Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

267. Mấy đứa em của mình ‘học văn’ như thế nào?


Viết cho ai, mùa mai sắp nở
Viết cho ai, bở ngỡ cuộc tình
Viết cho ai, bóng hình ẩn hiện
Viết cho ai, hồn quyện núi mờ
Viết cho ai, bài thơ lưu luyến
Viết cho ai, dậy tiếng tơ lòng
Viết cho ai, chờ mong năm tháng
Viết cho ai, đăng đắng giọt buồn
(Viết cho ai-NGLB)
Mình nói chuyện ‘ngày xưa học văn’, có nghĩa là ngày xưa học văn là có vấn đề, có thể ngày nay tiến bộ hơn! Chuyện đã lâu lắm rồi, có một số chi tiết dưới đây mà Lá Bàng chỉ nhớ bằng ấn tượng.

1. Cách đây khoảng 20 năm, mình có dịp đi chơi Quảng Nam vài ngày, vòng vòng vùng sông Vu Gia, bằng xe Honda 67, ban đầu ghé qua Ngã Ba Huế ăn Mì Quảng và thăm võ sư Trương Khả, rồi ghé qua Thanh Quýt thăm nhà anh Trỗi, rồi Túy Loan, Gò Cà, rồi Ái Nghĩa, rồi Đại Hiệp...
Mình cũng có dịp tháp tùng với một số người đi mua cá con về làm mắm cái (cá ve (hay cá de), cá nục, cá cơm, cá giò…), đi bằng xe đạp theo hướng ngược lại, đó là từ Đại Hiệp đi Hội An. Lúc đó, trên cái yên sau của chiếc xe đạp, chúng mình buộc hai thanh tre ngang, rồi buộc hai bên với 2 cái thùng gánh nước.
Đến bãi biển Cửa Đợi, chúng mình mua cá ve (mỗi người chở được 40kg). Về đến Đại Hiệp, mấy người phụ nữ sẽ bỏ hết cá + muối vào một cái ‘ảng’ to (bằng đất sét nung, ngoài Bắc gọi là cái lu). Khoảng vài tháng sau, ta sẽ có món ‘mắm cái’ - đặc sản nổi tiếng của xứ Quảng. Khác với mắm nem, mắm cái có những con cá còn đỏ hỏn, vì thế người ta dùng từ ‘mắm cái' để phân biệt với mắm nước.
(Thế này mới gọi là 'mắm cái')
Cũng tại đây, sau khi ăn tối, các em hay người lớn, kể cả các bà già, thường tụ tập đến nhà mình ngồi quanh cái giếng to của làng để nghe mình kể chuyện Kim Dung hay Tây du ký. Mình nhớ lúc mình kể đến đoạn ‘Tam Tạng’ lúc 18 tuổi quay trở về thành Trường An, đi tìm bà nội, thấy bà bị mù mắt và đang ăn xin ở chợ, chàng bèn quỳ xuống niệm Phật rồi liếm vào mắt bà, mắt bà liền sáng trở lại, kể đến đây, mấy bà già đều khóc.
(Đường tăng khi đi thỉnh kinh và khi còn trẻ)
Trên tuyến đường đi, mình có ghé thăm mấy đứa em bà con của mình (và bạn của chúng) là người địa phương, có một số ít ‘lai’ Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An/Hà Tĩnh… (vì ba hay mẹ chúng đi tập kết và lập gia đình ở miền Bắc, rồi chuyển gia đình vào đây). Đa số các em học hết lớp 12 thì đi học trung cấp sư phạm ở gần nhà, chỉ trừ một số ít thi đậu đại học (tài chính, bách khoa, kinh tế...) thì đi học ở thành phố.

2. Mình xin kể lại một số câu chuyện mà các em của mình học Văn (hay Sử, Triết...) như sau:

a. Nhiều em không biết ông Ăng-ghen (1820-1895):
Thời trẻ, mình có thói quen là hay cắt một số hình đăng trong báo Nhân dân/Quân đội rồi dán lên tường, như hình của ông Ăng-ghen, Đắc-Uyn, Nguyên soái Giu-cốp, Páp-lốp… Một tối nọ, có 2 cô giáo đến thăm mình (dĩ nhiên lúc đó mình chưa có vợ, hì.. hì…), một cô người địa phương và một cô người gốc Thái Bình. Trong khi nói chuyện, mình chỉ vào tấm hình ông Ăng-ghen và hỏi:
- Đố các em, đây là hình ông nào?
Cô người Thái Bình cắn móng tay có vẻ e lệ một chút rồi trả lời:
- Đây là hình của ông ‘Lê-lin’.
Còn cô người Quảng trả lời:
- Anh treo hình của ông chi mô rứa? (chi mô rứa = nào vậy)
Lúc đó mình mới nghĩ thầm trong đầu ‘ối trời ơi!’.

b. Người giảng bài thi rớt môn mà mình làm 'thầy':
Rồi ngày hôm sau mình gặp một thầy giáo khác, em ấy kể rằng ở huyện này có một ông cán bộ lớn, ổng luôn đeo túi ‘xích-cót’ (một loại túi bằng da, có dây đeo qua vai) và chuyên đi nói chuyện chính trị ở các hội trường ở các trường học hay nông trường/công trường. Nhưng ổng lại chưa có bằng cấp 3, nên ổng nộp đơn thi môn Văn (Khối D). Đề thi hôm đó là bình luận về câu ‘Không có gì quý hơn độc lập, tự do’, và kết quả là ổng thi… rớt!

c. Người chuyên Sử thi rớt môn Sử:
Rồi có thầy khác kể chuyện ở trường của em ấy có lớp Sử (thuộc khoa Sử), năm thứ nhất có học một học phần là môn Lịch sử. Sau khi thi, các bạn mà từ lớp 12 đậu thẳng vào đại học đều đạt, chỉ trừ có 7 ‘bạn’ bộ đội (đã học môn này nhiều lần trước khi vào trường) là… thi rớt, phải thi lại lần hai hay lần ba!

d. Nguyễn Du thuộc thành phần nào:
(Nguyễn Du, 1765-1820, làm quan Tứ phẩm/'Cần chánh điện học sĩ' dưới thời Nguyễn Ánh)
Mình còn nghe các thầy cô kể chuyện về vấn đề giai cấp của Nguyễn Du. Có người nói ông Nguyễn Du là đại quan của triều đình dưới thời Nguyễn Ánh, nên ổng thuộc loại ‘địa chủ phong kiến’! Có người nói vì ổng thông cảm với Thúy Kiều và những người cùng khổ khác nên ổng thuộc loại… ‘bần cố nông’!... (lúc đó mình lại ‘ối trời ơi!’ tiếp).

e. Rất ít người biết về Doxtoevxki:
Có một lần, mình có hỏi các thầy cô là:
- Các em có biết nhà văn Đốt-tôi-ép-xki không?
Mấy em ngồi quanh bàn đều trả lời là ‘không’, chỉ trừ có một cô trả lời là:
- Dạ, em có nghe mang máng (!)
(Một tác phẩm của Doxtoevxki, sinh 1821-1881)
Anh buồn anh cũng cố cười tươi
Da trắng trời ơi muốn vị mùi
Thu sắp tàn em đi chưa ghé lại
Năm tháng phôi phai nhớ dáng người
Hạnh phúc khi nào có nụ thơm
Vỗ về khi ai chớm dỗi hờn
Mắt ai chớp chớp lòng xao xuyến
Hồn quyện nơi nao có dáng tròn
Hương gió bay bay thổi ngạt ngào
Ai ngồi, tim động sóng lao xao
Gió đâu hãy đến và ve vuốt
Mơn trớn làn da, tim bớt đau

(Hương gió-NGLB)

f. Văn học của Nhật vào thế kỷ XX là 'kỳ quặc':
Lại có thầy cô phê bình văn học về truyện ‘Chiếc chìa khóa’ của nhà văn vĩ đại người Nhật là Tanizaki (chuyện nói về một ông trí thức mê 'thân xác' vợ của ổng mà chết sớm, mình sẽ giới thiệu chi tiết trong một entry sau). Có người phê bình rằng vì hồi đó người ta còn bị ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến nên bị ‘ức chế’ mà sinh ra hư đốn về mặt tình dục! Có người phê bình rằng đó là thứ văn học ‘kỳ quặc’ (!)...
(Một cảnh trong phim 'Chiếc chìa khóa', truyện của nhà văn Tanizaki, sinh 1886-1964)

g. Nói thích nhưng không biết là thích hay không thích cái gì:
Rồi thầy đó nói tiếp:
- Có một số nhà phê bình ca tụng ‘lên mây’ nào Bùi Giáng, nào Trịnh Công Sơn, nào Phạm Công Thiện, nào Phạm Duy…, thậm chí có ông còn nói thẳng là ‘tôi thích Phạm Công Thiện’, nhưng chả có ông nào giải thích rõ là chỗ nào thích hay không thích, mấy người đó có gì sai không, bây giờ chúng ta nên/không nên học cái gì từ họ…!

h. Truyện Kim Dung là truyện viết bậy bạ!:
(Một tác phẩm của Kim Dung mà tất cả học sinh cấp 3 ở bên Tàu/Singapore đều phải học)
Lại có thầy cô kể, có một nhà văn được hỏi:
- Truyện kiếm hiệp của Kim Dung có giá trị gì đối với nền văn học Trung Quốc hay thế giới không?
Ông ấy (nhà văn V.H.) trả lời:
- Trong sách Kim Dung có một câu ‘đêm 30 trăng sáng vằng vặc’ nên truyện Kim Dung là truyện viết bậy bạ, chả có giá trị gì cả (!)

i. Thầy không biết các loại Triết khác:
Lại có cô hỏi thầy dạy Triết (đi học ở Liên Xô 7 năm về) là:
- Triết lý Phật giáo có giá trị gì không?
Ổng cười ngất và trả lời:
- Tôi đọc sách Phật (!) thấy nói ông Phật sinh ra từ cái hông, nên Phật học là duy tâm, mê tín dị đoan (!)

j. Thầy viết chính tả sai trầm trọng:
Lại có ‘thầy’ viết báo cáo như sau:
- “Hầu hết những người nông dân là biếc đọc biếc viếc

k. Giới thiệu phim hay sách thì không bao giờ nói rõ ràng:
Sau này, có thầy cô nói là trên mạng có vô số bài bình về truyện ‘Chiếc chìa khóa’, ‘Người cá’, ‘Khang Hi vi hành’, ‘Truyền thuyết một vì vua’, 'Đêm hội Long Trì', 'Đông Gioăng'… Có thầy nói:
- Gớm, chỉ thấy toàn là khen hay chỗ này, dở chỗ nọ, mấy ông phê binh văn học làm như ai đọc bài viết của các ổng cũng đọc hết mấy chuyện trên rồi!
Chả có bài viết nào chịu giới thiệu chi tiết (chỉ cần một trang thôi!) là nội dung các câu chuyện đó bắt đầu từ đâu? diễn biến như thế nào? có những tình tiết quan trọng gì? kết thúc ra sao?... mà chỉ toàn là ca tụng tác giả (vĩ đại!), ca tụng phim hay đạo diễn…, biết đàng nào mà lần!

l. Thầy khoe thầy biết hết:
Cách đây nhiều năm, ở Gia Lai, mình có hỏi một 'thầy' là:
- Bạn có biết về thơ Tagore không?
Bạn ấy lập tức căng cứng mặt lên và trả lời ngay:
- Có, có chứ, tôi biết nhiều lắm, tôi đọc Tagore từ hồi nhỏ mà… (???)

m. Canh gà Thọ Xương là một món súp!:
Có một ông thầy bảo học sinh dịch sang tiếng Anh câu:
'Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương'
Cậu ấy dịch như sau:
'Ring ring Thiên Mụ, Thọ Xương chicken soup', hì.. hì...

3. Tất nhiên là trong số các em mà mình gặp, sau này có nhiều em rất giỏi, có người trở thành giám đốc doanh nghiệp tư nhân thành đạt, có người trở thành tổng giám đốc về dịch vụ tư vấn, bảo hiểm, có người làm lãnh đạo Viện này Viện nọ, có người làm ở các sở ban ngành, có người là thầy cô ‘giỏi’ ở nhiều trường trong nước, thậm chí có người trở thành lãnh đạo cấp cao…
(Hình chỉ minh họa: Một nữ doanh nhân thành đạt)

Viết bài này, mình rất nhớ các em, mình chỉ muốn nói với các em là: Hỡi các em, nếu các em biết cái gì thì hãy biết tận nguồn tận gốc, không biết thì nói không biết, biết ít thì nói ít, biết nhiều thì nói nhiều. Nhưng tốt nhất là các em nên tiết kiệm lời nói vì: một là, sự hiểu biết của các em phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn: ‘thực tiễn là cơ sở của nhận thức và là tiêu chuẩn của chân lý’, hai là, không phải các em đang đối diện trước Văn (hay Triết), mà chính ra, các em đang đối diện trước khoa học. Và khoa học là vô cùng vô tận, mà sự khiêm tốn mới đích thị là ‘hồng nhan tri kỷ’ của khoa học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét