Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

600. Vĩnh biệt Khổng Tử!

  
Tối hôm qua tôi nằm mơ...
Tôi đang nằm trong võng, ở trong nhà. Bỗng có một anh chàng thư sinh, đi xe đạp, ghé lại nhà tôi. Tôi còn nhớ mang máng là trên xe cậu ta có treo một cái lồng, trong đó có một đôi chim cu gáy. Tôi mới bước ra tiếp khách và hỏi ra thì mới biết là cậu ta đến để xin học. Tôi mới hỏi:
-Cháu tên gì?
-Dạ, cháu là Khổng Tử.
Tôi mới nhìn kỹ lại, cậu ta khoảng 26t, dáng dấp rất là... hai lúa (xem chú thích bên dưới), tay chân hơi thô, khuôn mặt nếu ráng nhìn thì trông cũng... tàm tạm, khá thông minh, nhưng có nước da mặt hơi xanh. Với kinh nghiệm của mình, tôi biết đây không phải là... người. 
Tôi mới dòm xoáy vào đôi mắt và bộ óc của cậu ta. Té ra 'cậu bé' sinh năm 551 TCN (ngày 27/8 ÂL), tại nước Lỗ (thời Xuân Thu, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), lấy vợ năm 19t, đến năm 22t thì bắt đầu mở lớp dạy tại nhà, rồi đi lang thang đây đó... Rồi không biết tại sao, 5 năm sau, cậu bé đi theo chiều không gian nào của không gian n chiều, mà đến được thế-giới-@ này vào năm 2014...
Tôi mới khảo sát năng lực (xem dưới), thấy cậu ta hầu như không hiểu biết gì hết về thời hiện đại, nhưng vì đôi chim cu gáy - một món quà 'bái sư' rất hậu hĩ thời đó, nên tôi nhận lời, với điều kiện là lương... khá cao và 4 năm sau, tôi chỉ giúp cậu ta đủ năng lực để 'hòa nhập cộng đồng' mà thôi, cậu đồng ý.
Thế là kể từ đó, 'cậu bé' Khổng Tử đã trở thành học trò của tôi, hihi...

Khảo sát giá năng lực của Khổng Tử
Thực ra, trước đây tôi cũng có giảng dạy chút chút, nên cái bảng câu hỏi (questionnaire) đã có sẵn trong đầu tôi, tôi mới hỏi cậu ta một số câu hỏi sau đây:
-bạn có biết hát Karaoke, tức là có biết gì về âm nhạc 'hiện đại' (loại 'đồ rê mi fa sol la si đô')?
-bạn có biết tiếng Anh, Pháp, hay Nga...?
-bạn có biết chơi blog, tức là có biết gì về vi tính?
-bạn có biết gì về lý thuyết trường hấp dẫn?, trường lượng tử?..., và hình học phi-Euclide/Lobachevski?
-bạn có biết gì về vụ nổ lớn?, lỗ đen?, sao Hỏa?, vũ trụ song song?, hạt 'thượng đế'...?
-bạn có biết gì về vận trù học?, phương pháp tổ chức khoa học?, phương pháp sản xuất dây chuyền...?
-bạn có biết gì về triết học 'hiện đại' của Nietzsche, Sartre, Camus, Hegel, Heidegger, Krishnamurti, Osho, Freud, Kim Dung...?
-bạn có biết gì về các khái niệm cơ bản 'hiện đại' như: thế giới tâm linh?, 'thông linh', bình đẳng/dân chủ/'xã hội dân sự', 'nền kinh tế pháp trị', bành trướng/bá chủ thế giới...?
v..v...
Tất cả câu hỏi đều có các ô trống để đánh dấu X vào, từ mức độ 'rất kém' đến 'rất tốt', nhưng Khổng Tử đều đánh số '0' ra... ngoài lề, điều đó không chứng tỏ là cậu ta rất kém, nhưng chắn chắn là 'không tốt'. Bởi vậy, rất khó cho một ông thầy mà phải dạy một người học trò như vậy. Nhưng may mắn thay, cậu ta lại khá thông minh, tuy thua Hạng Thác (xem chú thích bên dưới), kém Phạm Công Thiện, và dĩ nhiên là rất xa Einstein..., nên tôi mới nhận dạy cho cậu ta mà chỉ đảm bảo là sau 4 năm, cậu ta chỉ có thể hòa nhập cộng đồng 'thời @' là vì vậy. 
...Và thế là tôi phải mất 4 năm để truyền thụ kiến thức... cơ bản cho Khổng Tử, tôi không thể kể dài mà chỉ viết 4 chuyên đề ngắn (bên dưới), mỗi chuyên đề giảng hết... 1 năm, cho đến lúc tôi nói lời vĩnh biệt với Khổng Tử.

Bạn có biết hát Karaoke?
Khi tôi hát: 'xang xang xang liêu hò xừ xang, liêu ú hò liêu ú liêu ú xứ xang' (trong 'Hòn vọng phu-1', Lê Thương), thì Khổng Tử mắt sáng lên vì cậu ta thấy... quen quen. Tôi mới hỏi:
-Ta có nghe nói là ở nước ngươi, vào thế kỷ 4 TCN, có Bá Nha rất giỏi âm nhạc, đã từng đánh đàn bản ‘Cao sơn lưu thủy’ cho Tử Kỳ nghe; rồi sau đó, vào thế kỷ thứ 3 SCN, có Kê Khang gì đó đã đánh đàn bản ‘Quảng lăng tán’ nổi tiếng… Ta còn nghe nói là ngươi (và Mạnh Tử, Tuân Tử!), ngoài Ngũ Kinh còn có soạn cuốn thứ sáu là ‘Kinh Nhạc’ gì gì đó, mà đổ lỗi cho là Tần Thủy Hoàng đã đốt đi… Các ngươi có biết cảm thụ âm nhạc thật không đó, hay là chỉ… chém gió?
Khổng Tử chỉ cúi đầu lặng lẽ, không đáp, và tỏ ra rất mắc cỡ.
Sau đó, tôi bày cho Khổng Tử hát các bài như 'Cánh hồng Trung Quốc', 'Mộng uyên ương hồ điệp', 'Bến Thượng Hải'..., cậu ta tỏ ra rất phấn khởi và học khá nhanh, trong đó, cậu có vẻ rất thích các câu:
-Trong những năm tháng khó khăn này/Ai có thể thoát được nỗi sầu nhân thế/Trong thế giới phù hoa đó/Sống ở trên đời đã là chuyện điên rồ/Sao còn muốn lên tận trời xanh?/Chi bằng ngủ yên trong sự dịu êm...
-Rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh/Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm.
-Đời như những cơn sóng đùa/Mà ngàn năm biết nơi đâu là bến bờ/Cuộc đời vui, cuộc đời buồn/Nào ai hay biết cho đâu là bến mơ/Niềm hạnh phúc, hay nỗi sầu/Dòng đời trôi cuốn ta qua ngàn năm.
Đặc biệt là cậu ta rất... thích mấy câu thơ (chưa được phổ nhạc):
-Vắng em thu tàn lối bơ vơ/Rừng thu xao xác bóng ai chờ/Cây thu hoang lạnh dài vươn cổ/Lá thu hờ hững rơi trong mơ (NGLB)
..Cậu ta cũng thuộc loại 'ngộ tính cao' đấy chứ!
Nhưng đến lúc tôi hát: 'Why must my life be filled with sorrow. Oh, love you more than I can say' (= Tại sao cuộc đời anh luôn ngập tràn những nỗi buồn. Ôi, yêu em nhiều hơn những lời anh có thể nói; nhạc và lời: Leo Sayer), thì Khổng Tử liền nói:
-Thôi thôi, biết chết liền!
Tuy thế, một ngày nào đó vui vẻ, tôi cũng sẽ dẫn 'cậu bé' đi hát Karaoke loại... 'hát 1, rờ 5' để cậu mở rộng tầm nhìn, hihi...

Khổng Tử chưa hiểu về tạo hóa!
Tôi dẫn Khổng Tử đi chơi. Chúng tôi đi qua những khu hồ xanh ngát mịt mù trong ký ức, đứng bên dòng sông Serepok sóng gợn lăn tăn, mà trước đây nghe nói có rất nhiều con cá trắng to đến 20kg, nhưng nay còn bao nhiêu! Chúng tôi đi dạo trong những khu rừng Tây Nguyên mà trước đây đầy những cây khọt, cây thông, bằng lăng..., nhưng nay còn bao nhiêu! Chốc chốc, chúng tôi lại dừng lại, hồi tưởng về những đàn bò tót chạy như bay làm khói bụi cuộn lên mịt mù như cảnh trong các phim 'cao bồi' Mỹ, những con kỳ đà hay chạy xẹt ngang qua những con đường đất đỏ, những chú chồn thoạt ẩn thoạt hiện trong các rẫy cà phê..., nhưng nay còn bao nhiêu! Và có những hòn sỏi nhỏ đã lẳng lặng ngắm các cảnh tượng này qua thời gian: các con, cây đã bị con người 'làm thịt' gần hết...
Rồi nghe tôi kể chuyện về đạo tặc, lâm tặc, tham nhũng tặc, phong bì tặc, mãi lộ tặc, cát tặc, vàng tặc, rải đinh tặc, hàng giả tặc, thương lái tặc (Tàu), chó tặc (trộm chó)..., khuôn mặt Khổng Tử bỗng trở nên buồn vời vợi, có lẽ cậu ta đang nghĩ rằng 'Tứ thư ngũ kinh' có góp phần cho các loại 'tặc' này không!, hay cậu đang nghĩ là con người ngày nay rất... phản tiến hóa, thua xa con người thời 2600 năm về trước!
...Một cơn gió mát thổi qua, có tiếng dòng sông đang vỗ nhè nhẹ vào bờ, nắng chiều phả nhẹ lên mặt đất, mấy đôi chim cu gáy đang rủ nhau đi tình tự nơi nao..., bỗng một cánh hoa rơi xuống, tôi nói:
-Tương tác âm dương đó, có âm, có dương, mới có vũ trụ vạn vật, ngươi nghĩ sao?
Khổng Tử im lặng như biểu lộ sự đồng ý. Tôi lại nói tiếp:
-Vì thế, tình khúc âm dương là sáng tạo tuyệt vời nhất của tạo hóa, đặc biệt, quan hệ nam-nữ (đực-cái) là nguồn cảm hứng của thế giới động vật để thăng hoa và sinh sôi nẩy nở, mà trong đó, PN là một thứ chất 'vô định hình' len lỏi vào tận ngóc ngách của trái tim đàn ông, để dung hòa chất nôn nóng của họ với ít nhiều 'mộng vĩ cuồng', nhưng không phải vì PN như thế mà ngươi cho là họ phải 'xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử', thậm chí cho họ là 'tiểu nhân' (xem chú thích bên dưới), mọi giới đều bình đẳng!
Đến đây, bỗng mặt Khổng Tử nghệch ra như ngỗng ỉa, tôi hiểu là cậu ta đang nghĩ là:

-Ôi!, ta vẫn chưa hiểu gì về tạo hóa. 

Biết rồi, khổ quá, nói mãi!
Tôi có hỏi-đáp với Khổng Tử:
-À, cậu bé ơi, hôm trước ta đi nhậu, có nghe một người nói rằng: 'Tôi cũng nói nhiều câu không thua gì Khổng Tử, nhưng vì ổng nổi tiếng nên người ta trích ào ào, còn tôi không nối tiếng nên người ta không thèm trích!', ngươi thấy thế nào?
-Dạ, đúng vậy, có nhiều người nói rất có lý, thậm chí còn hay hơn em nhiều. Thú thật, các câu nói của em phần lớn là do 'người dân' nói, em mới 'bác học hóa' nó vào kinh sách mà thành ra có vẻ... cao siêu. Hơn nữa, đối với người Việt, câu gì bằng chữ Hán thì họ sẽ xem trọng hơn câu thuần Việt, ví dụ như em nói đại khái là 'Cái gì mà mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác', thì họ sẽ lập tức bảo là 'biết rồi, khổ quá, nói mãi', nhưng nếu em nói là 'Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân' thì họ chép lia lịa đến cả ngàn năm và còn gọi em là 'vạn tuế sư biểu' nữa, cũng như câu 'Đến như nước chảy, đi như gió, không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu!' (không phải của em), mà nếu nói là 'Lai như lưu thủy hề, thệ như phong, bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung!’, thì ai cũng... ngưỡng mộ hết, hi.. hi...
-À, ngươi nói nghe rất có lý, hèn gì ta ra đường thấy toàn là: vạn thọ đường, dân thiên đường, nhị thiên đường, khuynh diệp (dầu gió), hoạt huyết dưỡng não (thuốc), Ô Long (trà), Tam thái tử (xì dầu), Hảo Hảo (mì tôm)..., té ra là họ vô tình 'sính chữ Tàu' chứ không phải là... tôn sùng ngươi! À, cách đây mấy năm, có người bạn gửi cho ta một bức e-mail nói là: 'Dư dục vô ngôn, tứ thời hành yên, vạn vật dục yên, thiên hà ngôn tai' (ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu) của ngươi, có gì mà vĩ đại đâu??? Ta cũng có nói là: 'Tôi hay ngắm dòng sông bên cửa sổ/thấy những đám lục bình trôi/lúc vào, lúc ra/Tôi biết cuộc đời của mỗi con người/sẽ không là cái gì cả/chúng ta sẽ trở về với cát bụi/và dòng đời vẫn mãi mãi trôi qua', ngươi có nghĩ là ta phụ thuộc ngươi không?
-Dạ không ạ, chân lý vẫn là chân lý, người ta ở các nơi khác nhau suy nghĩ một cách độc lập, dủ 2600 năm trước em, hay 2600 năm sau em cũng vậy ạ...
Rồi Khổng Tử nói tiếp:
-Người ta đã vô tình hay cố tình gán các chân lý vào miệng của em ạ.

Bài giảng cuối cùng cho Khổng Tử, hihi...
-Khổng Tử à, ta nói điều này cho người biết nhé, ngươi đừng có tự ái nhé (dạ, em là con người mà, nhưng thầy cứ nói đi). Thật ra, ta có thích Trang Tử vì tâm hồn của ổng thoát tục, thích Nguyễn Bỉnh Khiêm vì phong cách của ổng có ít nhiều chất tiếu ngạo, ta cũng thích Xuân Hinh, Hoài Linh và Mr. Bean nữa, nhưng ta... ta... thấy không học hỏi được gì từ ngươi cả, thiệt, ta viết cũng khá nhiều, nhưng ta chỉ nhắc đến tên ngươi vài lần với vài câu trích dẫn mà ta không mấy thích (cười).
À, ngươi có biết 'quyền lực mềm' là cái gì không? (dạ không). Nay, có lẽ vì 'vụ Trung Quốc bành trướng', người ta hay đề cập đến 2 cụm từ 'quyền lực mềm' và 'quyền lực cứng'. Ví dụ vụ 'giàn khoan HD981' là một biểu hiện của quyền lực cứng đó, còn cái vụ 'Viện Khổng Tử' là biểu hiện của quyền lực mềm đó. Nhưng quyền lực mềm còn có 2 loại: vô tình và cố ý, ví dụ việc ấn hành cuốn 'Phong nhũ phì đồn' (của Mạc Ngôn) là vô tình, còn việc thành lập 'Viện Khổng Tử' ở VN là cố ý...
Chắc người có biết cụm từ 'quan hệ hữu cơ' chứ? (dạ có), nó cũng còn được gọi là 'quan hệ biện chứng' đó. Có nghĩa là cái Viện Khổng Tử cao bao nhiêu mét thì sẽ có bấy nhiêu cái giàn khoan xuất hiện trong thềm lục địa của VN đó, hay cái Viện này càng 'mềm' thì lực lượng quân sự của TQ dùng để đe dọa VN trên biển Đông càng 'cứng' đó... 
Loài người nay chả còn tha thiết gì cái lý thuyết 'quân-sư-phụ' của ngươi nữa. Ngày nay, dân ngang với hoàng đế, chẳng hạn vừa rồi có 1 anh 'hai lúa' kiện ông Obama, và anh ta thắng kiện (xem chú thích bên dưới); ngoài ra, người ta còn xem 'khách hàng là thượng đế', tức là xem dân là 'vạn tuế' đó. Còn ở xứ X nọ, thầy quyết định trò, nhưng đọc báo hàng ngày nghe nói trò đánh thầy hoài à; còn ở phương Tây người ta coi trò là thầy, thầy phải lắng nghe và học hỏi ở trò, nhưng hầu như không có chuyện 'trò đánh thầy' đó, ngươi biết chưa? (dạ chưa). Còn trong lịch sử, ở mọi nơi, cha mẹ vẫn là sự tôn trọng vĩnh hằng đối với các thế hệ con cháu, đặc biệt ở bên Tây, mối quan hệ cha-con được xem là bình đẳng, mà cha thường tâm sự và gọi con là 'anh bạn' đó. Tóm lại, nay nếu có vị hoàng đế nào mà lên mặt 'ông chủ' đối với dân, thì sẽ bị dân chửi đến... 3 họ đó.
...À, Khổng Tử nè, ngươi đã đến đây học được 4 năm, ngươi đã thông được nhiều điều chưa? (dạ, nhiều lắm, xin vô cùng cám ơn thầy). Ban đầu, đến đây 'bái' ta làm thầy, ngươi đã hối lộ ta một đôi chim cu gáy, nay ta cũng tặng lại ngươi 2 bịch cà phê Ban Mê Thuột, gọi là nghĩa thầy trò.
Cuối cùng, ta xin tâm sự với ngươi rằng cái lý thuyết 'quân-sư-phụ' của ngươi đã bị các thời 'Nhậm Ngã Hành' thay phiên nhau lợi dụng; trước đây Mao Ngã Hành đả kích ngươi rất dữ, nói là ngươi đã làm TQ chậm phát triển đến 2000 năm, nhưng không hiểu sao nay gã lại đem cái lý thuyết của ngươi tải sang VN, ý đồ của gã rất thâm hiểm!
Nói thật với ngươi, dân Việt chả cần cái Viện Khổng Tử đó đâu, chả lẽ chúng ta đến đó để hát Karaoke à?, vậy ngươi hãy vui lòng mang cái tư tưởng của ngươi về xứ Sơn Đông cổ đại nhé?

Khổng Tử nửa vui lòng, nửa đau lòng, mang cái 'Viện Khổng Tử' lên vai, dùng thuật đằng vân giá vũ, đứng trên nửa tầng trời, hai tay chấp lại và bịn rịn nói vọng xuống:
-Em xin vĩnh biệt thầy.

HẾT.
-------- 
Ghi chú:
-Âm giai ngũ cung: Âm giai của nhạc (truyền thống) VN lấy theo âm giai của nhạc Trung Hoa nên chỉ có 5 âm: hồ, xự, xang, xê. cống (ngoài liêu, ú)... Âm giai đó người phương Tây thường gọi là âm giai ngũ cung (gamme pentationique) (Trần Văn Khê, vienncanhue.vn)
-Ngũ Kinh: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu (Kinh Nhạc đã bị Tần Thùy Hoàng đốt mất nên còn lại Ngũ Kinh) (wikipedia)
-Hạng Thác (kể chuyện):
Ngày xưa, có ông Khổng Tử mà ổng nghĩ là cái gì ổng cũng biết cả. Một hôm, ổng cùng đi với chúng đệ tử thì gặp một cậu bé khoảng 7 tuổi. Cậu bé, tên là Hạng Thác, vốn thông minh và nghịch ngợm, biết là Khổng Tử tưởng mình là số một, nên cậu chặn đường, chào hỏi rất lễ phép và khiêm tốn hỏi:
-Thưa ông, tại sao buổi sáng mặt trời lại to, còn buổi trưa mặt trời lại nhỏ?
'Trúng mánh rồi, dễ ồm à’, Khổng Tử thầm nghĩ. Vì mình là ‘Thánh nhân’ và vì đứng trước chúng đệ tử, ông ta liền trả lời:
-Buổi sáng mặt trời to hơn vì gần ta hơn.
-‘Thế tại sao buổi trưa mặt trời xa hơn mà lại nóng hơn?’, cậu bé hỏi.
Khổng Tử… bí và than rằng ‘hậu sinh khả úy’ (mà sở dĩ ngày nay ta có câu ‘Trường Giang sóng sau xô sóng trước’ với ý nói rằng thế hệ sau sẽ giỏi hơn thế hệ trước). Dĩ nhiên, thời đó, ông ta không thể nào mà biết bản chất của vấn đề (do sự khúc xạ ánh sáng). Trận đại bại của ông ta làm cậu bé Hạng Thác nổi tiếng cho đến nay.
http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/05/357-357-ong-bill-clinton-cung-binh.html
-Một phó thường dân thắng kiện Tổng Thống Mỹ: Trong tháng vừa qua (7/2014), một tin nhỏ từ Mỹ đã gây trận địa chấn trong giới đầu tư TQ. Một sự kiện mà giới tài chánh toàn cầu hoàn toàn không quan tâm, kể cả những mạng truyền thông lớn. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2012 khi công ty Ralls của TQ mua một miếng đất và tài sản của Terna Energy tại tiểu bang Oregon và đem trang thiết bị TQ qua Mỹ để vận hành một trang trại điện gió (wind farm). Dự án gặp sự phản đối của dân địa phương (có lẽ vì tự hào dân tộc) và vì toạ lạc quá gần một căn cứ hải quân Mỹ… Obama ký một sắc lệnh hành pháp (executive order) cấm khai triển dự án trên căn bản an ninh quốc gia (national security) và bắt Ralls phải giải ngân, rút khỏi dự án trong vòng 9 tháng… Sau 2 năm tranh nghị giữa 2 bên, tháng vừa qua, Toà Án Liên Bang đã đồng ý với Ralls và phán quyết là executive order của Obama không có hiệu lực. Đây là một chiến thắng của một công ty cỡ trung của TQ trong tranh chấp với một người được coi như là “nhiều quyền lực nhất thế giới” có cả một chánh phủ siêu cường ở sân sau…
Chuyện một phó thường dân thắng kiện Tổng Thống Mỹ là chuyện hằng ngày ở huyện…, nhưng câu chuyện đã trở thành một huyền thoại với các nhà đầu tư TQ. Nó trở thành một dấu ấn sâu sắc trên tư duy của người dân TQ, về một xã hội minh bạch, công bằng và pháp trị cho những người thấp kém yếu thế. Nó đẹp hơn cà tượng Nữ Thần Tự Do luôn dang tay chào đón những tù nhân tự nguyện của các chế độ phong kiến độc tài. Nó là biểu tượng cao quý nhất của sức mạnh mềm của một thế giới mới cho một thế hệ mới. Nó là lý do chính tại sao dòng tiền đầu tư tại TQ và mọi quốc gia khác dồn dập đổ về Mỹ. Obama đã thua nhưng nước Mỹ và chủ nghĩa giẫy chết của Tây Phương sống mạnh; đem hy vọng hiếm quý cho mọi người dân trong những thiên đường đang mục nát. (‘Góc nhìn của nền kinh tế pháp trị’, A Lan)
http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/su-hap-dan-cua-nen-kinh-te-phap-tri.html
-Phụ nữ = tiểu nhân: Khổng Tử nói: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” (Duy chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó giáo dưỡng. Gần thì họ khinh nhờn, vô lễ, xa thì họ oán hận)… Theo các nhà nghiên cứu thì nguyên nhân khiến Khổng Tử cảm thán như vậy có thể có hai nguyên nhân: Một là Khổng Tử gặp phải trắc trở trong quá trình yêu đương, hai là, sau khi kết hôn, cuộc sống của Khổng Tử không được mỹ mãn như mong đợi và hai lý do này không hề loại trừ nhau. Việc Khổng Tử gặp trắc trở trong chuyện tình duyên thì không có sử liệu nào khẳng định chắc chắn được. Tuy nhiên, nếu như chuyện đó có thật thì có lẽ nó liên quan nhiều tới ngoại hình của Khổng Tử. Theo mô tả của sử sách thì Khổng Tử vốn không phải là một người có ngoại hình khá, nếu như không muốn nói là “dưới mức trung bình”. Hầu hết các tài liệu đều mô tả Khổng Tử là có “dị tướng”: Người cao lớn, có tướng ngũ lộ (mắt lồi, lỗ mũi rộng, lộ hầu, tai bạt, răng hở). Mặt to và có những vạch như quả dưa chín. Bàn tay hổ, ngực rùa, râu rậm, mồm rộng, miệng nói tươi, đi nhanh. Với một tướng mạo như vậy, Khổng Tử khó mà lấy được cảm tình từ các cô gái. Vì thế, trong quá trình yêu đương, Khổng Tử có bị từ chối hay cười nhạo cũng là chuyện khó tránh. Điều này rất có thể tạo nên một sự ám ảnh không tốt trong Khổng Tử đối với phụ nữ. Nếu như chuyện rắc rối trong tình duyên chưa thể chắc chắn thì chuyện cuộc sống hôn nhân của Khổng Tử không mỹ mãn là chuyện hoàn toàn có thực. Trong cuộc đời của Khổng Tử chỉ lấy một người vợ là Nguyên Quan thị. Cũng khó có thể biết rằng, Nguyên Quan thị yêu Khổng Tử ở điểm nào, song việc quyết định kết hôn với Khổng Tử cũng có thể xem là Nguyên Quan thị quyết tâm gắn bó với Khổng Tử. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Khổng Tử và Nguyên Quan thị đã ly hôn…Chu Hy người thời Tống chú giải… rằng: “Mẹ của Bá Ngư mất sau khi đã ly hôn”. Bá Ngư chính là con do Nguyên Quan thị sinh cho Khổng Tử. Vì vậy, chắc chắn rằng Khổng Tử đã ly hôn với Nguyên Quan thị. Vào thời Khổng Tử, ly hôn người ta gọi là “xuất thê”... Do Khổng Tử quanh năm đi xa, vợ chồng không có thời gian gần gũi, quan tâm tới nhau, Nguyên Quan thị ắt không khỏi có những lúc cảm thấy khổ tâm, tủi phận, một người phụ nữ dù đảm đang tới đâu, trong hoàn cảnh ấy cũng không khỏi phàn nàn, thậm chí là oán trách. Lúc đó, Khổng Tử cả đời du thuyết nhưng không được trọng dụng, chỉ đành phải về quê mở lớp dạy học, trong lòng cũng sẵn phẫn uất. Vì thế, chuyện vợ chồng Khổng Tử mâu thuẫn là điều khó mà tránh được. Câu “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã…” có lẽ là tâm trạng bộc phát của Khổng Tử... (Đại Nam, phunutoday.vn).

10 nhận xét:

  1. Vậy anh Lá Bàng tự xưng là trên cả Khổng Tử đấy nhá!
    Nổ kinh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lung Linh [Blogger] Email 12.09.14@08:43
      Ui LB gan quá dám nghĩ đến chuyện làm thầy KT (cho dù trong mơ hay giả tưởng). Đó là 1 tư duy táo bạo. Tại sao không?
      Nhưng cho dù KT đầu thai lại vào thời hiện đại thì cũng phải để cho cậu ta có chút lợi hại mới hợp lẽ. Không đến nổi khờ khạo thế đâu LB ơi. Người trí nhờ biết nhận xét, tìm hiểu cái mới tự thân mình chớ không giá trị ở chỗ thụ hưởng tiếp thu cái thành quả sẵn có của thiên hạ. Đúng không? Như Lê-nin hay Nguyễn Du có đầu thai lại thì họ vẫn tạo ra những giá trị xuất sắc mới.
      Xem: http://nhagomlabang.blogtiengviet.net/2014/09/10/p5625294#more5625294

      Xóa
    2. thuyentho [Blogger] Email 12.09.14@11:57
      Kéo xuồng đâm sào ghé dzô nhà anh LB xem cái mục này... haha hay quá, tên Khổng Tử kia bị anh... châm chích sắp tiêu rồi, chỉ 1 cái câu cuối mà như nói hết ý từ trên xuống dưới "Người ta đã vô tình hay cố tình gán các chân lý vào miệng của em ạ."
      Thì ra có một số những gì từ trước đến nay được cho là đúng trong cái gọi là chân lý có khi đều là ngộ nhận... huhu hic hic..., tội cho Khổng Tử quá đi à, có tiếng mà hỏng có miếng rùi anh LB ơi..., giấc mơ này ácccc... thiệt.
      (xem đường dẫn ở trên)

      Xóa
    3. Người Hà Nội [Bạn đọc] 10.09.14@21:10
      @ Ái Nữ
      Rất có thể tư tưởng của ông Khổng Tử nay đã trộn chung với nhiều thứ khác của nhiều ông khác. Ngày nay người ta được học và hưởng thụ thành quả của kiến thức thập cẩm ấy và coi nó như một thứ bình thường, không cao siêu, không thánh hiền. Cái đồ thập cẩm ấy làm sao mà ông Khổng Tử biết hết được, có chăng một phần nhỏ. Nếu bây giờ ông ấy sống lại, chắc chắn sẽ thốt lên "Ô kìa, nước chảy ngược! Kia nữa, cái nhà biết đi!...". Thành thật mà nói, không biết ông ta nay có đủ sức để chơi Blog với Xóm Lá không? Lưu ý, từ thời ông ta đến nay bộ não người không dậm chân tại chỗ.
      Thành thật. Hồi nhỏ tôi không học, không biết gì về Khổng Tử, nay tiến bộ hơn là biết 2-3 câu chuyện của ông ấy nhưng nó lỗi thời với nơi tôi ở.

      Ps. Với tư tưởng trọng nam khinh nữ mà sang phương Tây, ông ấy chỉ có xuống gậm giường hoặc ra đường mà ở.

      Xóa
    4. Ái Nữ [Blogger] Email 11.09.14@00:15
      @ Người Hà Nội
      Tôi thấy không cần phải "dìm hàng" Khổng Tử. Nghe nói sinh thời ông ta đã khó nhọc lắm rồi. Ông ta có chút tư tưởng, nhưng tư tưởng ấy thậm chí chưa đạt đến tầm triết học. Nếu thật sự là triết gia, làm sao ông ta dám hỗn hào với cả một nửa thế giới!

      Xóa
  2. Dạ, còn tui là giaolang nè! hehe... NGLB khỏe luôn chớ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, chào cô giáo của... tôi, lâu lâu LB viết 1 bài thư giãn cho vui í mà, trước khi viết bài này, được Ái Nữ động viên đó (GL biết k?), cuối tuần vui nhé.

      Xóa
  3. Mối hận của Khổng Tử

    Thiên hạ rộng lớn, vẫn có những con đường gọi là độc đạo. Vũ trụ mênh mông, vẫn để cho thánh nhân độc hành. Sướng một đời là kẻ tục nhân, hận nghìn thu là bậc cao sĩ. Thế mà gọi là tục nhân thì bị cho là mắng, gọi là cao sĩ thì lại bảo rằng khen.
    Có ai ngờ đạo lý lại sinh ra từ đạo tặc? Lừa một người thì khó, lừa cả thiên hạ xem chừng dễ như trở bàn tay. Việc gặp trên đường té ra không đến nỗi phải ôm hận, việc chứng kiến cả đời, té ra vẫn phải ôm hận nghìn thu. Vui đến tận cùng thì nét mặt hoảng hốt, buồn đến tận cùng thì thần thái tỉnh bơ. Ngu đến tận cùng lại chính là đang ở chỗ chân lý. Hiểu đến tận cùng lại chính là quay trở lại cái lúc ngu…
    Rốt cuộc thánh nhân cái gì cũng giống hệt mọi người, chỉ khác duy nhất chỗ tận cùng đó mà thôi.
    Vẫn “Lời tựa“ trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó.
    Khổng Tử và các học trò trên đường sang nước Vệ, gặp một người đang cày ruộng, bèn sai học trò tới hỏi thăm đường. Người đi cày trỏ về phía Khổng Tử mà hỏi: “Người đang ngồi kia là ai vậy?“.
    Học trò đáp: “Đó là thầy tôi“.
    Người đi cày bảo: "Thiên hạ bây giờ lắm đạo, nhiều thầy. Trong nhà vừa mất trộm, ra ngõ gặp ngay một kẻ xưng là thầy thì còn gì chán hơn thế nữa. Ta hỏi thầy ngươi là ai mới được chứ?"
    Học trò đáp: "Thầy tôi là Khổng Tử. Đạo của thầy tôi là đạo lý, không phải đạo tặc. Đạo ấy chẳng liên quan gì đến việc trộm cắp cả"
    Người đi cày bảo: “Thế tại sao cũng gọi là đạo? Chẳng phải cuộc đời bao giờ cũng chính là một vụ ăn cắp vĩ đại đó sao? Vì thế mới sinh ra đạo lý. Vậy mà bảo chẳng liên quan gì thì ai mà tin được. Cái ấy gọi là ‘đạo tặc khứ, đạo lý lai’ (Đạo tặc vừa đi khỏi, đạo lý liền đến ngay). Hai thứ ấy cứ thay nhau trở qua trở lại mãi như thế. Khổng Tử thầy ngươi có phải là người đang tìm đường trở về cái chỗ ngu nhất hay không? Sao đến bây giờ mà vẫn còn mờ tối thế? Có mỗi một con đường (độc đạo). Lại có mỗi một người đi (độc hành). Thế mà còn phải hỏi!“.
    Học trò trở lại thưa. Khổng Tử trầm ngâm một lát rồi than rằng: "Đó là một bậc ẩn sĩ đấy. Dạy ta biết nghĩ là Cha, Mẹ. Dạy ta biết những điều ta nghĩ đã tới đạo hay chưa, chính là kẻ đi cày kia".
    Thấy các học trò ngơ ngác có vẻ chưa hiểu. Khổng Tử nói tiếp:
    “Chẳng phải các ngươi vì quá hăng hái nên lúc nào cũng sẵn sàng đi nhầm đường đó hay sao? Vì thế thỉnh thoảng mới cần phải dừng lại hỏi thăm. Giả sử hôm nay ta không nghe được những lời nói từ miệng người thợ cày kia thì có lẽ phải ôm hận không biết đến bao giờ“.
    Một hôm khác, Ngài cùng các học trò đi qua một làng nọ, gặp một bà mẹ đang ôm lấy anh con trai của mình mà gào khóc thảm thiết. Anh con trai mũ cao áo dài, hài vớ, cân đai nghiêm chỉnh, rõ ràng là một kẻ vừa học hành đỗ đạt, đang sắp sửa được bổ làm quan.
    Khổng Tử thấy vậy thì lấy làm lạ, bèn hỏi: “Con bà có phải là người vừa đỗ cao đó không? Tôi biết, bà cũng như nhiều người khác, thấy con mình thi đỗ thì mừng quá đến nỗi phải phát khóc lên đó thôi. Song cớ sao lại ra chiều thảm thiết như vậy?“.
    Bà lão nâng vạt áo gạt nước mắt, cay đắng trả lời: “Nào có gì mà mừng với rỡ. Tôi chẳng qua một chữ bẻ đôi cũng không biết, nên mới phải cho con theo đòi trường ốc đấy thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngài là bậc thánh nhân, chắc ngài chẳng lạ gì cái sự giáo dục bây giờ. Trong trường, người ta toàn nhồi nhét vào bụng học trò những điều bịp bợm, dối trá, nhằm biến chúng thành những kẻ u mê, không biết phân biệt đâu là thực, đâu là giả nữa. Kết quả những hạng gọi là có học bây giờ nom thì sáng sủa, nghiêm trang đấy, song một nửa chữ của đạo lý làm người cũng không hiểu, chỉ biết suốt đời chạy theo danh lợi, tận tụy phục vụ cho cường quyền, trung thành tuyệt đối với cường quyền… mà thôi. Dạy học như thế thì có khác gì lừa bịp? Biết con mình bị lừa mà không làm thế nào được, thì hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn? Nay nó thi đỗ, nghĩa là cái sự lừa ấy đã thành tựu rồi. Vì thế tôi đang đau khổ đấy chứ. Đâu có mừng rỡ gì“.
      Khổng Tử lại hỏi: “Bà là người không biết chữ, sao lại biết chắc rằng con mình bị lừa?“.
      Bà lão trả lời: “Đã là một người mẹ thì không cần phải đọc sách mới biết con mình thay đổi theo chiều hướng nào. Huống chi bây giờ đang là thời đại của dối trá, dối trá ngự trị từ trên cao xuống thấp, dối trá tràn lan từ công sở, chợ búa, đến học đường… Xưa nay học làm người cốt ở học Kinh, Sử. Thế mà Kinh thì tôi nghe con tôi đọc ra rả, chỉ thấy duy nhất một thứ kinh giả cầy ở đâu ấy, hình như những chỗ khác người ta bỏ từ lâu rồi. Sử thì chỉ thấy nhai đi nhai lại một mẩu bé tí tẹo đã được thổi phồng, được tô son trát phấn, trùm lên cả ngàn năm sử sách của Ông Cha. Ngay cả văn chương cũng chỉ thấy học vẹt những thứ văn một chiều, ngợi ca sự giả dối, tàn nhẫn… Giáo dục như thế chẳng phải lừa mị thì là cái gì? Thậm chí có khác nào ăn cắp linh hồn của người ta rồi nhét những thứ đểu giả của mình vào? Học như thế thì dẫu có đỗ cao đến mấy, thực chất cũng chỉ là một thứ dở người, tiểu nhân mà thôi, chẳng bao giờ sống nổi cho ra cái giống người! Rồi thì họ bảo sao nghe vậy, rồi thì chỉ biết tham lam, đớn hèn… Dẫu họ có ngồi trên đầu, trên cổ đến muôn năm cũng chẳng hề nhận ra, có khi còn phải biết ơn họ nữa là khác…“.
      Khổng Tử bảo: “Thì chính những kẻ đó, vì muốn giữ mãi địa vị đè đầu cưỡi cổ thiên hạ của mình đến muôn năm (nguyên văn: “vạn tuế“), cho nên mới đẻ ra cái nền giáo dục ấy. Nay bà có đồng ý để cho con trai bà đi theo tôi để học lại đạo lý làm người chăng? Có điều sẽ không thể làm quan được mà thôi“.
      Nói rồi Ngài quay lại bảo các học trò: “Giả sử hôm nay ta không được chứng kiến câu chuyện này, thì chẳng bao giờ ta biết được cái sự lừa bịp trong giáo dục nó lại ghê gớm đến thế. Bây giờ ta mới hiểu hết được câu nói của người thợ cày ngày trước. Thì ra cuộc đời quả là một vụ ăn cắp vĩ đại. Người ta đã ăn cắp vào đến tận linh hồn của mỗi con người. May mà thiên hạ vẫn còn có những bà mẹ không biết chữ như bà mẹ đây. Nếu không thì chẳng biết đến đời nào ta mới rửa được mối hận này?“.
      Bà lão nghe nói, bấy giờ mới tỏ vẻ mừng rỡ. Bèn vái Khổng Tử ba vái mà dắt tay người con lại, trao cho Khổng Tử. Người con đó sau này trở thành một học trò nổi tiếng giỏi về văn chương của Ngài. Chính là thầy Tử Hạ. Thầy họ Bốc, tên Thượng, người nước Vệ, nhỏ hơn Khổng Tử tới bốn mươi tư tuổi. Tử Hạ về sau quả nhiên suốt đời không làm quan, chỉ mở trường dạy đạo lý và thỉnh thoảng viết sách mà thôi. Câu chuyện trên chính là được rút ra từ trong sách của Thầy.
      Lại một hôm khác, Khổng Tử cùng các học trò đi qua một bến đò. Thấy một người ngồi lủi thủi trên bờ, nét mặt buồn bã, đang ném những viên sỏi xuống dòng sông.
      Khổng Tử bèn tới gần hỏi: “Có điều gì mà người buồn bã vậy?“.
      Người kia không ngẩng mặt lên, chỉ buông một câu nhát gừng: “Tôi đang cô đơn“.
      Khổng Tử bảo: “Thời buổi đảo điên như thế này mà cô đơn thì cũng không có gì lạ. Song cô đơn mà còn biết buồn thì chẳng qua chỉ là cái cô đơn tạm thời, cô đơn trong chốc lát mà thôi. Cô đơn mà không còn biết buồn là gì nữa mới là sự cô đơn vĩnh cửu”.

