Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

812. Những người bạn tiến sĩ… (Thư giãn)




Xuân tàn, hoa trắng nở
Ôi, bóng người còn đâu
Núi ngàn, say tiếng gió
Đau, nhớ thủa ban đầu

Tối hôm kia (3/4/2016), xem tin thời sự VTV1, thấy Bộ trưởng Cao Đức Phát ‘xin lỗi dân’ gì đó, đến khuya tôi mới vào Google để kiểm tra, và sáng nay đi uống cà phê, ngẫm nghĩ gì đó, tôi mới viết bài này.
Và ‘vụ’ này chỉ nói một tí vào cuối bài…
1
Quả thật là rất khó nói…
Tôi đã bao nhiêu lần, sáng chiều đi qua và họp ở ‘Dốc Ngọc Hà, Hà Nội’ (Trụ sở của Bộ Nông nghiệp), đi dạo ở trường ĐH NN1 hay 4, ĐH LN Xuân Mai, đánh bóng bàn ở Viện Thủy lợi/Lâm nghiệp/Thủy sản, lang thang trước Ủy ban sông Mê Công…, vì tôi thường ngủ ở Nhà khách Bộ NN ở đường Thụy Khuê, HN.
Cách đây khoảng 15 năm, do có làm việc chung với các chuyên gia của Bộ NN, được đi nhiều tỉnh (Hà Nội, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai, Sài Gòn, Cần Thơ…), nên có nhiều lần họ rủ tôi đi nhậu, rồi hát karaoke… Vâng, tôi chuyên đi hát karaoke - mà các bạn rất hay rủ, vì khi hát tôi… trẻ lại và rất bốc, thỉnh thoảng làm vài ván bài (phỏm) và hiếm khi có bạn gái (cười)…
Vì thế, trong quá khứ, tôi có gặp… Bộ trưởng ở đâu đó!, hình như vậy, nói như thế có thể gây hiểu nhầm là ‘thấy sang bắt quàng làm họ’, nhưng phình phường thôi, vì Bộ trưởng NN cũ và một số Vụ trưởng (Quan hệ quốc tế, Tổ chức/Đào tạo, IT…) thì tôi có gặp rồi... Nói chung là, mặc dù tôi chỉ là một Nguyễn Văn Tầm Thường thôi, nhưng xem trên ti-vi, thấy ông CĐP hiền từ, chất phác…, vì thế mà tôi có cảm tình và xem ông như là… bạn (cười), nên quả thật là rất khó nói!

