét