Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

601. ‘Đèn cù’ - cuộc rượt theo hư ảo!

Cuộc đời con người quay như cây đèn cù,
hay là ta nhìn cuộc đời như nhìn cây đèn cù quay!,
thực cũng là ảo!, mà ảo cũng là thực!
nhưng quy cho cùng, tất cả đều là ảo!

Tôi có đọc sơ qua cuốn ‘Đèn cù’ của Trần Đĩnh, nó làm tôi cảm hứng viết bài này, tuy nhiên đây không phải là viết về nội dung của cuốn sách, mà nhìn chiếc ‘đèn cù’ dưới góc độ nhân sinh. (Việc đánh giá nó là của người khác, riêng tôi, tôi thích câu này: ‘Tôi nói dân ta hèn là vì như thế này: dân ta anh hùng nhưng sợ từ anh tổ trưởng sợ đi, sợ anh công an, sợ các thứ. Tôi cũng cảm thấy chính mình cũng hèn. Mình sợ nhiều thứ quá. Đấy là một tâm lý rất Việt. Bom đạn không sợ nhưng rất sợ quyền lực. Chính điều đó đẻ ra việc chúng ta khó có dân chủ là vì dân trí thấp. Chúng ta đinh ninh rằng chúng ta anh hùng trước mặt ‘kẻ thù’ nhưng đụng đến chính quyền, đến nhà nước là ta im re hết. Tôi gọi hèn là vì vậy. Tại sao tôi khóc vì tôi cảm giác nhân dân như bố mẹ mình mà mình nói xúc phạm như vậy là mình có lỗi với bố mẹ mình. Bây giờ dần trưởng thành rồi mình cảm thấy không phải như vậy nữa.’ (Trần Đĩnh, nguồn: rfa.org). Tôi thích, nhưng phân tích về câu này thì xin hẹn trong một entry khác). 
*
Có vài người đã đọc cuốn ‘Đèn cù’, nhưng không biết ‘đèn cù’ là như thế nào. Còn tôi, chắc là từ nhỏ đến lớn, tôi đã được nhìn thấy cái đèn cù (đèn kéo quân) vài lần ở đâu đó (tôi thấy nhưng không để ý) hay trong các phim Tàu, Hồng Kông, Đài Loan..., nhưng dù sao, một ngày nào đó, tôi sẽ có nó trên tay để ngắm cho đã… Ngoài ra, chiều nay tôi có hỏi 1 người miền Bắc và 2 người miền Tây: 'Có biết cái đèn kéo quân không?', họ đều ngơ ngác, hihi... (À, quên nữa, tối hôm nay (13/9/2014), khi tôi đi hỏi mọi người về cây 'đèn cù' thì có trận đá bóng chung kết U19 giữa Việt Nam và Nhật Bản, ở Sân vận động Mỹ Đình, có Thủ tướng NTD đến xem, ngồi 2 tay dang rộng trên thành ghế, tôi nghĩ: ‘Trông ông ta có vẻ mệt mỏi’. Bỗng một phụ nữ buộc miệng nói: 'Trông oai, đẹp trai, phê luôn' (!). Chuyện có thật đó.)
*
Hồi nhỏ, tôi có làm lồng đèn chơi Trung thu bằng cách lấy một cái trục chỉ bằng gỗ, rồi nhét một thanh tre tròn xuyên qua cái lỗ của cái trục chỉ này, rồi gắn một cái lon sữa bò (có khoét nhiều lỗ chung quanh) vào một thanh tre tròn khác mà thẳng góc với thanh tre nói trên. Sau khi bỏ cây nến vào trong cái lon sữa bò, tôi dùng một cái que dài khoảng 1m, đẩy cho cái trục chỉ quay, thì cái lon sữa bò cũng quay theo, ánh sáng quay vòng vòng theo nó mà tỏa lên các ánh mắt hồ hởi của chúng tôi… Có thể hình dung tạm chiếc ‘đèn cù’ là như vậy.
Xin lưu ý, người ta thường nghĩ rằng việc vui chơi Tết Trung thu là một tập quán bắt nguồn từ bên Tàu, nhưng không phải vậy: ‘Nguyên thủy của Tết Trung thu có nguồn gốc dân dã từ nền văn minh lúa nước người Việt. Những nghiên cứu mới nhất về văn hóa dân gian cho thấy, Tết Trung thu khởi nguyên từ đồng bằng Châu thổ sông Hồng của người Việt, sau đó du nhập vào Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Trung thu xa xưa ở Việt Nam, lễ rước đèn, bày cỗ, phá cỗ, hát trống quân… dưới trăng là những nghi thức quan trọng nhất. Bày cỗ Trung thu thực chất là màn trình diễn của con người với trăng, với trời… Ngẫm về nhân tình thế thái thấy buồn với sự phát triển của thời đại. Tết Trung thu nay đã đổi thay. Múa lân, múa sư tử, múa rồng mỗi ngày mỗi đẹp và hoành tráng thêm. Đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân… nhiều kiểu dáng mới lạ và hiện đại được thắp sáng bằng điện, bằng pin, lung linh rực rỡ hơn thắp bằng đèn cầy, đom đóm xa xưa. Nhưng tất cả các đồ chơi lại toàn của Trung Quốc bị cách tân thêm, pha bằng các trò độc hại và súng ống giáo mác…’ (banhtrungthu.co)
*
Vậy đèn cù là cái gì? Tôi vốn không thích tra cứu ngôn ngữ… bác học, xin dẫn ra đây một đoạn của một blogger bình thường: ‘Ðèn kéo quân, người xưa còn gọi là đèn cù. Loại đèn này làm theo quy cách ngoài vuông trong tròn. Ðại để là bốn mặt (có thể 6 hay 8 mặt) ngoài của đèn được dán giấy bóng kính, coi như bốn màn ảnh. Bên trong chính giữa là một cái trục dựng thẳng đứng, hai đầu được chốt bằng hai cây kim nhọn. Trục đèn làm bằng một thanh tre thẳng, vót tròn chỉ nhỉnh hơn chiếc xe điếu. Trục dài ngắn tùy thuộc vào đèn cao hay thấp. Có thể là năm, sáu mươi phân, có khi là cả mét. Chung quanh trục đèn kéo quân, người ta sắp xếp, gá buộc những vòng tròn quanh thân trục. Mỗi vòng tròn là một tầng đèn. Ðể cho có nhiều hình phong phú, người ta lồng và cắt dán đến bốn, năm tầng. Quanh vòng tròn ấy, được dán các hình người, thú, cảnh vật to nhỏ theo các truyện cổ tích…, hay hình các con vật phỏng theo tranh dân gian như đám cưới chuột. Và đặc biệt, không thể thiếu những người lính khố xanh, khố đỏ đội nón như trong quân bài tam cúc. Chính vì vậy mà người ta gọi là đèn kéo quân. Khi đèn kéo quân được đốt lên, nhờ sức đẩy của ngọn nến thắp bên trong mà trục đèn quay tròn, các hình thể cũng quay theo, hiện ra bốn mặt của cây đèn với nhiều hình thù vui mắt, nên đèn kéo quân còn gọi là đèn cù.’ (vn.answers. yahoo.com)
*
Trước đây, kết hợp với việc chơi đèn cù trong các dịp Tết Trung thu, người dân thường có hát trống quân 'là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du của Việt Nam, từ Thanh Hóa trở ra. Tục truyền, hát trống quân xuất hiện vào đời nhà Trần, thời chống quân Nguyên, binh sĩ khi giải trí ngồi thành hai hàng đối nhau, một bên là ‘hát xướng’, một bên là ‘hát đáp’, khi hát gõ vào tang trống để làm nhịp. Hát trống quân được hát dưới Trăng, (thường vào mùa Thu, tháng Tám Âm lịch), ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội (vietnamplus.vn). Ví dụ: Đoạn tiết tấu ‘Lưu không’ của hát trống quân:
Trên trời (thời) có đám mây xanh/Ở giữa (thời) mây trắng (ấy), chung quanh mây bển vàng (ư…)/Ước gì (thời) anh lấy được nàng/Thì anh (này) mua gạch (ấy) Bát Tràng đem về xây (ư…)/Xây dọc (thời) anh lại xây ngang (chứ)/Xây hồ (thời) bán nguyệt (ấy) cho nàng chân rửa chân (ư…)/Nên chăng (thời) tình ái nghĩa ân/Chẳng nân (này) phi giả (ấy) về dân Bát Tràng.
Và dưới đây là lời bài hát Đèn Cù (Dân Ca):
Khen ai khéo xếp (ô í a) cái đèn Cù/voi giấy (ới a) ngựa giấy (ơ) tít mù nó (ới) lại vòng quanh/(ơ) bao giờ em bén (ới) duyên ạ anh/voi giấy (ới à) ngựa giấy (ơ) vòng quanh (ới a) cái tít mù tít mù, là/Khen ai khéo xếp (ô í a) cái đèn Cù 
đèn Cù, đèn Cù là đèn đèn ới, ới đèn, đèn ơi/Khen ai khéo xếp (ô í a) cái đèn Cù/đèn Cù, đèn Cù là đèn đèn ới, ới đèn, đèn ơi.
(Khen ai khéo 'phất' cái đèn Cù/Voi giấy ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh/Khen ai khéo phất cái đèn xanh/Voi giấy ngựa giấy lồng quanh nó chạy tít mù)
*
'Lúc nhỏ cậu thắp cho chơi, cậu bảo gọi là đèn cù, à mà bây giờ lớn rồi thì gọi đùa là đèn khúc khích vì khi đèn xoay rất vui mắt nên cười khúc khích và chữ cù có nghĩa là cù lét thì nhột cũng cười khúc khích nữa' (Thuyền Thơ). Còn theo một bạn gái của tôi thì ‘cù’ có nghĩa là quay (!). Có 2 loại quay. Quay ‘hữu hình’ là ta tự quay, còn thế giới chung quanh cố định (hay ta cố định, còn thế giới xung quanh quay), ví dụ như thằng cu nhà tôi hay cầm 2 chân sau của con mèo (làm đối trọng), rồi nó tự quay mười mấy vòng, rồi thả con mèo ra, thằng cu bị… say lảo đảo mà phải ôm vào một cái cột mới đứng vững được, còn con mèo thì đứng ngơ ngác chả biết trời đất là gì, đến nỗi mấy phút sau mới đi được, ha..ha… Còn quay ‘vô hình’, phần nào đó là loại khoa trương/tự huyễn hoặc (không có thực chất) mà dân gian thường gọi là chảnh, nổ, 'ném lựu đạn', chém gió, nói phét, nói chuyện 'cà khịa', buôn dưa lê, làm 'bà tám'… để hy vọng làm cho người khác bị... quay, nhưng 'tâm' của người nói lại bị quay trước, rồi tất cả cùng... quay!
Một triết gia (!) đã làm một thí nghiệm 'đèn cù' và ông ta đã giúp tôi trả lời câu hỏi:
'Ông ta cho 2 người nhắm mắt lại, rồi bước qua những viên tấp-lô bằng xi-măng được lát trong vườn để làm đường đi nội bộ. Người đầu tiên bước đi được mấy bước và bàn chân phải của anh ta lọt ra khỏi viên gạch và rơi xuống... 'hố thẳm'. Ông ta rút kinh nghiệm, cũng nhắm mắt đi, dò dẫm, cẩn thận, ông đi được nhiều hơn, nhưng cuối cùng thì ông cũng rớt xuống... 'hố thẳm' - họ đã không đi đến được nơi cuối cùng!'.
Câu trả lời này là gì? Đó là ta có thể xem những viên tấp-lô như là những vòng quay của chiếc đèn cù, mà người đi bị ảo ảnh quay vòng, không xác định được chính xác thực tế, nên họ đã đi xa sự thật, không bao giờ đi đến được bến bờ chân lý, và trên thực tế, họ đã đi vào... 'hố thẳm'!
*
Vui chơi cho hết tháng ngày
Hôm sau chả biết còn hay biến rồi
Đời là một cuộc ngược xuôi
Đến khi hết thở là thôi… chạy vòng

Có nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của từ ‘đèn cù’ này, có người nói là nó phản ánh một thứ ‘hào quang ảo’ rồi đến lúc nào đó cũng phải mờ dần và tắt ngóm; có người nói là 'ta thấy mọi thứ không thay đổi mà chỉ là một vòng tròn khép kín những hình ảnh lần lượt thay nhau, nghĩa đen hay nghĩa bóng thì nói đến đèn cù chỉ nhắc đến trò chơi rối mắt, không có gì mới cả'; có người nói 'cái đèn cù nghĩ nó chỉ như 1 trò chơi thì không sao, còn đặt nó lên giá nghiệm về chân lý cuộc đời thì nó lại cho ta 1 nụ cười bi đát, trong đó có 2 tuyến nhân vật: kẻ đi lừa và nạn nhân, dù ở vai trò nào (tôi) cũng không thích vì sự man trá của cây đèn cù'có người nói bóng nói gió rằng nó được đốt sáng bởi cây nến (bởi ý thức hệ bên ngoài) mà các hình nhân (các quan chức cao cấp) quay vòng vòng như con rối; có người cho là nó có nguồn gốc bên Tàu, mà dù ai đó có phù phép (Việt hóa) bao nhiêu đi nữa thì nó vẫn phụ thuộc Tàu…
Còn tôi cho rằng cây đèn cù quay vòng vòng tạo ra màu sắc hư ảo: quay… quay… quay, lấp loáng… lấp loáng… lấp loáng, lúc như thế này, lúc như thế khác, không biết bây giờ ra sao, sau này sẽ như thế nào, và dĩ nhiên là nó sẽ tắt ngóm khi cây đèn cầy tắt. Vâng, đời người nói cho cùng cũng là một cuộc rượt theo hư ảo bởi một trò đùa nào đó của thượng đế, mà con người không biết mình là ai, ở đâu trong cõi ta bà này, cứ mê mải lao vào và sẽ chết như những con thiêu thân…