      Xóa
    2. Nói xong dắt học trò đi thẳng. Duy có Nhan Hồi còn cố nán lại hỏi han, biên rõ tên họ, quê quán người ấy lại rồi mới đuổi theo thầy.
      Mấy năm sau, thầy trò lại có dịp qua bến đò ấy. Nhớ lại chuyện xưa, Nhan Hồi lân la hỏi thăm thì được biết người kia quả đã tìm được bạn tri kỉ, không còn cô đơn nữa rồi.
      Họ Nhan phục quá, bèn hỏi Khổng Tử: “Năm xưa, làm sao thầy biết kẻ ấy chẳng qua chỉ cô đơn tạm thời mà thôi?“.
      Khổng Tử trả lời: “Lòng người nghĩ mà chưa tới thì thôi. Một khi nghĩ mà đã tới thì có khác gì vũ trụ thu nhỏ (nguyên văn: “tâm đắc tiểu vũ trụ“). Khi ấy linh tính lúc nào cũng tràn ngập cả trời đất. Còn cảm thấy buồn nghĩa là vẫn có người tri kỉ ở đâu đó trong đời, có điều chưa đến lúc gặp đấy mà thôi. Nhưng cô đơn mà cảm thấy lòng mình lạnh tanh, không còn biết buồn là gì nữa, thì thế gian quả không còn ai là người tri kỉ nữa rồi. Như thế mà chỉ cô đơn đến trọn kiếp thì vẫn còn là may đấy. Việc này ta đã chứng kiến cả cuộc đời rồi“.
      Nhân chuyện ấy, có mấy câu truyền lại trong đời như sau:
      “Thiên hạ thùy nhân tri kỉ? Hận nhất dạ.
      Thiên hạ vô nhân tri kỉ! Hận thiên thu“.
      [Tạm dịch: (Còn hỏi được) thiên hạ ai là người tri kỉ thì (chỉ) hận một đêm. (Khi đã biết) thiên hạ không còn người tri kỉ nữa thì hận đến nghìn thu].
      Đời sau có người hỏi: Vậy Khổng Tử có phải là người cô đơn không? Nếu là người cô đơn, thì cô đơn như thế nào?
      Khổng Tử đúng là người cô đơn. Không những thế, đó là người cô đơn vĩnh cửu. Hiểu được lòng mình chỉ có thể là người tri kỉ. Song trên đời đã không có ai là kẻ như thế, thì mong gì có ở những đời sau. Vì thế rốt cuộc, Ngài vẫn phải ôm hận nghìn thu.

      Phạm Lưu Vũ (trích Luận ngữ Tân thư)
      http://chuaphuclam.vn/index.php?/triet-hoc/moi-han-cua-khong-tu.html

      Xóa