Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

764. Lịch sử và... em


Tách cà phê đông, ngắm vòm trời
Riêng mình một cõi, khói chơi vơi
Nhìn quanh tám hướng, nơi nào đến!
Thôi, chốn sân vườn, thơ thẩn chơi
---------

Đáng lẽ tôi viết bài này là ‘vô danh tiểu tốt’, với ý nói là tôi không là cái gì cả, tôi không mong sự nổi tiếng, nói chung là không mong ai nhắc tới mình làm gì, lý do đơn giản là tôi sống một mình nên viết cho vui, thế thôi... Cụm từ ‘vô danh tiểu tốt’ nghe sặc mùi Tàu, nhưng không quan trọng, lâu lâu ta xài một tí Tàu có sao đâu, cũng như lâu lâu tôi nhắc đến Thư Kỳ (*) một chút, điều này không chứng tỏ là tôi phụ thuộc nàng, hay nàng… yêu tôi (cười).
Tôi cũng nhớ đến biệt danh của bốn vị thần tăng Thiếu Lâm là Không Kiến, Không Văn, Không Trí và Không Tính (‘Ỷ thiên đồ long ký’), nói chung là ‘không’ cái gì cũng được, không tên cũng được, nhưng ‘không tính’ thì rất khó, vô cùng khó, nên tôi là người ‘có tính’, mà một trong những tính của tôi là không muốn phụ thuộc. Ngoài ra, Không Kiến là đã thành Phật (theo truyện nói trên), cũng như Phật Di Lặc, Tế Điên hòa thượng…, nhưng kể từ giữa thế kỷ trước, hình như bên Tàu không có Phật nữa, hay nói cách khác là Phật không thể ‘sống’ ở TQ!
...Dưới đây tôi sẽ tâm sự một tí có liên quan đến lịch sử Tàu-ta và... em.