HẾT.

18 nhận xét:

  1. saumietvuon [Blog Tiếng Việt] Email 14.09.14@11:26
    Có nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của từ ‘đèn cù’ này, có người nói là nó phản ánh một thứ ‘hào quang ảo’ rồi đến lúc nào đó cũng phải mờ dần và tắt ngóm; có người nói bóng nói gió rằng nó được đốt sáng bởi cây nến (bởi ý thức hệ bên ngoài) mà các hình nhân (các quan chức cao cấp) quay vòng vòng như con rối; có người cho là nó có nguồn gốc bên Tàu, mà dù ai đó có phù phép (Việt hóa) bao nhiêu đi nữa thì nó vẫn phụ thuộc Tàu…

    Còn tôi cho rằng cây đèn cù quay vòng vòng tạo ra màu sắc hư ảo: quay… quay… quay, lấp loáng… lấp loáng… lấp loáng, lúc như thế này, lúc như thế khác, không biết bây giờ ra sao, sau này sẽ như thế nào, và dĩ nhiên là nó sẽ tắt ngóm khi cây đèn cầy tắt. Vâng, đời người nói cho cùng cũng là một cuộc rượt theo hư ảo bởi một trò đùa nào đó của thượng đế, mà con người không biết mình là ai, ở đâu trong cõi ta bà này, cứ mê mải lao vào và sẽ chết như những con thiêu thân…

    ***TỐI THÍCH CÁI ĐOẠN KẾT NÀY QUÁ ÔNG GOMLABANG AH!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi..., bạn Sáu chuyên nhặt được câu... hay nhất của bài (cười), sáng nay Google Chrome của LB bỗng nhiên bị nghẽn, chưa biết xử lý làm sao, híc..., cám ơn nhé, chúc chiều CN vui.

      Xóa
  2. Mọi thứ đều có hồi kết, nhưng cái kết bài viết thật ấn tượng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình có trả lời Đom Đóm là "cuộc đời con người quay như cây đèn cù, hay là ta nhìn cuộc đời như nhìn cây đèn cù quay!, thực cũng là ảo!, mà ảo cũng là thực!, nhưng quy cho cùng, tất cả đều là ảo!", hình như nó là... cái kết đó, hi..hi....

      Xóa
    2. Về nguồn, trưa mộng, nước mắt rơi
      Tỉnh rồi, chiều xuống, dạ rối bời
      Người bên kia núi, ta còn cảm!
      Lịch sử nốt trầm, ta vẫn mơ!

      Xóa
  3. Anh ! sư phụ của làng văn chương ...em sang để đọc , để biết và ...trân trọng !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời, LB là "sư phụ của làng văn chương" hồi nào đâu!, không phải đâu, mà nếu có, thì trong số 10 người hát Karaoke, may ra LB đứng hàng thứ 3, thế cũng vui rồi, hihi...

      Xóa
  4. Lung Linh [Blog Tiếng Việt] Email 15.09.14@12:45
    Thiết kế đèn cù là 1 hệ thống giản đơn mà mang lại 1 hiệu quả lớn bội lần hơn.
    Nghĩ nó là trò vui hay vật trang trí thì tuyệt vời vì không tốn nhiều công sức tiền của.
    Xem nó là 1 quy luật để nhìn đời thì thấy cũng sâu sắc lắm:
    -1 ngọn lửa nhỏ lừa được mắt người, không phải vì họ ngây thơ mà vì ảo tưởng hay lòng tham vọng.
    -Muốn có cái lung linh biễu diễn thì đã có, muốn dụ người ta hoang phí công sức vào việc vô bổ cũng đúng chỗ dùng...
    Cái đèn cù nghĩ nó chỉ như 1 trò chơi thì không sao còn đặt nó lên giá nghiệm về chân lý cuộc đời thì nó lại cho ta 1 nụ cười bi đát. Trong đó có 2 tuyến nhân vật: kẻ đi lừa và nạn nhân. Dù ở vai trò nào LL cũng không thích vì sự man trá của cây đèn cù.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui chao, lời bình hay quá, thưởng 3... ly cà phê:
      "Cái đèn cù nghĩ nó chỉ như 1 trò chơi thì không sao còn đặt nó lên giá nghiệm về chân lý cuộc đời thì nó lại cho ta 1 nụ cười bi đát. Trong đó có 2 tuyến nhân vật: kẻ đi lừa và nạn nhân"
      Chiều nay LB sẽ bổ sung ý này vào bài viết nhé (đang ngủ, hi...), thanks.

      Xóa
  5. Y cũng đọc rồi, thấy cuộc đời sao phức tạp quá thế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, cuộc đời này vốn là cõi ta bà, mãi cũng chỉ là... chiếc đèn cù, mãi là bể khổ, mà ta đang ở trong đó, không bao giờ thoát được, chỉ khi nào ta hết... suy nghĩ thì... thoát. hi...

      Xóa
  6. hairachgia [Blog Tiếng Việt] Email 16.09.14@10:20
    Dữ liệu để viết: Trò Chơi
    Người gom dữ liệu để viết: Trò Chơi
    Người đọc: Trò Chơi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vui chơi cho hết tháng ngày
      Hôm sau chả biết còn hay biến rồi
      Đời là một cuộc ngược xuôi
      Đến khi hết thở là thôi… chạy vòng

      Xóa
  7. Từ một cây đèn cù hay..hay... từ một cái gì khác đi nữa, khi con người sinh hoạt và trong cái sinh hoạt đó luôn liên đới đến tâm cảm của con người, vậy nên việc đèn cù và những suy nghĩ ấy không lạ. Qua đó nảy sinh ra ý thức song hành cùng sự cảm nhận qua sự liên đới trong sinh hoạt là sự tự điểu chỉnh hướng tới của tương lai. Cám ơn bài viết của bạn. Chúc bạn vui khỏe !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, Mai Trang Huỳnh bình... khó hiểu quá, LB chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi:
      "Đời là một cuộc ngược xuôi
      Đến khi hết thở là thôi… chạy vòng"
      Cám ơn MTH nhé, chúc chiều CN vui, thân.

      Xóa
  8. tít mù nó (ới) lại vòng quanh/(ơ)
    Địa chủ hết đời / Bần vươn địa chủ
    Hán Đường Tống Nguyên ... / Trần Lê Nguyễn Sản ...
    Thế cục biển Đông / Hợp tung liên hoành ?
    tít mù nó (ới) lại vòng quanh/(ơ)
    Bao năm sau lại có một bloger NHẶT LÁ BÀNG CỦA NGLB ?
    Lâu rồi mới gặp sáng CN êm đềm nha :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, Lão Sa bình tuyệt quá,
      mình sẽ ghi nhận và lưu lời bình này và các trang web nhé,
      cám ơn nhìu nhìu nhé,
      chúc CN tươi hồng!

      Xóa
    2. Lão Sa ra biển Sầm Sơn
      Nhà cao lổn nhổn, nổi cơn mưa chiều
      Bà bán cua, nghỉ mất tiêu
      Bóng hồng hư ảo, mắt liu riu buồn

      (Cám ơn Lão Sa đã ghé nhà, mình đã chép lời bình của Lão sang Facebook rồi, thanks)

      Xóa