Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

504. Hồi ký về cái được gọi là 'nhóm lợi ích'

Trước tiên, xin tâm sự rằng LB viết entry dưới dạng tự sự mà lấy các sự kiện có thực ở đời, hay các ấn tượng được tích lũy theo thời gian làm cơ sở, nên nó sẽ không giống như các bài viết chính quy của các nhà chuyên môn, và chỉ có giá trị tham khảo. Bài viết về 'nhóm lơi ích' này được xuất phát vào cuối một buổi chiều thứ Bảy mà không có ai để tâm sự, híc.. híc...
Mây buồn mây dạo lang thang
Ta buồn ta viết lan man mấy dòng
Biết đâu nắng động trời trong
Hư không ta lại rụng vòng tay em.
(NGLB)
1. Sự biến thái của 'nhóm lợi ích'

Trong một lần đi giám sát đào tạo (của Red Cross), LB thấy cô giáo vẽ một bức hình 'một số người cùng đẩy một tảng đá to', rồi các học viên cùng đi đến kết luận một cách đơn giản rằng: 'Nhóm là một tập hợp gồm có nhiều người (2 người trở lên), có cùng mục tiêu/mục đích và cùng làm một hay nhiều việc
(Nhóm 'Tiết kiệm và Tín dụng', 1998)
Lưu ý rằng, khái niệm hay thuật ngữ 'nhóm lợi ích' hoàn toàn không phải là mới 'sáng tạo' ra - như đã được đăng tải rầm rộ trên mạng mới đây, cũng không phải là do các nhà nghiên cứu Mỹ hay Anh nào đó đã định nghĩa trong vòng vài mươi năm đổ lại đây (interest groups, hay pressure, lobby, advocacy... groups - theo Vũ Cao Phan), mà nó đã có cách đây hàng ngàn năm.
Khái niệm 'nhóm lợi ích' đã tồn tại ít nhất là từ cuối thời nhà Chu (thế kỷ thứ 8TCN, mà ta đã biết sơ bộ qua truyện 'Đông Chu liệt quốc'), rồi thời Cleopatra (69-30TCN)khái niệm này càng rõ nét hơn vào thời nhà Đinh-Lê ở nước ta (với nhân vật Dương Vân Nga, 952!-1000) và thời nhà Tống bên Tàu (với nhân vật Bao Thanh Thiên, 999-1062). 
Đến nay, chắc vẫn còn có một số người xem từ 'nhóm lợi ích' như là một 'mỹ từ' về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế, từ chỗ là nhóm của những kẻ cùng phe cánh, cùng 'cạ', cùng 'ê-kíp', hay cùng làm áp-phe (= make affairs), nó đang trở thành 'nhóm cướp ngày', thậm chí có thể trở thành 'nhóm của những nhà chính trị con buôn', 'nhóm của những cuộc tình biến thái', hay 'nhóm lợi ích khủng'... 

Chắc các blogger phần nào đã biết nhóm ‘Arex - Venus - Apollo’ và ‘Athena - Hera’ (trận chiến thành Troia), nhóm ‘Cleopatra - Ceasar’ hay ‘Cleopatra - Antonius’, nhóm 'Câu Tiễn - Văn Chủng - Phạm Lãi', nhóm 'Lưu Bị - Khổng Minh - Bàng Thống - Từ Thứ', nhóm 'Lã Bất Vi - Triệu Cơ - Tử Sở - Lao Ái', rồi nhóm 'Đức-Ý-Nhật' hay 'Mỹ-Anh-Nga' (trong Thế chiến thứ 2)..., đó là các nhóm lợi ích 'lớn'. Sau đây là vài câu chuyện.
 2. Nhóm 'Lã Bất Vi'
Âm mưu của ‘nhóm Lã Bất Vi’ (292-235 TCN) được tiến hành như sau (entry 273):
Bước 1: Dưới thời Tần Chiêu Tương Vương, thái tử An Quốc Quân có hơn 20 người con, trong đó có Tử Sở (tức Dị Nhân, con của vợ thứ Hạ Cơ) không được cha tin cậy nên phải đi làm con tin ở nước Triệu và bị đối xử rất tệ bạc. Lúc đó Lã Bất Vi đang ở Hàm Đan, thấy cơ hội ‘buôn bán lớn’ đã đến, y bèn kết giao với Tử Sở, đồng thời mở rộng kết giao với các ‘mạnh thường quân’ và nhiều nhân vật quan trọng của các nước chư hầu.
Bước 2: Lã Bất Vi có một người thiếp là Triệu Cơ đã có thai, nàng vô cùng xinh đẹp lại có tài đàn ca múa hát. Nhờ sự ‘tiếp thị’ có hiệu quả của y, uy tín của Tử Sở ngày càng tăng lên, y bèn mời Tử Sở đến nhà chuốc rượu và cho Triệu Cơ ra tiếp, quả nhiên Tử Sở lập tức ‘sa lưới tình’, y bèn dâng Triệu Cơ cho Tử Sở, sau đó nàng đẻ ra con là Triệu Chính (hay Doanh Chính, vào năm 259 TCN). Ngoài ra, Tử Sở, Triệu Cơ và Doanh Chính sống ở nước Triệu có nhiều lần gặp nguy hiểm chết người nhưng đều được Lã Bất Vi lo lót cứu thoát.
Bước 3: Sau đó, y đem vàng bạc đút lót Hoa Dương phu nhân (vợ 'cưng' của An Quốc Quân, không có con) và tán dương Tử Sở hết lời, kết quả là bà ta nhận Tử Sở làm con nuôi và xin An Quốc Quân lập Tử Sở làm Thừa tự (tức là người thừa kế vương vị khi cha lên ngôi).
Bước 4: Năm 251 TCN, Chiêu Tương Vương mất, Lã Bất Vi bèn đưa Tử Sở, Triệu Cơ và Doanh Chính về nước Tần. Thái tử An Quốc Quân lên ngôi được một thời gian ngắn thì mất (có người nói đó là âm mưu của Lã Bất Vi!), Tử Sở lên ngôi và phong cho Lã Bất Vi làm Thừa tướng, Hoa Dương phu nhân làm Hoàng thái hậu, Hạ Cơ làm Hoàng hậu và Doanh Chính làm Thái tử.
Bước 5: Ba năm sau Tử Sở lại mất, thế là Doanh Chính lên ngôi (năm 12 tuổi, 247 TCN), tức là Tần Hoàng. Y phong cho Lã Bất Vi làm Tướng quốc và gọi là Trọng Phụ (tương đương với ‘cha thứ hai’ hay ‘nghĩa phụ’).
(Bước 6): Năm Tần Hoàng 21 tuổi (238 TCN), chuyện bị Triệu Cơ gian dâm với Lao Ái bị bại lộ, 2 con riêng của nàng bị giết, nàng bị giam lỏng bên đất Ung, còn Lã Bất Vi cũng bị cách chức, rồi bị đày sang đất Thục, 3 năm sau đó, y bị Tần Thủy Hoàng ép tự tử chết khi được 51 tuổi. (Nhiều năm sau, Tần Hoàng lần lượt đánh bại 6 nước chư hầu là Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, cuối cùng là Tề và Yên vào năm 221 TCN, thống nhất Trung Hoa, và tự xưng là Tần Thủy Hoàng, trong đó, từ ‘Thủy Hoàng’ có nghĩa là ‘hoàng đế đầu tiên’ của Trung Hoa).

3. Nhóm ‘Cleopatra-Ceasar’ hay ‘Cleopatra-Antonius’
Vào mùa xuân năm 51 TCN, sau khi vua cha qua đời, Cleopatra lấy em trai là Ptolemy XIII (theo phong tục cung đình của Ai Cập thời đó, không xem là loạn luân) để để củng cố ngôi vị của mình. Trong thời gian đó, xảy ra cuộc tranh chấp quyền lực giữa Ptolemy và Cleopatra, rồi cuộc đảo chính để lật đổ Cleopatra do các cận thần của Ptolemy tiến hành, ngược lại nàng cũng tổ chức cuộc nổi loạn ở Pelusium, nhưng cuối cùng nàng thất bại và bị buộc phải rời khỏi Ai Cập. Đến mùa thu năm 48 TCN, quyền lực của Ptoleny VIII bị đe dọa vì can thiệp quá ‘nông nổi’ vào công việc của đế chế La Mã, đó là việc ông đã ám sát con rể (bỏ trốn) của Ceasar là Gnaeus Pompeius Magnus để lấy lòng Ceasar. Ceasar vì quá tức giận, đã chiếm thủ đô Ai Cập (Alexandria). Sau đó, Ptoleny VIII bị chết trong một cuộc chiến tranh ngắn.
Sau đó, để duy trì ngôi vị của mình và không muốn cảnh nước mất, nhà tan, Cleopatra đã dùng sắc đẹp, sự thông minh và sức hấp dẫn của mình để ‘quyến rũ’ Ceasar. Được Ceasar yêu mãnh liệt, nàng đã được tái lập ngôi báu cùng với em trai của mình là Ptoleny XIV, và kết quả là nàng cùng với Ceasar sinh ra người con là Ptolemy Caesar, tức là ‘Caesarion’ hay ‘Caesar nhỏ’. Năm 44 TCN, Ceasar bị ám sát trong một cuộc họp, Cleopatra quay về Ai Cập, lập Caesarion là người đồng cai trị với mình và là người thừa kế của mình.
Năm 42 TCN, nàng phải tiếp tục quan hệ ‘liên minh’ bằng cuộc tình với danh tướng kiêm chính trị gia Marcus Antonius (hay Mark Antony) - một trong những thành viên cai trị Roma. Antonius mời nàng đến gặp mặt ở thành phố Tarsus, tại đây, nàng đã trổ tài ‘quyến rũ’ khiến Antonius ‘hồn xiu phách lạc’, hai người sống qua hai mùa đông và sinh đôi. Khoảng năm 37-36 TCN, tức là bốn năm sau khi sinh đôi, Antonius nối lại quan hệ và tổ chức đám cưới chính thức với Cleopatra, hai người lại có thêm một người con nữa.
Cuối năm 34 TCN, sau khi Antonius chinh phục Armenia, Cleopatra và Caesarion được phong là những người đồng cai trị Ai Cập và Síp (Cyprus). Năm 33 TCN, trong cuộc tranh chấp giành ngôi chủ La Mã, Augustus và Antonius đánh nhau và chia cắt đế quốc... Ngày 2 tháng 9 năm 31 TCN, trận Actium có tính chất quyết định bùng nổ giữa hai phe, một phe là lực lượng của Octavius (Augustus) và một phe là liên minh giữa Antonius và Cleopatra. Augustus thắng trận, Ai Cập bị thất thủ, sau đó Antonius tự vẫn. Vài ngày sau cái chết của Antonius, nàng cũng tự vẫn bằng cách cho rắn độc (rắn mào) cắn vào cổ tay mình hay uống thuốc độc, còn Caesarion thì bị bắt và bị hành quyết.
Thế là ‘chấm dứt không chỉ giai đoạn cai trị của người Hy Lạp trên ngôi vị pharaoh ở Ai Cập mà cả giai đoạn pharaoh ở Ai Cập’, và từ đó, ‘Ai Cập trở thành một tỉnh của đế quốc La Mã dưới quyền hoàng đế Augustus’ (entry 220).

4. Nhóm ‘Dương Vân Nga - Lê Hoàn’
Để tiết kiệm thời gian, LB xin giới thiệu một đoạn trong entry 246:
'Lê Hoàn hay Lê Đại Hành (941-1005) nguyên là ‘Thập đạo tướng quân’ (chỉ huy 10 đạo quân) dưới thời Đinh Bộ Lĩnh.
Năm 979, sau khi Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn lần lượt bị ám sát (có nghi án là Dương Vân Nga liên kết với Lê Hoàn, do tranh chấp ngôi vị Thái tử cho con giữa các hoàng hậu, đây cũng là nguyên cớ để nhà Tống xâm chiếm nước ta!), Đinh Toàn lên ngôi khi mới có 6 tuổi, Dương Vân Nga trở thành Thái hậu, còn Lê Hoàn làm ‘Nhiếp chính’, việc này đã gây nên làn sóng nghi kỵ ‘tư thông’ và gây lũng cũng nội bộ rất lớn, các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp… nổi loạn và đều bị giết.
Năm 980, khi vua Tống đe dọa đánh Đại Cồ Việt, Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga và triều thần tôn lên làm vua, lập nên nhà Tiền Lê và phong Dương Vân Nga làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Năm 981, Lê Hoàn đại thắng quân Tống ở Bạch Đằng và Tây Kết, giết tướng Tàu là Hầu Nhân Bảo..., nhà Tống phải thừa nhận Đại Cồ Việt là một nước độc lập'.

Lưu ý rằng, đôi khi, một 'nhóm lợi ích' được đánh giá bằng thành quả cuối cùng của họ, đặc biệt là cho tổ quốc hay lão bá tánh. Đánh giá về Dương Vân Nga, LB có viết: 'Dương Vân Nga - một người phụ nữ biết hy sinh ‘cái tôi’ của mình để gián tiếp triệt hạ quân xâm lược Tống và đem lại lợi ích cho tổ quốc há chả là điều rất cao quý sao?, hơn nữa, một phụ nữ ‘xấu’ thì không thể yêu nước (vụ Trần Thúy Liễu chẳng hạn), ngược lại, một phụ nữ yêu nước thì rất hiếm khi làm những điều quá xấu, các bạn nghĩ thử xem! Vậy cớ sao ta lại vì 2 cái ông ‘Khổng-Mạnh’ hay vì 2 chữ ‘Nho giáo’ mà làm giảm đi tầm cở của một nữ danh nhân lỗi lạc của Việt Nam?'.
Tóm lại, mặc dầu vẫn còn không ít nghi vấn, nhưng LB lại ủng hộ Thái hậu Dương Vân Nga, và bà được LB chọn là một trong 'Ngũ đại mỹ nhân' của VN, hihi... 
(Phan Hoà - người đóng vai Dương Vân Nga)
'Đồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm’
(Vẻ đẹp của DVN, Hoàn Vương ca tích)

Tất nhiên là có thể kể ra nhiều ví dụ khác, nhưng 'văn dĩ tải đạo', nên dù là nhóm Tàu, ta, hay Tây thì về bản chất cũng là như nhau, và LB cũng phải hạ dần độ cao, hi.. hi...
5. Đặc điểm của nhóm lợi ích thời Bao Thanh Thiên
Trong phim 'Bao Thanh Thiên', tồn tại các nhóm chính: nhóm của Bát Hiền Vương, của Vương thừa tướng, của Bàng thái sư, và của Bao Chửng. Ngoài ra còn có các nhóm khác như Hình Bộ (quân đội), Đại Lý Tự (hoàng tộc), và một nhóm 'ngầm' của các thái giám/quý phi + các quan lại giấu mặt khác.
'Nhóm lợi ích' mạnh nhất và phản động nhất thời đó là nhóm của Bàng thái sư, mà bao gồm, thường là gián tiếp, các tướng trấn thủ biên ải (Bàng Dực), các công thần/đại thần/quan lại địa phương (Sài Chính, Vương Luân), các cẩm y vệ cao cấp (Vương Cán), và các nhân vật cao cấp ở Hậu cung (Bàng phi), nhóm này có các đặc điểm:
  1. là nhóm tội phạm hình sự, có sát thủ, thường giết người diệt khẩu
  2. thường hoạt động ngầm/bất hợp pháp như giới xã hội đen/mafia
  3. thường nắm trong tay một nguồn lực kinh tế nhất nhì trong nước
  4. vua phải nể ‘vài phần’ (nhóm công thần, vua không can thiệp được)
  5. coi sinh mệnh của người dân như cỏ rác
  6. lấy tay che cả bầu trời
  7. đưa họ hàng/bà con vào làm quan lớn
  8. tìm mọi cách để tận diệt nhóm đối lập, đặc biệt là nhóm ‘trong sạch’
  9. âm mưu lên đỉnh cao nhất của quyền lực, thậm chí có thể giết vua
  10. có thể tiêu diệt lẫn nhau (nội bộ) một cách tàn khốc, và
  11. có thể cấu kết với ngoại bang (Liêu/Tây Hạ)
6. Đặc điểm của nhóm ‘Nhạc Bất Quần’
Cụm từ ‘Ngụy quân tử Nhạc Bất Quần' (trong truyện ‘Tiếu ngạo giang hồ’ của Kim Dung) vô tình trở thành một thành ngữ phổ biến, nhất là, trong thế giới ngầm (quán cà phê/bàn nhậu…), ngoài ra, thành ngữ này ngày càng trở thành một thứ ngôn ngữ thời sự, đặc biệt là trong bối cảnh ‘Biển Đông’ hiện nay
Thời đó, có các nhóm lợi ích chính: nhóm ‘Thiếu Lâm-Võ Đang’, nhóm ‘Ngũ nhạc kiếm phái’, nhóm ‘Ma giáo’, và nhóm ‘các bang hội khác’… Nhóm thâm hiểm nhất và thành công nhất (và cũng có kết cục bi thảm nhất) là ‘nhóm Nhạc Bất Quần’, nhóm này có các đặc điểm:
  1. là nhóm độc tôn, là một phần tử ‘cô độc’, chỉ vì 'cái tôi'
  2. cực kỳ có tham vọng làm bá chủ võ lâm/bá chủ thế giới
  3. ‘thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết’ là nguyên tắc tối cao
  4. ‘vô độc bất trượng phu’ là châm ngôn hành xử hàng ngày
  5. sẵn sàng hy sinh các đồng phái (trong phe Ngũ nhạc kiếm phái), đồng môn, bạn bè, bà con, thậm chí là vợ/chồng, con cái
  6. dùng mưu kế thâm hiểm nhất/đê tiện nhất để chiếm ưu thế hay để hạ đối thù
  7. sẵn sàng ‘chụp mũ’ mọi tội lỗi lên đầu kẻ khác (đổ trách nhiệm/ngậm máu phun người) để che giấu các hành vi đen tối của mình
  8. không có đối tác nào tự nguyện theo, hay trung thành
  9. mất hết lương tri, nhân tính, sẵn sàng biến thái để đạt được mục đích của mình
  10. trong đầu óc thường lẩn quẩn toàn là tham vọng ảo, và
  11. bất chấp mọi hậu quả...
7. Một số nhận định trên mạng về ‘nhóm lợi ích đương thời’
"Em chờ nghe Huynh bàn đến những nhóm lợi ích đương thời cơ"
(Lộc Vừng)
Thể theo yêu cầu của muội 'Lộc Vừng', hihi..., LB sẽ đi thẳng vào chủ đề (7 và 8), mà chỉ ghi nhận một số câu và chỉ có giá trị tham khảo, các blogger có thể đọc trực tiếp các câu này ở (các) đường dẫn cho bên dưới nghen.

-Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra trích dẫn khảo sát năm 2012 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức, theo đó có tới 40% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận họ có sử dụng quan hệ với quan chức để vụ lợi, và 43% không có ý kiến gì về vấn đề này. Hơn 19% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận sử dụng hối lộ để đạt mục đích. Các cơ quan mà nhóm này hướng đến là các ủy ban nhân dân, các cán bộ quản lý ngành (Tư Hoàng).
-Dư luận xã hội chưa qua được cơn "choáng" về lương khủng của các quan chức tại 04 doanh nghiệp công ích tại t/p Hồ Chí Minh: Công ty Thoát nước đô thị, Chiếu sáng công cộng, Công trình giao thông Sài Gòn và Công viên cây xanh, ngang nhiên xâm hại quyền lợi hàng trăm người lao động. Mới đây, lại có thêm 08 DN công ích (vốn 100% Nhà nước), mà cách xâm hại quyền lợi của người lao động cũng na ná như 04 bạn "đồng nghiệp" kia. "Mô hình"... tha hóa của mấy sếp này rất giống nhau (Kỳ Duyên).
Bên cạnh hiện tượng này là sự lặp đi lặp lại với tần suất ngày càng cao việc đề ra những quyết sách liên quan đến cuộc sống hằng ngày có tác dụng đẩy khó khăn về phía người dân. Tăng giá điện, điều chỉnh giá xăng dầu là những ví dụ điển hình. Tất cả những điều đó khiến người ta nghi ngại rằng quyền lực công có thể được sử dụng một cách tùy tiện, thoải mái, theo ý riêng, cho những mục tiêu riêng (Nguyễn Ngọc Điện).
-Với đời người, gần 70 là tuổi già lão, tuổi của sự trải nghiệm, chín chắn, quá biết "mệnh trời"… Nhưng với đời một quốc gia, đó vẫn là tuổi quá... trẻ. Bởi nước Việt những tháng năm này vẫn đang trên hành trình "tự đổi mới" để có thể hội nhập với thế giới văn minh hiện đại. Thách thức đến với nước Việt, không chỉ là sự phát triển, mà còn gay gắt hơn, khốc liệt và sinh tử hơn. Đó chính là chống lại sự tha hóa (thoái hóa, hư hỏng) đang có xu hướng trầm trọng trong xã hội. Mà hệ lụy nhãn tiền là tụt hậu quá xa so với các quốc gia khác, thậm chí có nguy cơ đe dọa độc lập, chủ quyền dân tộc.
Sự tha hóa có diện mạo hắc ám - chính là "quốc nạn" tham nhũng, nhóm lợi ích, đang chọc trời khuấy nước mặc dầu... Rằng, sự tha hóa có thể vẫn tiếp diễn, nhưng lắng đọng trong tâm thức, ngấm sâu trong ý thức hàng triệu người Việt, như nhà báo - người lính Vũ Đức Hiệp, đó là chủ quyền độc lập, là lợi ích dân tộc phải được đặt trên hết. Có thế, dân tộc Việt mới có thể đi qua những tháng năm khổ đau này, mà vượt lên, trường tồn và phát triển! (Kỳ Duyên).

8. Nhóm lợi ích đương thời
Khái niệm ‘nhóm lợi ích’ có bề dày lịch sử, thể hiện từ quy mô lớn tới quy mô nhỏ, mà nay được gọi là ‘nhóm lợi ích đương thời’ hay ‘nhóm lợi ích mới’. Cụ thể hơn, ‘nhóm lợi ích mới’ chính là một sản phẩm tất yếu của ‘Chủ nghĩa tư bản bè phái’ (ngôn ngữ của David Pilling).
Nói một cách gần gũi hơn và thực tế hơn là: hiện nay, dường như ‘nhóm lợi ích’ được xem như là một hiện tượng, nhưng về nguồn gốc, nó đích thị là ‘nhóm tham nhũng’. Hệ cây gia phả (= family tree) sẽ cho ta kết quả về ‘bản chất’ của nó như sau:
Nhóm lợi ích/tham nhũng -> cơ chế bị lệch -> hệ tư tưởng/tiên đề không nằm ở ‘gốc tọa độ’.
(-> có nghĩa là 'xuất phát từ')
Tóm lại, kẻ thù lớn nhất của lão bá tánh là ai?, họ thù ghi tâm khắc cốt cái gì? Tham nhũng. Vì thế, đối với ‘nhóm lợi ích đương thời’, LB thích câu của nhà Phật là ‘đày xuống ... tầng địa ngục, vạn kiếp không được siêu sinh’, của Chúa là ‘cho vào luyện hỏa ngục’, còn của Bao Thanh Thiên là ‘cẩu đầu đao’ hay ‘chém đầu 10 lần cũng không hết tội’, hihi…
Và cuối cùng, ta là ai mà nói về ‘nhóm lợi ích’? Ta là kẻ mà:
'Anh muốn đưa em đến một miền'
Lục bình sóng vỗ, gió man miên
Hương thơm bên cạnh tràn theo gió
Ai tỉnh ai mê rớt giọt thiền.
Hi.. hi… HẾT.

10 nhận xét:

  1. Đến nay, ngoài việc có ai đó xem nó như là một 'mỹ từ' về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế, từ chỗ là nhóm của những kẻ cùng phe cánh, cùng 'cạ', cùng 'ê-kíp', hay cùng 'hợp đồng tác chiến' (= make afairs), nó trở thành 'nhóm cướp ngày', thậm chí có thể trở thành:
    -'nhóm của những cuộc tình biến thái',
    -'nhóm của những nhà chính trị con buôn', hay
    -'nhóm lợi ích khủng'...

    Trả lờiXóa
  2. Em qua thăm Huynh. Đọc thôi chứ không dám bàn ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Muội làm huynh bật cười nè, huynh viết theo dòng suy nghĩ, bây giờ đang tìm xem thử cái nhóm của 'Bàng thái sư' (thời Bao Thanh Thiên) có những đặc điểm gì nè, hihi...

      Xóa
    2. Em chờ nghe Huynh bàn đến những nhóm lợi ích đương thời cơ.

      Xóa
    3. Uh, huynh đang viết, mà sợ tối nay bị xỉn quá à.
      Chiều CN vui nghen Muội.

      Xóa
  3. Sang thăm anh. Giáo chờ đọc tiếp các nhóm lợi ích khác...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe..., cuối cùng vẫn là mấy dòng chữ 'màu tím' ở trên.
      Cám ơn GL, chúc CN ngọt ngào.

      Xóa
  4. Lưu comt Mùa Thu Vàng:
    'Em đừng đi, xin em đừng đi'
    Anh chưa thấy bóng em bao giờ
    Và ngay cả một lời nói ngắn
    Sáng buổn, anh vội mấy dòng... thơ.

    Trả lờiXóa
  5. Lưu comt Chị Hoa Mua:
    "Chúc cô áo đỏ
    Đứng giữa trời... chiều
    Dính hoa cỏ may
    Mộng ước thật... nhiều"

    Trả lờiXóa
  6. Lưu comt Tám Thùy:
    Hế-lô cô đứng dựa tường
    Dáng xinh xinh ấy cũng 'sương' lắm rồi
    Cô đi thành phố hôm nao?
    Để trăng chờ đợi, để sao ngút ngàn!

    Trả lờiXóa