Vì nhiều người biết rõ hơn tôi về lịch sử Tàu, nên tôi không dám múa rìu qua mắt thợ, mà chỉ kể theo cảm tính.
Nhớ lại, cách đây khoảng 15 năm, ở Hạ Long, có một người Hà Lan và một người Bỉ - khi ăn món ‘đậu khuôn’ (đậu hũ, đậu phụ) - hỏi tôi ‘món này tiếng Anh nói là gì?’, tôi hơi ngần ngừ, định dùng chữ ‘soya-cake’ gì đó, thì ông người Hà Lan bỗng vỗ trán và nói ‘à, đó là Tofu’ (tào phớ), và chúng tôi sực nhớ ra… Người Tàu đã đóng góp cho thế giới tiếng Anh nhiều từ, trong đó có ‘đậu hũ’ và ‘công phu’ (Kung Fu) - tôi chỉ nhắc đến 2 từ điển hình.
‘Đậu hũ thúi’ (chữ ‘thúi’ ở đây không có gì xấu) là một trong những món ăn tuyệt ngon của người Tàu, nó phần nào nói lên cái văn hóa cộng đồng mấy ngàn năm của họ, mà không thể thiếu trong nhiều phim dã sử, kiếm hiệp, xã hội đen… của Tàu.
‘Công phu’ nói lên cái truyền thống dường như thượng tôn võ học của người Tàu, mà ngoài cái danh phong ‘Trạng nguyên’ (văn) có từ năm 622, thời nhà Đường, còn có ‘Võ Trạng nguyên’ đặc biệt phổ biến thời nhà Tống và thời Từ Hi thái hậu, và chấm dứt vào năm 1904 - trước khi Từ Hi chết vào năm 1908; mặt khác, ‘công phu’ nhiều khi lại nói lên cái máu ham ‘đánh đấm’ kiểu Võ Tòng, Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm… (‘Thủy hử’), hay ham làm ‘bá chủ võ lâm’ kiểu Tả Lãnh Thiền (*), Nhạc Bất Quần, Nhậm Ngã Hành… (‘Tiếu ngạo giang hồ’), v..v…
*
Quay trở lại chuyện ‘đậu hũ thúi’, và nói thêm chuyện ‘bánh màn thầu’, phải nói rằng đôi khi tôi cũng thích ăn ‘chao’ và 'bánh bao', nhưng khi ăn nó, tôi lại không nghĩ nó ‘phải’ là đặc sản của Tàu, vì hồi nhỏ tôi hay ăn đậu hũ (chế biến từ đậu nành, thường ăn với ‘đường tán’ có pha tí gừng), và tôi còn là… chuyên gia làm bánh ít, bánh nậm, bánh bèo… (làm bằng bột gạo, có nhân thịt và tôm), hơn nữa, bà nội/bà ngoại tôi đều ăn trầu và đều có ‘ngón chân Giao Chỉ’ (ngón chân cái quặp lại và giao với ngón bên cạnh), nên tôi nghĩ rằng mấy thứ nói trên vốn là đặc sản của ‘nền văn minh lúa nước’, mà có thể nói là có từ thời đại Văn Lang-Âu Lạc, từ thế kỷ 29 TCN đến thế kỷ 2 TCN (*).
*
Cũng cần nói thêm rằng trong các truyện/phim kiếm hiệp (Kim Dung, Cổ Long…) của các văn hào hay các đạo diễn nổi tiếng của Tàu (kể cả Hồng Kông, Đài Loan, Singapore), ta dễ thấy câu ‘đa số võ Tàu đều có nguồn gốc từ Thiếu Lâm’, hay ‘Thiếu Lâm là Thái Sơn bắc đẩu’, tất nhiên là võ Tàu có từ lâu trước khi có ‘72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm’ của Đạt Ma tổ sư (470-543, người Ấn Độ), nhưng dù sao đó cũng là một bằng chứng rằng nó có sự tiếp thu từ các nền võ học bên ngoài, ‘Triệt quyền đạo’ của Lý Tiểu Long là một ví dụ rất điển hình (phim ‘Lý Tiểu Long truyền kỳ’), mà hội nhập võ Nhật, Hàn, Philippines, Thái, Mỹ/Anh (boxing)… Tôi lại có ấn tượng với việc xem vua Khang Hi, Càn Long, con cháu của bà Từ Hi, thậm chí là Hoàng Phi Hồng... thích đeo ‘kính mát’ của Tây, dùng ‘ống nhòm’ của Tây, thậm chí một số còn cầm súng ngắn của Tây mà ve vẫy một cách khoái chí! (thực ra những thứ này đã được nhập vào Tàu từ thời Đông Xưởng, nhà Minh, khoảng trước hoặc sau năm 1382), điều này khá chứng tỏ rằng về mặt khoa học kỹ thuật thì Tàu chậm hơn Tây rất nhiều… 
*
Ngoài ra, tôi cũng có nghĩ về các môn khoa học tự nhiên mà ta thường nói là toán, lý, hóa, sinh…, là ‘mathematics, physics, chemistry, biology’ (tiếng Anh) - cùng ‘tiền tố’ trong tiếng Pháp, Nga, Đức, Ý, Hy Lạp…, mà ‘gốc’ xuất phát từ tiếng La-tinh, tức là các khoa học này xuất phát từ ‘phương Tây’, nếu không tin thì các bạn trẻ hãy giở các sách toán, lý, hóa, sinh lớp 12 ra xem, hay năm nay đi thi đại học, thử xem nội dung đề thi có tí mùi ‘Tàu’ nào không?, hihi…
Như vậy, nếu ta gọi là nền văn minh Trung Hoa với tư cách là một ‘thực thể độc lập’ thì chắc chắn là không phải, mà thực ra là một bộ phận của nền văn minh của loài người, có nghĩa là người Tàu phải học rất nhiều từ các nền văn minh khác, kể cả từ Việt Nam.

