Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

611. Rửa sạch quá khứ...

 Chiều nay sắp có mưa rơi
Nắng vàng gặm cỏ, mây mờ nấp cây
Chiều lưu chút nắng say say
Lá im im ngủ, cá là là bơi

'Rửa sạch quá khứ’ là cụm từ xuất phát từ miệng của một phụ nữ ở một bộ lạc ở Nam Phi. Để các bạn đọc tiện theo dõi, tôi tạm giới thiệu các nội dung mà mình sẽ viết như sau:
-Cụm từ ‘rửa sạch quá khứ’ có nghĩa là gì?
-Bối cảnh của cụm từ này
-‘Tri tân, ôn cố’, tại sao không ‘ôn cố, tri tân’?
-Tính… xấu của người Việt
-Sự phát triển của nước ta: chuyện sâu và bướm
-Không có hy vọng!


'Rửa sạch quá khứ' ở đây nghĩa là gì?

Cụm từ ‘rửa sạch quá khứ’, hay như một số tay viết gọi là ‘gác lại quá khứ’, làm tôi nhớ lại câu ‘Let the past be the past’ (ở đây dùng vài từ tiếng Anh cho vui, hihi…).
Quá khứ đó có thể là chuyện của cha ông, chuyện nhút nhát của ai đó, chuyện nhu nhược/bạc nhược trước các áp bức xã hội hay các thế lực đen tối (mà có thể còn tiếp diễn), chuyện chấp nhận chủ nghĩa/chế độ đã lỗi thời và phản động mà trở thành thế lực thù địch của những người bị áp bức..., ví dụ, chế độ Apartheid (= phân biệt chủng tộc) không luôn đem lại sự thay đổi tốt hơn cho những người da đen ('apartheid not always for the better for black men', theo imdb.com)…
Nói như thế, ắt sẽ có người… ngụy biện rằng ‘có quá khứ mới có hiện tại’, xin lỗi, 'biết rồi, khổ quá, nói mãi’.
Các ông/bà làm như thế hệ trẻ chúng tôi không biết gì!

Chúng tôi thiết nghĩ ‘có quá khứ’ không có nghĩa là ôm khư khư quá khứ để mà… chết vì nó, mà chúng tôi cần giải quyết những vấn đề hiện thực để hướng tới tương lai, trong đó chúng tôi không từ chối rằng chúng tôi sẽ thỉnh thoảng tới thăm ‘viện bảo tàng quá khứ’ tí xíu, hihi…

Bối cảnh của cụm từ này

Tóm tắt phim ‘Vùng đất nguy hiểm’ (Dangerous Ground, kênh Cinemax, chiếu đêm 7/11/2014):
Diễn viên Elizabeth Hurley (vai Karen) và Ice Cube (vai Vusi) 
Vusi (nhân vật chính) là một sinh viên đã từng tham gia đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc, rồi anh bị buộc phải rời Nam Phi sang định cư bên Mỹ. 14 năm sau, anh về quê để dự đám tang của cha. Anh nhát gan đến nổi không dám cầm dao giết một con bò khi làm lễ chôn cất cha. Ernest - em của Vusi, là một cựu chiến binh, đã chửi anh là một thằng hèn khi chỉ biết chúi đầu vào học mà không đấu tranh cho công lý… Rồi mẹ của anh cho biết là cậu em trai út là Steven đã không dự đám tang mà đi đâu mất khá lâu rồi… Vusi đến chỗ ở của Steven và gặp bạn gái của anh ta là Karen… Cuối cùng, Karen cho biết là anh ta nợ tiền hút chích từ một tay trùm ma túy là Muki… Vusi chỉ trả được 14.100 trong số 15,000 USD… Muki muốn cảnh cáo những tay nợ khác nên đã bắn chết Steven… Vusi và Ernest thề sẽ trả thù cho Steven…, rồi họ đào kho vũ khí đã chôn hồi chiến tranh lên… Cầm vũ khí trên tay, họ đứng lên đòi công lý... Karen tiến đến đàng sau Muki với khẩu súng trong tay, trong khi Vusi lao vào đâm Muki 3 nhát, và hắn bị chết do rơi xuống đường qua cửa sổ của một tòa nhà cao tầng… Xong việc, Vusi gọi người yêu đến để sống với mình ở ngôi làng nhỏ yên tĩnh này, và nàng đồng ý…

Như vậy, từ một kẻ 'không dám cầm dao cắt cổ gà', từ một kẻ 'nấp dưới váy đàn bà', anh chàng... 'Nelson Mandela' của Nam Phi đã 'rửa sạch quá khứ' bằng cách cầm súng đứng lên tiêu diệt cái tàn tích vô cùng không tốt đẹp trong xã hội.
Điều khác biệt ở đây là, cuối cùng, chàng đã 'gọi người yêu đến để sống với mình một ở ngôi làng nhỏ yên tĩnh, và nàng đồng ý', hihi...

‘Tri tân, ôn cố’. Tại sao không ‘ôn cố, tri tân’?
(Nói chung là bây giờ tôi tránh tối đa việc dùng từ Hán-Việt, trừ trường hợp cần thiết, như ở mục này).

Khi viết bài này, tức là viết về chuyện 'gác lại quá khứ' hay 'hãy cho quá khứ vào... viện bảo tàng!' (cười), tôi đã mượn một cuốn phim chiếu vào tháng 11/2014, rồi nhắc lại cụm từ 'rửa sạch quá khứ' (từ dịch thuật) mà một phụ nữ Nam Phi đã sử dụng ngay sau thời Apartheid - đó là phương pháp nghiên cứu mà tôi đã học trong... 20 năm nay, các bạn thấy có tạm được hay không? Hihi...
Tôi thiết nghĩ rằng với phương pháp tiếp cận hiện đại, đặc biệt là trong các dự án phát triển (phát triển cộng đồng/DTTS, quản lý rừng đầu nguồn, bảo toàn tài nguyên thiên nhiên, đào tạo, tăng cường năng lực...), người ta thường nêu ra cái hiện thực (cái mới), rồi mới lý thuyết hóa bằng cách rút ra các triết lý/suy nghiệm tổng quát, và dĩ nhiên trong quá trình này, một số khái niệm cũ sẽ được vận dụng (ví dụ như âm dương, trung dung, giao giới, truyền thống, tập quán...); và như vậy, người ta thường bắt đầu nghiên cứu cái mới hay tương lai (thậm chí là tư duy lại tương lai), trong đó quá khứ chỉ được nhắc lại khi và chỉ khi thấy thực sự cần thiết.
Chắc các bạn khó tin có một sự nghịch chuyển như vậy trong phương pháp tư duy, nhưng có không ít người tin, đặc biệt là những người cấp tiến/dân chủ hay những người có tính sáng tạo/độc lập cao...
Tôi tự hỏi:
Tại sao ta phải nói 'tam nhân đồng hành, tắc hữu vi sư' (trong số 3 người cùng đi, ắt có một người là thầy), trong khi đó có thể nói 'học thầy không tày học bạn', nói hay hơn là phải học từ người khác, từ thiên nhiên, hay nói nôm na là 'cái vĩ đại nằm trong cái tầm thường'...
Tại sao có ai đó phải niệm Nam mô a di đà 'Khổng Tử', rồi Nietzsche, Krishnamurti, Heidegger, Camus, Sartre, (Henry) Miller, Hemingway...
Các bạn thấy buồn cười không nếu có anh X nào đó lại niệm (tôi chỉ đưa ví dụ thôi, chứ không cố ý mạo phạm):
-Nam mô a di đà Nietzsche!!!!!
Ha.. ha.. ha...

Tính... xấu của người Việt, hihi...

Khi nói đến tính xấu của người Việt, tôi phải cười 'hihi...' để làm lành!
Thực ra, ngoài một số dòng từ Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, hay Đặng Lê Nguyên Vũ, Trần Ngọc Thêm..., tôi thấy 
ít có học giả nào dám viết nhiều về 'tính xấu của người Việt'! (trong khi đó, ngồi trong bàn nhậu hay quán cà phê thì nói xấu sau lưng đủ điều), vì nếu viết thì sẽ bị ném đá!..., nên người ta chỉ toàn viết về tính 'tốt' của người Việt và ca tụng lên mây xanh, thậm chí tí xíu nữa là người Việt sánh ngang với 'thượng đế'! Nhưng tôi cho đó là một điều có hại cho người Việt vì nó làm cho họ (hay chúng tôi) không hiểu được thực chất của mình, nên không tập trung vào việc cải thiện bản thân nên cứ thua người ta (nước ngoài) dài dài, mà thậm chí có thể dẫn đến bệnh tâm thần hoang tưởng, bệnh-sùng-chính-trị, sùng bái cá nhân, mộng vĩ cuồng...

Ngoài những tính tốt (cởi mở, thân thiện, dễ kết bạn, hiếu học, nhẫn nhục/'dĩ hòa vi quý'...), người Việt có những tính xấu cơ bản nào?, đó là:
1. tính hoang dã, như: thích tụ tập, chen lấn/xô đẩy, 'vì mình'/chiếm của 'công' làm của 'tư', chia rẽ/bè phái, nịnh bợ, nói dối/trộm cắp vặt, sao chép/bắt chước,  háo thắng, đại ngôn ('chém gió', 'nổ', 'chảnh')...
2. tính 'dìm hàng', như: thấy người khác thất bại thì hạnh phúc!, thường chú ý moi móc sai lầm của người khác 
(hoặc cố ý hiểu theo nghĩa xấu), chủ quan/háo thắng - cho mình là hay, là đúng, mà có thể cho rằng ai trái ý mình là thế lực thù địch...
3. tính dễ phong 'thánh'/hào quang hóa quá khứ, như: rất dễ hô 'muôn năm', và rất dễ phong các nhân vật nổi tiếng (Victor Hugo, Tôn Dạt Tiên, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Thị Sáu...) là thánh, đặc biệt là sùng ngoại mà có thể dẫn đến nô lệ hay phụ thuộc (vào Pháp, Mỹ, Nga, Tàu)...
4. tính tự phong thánh, như: 'tôi hay, tôi tài, tôi giỏi, tôi tốt', 'tôi là thánh bút', thơ/văn, quan điểm, entry/blog... của tôi là nhất, 'tôi hiểu biện chứng nhất', thích 'lên lớp'/giảng 'đạo'
...
trong đó, tính xấu nào là bản chất, tính xấu nào là có thể cải thiện được, và có thể cải thiện đến mức nào?

Tôi đã giới thiệu với các bạn, trong bài trước, phương pháp 'sắp xếp thứ tự ưu tiên' (prioritizing) bằng cách 'nhóm lại' (grouping) các vấn đề (xem đường dẫn bên dưới), mà trong đoạn trên, tôi đã nhóm lại các vấn đề và chọn vấn đề 1 -'tính hoang dã' mà là... bản chất của người Việt (cho đến nay!), vì tính này bao hàm mọi tính còn lại. Tính này có thể phần nào cải biến, vì người Mỹ cách đây khoảng 300 năm cũng vậy, nhưng nay họ 'sống chung với luật' tương đối ổn... 
Tôi cũng không có thì giờ để chứng minh tính xấu của người Việt nói trên là... đúng (tôi không phải là học giả), hãy để cho người Mỹ nói vậy, họ có câu '1 người Việt thì làm tốt, 3 người Việt thì làm trung bình, còn 7 người Việt thì làm hỏng việc' (còn tôi nói '1 người Việt thì làm tốt, 3 người Việt thì làm hỏng đại sự')...

Sự phát triển của nước ta: chuyện sâu và bướm

...Ông Trịnh Công Sơn có lời bài hát là 'một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây', nó chỉ ra một mặt là ta 'yếu' (ngoài ra còn do đất nước hình chữ S (= Slim: mỏng!) nằm trong thế gọng kìm 'Nga-Trung và Mỹ' rồi 'Tàu và Mỹ', đặc biệt là tiếp giáp với anh láng giềng to con phương Bắc); mặt khác do ta 'sợ' (hay nhu nhược, cộng với tinh thần muốn... lệ thuộc/'dựa lưng'), một ví dụ thôi, tàu Trung Quốc xịt vòi rồng/húc vào tàu ta, (có biển hiệu tiếng TQ, có cờ TQ, cả thế giới đều biết), thế mà ta bảo là tàu 'lạ': ta đang sống trong một thời đại bạc nhược!...
Đó đã là chuyện trọng đại, nhưng dù sao cũng là chuyện bên ngoài; còn trong nước, mặc dù nói là GDP thế này thế nọ (các tỉnh đều báo cáo GDP/năm tăng từ 10-15%!) nhưng trên thực tế thì ta bị thâm hụt ngân sách nghiêm trọng (mấy ngày nay Quốc hội/các trang mạng đã đưa ra vấn đề 'khủng' về nợ công/nợ nước ngoài...) vì làm ra bao nhiêu thì bị mất bấy nhiêu (do tham nhũng, không biết cách làm ăn...) như vụ Vinalines (ụ nổi), vụ Đức Thánh Trần, chùa Bái Đính, mộ Võ Thị Sáu... (mà có bóng 'chính trị' đứng đàng sau!), vụ Sân bay Long Thành... chẳng hạn, ngoài ra, tối hôm qua (9/11/2014), trên VTV3 có đưa tin về vụ 'trang thiết bị phân tích xét nghiệm, phân tích khoa học' (Bộ Y tế, xem đường dẫn bên dưới), mà có người mô tả đó là hiện tượng 'bơi trong hồ rác'...

Tôi hay ngắm những con bướm vàng bay: rất thích! Nhưng nghĩ kỹ lại, tôi biết chúng xuất phát từ những con sâu mà phá hoại sạch vườn rau của tôi, thậm chí là nằm đấy trong nhiều quả ổi, vú sữa, mận... mà làm tôi phải vất đi một cách đau lòng; đó là tôi chưa kể đến con 'sâu đục thân' trong cây cà phê hay về một hội chứng 'ung thư' nào đó..., ngoài ra, Chủ tịch T.T. Sang có nói ở nước ta có 'đầy sâu', tôi ghi nhận.

Không có hy vọng

Hôm trước, có một chuyên gia chém gió, khá thành thạo, nói là: ta đang có xu thế nghiêng hẳn về phương Bắc (vì Mỹ bây giờ lo tập trung vào vấn đề NATO, Trung Đông và trong nước, mà đối với họ, chuyện VN chỉ là vấn đề phụ); trên thực tế, có thể, ta đã hết... tiền; đó là chưa kể đến chuyện nền 'đạo đức'/ý thức dân tộc có nguy cơ bị mất gốc, nền giáo dục bị 'tiền hóa', nền quản lý bị 'bất lực'... (lưu ý rằng ông ta đã dùng chữ 'có thể' ở đây, xem thêm 'Việt Nam: những con số biết nói', đường dẫn bên dưới).
Trước đó, có một ông đã hỏi tôi:
-'có hy vọng gì về tình hình ở VN?',
tôi có trả lời là:
-'KHÔNG HY VỌNG',
(mà ông ta bảo ý tôi nói là 'tuyệt vọng'!)
Hỡi các blogger của tôi ơi, nếu loại bỏ chuyện quốc gia đại sự, chuyện chém gió về 'cải tạo thế giới', không nói dài dòng về chuyện Thiền, Phật, Chúa gì gì đó, tôi đã viết:
Như loài chim thiên di
Bay mòn mỏi cả đời
Đậu bên dòng sông phẳng lặng
Ngắm những đám lục bình lờ lững trôi
Ôi, hình như
Ta sắp ra đi rồi
Đâu còn nữa... em ơi!

TÔI VẪN CÒN HY VỌNG ĐÓ CHỨ! 

(HẾT)
--------- 
Ghi chú:
-‘Bộ Y tế đề nghị công an xác minh nghi án hối lộ 2,2 triệu USD’, đường dẫn http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-y-te-de-nghi-cong-an-xac-minh-nghi-an-hoi-lo-2-2-trieu-usd-3103156.html
-Nam Phi (1,22 triệu km2, 49 triệu dân): ... Dù chế độ apartheid (từ 1948) đã chấm dứt (1994), hàng triệu người dân Nam Phi, chủ yếu là người da đen, vẫn tiếp tục sống trong nghèo khổ… Ngày càng có nhiều người coi là một sai lầm của chính phủ hiện nay trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, cộng với những quy định tiền tệ và thuế của chính phủ hiện tại nhằm đảm bảo cả việc tái phân phối tài sản và tăng trưởng kinh tế… Tuy nhiên, … theo xếp hạng của Liên hiệp quốc, Nam Phi là quốc gia có mức thu nhập loại trung bình và sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên; tài chính, truyền thông và năng lượng rất phát triển, thị trường chứng khoán xếp hạng nằm trong tốp 20 của thế giới. Nam Phi có một cơ sở hạ tầng hiện đại hỗ trợ phân phối hàng hóa hiệu quả, tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, phân cách giàu nghèo đang gia tăng... Nam Phi là quốc gia tổ chức World Cup 2010... GDP trên đầu người của Nam Phi, tính theo sức mua tương đương, đặt nước này vào vị trí một trong năm mươi nước giàu nhất thế giới (wikipedia)
-Nelson Mandela (1918-2013): là Tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc), và là người đứng đầu phái vũ trang của Đảng Dân tộc Phi. Vào năm 1962 ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị... và bị tuyên án tù chung thân. Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù... Sau khi được trả tự do vào ngày 11 tháng 2 năm 1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc... (Wikipedia)
-Prioritizing, Grouping: xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/10/chung-toi-noi-rang.html

-Việt Nam: những con số biết nói, xem: http://www.gocnhinalan.com/nhung-cuon-sach-hay/viet-nam-nhung-con-biet-noi.html

10 nhận xét:

  1. Các quan thăm nhũng rửa sạch rồi
    Thì đó chỉ là thuế dân thôi ...............
    .........
    Anh ơi nhiều cái rửa sạch lắm anh ạ -dân không biết gì đâu (Dân đen biết gì )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình hiểu ý bạn..., nhưng ý chính của bài viết là: "Chúng tôi thiết nghĩ ‘có quá khứ’ không có nghĩa là ôm khư khư quá khứ để mà… chết vì nó, mà chúng tôi cần giải quyết những vấn đề hiện thực để hướng tới tương lai, trong đó chúng tôi không từ chối rằng chúng tôi sẽ thỉnh thoảng tới thăm ‘viện bảo tàng quá khứ’ tí xíu, hihi…". Thank bạn.

      Xóa
  2. Đạt [Blog Tiếng Việt] 08.11.14@06:05
    Interesting story. I will look for the film on the net. Thnks for recommendation.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đạt (8/11/2014) Mình mới tạm viết xong đoạn 2, đoạn tiếp sẽ mất thì giờ và... mù mắt, vì phải dịch thoát 1 đoạn tiếng anh 'dài thoòng' à, hihi... Cám ơn bạn Đạt nhé.

      Xóa
  3. LƯU TƯ LIỆU
    Việt Nam: Những con số biết nói

    Dân số:
    Việt Nam hiện nay có dân số ước tính khoảng hơn 93 triệu người, đứng hàng thứ 13/243 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Dân số là một trong những đơn vị chính được dùng để đánh giá độ lớn và nhỏ của một quốc gia. Việt Nam đứng hàng thứ 13 có dân số đông nhất thế giới. Bởi vậy, xét về mặt dân số, Việt Nam không phải kém.
    Diện tích:
    Việt Nam có tổng diện tích đất liền khoảng 331,210 km2, đứng hàng thứ 61/189 quốc gia trên thế giới. Diện tích quốc gia cũng là một trong những đơn vị chính dùng để đánh giá độ lớn của quốc gia. Ở vị trí thứ 61, Việt Nam thuộc nhóm 1/3 quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới. Bởi vậy, xét về mặt diện tích, Việt Nam không phải là kém.
    Duyên Hải:
    Việt Nam là một quốc gia có địa thế rất đặc biệt; vừa tiếp diện biển ở phía Đông, vừa dựa vào rừng cây và cao nguyên ở phía Tây. Việt Nam đứng hàng thứ 33/154 quốc gia có bề dài duyên hải dài nhất thế giới với chiều dài duyên hải 3,444 cây số. Nên biết rằng, có 47 quốc gia trên thế giới hoàn toàn nằm trong lục địa (không tiếp diện với biển) và 35 quốc gia có chiều dài duyên hải chưa đến 100 cây số. Bởi vậy, xét về mặt bề dài duyên hải, Việt Nam không phải là kém.
    Rừng cây:
    Việt Nam có tổng số diện tích rừng đứng hàng 45/192 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới với tổng diện tích rừng là 123,000 cây số vuông. Rừng Việt Nam được xếp loại rừng có hệ sinh thái đa dạng và đặc biệt. Mặc dù rừng cây ở Việt Nam bị khai thác một cách bừa bãi, nó vẫn nằm ở vị trí 1/3 các quốc gia đứng đầu về diện tích rừng.Bời vậy, xét về mặt diện tích rừng cây, Việt Nam không phải là kém.
    Đất canh tác:
    Việt Nam có tổng số đất canh tác là 30,000 cây số vuông, đứng hàng 32/236 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Tổng số lượng lúa được Việt Nam canh tác đứng hàng thứ 5 trên thế giới trong số 20 quốc gia canh tác lúa gạo. Xét về mặt đất canh tác (và đặc biệt canh tác lúa gạo), Việt Nam không phải là kém.

    Việt Nam không nhỏ với đơn vị kích thước, dân số, đất đai, biển đảo, rừng cây v..v… nhưng lại yếu kém về phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội, và văn hóa… (nhưng):
    1. Giáo dục:
    Theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có một trường đại học nào của Việt Nam được lọt vào danh sách trường đại học có danh tiếng và có chất lượng.
    2. Bằng sáng chế:
    Theo International Property Rights Index [8], Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ.
    3. Ô nhiễm:
    Theo chỉ số ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124, gần đội sổ danh sách.
    4. Thu nhập tính theo đầu người:
    Tuy thu nhập quốc gia của Việt Nam đứng hàng 57/193, Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.
    5. Tham nhũng:
    Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng.
    6. Tự do ngôn luận:
    Theo chỉ số tự do ngôn luận (freedom of press), Việt Nam đứng vị trí 174/180, chỉ hơn Trung Quốc, Bắc Hàn, Syria, Somalia, Turkmenistan và Eritrea, có nghĩa là nằm trong nhóm 1/20 thấp nhất thế giới.
    7. Phát triển xã hội:
    Theo chỉ số phát triển xã hội, Việt Nam không có trong bảng vì không đủ số liệu để thống kê. Trong khi đó, theo chỉ số chất lưọng sống (Quality of Life) thì Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76, có nghĩa là gần chót bảng.
    8. Y tế:
    Theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia, có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất...
    http://www.gocnhinalan.com/nhung-cuon-sach-hay/viet-nam-nhung-con-biet-noi.html

    Trả lờiXóa
  4. saumietvuon [Blog Tiếng Việt] Email 10.11.14@20:41
    Anh bảo rằng chả ai dám viết tính xấu của người Việt thì có liền nè:

    “Những lời khen thì luôn có tác dụng tốt với 2 cái lỗ tai”. Thật vậy, chả mấy ai thích nghe người khác chê mình cho dù đó là lời chê thật. Vậy mà năm 1950, một nhà báo Mỹ viết cuốn sách về lớp tiện dân Ấn sống bẩn thỉu, vô văn hoá đã bị cả nước Ấn Độ lên án, nhưng người cha tinh thần của Ấn Độ Mahatma Gandhi khi đọc xong cuốn sách liền nói "Thay gì phản đối chửi rủa người chỉ ra điều xấu của mình chúng ta nên đi cọ chuồng xí thì hơn". Nói rồi ông cùng các tông đồ đi quét dọn nhà vệ sinh. Và từ đó, người Ấn không còn tầng lớp tiện dân. Có ai đó đã nói “Người khen ta thật chỉ là bạn trong khi người chê ta thật mới là thầy của ta”. Thật vậy, trong câu này ta chú ý đến từ “thật”. Vâng “chê thật” tức là sự góp ý chân thành chỉ ra những khuyết điểm mà ta không hoặc chưa nhận ra để ta sửa chữa, “chê thật” khác với moi móc bới lông tìm vết để bôi nhọ.
    Trên là nhận góp ý từ người khác, còn bản thân ta tự nhận là mình xấu xa ngu muội thì càng khó hơn. Vậy mà có cả một tập thể, một dân tộc tự nhận mình là không tốt. Nước Mĩ có sách Người Mĩ Trầm Lặng, Nhật Bản có quyển Người Nhật Xấu Xí, gần đây ta còn nghe một học giả người Đài Loan tên Bá Dương viết cuốn Người Trung Hoa Xấu Xí nữa. Tôi chưa đọc hết những quyển ấy nhưng hiểu tựu chung là họ nêu ra những tính xấu của dân họ, họ dùng ngòi bút để lôi những mảng tối trong đời sống văn hoá của dân tộc mình ra ánh sáng với ước mong một điều tốt đẹp cho tương lai. Và bây giờ ta hãy nhìn vào nước Mĩ, người Nhật…
    Còn Việt Nam ta, lâu quá rồi ta mãi nghe nào “rừng vàng biển bạc” nào “VN là lương tâm nhân loại” nào là “VN là một dân tộc anh hùng đánh thắng cả 3 đế quốc…”… Bởi mảng văn hoá của chúng ta không lành mạnh bằng người - “xấu thì che, tốt thì khoe” mọi điều xấu cứ mang vào chỗ tối che đậy thật kín và đinh ninh rằng chả ai nhìn thấy, mà chả ai nhìn thấy thì mắc chi phải sửa, và cứ thế mà “tự sướng” với những giá trị hảo huyền rốt cuộc cái xấu chất đầy đến tràn ra ngoài thì ê hề!!
    Vậy ở xứ ta đã có ai dám mạnh dạn đứng ra nêu lên điểm yếu của dân tộc chưa? Có. Đó là cụ Phan Chu Trinh:
    1/ Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.
    2/ Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bê những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai.
    3/ Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba.
    4/ Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư.
    5/ Biết có thân mình, nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.
    Trên là 5 điều ngu của dân ta mà ông đã liệt kê ra. Điều tệ hại là ta ngu muội mà không biết ngu ở chỗ nào, lại càng tệ hơn là ta ngu mà cứ tưởng là ta khôn hơn người! Cũng như người Nhật hay người Mĩ…, cụ Phan không tự xỉ vả vào dân tộc cũng không tự ti mà cụ “tự trào” dân tộc với một ước muốn tốt đẹp hơn. Và bà con hãy tự kiểm chứng thực tại xã hội ta xem 5 điều ấy có còn đúng không. Riêng tôi, tôi chia sẻ 5 điều ấy với nhận xét rằng “dân ta còn sở hữu” mà “sở hữu” tức là còn nắm giữ và cầm lên được thì bỏ xuống được.
    (Mai mốt anh viết trong W hoặc trong thư nháp rồi chỉnh sửa nghiêm chỉnh như vầy rồi đăng để người ta đọc cho đã nhá, cám ơn vì bài viết, kính chúc anh cùng gia đình thật ấm áp đêm nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, bạn bình quá tuyệt!
      Mình sẽ đăng bên Facebook và Blogspot. Cám ơn bạn nhiều nhiều, sẽ mời bạn cà phê + cơm giò gân + karaoke, thiệt, hihi...
      Facebook, xem: https://www.facebook.com/notes/310763249115548/?pnref=story

      Xóa
  5. Chén cạn, đâu ngờ chẳng cạn ly
    Cuối thu, hò hát, rét run người
    Hai tay quờ quạng vào hư ảo
    Chả thấy người đâu, cứ gọi hoài!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiên sa bản phố, thấy nàng
      Nhớ gò bồng đảo, lại miên man sầu
      Bây giờ nàng ở xứ cao
      Sầu riêng, xứ thấp, ngã nhào xuống... sân

      Xóa
    2. Đường phiền ta ngắm ánh sao xa
      Viễn xứ đường xa tít mù lòa
      Bóng em ẩn khuất qua đồi núi
      Để lại nắng chiều lãng đãng ta!

      Xóa