*
Quay lại chuyện tiến sĩ một tí…
Tôi chỉ nhắc sơ mấy dòng là ở ta đã từng có vụ ‘phó tiến sĩ qua một đêm trở thành tiến sĩ’, rồi lình xình cái vụ ‘tiến sĩ khoa học’ và ‘tiến sĩ không khoa học’ gì gì đó, và VN có trên 24.000 tiến sĩ (gấp 5 lần Nhật!)... Tại sao tôi lại nhắc đến cái vụ này?, vì tiến sĩ cũng phình phường thôi, và vì hôm trước, đi xe đò, tôi có ngồi nói chuyện với một tiến sĩ tốt nghiệp tại Úc… Và có nhiều loại tiến sĩ (hay tương đương tiến sĩ) tốt nghiệp từ Amsterdam, Larenstein, Wisconsin, Sorbonne, Paris, Kiev, AIT Bangkok, Sidney, Leed, Oxford, Standford, Harvard, Illinois…, nhưng khi về VN thì họ cũng… ít nói thôi.
Ở đây, tôi muốn… giới thiệu tí xíu về cái được gọi là ‘học bổng Fulbright’… Thường ăn trưa ở trước cổng văn phòng LHQ (đường Phan Bội Châu, HN), mà tôi nghe các bạn nói rằng: ‘Được thành lập từ năm 1946 bởi Quốc Hội Hoa Kỳ, mục đích của chương trình học bổng Fulbright hướng tới đạt được mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau thông qua các hoạt động giáo dục và trao đổi văn hoá. Chương trình học bổng Fulbright dành cho sinh viên Việt Nam là một chương trình học bổng có giá trị và đầy thách thức nhằm tuyển chọn cũng như tôn vinh những giáo sư Việt trẻ tuổi đạt được bằng Master (Thạc sĩ) tại các trường đại học Hoa Kỳ. Ước tính hằng năm có khoảng 20 -25 học bổng du học toàn phần được trao tặng. Kể từ năm 1992, có khoảng 500 sinh viên Việt Nam đã được chọn lựa tham gia chương trình… Chương trình hỗ trợ các khoá học ở phần lớn các khối ngành khoa học tự nhiên và xã hội, trong đó bao gồm: Văn học Mỹ, Giáo dục, Quản lý dự án; Hoa Kỳ học, Nghiên cứu môi trường, Tâm lí học; Kinh tế nông nghiệp, Quản lý, Hệ thống thông tin/IT, Quản trị công; Nhân văn học, Báo chí, Chính sách công; Khảo cổ học, Ngôn ngữ học/Văn học (không phải của Hoa Kỳ), Y tế cộng đồng; Nghiên cứu, Nghệ thuật/Điện Ảnh, Luật, Công tác xã hội; Kinh doanh (tất cả các ngành), Khoa học thư viện, Xã hội học; Truyền thông, Ngôn ngữ học/Giảng dạy ngôn ngữ, Kế hoạch đô thị/cộng đồng; Nghiên cứu phát triển, Triết học, Nghiên cứu phụ nữ/giới tính; Kinh tế học, Khoa học chính trị… (scholarshipplanet.info).
Khoảng năm 2000, tôi có một người bạn (làm cho LHQ) tốt nghiệp Thạc sĩ Fulbright ở bên Mỹ về, chúng tôi ngồi tâm sự và lai rai món ‘giò gà’ ngay ở dưới chân đường rầy xe lửa, đường Phùng Hưng (HN), tương tự như với vài người ‘Fulbright’ nữa ở các bộ…; nay tôi đã từ giã… chính trường (nhiều năm rồi) nên không biết các bạn ấy làm tiếp cái ‘tiến sĩ’ như thế nào?, vì làm luận văn tiến sĩ (rất) khó, một trong những điều kiện là phải được một giáo sư bên ấy đồng ý ‘guarantee’ (bảo lãnh) và hướng dẫn.
2
Quay lại cái phát biểu của ông P. tại Quốc hội: 'Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn.' (nld.com.vn)
Trang web 'dantri.com.vn' bình luận: ‘Sau phát ngôn cho rằng ‘đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết’ gây nhiều dư luận trái chiều trong những ngày qua, chiều ngày 3/4, trả lời trực tiếp trên báo Lao động, người đứng đầu ngành nông nghiệp - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chính thức gửi lời xin lỗi tới nhân dân. Ông chia sẻ: ‘Tôi cảm thấy rất băn khoăn và ăn năn là tại diễn đàn Quốc hội mình đã không diễn đạt rõ ràng để người dân hiểu rõ ý nghĩ của mình’. Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng phân trần: ‘Trong lời phát biểu của mình thì thời điểm đó tôi muốn nói một ý rằng chúng ta đúng là có thực phẩm vi phạm, cũng có nhiều thực phẩm thực sự an toàn nhưng nhân dân không có thông tin hay không có khả năng phân biệt giữa thực phẩm an toàn hay không an toàn’…
*
Người dân nghĩ gì?
Tại bàn ăn, nhiều người nói rằng ông ‘lỡ lời’, thậm chí có người nói là… ‘ngu’ (xin lỗi).
Điều này làm tôi nhớ có một người bạn là ‘ông tiến sĩ kỳ lạ’ goi điện về quê cho anh ruột của ổng - là nông dân, mà có nói to giọng là ‘sao anh ngu thế’ (!), lúc đó tôi có cảm giác là:
-Vì anh ấy đã là tiến sĩ rồi, nên nghĩ dân là ngu! (ôi!)
Nhưng, cũng cần phải nhắc lại là đa số blogger, nếu không muốn nói là ‘hầu như’, đều xuất thân từ ‘nông dân’, thật vậy, ai mà không đã từng làm vườn-ao-chuồng, như: làm lúa, bắp, đậu, trồng bầu, bí, mướp, rau lang, rau muống, rau đay, mồng tơi, nuôi gà, heo, bò, thỏ, bồ câu, cá, ong, trồng cà phê, cao su, tiêu, điều… Còn nếu mình bị ai nói là ‘có tác phong nông dân’ (tự phát, du kích…) thì đừng có lấy làm tự ái, vì không lẽ học đại học, làm cán bộ, có vài chục/vài trăm/vài ngàn tỉ, hay mới ‘trúng số độc đắc cặp mười’ (mười lăm tỉ)… thì hết ‘nông dân’!
Cũng cần thấy thêm rằng, trưa hôm qua, chắc là không nghe nhầm, tôi cười quá trời khi nghe VTV1 nói là ‘ta có 27 triệu cán bộ công nhân viên’, thật vậy: 'Ước tính tổng số cán bộ nhân viên chính quy và bán chính quy ở nước ta hiện nay khoảng 20 triệu người chiếm 22% dân số, nghĩa là cứ bảy người dân bất kể già trẻ lớn bé phải cõng hai cán bộ. Tỷ lệ đó ở Singapore là 5,2 %, Thái Lan 6,3% và Nhật 5,1%...' (facebook.com), còn nghe nói Mỹ có 1 triệu cán bộ trên 315 triệu dân, tức là khoảng 3,2%...
Tôi mới tính ra là ta có 90 triệu dân, mà có tới 27 triệu cán bộ, thế thì cứ 3 người dân là có một cán bộ, mà nếu bỏ đi con nít hay thanh niên dưới 18t (và s/v còn ngồi ở ghế đại học...) thì cứ 3 người thì có 2 người là cán bộ ăn lương nhà nước, tức là gần như toàn dân làm cán bộ!
*
Tôi có nghe nói rằng ở các nước phát triển thì năng suất lao động/GDP bình quân trên đầu người - hơn ta từ 20-25 lần, ví dụ như so với Singapore, Đài Loan, Nhật, Hàn, Mỹ…
Vì sao? Một cách đời thường, khi tôi ra quán cà phê thì gặp toàn là các ông nói như thể mình là… ‘đại giáo sư - đa tiến sĩ’: nào là toán cũng số một, rồi nào là lý, hóa, sinh, văn, địa chất, công nghệ thực phẩm, quản lý dự án, rồi Phật pháp, Chúa pháp, Ala pháp, Thiền pháp, Thượng đế pháp, Marx pháp, Kinh Dịch pháp, rồi bóng đá pháp, bóng chuyền pháp, Fitsal pháp, ca (sĩ) pháp… là số một, rồi thơ là số một, rồi triết cũng số một… mà mới nghe nói rằng: Cầu thủ quần vợt xuất sắc nhất! của VN là Lý Hoàng Nam xếp hạng… 870 trên thế giới, ‘VN vô địch bị thủng lưới tại FIFA Fitsal World Cup 2016’, VN bị loại ngay từ vòng… gởi xe của ‘Vòng loại bóng đá World Cup 2018’, tôi ngẩn ngơ:
-Số một là so với cái gì!
Đó là chưa kể đến: ‘Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, còn thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt’ (lời thoại trong Chương trình Táo quân 2016), hay phát biểu của một đại biểu quốc hội mới đây:
-‘Đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết rồi’.
Và trên ti-vi, tôi thấy 99% đại biểu QH đều quan tâm đến ‘chủ quyền quốc gia’, tức là ‘vụ Biển Đông’ nhưng nghe nói là xưa nay các ông/bà nghị chưa ra cái nghị quyết nào!
*
‘Em ơi, có bao nhiêu 60 năm cuộc đời’…
Cứ cho là nay ta sống thọ hơn, trừ thời còn bé/đi học là 20 năm, thì ta mần cho cuộc đời được 60 năm, trong đó hết 57-58 năm là dùng để… chém gió hay xưng ‘tôi là số một’ (đã kể ở trên), tức là may lắm là ta chỉ dùng có 1/20 hay 1/30 cuộc đời để nghiên cứu sâu, thậm chí là có nhiều người chả bao giờ chịu nghĩ sâu, hay chả có chuyên môn cụ thể về một cái gì cả!; vâng, vì ‘sâu đến thế là cùng’ nên năng suất lao động/GDP bình quân trên đầu người của ta mà không thua người ta 20-30 lần mới là lạ!
Đó là chưa nói đến dân Tàu… Vừa rồi, đi hớc tóc, tôi vớ tay đọc một tờ báo (Đời sống và pháp luật!), thấy có một bài viết kêu trời, đại khái như sau: ‘Năm 2015, số (lượt) người Tàu sang Pháp là khoảng 5 triệu, sang Nhật là khoảng 9 triệu…, vì nay có thu nhập khá cao (gấp 3-4 lần VN, NGLB), nên họ chi tiêu bên ấy cũng khá thoải mái; tuy nhiên, họ hay chen lấn xô đẩy, đặc biệt là hay tụ tập và nói chuyện to tiếng như chửi nhau; ngoài ra, ở bên Nhật, có một em bé đứng đái ngay trước một cửa tiệm, phóng viên đến nhắc nhở mẹ nó, nhưng bà ta không thèm trả lời một tiếng nào, mà lẳng lặng dắt con đi mất: hành vi này là rất mất lịch sự ở bên Nhật’… Phải chăng họ vẫn còn nặng tính ‘bầy đàn’, và ta cũng gần gần đâu đó!
3
Quay lại phát biểu trên:
-Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, hay
-Nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn.
Có đúng không?, tôi tin rằng không, vì bây giờ ăn cái gì dân cũng sợ, mới đây trên ti-vi nói rằng: người ta đã dùng nước cống đen sì/nhớt thải tưới lên rau, nhuộm đỏ con ruốc (‘con moi’, ở Phan Thiết), mè đen mà rửa 5 lần vẫn có đen! (Đồng Nai), thậm chí các bà nội trợ nói là thắp hương (nhang) bàn thờ cũng coi chừng bị ngộ độc, ăn gạo cũng bị… độc, ngoài ra, nghe nói còn có thịt-gà-thời-Napoleon! từ bên Tàu, và mới đây có một bà ăn bánh mì bị ngộ độc - vì nó có chả pha hàn the, có rau rác bị nhiều lần phun thuốc kích thích/thuốc trừ sâu…, nên:
-Có nhiều bà quyết định tự trồng rau, tự chế biến thực phẩm… để ‘lưu hành nội bộ’, và chủ yếu là mang ra sân bay/bến xe để gởi cho con/bà con đang sinh sống ở Sài Gòn!

Thế mà, vừa rồi xem trên VTV1, có công ty định nhập gà con từ bên Tàu vào VN, mà trong khi đó, tôi đã từng có đoạn nhật ký như sau (entry 'Tôi... khen Chương trình Táo Quân 2016'):
-Hu..hu…, ở đời có 3 thứ... ngon, được gọi là 3G, đó là ‘gạo quê, gà quê và gái quê’, thế mà người ta không tặng gạo hay… gái!
Cách đây khoảng 10 năm, trước Tết, nhà tôi - ở ranh giới giữa nông thôn và phố thị - được các phụ huynh/nhân viên từ trên phố và dưới huyện đến tặng hơn… 20 con gà mái (lúc đó, tôi làm ở Hà Nội, và Tết chỉ về có hơn 6 ngày thôi - một nửa của chế độ nghỉ phép 12 ngày/năm).
Những ả gà này được cột khắp mọi nơi trong vườn (khoảng 40m2), một số con thì cột dưới gốc cây đu đủ, một số thì cột vào chân các chậu hoa, thậm chí cột dưới gốc cây cà dĩa… Ối giời ơi, trong thời gian không quá một ngày, cứt gà đã vung vải khắp trên nền xi măng (một phần của cái vườn), tôi phải lấy vòi nước xịt và dùng chổi quét sân (ngoài Bắc gọi là ‘chổi xương’) để quét, rồi cho chúng ăn thóc (mua ngoài chợ), vừa làm, vừa tự an ủi: ‘tập thể dục ấy mà’! Nói chung là mấy ngày trước Tết, tôi làm trợ lý cho ‘sư tử’: nào là nấu nước sôi, nhổ lông, nào là chọc tiết, làm lòng (lộn ngược ra)…, mà một trong những hậu quả của công việc này người toát ra cái ‘thum thủm chiều trôi, khi anh ra ngoài, bay mùi thúi thúi’ (cười…
Nói chung là tôi cảm thấy rất lo lắng: nhà tôi đang trở thành một công ty chăn nuôi... gà bất đắc dĩ!, và nghĩ rằng nếu tôi là ‘hoàng đế Đại Hán’ thì sẽ lập tức cho đi 19 con (nhưng không dễ tí nào, vì làm sao mà đem gà để tặng ngược lại cho những người ở nông thôn đã có gà!, hay phải đi vòng vòng hết ngày này qua ngày nọ để… năn nỉ tặng mấy đại gia trên phố!), chỉ để lại một con hay nửa con mà thôi; nhưng ‘sư tử’ thì không nghĩ vậy, bả nhận hết, ngoài ra bả còn tuyên bố là ‘hễ ai mà tặng bả một, thì bả sẽ tặng lại gấp đôi, gấp ba’, nam mô a di đà… Chúa!
Nhưng quả thật, ‘sư tử’ xử lý được: hễ ai đến biếu bả cái gì (không phải gà) thì bả biếu lại gà (và vài món khác), còn bả làm thịt đến 4-5 con và chất đầy tủ lạnh!, tôi không biết là sau Tết bả sẽ tiêu thụ như thế nào (vì cả nhà chỉ ăn một tí thôi), nhưng đằng nào thì 6 tháng sau về phép, chúng cũng sẽ biến mất vào… hư vô, hi…

***
Cuối cùng…
Với dòng suy nghĩ ngẫu nhiên:
-Nhớ khi ánh nắng phai màu
Trước thì xanh xám, sau thì xám xanh

Trong lúc thế giới đang đối đầu với đại nạn ‘biến đổi khí hậu toàn cầu’, ‘khủng bố hạt nhân/bom bẩn toàn cầu’, trong lúc dân ta đang đối đầu với đại nạn ‘Biển Đông’, hay dân ĐBSCL sẽ đời đời ‘sống chung với ngập mặn’ (đề xuất của GS Võ Tòng Xuân), trong lúc người ta đã đi… đái trên mặt trăng, rồi sao Hỏa, hay gần đây, hãng Apple đã bán đến gần một tỉ cái điện thoại iPhone…, thì có ông ‘đa tiến sĩ’ nào đó đang sáng tạo ra một định luật vĩ đại: ‘Nhập gà con từ bên Tàu vào Việt Nam’!

Hỡi các ông 'nhập gà từ bên Tàu về VN' ơi, tiền lấy từ đâu?, của ai?, các ông định làm lợi cho cá nhân của các ông, hay cho dân?

Và hỡi các người bạn tiến sĩ của tôi ơi:
-Bạn nghĩ rằng dân có biết không!

(HẾT)

12 nhận xét:

  1. Trần Minh Châu (FB)
    Nghe ông ấy phát biểu là giật cả mình..., sao ông ấy lại mơ mơ màng màng đến vậy
    Ảnh của Trần Minh Châu.
    46 phút trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng thư giãn ti v/v ai đó đang 'sáng tạo ra một định luật vĩ đại', hi... Cám ơn bạn TMC, lâu ngày quá, mình sẽ ghé, chiều vui!

      Xóa
  2. Trần Đức Tâm [Blogger] Email 05.04.16@15:53
    Việt nam hay có cái sân sau. Vinaconex làm vỡ ống nước sông Đà tới 17 lần vẫn được tín nhiệm giao nhiệm vụ làm tiếp giai đoạn 2. Và không bất ngờ người trúng thầu lại là Tầu khựa. Cũng như nhập gà giá rẻ cũng không bất ngờ lại Tầu khựa. Khốn khổ cho dân..., luôn phải sống vì cái sân sau của ai đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, mình cũng có lần nghe thông tin đó (nhưng ngoài... chuyên môn của mình, và lâu rồi nên quên mất!),
      mình hay dùng khái niệm khá tổng quan là 'dựa bóng tượng đài', hi...
      TM.

      Xóa
  3. Thăm anh nhiều vấn đề nan giải

    Đêm an lành nhé anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, mình vừa mới trả lời là có nhiều việc 'ngoài... chuyên môn của mình!', thank bạn PH, tối vui nhé!

      Xóa
  4. Mietvuon Sau (FB)
    Xuân tàn, hoa trắng nở
    Ôi, bóng người còn đâu
    Núi ngàn, say tiếng gió
    Đau, nhớ thủa ban đầu

    4 giờ trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, cám ơn đại đức Thích Nhất Thơ, hi...

      Xóa
    2. Trời ơi, em... hại tôi rồi
      Đường cong như thế, nỡ nào em phơi
      Chim mai kêu tiếng rã rời
      Thần tiên rụng xuống, làm người trần gian!

      Xóa
  5. Lưu comt Trần Đức Tâm:

    Người bỏ đi, đi mút mùa lệ thủy
    Có cụ già dạy bảo: sửa sai
    Nhưng em đâu, chỉ có cánh chim chiều!
    Về phòng vắng, cô liêu ôm gối đợi

    Trả lờiXóa
  6. Mình học hành lôm côm, học ta, học tây, học cả Tàu nữa, vì thế bạn bè nó gán cho là loạn ngôn (ngôn ngữ). Bởi vậy mình "giải": Tiến là lên trước: sỹ là sỹ diện. Vậy tiến sỹ là đưa cái sỹ lên trước. Được không NGLB?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui da, định nghĩa hay quá, hoan hô cả... 4 tay, mình sẽ đưa lời bình này vào bài viết mới, thank bạn, chúc tối vui!

      Xóa