Còn nếu nói về Lịch sử Việt Nam thì nhiều người giỏi hơn tôi, nên tương tự, tôi sẽ bắt đầu từ một câu chuyện…
Tổ sư Võ Việt Nam (Vovinam) là ông Nguyễn Lộc (1912-1960), mà tôi đã được dịp ‘ngắm’ môn võ này trong hai năm (cười), bây giờ quên hết rồi! Tôi thấy nó kết hợp ‘có sáng tạo’ các môn võ Bình Định, Thất Sơn Thần Quyền, Judo, Taekwondo, Thiếu Lâm, Hồng Gia Quyền…, tuy nhiên, nó thiên về nhu, tiểu xảo và về ‘võ đạo’ (cách mạng tâm - thân) hơn. ‘Đến nay có khoảng hơn 1 triệu người theo tập vovinam tại Việt Nam và hơn nửa triệu người ở 52 quốc gia khác trên thế giới.’ (thanhnien.vn)
Quay lại chuyện Phù Đổng đánh giặc Ân (Ân Cao Tông) vào khoảng năm 1200TCN, quân Việt đánh giặc Tần (Đồ Thư) năm 214TCN, quân Việt đánh giặc Tây Hán (Chu Táo) năm 181TCN, Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán (Tô Định, Mã Viện) năm 40-43, Bà Triệu đánh giặc Đông Ngô năm 248, Lý Bí (Lý Bôn) đánh giặc Lương năm 542, Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán (Hoằng Tháo) năm 938, Lê Hoàn đánh giặc Tống (Hầu Nhân Bảo) năm 981, Trần Hưng Đạo đánh giặc Mông-Nguyên (Thoát Hoan) năm 1284 và 1287, Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống năm 1075-1076, Lê Lợi đánh giặc Minh (Vương Thông) năm 1739, Nguyễn Huệ đánh giặc Thanh (Tôn Sĩ Nghị) năm 1789…, thiết nghĩ các thứ võ mà ta dùng để chém đầu ‘hơn 40 danh tướng, hằng ngàn đại tướng Tàu’ - ắt hẳn là võ Việt Nam, và dưới đây là một minh họa:

…Hiện bản thần phả này còn lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Thần tích còn ghi rõ thần tích này theo ý chỉ của đức vua đề ngày 15 tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739). Thần tích viết rằng: ‘Vào thời mà Lê Lợi đang tích dưỡng binh lương, chiêu dụ khắp nơi để tìm kiếm anh hùng hào kiệt cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược thì được biết tại xã Hương Trà, tổng Nhân Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn đạo Kinh Bắc, có người họ Bạch, huý là Bảo Công, văn vũ song toàn, tài năng nổi tiếng thiên hạ. Lê Lợi bèn cấp cho 'ba vạn tinh binh lập tức thẳng tiến đến xã An Cố, huyện Chân Lợi, phủ Kiến Xương, dựng đồn lớn tại trại An Trạch (còn gọi là doanh trại Đồng Làng) để đánh giặc’.
Tại đó có một phú ông họ Nguyễn, huý là Liên Hoa, có người con gái xinh đẹp vừa tròn đôi mươi tên là Lan Nương. Bảo Công xin hỏi làm vợ, rồi nàng sinh hạ một lúc ba người con trai. Cuộc hôn nhân và sinh nở 3 quý tử này tuy có khá nhiều tình tiết có vẻ hoang đường nhưng được xác định rõ tên tuổi và sau này được vua Lê phong tước rất rõ ràng: Người thứ nhất là Thanh, mỹ tự là Thanh Kiền sau được vua phong làm Hiệp thống Thanh Kiền đại thần quan. Người thứ hai huý là Bạch, mỹ tự là Bạch Thuộc, sau được phong là Bạch Thuộc Chánh lãnh tiền phong đại tướng quân. Người thứ ba huý là Tống, sau được phong là Thống Thánh đốc lĩnh. Cả 3 ông này khôn nhớn ‘thân dài 7 thước, nặng đến trăm cân’... được vua quý phong tước rồi cấp ‘một nghìn thuyền rồng và 50 vị tướng giỏi để đi đánh giặc’. Ba ông cùng binh mã cùng ‘xông thẳng đánh giặc, gặp tướng Liễu Thăng tại đất Tiên Hoa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Quân giặc bốn phía bao vây khắp nơi. Ba ông ngồi trên ngựa vung kiếm xông thẳng vào giữa đồn giặc chém đầu tên phó tướng Nguyễn Đình Khoan, treo đầu ngay dưới trướng, còn quân giặc chết nhiều không kể xiết. Ba ông thừa thắng đuổi theo giặc Minh, đuổi đến thành Lạng Sơn thì chém được tướng Liễu Thăng thành 3 mảnh’... Nhân dân vùng Kiến Thụy thường gọi họ là ‘tam vị anh hùng’.

http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/ai-chem-cut-dau-lieu-thang-2215648

Theo Giáo sư Mỹ Joel Brinkley thì ta có 17 lần ‘đánh nhau’ với bọn xâm lược phương Bắc (*), và theo một tài liệu mà tôi đọc được hôm nay thì ‘Đã 13 lần Dân Việt đại thắng giặc phương Bắc xâm lăng’, nhưng bài không thể viết dài, nên tôi chỉ trích ra một đoạn dưới đây:

Năm 1271, Hốt Tất Liệt (Khubilai) trở thành Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ, đổi quốc hiệu thành Nguyên. Năm 1279, quân Nguyên chiếm trọn đất Trung Hoa. Đế quốc Mông Cổ bao trùm 40 quốc gia từ Á sang Âu. Năm 1284, Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan (Toghan), cùng với các danh tướng Toa Đô (Suodu), Ô Mã Nhi, kéo 50 vạn quân xâm lăng Đại Việt. Quân Nguyên còn có thủy binh từ Chiêm Thành đánh lên. Khi đó, toàn thể quân Đại Việt chỉ có 20 vạn. Trước tình hình nguy biến, nhiều người muốn hàng hoặc tìm kế hoãn binh. Nhưng các tướng Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư cương quyết xin đem quân trấn giữ. Vua Trần Nhân Tôn liền triệu tập các bô lão trong dân tại điện Diên Hồng để hỏi ý kiến. Toàn thể đồng thanh xin Đánh. Trước thế giặc quá mạnh, quân ta phải rút về Vạn Kiếp. Ở phía Nam, quân Nguyên từ Chiêm Thành cũng đã chiếm Nghệ An. Vua Nhân Tôn lại lo sợ, ‘muốn hàng để cứu muôn dân’. Nhưng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đáp: “Bệ Hạ nói câu ấy thật là lời nhân đức. Nhưng Quê hương Dân tộc thì sao? Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin chém đầu tôi trước đã!”. Thoát Hoan dùng đại bác bắn phá, và vào được Thăng Long. Triều đình ta chạy về Thanh Hóa. Khi đó tướng Trần Bình Trọng bị bắt. Thoát Hoan dụ hàng và hỏi:
-Có muốn làm Vương không?
Trần Bình Trọng quát to:
-Ta thà làm quỷ Nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc!
Tháng 5 năm 1285, tướng Trần Nhật Duật phá được quân Toa Đô ở cửa Hàm Tử. Sau đó, tướng Trần Quang Khải đưa quân đi thuyền từ Thanh Hóa ra đánh tan quân Nguyên ở bến Chương Dương, rồi dùng phục binh chiếm lại Thăng Long. Đức Hưng Đạo Vương thì đem quân đánh ở Tây Kết, và giết được Toa Đô. Quân ta bắt được 3 vạn quân Nguyên và vô số chiến thuyền, khí giới. Hưng Đạo Vương lại sai phục kích chận mọi đường quân Nguyên có thể rút lui, và tự mình dẫn đại quân lên Bắc Giang đánh Thoát Hoan. Quân Nguyên thua chạy, tới bến Vạn Kiếp bị phục kích, chết quá nửa. Thoát Hoan trốn thoát về Tàu. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, in năm 1697, quân Nguyên kéo qua 50 vạn và sáu tháng sau, chỉ còn 5 vạn rút về.

http://fatasa1.blogspot.com/2015/11/a-13-lan-dan-viet-ai-thang-giac-phuong.html#comment-form
*
Tóm lại, tinh thần ‘Hội nghị Diên Hồng’ và ‘Sát Thát’ này luôn thể hiện với ‘Sông núi nước Nam, Nam đế ở/Rõ ràng định sẵn tại sách Trời/Cớ gì ngỗ ngược sang xâm phạm/Bọn mày phải thấy cảnh thê lương (Lý Thường Kiệt, wikipedia), hay ‘Xét như nước Đại Việt ta/Thực là một một nước văn hiến/Cõi bờ sông núi đã riêng/Phong tục Bắc Nam cũng khác…’ (Nguyễn Trãi, wikipedia), v..v..., thiết nghĩ rằng Lịch sử VN ‘rõ ràng định sẵn tại sách Trời’, nên, tôi nói ‘Lịch sử Việt Nam là của… thượng đế’, tức là của ông Trời, mà nếu ai làm méo mó hay, thậm chí, làm mất đi bất cứ vết tích nào của Lịch sử VN vì ngoại bang, thì kẻ đó đang chống lại ông Trời!

***
Cuối cùng, nhớ lại có một câu chuyện rất là buồn cười…
Một hôm, tôi đi thăm nhà mấy người bạn, và hỏi cùng một câu:
-Anh/chị muốn cho con đi du học bên Tây hay bên Tàu vậy?
Trả lời:
-Bên… Mỹ.
(ha..ha..ha...)

Rồi tôi mới qua nhà một blogger, và bình như sau.
Say người, say cảnh... thần tiên
Say nguyên ánh mắt, say huyền ảo em
Say khi chiều xuống êm đềm
Say trong đêm vắng, tôi thèm... mất tôi

Chắc là lúc đó tôi không thấy được mối quan hệ giữa lịch sử và… em, híc..híc…

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
  1. ‘Bình Ngô Đại Cáo’ (Proclamation of Victory): Dịch giả là nhà nghiên cứu Vũ Đình Đỉnh, quê gốc Đáp Cầu, Bắc Ninh, hiện sống ở San Antionio, Texas, Mỹ. Sinh năm 1932, đã tu nghiệp tại các đại học Bắc Caroline, Hawaii, Chicago, có chuyên môn về y tế cộng đồng, ông Đỉnh có tấm lòng nhiệt thành với văn hóa, văn chương dân tộc… Với sự ra mắt của ‘Proclamation of Victory’, có thể coi là người Việt sống trong cộng đồng Anh ngữ, nhất là từ thế hệ thứ hai trở đi, có thêm một công cụ để trở về cội nguồn. (vinabook.com)
  2. Joel Brinkley, xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/02/joel-brinkley-la-ke-qua-hung-hang.html
  3. Lịch sử Tàu bắt đầu từ thời ‘Tam Hoàng Ngũ Đế’, sau đó là nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu, rồi Tần, Hán, Tam Quốc, Tấn, Nam Bắc Triều, Tùy, Đường, rồi Tống-Nguyên-Minh-Thanh, Tưởng, Mao-Tập…
  4. Nước ta bị Tàu đô hộ qua các thời sau: 1. Nhà Triệu, nhà Hán (179 hay 111TCN-39), 2. Nhà Đông Hán, Đông Ngô, Tào Ngụy, nhà Tấn, nhà Tề, nhà Lương (43-541), 3. Nhà Tùy, nhà Đường (602-905), 4. Nhà Minh (1400-1427)…
  5. Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/11/760-am-muu-cua-ta-lanh-thien.html
  6. Thư Kỳ: sinh 1976, người Đài Loan, người có đôi môi hấp dẫn nhất… hành tinh (theo tôi), nàng diễn xuất rất đạt trong phim ‘Vợ tôi là gangster’, xem: https://www.youtube.com/watch?v=Htm4RL3wQpk

17 nhận xét:

  1. V_ A [Blogger] Email 19.11.15@11:41
    Trần Bình Trọng thà chết không hàng. “Sinh vi tướng, tử vi thần” các anh hùng Việt nam. Khi họ chết hồn phách tạc vào non sông để bảo vệ đất nước.
    Nước Việt Nam dù bị cai trị ngắn hay dài rồi cũng sẽ có ngày bùng lên quật khởi.
    Chúc anh an lạc Hạnh Phúc.

    ((¯`♥´¯)) ✰
    .`*.¸.*´✿¸.•*¨`*•..¸♥

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. “Sinh vi tướng, tử vi thần”:
      câu quá hay, hèn chi mấy vị vì nước vì dân được hoàng đế phong 'thần', đặc biệt là từ người dân, còn kẻ bán nước bị dân chửi ngàn đời...
      Cám ơn V_A nhé, chiều ngọt ngào.

      Xóa
  2. Mietvuon Sau (Facebook)
    Có fải Lịch sử 1 chuyện tình ko anh?
    2 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sáng buồn gợn chút tâm tư
      Dáng cong cong dáng, bỗng... hư hao chiều
      Bởi vì nắng thả cô liêu
      Làm cho khói thuốc, đăm chiêu... cuộn tròn

      Xóa
    2. saumietvuon [Blogger] Email 20.11.15@06:40
      Ý TUI MUỐN NÓI LÀ L/S 16 VÀNG 4 TỐT HIỆN TẠI LÀ MIẾNG ĐẬU HỦ THÚI ĐÓ ANH UI!

      Xóa
    3. À, 'vàng', 'tốt', makeno, miễn sao mình không quan tâm là được rồi, mà thực ra mình cũng chả bao giờ quan tâm, nhỉ!

      Xóa
  3. Em đang nghe người ta định xóa bỏ môn lịch sử Việt Nam. Thấy kinh quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, cái đó thì người ta định làm cái mà được gọi là 'môn học tích hợp', về nguyên lý, nó không sai, tuy nhiên, môn 'Sử' (History) là một môn học cơ bản nhất và quan trọng nhất trong tất cả các môn học, nên dù có tích hợp đến mấy thì:
      LỊCH SỪ VIỆT NAM VẪN PHẢI GỌI LÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM, VĨNH VIỄN.

      Cám ơn bạn, chúc ngủ ngon.

      Xóa
  4. V_ A [Blogger] Email 19.11.15@11:55
    Say để trắng và đen không đảo ngược
    Quên để tình và hận mãi song đôi
    Ta để tang một cuộc tình trong lặng lẽ
    Tay buông dài chạm tới đáy cô đơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Say tình không phải là một lối thoát hoàn mỹ
      Nhưng đôi lúc, nó lại là một lối thoát tuyệt mỹ
      Con người không thể tiến đến cái tận mỹ
      Nhưng nhiều khi phải cần cái tuyệt mỹ

      Hihi..., cám ơn V_A nhé, ngày mới ngọt ngào.

      Xóa
  5. bản chất chung của học sinh là lười học lịch sử
    .không hiểu mấy ông ấy dốt hay té nước theo mưa vừa sửa bài cho sai. Vừa tìm cách cất môn lịch sử vào kho tàng???....
    Nghĩ tới mà không khỏi chạnh lòng anh LB ạ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề này:
      -có thể là một... bí mật nào đó, nếu vậy thì ngoài sự 'quản lý' của chúng ta,
      -còn nếu người ta muốn cải cách gì đó, thì có thể bàn,
      nhưng dù bàn gì thì bàn, theo tôi,
      CÁI TÊN 'LỊCH SỬ VIỆT NAM' LÀ VĨNH VIỄN.
      Cám ơn bạn, chiều vui nhé.

      Xóa
  6. Lưu comt MRC:

    Bài thơ tình, thứ một... trăm
    Một trăm lẻ một, anh dành cho ai!
    Đời là một cuộc thương đau
    Bóng hồng hoang dại, bỗng lai láng... tình

    Trả lờiXóa
  7. Chiều nay lại mưa muội qua thăm Ca Ca xong rồi dzìa liên,luôn vui Ca Ca nhe.
    Mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi ui, ở lại huynh dẫn đi ăn béo xành, hihi...
      Cám ơn tiểu sư muội nghen, chiều ngọt ngào.

      Xóa
  8. hairachgia [Blogger] Email 20.11.15@22:21
    Ngày HRG còn đi học, khoái và vì khoái nên giỏi (so với cùng lứa). Vì được khen giỏi nên láo và bị ông thầy dạy I tờ bẻ lưng: “Với trò thì thầy không có gì phải nói. Nhưng thầy hỏi này “Trò có biết lịch sử là gì không?”. Và HRG câm. Thầy ôn tồn nói:
    “Lịch sử là quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của một quốc gia, một dân tộc, nó bao gồm nhiều lĩnh vực; đó là tính cách chung của dân tộc đó, là văn hóa, là văn học, là địa lý... Việc trò kể vanh vách từng triều đại, từng nhân vật lịch sử và từng niên đại thì mới chỉ là một phần nhỏ của lịch sử. Có những nhân vật lịch sử mà trò không hề biết tên tuổi là gì, quê quán, năm sinh năm mất cũng chẳng biết, nhưng là người có công lớn nhất. Vì vậy học lịch sử là học làm người, làm người một cách xứng đáng với những gì mà lịch sử đã để lại. Mà trò mới giỏi có một phần nhỏ của lịch sử thì làm sao mà làm người? Thầy giải thích như vậy là chưa đủ. Nhưng thầy mong rằng em có khả năng làm hơn những điều thầy vừa nói. Cố lên”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay quá!, anh Hai à...
      Nói chung là tôi có... khen, hehe..., tinh thần giáo dục (triết lý giáo dục) của Trường đại học Vạn Hạnh, SG, trước 75; tôi có gặp và tâm sự với một số bạn/thầy mà đã từng học thầy Nguyên Hạnh, Tuệ Sỹ, Nguyễn Mạnh Thác, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện..., tôi thấy họ phát biểu một cách 'tự chủ' và khá 'tập trung', chứ không nói như cách khá 'theo' hay khá 'lung tung' của không ít người thuộc thế hệ sau này...
      Bình ngắn vậy, cám ơn anh Hai, ngày mới tốt lành!

      Xóa