Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

569. Lỗi của… con ngựa thành Troia

Mình không quan tâm lắm đến… chuyện chính trị, nhưng ‘sự kiện Biển Đông’ lại hàng ngày nhảy vào mắt mình: nó không còn đơn thuần thuộc về lĩnh vực chính trị nữa, mà thuộc về đa lĩnh vực. Trong mấy ngày vừa qua, trên mạng có rất nhiều bài viết (trong và ngoài nước) về vấn đề Biển Đông, có một số bài bình luận/tổng hợp rất sâu sắc, và nói chung là ‘hay’, còn mình không phải là một chuyên gia về Biển Đông nên không thể bình luận gì, mà chỉ viết vài dòng cảm nhận của ‘một người ngồi uống cà phê’ nghĩ về một trong những khía cạnh lịch sử của vấn đề mà thôi.
*
Hồi nhỏ, mình có đọc truyện nói về ‘Các mối tình của Thiên đế’, ngài thường được gọi thần ‘Du Bích Tiên’ (Jupiter, trước 1975) hay thần ‘Dớt’ (Zeus, sau 1975). Tất nhiên cách đọc ‘Thần thoại Hy Lạp’ của mình có khác, tức là mình không thể biết là Nữ thần Venus có bao nhiêu… sợi tóc, mà mình chỉ hình dung bức tranh tổng quát của nó và cách vận dụng nó vào một sự kiện (lịch sử) cụ thể. Bản chất của sự việc cũng tương tự khi người ta có câu chuyện về anh chàng Lệnh Hồ Xung lúc giao đấu, không biết là chàng đã sử dụng kiến thức gì, mà chỉ lập tức thấy ra chỗ sơ hở/‘gót chân Achilles’ của đối thủ mà thôi. Và dưới đây là cách nhìn của mình.
*
Không có chiến tranh thì không có hòa bình, ở trên thiên đình cũng có chiến tranh giữa các vị thần, và cuộc chiến tranh đó đã chuyển xuống trần thế...
Người ta hay nghĩ rằng thành Athens thắng thành Troia là do Athens có chính nghĩa, do Achilles mạnh hơn Hector, do Odysseus có mưu trí…, không phải, mà là do vào từ thế kỷ thứ 9 TCN, ở khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen, các thị quốc (city-state) có xu thế chuyển thành nhà nước (state-nation), mà cuối cùng thì Alexandre Đại đế đã thống nhất chúng thành đế quốc Hy Lạp vào trước năm 323 TCN (năm ông chết), sau đó, Augustus đã thôn tính nó và hình thành đế quốc La Mã vào thế kỷ 1 TCN.
Sự thất bại của thành Troia là do nguyên nhân cội rễ này: quá trình tiến hóa của lịch sử. Nhưng, cụ thể nhất là do cái gì?
Chuyện xuất phát từ việc tranh giành ‘người đẹp Helen’ giữa thành Athens và thành Troia (thành cổ thứ 6 hay thứ 7, ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, theo nhà khảo cổ học Schliemann), mà cái anh chàng Paris (con thứ hai của vua xứ Troia) cứ lo ăn chơi mơ mộng, không có chiến lược chu đáo để phòng chống việc quân đội Athens, mà nhiều năm sau, sẽ xâm lược tiểu quốc của mình. Trong quá trình tranh chấp, chàng đã sơ sót để quân Athens vào ‘ngủ’ trong thành Troia (do Odysseus dùng mưu bỏ ‘điệp viên’ vào trong lòng một con ngựa gỗ khổng lồ, mà dân thành Troia đã vô tình đẩy nó vào trong thành), kết quả là, không cần phải mất đến 10 năm gian khổ, thành Troia bị… sụp đổ trong vòng một đêm. Kinh nghiệm này cho thấy, việc bảo vệ đất nước phải được chuẩn bị từ rất nhiều năm trước khi có hiểm họa ‘xâm lăng’ xảy ra, đặc biệt là không để cho người của ‘bọn xâm lăng’ vào cư trú/làm ăn trong lòng lãnh thổ của mình.
*
Dưới thời chúa Trịnh, sau nhiều biến động chính trị phức tạp, cuối cùng thì binh lính đã phò trợ Trịnh Khải lên ngôi (Trịnh Tông, năm 1782), rồi sau đó bọn công thần này đã sinh ra kiêu căng mà làm loạn (gọi là ‘loạn kiêu binh’, theo Hoàng Lê nhất thống chí), việc này làm giới sĩ phu Bắc kỳ lúc đó rất là bất mãn (cụ thể là Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ vào Nam, theo Nguyễn Huệ). Và chưa đến 4 năm sau, Nguyễn Huệ đã mượn ‘đà’ này mà tiến thẳng ra Bắc để ‘diệt Trịnh’, cuối cùng là Trịnh Tông phải tự vẫn mà chết…
Rồi, thời Tây Sơn, sau khi Nguyễn Huệ mất, con trưởng của ông là Nguyễn Quang Toản lên ngôi (tức là Cảnh Thịnh), nhưng sau đó vì ‘Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền và làm nhiều điều xằng bậy’ mà nhà Tây Sơn bị diệt vong năm 1802. Tóm lại, theo ngôn ngữ của Trần Trọng Kim (mà mình nhớ từ hồi nhỏ) thì nhà ‘Trịnh’/nhà Tây Sơn bị diệt vong là do: 1. chuyên quyền, 2. làm nhiều điều xằng bậy...
*
Các nhà quân sự lỗi lạc luôn có câu ‘kỷ luật là sức mạnh của quân đội’, rộng hơn, là ‘sức mạnh của một triều đại’, trong đó, tham nhũng là điều mà làm sức mạnh của một triều đại bị suy yếu nhanh nhất.
Cụ thể ở Việt Nam như sau: Triều đại nhà Tiền Lê kết thúc: Lê Ngọa Triều ăn chơi sa đọa; Triều đại nhà Lý kết thúc: Lý Cao Tông chơi bời vô độ; Triều đại nhà Trần kết thúc: Trần Dụ Tông ham mê tửu sắc, xây dựng cung điện nguy nga, Chu Văn An về vườn, rồi Trần Hôn Đức Công suốt ngày rong chơi, Trần Nghệ Tông nghe lời nịnh thần; Triều đại nhà Hậu Lê kết thúc: vua Lê Hiển Tông/Lê Chiêu Thống nhu nhược, Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền; Triều đại nhà Nguyễn (Tây Sơn) kết thúc: Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, nạn bè phái; Triều đại nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh) kết thúc: Khải Định thích ăn chơi và tiêu xài hoang phí, Bảo Đại tiêu xài vô độ và trụy lạc...
Và có liên quan, ta đã biết một số chuyện như: Khang Hi đã vô cùng ý thức được điều ‘sống hay chết’ đó, mà đã thực hiện rất nhiều chuyến ‘vi hành’ chống tham nhũng; vụ ‘Thiên hạ đệ nhất tham quan Hòa Thân’ (Hòa đại nhân) bị xử trảm và bêu đầu thị chúng ngay giữa chợ (dưới thời Ung Chính); hay gần đây, nữ tổng thống Arroyo của Philippines có nói đại ý là ‘nạn tham nhũng ở Philippines làm băng hoại ít nhất là 2 thế hệ (= 50 năm)’... 
*
Cái gì đến nó sẽ đến, ‘giáo bất minh, huấn bất nghiêm, thượng bất chính, hạ tất loạn’ (câu này mình mới chép được từ bạn Đóm), nếu một triều đại mà cai trị không 'nghiêm minh', hay nói một cách khác là không ‘tu chí dựng nước’, thì triều đại đó sẽ yếu đi trông thấy (đồng nghĩa với việc vô tình làm cho kẻ thù của nó mạnh lên) và bất ổn trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng, mà theo quy luật tiến hóa của lịch sử, sự bất ổn này sẽ xảy ra một cách… tự nhiên, vì ‘con ngựa thành Troia’ vốn đã sẵn có trong nó rồi.
Và điều này chỉ đúng từ thời Thần Dớt đến thời… Bảo Đại, hihi…
---------
Các nguồn tham khảo chính:
-Khang Hi và tham nhũng: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/03/323-khang-hi-va-khoa-hoc-ve-tham-nhung.html
-Nữ hoàng Cleopatra: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/220-nu-hoang-cleopatra-nguoi-ba-quyen.html
-Thiên đế: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/06/215-thien-e-va-cac-moi-tinh-vung-trom.html
Và nhiều tài liệu khác có liên quan.

7 nhận xét:

  1. Kim Chi Nguyen (Facebook)
    Thích nhất câu cuối "điều này chỉ đúng từ thời Thần Dớt đến thời… Bảo Đại"
    "Chuyện người" ... lại ngẫm đến ta !
    Non sông nhiễu loạn khó mà AN - YÊN !!!
    9 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khôn quá ta, KC làm huynh cũng cười nè, cám ơn nhé, tối ngọt ngào.

      Xóa
  2. Trích blog Giáo Làng:
    “Có lẽ đến một lúc nào đó, ta cũng phải chấp nhận một cuộc chiến mới... Ôi, nỗi buồn nhược tiểu này chắc chưa có đủ sức mạnh đâu nhỉ! Biết đến bao giờ... hic...”
    Nguồn: http://giaolang543210.blogspot.com/2014/05/146-noi-buon-nhuoc-tieu.html?showComment=1400298462106#c143783232314628673

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. LB thích tâm sự thật lòng này của GL, nhưng diễn biến ‘tương lai’ của lịch sử lại có thể rất khác với cái mà ta nghĩ/tưởng, GL à. Ngày mới tốt lành.

      Xóa
  3. The world support Vietnam & Philippines! Bravo Philippines!: A friend in need is a friend indeed.
    (Thế giới ủng hộ Việt Nam và Philippines! Hoan hô đồng minh Philippines: Khi gặp nguy hiểm mới biết ai là bạn tốt)
    Nguồn: Dung Tran (Facebook)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lưu:
      Tâm thức

      Trần Hồ Dũng

      Chỉ cần một nụ cười
      Tâm ta sen hồng nở
      Chỉ cần một ánh nhìn
      Hồn ta tràn ánh sáng

      Nụ cười em vừa tắt
      Tâm ta , cánh hoa khô
      Em quay mặt bước đi
      Lòng ta đầy bóng tối

      Bàn chân em ngây thơ
      Bước qua đời rất nhẹ
      Sao lòng ta già cỗi
      Hóa sa mạc ưu phiền

      Tâm, khát một nụ cười
      Hồn , bóng đêm chờ sáng
      Ta bước vào cơn mê
      Nghe đời trôi rất lạ

      Em là ta ngày trước
      Ta là em ngày sau
      Ta và em là một
      Nở chung đóa vô thường

      Xóa
  4. “Chửi mất gà, à - mất biển đảo”
    Nguồn: https://www.facebook.com/dongngan.doduc

    Trả lờiXóa