Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

734. Khái niệm ‘muôn năm’ trong toán học và triết học (Thư giãn cuối tuần)

 

Ngày xưa mơ chiếc thuyền viễn xứ
Lầm lũi, hôm nay đã... đến rồi!
Dòng sông, đôi lứa, chim tình tứ
Mây ẩn xa trời, mưa sắp rơi...
---------
Trước đây, trong bài ‘Hạt bụi vô nghĩa’ (xem dưới), tôi đã viết:
-Viết đến đây, đã gần trưa, tôi bèn đi ra vườn để đỡ mỏi mắt. Ôi, bỗng tôi thấy một bụi hoa rừng màu tím đang bung tối đa sắc thắm rực rỡ vào thời điểm cực đỉnh 'dậy thì' hoàn hảo của nó, tôi lại nghĩ thầm: Thua!

Tại sao tôi lại viết vậy? Vì tôi tự khuyên tôi hãy yêu cái hiện tại mà nhiều khi ta chợt phát hiện ra là nó đẹp diệu kỳ - một biểu hiện dường như thoáng qua nhưng ‘trường cửu’ của Đấng tạo hóa. Tuy nhiên, về mặt triết học, đặc biệt là trong toán học, cái gì mà đã dùng đến các từ như ‘tối đa’ hay ‘cực đỉnh’ (= maximum) thì lại là một tín hiệu báo trước là nó sắp… kết thúc rồi! Thật vậy, đóa hoa nói trên sẽ tàn vào giữa buổi chiều hôm đó.
Và tôi đã liên tưởng đến một số vấn đề dưới đây.

Muôn năm buổi sáng, chết ngay buổi chiều
Mấy chục năm nay, tôi thường đọc/nghe trên báo đài những cụm từ như: ‘thắng lợi này đến thắng lợi khác’, ‘lương tâm của thời đại’, ‘đỉnh cao của trí tuệ’, ‘chiến đấu thần thánh’…, chúng có nhiều điều để bàn. Nhưng trong khoảng thời gian uống cà phê sáng nay, tôi chỉ viết một ít suy nghĩ của mình về từ ‘muôn năm’ mà thôi.
*
+ Năm 1963 (hồi lớp 1 hay lớp 2), vào một buổi sáng nọ, (như thường lệ), trường chúng tôi có chào cờ và hát quốc ca:
-Ngô tổng thống, Ngô tổng thống muôn năm, toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô tổng thống… Tưng tưng tưng, từng tưng tứng, tứng từng tưng, tưng từng tưng tưng… (Tôi không nhớ đọan sau)
Chiều hôm đó!, đi học về, tôi thấy nhiều người xúm vào tấm ‘BẢNG TIN’ ở đầu làng và bàn tán xôn xao, đại khái trong đó có ghi những từ/cụm từ như ‘cách mạng’, ‘lật đổ chế độ độc tài gia đình trị’… gì gì đó. (Sau này, tôi mới biết đó là vào quanh thời điểm xảy ra cuộc đảo chính ở miền Nam ngày 1/11/1963). Vâng, khi tôi đọc được bản tin nói trên thì ‘Ngài muôn năm’ đã chết!

+ Tôi nhớ lại trong truyện ‘Thiên Long bát bộ’ (của Kim Dung), Mộ Dung Phục sau vô số lần dùng các trò ném đá giấu tay một cách đê tiện, xảo trá và độc ác nhằm chiêu binh mãi mã để khôi phục nước Yên nhưng vẫn không thành, nên bị bệnh tâm thần hoang tưởng, mà chiều chiều mặc một bộ long bào làm bằng giấy vàng mã, ngồi trên tảng đá, và thuê bọn trẻ trong xóm (bằng kẹo mút!) để chúng hô to:
-Ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.
+ Tôi nhớ lại trong truyện ‘Tiếu ngạo giang hồ’ (của Kim Dung), Đông Phương Bất Bại sau khi đảo chính Giáo chủ ma giáo là Nhậm Ngã Hành (và nhốt dưới đáy Tây Hồ), đã ‘sáng tạo’ ra câu:
-‘Thánh giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ’.
Nhưng chỉ mấy năm sau đó, Đông Phương Bất Bại bị chết thảm (bởi liên minh Nhậm Ngã Hành, Hướng Vân Thiên, Nhậm Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung), rồi một thời gian không lâu sau đó, Nhậm Ngã Hành cũng bị tai biến mà chết ngay trên ghế rồng.

+ Đó là chưa kể đến mấy cảnh tung hê ‘vạn vạn tuế’ hoành tráng nhưng không có ấn tượng trong các phim Tàu…
*
Phải chăng các cụm ‘mỹ từ ảo’ nói trên là duy tâm hơn cả duy tâm, mà có thể gây ra ít nhiều phản cảm vào thời đại @ - khi mà người dân không còn là ‘những cậu bé được cho ăn kẹo mút’ nữa!

Tại sao mà người ta lại hô ‘muôn năm’?
Tôi mới tìm hiểu là tại sao mà người ta lại hô ‘muôn năm’!
Té ra là vào thời phong kiến, ví dụ bên Tàu, vua được gọi ‘Thiên Tử’, tức là con của ông… Trời! (hay con của ‘Thượng đế’), nên ông Khổng Tử mới lập ra thuyết ‘chó gác cửa’ (hay 'chó nhà tang', xem dưới) cho cái mà được ông gọi là nhà nước phong kiến vĩnh cửu!, để cho mấy ông Đại Hán này - thay mặt ‘bố’ - xuống trần gian làm nghề ‘thế thiên hành đạo’ để đi cướp cá ở Biển Đông về cho… Tây Thi măm măm, nhưng ‘con trời’ cũng chết như thường dân, thậm chí còn chết sớm hơn!
Tương tự như Khổng Tử!, ông Hegel khi xây dựng ‘Phép biện chứng’, mà bằng cách nào đó, đã dựa vào khái niệm ‘ý niệm tuyệt đối’, lại suy ra rằng Nhà nước quân chủ lập hiến - Vương quốc Phổ thời đó - như là nhà nước ‘của tính hợp lý’, ‘tất yếu’, nên là vĩnh cửu! (xem dưới), nhưng với một cái 'sát-na' của lịch sử, sau khi ông chết (1831), nước Phổ trở thành một phần của Cộng hòa Weimar năm 1919 mà bị Đức quốc xã diệt vong năm 1934 và bị xóa tên trên bản đồ thế giới năm 1947 (xem dưới).
v..v...
*
Tóm lại, các hoàng đế, đại gia, đại mỹ nhân, đại thánh… trong quá khứ đều đã biến thành tro bụi hết rồi, thậm chí ‘Sự thật cũ kỹ mà nhiều người biết: Phật và Chúa đã chết rồi. Họ chỉ là những cá nhân bình thường như bao người khác nên không thoát vòng sinh tử’ (blog Ái Nữ, Ngày tận thế huyền bí, Lời mở đầu)... Tôi còn nghĩ đến việc là tại sao nay có không ít người rất muốn dùng từ ‘vĩ đại’ hay ‘bất tử’, mà vĩ đại đã lấy gì làm sung, bất tử đã lấy gì làm sướng! 
Chuyện ‘muôn năm’ đã xảy ra vào thời phong kiến, hay thời mộng làm ‘bá chủ thế giới’, mà những Alexandre Đại đế, Thành Cát Tư Hãn, Napoleon, Hitler, Stalin… đã bị vỡ mộng tan tành bởi Đấng được gọi là ‘lịch sử tự nhiên’ - Đấng mà không bao giờ chấp nhận khái niệm ‘bá chủ thế giới’!
Ngoài ra, về mặt toán học, tôi biết rằng không thiếu gì những ai đó đã không có ‘tầm nhìn’: không biết năm 2020 chuyện Biển Đông sẽ ‘đi về đâu hỡi em’, năm 2030 ta sẽ như thế nào, năm 2050 hay 2100 sẽ như thế nào?, nhưng chuyện ‘10.000 năm sau’ thì lại rất khoái!!! 
Tại sao ngày nay là thời đại @ rồi, thời đại mà mỗi người đều ‘là một cơ phận trong một chiếc đồng hồ’ - đều bình đẳng, mà mỗi vị trí nào đó của mỗi người, không nhất thiết phải là 'chính trị gia', đều có thể có vai trò nổi bật trong nước hay trên thế giới (như Ngô Bảo Châu, Bill Gates, Nick Vujicic, Cristiano Ronaldo, Yoshua Wong!...), thế mà có ‘ai đó’ bắt ta phải phất cờ và tung hê ông lớn/bà lớn nào đó là ‘muôn năm’!, phải chăng là tại vì:
-Ai đó còn mê muội trong giấc mộng xỉn màu phong kiến, muốn làm hoa mắt thiên hạ, hay cho rằng dân còn ‘ngu’!

