Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

737. Chí Phèo và các nhà chém gió học (Tùy bút, Chương II)


Sân khấu cuộc đời, bao diễn viên
Người thì nửa tỉnh, kẻ nửa điên
Nửa thân dấn vào đời ô trọc
Nửa người nửa vật, nửa mơ tiên

---------

CHƯƠNG II: CHÍ PHÈO VÀ CÁC NHÀ CHÉM GIÓ HỌC

Kẻ thù chính của Chí Phèo là ai?
Trong các câu chuyện kể tiếp ở chương này, tôi sẽ không dùng từ ‘đau khổ’ (vì nghe có vẻ triết quá!), mà dùng từ ‘nỗi khổ’, vì nó là từ ‘bình dân’, hay là từ mà các blogger thường dùng như nỗi sầu, nỗi đau, nỗi buồn, nỗi nhớ, nỗi cô đơn, nỗi quốc nhục… để mô tả nỗi niềm của một/nhiều ‘con người’ (chứ không phải của ‘loài người’) trong một không thời gian hay một thực tại nào đó.
*
Trước tiên, các bạn hãy xem thử Chí Phèo chửi ai nhé.
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.
Chửi như thế thì ‘võ công’ cao lắm cũng chỉ ngang cơ với Tạ Tốn, Lâm Tiên Nhi, Hemingway, Nietzsche, Albert Camus, Maiakovski, Esenin, ông Địa Ngục, ông Đau, ông Khổ, hay thằng Ba Bự… dưới đây mà thôi!, hihi…
‘Võ công’ của họ như thế nào?

*
Hemingway nổi tiếng với chúng ta là nhờ vào tác phẩm ‘Ngư ông và biển cả’ - hình ảnh một ông lão nghèo nàn, cô độc, chiến đấu dai dẳng và một mất một còn giữa biển cả vô biên với con 'cá mập' rất to, ông đã thắng con cá mập và mang về nhà chỉ còn bộ xương của nó! Tác phẩm nói lên cái khát vọng vô cùng của một con người đơn độc trước tạo hóa, và kết quả là cái mà con người đạt được chỉ là con số ‘0’… Nguyên nhân chủ yếu của vụ Hemming tự tử là vì ông thấy sống trên cuộc đời này không có ý nghĩa nữa, bị hiểu nhầm/không hiểu chính mình (ta là ai?), tránh là một gánh nặng cho người khác/xã hội, hay nói một cách dễ hiểu là nếu ta có sống hay không sống thì cũng chả có gì hay!... Và cuối cùng, vào ngày 2/7/1961, Hemingway đã cầm một khẩu súng săn, tự để vào đầu mình và bóp cò, ‘đoàng’ một cái, thế là những bi kịch và mâu thuẫn nội tâm trong cuộc đời của ông đã chấm dứt, chỉ trừ các cuốn truyện mà được con người phong là ‘vĩ đại’, tất cả đều là hư ảo và ngay cả ‘tình yêu của ông cũng không có gì để mà còn lại’… (NGLB)

Tạ Tốn là nhân vật đau khổ nhất và cũng là nhân vật bi tráng nhất trong các tác phẩm của Kim Dung! (truyện ‘Ỷ thiên đồ long ký’). Cả gia đình ông bị sư phụ ‘đẻo’ là Thành Khôn hãm hại, giết chết cả thảy là 13 người, nên suốt đời ông mang một mối thù ‘bất cộng đái thiên’ và tâm niệm ‘quân tử báo thù, mười năm chưa muộn’ bằng cách luyện ‘Thất Thương Quyền’ đến nỗi bị tổn thương kinh mạch trầm trọng; nỗi khổ này càng tăng khi ông còn bị ông Trời ‘rượt theo’ và ‘đì’ cho tận mạng: bị mù mắt và gặp bão tố mà trôi dạt ra tận Băng Hỏa Đảo và buộc phải ‘sống mòn’ ở đó cả 20 năm - mà có vô số lần, ông đã đòi chém, đòi giết ông Trời và chửi ổng là ‘Lão Tặc Thiên’.
(Ông Nietzsche cũng… chán Ngài đến nổi tuyên bố là ‘Thượng đế đã chết’!)


Lâm Tiên Nhi (Tàng Kiếm Giai Nhân) là nhân vật đẹp nhất và thủ đoạn nhất trong các tác phẩm của Cổ Long! (truyện ‘Tiểu Lý Phi Đao’). Nàng đã lợi dụng ‘vốn tự có’ để điều khiển tất cả các đại cao thủ trên thiên hạ, kể cả Phương trượng chùa Thiếu Lâm, trừ Lý Tầm Hoan. Sau này, âm mưu của nàng bị phá sản bởi họ Lý, rồi bị bọn đàn ông ‘danh giá’ khinh bỉ, hất hủi, xa lánh, nên nàng trở nên ‘thù đời’ và tự hủy diệt bản thân bằng cách sẵn sàng ngủ với bất kỳ tay ‘cái bang’ nào mà nàng gặp, và kết quả là nàng nhanh chóng trở thành một bà già tàn tạ, xấu xí, mà chết bờ chết bụi ở đâu đó.

Địa Ngục là nick của một anh chàng do tôi… đặt (cười). Cách đây 2 năm, tôi có gặp một người bà con xa, theo đạo Chúa. Trông anh ta cũng khá là ‘Chí Phèo’, nhưng trong tay có cái ‘chít chít’, trong túi có vài triệu bạc, có nhà cửa tàm tạm với một chiếc xe máy ‘Wave Tàu’ đẻo, và có vài sào vườn, rẫy…, nên lâu lâu cũng có tí đồng vào đồng ra, và tự đi xe đò để thăm bà con (anh ta không đi chung với bọn giàu!).
Khi anh kể chuyện đời của mình ‘từ chỗ thuộc một gia đình danh gia vọng tộc đến chỗ rơi xuống tận đáy của xã hội’, tôi bắt đầu cảm thông, cảm mến, rồi tôn trọng anh, vì trong đó, anh có nói:
-Có cái địa ngục nào mà khổ hơn cái địa ngục trần gian này, tôi đã thuộc hết mọi đường đi lối bước trong địa ngục rồi, đừng có lấy địa ngục ra mà dọa tôi!


Ông Đau là một nhà văn, còn ông Khổ là một nhà-uống-cà-phê-học, kể cả ông chém gió X nữa là ba ông, mà tôi có gặp vài lần. Ông X chỉ ông Đau (ngồi bên cạnh), và nói: ‘Ông này muốn tuyệt tự’! Ở đây, tôi ngầm hiểu là ông Đau không cần sống nữa (mặc dầu ông ta phải sống)... Ổng X còn nói: ‘Anbert Camus cũng tự cho mình là một kẻ xa lạ (stranger) trong cuộc đời này’!
Nó làm tôi nhớ lại là, trong cả chục năm nay, tôi rất thường gặp ông Khổ, mà tâm sự với tôi, ổng nói:
-Tôi không cần sống. Tại sao tự nhiên ‘thượng đế’ lại sinh ra tôi chứ. Tôi đâu có cần. Tôi có nộp đơn ‘xin làm người’ cho ổng đâu. Ổng có giỏi thì đến lấy linh hồn của tôi đi. Địa ngục hay ngày tận thế chả là cái quái gì đối với tôi cả’.


Ba Bự là một thanh niên sống ở Tiền Giang, cỡ 25 tuổi, thất nghiệp, gần như là ăn không ngồi rồi, (thường ngày tụ tập nhậu nhẹt, hay chơi đá gà, như nhiều người miền Tây khác trong xóm tôi)... Tôi có làm việc ở miền Tây (vùng ĐBSCL), lai rai được khoảng 10 năm, tôi thấy trình độ học vấn trung bình của thanh niên ở vùng này (và vùng Tây Bắc) có vẻ ‘khiêm tốn’ hơn so với các vùng khác, vì những nghịch cảnh nào đó rất là khó lý giải, mà nhiều người mới học đến ngang đến lớp 7 hay lớp 9, thì phải ‘bỏ học’ vì nhiều lý do…
Mới trưa hôm qua (12/9), một cô ô-xin - gần như suốt đời phải chạy theo sau đồng tiền -  vì mắc nợ hết lần này đến lần khác - đã kể chuyện về thằng con trai Ba Bự của cổ cho tôi nghe. Nó cứ gọi điện cho mẹ nó và đòi chết liên tục, trong đó, nó có nói:
-Mẹ bảo con lên thành phố để ở đợ cho người ta à? Ai bảo mẹ đẻ con ra làm chi, để phải nghèo, phải khổ?
v..v…
*
Vậy những ‘nỗi khổ’ trên đến từ đâu, cuối đời tôi liên miên suy nghĩ…
Mấy ngàn năm nay, người ta đã có từ ‘sầu nhân thế’, mà cụ thể có câu:
-‘Ai có thể thoát được nỗi sầu nhân thế, trong thế giới phù hoa đó, sống ở đời đã là chuyện điên rồ…’ 
(lời nhạc phim ‘Bao Thanh Thiên’).
Cũng nhờ ‘vụ’ này mà tôi biết: nhân thế là ‘thế gian có những con người’, còn thế nhân là ‘con người sống trong thế gian’… Như vậy, về bản chất, dường như nỗi đau của con người không hẳn là do ‘thế nhân’, mà do sống trong ‘nhân thế’ - cái mà được mô tả bởi nhiều từ/cụm từ khác nhau như: ‘cõi ta bà’, ‘chốn trần ai’; gần gũi hơn là ‘chốn chợ đời’, ‘chốn hội chợ phù hoa’ (Thackeray); văn chương hơn là ‘nơi phù phiếm’ (xuất phát từ cụm từ ‘sự phù phiếm của thế tục’), hay ‘chốn dung tục’ (xuất phát từ cụm từ ‘tảng đá ngầm dung tục’ - Maiakovski)… Nhưng, người ta thường đổ tội ‘nỗi khổ’ là do xã hội, chế độ, do chiến tranh/bị xâm lược (một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, chẳng hạn), do vợ chồng, con cái, cha mẹ, thậm chí đổ tội là do Phật, Chúa, Thượng đế hay ông Trời!
*
Để có thêm… lập luận, tôi xin kể tiếp một câu chuyện mà một cụ đã kể cho nghe mới đây…
Có một bà đã 50 tuổi, bỗng nhiên có bầu. Thường, phụ nữ đã lớn tuổi mà có con thì đứa con sẽ không bình thường, nên bà chỉ có hai giải pháp, hoặc là phá thai, hoặc là sinh con. Nhưng là một người theo đạo Phật, bà không dám chọn giải pháp đầu tiên, nên đến hỏi một ông Thầy. Ông nói: ‘Bà không nên phá thai, mang tội chết, mà cứ sinh con tự nhiên, nếu sinh ra ‘quý tử’ thì cũng nuôi, nếu sinh ra đứa không bình thường thì cũng nuôi, đó là cái nghiệp’. Rồi bà sinh con và chấp nhận nuôi nó, nó lớn lên và to con hơn người bình thường, nhưng lại bị ‘đao’. Xui hơn, tai họa lại ập đến gia đình bà hết lần này đến lần khác…
(Những đứa con sinh ra, dù tốt hay xấu, cũng đều là những ‘thiên sứ - theo cách gọi và cũng là tên của một cuốn phim Hồng Kông!)
Nghe đến đây, tôi chợt khá ngộ về chữ ‘nghiệp’ (mặc dù đã nghe/đọc nhiều lần rồi, Krishnamurti cũng giải thích khá kỹ) - khái niệm này rất là hay: nó giúp cho người ta ‘an tâm’ chấp nhận hái cái quả mà mình đã gieo từ kiếp trước (trùng trùng duyên khởi!). Tuy nhiên, tôi không thích chuyện kiếp này kiếp nọ, mà hiểu theo một cách khác, rằng ‘nghiệp’ là ‘cái tất định’ (nghe có vẻ Hán - Việt quá nhỉ!), nói dễ hiểu là ‘cái đến không lường được, và hiếm khi thoát được’.
*
Tôi đang định tìm một ví dụ minh họa thêm cho vấn đề trên, thì may thay, trên ti-vi đang chiếu cuốn phim tư liệu ‘Bữa ăn cuối cùng của cá sấu’ (phim ‘Thế giới động vật’), trong đó, cá sấu thường ‘bập’ những con linh dương còn non, nhưng rồi hạn hán khủng khiếp đã đến, chỉ trừ một số ít may mắn lọt vào một môi trường thuận lợi nào đó nên tồn tại (ngẫu nhiên lọt vào hang động, chẳng hạn), còn hầu như cả kẻ ăn thịt và kẻ bị ăn thịt đều bị chết phơi xương (rồi mùa mưa đến, sự sống lại tái sinh)... Tôi chợt nghĩ thầm: ‘Ui, nếu con cá sấu to này là cá Đại Hán nhỉ!, và nếu nó đến gần và cà cạ vào con linh dương ‘Chí Phèo’ nho nhỏ, thì con linh dương này sắp rơi vào ‘cái tất định’ rồi đó’, hihi…
Như vậy, ‘ông Trời’ thỉnh thoảng đến và hủy diệt những ai có thể, một cách vô tình, vô cảm, không cần quan tâm đến tốt xấu, thiện ác hay chính tà gì hết (như Đại Hồng Thủy cách đây 12.500 năm, hay Sóng Thần ở Nhật Bản cách đây 4 năm…). Và so với đại cục này thì ‘nỗi khổ’ của những cá thể như ‘Chí Phèo’ chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ!
*
Tóm lại, ‘nhà văn chỉ kể lại diễn biến cuộc sống chung quanh người lúc bấy giờ thôi, còn các chính kiến hay còn gọi là chủ đề tư tưởng là tự ta nâng lên thành quan điểm sáng tác… (Bình Địa Mộc), ‘đôi khi tác giả cũng ngẩn ngơ vì ‘tác phẩm có giá trị hiện thực, phê phán chế độ phong kiến’ như lời các nhà phê bình’ (Vòm Trời Riêng)…, và:
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao 
(Nguyễn Du)
Ai thanh cao thì giơ tay lên, chứ đa số chúng ta sống ở cõi ta bà thì phải ‘phong trần’ là cái chắc!

Và chuyện Chí Phèo chửi người, chửi đời, chửi trời, chửi đất, chửi tất tần tật… là có liên quan đến ‘cái tất định’ nói trên, nói theo sách vở là có liên quan đến ‘cuộc đấu tranh sinh tồn bất diệt’, mà trong đó, Chí Phèo bị rơi vào một trong những trường hợp kém may mắn nhất!, chứ không có liên quan gì đến việc ‘anh nhận ra kẻ thù chính của cuộc đời mình là Bá Kiến’ - là ý hướng của một số ‘nhà chém gió học’!

(xem tiếp Chương III)
---------
Chú dẫn:
  1. Esenin: nhà thơ Nga, sinh năm 1895, tự tử năm 1925, có câu ‘Ở cuộc đời này chết chẳng có gì mới/Nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn’.
  2. ‘Hội chợ phù hoa’: tên một tác phẩm của nhà văn Anh William Thackeray (1811-1863): ‘Tác phẩm có tính chất như một bài ngụ ngôn dài: tất cả những gì được gọi là cao quý, tốt đẹp mà thiên hạ hằng khao khát và thiết tha có được, thực ra chỉ là những chuyện hết sức vô nghĩa, phù du...’ (truyenngan.com.vn).
  3. ‘Kẻ xa lạ’ (The Stranger/L'Étranger): xuất bản năm 1942: ‘Đây là một tác phẩm lạ thường của Albert Camus, nói về một người đàn ông Pháp bị bệnh tâm thần, người mà cuối cùng đã bị tống giam vì tội giết người, và ngồi chờ bị hành hình. Trong thời gian đó, ông đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời…, cũng như những học thuyết cơ bản của ông về những điều phi lý và vô lý (absurdism) (wikipedia)
  4. Tàng Kiếm Giai Nhân là biệt hiệu của Lâm Tiên Nhi - là nhân vật đẹp nhất cổ kim! - đã lợi dụng ‘vốn tự có’ để điều khiển tất cả các đại cao thủ trên thiên hạ, trừ Lý Tầm Hoan - có biệt hiệu là ‘Tiểu Lý Phi Đao’, mà cũng là tên một cuốn truyện kiếm hiệp của Cổ Long...
  5. Maiakovski: nhà thơ Nga, sinh năm 1983, tự tử năm 1930, có câu ‘Chiếc thuyền tình mơ mộng thi ca/Va phải mỏm đá ngầm dung tục/Và tan nát…’.
  6. ‘Sự thật chuyện tình Chí Phèo - Thị Nở’, Cao Hồng Anh, xem: http://caohongvan.blogspot.com/2011/10/su-that-chuyen-tinh-chi-pheo-thi-no.html
  7. Tạ Tốn: biệt hiệu Kim Mao Sư Vương, là nhân vật đau khổ nhất và cũng là nhân vật bi tráng nhất, trong tác phẩm ‘Ỷ thiên đồ long ký’ của Kim Dung.
  8. Tại sao Hemingway lại tự tử?, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/tai-sao-hemingway-lai-tu-tu_5722.html

10 nhận xét:

  1. Trần Dương 560 [Blogger] Email 15.09.15@11:39
    Xin nhà TRIẾT GIA nhagomlabang cho tôi được mở hàng sau khi đã đọc và đọc .
    Chúc chủ nhà vạn sự an vui .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, mình là kể-chuyện-đời-gia (cười), chắc phải trên 1001 chuyện quá!, híc..híc...
      Cám ơn nhé, lâu ngày quá, chúc chiều vui.

      Xóa
  2. Tôi chợt nghĩ thầm: ‘Ui, nếu con cá sấu to này là cá Đại Hán nhỉ!, và nếu nó đến gần và cà cạ vào con linh dương ‘Chí Phèo’ nho nhỏ, thì con linh dương này sắp rơi vào ‘cái tất định’ rồi đó’, hihi…
    Bài này khá hay nhưng có lẻ câu văn trên là câu chốt hạ thì phải... hi hiiiiii.........

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi ui là trùi, ông nầy quả có năng khiếu... triết! (cười):
      Trời mưa, mưa mãi. mưa to quá
      Đang nhớ Mưa thì ổng lại sang, hihi...

      Cám ơn nhé, chúc tối vui.

      Xóa
  3. Muội thăm Ca nè ,buổi sáng vui vẻ Ca hén
    Mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, SG chiều/tối mưa dầm, nước tràn vào nhà, chả làm được cái gì hết trơn, may là ngủ được một đêm (qua), hihi... Thank muội nhé, ngày mới ngọt ngào.

      Xóa
  4. Trả lời
    1. Uh, mưa tùy tỉnh, ở SG hôm qua mưa dầm từ cuối chiều đến tối, hôm nay mình đề phòng thì lại không mưa! híc...

      Xóa
  5. Lưu tư liệu (wikipedia):
    -Đến đây ta có thể nghĩ rằng, Chí Phèo đã làm hiện hình cái văn hoá vô chính phủ của dân làng Vũ Đại, là hiện thân những khát vọng nổi loạn tiềm ẩn trong vô thức cộng đồng. Ai cũng muốn đái vào cái miếu đã mất thiêng nhưng không dám đái, thì có Chí Phèo đái hộ. Sự dung túng Chí Phèo là một hình thức phản kháng của người dân.
    -Chí Phèo đã đi vào đời sống và thành một cái tên để chỉ những người cùng đồ hung dữ, luôn luôn bơi ngược dòng đời sống và có những hành động không kiểm soát được bằng lý trí. Ngay cả trong văn chương, có những người này dùng chữ Chí Phèo để nói về một người khác với cả sự khinh miệt. Từ ngữ Chí Phèo đã thành một danh từ, một tính từ để chỉ và mô tả một mẫu người đặc biệt trong xã hội mà người ta đã quen dùng.
    -Trong đời sống xã hội Việt Nam ngày nay, từ Chí Phèo thường được dùng để chỉ những người ăn vạ, thô bạo, hay uống rượu say, có những tính cách giống nhân vật Chí Phèo trong truyện.
    -Hiện nay, đã từng xảy ra trường hợp có một "Chí Phèo" vi phạm luật giao thông, chửi lại cảnh sát giao thông... Chí Phèo đại náo trụ sở công an...
    v..v...

    Trả lờiXóa
  6. Lưu tư liệu (caohongvan.blogspot.com)
    -Ông Đạt (em của nhà văn Nam Cao) vẫn còn nhớ rõ nhân vật “Chí Phèo” ngoài đời tên thật là Chí. Đó là một gã cao to, râu ria bặm trợn tính tình thô lỗ cục cằn. Ai thuê gì hắn làm nấy, lắm lúc kiêm luôn “nghề” đòi nợ thuê cho nhà giàu để xin tiền uống rượu. Ở làng hồi đó có ông Trương Pháo làm nghề mổ lợn thường hay bị Chí đến mè nheo xin lòng lợn để làm mồi nhậu. Mà phải công nhận rằng tay Chí làm món lòng lợn tiết canh khá ngon nên mọi người gán luôn cho hắn cái tên rất hình tượng “Chí Phèo”.
    ...Ngoài đời, Chí Phèo không “ghê rợn” với ngón nghề rạch mặt ăn vạ máu me đầm đìa như mô tả của Nam Cao. Mỗi khi say xỉn, hắn “chân nam đá chân chiêu” vào điếm canh ngủ khoèo. Hắn cũng chưa từng rạch bụng hay đâm chết người phải chịu cảnh tù tội. Sau này, Chí Phèo đi đâu, chết như thế nào người làng không được rõ lắm.
    ... Riêng Chí Phèo, dù thỉnh thoảng có làm thuê cho nhà Bá Kiến, nhưng anh ta và bà Ba không hề “ọ ẹ” gì với nhau...

    Trả lờiXóa