Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

624. Hồi ký: Tôi dám viết về đề tài văn chương

Nguyên tiêu đề nháp của bài này là: ‘Tôi không dám phê bình văn học’.
Sau khi viết xong bản nháp, tôi mới đưa cho một bạn gái xem để góp ý…, và sau khi đọc xong với vài trao đổi qua lại mấy chuyện… vụn vặt, cuối cùng cô ấy khuyên tôi là:
-Anh không nên viết bất cứ đề tài nào về văn chương/phê bình văn học… Anh NTS giỏi về phê bình văn học đến thế, đã viết cách đây 10 năm rồi, mà còn dừng lại, không rõ vì chán hay... cạn kiệt ‘nội lực’!
Ha.. ha.. ha…

Tôi bèn móc túi lấy ra một điếu thuốc, dòng tư duy của tôi theo làn khói thuốc òa xuống mặt dòng sông trắng.
Tôi nhớ lại là, khoảng 1976, tôi có đọc tác phẩm ‘Cơ sở lý luận văn học’ của GS Lê Đình Kỵ (1923-2009), mặc dầu một số nội dung của nó vẫn còn nằm đâu đó trong tiềm thức, nhưng dường như nó không có tác động gì đến cuộc sống ‘văn chương’ của tôi trong mấy mươi năm sau. Tôi nhớ lại là, cách đây 2 năm, vào một đêm nọ, có một nhà thơ tài tử (tài tử = amateur, tức là không chuyên nghiệp) viết một bài về Bùi Giáng, lúc đó có một ông Hiệu trưởng của một trường đại học đã về hưu - một cao thủ về thơ Đường luật (và có một số truyện ngắn) - liền nói ‘Thằng đó có tư cách gì mà dám viết về Bùi Giáng, để tau gọi điện mắng cho nó một trận’. Lúc đó, tôi ngồi im và ngẫm nghĩ ‘Thế thì ai mới có tư cách viết về Bùi Giáng?’… Và thế là, ngay tối hôm đó tôi viết ngay một bài về Bùi Giáng (và được hai cô giáo là Chiều Tím và Đom Đóm, và nhiều blogger khác khen… hay, xem đường dẫn bên dưới), hihi... Tôi nhớ lại là, cũng cách đây 2 năm, có một giảng viên đại học đến nhà tôi chơi nhiều lần, anh ấy thường nói là ‘Tagore nói rằng’, ‘Pautopski nói rằng’, ‘Whitman nói rằng’, ‘Lý Bạch nói rằng’…, mà tôi ‘ngửi’ thấy trong đó cái mùi thum thủm của lời tung hô: ‘Vĩ đại! Vĩ đại! Vĩ đại!’ và ‘Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!’; Tagore là nhà thơ Ấn Độ, Pautopski là nhà văn Nga, Whitman là nhà văn/nhà thơ Mỹ, Lý Bạch là nhà thơ Tàu, tôi mới nghĩ chả lẽ, theo ý của anh ấy, văn chương của người Việt Nam lại luôn luôn thua người Ấn Độ, thua người Nga, thua người Mỹ, thua người Tàu..., xin lỗi, còn khuya! Tôi nhớ lại là, sáng hôm nay, đi uống cà phê với một blogger, tôi có nói rằng ‘Hễ người Việt muốn nói về vô vi, thì đã có ông Trang Tử, Lão Tử biết hết trơn rồi!’, ‘Hễ người Việt muốn nói về thiền, thì đã có ông Đạt Ma, Huệ Năng, Muju, Osho, Krishnamurti gì đó biết hết trơn rồi!’, ‘Hễ người Việt muốn nói về Phật pháp, thì đã có mấy đại đức Thích-Gì-Đó biết hết trơn rồi!’, ‘Hễ người Việt muốn nói về triết lý của Chúa, thì đã có mấy Cha gì đó biết hết trơn rồi!’, ‘Hễ người Việt muốn nói về biện chứng, thì đã có ông Khổng Tử, Heraclit hay Hegel/Marx gì đó biết hết trơn rồi!’…, sao tội nghiệp cho người Việt vậy, chả lẽ những người bình thường như chúng ta là… những con hến!!!
Và cũng chính vì thế mà tôi đã đổi lại tiêu đề bài viết là: ‘TÔI DÁM VIẾT VỀ ĐỀ TÀI VĂN CHƯƠNG’.
*
Tôi viết bài này tối hôm qua (22/12/2014), sau khi đi dạo bờ sông và nói chuyện ‘Chí Phèo’ với một bạn gái. Sáng nay, tôi có nói chuyện phiếm với một bạn khác về văn học VN và… thế giới, rồi về nhà, tôi viết bổ sung vào bài nháp nói trên. Thiết nghĩ, là nhà-uống-cà-phê học, tôi viết bài này nói lên cách nhìn tản mạn của tôi - một blogger - đối với văn chương, để tự học là chính, và để các blogger thư giãnnếu có, thế thôi, do đó, nó không dành cho bất cứ nhà phê bình văn học nào, và nếu ai đó quá muốn mọi thứ đều phải làm ‘như ý’ của mình thì vui lòng đi… uống cà phê ở ‘nhà’ khác.
Không nhất thiết phải tra từ điển, tôi nghĩ là văn chương khác với văn học, mà theo bạn gái ở trên thì, văn học là khoa học nghiên cứu về văn chương!, ‘yes, madam’, cứ chấp nhận như vậy đi. Nhưng tôi cũng có nghĩ khác chút đỉnh, tôi thiết nghĩ triết học, phê bình văn học, bình luận chính trị/xã hội… há không phải các áng văn chương hay sao? Và lời nhạc, lời trong phim… há không phải là những đoản văn hay có thể là các bài thơ sao? (vì có nhiều lời thoại rất là triết lý trong các phim như ‘Khang Hi vi hành’, ‘Đề hình quan Đại Tống’, ‘Bao Thanh Thiên’, ‘Cuộc đời của Pi’, ‘Ma trận’, 'Thung lũng im lìm', 'Kỵ sĩ cô độc'… chẳng hạn, hay, người ta nói lời trong những bài nhạc Trịnh đều là các bài thơ…).
Tôi cũng nghĩ là văn chương hay phê bình văn học không phải là đặc quyền của ai đó. Vì vậy, ai cũng có quyền nhận định về bất kỳ một cuốn sách nào đó (ai cấm!), dù đúng ít hay nhiều, rồi từ từ sẽ có nhận định sâu hơn. Tôi rất dễ dàng ‘search’ trong Google để lấy ra một danh sách của vài chục ‘sử gia’ (!), mà có bạn nói đó là ‘giả sư’, vì đa số là nói một chiều không à (cười). Ngoài ra, tôi cũng rất thích tính ‘phá’ trong văn chương của Bùi Giáng, hay tính ‘tản mạn’ trong văn chương của Trần Đĩnh (tôi không quan tâm đến mặt chính trị), mà họ không hẳn là các nhà phê bình văn học. Vậy nếu ai tự xưng hay được phong là nhà phê bình văn học thì cứ gặp tôi, (chúng) tôi sẵn sàng ‘welcome’ tại quán cà phê, để xem thử ai đó là ‘cao thủ phê bình văn học’ đến cở nào!, hihi…
Lưu ý rằng dưới đây chỉ là quan điểm cá nhân, tôi chỉ thích tìm hiểu thế giới, chứ không thích phân biệt ‘thị’ hay ‘phi’, ‘lề trái’ hay ‘lề phải’, và không thích can thiệp vào chuyện riêng của người khác, nên tôi ‘xử lý tư liệu’ để viết, bằng cách quan niệm rằng ‘vô phi thị đạo’ (không có cái gì không phải là đạo)…
*
Như đã nói một phần ở trên, tôi rất chán văn chương… Việt Nam, vì theo (chúng) tôi, chả có gì 'khai phóng' và chả có gì sâu sắc lắm để đọc, (cũng chả có phim nào của VN mà thực sự gây ấn tượng đối với tôi), và cũng cần nói thêm rằng chả mấy ai quan tâm, mà nói thực là chả mấy ai biết ở VN có những nhà văn/nhà thơ nào đạt cái giải gì, và chả mấy ai tin vào mấy cái giải đó (cũng như vụ bằng cấp thôi), tôi xin tâm sự thật lòng như vậy, vì đó là một thực tế.
Tôi có một ví dụ là có người đọc 10.000 cuốn sách, trong đó có 9.000 cuốn là sách văn học, còn tôi cũng đọc 10.000 cuốn sách, nhưng tôi chỉ đọc 1000 cuốn văn học, còn 9000 cuốn còn lại là các loại sách khác nói về các danh nhân (thế giới), bút ký khoa học của các nhà bác học/biên tập, diễn giải khoa học/thế giới tự nhiên của các nhà nghiên cứu, triết học, vũ trụ học…, thì hiển nhiên là người đọc 90% sách văn học sẽ bình luận văn học tốt hơn tôi rất nhiều, nhưng nhìn dưới giác độ khác, ‘dường như’ tôi có ưu thế hơn (và việc thích xem phim/truyện phim cũng là một ưu thế khác), vì có thể nhờ đó mà tôi không bị hạn chế về nhân sinh quan, thế giới quan, hay chủ thuyết chính trị… (cười)
Vì thế, trước đây tôi có viết bài ‘Câu chuyện quanh cuốn Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh’, ‘Văn chương... chán thật!’ và ‘Nỗi buồn văn học’ mà tôi chỉ trích ra đây 2 đoạn làm ví dụ (xem thêm ở đường dẫn bên dưới):
1. Gần đây, có một chú rùa trẻ thường hay ngồi suy nghĩ dưới gốc cây, nó cũng thường hay ngắm trăng, trước đó, nó cứ ngỡ là trên mặt trăng có chú Cuội và chị Hằng Nga. Ngày 16/7/1969, nó bỗng bất ngờ phát hiện ra có một vật gì bay vòng vòng trên mặt trăng, hỏi kỹ ra, nó mới biết đó là chiếc phi thuyền Apollo 11 của làng rùa M đang đáp xuống mặt trăng… Thế là nó nằm mơ. Nó mơ thấy các ngài như Shakepeare, Hugo, Balzac, Dostoievski, Lev Tolstoi, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Tagore, Khalil Gibran, Kim Dung… ngồi họp với nhau và họ rất ngạc nhiên khi thấy các cụ ở làng rùa X vẫn ở vùng trũng văn chương của thế giới, chưa biết giải Nobel văn chương là hình vuông hay hình tròn, sau đó nhờ thảo luận rất lâu về thực chất của cái được gọi là tính cộng đồng 'duy ngã', các ngài mới vỡ lẽ ra.
2. (trích từ bài… thơ ‘Văn chương... chán thật!', đường dẫn bên dưới)
Anh đã đọc đâu đó,
có một nhà hiền triết nói ví von về hai loại... nhà văn:
‘Loại động vật’ thì lăng xăng
viết thật 'nổ' để lòe nhân thế,
nhưng kiến thức thì bị ‘lủng’,
vì biết nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu.
‘Loại thực vật’ thì yên lặng và từ từ nghiền ngẫm,
nên hiểu biết của nó rất sâu sắc
như cái rễ cắm sâu vào lòng đất…
*
Bổ sung một tí, tôi có đọc lai rai một số sách/tài liệu phê bình văn học như của Hoài Thanh - Hoài Chân, rồi Hoàng Như Mai/Vũ Hạnh (nghe diễn thuyết), Lê Đình Kỵ, Đặng Thái Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến..., rồi mới đây ở trên mạng có đọc một số tư liệu về phê bình văn học của Nguyễn Thanh Sơn, Acemediavn (Trẻ Trâu), Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Mạnh Hảo, Hoa Mai, Cuồng Từ, Bulukhin, Hoàng Thu, Nhật Tuấn, Hai Rạch Giá…
Từ hồi 5t cho đến nay, tôi có đọc sách/tư liệu (và xem rất nhiều phim) mà có thể kể rất chi tiết hay tóm tắt ít nhiều ('tạm phân loại', kể cả một số tác phẩm ‘lề trái’, mỗi thứ tôi kể tên một số tác phẩm (các bạn đừng bảo tôi tự cao nhé), vì nếu kể hết thì entry sẽ rất dài), như:
-Văn học phương Tây: Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Câu chuyện dòng sông, Chiếc lá cuối cùng, Cleopatra (tư liệu), Đoạn đầu đài, Giải phóng châu Âu (phim), Gulliver du ký, Hamlet, Hài Sạc-lô (‘phim’), Hàm cá mập, Hội chợ phù hoa, Kỵ sĩ cô độc (phim), Lucky Luke, Lũ người quỷ ám, Ma trận (phim), Napoleon, Ngư ông và biển cả, Người cá (phim), Những tâm hồn cao thượng, Papillon vươt ngục, Romeo và Juliet, Steve Jobs (tư liệu), Thần thoại Hy Lạp, The President (phim Mỹ), Thị trấn Banshee (phim), Thượng đế cũng phải cười (phim), Tình bạn vĩ đại và cảm động, Tình yêu cuộc sống, Trà hoa nữ, Trăm năm cô đơn, Truyện cổ Andersen…
-Văn học phương Đông: Bao Thanh Thiên (phim), Bến Thượng Hải (phim), Chiếc chìa khóa (truyện Nhật Bản), Cuộc đời của Pi (phim), Đô-rê-mon, Đông chu liệt quốc, Góp nhặt cát đá, Hán Sở tranh hùng, Khang Hi vi hành (phim), Mùa thu lá bay (phim), Phong nhũ phì đồn, Tam quốc chí, Tây du ký, Thủy hử, Truyền thuyết Lý Tiểu Long (và toàn bộ phim Lý Tiểu Long/Lý Liên Kiệt/Chung Tử Đơn/Châu Tinh Trì…), Vô Kỵ giữa chúng ta (Hiện tượng Kim Dung), và toàn bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung/Cổ Long…
-Văn học Việt Nam: Bích câu kỳ ngộ, Blog Ái Nữ (‘Có khi nào’, 'Nồng Nàn Phố'...), Chiếc lược ngà, Chinh phụ ngâm khúc, Cò hồn xã nghĩa, Cô Ba Trà (tư liệu), Dế mèn phiêu lưu ký, Đàng sau một số phận (phim), Đèn Cù, Đĩ thúi, Hài Hoài Linh (Xuân Hinh, video), Hắc Bạch công tử (tư liệu), Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, Hồn bướm mơ tiên, Hố thẳm tư tưởng, Nhạc Trịnh (Phạm Duy, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Thanh Tùng…, lời), Thơ Bùi Giáng (Phạm Thiên Thư, Nguyễn Phong Việt, Thích Tánh Tuệ…), Thời xa vắng, Triết học đường phố (trang web), Vàng và máu…
Đó là chưa kể đến các tác phẩm như: Albert Einstein, Albert Camus, Biện chứng của tự nhiên, Bút ký triết học, Cuộc sống và sự nghiệp, Đạo đức kinh, Gương danh nhân, Hạt cơ bản/Hạt thượng đế (tư liệu), Lê-nin toàn tập, Minh triết Đông phương, Nam hoa kinh, Vật lý hạt nhân, Vật lý tiến hóa luận, Vũ trụ song song (tư liệu)…
Viết đến đây, ắt hẳn có bạn ‘thách’ tôi kể một trong các cuốn trên, tôi có kể tổng quan rồi, trong các entry ‘Những cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến đời tôi’ hay ‘Những cuốn phim ấn tượng trong đời tôi’ (xem đường dẫn bên dưới), nên tôi sẽ không tham gia vào chuyện thách đố đó (cười).
*
Ở đây, tôi chỉ lấy 1 ví dụ điển hình.
Tôi nói thật, tôi không thấy tác phẩm ‘Chí Phèo’ là hay lắm/có giá trị quá cao, mà nếu có giá trị thì chỉ có giá trị lịch sử, tương tự cho ‘Con trâu’, ‘Đoạn tuyệt’, ‘Gió đầu mùa’, ‘Nằm vạ’, ‘Số đỏ’, ‘Vang bóng một thời’…, nó giống như một bức tranh chụp ‘hiện thực’ vào thời đó, mà ngày nay có xác suất áp dụng rất thấp, chỉ dùng để nghiên cứu/tham khảo, và hiếm khi được xài trong điện ảnh... (Ôi, nay ta không viết được cái gì hay hơn sao mà phải lôi người… chết ra, hãy chuyển ‘ôn cố tri tân’ thành ‘tri tân ôn cố’, hãy đưa chúng vào… ‘viện bảo tàng’ để con cháu chúng ta đôi khi đến chiêm ngưỡng, đây cũng là một loại giá trị!). Tôi thấy Chí Phèo ‘hành động một cách bản năng’ hay ‘uống rượu say, rồi tùy hứng nhảy lên ấy ấy với Thị Nở’ (cũng đồng ý kiến với một phụ nữ), tôi tự hỏi ‘Chí Phèo giết Bá Kiến xong thì làm được cái trò gì, nếu Chí Phèo, sau này, lên làm chủ tịch xã thì xã hội sẽ như thế nào?’, ‘Trong thời đại công ty ngày nay, một anh hai lúa học dốt, mà thường xuyên say xỉn và miệng lúc nào cũng có thể tuôn ra cả tràng ‘đ. má’, ‘đ. mẹ’, thì liệu có thể được tuyển dụng không?’, 'Thế hệ trẻ có nên tái hiện kịch bản Chí Phèo-Thị Nở không?'…
Một số nhà phê bình ‘lề phải’, có lẽ cho rằng giai cấp tư sản/phong kiến là xấu (đại diện: Bá Kiến), nên cần phải bị lật đổ bởi giai cấp vô sản - là tốt (đại diện: Chí Phèo!)??? Và như thế họ tổng quát hóa lên là ‘ta tốt, địch xấu’!!! Nhưng nay Mỹ đã bình thường hóa quan hệ với Cuba, còn ông Raul Castro tuyên bố rằng vẫn tiếp tục chủ thuyết chính trị này! Lưu ý rằng, có lẽ cụm từ ‘chủ nghĩa tư bản’ có trước Marx (thậm chí từ thời Hy-La cổ đại), và rộ lên sau thời Marx, nhưng tư bản (= capital) có gì là xấu!, cứ hình dung mục tiêu tối hậu của chủ nghĩa tư bản ngày xưa là ‘lợi nhuận tối đa’. Khái niệm này, ngày nay đã được điều chỉnh một cách tiến bộ và hợp lý hơn rất nhiều, (và nay cũng nên hiểu từ ‘tư bản’ khác hơn xưa, khác hơn nhiều), mà khi đọc một số tài liệu, tôi thấy rằng ở các nước tư bản mà lời từ 0,1 - 1% thì sướng như tiên rồi, còn có những nơi hiện nay không phải là tư bản mà lời 10% đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện, lời vài trăm % hay vài ngàn % là chuyện mà hàng ngày ta có thể nghe/thấy trên báo đài, ví dụ, ‘Tướng mê vàng Cốc Tuấn Sơn ở Trung Quốc tham nhũng đến 5 tỷ USD’ (= 112 nghìn tỉ đồng, nguồn: vnexpress.net), rồi ‘Biệt thự "khủng' của Bạc Hi Lai ở Pháp rao bán 11,17 triệu USD (= 239 tỉ đồng, nguồn: baomoi.com), đó là chưa kể đến Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch… (Bổ sung tư liệu: Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (GIF), Trung Quốc mất 1,3 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ 2003 - 2012 vì các hoạt động tham nhũng và trốn thuế. Con số khổng lồ này đưa Trung Quốc lên vị trí đầu bảng danh sách các quốc gia đang phát triển thất thoát nhiều tiền nhất - nguồn: baomoi.com). Vậy các ông như Bạc Hi Lai, Chu Vĩnh Khang, Cốc Tuấn Sơn, Lệnh Kế Hoạch… là Chí Phèo hay Bá Kiến?, có phải người ta diệt Bá Kiến để sản sinh ra những Chí Phèo-Bá Kiến mới hùng mạnh hơn gấp vạn lần?, và ngày nay có những Chí Phèo và những Bá kiến không? (mà tôi hay đùa là chỉ có trước năm… 75). Vì thế mà tôi không quá ngưỡng mộ ‘tác phẩm ‘Chí Phèo’.
Ngoài ví dụ trên, tôi cũng có đọc sách/xem phim ‘Chị Dậu’ và tự hỏi ‘nay có còn chị Dậu nữa không?’; tôi có đọc ‘Xuân tóc đỏ’ và tự hỏi ‘ngày nay cái anh chàng đĩ đực đó làm sẽ sáng tạo ra cái trò gì?; tôi có đọc thơ ‘Trăng lên trăng đứng trăng tàn/Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng/Thuyền em rách nát/Mà em chưa chồng/Em đi với chiếc thuyền không/Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!…’ và tự hỏi ‘nay thuyền em có còn rách nát nữa không?’; tôi có đọc thơ ‘Tôi buộc lòng tôi với mọi người/Để tình trang trải với trăm nơi/Để hồn tôi với bao hồn khổ/Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời’ và tự hỏi ‘nay hồn tôi có gần gũi với bao hồn khổ nữa không?’...
Hơn nữa, đi lang thang trong đời, tôi có đọc lướt sơ qua một số tác phẩm ‘lề trái’ như Cò hồn xã nghĩa (Phạm Thành/Bà Đầm Xòe), Đèn Cù (Trần Đĩnh), Đĩ thúi (Nguyễn Viện), Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, Những lời trăn trối (Trần Đức Thảo)..., tôi thấy chúng có ‘hay’, ví dụ như cuốn Đèn Cù hay Đĩ thúi, tuy nhiên có lần tôi đã phê rằng cuốn ‘Những lời trăn trối’ do một số tác giả ghi lại với sự lọc lựa các ý chính trị (chứ không phải là chính tay Trần Đức Thảo viết, và một triết gia không bao giờ viết theo kiểu ‘giới hạn’ như thế), mà trong cuốn đó có cả trang nói lại về ‘vụ bà Nguyễn Thị Năm’ (đã có nhắc đến trong cuốn Đèn Cù và rất nhiều tư liệu khác trên mạng) hay khoảng 5 trang hằn học về một vị lãnh tụ của VN, rồi cuốn ‘Cò hồn xã nghĩa’ viết mà có tả cảnh trực quan về một vị lãnh tụ nào đó với cảnh sex rất thô tục, rồi trong một chương nọ có đến mấy chục từ nói về 2 bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà (đọc tới đây, tôi vất cuốn sách xuống, vì ‘nhà văn gì mà kỳ vậy!’)…, nói chung, tôi thấy các tác giả đổ xô vào việc ‘khai thác’ chế độ, mà thiết nghĩ việc ‘cố tình’ này là một thứ ‘tính Việt’ mà làm hạn chế đi cái tư duy nâng cao lý tính hay lý trí của người Việt, mà có lần tôi nói với một người bạn vong niên là ‘triết học/văn học không phải là châm bẩm vào việc nói chuyện chính trị’…
*
Tôi thấy dị ứng khi các nhà phê bình văn học sau 75 (lề phải, bên thắng cuộc) thường bình luận bằng cách chê rất nhiều nhà văn/thơ trước 75 (các ông/bà đã lấy gì làm hay, được mấy cái giải quốc tế/Nobel?), ngược lại các nhà phê bình văn học trước 75  hay ‘loại-trước-75’ thì chê các nhà thơ/văn sau 75 là nô dịch hay bồi bút (các ông/bà đã lấy gì làm hay?)…
Tôi cũng càng ngày càng dị ứng với khái niệm ‘dân chủ’ (mặc dù trước đây tôi rất thích), dĩ nhiên độc tài thì ai cũng ghét rồi, rất ghét, vô cùng ghét, nhưng khái niệm dân chủ nay cũng được hiểu một cách hàm hồ, trong đó tôi thấy hình như một số người hiểu ‘dân chủ’ - mỗi người hiểu một cách, theo ý đồ riêng của họ, mà có lúc, ví dụ, tôi viết bài ‘Tiêu Phong và A Châu định đi thăm Trường Sa và Hoàng Sa’ (với hàm ý nói TQ là… ngụy quân tử) thì không được xem là… dân chủ!, hay tôi thích ngắm dòng sông, vui chơi với mấy con mèo, con chó, rùa/cá, hay làm thơ tình ca tụng bóng hồng thì bị cho là không… dân chủ! Nói chung là họ cho dân chủ là thay đổi… chế độ (mặc dù nếu gặp trực tiếp thì họ sẽ nói là chỉ ‘thay đổi’ thôi!), mà theo tôi hiểu, ‘cái này là sự vận động của lịch sử chứ không phải là ý muốn cá nhân’ và tôi còn bổ sung thêm là ‘coi chừng bị sa vào chém gió/háo danh bởi có rất nhiều người lúc nào cũng đòi… 'cải tạo thế giới', mà hầu như chả thấy tự cải tạo bản thân bao giờ’… Tôi cũng xin trích dẫn một câu thuộc loại ‘dị ứng’ của bạn Trần Quốc Trung như sau: ‘Các nhà dân chủ như mình thấy trên net thì là mầm dịch hạch đã chuyển hóa thành người - một lũ người quỷ ám’ (lời bình số 35-14, entry ‘Cánh đồng Kỳ Diệu ở xứ Ngu Si’, blog Ái Nữ), mà tôi chưa có ý kiến…
Tôi cũng thấy là Mỹ rất dân chủ, nhưng vừa rồi đảng Cộng hòa đã thắng thế đảng Dân chủ đó (có liên quan đến vụ ‘nới bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN’, hay ‘vụ bình thường hóa quan hệ với Cu Ba', chẳng hạn), tôi còn thấy là các nhà nghiên cứu phương Tây/Mỹ phải nghiên cứu lại tại sao Hồi giáo (ví dụ, IS, Taliban, Hamas…) chống ‘thế giới phương Tây’ (thậm chí Pakistan, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, TQ…) quyết liệt đến mức vô cùng cực đoan và một mất một còn như thế, thiết nghĩ triết lý Hồi giáo chả có gì… sai, chắc phải có một cái gì đó vô cùng nghiêm trọng…
*
Tôi tin chắc là trên thế giới blog, có rất rất nhiều bài văn, bài thơ hay, nhưng hình như chả được bên ‘lề phải’ (hay ‘lề trái’) quan tâm lắm, chẳng hạn như báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Văn Nghệ… rất hiếm khi đăng bài của các blogger!, có lẽ là vì số trang có hạn (đã dành cho các ‘ngài’ nổi tiếng hay ‘nhóm lợi ích’ rồi), mà chắc lý do chính là vì hầu hết các blogger là những người ‘trung lập’ - không viết theo kiểu ‘lề phải’ (ca tụng chế độ). Tôi có đọc được nhiều entry hay, một số có thể hay hơn trong các sách báo ‘chính quy’, chẳng hạn như các bài văn/thơ trong blog Ái Nữ, Nồng Nàn Phố, Vĩ Cầm Trắng, Có Khi Nào, OM, Như Thị, Mùa Thu Vàng, Bạch Mai, Trần Hồ Dũng, Trần Minh Châu, Giáo Làng, Mưa Rừng Chiều, Lộc Vừng, Lời gió thầm thì, Lam Bình, Bình Địa Mộc, Nguyễn Đăng Thuyết… và nhiều nhiều nữa, mà trong đó, có một số bài đã được in thành sách (và bán ở hiệu sách!), được đăng tải trên báo, hay được đặng tải lại ở các blog trong và ngoài nước.
Tôi định giới thiệu 2-3 bài văn trong blog của Ái Nữ, mà tôi cho là đặc biệt hay. Tuy nhiên, đó chỉ là thẩm định riêng của tôi (và một số nhà văn/thơ tự do), nên để tránh chuyện ‘vui chưa thấy mà đã vội nhức đầu’, tốt hơn hết là tôi đăng bài của… tôi vậy, hi... Tôi chọn đăng bài dưới đây, lý do là vì nó ngắn, nhưng quan trọng nhất là đã được blogger Như Thị chấm là ‘bài hay nhất trong số các entry đầu tiên của tôi’, các bạn vui lòng đọc tí nhé:

CÔ ĐƠN
Ai nói nghe có lý ghê: "nơi lạnh nhất không phải ở Nam cực mà ngay trong trái tim của chính mình".
Cuối mỗi buổi chiều làm việc, hắn hầu như hết năng lượng, đi như lết về khách sạn, vội vã cởi tất và áo quần, bật máy điều hoà, lập tức nằm vật xuống giường. Có nơi, phòng ngủ của hắn gần một cái cửa sổ nhìn về hướng ruộng đồng. Gần 2 tiếng đồng hồ, hắn ngắm nhìn ánh chiều tà tắt dần, nhìn làn khói lay lắt bốc lên từ bếp của những người nông dân, thỉnh thoảng nghe tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy bậy đâu đó ... Nỗi cô đơn như làn khói chiều lén lén vào hồn hắn, từ chỗ mỏng manh đến dầy đặc. Cái đầu hắn thì nặng chình chịch với đầy rác rưỡi sau một ngày làm việc mà tâm hồn ban đầu thì rỗng tuếch, rồi dần dần giá lạnh như tảng băng nhưng trong đầu lại tích tụ đầy tâm ma đủ loại… Đến đó thì hắn bế tắc, lúc đó hắn cũng rất dễ bị ma cái hút lắm.
Lúc đó hắn chả biết hắn muốn cái gì nữa, nói chung là không muốn bất kỳ cái gì cả, làm cái gì cũng chán.
Cô đơn, có thể, là một nỗi buồn bất tận, buồn không biết tại sao buồn. Nếu ta đã từng có lần bị thất bại thảm hại, ta sẽ hiểu nỗi “cô đơn” của người bị thất bại ra sao. Nếu có Thượng đế bên mình, ta vẫn cô đơn…
Hắn kêu “mẹ ơi! mẹ” nhưng nào có đâu, hắn gọi “ba ơi!”..., hắn gọi “em ơi” nhưng không có tiếng trả lời, hắn mong có một giọng nữ gọi thiết tha từ đâu đó, nhưng có lẽ hắn không thiết…
Uống cà phê ư! hắn đã uống cà phê và nói những điều chán chường cả ngày rồi.
Đi nhậu ư! nhậu cũng hay lắm, đôi khi có tình có nghĩa lắm, nhưng nhiều khi hắn nhậu để nói những điều mình không thật sự muốn nói, để nghe những điều mình không thực sự muốn nghe, hoặc đôi khi phải giả say để chứng tỏ là mình nhập bọn, hoặc để nói phét, hoặc để có khi say ngủ li bì, hoặc cuối cùng là để nói những điều vô nghĩa với không ít người đa phần là rỗng tuếch, hám danh và sĩ diện.
Nói phét ư! để giết thì giờ thì đây không phải là một cách hay. Khi nào bạn thử tiếp xúc với một vài “kẻ” nói chuyên không suy nghĩ sâu, nói cái gì cũng tin là mình đúng, nói cái gì cũng cho là người khác sai, nói “hiếp dâm” người khác..., bạn sẽ thấy nói phét làm hao tổn nguyên khí như thế nào.
Chơi games ư! một thời gian rồi cũng chán.
Xem phim (chưởng, sex, hình sự…), tình hình cũng như vậy.
Online ư! chat hoài rồi cũng chán.
Đọc truyện (chưởng…), xem các bản tin thời sự, xem ca nhạc, xem bóng đá, bóng chuyền…, rồi tình hình cũng như vậy.
Hút thuốc ư! hút hoài rồi điều thuốc cũng cảm thầy nhạt thếch.
Mát-xa nữ ư! cuối cùng cũng là một trò nghịch ngợm và vô bổ.
Nói chuyện với Phật hay Chúa ư! rồi nghe những điều các ông ấy nói cũng quá xa hiện thực, chán rồi.
Cứ như vậy, hắn chờ từng 5 phút, rồi từng một phút, không có cái gì thay đổi cả. Rồi hắn thử hình dung ra bên ngoài xã hội, hắn bỗng thèm chảy nước miếng được như thiên hạ. Giờ này thiên hạ đang tham gia hội chợ phù hoa một cách say sưa. Các con thiêu thân đang lao mình vào bóng đèn ảo ảnh một cách cuồng nhiệt. Các cô gái “ấy ấy” đang hau háu mắt trong các cửa hàng shopping hay lao mình vào những điệu “nhảy” điên cuồng. Các bà thì có thể mắt xem ti vi còn miệng đang nói chuyện “ba con vịt” một cách đam mê. Các ông thì đang “vểnh dái” ra nằm xem ti vi hay nói phét văng cả nước miếng ra ngoài. Các đôi tình nhân đang quay cuồng rên rỉ trong các vũ điệu đực cái. Các triết gia, nhà khoa học đang cho ra đời những luận cứ, có thể, vu vơ. Các nhà văn nhà thơ đang tích cực sản xuất ra, có thể, hàng giả. Các tay làm ăn kinh tế đang mai phục để ngay tối nay hay ngày mai, có thể, để “đớp” tiền của người khác...
Còn hắn! hắn im lặng và bất lực trước các ánh đèn điện gọi mời trước mắt mà chìm vào bóng tối của sự cô đơn. Cứ như thế, trong 4 tiếng đồng hồ, hắn cam chịu cái cực hình này, rồi hắn úp mặt lên bàn khóc ướt đẫm cả bàn, hay khóc “rung giường” đến nổi ướt đẫm cả gối.
Có lúc hắn nhớ lại một chuyện phim, có một người đàn ông cô đơn tuyệt đối đang lang thang trên bãi biển, bỗng nhiên gặp một người đàn bà cũng cô đơn tuyệt đối đang lang thang trên bãi biển, hai người gặp nhau, hai cái cô đơn gặp nhau nên cảm thông với nhau… rồi hai người yêu nhau. Chuyện chỉ có trong phim, làm gì có mà mong!
Rồi 6 tiếng đồng hồ trôi qua. Hắn là ma đực dĩ nhiên hắn thích ma cái, nhưng rồi tình hình cũng tương tự, không lẽ con ma cái là thơm tho vĩnh viễn! Cô đơn cộng hết năng lượng suy ra lười biếng đến nỗi lết ra khỏi giường lấy cái gì hắn cũng bực mình, nếu mà có con ma cái nào gọi điện thoại đến, hắn cũng không thèm tiếp. Hắn chỉ có một giải pháp, hãy chết đi, nếu lỡ sáng mai còn sống thì lại tiếp tục hiện tượng cô đơn này đêm này qua đêm khác, cho đến khi một cái chết thật sự diễn ra.
Nhưng dù sao, như thế là hắn đã chết rồi đó!
*
Thế thì tại sao tôi ‘chấm’ những ai đó là nhà văn/thơ thực thụ hay xuất sắc (excellent), thậm chí là thiên tài?
Tài năng vốn không phải là do việc tự phong, nên việc chấm như vậy phải dựa vào một số tiêu chí thật sự khách quan (có thể là tiêu chí quốc tế), mà xưa nay ở ta, chả mấy ai đạt được (xin lỗi). Để tiện cho các luận giải dưới đây, tôi xin đưa ra một ví dụ: Có một chàng trai trẻ, xa lạ, mới vừa quen, anh ta ‘có tài’ biên tập (cho các loại bài trong blog), tôi thấy vậy mới khen anh ta và động viên anh ta nên tìm hiểu thêm về kỹ thuật website, rồi giới thiệu cho anh ta làm biên tập viên cho một ông tổng giám đốc nọ... Thế thì tôi có xét ‘lý lịch 3 đời ăn củ chuối’ của anh ta không?, tôi có xem thử là anh từ Mỹ sang hay là ở VN (con em gia đình ông lớn chẳng hạn)?, tôi có xét xem anh có là bà con với tôi, có ‘phong bì’ hay có ‘nâng bi’ tôi không?, không, các bạn hiểu ý tôi rồi chứ.
Nhà văn/thơ thực thụ là ai?
1. Trước hết, kẻ đó không nói theo chế độ (chế độ nào cũng được, mà bị các bạn thời đại học của tôi cho là ‘bồi bút’, còn anh bạn của tôi năm ngoái lại dùng từ ‘nô dịch’). Kẻ đó cũng không có luận điệu căm thù chế độ. Đồng thời, một nhà văn thực thụ thì không thể quá ‘chém gió’ về dân chủ cũng như không quá ‘dìm hàng’ về độc tài (giữa thiện và ác, hay giữa dân chủ và độc tài chỉ cách nhau có một sát-na).
Để tiện hình dung về 2 'thái cực' đó, tôi cứ ví dụ là tôi đang có một người yêu ở Cali (năm ngoái), và một người yêu ở VN (cách đây 3 năm), nhưng bây giờ tôi vẫn nhớ về người yêu ở Mỹ với câu:
Tháng tư chưa đến, mơ em đến
Em nói rằng 'anh, quả đất tròn'
Bờ Tây xa lắc anh còn ngóng
Bờ Đông gió lộng, tim bỗng đau.
còn người yêu ở Việt Nam như sau:
‘Thế là dù sao cuối cùng hắn đã nhìn thấy nàng, thật chứ không phải trong mơ. Trước đó hắn rất hồi hộp vì đã hơn một năm không thấy bóng dáng nàng đâu, không biết vì lý do gì. Hắn nghĩ là mình sẽ tiến đến và bắt tay nàng thật chặt và sẽ không bao giờ để cho bàn tay đó đi đâu mất nữa... Hắn vẫn chưa được gặp lại nàng, nhưng hắn vẫn còn gọi nàng bằng cái tên duy nhất là ‘Yên Ngọc’ như là một người thật, không ảo. Giấc mơ vẫn còn đó.’
2. Kẻ đó phải ‘phá’ thật sự, có nghĩa là cái gì mà thiên hạ nói hàng ngàn năm rồi thì mặc kệ người ta, cái gì mà các kẻ nổi tiếng nói thì mặc kệ họ, ta hãy nói bằng trải nghiệm, suy nghiệm, thậm chí là cần phải có triết lý/triết học riêng của ta, mặc dù điều đó có thể nghịch với các ý của các ‘cây cao bóng cả’ hay ‘cây đa cây đề’.
3. Kẻ đó phải tự khám phá ra chính mình bằng cách quan sát thế giới tự nhiên, chứ không phải lúc thì trích thơ Tagore, lúc thì trích văn Victor Hugo, hôm nay thấy ông GS này hay, ngày mai thấy ông TS kia hay, vì sao, vì bản thân ‘thế giới tự nhiên là một cuốn sách vĩ đại’, mà quyền khám phá ra nó hoàn toàn không thuộc về riêng một… vĩ nhân nào cả, dù là trong quá khứ hay tương lai, v..v…
*
Cũng xin nói thêm rằng, sáng nay uống cà phê, chúng tôi nhắc đến vụ Khổng Tử nói rằng, rồi Marx nói rằng, Nietzsche nói rằng, Tagore nói rằng, v..v…, như ‘Đạo khả đạo phi thường đạo’, ‘Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân’, ‘Nhân chi sơ tính bổn thiện’, ‘Xúc mục vô phi thị đạo’, ‘Đời là cát bụi’, ‘Nước không bao giờ chảy hai lần qua cùng một dòng sông’, ‘Hạnh phúc là đấu tranh’, ‘Thượng đế đã chết’, ‘Lý thuyết thì màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi’, ‘Quý hồ tinh, bất quý hồ đa’, ‘Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình’, ‘Đừng hy vọng, đừng chờ đợi’, ‘Học, học nữa, học mãi’, ‘Mỹ chỉ là con hổ giấy’, ‘Chỉ có lợi ích dân tộc vĩnh cửu chứ không có tình bạn vĩnh cửu’… gì gì đó, mọi người ở quán cà phê này đều nói rằng: biết rồi, khổ quá, nói mãi, còn một bạn lại nói: dân ta là dân ‘bắt chước’ (thậm chí còn dùng từ ‘nô lệ’), tôi mới bảo: tại sao ta không nói là ‘tôi nói rằng’, và than thầm:
-Ôi, biết đến bao giờ dân ta mới thoát khỏi cái ‘quyền lực mềm’ này đây!
Nói tóm lại, cái gì là ‘anh hùng’, cái gì là ‘lãnh tụ’, cái gì là ‘vĩ nhân’ hay ‘thánh nhân’, cái gì là triết hay thiền-phật-chúa, cái gì là Mỹ, Nga, Pháp, Nhật hay Tàu, tại sao ta lại phải theo ‘đế quốc’ này hay đế quốc kia, ta không thể là người Việt một cách tự tin hay sao? tại sao ta phải ca tụng ông này và đề cao ông kia, tại sao ta phải ‘nhũn như con chi chi’ đối với người nước ngoài, ta không thể là ta hay sao?
Đó là các nét ‘phá’ của cái mà được tôi gọi ai đó là một nhà văn hay một nhà thơ thực thụ, hay nói cho cùng, của cái mà được tôi gọi là văn chương.

Cuối cùng, nếu có ai hỏi tôi ‘Văn chương là gì?’, một cách không sùng bái bất cứ vĩ nhân nào, tôi xin trả lời: ‘Văn chương chính là tôi, tôi chính là văn chương’, còn nếu ai đó có ‘ném đá’ thì cũng mặc, vì tôi là ‘Giáo chủ ma giáo’, và vì tôi ở xa lắm: tận dưới địa ngục, ha.. ha.. ha...

(HẾT)
---------
Các entry có liên quan:
-Cô đơn, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/03/29-co-on.html
-Khi Bùi Giáng điên, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/08/232-khi-bui-giang-ien.html
-Những cuốn phim ấn tượng trong đời tôi, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/10/270-nhung-cuon-phim-tuong-trong-oi-toi.html
-Những cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến đời tôi, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/10/258-nhung-cuon-sach-co-anh-huong-lon-en.html
-Nỗi buồn văn học, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/06/581-vi-sao-anh-buon.html
-Văn chương... chán thật!, xem: http://nhagomlabang.blogtiengviet.net/2014/06/09/v_n_ch_ng_chan_th_t 

29 nhận xét:

  1. Bài viết anh đề cập nhiều khía cạnh từ văn học đến cuộc sống, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.

    Chúc anh mùa giáng sinh an lành!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quả là nhận định có tính bao quát,
      thanks nhé, chúc Noel vui vẻ'

      Xóa
  2. hairachgia [Blog Tiếng Việt] 24.12.14@05:52
    Đọc hết entry. HRG lạnh toát cả người cộng với cái rét Giáng sinh làm cái keyboart run cầm cập.
    Hóa ra trên thế gian này có rất nhiều, rất nhiều tay vỗ ngực phành phạch rồi la to: "Ta đây" nhưng chả có tay nào là TA hết, cứ nhổ râu người (và cả lông nữa) cặm vào vào càm mình. làm cho mấy tay TA thứ thiệt câm họng. Hihi
    GIÁNG SINH VUI VẺ NHÉ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Hai quả là rất có năng khiếu triết học (bạn Sáu, Lộc Vừng hay Mùa Thu Vàng... cũng vậy), nếu gặp 'cơ' thì dễ làm nên... chuyện, LB nhận định thực lòng đó, chúc mừng và cám ơn anh.

      Xóa
  3. Bình cho blog Bulukhin:
    Mình định bình, nhưng đã có người bình hợp ý rồi: "Nói ra anh Bu đừng cười em nhé vì quả thật em hỏng biết nhà văn này... nhưng giờ thì em biết rồi đó ! Em chỉ mong sao thế hệ bây giờ và cả sau này khi nói đến nhà văn BÙI NGỌC TẤN ai ai cũng đều biết đến và mãi nhớ đến ông.... chứ đừng giống như em, thật là xấu hổ... híc ...", hihi...
    P/S: À, mình có viết một bài.... phê bình văn học' (cười), bạn qua góp ý giùm mình nhé. Thanks.

    Trả lờiXóa
  4. Hihi,
    Nhà gom Lá bàng rất có khí phách hiên ngang…
    Theo Hoa tím thì:
    Văn chương của thế giới xưa nay vẫn quanh quẩn trong bóng đêm ngàn năm đen tối mà thôi, chưa có một ai có thể vút lên đc TƯ TƯỞNG YÊU THƯƠNG RẠNG RỠ mà ngời ngời rực sáng lung linh…
    Thế giới hiện đang chuyển mình dứt khoát để bước sang một thiên niên kỷ mới, mở ra một trang sử chói ngời hoàn toàn mới, mà muôn vàn lấp lánh yêu thương… Người có thể tiên phong vút lên đc tầm cao tư tưởng vời vợi ấy chỉ có thể là nhà thơ đương thời cực kỳ vĩ đại Cung Thầm Vũ Lang yêu dấu mà thôi…

    Thân ái chúc Lá bàng Giáng sinh thật vui nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình không có thành kiến quá với bạn Bảo Lộc,
      tuy nhiên "tự cao là kẻ thù nguy hiểm nhất của trí tuệ,
      đặc biệt là trên con đường dẫn đến sự giác ngộ",
      ở đây, mình chỉ nhìn văn học dưới bình diện nhà-uống-cà-phê-học,
      có nghĩa là những điều mình viết ở trên không phải là của mình,
      mà là của một tập thể khao khát sự "tự chủ".
      Bạn bình tốt lắm, thanks.

      Xóa
    2. Hihi,
      Lá bàng thực ra vẫn chưa sửa đc cái tật dẫn chứng người khác, nói theo người khác mà ko có chính kiến của mình, ko suy nghĩ thấu đáo xem điều đó có đúng ko…

      Nhân tiện đây Hoa tím thấy cần phải nói thêm với bạn về vấn đề tự cao này, bởi bạn suy nghĩ ko đúng nên đã rất nhiều lần phản ứng điều này, tỏ thái độ ko thích những người dám nói lên ý chí của mình mà bạn cho là tự cao, tự đại, kể cả nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại Cung Thầm Vũ Lang yêu dấu …

      Theo Hoa tím thì:
      Tư cao khác với khoác lác, hay nói dóc, hay bốc phét…
      Tự cao, nó có một nội lực vô cùng mạnh mẽ, cần phải khuyến khích người ta dám nói lên ý chí của mình…

      Tự cao, nó là một tính tốt rất cần cho xã hội vươn lên, nó trái ngược với tự ti, nhút nhát, yếu đuối, đớn hèn, cam chịu, ko bao giờ dám đứng lên, vùng dậy, đấu tranh phản kháng gì…
      Thường thì hết thảy những người tầm thường ko bao giờ giám tự cao…

      Tự cao cũng hơi khác với khiêm tốn, ở chỗ: khiêm tốn thực ra cũng là tự cao trong lòng, nhưng người ta giả vờ ko nói ra mà thôi…
      Lúc nào cũng khiêm tốn ko dám nói ra ý chí phi thường của mình những lúc cần thiết, thì đó cũng là một điều tai hại vô cùng, nhìu khi phải trả giá bằng cả cuộc đời, gia đình, xã hội, bằng bao nhiu thế kỷ tối tăm…

      Tự cao, đó là một hình thái cao của tư tưởng, ý chí và niềm tin, dám nói, dám làm, nó hàm chứa trong đó một bản lĩnh, tri thức hơn người và một nội lực mạnh mẽ, một tầm nhìn vươn xa vời vợi, một quyết tâm sắt đá thôi thúc vươn lên…
      Chỉ có những người tầm thường, nhút nhát như con gái mới ko dám tự cao, ko dám tự khẳng định mình mà từ đó truyền ý chí niềm tin xốc tới vượt lên cho nhìu người khác…

      Chỉ có những người có bản lĩnh hơn người mới dám tự cao, thể hiện mình, và thường họ đều là những nhân tố thăng hoa tiên phong xung kích, trở thành những thủ lĩnh nghĩa quân, những lãnh tụ tư tưởng vĩ đại, những người đầu tàu dẫn dắt xã hội…

      Bởi vậy,
      Nếu một xã hội mà ko hề có một ai nào dám tự cao thì xã hội ấy kể như vứt đi, ko bao giờ vươn lên đc, cứ chìm trong đen tối mãi ko thôi…

      Tự cao, nó ko ngăn cản, ko tự thỏa mãn, mà chính là nguồn động lực vô cùng mạnh mẽ thôi thúc người ta xốc tới, vươn lên đạt cho kỳ đc những ước ao khát vọng vời vời ngút ngát nghìn thu…
      Tự cao, bản thân nó ko hề làm hại gì…
      Chỉ có khoác lác, tự ti, khiêm tốn dởm đời mới là kẻ thù nguy hiểm nhất của trí tuệ, đặc biệt là trên con đường vút cánh vươn lên của toàn xã hội…

      Nhưng, con người thường có tính xấu là ko muốn ai hơn mình, nhưng cũng vô cùng khát khao đc dưới trướng những người vĩ đại…
      Chỉ có những người có tầm vóc tư tưởng cao vời mới nhận thức mà thấy hết đc giá trị vô cùng to lớn, thật là quý giá muôn ngần của những người dám tự cao ấy…

      Bởi thế, tự cao cũng cần phải thể hiện một cách khéo léo, thật duyên dáng ý nhị, đúng nơi, đúng lúc, rất vui mà thật hào hùng, sáng trong, ngời ngời khí phách thì chắc chắn sẽ đi vào lòng người, và họ tất sẽ ào ào tung hô mà rầm rập tiến mãi bước quân hành…

      Hihi,
      Nói kiểu này chắc là cậu Lá bàng nhà ta thế nào cũng tức khí ko dám duyệt đâu, ko dám để cho người khác cùng biết đâu, có khi lại còn bĩu môi, cười khỉnh nữa ấy chứ… hjhj

      Xóa
    3. Bạn nghĩ như vậy thì bạn làm như vậy, tôi không quan tâm.
      Cái mà tôi đang quan tâm là chiều nay sẽ như thế nào,
      nhưng chắc chắn là
      'TÔI SẼ NGẮM DÒNG SÔNG'.
      Thank bạn.
      P/S:
      -'Đứng trên vai những người khổng lồ' khác với sự trích dẫn. Tôi, trong bài này, thay vì trích bài của Ái Nữ, đã trích toàn bộ bài của tôi đó ('CÔ ĐƠN'), nhưng của ai cũng chả sao, vì 'văn dĩ tải đạo'
      -"khiêm tốn dởm đời mới là kẻ thù nguy hiểm nhất của trí tuệ": like! (nhưng điều này không biện minh cho sự tự cao.

      Xóa
  5. Trộm nhìn em tím gốc cây
    Bỗng dưng anh thấy đau đau trong lòng
    Lỗi vì em dáng quá cong
    Phải chi em đến, anh... bồng đi chơi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. No-el nhớ bữa hôm nào
      Cụng ly tâm sự, nhỏ to chuyện thiền
      Cuộc đời kẻ tỉnh, người điên
      Thôi thì ta hãy mơ huyền với... em

      Xóa
    2. Dung Tran (Facebook)
      Merci pour votre poèm. Je vous souhaite joyeux Noël et Bonne Année!
      16 phút trước

      Xóa
    3. Ối giời ơi, bạn DT nói tiếng... Ả Rập à, I don't understand, hihi...

      Xóa
    4. Dung Tran
      Hehe! ban co ong ban "gu gồ" voi "mr. bing" đó! You are just joking!
      NGLB rất "siêu"! minh thich doc nhung bai viet cua ban. Rat hay & "nặng ký"!
      Chuc NGLB & gia đình một mùa Giáng sinh an lành.

      Xóa
  6. Lưu comt Ga nhỏ:
    Ngày xưa mời đến rẫy chơi
    Thế mà đã tối hai mươi tư rồi
    Ngoài đường đầy ắp người đi
    Gà rừng hứa đãi, bây giờ có chưa!, hihi...

    Noel vui nhé chị Ga nhỏ.

    Trả lờiXóa
  7. Lấm lem vạt nắng, em nằm
    Mến em, anh muốn em mềm mại sông
    Đời im, bao đợt sóng ngầm!
    Xa em, anh nhớ, biết còn thấy nhau

    Trả lờiXóa
  8. Bút Chì (Facebook)
    Sang nhà chú, đọc được bài viết về văn chương của chú mà thấy ngộp thở, không dám like, không dám bình luận gì cả. Chú rất giỏi, giỏi ở mọi lĩnh vực. BC rất khâm phục chú đấy! (Cháu nghĩ trả lời chú bên này (FB) chắc tiện hơn. hi hi.
    Chúc chú đêm giáng sinh ấm áp và dồi dào năng lượng cảm thông bên những bóng hồng nhé. hi hi.
    1 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy chú lấy máy bay Boeing chở lời bình của BC qua nhà LB nhé (tí nữa qua mà xem), trả công một bữa Karaoke thui, hihi...

      Xóa
  9. Lá bàng ơi! Giờ này Ông Noel đến thăm an chưa? Ngọc qua anh vội vội để còn về nhận quà Giáng sinh, kẻo chậm chút Ông ấy đi mất ..Hì hì..Giáng sinh an lành nhé Lá Bàng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, Noel LB ở nhà, đi chúc 'Tết' mấy chục cái blog, mờ cả mắt, híc... Thank Nhớ nghen, tối GS ngọt ngào.

      Xóa
  10. Người đi đâu mất làm tôi nhớ
    Cánh bướm chiều nay xỏa cánh buồn
    Dòng sông cảm trắng, lục bình tím
    Giọt nhớ bên sông, lịm xuống đời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em lại về đây Lá Bàng ơi!
      Dòng sông hoa tím lững lờ trôi
      Hoa cải bình yên vàng trong nắng
      Gọi nhớ miên man một khoảng trời...

      Xóa
    2. Hehe, nhớ hoài chắc chỉ còn có... bộ xương,
      thank bài thơ của muội nghen,
      happy new year 2015.

      Xóa
  11. MT sang thăm anh , hôm qua bận quá nên hôm nay sang chúc anh Giáng Sinh 25 nhiều niềm vui , hp anh LB nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công chúa pé pỏng lúc nào cũng vô tư, thank nhé, ngày Noel đi chơi vui nhé.

      Xóa
  12. Em nói thật với bác em & 1 số blogger được bác khen hay nếu gửi báo đăng thì cũng bị chê chẳng ai cho đăng đâu nên chưa bao giờ em có ý định gửi bài đi đâu cả... làm thơ để giải trí & giao lưu với bà con làng G thôi....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Em nói thật với bác em & 1 số blogger được bác khen hay nếu gửi báo đăng thì cũng bị chê chẳng ai cho đăng đâu nên chưa bao giờ em có ý định gửi bài đi đâu cả": chính xác,
      mình có gửi cho 1 cuộc thi thơ, 3 bài thơ, 2 năm rồi, biệt vô âm tín, híc...
      Thôi, ta tự chơi ở nhà ta cùng bạn bè xóm lá vậy.
      Cám ơn bạn đã đọc bài rất kỹ. Thân.

      Xóa
  13. Còn mấy ngày nữ hết năm rồi.. trọn vẹn niềm vui đón chào năm mới caca nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui da da, cám ớn tiểu sư muội, Noel có vui kg? Chiều ngọt ngào nhé.

      Xóa