Cuối cùng…
Chả có ông nào là ‘muôn năm’ cả, trừ ông... Trời! Và nếu không nhầm thì những kẻ đã ‘chết’ đi rồi như Sa hoàng, Napoleon hay Hitler… đều được tung hê là ‘viva’, ‘ura’, hay ‘long live’… gì gì đó, mà thiết nghĩ rằng nên tung hê là ‘mấy năm’ thì mới đúng với thực tế lịch sử hơn, ví dụ:
Người cầm micro hô: ‘Hitler muôn năm!’, thì người dân nên hô là:
-Mấy năm! Mấy năm! Mấy năm!

Người cầm micro hô: ‘Ngô tổng thống muôn năm!’, thì người dân nên hô là:
-Mấy năm! Mấy năm! Mấy năm!

Người cầm micro hô: ‘Obama muôn năm!’, thì người dân nên hô khe khẽ (vì người Mỹ không thích vậy!) là:
-Tám năm! Tám năm! Tám năm!


Ha.. Ha.. Ha…
*
Và tối qua, tôi có… mơ thấy một câu chuyện là:
Ông ‘Muôn năm’ đi gặp 3 ông là: ông ‘Phong kiến’, ông ‘Triết học’ và ông ‘Toán học’. Ông 'Phong kiến' mới ôm chầm lấy ông ‘Muôn năm’, hôn lấy hôn để, và nói ‘welcome!’ - vì họ là bạn nối khố cả ngàn năm nay rồi; ông ‘Triết học’ thì nói ‘Đời là vô thường, không có cái gì là muôn năm cả’, và không thèm bắt tay ông ‘Muôn năm’; còn ông ‘Toán học’ thì không buồn nhìn ông ‘Muôn năm’, mà nói:
-Cái ‘muôn năm’ của ông chỉ là con số 0 đối với ta mà thôi.

(HẾT)
---------
Chú giải:
-‘Chó nhà tang’: còn đi với cụm từ là ‘chó nhà tang mất chủ’/‘chó nhà tang vô chủ’, hay ‘chó gác cửa’, từ dùng của giáo sư Lý Linh, Đại học Bắc Kinh, trong cuốn ‘Chó nhà tang - Tôi đọc Luận ngữ, có thể xuất phát từ câu: “Yesterday’s Stray Dog Becomes Today’s Guard Dog” (Chó hoang hôm qua nay thành chó giữ nhà, Thomas E. Moran) trong ‘Tuyển tập luận văn và thơ’ của của Lưu Hiểu Ba (procontra.asia)
-‘Hạt bụi vô nghĩa’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/08/732-nhung-loi-minh-triet-va-hat-bui-vo.html
-Nhà nước lý tính: ‘Khi xem “Nhà nước” như là cái “thứ nhất” (Primat), cái cơ sở cho cả gia đình và xã hội dân sự…, thực ra Hegel chỉ là “tù binh” của sơ đồ lôgíc biện chứng của chính ông mà thôi… Những chức năng của Nhà nước như Hegel sẽ trình bày trong chương sách đồ sộ này (‘Giảng thêm’) đều được rút ra từ xã hội dân sự như một “tất yếu xã hội”. “Nhà nước lý tính” của Hegel - trong hình thức của chế độ quân chủ lập hiến - khối tương thích với thực tế “giác tính” ngày càng phức tạp, và nhất là không mặc nhiên giải quyết được những xung đột tiềm ẩn trong xã hội dân sự…’ (amvc.free.fr)

