Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

270. Những cuốn phim ấn tượng trong đời tôi


Trong đời, ngoài việc xem phim ở nhà thời trẻ, sau này mình còn đi làm xa nhà 15 năm, thường ngủ ở khách sạn nên mua một cái đầu Video gửi khách sạn, cứ ăn cơm tối xong là mình xem phim bộ cho đến khi buồn ngủ mới thôi, trong đó kể cả xem Ti-vi, mình đã xem một số phim chính theo trình tự thời gian như sau:

-‘Lý Tiểu Long’ (đủ loại), Mùa thu lá bay, Romeo và Juliet, Cleopatra, một số phim cao bồi...
-Người cá, Giải phóng châu Âu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Ván bài lật ngửa/X30 phá lưới, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Chiến tranh và hòa bình, Hàm cá mập, Napoleon, Kim Dung và Cổ Long (đủ loại), Giang san mỹ nhân...
-Tây du ký, Người giàu cũng khóc, Sác-lô/Mr. Bean (đủ loại), Mối hận Kim Bình, Võ Tắc Thiên, Tây Thi, Điêu Thuyền, Từ Hi thái hậu, Hán-Sở tranh hùng, Người không mang họ...
-Cảnh sát hình sự, Hồ sơ trinh sát, Hoàng Phi Hồng, Tinh võ môn, The Karatedo Kid, Lý Tiểu Long truyền kỳ, Thủy hử/Tam quốc chí, Ngôi nhà hạnh phúc, Kiều nữ và đại gia, Vật chứng mong manh, Khang Hi vi hành...
Tím là cô bé đôi mươi
Tím hay buồn bã lên đồi hái sim
Tím đâu xát muối trái tim
Tím mơ tím ước đêm đêm nồng nàn
Tím ngồi suy nghĩ miên man
Tím rung tím khóc long lanh giọt sầu
Tím cần có một vòng tay
Tím say tím đắm cho bay dỗi hờn
(Tím buồn-NGLB)
Mình gọi là các phim mà mình xem là có ‘ấn tượng’ với một hay nhiều ý sau đây:
-mình có áp dụng một số nội dung trong phim, hay
-có tác động ít nhiều đến tâm sinh lý của mình, hay
-mình thường kể cho bạn bè hay các cháu nghe, và đặc biệt là, 
-nếu bây giờ nếu phim đó có chiếu lại, mình sẽ dừng lại để xem (mà không chuyển sang kênh khác).
Mình sẽ chọn ra 7 phim/bộ phim tiêu biểu có ấn tượng với mình nhất mà có thể các blogger biết một vài phim hay biết hết (ngoài ra, có một số phim dù rất hay nhưng coi hoài cũng chán như Tây Du Ký hay Bao Thanh Thiên nên mình không kể ra ở đây), chúng gồm:
1. Thiên long bát bộ
2. Khang Hi vi hành
3. Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân
4. The President (Tổng thống Mỹ)
5. ‘Lý Tiểu Long’ hay ‘Lý Tiểu Long truyền kỳ’
6. Mối hận Kim Bình
7. Có em anh thấy màu hồng (!)
Tóm tắt nội dung và 'ấn tượng' của 7 phim này như sau:

1. Thiên long bát bộ
(Tiêu Phong không bao giờ ăn hiếp kẻ yếu thế)
Mình sẽ không đánh giá phim ‘Thiên Long bát bộ’ như các đánh giá trước đây trong blog này, và mình cũng không quên những Trương Vô Kỵ-Triệu Minh, Dương Quá-Tiểu Long Nữ, Lệnh Hồ Xung-Doanh Doanh, hay Sở Lưu Hương, Lục Tiểu Phụng, Lý Tòng Hoan...
Trong đời này, trừ mấy bậc thánh (không phải là người!) thì mình nể nhất là Tiêu Phong vì y có một tính cách độc nhất vô nhị trong xã hội loài người như:
-vô cùng chung thủy với bạn bè và người tình,
-thấy đàn bà đẹp thì không liếc, dù nàng có ăn mặc hở hang cũng không si-nhê gì với anh (tuy nhiên anh cũng không đến nỗi quá nghiêm khắc với người đẹp như nhân vật Liễu Hạ Huệ thời Xuân Thu),
-‘phật’ cũng tôn anh là phật: ‘thí chủ quả là có trái tim bồ tát’, một cao tăng vô danh đắc đạo tại chùa Thiếu Lâm nói như vậy, 
-không bao giờ nói dối hay mị dân, nói cái gì thì thực hiện cái đó,
-rất phóng khoáng, không ham tiền bạc, địa vị, chức vụ hay danh vọng, 
-rất thông minh, mưu trí và dũng cảm, 
-có cuộc đời rất bi tráng, rất ‘người’, không ăn hiếp kẻ yếu thế, sống như ‘phó thường dân’ và rất thông cảm/chia sẻ với họ mặc dù anh là một bậc anh hùng cái thế và được thiên hạ phong là ‘Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong’...
Chính vì lẽ đó mà hình tượng của anh ngày nay được cả tỉ người Tàu sùng bái. Nếu mình hội đủ điều kiện, có khả năng (có khả năng thôi) mình sẽ trở thành Napoleon, Khang Hi hay Nguyễn Du!, nhưng dù có cho mình bất cứ điều kiện gì thì giữa mình và anh cũng có một cái 'ngưỡng' mà mình không thể nào với tới được: anh quá hoàn hảo! (Cũng có người chê anh ta là ‘quân tử Tàu’, nhưng anh là người Tàu cơ mà, không lẽ anh có tính cách giống một blogger người Việt nào đó!).

2. Khang Hi vi hành
(Khang Hi vô tình gặp một 'hiệp nữ' giống người vợ đã chết của chàng như đúc)
Em giấu nỗi buồn trong mắt trong
Tình si day dứt ở trong lòng
Em trút giọt buồn cho cơn gió
Gió mừng, gió đến ẵm mây cong
Đừng hỏi em ơi, em đừng hỏi
Cành lá buông lơi, đã nói lời
Đừng khóc em ơi, em đừng khóc
Nước mắt vừa rơi, đã rụng rời
(Anh đã yêu-NGLB)
Trong phim 'Khang Hi vi hành' nhiều tập, mình thích nhất là tập ‘Kim tiêu ký’. Chuyện kể rằng sau khi vợ ông là Nghi Phi bị trúng tên chết, Khang Hi ngày đêm nhung nhớ buồn bã khôn nguôi. Một hôm, Khang Hi giả dân vi hành với tên là Hoàng Tam, 'chàng' gặp một hiệp nữ giang hồ, đúng lúc đó có một cơn gió vô tình bay thổi khăn che mặt làm lộ ra khuôn mặt nàng giống mặt Nghi Phi như đúc, rồi nhìn theo từ sau, nàng có thân hình và dáng đi giống hệt như hình dáng người tình đã khuất núi của chàng.
Từ đó, Khang Hi luôn bám riết theo nàng. Có một lần, trong một quán ăn, chàng được đứng đối diện nàng, quả tim chàng đã rực lên cơn lửa yêu đương rung cảm rụng rời, sau đó 2 cận vệ của ông là Tam Đức Tử và Pháp Ấn đều nhìn nàng đến sững sờ ứa lệ, còn tì nữ Tiểu Đào Hồng nhìn nàng mà nước mắt ràn rụa.
Sau này, Khang Hi âm mưu sắp xếp để được đi bảo tiêu với nàng, kề cận nàng ngày đêm, và vừa giúp nàng trả thù nhà vừa tán tỉnh nàng. Hai người đã cùng vai sát cánh chống bọn ‘mặc áo quan là quan, cởi áo quan là cướp’, tình yêu dần dần hình thành, Khang Hi rước nàng về cung làm vợ để thay thế cho dáng hình diễm tuyệt của Nghi Phi.
Chuyện rất cảm động, tạo hóa quả thật là kỳ lạ nhưng không luôn bỏ rơi con người, nếu con người nếu có lòng thành và quyết tâm tìm tình yêu thì tình yêu sẽ đến!

3. Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân
Phim này được đóng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yulian Semyonov, với sự tham gia của 600 chuyên gia Liên Xô, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ...
Bối cảnh phim này xảy ra vào Đệ nhị thế chiến (1939-1945), nói về một điệp viên Nga tên là Isaev, được chỉ thị mật của Stalin là giả dạng gia nhập vào hàng ngũ tình báo SS của Đức với cái tên là Stirlitz. Anh toàn ‘chơi’ (đánh bi da, cờ bạc, nhậu nhẹt, nhảy đầm...) và chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là trả lời cho Stalin câu hỏi: ‘Có nên tấn công vào Berlin hay không?’.
Thoạt nghe thì nhiệm vụ của anh có vẻ đơn giản, nhưng không phải vậy. Việc tổng hợp tình quân sự thế giới, sức mạnh quân sự của Hitler và tình hình Berlin để trả lời là ‘Yes’ hay ‘No’ lại cực kỳ quan trọng đối với quân đội Liên Xô thời đó. Anh là một nhân vật có thật và sau này người ta đánh giá anh là ‘một tình báo quan trọng bằng mấy sư đoàn’...
Tất nhiên mình cũng nhớ là Hitler có người yêu rất đẹp, cuối phim, y run run bỏ viên thuốc độc vào miệng người yêu trước rồi mới tới y… Nhưng có một điều mình rất ấn tượng là trong 17 ngày đêm trước khi quân đội Liên Xô và đồng minh tấn công Berlin vào năm 1945, có những ngày anh di chuyển trực chỉ và khẩn cấp mấy trăm cây số về Berlin, anh cứ chạy xe một tiếng đồng hồ rồi ngừng lại ‘ngủ’ 15 phút, nhờ thế mà anh có thể chạy 24/24 và chạy hết ngày này qua ngày nọ trên đường đi. 
(Vừa đi, vừa ngủ, Stirlitz vừa làm việc có hiệu quả)
Mình đã học hỏi được từ anh điều này’, đó là muốn làm việc lâu dài và có hiệu quả cao thì:
-phải từ từ,
-chia công việc lớn ra thành từng phần việc nhỏ, 
-phải biết nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng trong từng phần nhỏ đó...
Sau này có một triết gia (khuyết danh) nói là: ‘Người có tài là người bận trong khi rảnh và rảnh trong khi bận’, anh là một người ‘biết rảnh trong khi bận' nên anh quả là một người có tài.

4. The President (Tổng thống Mỹ)
Phim này có chiếu trên một kênh SCTV nào đó cách đây 2 năm. Phim nói về một tổng thống Mỹ, vợ chết. Ông ủng hộ chương trình ‘bảo vệ tầng ô-zôn’ (hay bảo vệ môi trường), có nhiều người trong Tòa nhà trắng chống lại ông, trong đó có một người đẹp làm ở một Cơ quan môi trường.
Là một tổng thống Mỹ, ông có đặc điểm là chấp nhận tất cả các ý kiến chống đối, thậm chí có thể yêu người chống lại mình, đó là người đẹp nói trên. Ngưỡng mộ chính kiến trái ý nhưng khác lạ của nàng, 'chàng' đã dành nhiều thời gian của tổng thống để rủ nàng đi ăn, bất thần xuống xe mua hoa hồng tặng nàng mà không sợ bị ám sát, thậm chí còn đặt mua món Hamberger từ nước ngoài về để tặng nàng…
Nhưng điều đó đã khiến cho một ứng cử viên tổng thống đối lập tìm cách moi móc đời tư của ‘người đẹp’, nói xấu rằng cô ta là một nhân viên tầm thường, không phải là người Mỹ! và chống lại nước Mỹ! (trong một cuộc biểu tình chống lại một chính sách gì đó trước đây mà cô ta không sai), và việc chàng yêu một người đẹp ‘tầm thường’ như thế làm nghèo đi hình ảnh của nước Mỹ!
Chàng đã dùng chiến lược im lặng mà không giải thích cho dân chúng Mỹ về tình yêu của chàng trên truyền hình, vì thế uy tín của chàng ngày càng giảm sút, từ mức ủng hộ cao hạ xuống còn dưới 50%.
(Nàng giận tổng thống, bỏ đi)
Nàng quá giận, sĩ nhục chàng rồi bỏ đi. Trên đường đi, bỗng nàng thấy Tổng thống xuất hiện trên màn hình công bố tình yêu của chàng với nàng, chàng nói một cách vô cùng cảm động trước toàn dân Mỹ rằng: ‘tôi yêu nàng và bằng bất cứ giá nào tôi cũng tìm cho được nàng’, cô cảm động quay lại và sau đó chàng... thắng cuộc bầu cử tổng thống này vì được dân chúng Mỹ ủng hộ mối tình của chàng!
Bằng phim này, người Mỹ ngầm công bố rằng: ‘người không có tình yêu nam nữ mãnh liệt thì không phải là tổng thống Mỹ’ (!).

5. ‘Lý Tiểu Long’ hay ‘Lý Tiểu Long truyền kỳ’
Mình không thể nói là phim nào hay hơn giữa các phim do Lý Tiểu Long đóng với phim ‘Lý Tiểu Long truyền kỳ’ do chuyên gia 38 nước kết hợp đóng. Tất nhiên về mặt võ thuật thì các phim mà Lý Tiểu Long đóng là hấp dẫn hơn và gay cấn hơn.
Nhưng theo phim ‘Lý Tiểu Long truyền kỳ’ thì mình biết là anh học đại học tổng hợp Triết. Không như các Chưởng môn khác trong lịch sử, có một điều kỳ lạ là Lý Tiểu Long biết kết hợp Triết học vào võ của mình. Là kẻ ‘vô địch thiên hạ’, anh đã sáng lập ra ‘Triệt quyền đạo’ bằng cách khiêm tốn học hỏi và kết hợp tinh hoa của nhiều môn võ khác đến từ Nhật, Hàn quốc, Philippines, Thái Lan… Ngoài ra, 'chàng' còn được một người vợ Mỹ hết lòng ủng hộ sự nghiệp của chàng mặc dù trải qua bao sóng gió.
(Lý Tiểu Long luôn coi trọng 'võ đạo')
'Tâm' của võ thuật là võ đạo, tâm bất chánh thì võ cũng bất nhân, triết lý của Lý Tiểu Long còn có ý nghĩa rộng hơn, nó hàm chứa một nền tảng ‘khiêm tốn’ và tôn trọng quyền tự do của các võ phái/dân tộc khác mà trong đó, mọi tập thể dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng, và triết lý này hoàn toàn xa lạ với thứ tư tưởng ‘ỷ mạnh’ mà một tập thể lớn mạnh lại đi ‘hiếp đáp’ một tập thể khác nhỏ yếu hơn!

6. Mối hận Kim Bình
‘Mối hận Kim Bình’ là một phim ‘cấp 3’ mà mình có dịp xem ở Hà Nội, nhưng cấp gì không quan trọng, vì các bạn có thể xem chuyện ‘Võ Tòng-Tây Môn Khánh-Phan Kim Liên’ trong các loại phim Thủy hử, Võ Tòng đả hổ, hay Túy quyền Võ Tòng...
Nhưng mình chỉ ngạc nhiên là tại sao dân tộc Tàu lại sản sinh ra một Ôn Bích Hà (vai Phan Kim Liên) đẹp hoàn hảo như vậy, mũi đẹp, mắt đẹp, miệng đẹp, tất cả con người của nàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, cái gì cũng đẹp, không có chỗ nào chê được, và mặc dù năm nay nàng đã 50 tuổi nhưng vẫn còn đẹp mê hồn.
(Nàng đẹp toàn diện)

Vì sao nàng không biết
Tiên nữ sa bụi trần
Vì sao nàng lao mãi
Đêm vào chốn thiêu thân
Dâm thần bỗng muốn ái ân
Lỡ chân vấp ngã xuống tầng Diêm cung 

(Khoảng lặng đêm-NGLB)
Ngoài việc tham gia đóng vai chính trong các phim như Mối hận Kim Bình, Tiểu Lý phi đao, Liêu trai chí dị…, mới đây là nàng còn đóng vai Nghi Phi trong phim Khang Hi vi hành (phần 5, thay cho nữ diễn viên Đặng Tiệp) mà trong đó nàng là người đẹp được được Khang Hi sủng ái nhất và đã đem lại cho chàng một điệp khúc yêu đương trần thế tuyệt vời hơn cả nhưng gì mà chàng có được dưới cương vị của một hoàng đế!

7- ‘Có em anh thấy màu hồng’ (!)
Mình không nhớ tên phim này, mình kể ra dưới đây, các blogger giúp mình nhé. Phim này là phim Tàu (Trung Quốc, Hồng Kông hay Singapore) chiếu trên một kênh truyền hình SCTV nào đó.
Có một chàng trai nghèo, làm nghề vũ sư nhưng có một đặc điểm là từ khi sinh ra đời, chàng chỉ thấy được 2 màu, đó là ‘đen’ và ‘trắng’.
Có một hôm chàng đang dạy múa thì có một người đẹp bị một đám người rượt bắt nên nàng phải chạy trốn vào phòng dạy vũ của chàng, rồi từ giây phút đó, chàng bỗng nhiên thấy thế giới này có màu ‘hồng’…
(Bỗng nhiên chàng thấy bầu trời có màu hồng rực sáng)
Nhờ giỏi võ mà chàng giải cứu được nàng và sau đó được người đẹp thuê làm vệ sĩ… Với thời gian gần gũi, vui đùa dần qua, hai người hợp tính hợp nết, nàng rất có cảm tình với chàng và 2 người yêu nhau. Không ngờ, cô gái đó là con một tỉ phú Nhật và đám người rượt theo nói trên chính là cận vệ của nhà nàng. Một hôm, ba/mẹ nàng sang Tàu và bắt nàng phải về Nhật để tổ chức đám cưới.
Khi nàng ra đi, chàng vô cùng đau khổ và không còn thấy thế giới này có màu ‘hồng’ nữa.  Suy nghĩ vô cùng, sau đó nhờ một người bạn khuyến khích, chàng đáp máy bay sang Nhật tìm nàng, không ngờ chàng đến nơi trong lúc nàng đang đám cưới.
Chàng rất sầu khổ và tiếp tục lang thang vô định trong cuộc đời chỉ với 2 màu đen và trắng. Nhưng anh trai của nàng đã rượt theo chàng và báo cho chàng biết rằng đó chỉ là đám cưới giả để giải quyết một chuyện ‘thừa kế’ tài sản lớn của dòng họ/công ty, sau khi mọi việc ổn thỏa, một tuần sau người chồng sẽ li dị nàng.
Thế là chàng lại đến với nàng, và có tình yêu của nàng, chàng sẽ thấy được màu ‘hồng’ trên thế gian này… mãi mãi.
(Có em anh thấy màu 'hồng')
Tóm lại, đã nói là phim có ấn tượng, dù là phim gì đi chăng nữa, trong đa số các phim, người ta vẫn bộc lộ được cái triết lý cao cả của con người và lấy tình yêu làm cơ sở mà như chàng đã cảm nhận được rằng ‘người không có tình yêu nam nữ mãnh liệt thì không phải là hoàng đế’, rằng ‘nàng đã đem lại cho chàng một điệp khúc yêu đương trần thế tuyệt vời hơn cả nhưng gì mà chàng có được dưới cương vị của một hoàng đế!, và rằng ‘có tình yêu của nàng, chàng sẽ thấy được màu hồng trên thế gian này’.

2 nhận xét:

  1. cảm ơn chủ thớt về những nhận xét của từng phim. Sẽ có bài học hay giá trị đối với người xem nếu biết chọn lọc ^^

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Nguyễn Hưng, những entry này là LB chép từ yahoo.blog (bị đóng cửa) sang đây, nên không thể mang theo lời bình.

      Xóa