Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

872. Tôi nhập vào cõi… chết! (Thư giãn)

Nghe tiếng tụng ‘i…a…’ như tôi đã từng nghe nó bên Malaysia, Singapore, Abu Dhabi, Dubai...

Trong số gần 1000 ‘chuyện’ có thật trong cõi đời mà tôi đã kể trong blog này, …một hôm có một người không tin, bảo là tôi ‘nói phét’, nhưng ngay lập tức sau đó, khi anh ta vào tra Wikipedia, quả nhiên là đúng y sì phoóc, ha..ha..ha…
Tôi đã từng nói với nàng rằng:
-Anh có cái hơi bị lạ, đó là thấy mọi thứ đều có ‘link’ (quan hệ) với nhau, nếu ai đưa/nói một cái gì đó mà không có quan hệ với những cái khác thì anh sẽ không thể nào hiểu được!… Là một người ‘không tôn giáo’, nhưng bôn ba rất nhiều qua cái cõi đời này, anh lại thấy các tôn giáo là… một!, bởi Phật, Chúa, Thượng đế/Ala cũng chỉ là ‘khát vọng’ của người sống mà thôi!… Chả lẽ em chết, lên thiên đường, không biết thượng đế cao thấp cỡ nào!, còn anh và các blogger xuống… địa ngục hết, thì em ở trên đó chơi blog với ai!’, ha..ha..ha…
Tôi có xem Giải bóng chuyền nữ VTV Cup 2016, Giải bóng đá U19 châu Á, hay AFF Cup 2016 (tại Malaysia, 19/11 đến 17/12/2016), Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016… không nhỉ?, có. Tôi có xem phim ‘Nhiệm vụ bất khả thi’ không nhỉ?, có. Tôi có theo dõi trận chung kết… World Cup hồi hộp từng giờ và đầy ngoạn mục giữa ông Trump và bà Hillary không nhỉ?, có… Vì ‘động cơ gì’, ‘để làm gì?’, nếu hỏi dồn dập như kiểu Tạ Bích Loan hỏi MC Phan Anh, thì tôi cũng xin… chịu, không trả lời nổi!
Nhưng, dưới đây là tôi nằm… mơ!, mà các bạn có thể không tin, nhưng tôi tin!



1
Tại Thánh đường Hồi giáo và các nhà thờ lớn…
Tôi sống chủ yếu là tùy ‘duyên’, gặp được thì tốt, không gặp được thì cũng… tốt, nên những cái mà tôi đã đến như Thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới*, Tòa nhà cao nhất thế giới*, sa mạc Safari (Dubai), bãi biển Malacca casino Genting Highlands (Malaysia), vịnh Hạ Long, hang Pác Pó, Tòa thánh Tây Ninh, chùa Bái Đính, mộ tướng Giáp, động Sơn Đoòng… không phải là tôi muốn, mà vì ‘nếu tạo hóa muốn, là tôi đi!’. Và vốn ‘không tôn giáo’ nên tôi đều có thiện cảm với các tôn giáo, vốn ‘không chính trị’ nên chế độ nào, kể cả trước 1975 hay sau 1975, tôi cũng có thể tìm ra những điểm… cảm thông, chỉ trừ những cái ‘không tôn trọng sự thật’.
*
Bước vào một Thánh đường Hồi giáo to ơi là to, tôi nghe người ta nói tiếng Anh ‘xì xà xì xồ’ rằng đây là Thánh đường lớn thứ ba trên thế giới… Bị rà soát kỹ (bởi các thiết bị dò vũ khí/chất nổ), được canh phòng cẩn mật, được tiếp đón lịch sự của các tín đồ Islam trong bộ đồ ‘xống’ màu trắng… làm cho tôi có lúc nghĩ một cách tinh nghịch rằng ‘có thể có mấy tay IS ở đây không nhỉ!’, mà nếu có thì ‘họ là vô hại đối với tôi’… Đi bộ mỏi cẳng qua nhiều cái hồ to trong vắt, tôi tiếp cận một cái vòm cao chót vót…, và bên tai tôi là tiếng cầu kinh vẳng vẳng gần xa bay tới. Một bạn thân người Ấn Độ giải thích với tôi rằng: Cái mái vòm (‘DOM’) là kiến trúc trước Gothic của thế giới Hồi giáo, kiến trúc này đã bị ‘dìm’ từ rất lâu, trước thời ‘Thập tự chinh’* (thế kỷ 12 và 13), mà phải chờ mãi cho đến gần cuối thời kỳ Phục Hưng! (thế kỷ 17), giá trị độc nhất vô nhị này mới được mạnh mẽ nhìn nhận lại, khôi phục và phát huy cho đến ngày nay. Một trong những tính chất của ‘mái vòm’ là để trung hòa các luồng ánh sáng bên trên, để làm tiếng cầu kinh dội lại từ trên xuống… mà sẽ tạo ra một cảm giác bí ẩn thần thánh làm con người yên tâm ‘quy phục’ thượng đế!
*
Đặc biệt là tiếng cầu kinh có âm điệu tương đương ‘i…a…’ này làm tôi nhớ lại… những lần ghé thăm các nhà thờ lớn ở Sài Gòn, Nam Định, Thái Bình, Kon Tum…; nhất là nhà thờ Bác Trạch ở Thái Bình (gần nhà ông Trường Chinh) - khuôn viên nhà thờ này rất rộng, vì nó còn là ‘Trường đào tạo Thần học’ cho các tu sĩ nam/nữ ở vùng Đồng bằng sông Hồng!…, mà không vào bên trong nhà thờ, tôi đứng bên cạnh một cái bờ hồ, và trầm ngâm suy nghĩ… Tiếng cầu kinh này vọng lại xa xa, nhưng nghe rất rõ, bởi nó được phát qua các cái loa (speaker) với công suất lớn…

2
Nó giúp ta hiểu được bước vào cõi chết là u-minh như thế nào…
Cách đây ba hôm, tại một đám tang tổ chức theo kiểu Phật giáo, tôi đứng trước một nhóm các nhà sư - với trước mắt là 3 cái tượng Phật, chính giữa là Phật tổ, bên phải là Quan Âm Bồ tát, bên trái hình như là Tiếp Dẫn Bồ tát gì đó! Nhà sư chính là trụ trì đến từ một ngôi chùa lớn, mặc một bộ cà sa trên có cái mũ ‘giáo chủ’, trông giống như của Tam Tạng khi làm đại lễ cầu siêu ở kinh thành Trường An vào thời Đường Thái Tôn vậy:
…Bữa sau vua lâm triều, ba ông dắt Huyền Trang vào đền đồng lạy, ba ông (quan) tâu rằng: ‘Tôi vâng lệnh chọn các sãi, có một hòa thượng nầy tài đức hơn hết là Trần Huyền Trang’.
Vua Thái Tôn ngẫm nghĩ hồi lâu, phán hỏi rằng: ‘Phải là con quan học sĩ Trần Quang Nhụy hay không?’. Huyền Trang lạy vua mà tâu rằng: ‘Tôi đó’. Vua Thái Tôn khen rằng: ‘Lựa thiệt chẳng lầm’.