-Tuổi thọ trung bình của vua chúa: ‘Người được hô muôn năm và người tung hô muôn năm biết rằng ai cũng phải chết, thậm chí chết sớm. Không nói đâu xa, các ông vua Việt Nam tột đỉnh sung sướng mà ít ông sống quá 70 tuổi. Nhà Lý tính cho 8 đời vua, thọ trung bình 44,5 tuổi, trong đó thọ hơn cả là Lý Nhân Tông 62 tuổi, Lý Thần Tông thọ 23 tuổi. Nhà Trần tính cho 8 đời vua thọ trung bình 50,6 tuổi, trong đó thọ hơn cả là Trần Nghệ Tông 74 tuổi, Trần Hiến Tông thọ 23 tuổi. Nhà Lê tính cho tính cho 7 đời vua, thọ trung bình 32,4 tuổi, thọ hơn cả là Lê Thánh Tông 56 tuổi, Lê Uy Mục thọ 22 tuổi… Dân Liên Xô trước đây hô CNCS muôn năm thì cái chủ nghĩa ấy chỉ thọ được 70 tuổi...'  (Trích lời bình của Bulukhin)
-Vương quốc Phổ: Phổ là một quốc gia trong lịch sử cận đại phát sinh từ Brandenburg (nay là một tiểu bang ở phía bắc của nước Đức)… Cuối triều vua Friedrich II Đại Đế (1740-1786), nước Phổ đã thiết lập "Liên minh các Vương hầu" với các tiểu quốc của người Đức. Nếu triều đại của ông gắn liền với triết học Khai sáng thì nước Phổ trong những năm tháng sau này gắn liền với những cuộc chinh phạt tàn khốc của Hoàng đế Pháp là Napoléon và những chính sách "Sắt và Máu" của Thủ tướng Bismarch… Với sự kết thúc của triều đại Hohenzollern ở Đức theo sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Phổ trở thành một phần của Cộng hòa Weimar vào năm 1919 với tư cách một quốc gia tự do. Nước Phổ trên thực tế bị chính quyền Quốc xã hủy bỏ vào năm 1934 và chính thức bị phe Đồng Minh khai tử sau Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1947’. (wikipedia)

17 nhận xét:

  1. Hairachgia [Bạn đọc] Email · http://Hairachgia 06.09.15@23:24
    Tôi còn nghĩ đến việc là tại sao nay có không ít người rất muốn dùng từ ‘vĩ đại’ hay ‘bất tử’, mà vĩ đại đã lấy gì làm sung, bất tử đã lấy gì làm sướng!
    KHOÁI NHẤT CÂU NÀY. VỪA VẶN MỚI SUNG, CÓ SỐNG CHẾT MỚI VUI.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Úi dà, anh Hai cũng có bên Face à, thế mà nay mới biết!
      Cám ơn anh Hai nhé, chúc tuần mới an lạc.

      Xóa
  2. Hehehe mới vừa rồi em nghe người ta hô khầu hiệu muôn năm quá choy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình chỉ nghe thoáng qua khi đi pha trà thui, mình không thít thời sự bạn à, thích xem phim tí thui!, hi...
      Tối vui nhé.

      Xóa
  3. Lưu comt Thu Phong

    Thu chiều lờ lững, phong vào ngõ
    Màn tím lung linh, nắng chạm đời
    Thu theo trời tối, còn phong lạnh
    Một thoáng... băn khoăn, khói chạm trời, hihi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thu Phong 62 [Blogger] Email 08.09.15@00:36
      Nhà hiền triết LB lúc nào cũng có giọng thơ cực yêu đời

      Xóa
    2. Tội lỗi, tội lỗi, bần tăng không dám, hihi...

      Xóa
  4. Nha Gom La Bang ...mấy năm , mấy năm , mấy năm ? ...hì hì ....hay thật !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. +Dung Nguyên Thanh
      Cám ơn 'Lều vịt của tôi nhé', có khỏe k? Chúc chiều vui.

      Xóa
    2. Dung Nguyên Thanh12:15
      Trả lời

      Em khỏe anh à ... lâu rồi hôm nay mới lượn qua đây, chúc anh luôn vui anh nhé !

      Xóa
  5. Lưu comt Hùng Phi

    Bài viết hay quá, đầy tính nhân văn: like!
    Nhà mình cũng có một con mèo trắng - bạn thân nhất trong đời, vì nó tè và ị trước sân làm hôi rình cả nhà (sân chật), nên mình - không nỡ vứt sông vứt chợ, tội nghiệp - bỏ nó vào một cái thùng cạc-tông và đem vứt nơi Lăng Lê Văn Duyệt, để nó tự sinh tự diệt. Khi bưng đi, mình tưởng nó sẽ vùng vẫy và quào minh, nào ngờ nó vô cùng ngoan ngoãn..., rồi mình mất nó... suốt đời. Tuy nhiên, mấy năm qua, mình vẫn còn nhớ nó, vì mình thương nó nhất trên... đời, có thể hơn cả... con người!
    http://hoanganh79.blogspot.com/2015/09/chuyen-beo-may.html?showComment=1441690061605#c3080285549675900117

    Trả lờiXóa
  6. saumietvuon [Blogger] Email 08.09.15@20:31
    TUI ĐÃ ĐỌC HẾT BÀI VÀ SUY ĐI TÍNH LẠI THÌ CHỈ CÓ THỂ Ý CÒM CỦA TUI KO VƯỢT KHỎI KHỔ THI BÊN NHÀ.

    Đừng ca cẩm cái huy hoàng quá khứ
    Có sánh bằng sự can đảm của thời gian?
    Vẫn hãnh tiến mà không hề lùi bước
    Đến khi nào sụp đổ lụy tàn.

    **VÀ ANH CÒN NHỚ HỒI XƯA MÌNH HỌC BÀI CHÍNH XONG THÌ KẾ ĐÓ CÓ PHẦN "ĐỌC THÊM":

    PHARAON
    Link cố định 27/09/2013@12h52, 374 lượt xem, viết bởi: saumietvuon
    Chuyên mục: Văn học, Báo chí

    *Đường Thủ Vĩ Ngâm

    Những hoàng đế đỏ ngụ trong lăng
    Hỏi có phiêu diêu chốn vĩnh hằng
    Vĩ đại đâu cần hô vạn tuế
    Cao vời đếch phải hét muôn năm
    Dân đen ngắc ngoải dầy điêu đứng
    Dòi bọ sinh sôi kín chỗ nằm
    Công tội sử xanh rồi sẽ chép
    Những hoàng đế đỏ ngụ trong lăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, mấy câu thơ đó... đã quá,
      chắc trong entry mới nào đó của mình,
      sẽ được... tham khảo (cười).
      Nói chung là từ ngữ văn học-chính trị từ 75 (hay trước) đến giờ vẫn nghe 'kêu' thế, và không có gì mới!, bạn Sáu à.
      Thank nhé, chúc chiều vui.

      Xóa
  7. Bu tui rất hưởng ứng bài viết của bạn.
    1- Người được hô muôn năm và người tung hô muôn năm biết rằng ai cũng phải chết, thậm chí chết sớm. Không nói đâu xa, các ông vua Việt Nam tột đỉnh sung sướng mà ít ông sống quá 70 tuổi.
    - Nhà Lý tính cho 8 đời vua, thọ trung bình 44,5 tuổi
    Trong đó thọ hơn cả là Lý Nhân Tông 62 tuổi, Lý Thần Tông thọ 23 tuổi
    - Nhà Trần tính cho 8 đời vua thọ trung bình 50,6 tuổi, trong đó thọ hơn cả là Trần Nghệ Tông 74 tuổi, Trần Hiến tong thọ 23 tuổi
    - Nhà Lê tính cho tính cho 7 đời vua thọ trung bình 32,4 tuổi, thọ hơn cả là Lê Thánh Tông 56 tuổi Lê Uy Mục thọ 22 tuổi.
    2- Những người muốn được kẻ khác hô muôn năm là tự dối mình, nói theo ngôn ngữ bây giờ là tự sướng. Trong trường hợp này nhà Phật có lý khi đưa ra luật vô thường. “chư hành vô thường chư pháp vô ngã”, không có sự vật gì thường hằng kể từ từng mạng sống nhỏ nhoi cho đến hình thù của thiên hà vũ trụ. Nhà nho tin sau khi chết còn lại linh hồn, nhà Phật tin sau khi chết, thần thức (không phải linh hồn vĩnh cữu) được nghiệp lực đưa đi đầu thai kiếp khác. Chết tức là sống ở một dạng khác trong một tiến trình khác.
    3- Như vậy Cụ Hồ dẫu dân nam có hô muôn năm thì cụ cũng phải ra đi khi 79 tuổi. Dân Liên Xô trước đây hô CNCS muôn năm thì cái chủ nghĩa ấy chỉ thọ được 70 tuổi.
    Tóm lại nhiều khi ta biết mình nói dối, nói tào lao, mà vẫn cứ nói, không nói thì thiệt thân thiệt đời huhu !!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, thống kê hay quá, nhất là phần tuổi thọ trung bình của vua trong mỗi triều đại Việt, mình sẽ bổ sung vào phần chú dẫn của bài viết.
      (còn phần Phật, Thiền, Chúa..., để tránh... đụng chạm, mình 'thường' viết dưới dạng... Thiền, hay dưới dạng 'ảo trong thực, thực trong ảo'!, hi...)

      Cám ơn bạn Bu nhiều nhé, chúc chiều vui

      Xóa
  8. Lại phải chờ xét duyệt ??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, 'quý hồ tinh, bất quý hồ đa', mình chủ trương chơi cho vui trong 'xóm lá' thôi. TM.

      Xóa