Liền phong Huyền Trang làm chức Thầy cả các sãi trong thiên hạ. Huyền Trang lạy tạ ơn… Vua cho đưa đến chùa Hóa sanh. Ðếm đặng một ngàn hai trăm thầy chùa, chia ra ba nhà mà ở. Sửa sang xong xả, chọn ngày…, rồi làm bảy cái thất, bốn mươi chín bữa, tụng kinh và thí thực cho siêu độ cô hồn. Ngày mồng ba vua Thái Tôn và các quan tựu đến chùa Hóa sanh thắp hương lạy Phật. Thầy Huyền Trang dắt các sãi ra lạy mừng vua. Rồi dâng văn tế cô hồn... (Tây du ký, Chương 12, webtruyen.com)
*
Cũng tại đó, những người - là con cháu ruột thịt của người chết - mặc những bộ đồ tang phủ toàn màu trắng, trên đầu đội những cái mủ cao và nhọn, trên có một cái chữ thập gì đó, trông giống như cái mủ mà các tín đồ Bái hỏa giáo Tây Vực (Minh giáo/Ma giáo) mà tôi thường thấy trong các phim do Lý Liên Kiệt đóng (‘Ỷ thiên đồ long ký’, ‘Đông Phương Bất Bại’, của Kim Dung), có điều là các tín đồ Minh giáo mặc đồ màu đen!… (Bỗng nghe vị trụ trì niệm đến chữ ‘Tây phương giáo chủ’, tôi mới hơi giật mình vì đã biết từ này trong truyện ‘Lục Tiểu Phụng’ của Cổ Long, té ra ‘Tây phương giáo chủ’ là chỉ một vị giáo chủ nào đó ở Tây Tạng hoặc Tây Trúc! (hay Thiên Trúc, tức Ấn Độ), chứ không phải nằm trong cụm từ ‘Tây phương, Đông phương’ ngày nay!).
*
Đa phần là các nhà sư ban đầu đều tụng kinh bằng tiếng Phạn… Nghe tiếng tụng ‘i…a…’ như tôi đã từng nghe nó bên Malaysia, Singapore, Abu Dhabi, Dubai, hay ở các nhà thờ Thiên Chúa giáo… làm tôi hồi tưởng tới việc các vương triều Phật giáo đã bị áp đảo bởi vương triều Hồi giáo* (tk 8-12); rộng hơn là trong gần 8 thế kỷ (tk 7-14), Phật giáo đã bị đẩy sang bên kia dãy Himalaya, rồi lan truyền sang Nepal, Afganistan, Campuchia, Lào, Thái Lan, Tây Tạng/Thổ Phồn/Tây Hạ, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ở bên Tàu thì Phật giáo trở thành ‘quốc giáo’ vào thời Đường Thái Tôn!, rồi cực thịnh vào thời Tống Nhân Tông (1025)…, và nay ở bên TQ hầu như ở địa phương nào cũng có chùa và tượng Phật; đặc biệt là, nếu không nhầm, Phật giáo du nhập vào VN bằng nhiều cách, có lẽ vào thời Thái hậu Dương Vân Nga (nhà Đinh), rồi thời Nguyên phi Ỷ Lan (nhà Lý) và trở thành ‘quốc giáo’!, rồi cực thịnh vào thời Trần Nhân Tông!…
Tôi lại nghĩ mặc dầu đạo Phật dạy tránh xa ‘sắc dục’, đặc biệt là ‘âm  nhạc’, nhưng tôi nghe trong các tiếng cầu kinh này có ‘nhạc tính’ rất cao…, nó như đưa hồn con người vào một cõi… ‘tha hóa’ nào đó rất kỳ bí, mơ hồ, không chính, không định, không người…, nó giúp ta hiểu được đời là vô thường đến cỡ nào!, và bước vào cõi chết là u-minh như thế nào!

3
100 triệu năm chỉ là một cái ‘hắt hơi’ của vũ trụ…
‘Cõi chết là u-minh’ - xưa rày tôi nghĩ vậy!, tại sao?... May quá, các Kênh truyền hình cáp (4/11/2016) luôn tạo ‘duyên’ cho tôi, khi nói rằng ‘100 triệu năm chỉ là một cái hắt hơi của vũ trụ’, còn ‘triệu năm’ chả là cái quái gì, nên:
-‘Muôn năm’ là cái chả có gì..ì..ì…, vì nó quá nhỏ, vô cùng nhỏ, đến mức mà vũ trụ cũng chả thèm… ‘hắt hơi’!
Đồng thời, người ta cũng chiếu một phim tư liệu khá dài về ‘Lịch sử phát triển của Ấn Độ’ mà có 2 ý rất hay: 1) Ấn Độ được Anh trao trả độc lập năm 1950 (tương tự cho việc ‘giành chính quyền’ của VN), đó là nhờ vị thủ tướng lên kế vị Churchill là … vốn khá có óc ‘brexit’ (không hiếu chiến), nhưng quan trọng nhất là nhờ ‘Lực lượng đồng minh’ là Mỹ, Anh, Nga giải giáp được quân đội Đức, Ý, Nhật… 2) ‘Ấn Độ đã được tự do, nhưng lại không được hẳn, vì cái không-tự-do do chính họ quàng lên đầu họ thì không dễ gì thoát ra được’ (Gandhi!)… Ngoài ra, điều này làm tôi nghĩ thêm đến việc: 3) Đức đã làm cho Pháp sụp đổ vào 1940 (xem thêm truyện ‘Paris sụp đổ’, của nhà văn Ilʹi︠a︡ Ėrenburg, người dịch Trần Thu Vũ, NXB Văn học 1979) và 4) Hai trái bom nguyên tử đã làm cho quân đội Nhật ở Ấn Độ, TQ, VN… điếng người; chưa kể đến việc 5) ‘một triệu quân Quan Đông của Nhật’ phải buông vũ khí đầu hàng (ngày 18/8/1945)…, cho nên ai đó:
-Chớ quá cho là việc đánh đổ Anh, Nhật, Pháp (Mỹ!) gì gì đó… ở Đông Nam Á hoàn toàn là do công của vĩ nhân nào đó!
Vì ít nhất là tôi (cười) và ông Gandhi không nghĩ vậy!
*
Rồi tôi nghĩ đến các vua chúa, nhà chính trị, đại gia… xưa nay, chắc là họ cũng biết cái điều là ‘sẽ ra đi vĩnh viễn’, chắc là họ cũng có ít nhiều nhận thức được điều đó, nhưng họ cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt, từ đó, làm sao mà thoát khỏi việc cực thích được ai đó gọi mình là ‘lãnh tụ vĩ đại’, ‘lãnh tụ hạt nhân’ hay ‘bá chủ Bỗng Điên’… đầy hư ảo!, làm sao mà thoát khỏi việc tự xưng mình là ‘đỉnh cao trí tệ… nhất’, ‘dân chủ… nhất’, ‘triết… nhất’, ‘thắng lợi… nhất’!, bởi làm sao mà họ có thể ngồi yên lặng ‘thiền’ ở một nơi vắng vẻ nào đó để hồi tĩnh và có những giây phút ‘thoát’ cái quyền lực cao chót vót kia!

4
Cõi đời này mãi mãi cũng chưa đáng là một cái sát na của vũ trụ…
Chúng ta đến từ đâu?, từ hạt bụi; chúng ta sẽ về đâu?, về với những hạt bụi; có nghĩa không?, hình như là… vô nghĩa! Bởi vậy mà tôi chấm điểm cao lời nhạc của Trịnh Công Sơn - bởi những lời nhạc tuy rất bình dị nhưng hàm chứa đầy triết lý sống; ngoài ra, cũng khá ủng hộ Giải Nobel Văn học 2016* về ‘lời nhạc’ của nhạc sĩ Bob Dylan - mà đã từng phát biểu:
-Đạo đức và chính trị cách nhau quá xa… Tôi thích ông Barack Obama, ông ấy như nhân vật của một cuốn sách nào đó, nhưng lại tồn tại trong thực tế… Tôi rất ghét những lời lẽ ba hoa về sự bình đẳng. Điều duy nhất mà con người bình đẳng, đó là họ rốt cuộc thì đều sẽ phải chết… (Bob Dylan, daidoanket.vn)
*
Vì thế, tôi… tôi… tôi không thấy ‘mấy ngàn tỉ’ hay ‘lãnh tụ hạt nhân’ là cái gì đó hay ho, vì tại đám tang, có một ông cậu đã nói: Cõi đời này mãi mãi cũng chưa đáng là một cái sát na của vũ trụ, nên sinh ra làm con người thì hãy cố gắng sống bằng một chữ ‘tình’.
Bởi lẽ các vua Hùng cũng không thể sống dậy mà kể cho ta biết chính xác cái ‘huyền sử’ của người Việt cách đây 4-5000 năm trước, Nguyễn Du cũng không thể làm thêm được một câu thơ nào nữa, Bùi Giáng cũng không thể ‘nói lái’ được thêm một từ nào nữa, Trịnh Công Sơn cũng không thể sáng tác thêm được một nốt nhạc nào nữa… Và bởi lẽ không sớm thì muộn, mà có lẽ là rất sớm, ta sẽ từ bỏ cái thế giới này, vĩnh viễn.

…Rồi một tấm nhựa trong được phủ lên thi hài, rồi tiếng cái máy đóng đinh ‘xè xè xè’ xoáy con vít vào cái áo quan, những dòng nước mắt chảy ra (tôi cũng không kìm được dòng lệ): giữa người sống và người chết chia tay vĩnh viễn, vĩnh viễn và vĩnh viễn…

(HẾT)
---------

Chú dẫn:
  1. Các giải thưởng trong ‘Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016’: Giải thưởng BGK (Jury Award) dành cho phim ngắn: Heart of the Land (Phần Lan); Phim ngắn xuất sắc: Three Variations of Ofelia (Mexico); Giải mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á: The Green Carriage (Nga); Giải biểu dương đặc biệt của BGK (Special Jury Mention) cho phim dài: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (VN); Giải thưởng BGK (Jury Award) dành cho phim dài: One Way Trip (Hàn Quốc); Phim dài xuất sắc: Remember (Canada)… (news.zing.vn)
  2. Giải Nobel văn học năm 2016: Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa công bố trao giải Nobel văn học năm 2016 cho Bob Dylan, nhà thơ, ca sĩ nổi tiếng Mỹ vì thành tựu ‘sáng tạo những biểu hiện thi ca mới trong truyền thống ca khúc Mỹ vĩ đại’. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 10-12-2016… (daidoanket.vn) 
  3. Đại thánh đường Sheikh Zayed, Abu Dhabi: Đây là thánh đường lớn thứ 3 thế giới, diện tích tổng thể hơn 22.000m2, với 4 cổng ra vào, có độ cao 11 m so với mặt biển và 9,5 m so với đường phố… Thánh đường có 82 mái vòm, trong mỗi mái vòm đều lắp đặt loa để gọi tín đồ mỗi khi đến giờ làm lễ. 1096 chiếc cột mang hình ảnh cây chà là. Thánh đường được xây chủ yếu từ đá cẩm thạch, vàng, các loại đá quý và gốm sứ, với một hồ bơi tuyệt đẹp bao quanh, sức chứa tổng cộng 41.000 người. (news.zing.vn)
  4. Thập Tự chinh: là những cuộc chiến tranh tôn giáo, của các vị vua và quý tộc Châu Âu thời trung cổ về phía Đông dưới sự kêu gọi của Giáo hoàng, là những cuộc viễn chinh liên tục của các hiệp sĩ, các chiến binh quả cảm sẵn sàng ‘tử vì đạo’ hướng tới vùng Đất thánh (vùng đất nằm giữa Địa Trung Hải và sông Jordan, có Jerusalem là thánh địa của 3 tôn giáo Cơ Đốc, Do Thái và Hồi giáo) nhằm mục đích ban đầu giải phóng khu vực này khỏi những kẻ ‘ngoại đạo’ - Hồi giáo… Một loạt các chiến dịch đã diễn ra trong suốt hơn 2 thế kỷ, từ năm 1095 đến 1291 và sau đó là các chiến dịch đơn lẻ khác suốt thời Trung cổ để chống lại các đế chế Hồi giáo. Và nó đã để lại những ảnh hưởng cũng như hậu quả hết sức nặng nề. (lichsuvn.net)
  5. Tòa nhà cao nhất thế giới (Burj Khalifa): Tòa tháp gồm 164 tầng…, cao 828 m và trị giá 1,69 tỷ USD, được xây dựng từ tháng 9/2004 và cần tới 12.000 nhân công để hoàn thành… Tòa tháp không chỉ phá kỷ lục về chiều cao mà còn ghi danh về những kỷ lục khác như ban công quan sát cao nhất thế giới, thang máy chạy nhanh nhất với tốc độ 64 km/h… (vnexpress.net)
  6. ‘Tôi… chấm điểm buổi Khai mạc liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016’: xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2016/11/871-toi-cham-iem-buoi-khai-mac-lien.html
  7. Vương triều Phật giáo đã bị áp đảo bởi vương triều Hồi giáo: Vào nửa cuối thế kỉ thứ 8, vua Al-Mahdi (775-785) của triều đại Hồi giáo Abbasad đã đem quân tấn công Ấn Độ. Họ đã phá hủy, cướp bóc các tài liệu, công trình, kiến trúc Phật giáo - trong đó quan trọng là trung tâm Phật học Valabhi. Mặc dù sau đó họ không tiếp tục bức hại Phật giáo, nhưng dầu sao đây cũng là bước đầu trong việc hủy hoại Phật giáo tại Ấn ĐộAfghanistan và Trung Đông. Cho đến 1178, quân đội Hồi giáo của Muhammad Ghuri đã tiến hành nhiều cuộc chinh phạt Ấn Độ. Hầu hết các công trình Phật giáo đã dần dà bị tiêu hủy. Vào năm 1197, trung tâm Phật giáo Nālandā bị hủy diệt hoàn toàn, kể cả các tăng sĩ... Vikramaśīla cũng bị chiếm năm 1203, chấm dứt hoàn toàn một thời đại lịch sử của Phật giáo tại Ấn Độ... Mãi cho đến thế kỉ thứ 19 thì phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn mới bắt đầu lại. (vi.wikipedia.org)

11 nhận xét:

  1. Ngoc Anh Tran (FB) 11:41 7/11/2016
    -Anh viết hay lắm, k. thế nào bắt bẻ được
    -Đọc bài của anh đối với em là thuộc loại sư… rồi làm sao dám bình?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. -Em có bình câu nào đâu...
      -Trời, anh thấy em siêu lắm, hi...

      Xóa
  2. Viet Yen Le (FB)
    YOU'RE #1
    2 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi ui, cám ơn anh, anh chèn hình hay quá, tôi chưa biết làm, hi... Chúc tối vui!

      Xóa
  3. Hưng Lê (FB)
    Viết hay lắm
    23 phút trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, tôi nhớ ra rồi, hình như anh Lê Hưng ngày xưa ở bên 'yahoo.360' phải kg! Cám ơn anh nhé, chúc tối vui!

      Xóa
  4. Lưu comt MTV:

    Dạ khúc làm chi cho khói bay
    Tách cà phê vắng, buổi chiều này
    Lang thang, nghe gió về lạnh: tối
    Em đến rồi đi, tim nhói đau

    Trả lờiXóa
  5. Ngoc Anh Tran (FB)
    Bài viết Lý luận và lời lẽ rất chuẩn mực, bình luận có căn cứ, chứng tỏ. Tác giả đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu, dụng ý rất thâm sâu... Không nói năng tuỳ tiện, triết lý cao... phải cần đọc nhiều lần mới hiểu rõ hơn...!
    2 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, hai hôm nay a bận dự một cái Hội nghị (chiều nay mới hết), nên ít mở máy, sr!.
      Còn viết thì anh cố kiểm tra tư liệu có thể, nếu sau này cần thì phải kiểm tra tiếp...
      Thank TNA nhé, ngày mới tốt lành!

      Xóa
  6. vomtroirieng [Blogger] Email 09.11.16@13:57
    Đọc bài viết này, VTR nhớ bài "một coĩ đi về" của Trịnh quá huynh à
    "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...'

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi, không đi cũng phải đi, rồi về nhà mệt nhoài, rồi một ngày nào đó sẽ vĩnh viễn không... đi nữa, thế là hết!, thế là... hạnh phúc!
      Thank... muội, tối... ngọt ngào!

      Xóa